Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

LẤY GÌ MÀ CHẤM MÚT NẾU KHÔNG...BẺ CONG ĐƯỜNG?

Khoai@


Bài này được đăng trên báo Kiến Thức chấm nét. Bài có vẻ hơi cực đoan khi bàn về các vấn đề xã hội và nhiều nội dung Khoai@ không đồng ý. Tuy nhiên, bài viết cũng có giá trị cảnh tỉnh, vì vậy Tre Làng cho đăng để anh em tham khảo.
Không bẻ cong đường... lấy gì mà chấm mút!

(Kienthuc.net.vn) - "Người ta bẻ cong đường cũng chỉ để mưu cầu lợi lộc về cho bản thân... Công khai, minh bạch ra thì họ lấy gì mà chấm mút!", GS Bùi Văn Nhơn chua chát.

Giỏi ngụy biện lắm!

Câu chuyện đường vành đai 2 Trường Chinh ở Hà Nội bị bẻ cong khiến dư luận ồn ào trong những ngày gần đây. Chuyện này ở ta chẳng có gì lạ, thưa ông?

Quen quá đi chứ. Mấy chục năm tôi công tác, những chuyện bẻ cong đường không hề hiếm gặp. Chẳng nói đâu xa, Hà Nội nào có thiếu những tuyến đường như thế. Ngay đường Trần Quốc Hoàn, bao nhiêu năm nay có nút thắt mà đã cởi được đâu. Trông rất buồn cười.

Người ta cũng đưa ra rất nhiều lý do cho sự bẻ cong đường của mình. Hẳn cũng có lý do thuyết phục được ông chứ?

Những lý do được đưa ra nghe chừng rất hợp lý. Nhưng suy cho cùng thì họ cũng giỏi ngụy biện lắm. Tôi rất buồn cười khi một cán bộ của Hà Nội giải thích rằng đường Trường Chinh "cong mềm mại". Thật không thể chấp nhận được. Nếu tôi là lãnh đạo thì tôi phải xem xét lại trách nhiệm, năng lực của người phát ngôn câu đó.

Mất gen xấu hổ rồi

Lật lại những con đường cong trước đó, ví như đường Bạch Đàn ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long được cho là để né nhà Chủ tịch tỉnh thì phải chăng chúng ta sẽ có được những con đường thẳng, nếu như không... đụng phải nhà của người có chức quyền?

Đúng quá rồi còn gì. Tư duy lãnh đạo ở ta từ xưa tới nay vẫn nể nhau mà không nghĩ rằng chính cái tư tưởng đó đang gây hại cho sự nghiệp lớn. Nói khác đi thì người ta đang quên đi sự nghiệp lớn để làm một cái rất nhỏ. 

Có thể, đáng ra làm con đường thẳng sẽ tiết kiệm được một lượng lớn tiền của cho xã hội. Còn khi bẻ cong nó đi, nếu nhận được những thứ "rất nhỏ" thì có lẽ họ đã chẳng làm, thưa ông?

Dĩ nhiên. Cái "rất nhỏ" ấy là xét trong mục đích có vì cộng đồng hay không. Đằng này, người ta bẻ cong đường cũng chỉ để mưu cầu lợi lộc về cho bản thân thôi. Chính những mối quan hệ chằng chịt giữa quyền lực với lợi ích nên người ta không vì lợi ích chung nữa rồi. Cũng có một phần họ sợ cái vía của người lãnh đạo to quá, quy hoạch đường mà ăn vào nhà của lãnh đạo thì phải né đi, "tránh voi chả xấu mặt nào", chứ không thì có khi cái ghế của họ cũng chẳng còn. 

Vì thế mà cũng có thể "thông cảm" cho những người đã buộc phải bẻ cong đường?

Kể ra thì nếu tôi ở trong trường hợp của họ cũng khó xử đấy (cười). Nhưng nói gì thì nói, đó là một kiểu làm ăn thật khó chấp nhận. 

Thực tế dù có khó chấp nhận thì nó vẫn cứ tồn tại đấy thôi?

Vấn đề là ở chỗ ấy. Tôi cho rằng, sâu xa là do người ta đã mất gen xấu hổ rồi, từ người lãnh đạo phê duyệt cho con đường cong queo để né đất nhà mình đến cả những người thực thi quy hoạch ấy. Thế nên bây giờ, để có được những con đường thẳng đã là điều không tưởng rồi. Vì người ta có còn biết xấu hổ nữa đâu.

Ông nói thế nào chứ ai chả có lòng tự trọng, biết xấu hổ? Ông bảo người ta mất gen xấu hổ, hóa ra bảo họ vô liêm sỉ à?

Không phải là tất cả cán bộ đều như thế nhưng tôi nghĩ có một bộ phận không nhỏ đâu. Thì cứ nhìn vào thực tế, nhiều người sai phạm rành rành ra đấy mà có chịu từ chức đâu, vẫn cố bám trụ đấy thôi.

GS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính nói về việc bẻ cong đường. 

Công khai thì lấy gì mà chấm mút!

Ông có cho rằng, những con đường cong queo cũng chính là bức tranh phản chiếu cách điều hành, quản lý xã hội ở ta hiện nay?

Nó có quan hệ mật thiết với nhau đấy chứ. Nó thể hiện sự làm ăn vòng vèo của quan chức, ở đó lợi ích cũng vòng vèo, đan xen nhau.

Và giải quyết nó thì không hề đơn giản?

Đúng. Muốn vậy phải công khai, minh bạch mọi thứ. 

Câu chuyện công khai, minh bạch đã được nói rất nhiều rồi. Hẳn là nó rất khó để thực hiện, hoặc thực hiện sẽ bị "thiệt thòi" nên người ta mới không chịu làm?

Bảo rằng nó khó thì cũng khó thật, nhưng không đến nỗi không làm nổi. Vấn đề là người ta có chịu làm không thôi. Công khai, minh bạch ra thì họ lấy gì mà chấm mút! 

Đừng mơ có sự ngay thẳng!

Những con đường cong không đến từ lý do bất khả kháng đã không có gì lạ ở ta nữa. Vậy nhưng mỗi khi có một con đường bị bẻ cong vẫn nhận được sự quan tâm của công luận. Liệu đó có phải "thấy chuyện bất bình chẳng tha" hay còn vì lý do nào khác, theo ông?

Dĩ nhiên, nó có cả chuyện người dân bức xúc với sự trắng trợn, lộ liễu của những người có thẩm quyền khi bẻ cong đường để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, cho phe nhóm của mình. Một phần khác là người dân muốn có một sự ngay thẳng, công bằng trong xã hội chứ không thể có ngoại lệ cho những người có chức quyền được.

Một đồng nghiệp của tôi đã bình luận như thế này: "Sự ngay thẳng là điều rất cần cho đất nước hiện nay và hãy bắt đầu theo cách dễ thấy nhất. Đó là xây dựng những con đường ngay thẳng". Thế nhưng, dường như việc dễ thấy nhất ấy mà người ta vẫn làm cho nó cong queo thì ở những góc khuất, sự cong queo sẽ chẳng dễ để phát hiện. Và khi đó, tạo ra một xã hội ngay thẳng là điều rất khó nếu không muốn nói là không tưởng?

Đúng vậy. Với cách vận hành cơ chế hiện nay, đừng mơ có được sự ngay thẳng.

Liệu đó có phải là một sự bi quan đến mức cực đoan?

Không phải. Nhìn vào thực tế, khi mà có những thứ người ta chỉ ngồi bàn giấy, trong phòng kín rồi quyết với nhau, quyền lực không khống chế được nhau thì rõ ràng chẳng bao giờ có được sự ngay thẳng đâu.

Theo ông thì làm gì để có được một xã hội mà sự ngay thẳng sẽ được đề cao?

Nếu không có sự cải cách căn bản thì đừng nói đến xóa tiêu cực, xóa đường cong... Cần phải làm đúng như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng là phải đổi mới thể chế và dân chủ hóa xã hội. Khi đó, sự ngay thẳng, công bằng sẽ được xác lập. Chứ cứ để như hiện nay thì nói chống tiêu cực cũng chỉ để vui thôi. Trong khi chờ đợi từng bước thực hiện hai điều căn bản ấy thì cũng nên tách bạch giữa quyền lực và lợi ích.

Bằng cách nào vậy?

Câu chuyện này nói đã nhàm lắm rồi. Ấy là phải đổi mới căn bản chế độ tiền lương, làm sao để người ta yên tâm rằng lương đủ nuôi họ cùng gia đình, lúc đó họ sẽ tập trung cho công việc thay vì lo tơ hào này nọ.

Khi làm được như thế thì hẳn quan chức cũng sẽ có lại được gen xấu hổ, thưa ông?

Tôi tin là thế. Nhưng tất cả những điều đó chắc cũng còn lâu lâu nữa mới thực hiện được.

Trân trọng cảm ơn ông!

- "Trong quản lý xã hội cũng cần có những sự ưu tiên. Thế nhưng, chế độ ưu tiên chỉ áp dụng cho những người yếu thế, khó khăn chứ không thể bảo vì là nhà ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện... nên không được mở đường lấn đất của họ. Đó không phải là sự ưu tiên mà là xu nịnh".

- "Nghị quyết của Đảng nêu rõ, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, xử lý phải có tình có lý. Vì thế, nhiều người mới viện vào đó mà làm sai, vì chữ tình thì chẳng ai định lượng được. Do đó, cần phải hoàn thiện cả hệ thống chính sách, pháp luật, để chữ tình cũng phải trong khuôn khổ pháp luật".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét