Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

VỢ TỐNG TIỀN CHỒNG

Vụ bắt cóc đòi chuộc 500 triệu: Té ra là vợ tống tiền chồng với kịch bản hớ hênh

Sau một hồi quanh co, Bà Nguyệt đã thú nhận toàn bộ hành vi tự “bắt cóc” để tống tiền chồng mình.

Đang yên lành, bỗng dưng ông chồng người nước ngoài tá hỏa khi nhận được điện thoại báo tin vợ mình bị bắt cóc và số tiền đòi chuộc mạng là nửa tỉ đồng. Tuy nhiên, màn kịch bắt cóc tống tiền đã không vượt qua được con mắt điều tra viên cảnh sát.

Lời kêu cứu từ nghĩa địa lúc… 3h sáng

Ông Chiu Chih Kuan (SN 1956, quốc tịch Đài Loan-Trung Quốc, tạm trú tại số 157A đường số 79, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TPHCM) và bà Hoàng Như Nguyệt (SN 1971) sống chung như vợ chồng từ năm 2004 đến nay. Vào khoảng 14h chiều 1.4, bà Nguyệt nói với chồng là đi ăn cơm với bạn bè. Ở nhà, chờ mãi không thấy vợ về, ông Kuan nóng ruột nên gọi điện thoại di động cho vợ, chuông vẫn reo, nhưng bà Nguyệt không nghe máy. Sau nhiều lần điện thoại cho vợ, ông Kuan càng thêm lo lắng, vì đầu dây bên kia vẫn không ai trả lời.

Thức suốt đêm mà vẫn không thấy vợ về, đến 3h sáng 2.4, điện thoại của ông Kuan đổ chuông. Vội vã nghe điện thoại, ông Kuan rụng rời tay chân khi đầu dây bên kia là giọng bà Nguyệt nói trong hơi thở nặng nhọc, xung quanh vắng lặng. Bà Nguyệt cho biết vào đêm 1.4, khi bà đi chơi với bạn của mình về gần đến nhà, thì đột nhiên bị một người từ phía sau lao đến úp khăn tẩm thuốc mê vào mặt rồi bà bất tỉnh. Khi tỉnh lại thì thấy mình đang bị trói chặt ở một nghĩa địa, mà bà không biết nghĩa địa này là ở đâu.

Bà Nguyệt cho ông Kuan biết, kẻ bắt cóc rất hung tợn, hắn tuyên bố vào 8h sáng 2.4 ông Kuan phải mang 500 triệu đồng đến một ngân hàng để chuyển tiền vào số tài khoản mà hắn sẽ thông báo sau, nếu không thực hiện theo đúng lời yêu cầu của kẻ bắt cóc, thì bà Nguyệt sẽ bị hắn chích thuốc giết chết.

Quá hoảng sợ với những lời đe dọa rùng rợn của kẻ bắt cóc, ông Kuan đã tức tốc đến trụ sở công an trình báo, nhờ giải cứu vợ mình đang bị bắt cóc và bị trói ở một nghĩa địa nào đó. Từ những lời trình báo của ông Kuan, ngay lập tức Ban chỉ huy Công an quận 7, TPHCM cử các trinh sát tinh nhuệ vào cuộc. Tuy nhiên, trước những thông tin có được, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm đặt ngay nghi vấn, vì sao kẻ bắt cóc lại không ra mặt mà để bà Nguyệt tự điện thoại nói chuyện với chồng một cách thoải mái như vậy? Ngoài ra, một số tình tiết “lạ” khác cũng được điều tra viên nghi vấn về vụ bắt cóc bí ẩn này.

Phanh phui vụ bắt cóc giả tạo để tống tiền chồng

Sáng 2.4, ông Kuan đã làm theo hướng dẫn của bà Nguyệt và chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản mà bà Nguyệt nói là của bọn bắt cóc. Điều càng làm cho các điều tra viên nghi vấn, bởi cứ khoảng một giờ đồng hồ, bà Nguyệt lại gọi điện thoại hối thúc chồng nộp đủ số tiền vào tài khoản, trong khi đó ông Kuan chỉ nhận được điện thoại của bà Nguyệt, chứ hoàn toàn không thấy bóng dáng, tăm hơi bọn bắt cóc đâu cả. Cuộc đấu trí kéo dài cho đến chiều 2.4, thì ông Kuan nhận được điện thoại của bà Nguyệt cho biết bà đã vay mượn của bạn bè đủ số tiền 500 triệu đồng và đã được bọn bắt cóc thả ra. Khi đó, ông Kuan bảo bà Nguyệt về nhà ngay và không nghi ngại chuyện gì cả.

Ngay chiều tối 2.4, khi bà Nguyệt vừa về đến nhà, thì cảnh sát xuất hiện và mời bà về trụ sở công an làm việc. Tại trụ sở công an, điều tra viên đã vạch mặt chân tướng bà Nguyệt, chính là kẻ đã dựng nên vở kịch bắt cóc tống tiền ông Kuan. Bởi qua xác minh, tài khoản mà ông Kuan đã chuyển 200 triệu đồng vào chính là số tài khoản của bà Nguyệt. Bên cạnh đó, ngoài nhiều lần hối thúc ông Kuan chuyển tiền, đến chiều 2.4, bà Nguyện còn gọi điện thoại đến ngân hàng hỏi xem trong tài khoản của mình có bao nhiêu tiền.

Khi biết ông Kuan vừa chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản của mình, bà Nguyện tiếp tục gọi điện cho chồng là phải gửi đủ 500 triệu đồng, tuy nhiên đến chiều tối cùng ngày, do biết không thể “moi” thêm tiền của ông Kuan, bà Nguyệt mới dựng lên chuyện vay mượn của bạn bè đủ 500 triệu đồng nộp cho bọn bắt cóc và được thả về. Trước những câu hỏi nghiệp vụ của điều tra viên và bằng chứng rõ ràng về số tài khoản mà bà Nguyệt nói ông Kuan chuyển tiền vào, kẻ tống tiền và dựng lên vở kịch bị bắt cóc đã bị vạch trần.

Bà Nguyệt cúi đầu khai nhận, trước đây bà có một con riêng với chồng khác, từ năm 2004 về sinh sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn với ông Kuan. Ông Kuan làm việc trong ngành điện lạnh, còn bà Nguyệt làm tư vấn sắc đẹp. Tuy nhiên, do ăn chơi và có nhiều mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội, bà Nguyệt lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, cứ mỗi lần xin tiền (số lượng lớn) để trả nợ, thì ông Kuan không cho, nên bà Nguyệt đã tự dựng lên vở kịch bị bắt cóc nhằm tống tiền chồng.

Bà Nguyệt khai là một mình nghĩ ra cách bị bắt cóc để tống tiền chồng, chứ không có ai khác tham gia và biết chuyện này. Theo đó, vào ngày 1.4, bà Nguyệt đi sang quận 1 và ngồi uống càphê với một số người bạn, rồi sau đó đi lòng vòng qua nhiều đường phố khác nhau và chờ cho đến 3h sáng ngày 2.4 thì bắt đầu gọi điện cho ông Kuan để thực hiện vở kịch bị bắt cóc tống tiền.

Nguồn: Phùng Bắc/Lao Động

PHẦN LỚN PHÍ VÀ LỆ PHÍ KHÔNG NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Phần lớn phí, lệ phí không nộp vào ngân sách nhà nước

Phí đường bộ đang được các đại biểu Quốc hội cho là chồng chéo. Ảnh TL SGT.

(TBKTSG Online) - Cho dù đã bãi bỏ hơn một nửa các khoản thuế, lệ phí, số lượng các nguồn thu này ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn phí, lệ phí thu được lại không được nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính.

Một báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ cho biết, Bộ này và các bộ, ngành và các địa phương đã bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định.

Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn khoảng gồm 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí).

Số thu phí và lệ phí cho ngân sách nhà nước giảm từ 42.023 tỉ đồng (bằng 5,8% tổng thu NSNN) năm 2011, xuống 29.112 tỉ đồng (bằng 3,9% tổng thu NSNN ) năm 2012, và 31.271 tỉ đồng (bằng 3,8% tổng thu NSNN) năm 2013.

Tuy nhiên, số thu các khoản phí và lệ phí đóng vào Ngân sách Nhà nước nhỏ hơn nhiều so với số thu thực tế.

Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan hành chính được giữ lại 60% tiền thu phí và lệ phí, và nộp 40% còn lại vào ngân sách nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ để lại là 90%; nộp ngân sách nhà nước 10%.

Lâu nay, đã có nhiều ý kiến phê phán từ nhiều phía, đặc biệt là Quốc hội, rằng tỷ lệ thu phí và lệ phí ở Việt Nam còn cao, và trùng lắp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không mấy khi thừa nhận thực tế này.

Một báo cáo của IMF gần đây cho biết, tỷ lệ thu thuế phí/GDP của Việt Nam hiện cao gấp từ 1,2 đến 1,8 lần so với các nước khác trong khu vực.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định điều này. Nghiên cứu của Ủy ban này cho biết, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam lên tới 26,2% GDP mỗi năm trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Cũng trong thời gian này, tổng thu thuế và phí/GDP của Trung Quốc chỉ là 19,6%, Campuchia là 14,8%, Thái Lan xấp xỉ 21,4%, Philippines là 15,3% và của Indonesia là 18,9%.

Nguồn: Tư Hoàng/Kinh tế Sài Gòn

MALAYSIA PHỦ NHẬN TIN CƠ PHÓ MH370 GỌI ĐIỆN TRÊN MÁY BAY

Malaysia phủ nhận tin cơ phó MH370 gọi điện trên máy bay

TTO - Ngày 13-4, chính quyền Malaysia đã phủ nhận tin cơ phó chuyến bay MH370 đã gọi điện trên máy bay trước khi chiếc Boeing 777 chở 239 người mất tích.

Sĩ quan trên một máy bay P-8A Poseidon của hải quân Mỹ quan sát mặt biển để tìm máy bay MH370 - Ảnh: Reuters

Ngày 12-4, báo New Straits Times dẫn nguồn tin giấu tên khẳng định cơ phó chuyến bay MH370 Fariq Abdul Hamid đã gọi một cú điện thoại trước khi máy bay biến mất. Cuộc điện thoại này bị ngắt quãng bất ngờ “có thể do máy bay bay cách xa đài viễn thông”.

Có tin cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cũng gọi điện trong chuyến bay. Tuy nhiên hôm nay Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Hussein tuyên bố chính quyền Malaysia không hề có thông tin gì về các cuộc điện thoại này. “Nếu thông tin này là thật thì chúng tôi đã biết về nó từ lâu rồi” - ông Hussein nhấn mạnh.

Lập tức, một số chính trị gia Malaysia đã lên tiếng chỉ trích báo New Straits Times đưa thông tin không rõ nguồn gốc và đòi nhà chức trách trừng phạt tờ báo này. “Những thông tin dối trá và vô căn cứ ảnh hưởng không chỉ đến đến chiến dịch tìm kiếm mà còn cả gia đình các hành khách và nhân viên phi hành đoàn chuyến bay MH370”- tổng thư ký đảng DAP Lim Guan Eng tuyên bố.

Ông Lim khẳng định chính phủ Malaysia cần trừng phạt New Straits Times và báo này phải đăng lời xin lỗi bạn đọc ngay trên trang nhất vì “kiểu làm báo cặn bã” như vậy. Trước đó, Bộ trưởng Hussein từng tiết lộ chính quyền Kuala Lumpur đã thu thập các bài báo đăng tin không chính xác về chuyến bay MH370 để có thể kiện các tờ báo này.

Hiện tại, vẫn có 12 máy bay và 14 tàu đang lùng sục ở vùng biển rộng 57.507 km tại phía nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm xác máy bay.

NGUYỆT PHƯƠNG

Làm tí áo yếm cho mát


Julia Hồ lưng thon với yếm đào

Người đẹp dính mác ''ăn chơi'' đang từng ngày làm mới hình ảnh của mình với những trang phục đậm nét truyền thống và không kém phần gợi cảm.

Trong chuyến trở về Việt Nam vừa qua, Julia Hồ có dịp thực hiện những hình ảnh mới. Đây là hình ảnh do chính cô lên ý tưởng và chuẩn bị trang phục. Julia Hồ cho biết, dù sống ở nước ngoài khá lâu nhưng người đẹp vẫn luôn có cảm hứng với những trang phục truyền thống đậm hồn Việt. Vì thế, trở về Việt Nam lần này, cô tận dụng thời gian để thực hiện bộ ảnh thời trang mới với chiếc áo yếm mà mình yêu thích từ rất lâu.


Trước đây, cô từng hóa thân với trang phục áo dài cổ điển, hình ảnh nền nã, duyên dáng phần nào giúp ''người đẹp ăn chơi'' lấy lại được hình ảnh thác loạn trước đó.


Mới đây, người đẹp tiếp tục thực hiện sở thích và niềm cảm hứng với chính những chiếc áo mà cô yêu thích. Trang phục áo yếm lần này được cô đặt may từ rất lâu, không chỉ dành cho buổi chụp ảnh mà cô còn mang chiếc áo này sang Mỹ, mặc trong những buổi tiệc có đông đảo bạn bè nước ngoài, người đẹp muốn giới thiệu những giá trị văn hóa trong trang phục tới bạn bè quốc tế mà cô có dịp gặp gỡ.


Thiết kế áo yếm lần này do chính cô chọn vải và vẽ mẫu, kiếu áo vẫn theo khuôn khổ áo truyền thống, họa tiết có phần hiện đại hơn nhờ màu sắc sinh động, đặc biệt, những bông hoa sen giữa ngực áo làm điểm nhấn.


Julia Hồ được biết đến qua cuộc thi nhan sắc tại Mỹ. Sau đó, tên tuổi cô tràn ngập trên các trang báo mạng với tên gọi là ''người kế nhiệm Ngọc Trinh'' bởi cả hai cùng nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi tại Mỹ. Sau ngày nhận giải ít lâu, những hình ảnh ăn chơi của Julia Hồ bị phát tán trên mạng, cô lại tiếp tục nhận được những phản ứng không mấy tốt đẹp từ công chúng. Từ đây, người đẹp bắt đầu làm mới hình ảnh của mình và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.


Trong một số bài phỏng vấn mới đây, Julia Hồ từng chia sẻ, cô không muốn mang danh là ''người đẹp óc ngắn'', vì thế ngoài những hoạt động showbiz, người đẹp còn chứng minh khả năng kinh doanh, cô bán bán hàng hiệu online và mở chi nhánh ở quê nhà. Săp tới, người đẹp còn lên kế hoạch khai trương nhà hàng ăn đậm hồn Việt tại Mỹ. Dự kiến ngày khai trương vào đầu tháng 11.


Trong bộ ảnh mới, cô diện trang phục truyền thống yêu thích.


Thiết kế truyền thống khoe khéo tấm lưng trần gợi cảm.


Thiết kế áo yếm tông màu đỏ nổi bật.


Julia Hồ phát huy thế mạnh vóc dáng với trang phục yếm.

Khánh Ly
Ảnh: Alexz

Chất cực: BODY PAINTING - HANI NGUYỄN

Ảnh body painting táo bạo của hot girl Hani Nguyễn


Nóng mắt với ảnh body painting táo bạo của hot girl Hani Nguyễn...





















ST

NÔNG DÂN "HIẾN THẬN" LẤY TIỀN

Cả người dân lẫn cơ quan chức năng H.Cờ Đỏ, Cần Thơ đều khẳng định đang có tình trạng một số người đi hiến thận ở TP.HCM và được nhận lại 120 triệu đồng mỗi người.

Ông Tranh với vết mổ sau khi hiến thận - Ảnh: Duy Khang

Ngày 11.4, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết đã ký văn bản giao Chủ tịch UBND H.Cờ Đỏ phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông và Công an huyện kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến việc nhiều người dân ở xã Thạnh Phú đi “hiến” thận để lấy tiền.

Một gia đình có 5 người hiến thận

Theo chính quyền địa phương, từ năm 2012 đến đầu năm 2014, tại xã Thạnh Phú (H.Cờ Đỏ) có tổng cộng 8 người đi hiến thận. Ngoài trường hợp đi bán thận tại Trung Quốc (năm 2012), ở ấp 5 còn có Ngô Ngọc Bích (41 tuổi) và Ngô Phú Anh (39 tuổi, người đã rủ Danh Lan đi bán thận) đều là con của ông Ngô Văn Y (68 tuổi, ngụ ấp 5) đi hiến thận. Trả lời PV Thanh Niên, ông Y khẳng định không hề hay biết chuyện các con mình đi hiến thận để lấy tiền, nếu biết gia đình sẽ không đồng ý. Những người khác trong gia đình ông thì bác bỏ thông tin này.
Trước khi mổ, có người còn động viên tôi là sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho sổ bảo hiểm. Có đau ốm, bệnh tật gì thì bảo hiểm sẽ lo hết
Ông Hồ Văn Tranh
Thế nhưng, Công an H.Cờ Đỏ cho biết đã xác định gia đình ông Y có đến 5 người hiến thận. Ngoài Ngọc Bích, Phú Anh thì trước Tết Nguyên đán 2014, Ngô Hoàng Sơn (43 tuổi) rủ 2 người em là Ngô Phú Em (31 tuổi) và Ngô Thanh Hoài (28 tuổi) lên TP.HCM hiến thận. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp hiến thận khác là Hồ Văn Tranh (45 tuổi); Nguyễn Văn Bình (39 tuổi, em rể Tranh, không rõ địa chỉ) và Lê Văn Giòn (36 tuổi, cùng tạm trú ấp 6).

Cũng theo thông tin từ Công an H.Cờ Đỏ, các trường hợp trên đều là những hộ dân nghèo, tạm trú lâu dài tại địa phương và không có đất sản xuất. Qua xác minh của ngành chức năng, những người hiến thận đều có làm hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Sau khi hiến thận xong, người hiến được nhận 120 triệu đồng.

Hiến hay bán ?

Ông Hồ Văn Tranh kể trước đó có lên TP.HCM tìm việc làm phụ hồ và được một người quen cho mượn 5 triệu đồng. Về sau, người này nói đang bị hư 2 quả thận nên nhờ ông giúp đỡ hiến cho 1 quả. Nghĩ ơn nghĩa nên ông Tranh đã làm giấy tự nguyện hiến thận và đến một phòng công chứng tại TP.HCM để chứng thực về việc không khiếu nại về sau. Ông Tranh được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cắt thận và nhận 120 triệu đồng từ ân nhân. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đi hiến thận trở về nhà, vết mổ trên người ông vẫn còn đau và đi lại rất khó khăn, không chạy xe gắn máy được. “Trước khi mổ, có người còn động viên tôi là sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho sổ bảo hiểm. Có đau ốm, bệnh tật gì thì bảo hiểm sẽ lo hết”, ông Tranh nói.

Ông Võ Hải Triều, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, xác nhận có một số người dân đến xin xác nhận việc đăng ký hiến thận, nhưng chính quyền địa phương chỉ xác nhận các trường hợp người dân ngụ tại địa phương chứ không xác nhận việc “hiến” thận. “Sau khi phát hiện, chúng tôi có báo cáo lên cơ quan cấp trên đồng thời tuyên truyền giáo dục bà con nâng cao nhận thức, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng hoặc nghe lời người khác làm hại sức khỏe của mình”, ông Triều nói.

Trao đổi với Thanh Niên về thông tin trên, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói: “Chúng tôi phải kiểm tra lại, vì có thể những người cho thận được đưa lên TP.HCM, rồi sau đó ra nước ngoài để lấy thận, hoặc họ nói không chính xác”. Về câu hỏi “Có trường hợp nào người nhận thận nhờ bệnh viện đưa tiền cho người cho thận hay không”, ông Phú khẳng định: “Bệnh viện không bao giờ làm việc đó, vì như thế là sai. Còn việc người nhận thận lén đưa tiền cho người hiến thận thì bệnh viện không thể kiểm soát được”.

Ông Phú cũng cho biết thêm, người cho và nhận thận khi đến Bệnh viện Nhân dân 115 phải trải qua trình tự 8 bước, từ tư vấn, làm các thủ tục giấy tờ, trong đó có xác nhận của chính quyền địa phương. Người cho thận phải có sự đồng ý, ký tên của người thân trong gia đình là bố, mẹ hoặc vợ (chồng); đến kiểm tra sức khỏe, rồi thông qua hội đồng ghép thận của bệnh viện.

Nhận tiền là mua bán

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia ghép tạng, thận ở TP.HCM cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ các tình tiết như người hiến thận đã nhận tiền từ chính người nhận thận hay qua trung gian là ai? Nếu nhận tiền từ người nhận thận thì đó là hình thức mua bán thận trực tiếp; còn nếu nhận từ cá nhân, bác sĩ, bệnh viện thì mua bán qua trung gian. Làm rõ việc này nhằm ngăn chặn những kẻ trung gian, những đường dây mua bán tạng, thận.

GS-TS Trần Ngọc Sinh - Trưởng bộ môn tiết niệu Trường đại học Y Dược TP.HCM nhìn nhận, do nguồn thận cho, hiến rất khan hiếm nên dễ dẫn đến việc mua bán thận. Việc mua bán có thể núp bóng dưới hình thức như làm giấy tình nguyện hiến thận để lách luật. Một bác sĩ ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết bình quân mỗi tuần có gần 10 trường hợp gọi hoặc đến bệnh viện hỏi về việc cho, hiến thận, nhưng tìm hiểu thì thấy phần lớn những người này muốn bán thận lấy tiền.

Mai Trâm - Thanh Tùng
Thanh Niên

CẦU THỦ BÁN ĐỘ SẼ BỊ LOẠI VĨNH VIỄN

Cầu thủ bán độ sẽ bị loại vĩnh viễn

Ảnh: Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định sẽ chống tiêu cực đến cùng

Đó là khẳng định của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong chuyến làm việc với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) ngày hôm qua, 12/4.

Vụ bán độ của các cầu thủ Ninh Bình đang nhận được sự quan tâm lớn không chỉ của dư luận và báo chí trong nước, mà còn với làng bóng khu vực và thế giới.

So với vụ bán độ năm 2005 của nhóm Quốc Vượng, Văn Quyến…lần này số cầu thủ tham gia còn nhiều hơn, với số tiền lớn hơn nhiều.

Thậm chí có thông tin, cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng cuộc điều tra, bởi các cầu thủ Ninh Bình có thể bán độ nhiều trận đấu khác, ở cả sân chơi trong nước là V-League và sân chơi châu lục AFC Cup.

Dù chưa bị cơ quan công an khởi tố, nhưng chắc sự nghiệp thi đấu của các cầu thủ nói trên đã bị đánh dấu chấm hết, khi đích thân tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định, sẽ loại bỏ vĩnh viễn các cầu thủ tiêu cực.

Đây là một quyết định rất mạnh tay, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Những lần trước, VFF luôn tạo cơ hội cho các cầu thủ được trở lại sân cỏ để làm lại cuộc đời, chuộc lỗi với người hâm mộ. Vì thế mà những Quốc Vượng, Văn Quyến…bị tù tội vẫn được đá trở lại, thậm chí hầu hết các cầu thủ này đều được gọi lên ĐTQG.

Tuy nhiên, lần này thì khác, VFF đã không cho các cầu thủ nhúng chàm một cơ hội nào, dù hầu hết các cầu thủ Ninh Bình đều còn rất trẻ. Một quyết định mạnh tay được cho là có tính răn đe cao ở thời điểm vấn nạn tiêu cực đang trở nên nhức nhối.

Từ Malaysia, trong cuộc làm việc với chủ tịch AFC Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định, những cầu thủ liên quan vụ bán độ lần này ở CLB Ninh Bình, sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn.

Theo ông Dũng, VFF cũng sẽ nhờ AFC vào cuộc để làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Được biết, trong thời gian tới, AFC sẽ cử đoàn cán bộ sang Việt Nam hỗ trợ VFF làm tốt hơn nữa công tác chống tiêu cực.

Liên quan đến vụ bán độ, các cầu thủ đã được cơ quan công an cho tại ngoại, nhưng sẽ phải có mặt ngay khi có lệnh triệu tập để phục vụ điều tra. Hiện tại CLB Ninh Bình vẫn chưa đưa ra quyết định có bỏ AFC Cup và V-League hay không, nhưng khả năng giải thể là rất lớn.

Theo Ngô Linh
Dân Trí