Những Việt kiều đổi mạng sống lấy.... đô la
(Công lý) - Hiện tượng tội phạm quốc tế gốc Việt nhập cảnh vào nước ta thiết lập đường dây mua bán trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều Việt kiều đã trở thành những “mắt xích” quan trọng trong các vụ án lớn và bị cơ quan pháp luật xử lý.
Vụ án Việt kiều buôn ma túy Peter Huỳnh (SN 1967 tại Kiên Giang, ngụ tại tiểu bang New South Walles, Australia) là một trong những vụ án điển hình cho thấy những thủ đoạn phạm tội rất tinh vi của bọn tội phạm quốc tế… Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh thường bay từ Australia về nước ăn tết cổ truyền. Tối 14/2, Huỳnh đi cùng một cô gái tên Hạnh đến thư giãn tại quán bar trên đường Cống Quỳnh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Tại đây, Huỳnh gặp một người đàn ông tên Minh. Minh chủ động mời Huỳnh đi uống nước bàn chuyện “làm ăn lớn” tại quán cà phê cạnh nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Theo Huỳnh khai nhận: Minh đã đề nghị Huỳnh vận chuyển heroin từ Việt Nam đi Australia với khoản tiền công lên đến 10.000 USD.
Loá mắt trước số tiền khá lớn, Mạnh Tony liền đồng ý. Ngày 26/2, Huỳnh đến trước nhà thờ Đức Bà nhận một bịch ni lông, bên trong chứa nhiều cục heroin được “ngụy trang” trong hộp giấy và áo thun màu xanh nhạt. Khoảng 19 giờ ngày 3/3, Mạnh Tony cẩn thận mặc số quần lót có chứa heroin theo đúng hướng dẫn của Minh rồi ung dung ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi làm thủ tục xuất cảnh, lực lượng Hải quan đã phát hiện ma tuý trong người Mạnh Tony. Qua kết luận giám định cho thấy tổng trọng lượng ma tuý Mạnh vận chuyển lên đến gần 1kg.
Bị cáo Huỳnh trước vành móng ngựa
Trước vành móng ngựa, bị cáo Huỳnh cho rằng y không biết “hàng” Minh thuê vận chuyển đi Australia là ma túy mà chỉ nghĩ đơn giản là hàng trốn thuế. Chỉ khi bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Huỳnh mới biết đó là ma túy. Hội đồng xét xử nhận định lời khai trên của bị cáo không có cơ sở chấp nhận. Ngay tại biên bản bắt giữ, Huỳnh có khai rõ: “Minh đã hỏi tôi là muốn có tiền không, thì hãy vận chuyển ma túy cho Minh từ Việt nam đi Úc, Minh trả công là 10.000 USD và tôi đồng ý”.
Hồ sơ thể hiện Huỳnh còn khai ra những thủ đoạn mà Minh hướng dẫn để che giấu các cục heroin. Điều đó chứng tỏ bị cáo biết trước “hàng” Minh giao là ma túy. Hành vi của Huỳnh trực tiếp xâm hại đến trật tự trị an cho xã hội trong việc quản lý, phòng chống nạn vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Cùng thủ đoạn tương tự như Huỳnh, nhiều Việt kiều đã phải “khép lại cuộc đời” vì lóa mắt trước những đồng tiền bất chính có được từ mua bán “cái chết trắng”. Đường dây vận chuyển heroin của Trần Văn Thành (SN 1965, thường trú tại Australia) và đồng bọn là một trong những vụ án nổi cộm từng gây xôn xao dư luận.
Trần Văn Thành được một “bạn hàng” ở Úc là Lê Thị Hồng Phương nhờ bán hộ 2 bánh heroin đang kẹt ở Việt Nam với giá 10.500 USD/ bánh. Thành liền bàn bạc, phối hợp với Trần Văn Việt (SN 1975, thường trú tại Australia) để thực hiện các “thương vụ”. Theo đó, Thành chịu trách nhiệm mua bán, vận chuyển 2 bánh heroin từ Việt Nam sang Australia, Việt đảm trách khâu tiêu thụ.
Bọn chúng thống nhất các thủ đoạn tinh vi như cất giấu ma tuý vào đế giày thể thao, cho heroin vào ống nhựa rồi luồn qua cánh cửa của container hàn kín lại, sau đó vận chuyển bằng đường tàu biển đến Australia.
Về Việt Nam, Thành liên lạc với Phương đề nghị giao “hàng”. Phương nói với Thành có Lê Thị Loan (cháu gái Phương, SN 1976, thường trú tại Phan Thiết, Ninh Thuận) là người trực tiếp chuyển heroin. Bọn chúng liên lạc với nhau và tiến hành mua bán trót lọt 2 bánh heroin với giá 21.000 USD.
Việt đến gặp Phạm Martin (tự Quang hói, SN 1957, thường trú tại Australia) thoả thuận sẽ bán chịu cho Quang 1 bánh heroin tại Việt Nam. Phạm Martin về nước và liên lạc với Thành để nhận ma tuý. Bọn chúng thoả thuận mua bán heroin bằng nhiều “mật khẩu” rất tinh vi. Phạm Martin không trực tiếp đi nhận hêrôin mà sai Phạm Đại Nhơn (SN 1961, thường trú tại Châu Thành, Tiền Giang) đi giúp… Khi Nhơn đến khách sạn Đông Á (đường Bùi Viện, quận 1) nhận đôi giày bên trong chứa hêrôin thì bị Cục cảnh sát phòng chống ma tuý Bộ Công an bắt quả tang.
Với thủ đoạn phạm tội nêu trên, HĐXX đã tuyên phạt Trần Văn Thành mức án tử hình, Trần Văn Việt và Phạm Martin lãnh án chung thân, các bị cáo khác lĩnh từ 16 đến 20 năm tù. Đó là kết cục tương xứng dành cho những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Các vụ án trên cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng Việt kiều về nước “đầu tư” buôn ma tuý trong giai đoạn hội nhập sắp tới.
An Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét