Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

LÃNH PHÍ CHƯA CÓ HỒI KẾT

Lãng phí chưa có hồi kết

Lựa chọn trang thiết bị giáo dục nào cần phải phù hợp lứa tuổi và sự đón nhận của học sinh.

Trong chưa đầy một tuần, đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông sau 2015 được cơ quan chủ trì là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên tục đưa ra những dự toán kinh phí khác nhau, thậm chí trái ngược. Dư luận xã hội đang đặt những câu hỏi về tính chuyên nghiệp của những người xây dựng đề án. Trong phạm vi bài viết này, xin tập trung vào câu chuyện đổi mới trang thiết bị dạy và học - hạng mục được cho là chiếm phần lớn tổng kinh phí đề án.

Lãng phí vẫn hoàn lãng phí

Cách đây gần hai năm, qua phản ánh của bạn đọc và nhiều giáo viên về những bất cập, lãng phí trong việc cấp phát, sử dụng trang thiết bị trong nhà trường phổ thông; Báo Nhân Dân cuối tuần số 36 (2-9-2012) có bài "Lãng phí thiết bị dạy và học", chỉ ra thực trạng và đề xuất giải pháp cho vấn đề này. Sau đó, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh thực trạng tương tự ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Mặc dù vậy, cho đến tháng 11-2013, Bộ GD-ĐT mới gửi văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh hiệu quả sử dụng trang thiết bị. Song, cho đến nay vấn đề lãng phí trong đầu tư trang thiết bị dạy và học vẫn chưa được giải quyết, nếu không muốn nói đang ngày càng lúng túng, gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, khi việc dạy học từ phấn trắng bảng đen chuyển dần sang hướng tích hợp, dạy bằng giáo án điện tử (máy chiếu, màn hình LCD) ít nhiều mang lại hứng thú cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc gần đây thành phố chủ trương quyết liệt thực hiện việc nâng cao ứng dụng công nghệ trong dạy học ở bậc mầm non và tiểu học lại gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, năm học 2013-2014, thực hiện Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31-1-2012 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố chủ trương đưa vào sử dụng gần 1.000 bảng tương tác với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng cho 412 trường mầm non và 194 trường tiểu học (thành phố hỗ trợ 50% kinh phí). Chủ trương này nhằm từng bước hiện đại hóa các nhà trường, giúp học sinh tiếp cận các thiết bị giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, điều này lại khiến không ít trường lúng túng vì không biết giải quyết bài toán kinh tế ra sao với phụ huynh, cũng như chưa có phương cách chuẩn hóa kỹ năng cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao tính hiệu quả mà các thiết bị này mang lại.

Điều đáng nói là trong quá trình tìm hiểu vấn đề, khá nhiều hiệu trưởng các trường mầm non tỏ ra lo ngại với câu hỏi: Ở lứa tuổi mầm non, các cháu thường thích chơi những đồ chơi trực quan, cụ thể; vậy các cháu đã thật sự cần đến bảng tương tác chưa? Liệu việc đầu tư có rơi vào cảnh "trùm mền" để đó vì tính không thiết thực như bao thiết bị khác?

Dư luận còn chưa hết hoang mang, thì mới đây, Bộ GD-ĐT lại rục rịch dự toán hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc đổi mới trang thiết bị dạy và học. Trách gì thông tin này không gây "choáng" cho xã hội!

Đề cập vấn đề này, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh), thẳng thắn: Thực tế là nhiều thiết bị do chính ngành giáo dục cấp phát xuống các trường đã không thể sử dụng hoặc gặp nhiều trục trặc. Nhiều trường chưa có phòng thí nghiệm, hoặc vướng phải "độ vênh" giữa thời lượng học lý thuyết và thực hành đã phải xếp kho thiết bị để rồi cả thầy trò vẫn "dạy chay, học chay". Những lãng phí và bất cập trong sử dụng trang thiết bị còn nhỡn tiền, chưa thể khắc phục thì lý do gì để lập đề án mua sắm mới?

Đầu tư sao cho hiệu quả?

Đây cũng là câu hỏi được nhiều chuyên gia và những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà chia sẻ. Trong khi rất nhiều học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn phải học lớp ghép, có nơi phải đứng để học hoặc cả thầy và trò phải chui vào túi ni-lông để vượt sông đến trường; nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thì dù chi một đồng ngân sách cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng và cầm chắc hiệu quả, huống hồ đây là một đề án mấy chục nghìn tỷ đồng mà sao nghe cứ như đùa!

TS Giáp Văn Dương, người sáng lập cổng giáo dục trực tuyến mở Giapschoolbày tỏ lo ngại về những thông tin liên tục bị cải chính cũng như tính khả thi của đề án về mặt tài chính. "Chính phủ phải cân đối làm sao cho hợp lý, chứ không thể lãng phí khoản tiền quá lớn mà hiệu quả mang lại chưa rõ ràng. Đề án hay mà không có tiền thực hiện thì cũng phải dừng, nữa là một đề án rất sơ sài và tiêu tốn tiền của. Tuy nhiên, nếu Bộ nhất quyết làm CT-SGK thì hãy tách việc này ra khỏi khoản trang bị cơ sở vật chất. Đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm... không thể cứ mỗi lần đổi SGK mới lại vứt đi mua lại, trong khi những đồ dùng của lần đổi mới trước còn đang đắp chiếu." -TS Dương bức xúc.

Cũng có không ít ý kiến kiến nghị những giải pháp nhằm tiết kiệm kinh phí song vẫn bảo đảm hiệu quả. GS Nguyễn Lân Dũng đề cập: Vấn đề quan trọng trước hết là phải xây dựng chương trình chuẩn. Chương trình đó phải bảo đảm ba yêu cầu: đủ sức hội nhập quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và phải sử dụng được lâu năm. Ông gợi mở, chúng ta có Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam, trong đó có đầy đủ các Hội khoa học chuyên ngành và các Viện nghiên cứu. Bộ GD-ĐT nên tận dụng sự tâm huyết của các nhà khoa học ở các đơn vị này để giúp biên soạn chương trình. Khi đã có chương trình chuẩn, việc làm SGK sẽ thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Trên cơ sở CT-SGK thì mới tính đến trang thiết bị sao cho hợp lý.

Với một đề án tầm quốc gia, đồng thời vừa là nòng cốt vừa khởi động cho lộ trình "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục" mà còn lúng túng, mù mờ đến vậy thì xã hội lấy gì để tin vào thành công của "trận đánh lớn" lần này.

Việc cung cấp trang thiết bị phù hợp là điều cần thiết, song quan trọng hơn cả không phải là chỉ tốn tiền đầu tư vào SGK hay trang thiết bị, trong khi đó con người, cụ thể hơn là đội ngũ giáo viên mới là nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục. Vì thế, tập trung đổi mới tư duy dạy và học; đồng thời đổi mới cả người làm và cách làm chính sách sao cho thật sự chuyên nghiệp, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

KHÚC HỒNG THIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét