Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

TRUNG QUỐC COI TÂY TẠNG, TÂN CƯƠNG LÀ MỐI HỌA QUỐC GIA

Trung Quốc coi Tân Cương, Tây Tạng là mối họa quốc gia


(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc lo ngại Tân Cương, Tây Tạng sẽ phức tạp như một bán đảo Crimea thứ hai. Ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thẳng tay chống bạo động

Xác định Tân Cương, Tây Tạng 'khủng bố táo tợn'

Thông tin từ Tân Hoa Xã cho biết, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/4/2014 đã có bài phát biểu trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nhấn mạnh quyết tâm “dập tắt những hành động táo tợn của kẻ khủng bố”.

Trong bài phát biểu này, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng quốc gia đang đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh. Đồng thời, vị lãnh đạo này khẳng định có thể sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn nhằm vào các nhóm dân tộc thiểu số.

“Chúng ta phải nhận thức rõ rằng trong tình hình mới, đất nước chúng ta đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa, thách thức về an ninh quốc gia, ổn định trong xã hội. Người dân phải xây dựng “tường đồng vách sắt” chống khủng bố, làm cho bọn khủng bố giống như chuột trốn chạy trên đường phố” – ông Cận Bình nói.

Chủ tịch nước Trung Quốc còn kêu gọi các quan chức hãy giải quyết thoải đáng các tranh chấp ảnh hưởng đến đến đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tất cả kiên quyết ngăn chặn, chống lại các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng các vấn đề sắc tội để tiến hành hoạt động ly khai, xâm nhập và phá hoại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Những phản ứng trên diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của Trung Quốc khi chính quyền chiến đấu chống lại tình trạng bất ổn ở khu vực Tân Cương và Tây Tạng. Tình trạng bất ổn ở Tân Cương đã dẫn đến cái chết của hơn 100 người trong năm qua. Trước đó, hơn 120 người Tây Tạng tự thiêu năm 2009 để phản đối Bắc Kinh, đòi lãnh tụ Đạt Lai Lạt Ma được hồi hương và đòi tự do cho Tây Tạng. Trung Quốc tuyên bố hành động tự thiêu là “khủng bố” và hầu hết những người trên chết vì vết thương quá nặng.

Trung Quốc lo lắng 'tiền lệ Crimea'

Thời gian qua, thế giới đang tập trung sự chú ý đến bán đảo Crimea của Ukraine với cuộc sáp nhập chóng vánh trở thành một phần lãnh thổ của nước Nga. Hành động thần tốc và bài bản của Moscow với cộng hòa tự trị Crimea đã khiến các quốc gia Đông Âu có một phần lãnh thổ giáp Nga, hoặc có nhiều người Nga sinh sống phải lo ngại sẽ có ngày mình trở thành một phiên bản của Crimea hay Ukraine.


Một điều đáng chú ý, trong thời gian diễn ra khủng hoảng địa chính trị Ukraine, một người bạn lâu năm của nước Nga, luôn đồng hành với những quyết sách của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ hay các vấn đề thế giới – Trung Quốc, lại không lên tiếng ủng hộ Nga và luôn ở thế trung lập.

Trong những ngày cuối tháng 2/2014, khi bạo loạn ở Kiev gia tăng và chính phủ của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, lập nên một chính phủ tạm quyền thân phương Tây, Cộng hòa tự trị Crimea yêu cầu trưng cầu dân ý và muốn sáp nhập vào Nga. Trung Quốc đã biểu hiện sự trung lập của mình qua phát biểu của Bộ Ngoại giao: “Trung Quốc tôn trọng quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, các bên liên quan cần có sự kìm chế và giải quyết bằng phương pháp đàm phán hòa bình.”

Vì sao Trung Quốc không lên tiếng bênh Nga như từ trước đến nay? Nếu nói rằng cường quốc này ngại EU, ngại Mỹ, ngại những lệnh trừng phạt dành cho Nga sẽ vạ lây sang mình thì chỉ là một phần lý do rất nhỏ. Bởi lẽ Trung Quốc đã tuyên bố đối đầu với các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông, Hoa Đông… Thẳng thừng theo đuổi giấc mơ Trung Hoa, và không khác gì lựa chọn Mỹ là đối thủ. Một vài lệnh trừng phạt sẽ không làm Trung Quốc lo sợ nếu nó thực sự là mối quan tâm lợi ích cho quốc gia này.

Tuy nhiên, Nga với Ukraine đang làm Trung Quốc bất lợi thấy rõ, một phần vì những hợp đồng vũ khí, công nghệ quân sự của Kiev sẽ không dễ dàng bán cho Trung Quốc với một chính phủ thân Mỹ. Thứ hai, Trung Quốc cũng lo sợ chính “tiền lệ Crimea” sẽ áp dụng với mình.

Cần biết rằng, Tây Tạng, Tân Cương, hai vùng địa lý này đang đòi ly khai. Trong khi đó, cả hai khu vực đều được Trung Quốc gọi với cái tên “lợi ích cốt lõi”. Tân Cương là khu vực có trữ lượng than đá lớn nhất Trung Quốc và hầu như chưa khai thác. Đây còn là điểm huyết mạch tiếp giáp Á – Âu của quốc gia này.

Còn về Tây Tạng, có năm khu vực người Tạng sinh sống ở Trung Quốc gồm Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam. Sự hỗn loạn trong một khu vực có thể gây ảnh hưởng liên hoàn đến các khu vực khác.

Điều đặc biệt hơn, cả Tân Cương và Tây Tạng đều bị giới chức Bắc Kinh cho rằng đang hiển hiện bàn tay của Mỹ dung túng cho những phần tử đòi ly khai này. Trung Quốc đang cùng lúc đối mặt với hai mối lo nhìn thấy từ kinh nghiệm của Ukraine. Hồi tháng 2/2014, việc Tổng thống Mỹ B.Obama gặp nhà lãnh đạo sống lưu vong của người Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma càng khiến Trung Quốc tin tưởng vào điều này.

Thứ nhất, Mỹ hoàn toàn có thể lợi dụng cuộc cách mạng màu sắc để kích động biểu tình tại Tây Tạng, Tân Cương và từ đó tiến đến ly khai, xây dựng nhà nước riêng. Nếu chính quyền Bắc Kinh mạnh tay, Tây Tạng và Tân Cương đang hội tụ đầy đủ những thành phần sẵn sàng tử vì đạo. Và thời gian qua, thực tế tình hình Trung Quốc đã nhiều phen náo loạn vì những cuộc tấn công như vậy.

Thứ hai, nếu Bắc Kinh ủng hộ Crimea trưng cầu dân ý, đòi ly khai và sáp nhập, đồng nghĩa với việc mua dây buộc mình, khi những vùng địa lý trên cũng đang có những đòi hỏi tương tự như Crimea của Ukraine.

Bắc Kinh chỉ còn cách buộc phải im lặng chờ thời cho đến khi tình hình Crimea ngã ngũ mới có thể tiếp tục đứng cạnh Nga. Việc trung lập trong vấn đề Ukraine giúp Trung Quốc tránh cho tiền lệ Crimea áp dụng với chính bản thân mình, còn Bắc Kinh trở thành một chính quyền ưa bạo lực và không dân chủ.

Đỗ Minh Tú/Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét