Từ nguồn báo chí nước ngoài, báo Việt Nam những ngày qua hồ hởi đăng thông tin về việc đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc khó trụ vững trước thời tiết khắc nghiệt, bão tố trên Biển Đông. Cơ sở nào cho nhận định nêu trên? Liệu chúng ta có nên vui mừng và đặt hy vọng vào nó?
Hình ảnh Trung Quốc cải tạo và bồi lấp trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng bài trích dẫn quan điểm của chuyên gia quân sự David Axe thuộc tạp chí The National Interest, cho từ một số nguồn tin nội bộ tiết lộ một số chi tiết nền của các thực thể này bắt đầu có dấu hiệu suy yếu và phần móng bắt đầu "mỏng ra như xốp" dưới tác động của thời tiết. "Một cơn bão mạnh là đủ để thổi bay các công trình này"
Trước đó RFI cũng có bài báo cho biết, trong một bản báo cáo công bố trên tạp chí công nghệ quốc phòng Trung Quốc Defence Technology Review, giáo sư Hồ Kì Cao thuộc Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc ở Hồ Nam, đã nêu bật các vấn đề mà đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gặp phải. Đó là vì Trung Quốc quá vội vàng trong việc bồi đắp, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông trong giai đoạn 2013-2015, cho nên đầy rẫy vấn đề đã nẩy sinh. Bản báo cáo ghi rõ: “Vì những lý do lịch sử, nước ta (tức là Trung Quốc) đã không nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên ở Biển Đông cũng như tác động của môi trường trên các cấu trúc kỹ thuật được xây dựng. Việc thiết kế và xây dựng các đảo đá đã được tiến hành theo lịch trình gò bó mà không có được những đánh giá khoa học sâu sát, dài hạn”.
Theo ông Hồ Kì Cao, các nhân tố tác hại bao gồm nhiệt độ, độ ẩm cao, sương mù, nồng độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn. Tốc độ hao mòn của các trang thiết bị và vật liệu đưa ra Biển Đông khiến Quân Đội Trung Quốc phải ngạc nhiên. Trong bản báo cáo, ông viết: “Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã ra sau chưa đầy 3 năm, và các trang thiết bị bằng kim loại ngừng vận hành sau khoảng 1 năm do bị ăn mòn”. Những vấn đề trên đã gây ra lo ngại về an toàn và về khả năng các cơ sở của Trung Quốc đứng vững được trước những thảm họa tự nhiên như bão và sóng thần.
Dù vậy, thông tin trên không đủ để Bắc Kinh chùn bước trong tiến hành nâng cấp và cải tiến khả năng quân sự của các thực thể này.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã phá huỷ hàng loạt môi trường và cảnh quan tự nhiên của các quần thể san hô ở khu vực biển Đông để xây dựng trái phép bảy thực thể nhân tạo (gọi là đảo nhân tạo). Các thực thể nhân tạo này đều được trang bị đầy đủ các công trình quân sự, sân bay, hải cảng và nhiều hệ thống vũ khí và radar. Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tuyên bố đây là những "tàu sân bay không thể chìm" nhằm củng cố tham vọng chủ quyền của nước này trên biển Đông. Trong số đó, các thực thể Trung Quốc ngang ngược xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam khu vực đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập được Bắc Kinh đánh giá là mang tầm quan trọng chiến lược.
Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng đã lên tới khoảng 13,21 km2
Tuyên bố mục đích xây dựng các đảo nhân tạo này, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, công bố vào ngày 9/4/2015 nhằm "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh"
Sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch ngày 28/4/2015 bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng các đảo của Trung Quốc, người Phát ngôn Hồng Lỗi ra tuyên bố nói Trung Quốc phản đối cá biệt nước ASEAN như Philippines, Việt Nam… tiến hành hoạt động xây dựng trái phép các đảo ở Nam Sa của Trung Quốc”. Ông Hồng Lỗi tố cáo Việt Nam đang xây bến tàu, đường băng cho sân bay, vị trí cho tên lửa, khách sạn… trên 20 đảo và bãi cạn như bãi cạn Phúc Nguyên và bãi Đất.
Hiện Mỹ vẫn thường xuyên điều tàu chiến di chuyển qua khu vực xung quanh các đảo nhân tạo này của Trung Quốc với danh nghĩa “thực thi quyền tự do hàng hải”
Như vậy, những nguồn tin nói trên chưa đủ cơ sở cho ta đánh giá và đặt hy vọng nhiều, các bạn đọc nên xem như đây là thông tin tham khảo bởi chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách gia cố và củng cố các đảo nhân tạo này, thậm chí sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển đảo nhân tạo– chiêu bài chiến lược cho dã tâm hiện thực hóa đường lưỡi bò trên Biển Đông, nếu như không gặp phải sự ngăn cản mạnh mẽ cũng như sự đoàn kết mạnh của thế giới và các nước trong khu vực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét