Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

BỘ TRƯỞNG GIÀNG SEO PHỬ: CỤC SẮT THÌ THAM Ô, THAM NHŨNG CÁI GÌ?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì (?!)

Gia đình anh Cao Chờn (Minh Hóa, Quảng Trị) chuẩn bị bữa cơm chiều chỉ có măng rừng và cơm trắng. Ảnh: Hải Nguyễn.

Giải trình về chuyện thiết bị dự án điện mặt trời nằm phơi mưa phơi nắng, Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định “không có chuyện thất thoát cả tỉ USD”. “Dự án Phần Lan tài trợ ODA toàn bộ bằng vật tư, không có tiền mặt, có vấn đề do vị trí lắp đặt. Sai sót chứ không có tham ô, tham nhũng. Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì” - ông nói.

Không có thất thoát!

Những câu hỏi về chuyện thất thoát, tham ô, tham nhũng tiêu cực trong việc thực hiện chính sách xóa nghèo đã được thẳng thắn đặt ra trong phiên giải trình thực hiện chính sách xóa nghèo sáng 25.4.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì nói về “hiện tượng lợi dụng, lạm dụng chính sách không ít”. Ông Phong nêu dẫn chứng: “Ví dụ lợi dụng cử tuyển, đa số (con em) người Kinh gài vào. Nội trú 10 người báo 20-30 người. Một đối tượng học 5-7 nghề, nhưng không ứng dụng được vào thực tiễn”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Sĩ Cương thì nhắc lại câu chuyện người dân không hề được biết đến đồng vốn vay xóa nghèo, trong khi khắp nơi lập danh sách giả, chữ ký giả để dùng vốn đó cho vay nặng lãi: “Gói cho dự án xóa nghèo trở thành nguồn vốn của ngân hàng cấp tỉnh” - ông Cương nói.

Hướng về phía Bộ trưởng Giàng Seo Phử, ông Cương nhắc lại rằng, ông đã gửi chất vấn bộ trưởng xung quanh chuyện lãng phí ở dự án điện mặt trời: “Đó là tiền tỉ, và là tỉ USD đang phơi mưa phơi nắng, trong khi kết quả xử lý không công bố. Kết quả kiểm tra không ai biết. Tôi đã chất vấn và được trả lời rằng đang thi công”. Đây là “nói về sự thật bằng một điều không thật”.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử mở đầu bằng đề nghị “đồng chí Cương thông cảm”, nhưng ngay sau đó, ông cương quyết khẳng định “không có thất thoát. Nói thất thoát cả tỉ USD là không đúng”. Bởi theo ông: Dự án do Phần Lan tài trợ ODA toàn bộ bằng vật tư, không có tiền mặt, có vấn đề do vị trí lắp đặt. Sai sót chứ không có tham ô, tham nhũng. Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì”.

Riêng việc xử lý, bộ trưởng cho hay, uỷ ban đã thành lập đoàn thanh tra, chỉ còn chờ ý kiến HĐ kỷ luật để xử lý. “Chúng tôi làm nghiêm và không có bao che”- ông Phử nói.

Những lỗ hổng chính sách

Cùng tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu con số 38 cuộc thanh tra mà Bộ Tài chính đã tổ chức trong năm 2013, nhưng theo bà Mai, trong số tiền kiến nghị xử lý hơn 2.000 tỉ chưa thể “tách riêng xử lý trong việc thực hiện chính sách dân tộc”. “Những chương trình chi lớn như BHYT cho bà con thì có thanh tra chuyên đề. Chúng tôi kết luận cấp trùng 1,4 triệu đối tượng. Thu hồi lại 624 tỉ” - thứ trưởng nói.

Trả lời ĐBQH Đặng Thuần Phong về những lỗ hổng chính sách khi công tác xóa nghèo chưa hình thành vùng hàng hóa tập trung, chưa có kết nối sản phẩm miền núi - đồng bằng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu hàng loạt những giải pháp mà ông sẽ áp dụng. Đó là việc hỗ trợ mạnh để đồng bào chuyển sang phát triển sản xuất hàng hóa thay vì tự cấp tự túc.

Rà soát lại quy hoạch, chọn cây trồng vật nuôi không chỉ là ưu thế địa phương mà còn có thể bán trên thị trường. Rà soát công tác khuyến nông, bởi “không thể làm khuyến nông cho đồng bào mà không biết tiếng dân tộc đó”…

Báo cáo giám sát công tác giảm nghèo sẽ được đưa ra QH trong phiên họp tháng 5 tới.

Công tác xóa nghèo qua các phát ngôn nghị trường

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Di cư là vấn đề lịch sử, không bao giờ có thể dừng được. Chúng ta đặt ra mục tiêu năm 1972 sẽ chấm dứt, nhưng nói bao giờ thì hôm nay tôi cũng chưa đủ thẩm quyền để có thể nói. Không thể kiếm soát được, chỉ hạn chế được đến đâu thôi. Trách nhiệm này thuộc về địa phương. Dân cư, hộ khẩu địa phương nắm. Đoàn ĐBQH địa phương trước tình hình ấy cũng ứng xử thế nào? Có trách nhiệm không? Tôi thấy lăn tăn, phân vân. Không thể chỉ khoán trắng (cho Ủy ban Dân tộc) được.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út: Đồng bào mất đất do thu hồi, nhất là sân golf, khu công nghiệp, thủy điện… Tại sao đồng bào không có đất, thiếu đất khi xung quanh là 6 triệu hécta đất nông, lâm nghiệp đang sử dụng thiếu hiệu quả, không đúng mục đích.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Ở Tây Nguyên, có vùng cả thôn không có người tốt nghiệp phổ thông. Những cánh đồng bạt ngàn ngô khoai sắn, cây công nghiệp nhưng của người Kinh, đồng bào đi làm thuê. Hỏi sao không vay tiền. Đồng bào trả lời: Không biết vay tiền chính sách làm gì, lấy đâu để trả. Nhiều gia đình “mẹ làm thuê, bố ở nhà trông con. Hũ gạo thì ít, hũ rượu thì nhiều”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đầu tư 1km đường miền núi khó khăn biết bao nhiêu. Mỗi ngành phải có trách nhiệm nâng cao dân trí cho đồng bào.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Có những chương trình y tế, nhà ở, giáo dục thì đã hỗ trợ đảm bảo 100% vốn. Bố trí đủ ngân sách là mong muốn của tất cả các bộ ngành, đồng bào; tuy nhiên, NSNN những năm tới còn dự báo rất khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Các đồng chí nói đủ nguồn lực, nhưng tôi thấy đa số các chính sách, thậm chí Thủ tướng đã duyệt mới đáp ứng chưa được 50% nguồn vốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét