Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

PHẦN LỚN PHÍ VÀ LỆ PHÍ KHÔNG NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Phần lớn phí, lệ phí không nộp vào ngân sách nhà nước

Phí đường bộ đang được các đại biểu Quốc hội cho là chồng chéo. Ảnh TL SGT.

(TBKTSG Online) - Cho dù đã bãi bỏ hơn một nửa các khoản thuế, lệ phí, số lượng các nguồn thu này ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn phí, lệ phí thu được lại không được nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính.

Một báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ cho biết, Bộ này và các bộ, ngành và các địa phương đã bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định.

Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn khoảng gồm 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí).

Số thu phí và lệ phí cho ngân sách nhà nước giảm từ 42.023 tỉ đồng (bằng 5,8% tổng thu NSNN) năm 2011, xuống 29.112 tỉ đồng (bằng 3,9% tổng thu NSNN ) năm 2012, và 31.271 tỉ đồng (bằng 3,8% tổng thu NSNN) năm 2013.

Tuy nhiên, số thu các khoản phí và lệ phí đóng vào Ngân sách Nhà nước nhỏ hơn nhiều so với số thu thực tế.

Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan hành chính được giữ lại 60% tiền thu phí và lệ phí, và nộp 40% còn lại vào ngân sách nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ để lại là 90%; nộp ngân sách nhà nước 10%.

Lâu nay, đã có nhiều ý kiến phê phán từ nhiều phía, đặc biệt là Quốc hội, rằng tỷ lệ thu phí và lệ phí ở Việt Nam còn cao, và trùng lắp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không mấy khi thừa nhận thực tế này.

Một báo cáo của IMF gần đây cho biết, tỷ lệ thu thuế phí/GDP của Việt Nam hiện cao gấp từ 1,2 đến 1,8 lần so với các nước khác trong khu vực.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định điều này. Nghiên cứu của Ủy ban này cho biết, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam lên tới 26,2% GDP mỗi năm trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Cũng trong thời gian này, tổng thu thuế và phí/GDP của Trung Quốc chỉ là 19,6%, Campuchia là 14,8%, Thái Lan xấp xỉ 21,4%, Philippines là 15,3% và của Indonesia là 18,9%.

Nguồn: Tư Hoàng/Kinh tế Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét