VTC News - Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là nhân chứng sống của vụ thảm sát đẫm máu giết hại 45 thanh niên xung phong.
Ngày đất nước giải phóng, là ngày cả đất nước ăn mừng, nhưng cũng là ngày ôn lại những mất mát, đau thương của thế hệ cha ông, để thấy được giá trị của hòa bình.
Những vụ thảm sát của giặc, với đồng bào, chiến sĩ, là nỗi đau khó có thể phai mờ. Thế hệ sau luôn biết ơn với những mất mát, đau thương ấy. Thế nhưng, có những vụ thảm sát đẫm máu, mà lịch sử gần như lãng quên.
Vụ máy bay Mỹ thảm sát 45 thanh niên xung phong ở nông trường chè trên Phú Thọ, là vụ thảm sát đẫm máu, cướp đi tính mạng của những thanh niên ưu tú, cho đến nay, đã gần 40 năm, nhưng ít người biết đến.
PV VTC News đã gặp gỡ nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nhân chứng sống của vụ thảm sát đẫm máu này, để công chúng biết đến một khoảnh khắc quá đau thương, ở nơi từng là rừng xanh núi đỏ…
Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn kể lại vụ thảm sát năm xưa với PV.
Tôi bấm điện thoại gọi, nhắc đến vụ thảm sát ở nông trường chè Minh Đài, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đề nghị tôi đến gặp ông ngay lập tức. Tôi đến trước giờ hẹn mấy phút, đã thấy cửa mở, vị Phó Thủ tướng của 10 năm trước ăn mặc giản dị, gọn gàng, đi đi lại lại vòng quanh trong căn phòng của tòa nhà chung cư.
Đã về hưu hơn 10 năm, ở tuổi ngót 80, mái tóc bạc trắng như cước, nhưng da dẻ ông vẫn hồng hào, đôi mắt sáng và tác phong nhanh nhẹn. Từ ngày về hưu đến giờ, ông chưa có một ngày nghỉ ngơi. Bao nhiêu dự án, trồng cây gì, nuôi con gì để nông dân thoát nghèo là câu hỏi mà ông vẫn tiếp tục đi tìm lời giải đáp, kể từ ngày trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông cùng các tiến sĩ, lập một viện nghiên cứu, quy tụ các nhà khoa học giỏi về nông nghiệp nghiên cứu, rồi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nhằm làm giàu cho nông dân, cho đất nước.
Đang say sưa trình bày những giống cây có thể biến nông dân thành tỷ phú, giọng ông chợt chùng xuống, khi nhớ lại nội dung cuộc gặp với tôi, đó là vụ thảm sát năm xưa, ở nông trường, nơi ông từng là lãnh đạo, là nhân chứng sống của vụ thảm sát đẫm máu.
“Đau lắm cậu ạ. Đó là quãng thời gian khủng khiếp, đáng nhớ nhất và ám ảnh nhất. Chiến tranh qua rồi, chúng ta cần nhìn về tương lai, nhưng cũng cần nhắc lại chút quá khứ, để chúng ta không lãng quên xương máu của cha anh” – Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rưng rưng. Rồi ông bắt đầu về cuộc đời mình, gắn với mảnh đất rừng xanh núi đỏ phía Tây tỉnh Vĩnh Phú xưa.
Năm 1966, đang dạy học ở Viện Nông lâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc điều ông Tạn lên Hòa Bình làm trưởng đoàn chỉ đạo của Bộ. Năm 1968, tỉnh Hòa Bình xin Bộ để ông ở lại làm Phó ty Nông nghiệp tỉnh. Khi đó, ông là ủy viên thường vụ Trung ương đoàn.
Tuy nhiên, Trung ương đoàn đã điều động ông làm Phó Giám đốc Khu kinh tế Thanh Niên Minh Đài ở huyện Thanh Sơn, Vĩnh Phú, là tỉnh Phú Thọ bây giờ.
Một góc Khu kinh tế Thanh Niên ngày nay.
Khu kinh tế Thanh Niên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thành lập vào cuối năm 1970. Thủ tướng muốn khu kinh tế này sẽ là hình mẫu lao động sản xuất, nơi đào tạo ra các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu, nên cán bộ, công nhân toàn là những thanh niên ưu tú, xuất sắc, được huy động từ cấp tỉnh, cấp bộ. Những nhà khoa học đầu ngành cũng được đưa lên đây. Ngoài ra, còn có cả họa sỹ, nhà văn, vận động viên thể thao…
Là nơi quy tụ tài năng, tuổi trẻ, nên thời kỳ đó, người ta gọi Khu kinh tế Thanh Niên là Khu con cháu Bác Hồ. Người dân trong vùng chỉ biết đến cái tên đó.
“Khu kinh tế Thanh Niên, ngoài nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, còn là một trường học lao động cộng sản cho lớp thanh niên từ nhiều miền quê đất nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhớ lại.
Nằm trong số những cán bộ đầu tiên lên xây dựng Khu kinh tế Thanh Niên, ông Tạn nếm trải đủ khó khăn, vất vả, rồi cảnh bệnh tật, rừng thiêng nước độc. Những ngày đầu, thử nghiệm trồng rất nhiều loại cây, nhưng đều thất bại. Trồng chuối thì chuối chết, trồng dứa thì vận chuyển khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm. Cuối cùng, chuyển sang trồng chè.
Từ 300 héc-ta chè của Khu kinh tế Thanh Niên, giờ đây, có đến một nửa huyện Thanh Sơn trồng chè, với những đồi chè mướt mát, cho năng suất cao nhất cả nước.
Năm 1972, là năm cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta bước sang giai đoạn quyết liệt nhất. Đế quốc Mỹ thua lớn ở miền Nam, chúng tăng cường không quân đánh phá miền Bắc với hy vọng sẽ chặn con đường tiếp tế về người và của từ miền Bắc vào miền Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thắp thương ở nghĩa trang thanh niên xung phong trên đồi Thanh Niên, thuộc Khu kinh tế Thanh Niên, là nông trường chè Minh Đài ngày nay.
Mặc dù nằm ở vùng rừng thẳm, song Khu kinh tế Thanh Niên lại nằm dưới đường bay của không quân Mỹ từ Thái Lan, Lào về đánh phá thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, bầu trời nơi đây cũng là nơi không chiến giữa máy bay của không quân ta với địch. Vì thế, mỗi ngày có cả trăm lượt may bay quần thảo.
Ngày 20/7/1972, máy bay Mỹ bất ngờ trút bom xuống Khu kinh tế Thanh Niên, trong chớp mắt đã giết hại 45 thanh niên xung phong, là những thanh niên ưu tú lựa chọn từ khắp cả nước để xây dựng nông trường tại xã Minh Đài (Thanh Sơn, Phú Thọ).
Trước tình hình đó, Đảng ủy và ban giám đốc đã có Nghị quyết và Chỉ thị cho cán bộ công nhân viên sơ tán, đặc biệt là khu vực nhà máy chè, tổ chức trung đội tự vệ chiến đấu, đào hệ thống hầm hào để phòng địch có thể bắn phá.
Thế nhưng, đến đầu tháng 9 năm 1972, do yêu cầu của nhiệm vụ sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho miền Nam mà các nam nữ thanh niên xung phong đã tình nguyện làm việc, bất chấp bom đạn, ngoảnh mặt làm ngơ những con quái vật đang gầm rú trên bầu trời, lăn ra đồi để lao động sản xuất.
Trên đỉnh đồi, đỉnh núi đội tự vệ giương họng súng lên trời xanh, dưới chân núi, sườn đồi hàng trăm anh chị em lưng đeo ngụy trang, tay cuốc tay rìu phá rừng trồng cây, hái quả, bón phân, vun trồng, tưới nước. Mặc cho tiếng động cơ máy bay như xé toang trời, ngày đêm anh chị em thanh niên xung phong vẫn miệt mài làm việc trong tiếng hát ca rộn rã.
Ngày 20-9-1972, giữa lúc mọi người đang hăng say lao động, bỗng nhiên tiếng kẻng báo động vang dồn, tiếp đó là tiếng gầm rú của máy bay và những khối sắt đen sì, chui ra từ thân con quái vật, lạnh lùng lao xuống khắp nông trường.
Những tiếng nổ trầm đục ù tai, đất đá văng mù mịt, khói đen đặc làm tối cả bầu trời, lửa cháy ngùn ngụt ở khắp nơi. Tiếng súng bắn trả của đội tự vệ, tiếng bom quân giặc xen lẫn tiếng khóc than thảm thiết...
Còn tiếp…
Nguồn: VTCNews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét