Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

HỒ SƠ GIẢI MẬT CỦA CIA VỀ VỤ SÁT HẠI NGÔ ĐÌNH DIỆM


(Tài liệu được giải mật: Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.)


Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.

Tài Liệu 15.

Trong khi Toà Bạch Ốc chỉ được báo cáo cho biết một ít chi tiết về âm mưu của CIA tại Sài Gòn thì Dinh Gia Long lại biết gần như tất cả.

Ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy như sau. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Dương Văn Minh đến gặp Lucien Conein, liên lạc viên của CIA tại Việt Nam. Minh nài nỉ bên Hoa Kỳ đừng gây cản trở cho kế hoạch đảo chánh. Minh lại còn nài nỉ Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho chính phủ mà phe đảo chánh sẽ thành lập.

Tổng Thống Kennedy phúc đáp Cabot Lodge như sau. Hoa Kỳ cam đoan sẽ tiếp tục viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau đó, Kennedy chỉ thị cho Cabot Lodge rằng không một người Mỹ nào được tham gia đảo chánh.

Không rõ Cabot Lodge đã cho những nhân vật nào của Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết về phúc đáp của Kennedy. Tuy nhiên, có lẽ người được cho biết đầu tiên là Conein, bởi vì ngay sau đó Lucien đến gặp Tướng Trần Văn Đôn nhiều lần để bàn về kế hoạch đảo chánh. Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát, không bỏ qua một chi tiết nào.

Ngày 7 tháng Năm 1963, bà Ngô Đình Nhu lên đường sang Hoa Kỳ mặc dù bà không ưa gì chính sách thù địch của Chính Phủ Kennedy đối với Chính Phủ Ngô Đình Diệm.

Sang ngày hôm sau, hầu hết các tờ báo lớn tại Sài Gòn đều loan tin việc ông Ngô Đình Nhu tố cáo việc làm của những người mà ông gọi là “những người Mỹ thù địch”. Ông Nhu nêu đích danh John Richardson, Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, là tên đầu sỏ, chủ mưu tất cả những kế hoạch gây cản trở cho việc phát triển của Việt Nam Cộng Hoà.

Vì giờ giấc của Hoa Kỳ sau Việt Nam gần một ngày nên cũng trong ngày 8 tháng Chín đó tại Hoa Kỳ, hầu hết các tờ báo quan trọng đều loan tin này, gần như là đầy đủ những gì mà các tờ báo tại Sài Gòn đã đăng. Các đài truyền hình cũng loan tin tương tự và lại còn có phần thời sự, phỏng vấn một số nhân vật am tường tình hình Việt Nam.

Vụ này làm cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc bối rối. Vì ông Ngô Đình Nhu tố cáo đích danh CIA và vì dư luận Hoa Kỳ chỉ trích cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc nên CIA đề nghị Tổng Thống Kennedy mở một cuộc họp báo để giải độc cho CIA và nhờ vào đó, giảm đi được những chỉ trích gay gắt nhắm vào Toà Bạch Ốc. Tổng Thống Kennedy đồng ý và rồi các nhân viên CIA chuẩn bị cho Kennedy những câu trả lời đối với những câu hỏi mà chắc chắn các ký giả sẽ chất vấn ông trong cuộc họp báo.

Quả nhiên, trong cuộc họp báo ngắn ngủi được tổ chức vào ngày 9, Kennedy chỉ bị hỏi đi hỏi lại về vai trò của CIA tại Sài Gòn, và CIA đã làm những gì trong thời gian qua. Đã đọc thuộc lòng các câu trả lời mà nhân viên của CIA đã bày sẵn, nhưng Kennedy cũng hơi ấp úng. Ông trình bày rằng ông không thấy CIA tại Sài Gòn làm bất cứ một điều gì để bị chỉ trích. Kennedy quả quyết rằng các nhân viên của CIA chỉ thực thi chính sách, chứ không đưa ra chính sách. Các nhân viên của CIA tại Sài Gòn luôn cố gắng làm những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của họ nếu họ có khả năng. Về các câu hỏi liên quan đến John Richardson, Kennedy trả lời khá ngập ngừng, rằng ông thấy Richardson là một viên chức tận tuỵ.

Tài Liệu 16.

Như đã nói trong Tài Liệu 15, ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy rằng các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Ngay ngày hôm sau, Kennedy chỉ thị cho Joseph Mendenhall thuộc Phòng Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sang Việt Nam. Mendenhall phải lưu lại Việt Nam cho đến khi nào thực hiện xong một cuộc thăm dò tình hình.

Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát hành tung của Mendenhall.

Ngày 22 tháng Mười, Toà Đại Sứ Anh Quốc tại Sài Gòn tổ chức một cuộc tiếp tân mà Mendenhall là khách danh dự. Tại đây, Đại Tướng Harkins cho Tướng Trần Văn Đôn biết rằng ông đã rõ về âm mưu đảo chánh. Tướng Harkins nhỏ nhẹ nói thêm rằng đảo chánh là một sai lầm tai hại.

Đôn rất lo lắng, vì biết rằng Tướng Harkins luôn hậu thuẫn Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vậy nên ngay ngày hôm sau Đôn chạy đi gặp Conein. Đôn lo âu trình bày rằng âm mưu đảo chánh đã bị bại lộ nên phải dời ngày khởi sự sang một ngày khác, thay vì ngày 26 tháng Mười 1963 như đã định.

Conein tìm mọi cách để trấn an Đôn. Conein nói rằng việc Tướng Harkins nói rằng đảo chánh nhằm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một sai lầm chỉ là nhận xét của cá nhân, chứ không phản ảnh nhận xét của những người Mỹ khác. Conein cũng nói rằng Tướng Harkins là một quân nhân Hoa Kỳ rất gương mẫu và tuân lệnh tuyệt đối Tổng Thống Kennedy, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Hoa Kỳ. Do đó, Đôn không cần phải lo sợ rằng Tướng Harkins sẽ thông báo cho Tổng Thống Diệm về âm mưu đảo chánh.

Ngày 25, Mendenhall vào Toà Bạch Ốc để báo cáo về chuyến đi Việt Nam lên Tổng Thống Kennedy. Mendenhall đưa ra một danh sách những người có khả năng và có thể được đưa lên thay thế Tổng Thống Diệm một khi đảo chánh thành công. Tất cả những người trong danh sách của Mendenhall đều là dân sự và không có dính líu đến vụ đảo chánh.

Tài Liệu 17.

Kế tiếp, Mendenhall đề nghị Tổng Thống Kennedy cho phép cấp một ngân khoản kha khá cho nhóm tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà đang âm mưu đảo chánh để khích lệ họ.

Tổng Thống Kennedy không trả lời đề nghị của Mendenhall. Thay vào đó, Kennedy tỏ vẻ khó chịu về việc đảo chánh Tổng Thống Diệm có thể làm cho công cuộc chống cộng sản bị trì trệ. Vì Kennedy không đề cập đến việc chi tiền cho nhóm tướng đảo chánh nên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chỉ biết rằng CIA có chi cho đám Minh – Đôn mấy chục ngàn Mỹ-kim lấy từ ngân quỹ chính thức. CIA có lấy tiền trong quỹ đen cho đám người này hay không, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia không biết.

Tài Liệu 18 và 19.

Trong hai ngày 27 và 28 tháng Mười, quân du kích cộng sản mò về ba ấp chiến lược trong tỉnh Quảng Ngãi. Quân chính phủ biết trước, tổ chức phục kích và bắn hạ được bọn này. Chính phát ngôn viên quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam chính thức loan báo rằng có 44 tên du kích cộng sản bị bắn hạ trong ba cuộc phục kích nói trên.

Sang ngày 29, Đại Tướng Harkins báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Hoa Kỳ về ba vụ chạm súng nói trên. Tướng Harkins nhân đó, có nhận xét tốt về nỗ lực chống cộng của Chính Phủ Ngô Đình Diệm.

Cũng ngày 29, nhưng tại Hoa Kỳ, tức gần sáng ngày 30 tại Việt Nam, Tổng Thống Kennedy tham dự một phiên họp đặc biệt do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức. Vì phiên họp này nhằm duyệt lại một lần chót việc Hoa Kỳ có nên tham gia đảo chánh hay là không nên chỉ có một số nhân vật cao cấp nhất được mời tham dự.

Vì buổi họp này do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức nên nghị trình do Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy soạn thảo. Đây là phiên họp sau cùng của phía Hoa Kỳ trước khi đám tướng chủ mưu đảo chánh của Việt Nam Cộng Hoà khởi sự.

Người đứng ra trình bày đầu tiên là Bundy. Ông tường trình về tình hình mới nhất tại Việt Nam. Sau đó, ông mời mọi người bàn thảo về việc liệu có nên gọi khẩn cấp Đại Sứ Cabot Lodge về nước để tham khảo ý kiến một lần chót hay là không.

Người đầu tiên trình bày tiếp theo Bundy là Tổng Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, em trai của Tổng Thống John Kennedy. Robert Kennedy nghiêm khắc khuyến cáo tất cả rằng Hoa Kỳ hành động một cách vội vàng thì sẽ đưa đến những tai hại khó mà lường trước được.

Tiếp lời Robert Kennedy là Đại Tướng Maxwell Taylor. Tướng Taylor dựa vào báo cáo của Tướng Harkins về chiến thắng của Việt Nam Cộng Hoà tại Quảng Ngãi, trình bày rằng việc tiếp tay lật đổ một chính phủ mà Việt Nam Cộng Hoà đang có là một điều không nên.

Người thứ ba là John McCone, Giám Đốc CIA. McCone đồng ý với cả Robert Kennedy lẫn Tướng Taylor.

Trong số những nhân vật hiện diện còn lại, đại đa số tuy rằng không phản đối việc đảo chánh tại Việt Nam, vẫn bày tỏ sự lo ngại rằng một chính phủ sau đảo chánh khó lòng mà làm việc có kết quả như Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Thiểu số còn lại quyết liệt phản đối việc Hoa Kỳ tham dự vào kế hoạch đảo chánh.

Sau cùng, tất cả đều đồng ý rằng Hoa Kỳ tạm ngưng việc bàn về đảo chánh đồng thời gọi Cabot Lodge về Hoa Thịnh Đốn tường trình về tình hình Việt Nam.

Tài Liệu 20.

Ngay trong ngày 29 tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy đánh điện cho Đại Sứ Cabot Lodge với nội dung như đã được đồng ý trong phiên họp trước đó. Kennedy ra lệnh cho Cabot Lodge nói với các tướng âm mưu đảo chánh tạm ngưng việc xúc tiến kế hoạch. Kennedy cũng ra lệnh cho Cabot Lodge về Hoa Kỳ ngay lập tức.

Cabot Lodge giấu nhẹm công điện của Kennedy.

Phiêp họp tối cao do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ triệu tập ngày 29 tháng Mười 1963.

Tài Liệu 21.

Trong khi Tổng Thống Kennedy gửi một công điện cho Đại Sứ Cabot Lodge thì Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy cũng gởi một công điện khác cho Cabot Lodge. Bundy dặn dò Cabot Lodge những gì phải làm để các nhân viên của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam có thể ứng phó với tình hình một khi đảo chánh xảy ra và Cabot Lodge lại vắng mặt vì phải về Mỹ tường trình. Cabot Lodge gửi một công điện phúc đáp cho Bundy. Cabot Lodge trình bày rằng ông không thể bỏ Toà Đại Sứ mà về Mỹ được. Cabot Lodge cũng trình bày rằng “Chúng ta phải thừa nhận một điều là người Mỹ không có khả năng ngăn chặn hoặc trì hoãn cuộc đảo chánh mà các tay tổ quân sự ở đây đang xúc tiến.” Câu này làm giới cầm quyền tại Hoa Thịnh Đốn bật ngửa. Bấy lâu nay họ cứ tưởng rằng họ có thể tạo ảnh hưởng hoặc áp lực lên hàng ngũ tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hoà.

Tuy nhiên, Cabot Lodge nói như thế trong công điện gửi cho Bundy thật ra là chỉ để trốn trách nhiệm mà thôi. Chính ông ta đã tạo thêm một sự dễ dàng cho phe đảo chánh bằng cách bất thần cất chức Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn là John Richardson. Richardson trước đó đã bị ông Ngô Đình Nhu vạch mặt chỉ tên là một kẻ phá hoại. Tuy vậy, Richardson thật lòng không tin rằng đảo chánh là một giải pháp nên thực hiện. Chính vì Richardson bày tỏ như thế nên Cabot Lodge phải tống ông ta đi chỗ khác.

Chính Phủ Kennedy cũng tiếp tay cho phe đảo chánh. Một tuần lễ trước đó, họ cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hoà, lấy cớ rằng quân đội đó không chiến đấu chống lại cộng sản mà chỉ tấn công chùa chiền, bắt bớ sư sãi. Bây giờ thì Kennedy lại loan báo rằng viện trợ sẽ được tiếp tục cho chính quyền mới của Việt Nam Cộng Hoà. Đây không những là một khích lệ rất lớn cho phe đảo chánh mà còn thúc đẩy nhiều người lưng chừng ngả theo phe đảo chánh, đơn giản là vì họ muốn được Mỹ viện trợ như trước.

Tài Liệu 22.

Sáng sớm ngày 1 tháng Mười Một 1963, giờ Hoa Thịnh Đốn, tức là vào chiều cùng ngày tại Sài Gòn, Tổng Thống Kennedy đến gặp các viên chức cao cấp về an ninh quốc gia. Ông được báo cáo những diễn biến mới nhất của cuộc đảo chánh. Tất cả những gì đã và đang diễn ra cho thấy tình hình không có lợi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ngoại Trưởng Dean Rusk và Giám Đốc CIA đề nghị Toà Bạch Ốc chuẩn bị đối phó với các câu hỏi mà dư luận sẽ đưa ra liên quan đến diễn biến tại Việt Nam.

Tài Liệu 23.

Nội dung của tài liệu này chỉ bao gồm những gì mà chúng ta đã được biết từ lâu. Đó là cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đại Sứ Cabot Lodge. Tổng Thống muốn biết về thái độ của Hoa Kỳ đối với vụ đảo chánh. Cabot Lodge trả lời rằng ông không được cho biết một cách đầy đủ về điều này nên không rõ.

Tài Liệu 24.

CIA gửi một bản phúc trình cho Tổng Thống Kennedy vào sáng sớm ngày 2 tháng Mười Một 1963, tức là lúc mà ở Sài Gòn đã vào buổi tối. Bản báo cáo nói rằng Trạm CIA ở Sài Gòn chưa biết về số phận của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Họ chỉ nghe đài phát thanh Sài Gòn loan tin rằng hai ông đã tự sát.

Tài Liệu 25 và 26.

Tổng Thống Kennedy có một phiên họp quan trọng với các viên chức cao cấp nhất, bắt đầu lúc 9 giờ sáng, giờ Hoa Thịnh Đốn. Mục đích của phiên họp này là để xem xét tình hình tại Việt Nam. Đúng 9 giờ 15, Michael Forrestal bước vào phòng họp để loan tin rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chết.

Ngay lập tức, Kennedy và những người hiện diện bàn về cách thức đối phó với tình hình mới. Kennedy rất lúng túng về việc phải giải thích với công chúng ra sao và bày tỏ cảm nghĩ như thế nào trước cái chết của Ngô Tổng Thống cũng như ảnh hưởng của nó đến Hoa Kỳ.

Kế tiếp, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ báo cáo về Hoa Thịnh Đốn nhiều nguồn tin khác hẳn nhau về những gì đã xảy ra cho Ngô Tổng Thống và bào đệ Ngô Đình Nhu. Báo cáo này tường thuật từ lúc Ngô Tổng Thống và ông Nhu rời Dinh Gia Long cùng với một thương gia người Hoa vốn là người tổ chức đội ngũ Thanh Niên Cộng Hoà trong cộng đồng người Hoa. Bản báo cáo không nêu danh nhưng chúng ta biết người này là ông Mã Tuyên, một vị quân tử. Xin xem phóng ảnh đính kèm có nói về những nhân vật liên quan. Một đoạn trong này có nói rằng Ngô Tổng Thống và ông Ngô Đình Nhu uống thuốc độc quyên sinh nhưng thật ra đó chỉ là tin tạo dựng bởi những kẻ hèn nhát dám làm mà không dám nhận trách nhiệm.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng đám người trong Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, kể cả Cabot Lodge, chỉ biết xúi dại đám tướng lãnh hạ thủ mà không biết rõ những gì đã thực sự xảy ra.

Tài Liệu 27.

Tối ngày 2 tháng Mười Một 1963, Tổng Thống Kennedy triệu tập một phiên họp ngắn, và chỉ có một số nhân vật hàng đầu được mời tham dự. Kennedy hỏi ý những vị này về việc có nên viện trợ quân sự cho chính quyền mới hay là không. Tuy nhiên, Giám Đốc CIA John McCone phản đối vì cho rằng chưa đến lúc có thể bàn đến việc này. Lý do mà McCone đưa ra là vì cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lẫn CIA và cả Toà Bạch Ốc đều chưa có được chứng cớ rõ ràng rằng Ngô TổngThống còn sống hay đã chết.

Vì thế, phiên họp kéo dài chỉ vài chục phút rồi bế mạc.

Tài Liệu 28.

Ngày 12 tháng Mười Một 1963, CIA tổ chức một phiên họp nội bộ giữa những nhân vật cao cấp. Điều khôi hài mỉa mai là cho đến lúc đó, 10 ngày sau vụ đảo chánh, ngay cả CIA vẫn chưa biết gì về số phận Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Họ theo dõi các bản tin mà báo chí loan tải kèm theo những phần bình luận và lời khai của các nhân chứng. Cuối cùng họ kết luận rằng Ngô Tổng Thống và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị đám tướng đảo chánh hành quyết.

Tài Liệu 29.

Ngày 30 tháng Bảy 1966, Tổng Thống Lyndon Baines Johnson bất ngờ cho mở lại hồ sơ vụ đảo chánh thêm một lần nữa. Johnson ra lệnh cho Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Viễn Đông Sự Vụ William Bundy xem lại tất cả những hồ sơ dưới thời Tổng Thống Kennedy về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, về việc Hoa Kỳ áp lực Tổng Thống Ngô Đình Diệm loại bỏ ông Ngô Đình Nhu, và tại sao giới lãnh đạo cao cấp nhất của Hoa Kỳ ủng hộ việc đảo chánh.

Kết luận.

Các bạn thân mến,

Đến đây thì chúng ta có thể kết luận rằng tại Hoa Thịnh Đốn, từ Toà Bạch Ốc đến Bộ Ngoại Giao và cả CIA đều bị đánh lừa bởi những kẻ như Henry Cabot Lodge và đám CIA tại Sài Gòn. Bọn họ đã cung cấp tin tức sai lạc, thêu dệt nhiều sự việc không có để cuối cùng ba cơ cấu nói trên đưa ra những quyết định sai lầm để đối phó với những diễn biến mà họ tưởng rằng đã thực sự xảy ra.

Chính vì thế nên đã có một bộ tài liệu khác có nhan đề là “Vụ đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm: Một bài học cho CIA”. Chúng tôi sẽ cố gắng chuyển ngữ để gửi đến các bạn trong những ngày sắp tới.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn về thông tin hữu ích này nhé! Trời lạnh nằm trên đệm êm chém gió thì vui phải biết. Ghé website bên mình ủng hộ bạn nhé đệm cao su kymdan

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn bạn về thông tin. mời bạn ghé thăm website ủng hộ mình nhé gia su toán lop 9

    Trả lờiXóa