Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

TỔNG THỐNG HÀN QUỐC THỊ SÁT HIỆN TRƯỜNG VỤ CHÌM TÀU SEWOL

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 17/4 đã tới nơi hiện trường xảy ra vụ chìm tàu Sewol gần đảo Jindo.

Lực lượng cứu hộ tiếp cần phà bị chìm. (Ảnh: Yonhap)

Tại đây, bà Park Geun-hye đã gửi lời chia buồn cùng các gia đình có người bị nạn, đồng thời thúc giục lực lượng cứu hộ tranh thủ từng giây, từng phút để cứu hộ 287 người đang mất tích.

Mọi hoạt động cứu hộ đang được gấp rút triển khai, dù hi vọng sống sót của các nạn nhân lúc này khá mong manh. Một lực lượng hùng hậu gồm 160 tàu tuần tiễu, 29 máy bay trực thăng và hơn 500 thợ lặn đã được huy động tới hiện trường vụ chìm tàu.

Quân đội Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc cũng đã điều thêm trực thăng MH-60S Sea Hawk tham gia hỗ trợ lực lượng cứu hộ Hàn Quốc.

Thời sự VTV

THỦ TƯỚNG QUYẾT ĐỊNH RÚT ĐĂNG CAI ASIAD 18

Thủ tướng quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18


Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP, truyền đạt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18). 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau: Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND TP.Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội. 

Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ kết luận, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận. 

Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích, ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hoá, nguồn thu từ ASIAD). 

Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục, thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì ảnh hưởng sẽ ngược lại. 

Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. 

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, Ngân sách Nhà nước (cả ngân sách trung ương và địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hoá như: Sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó đảm bảo. 

Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với OCA và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

TTXVN/Tin tức

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU DIỄN BIẾN HÒA BÌNH: ĐÀI RFA - TRUYỀN THÔNG HAY GIẢ CẦY?

Cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình: Đài RFA, Truyền thông hay giả cầy

Bài của Củ Hành trên báo Người cao tuổi

RFA (Radio Free Asia) – Đài Á Châu tự do ban đầu được đặt dưới sự quản lí của CIA nhằm tuyên truyền đường lối của Hoa Kỳ tới các quốc gia bị nước này coi là thù địch. Mặc dù được chuyển thành một công ty tư nhân nhưng RFA vẫn hoạt động dựa vào ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Vì vậy, không khó hiểu khi tiêu chí hoạt động của RFA vẫn chính là sự xuyên tạc, bóp méo thông tin, tung hoả mù nhằm bôi nhọ các quốc gia đi ngược lại chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ.

Ban Việt ngữ của RFA sử dụng những người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ thuộc chế độ cũ hoặc con cái của họ, có quan điểm chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, hiện nay RFA vẫn có kênh thông tin tiếng Việt. Những thông tin mà RFA xây dựng vẫn nhằm đầu độc, gây ngộ nhận, kích động bất mãn trong nhân dân đối với Chính phủ, với mục tiêu chính nhằm gây bất ổn chính trị cho Việt Nam, thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình nhằm thay đổi thể chế chính trị hiện tại. Với đội ngũ phóng viên có tầm nhìn, nhãn quan lệch lạc, thù hằn và định kiến về chính trị nhưng lại tỏ ra là một cơ quan ngôn luận nghiêm túc, những thông tin, ngôn từ mà RFA đưa ra “có vẻ” chính thống, trung thực, nhưng thực chất chủ yếu nhằm đánh lừa và đầu độc độc giả.

Một nguyên tắc mà các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới thường đặt ra là sự khách quan, trung thực, tôn trọng thông tin đa chiều. Đối với RFA thì họ không thực hiện theo tiêu chí cơ bản đó. Đặt mình dưới chiêu bài “Dân chủ – Nhân quyền – Tôn giáo”, RFA thường xuyên lặp đi lặp lại những luận điệu vu cáo như: “Vì sao dân không thiện cảm với công an?”, “Dân oan bị bắt tự vẫn tại trụ sở Công an”, “Blogger Nguyễn Văn Hải bị chặt tay trong nhà tù Cộng sản” v.v… nhằm bôi nhọ Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nếu thường xuyên theo dõi RFA có thể thấy họ thường xuyên đăng tải những thông tin không cần kiểm chứng, miễn sao càng nói xấu chế độ, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam càng tốt. Trong những bài viết của RFA, không có bài viết nào mang tính chất công nhận sự ổn định, phát triển hay những thành tích mà nhân dân Việt Nam đã đạt được. Những đối tượng mà RFA hướng đến, tôn vinh là những đối tượng tự xưng là các nhà “hoạt động cho dân chủ, nhân quyền” nhưng mục đích là chống phá Việt Nam. Thủ đoạn RFA thường dùng là mớm lời, giật dây cho những người trái quan điểm bày tỏ sự bất mãn, tô vẽ hình ảnh thê lương, bi đát về tình hình Việt Nam, sau đó RFA đăng tải lại kèm theo câu nói “mang quan điểm của người viết” hoặc “nội dung bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài RFA” nên RFA tiếng Việt tự cho phép mình quyền được vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt nhưng lại tỏ vẻ khách quan, trung thực.

CÔ ĐƠN


“Ước gì anh có tiền sắm chiếc xe đẹp như vậy để đưa đón em…”. Câu nói vu vơ của anh không ngờ lại trở thành nỗi ám ảnh em suốt một thời gian dài. Làm gì, làm cách nào để có thật nhiều tiền; để có thể sắm nhà, sắm xe và cho các con mình một cuộc sống đầy đủ, sung sướng?

Chính ước mơ ấy đã cuốn em vào những chuyến đi dường như không có trạm dừng. Hết đi miền Bắc, miền Trung, miền Tây lại ra nước ngoài. Đến nỗi có người nói rằng thời gian em ở trên xe, trên máy bay nhiều hơn ở nhà. Mà đúng vậy thật. Em như con ong chăm chỉ hút mật hoa về để chế biến thành mật ngọt, hương thơm. Em đã dần dần biến ước mơ của mình thành sự thật. Thoạt tiên là một căn nhà nhỏ, một chiếc xe nhỏ. Sau đó là căn nhà lớn; chiếc xe đẹp hơn, sang trọng hơn. Em ngất ngây trong niềm hạnh phúc được tạo nên bằng chính những giọt mồ hôi của mình.

Nghỉ ngơi đi em” – anh lại nói với em như vậy trong ngôi nhà rộng thênh thang có sân vườn, có hồ bơi của mình. Sao lại nghỉ ngơi? Em vẫn còn trẻ, còn khỏe, còn sức sáng tạo, còn muốn cống hiến mà? “Nhưng anh muốn em dừng lại để thực hiện một ước mơ khác. Đó là ước mơ làm vợ, làm mẹ…” – giọng anh run run. Em nhìn anh lạ lẫm. Không biết từ bao giờ những thứ ấy không còn là ước mơ của em nữa…

Vậy là chúng mình chia tay. Anh quay đi, bỏ lại ngôi nhà rộng thênh thang có sân vườn, có hồ bơi và một con tim lạnh giá. Nếu như ngay lúc anh quay lưng, em nhận ra điều đó thì có lẽ cuộc sống của em bây giờ đã khác. Giờ đây, mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi khi đêm về, em thu mình trong căn phòng nhỏ, lặng câm và thui thủi. Không có anh, cũng chẳng có những đứa trẻ…

Giờ đây em mới nhận ra rằng trên chặng đường dài của cuộc đời, nếu không biết dừng lại thì chờ ta ở cuối con đường chỉ là nỗi cô đơn…

TÁO DỞ



Cô thích ăn táo.

Mỗi ngày hắn đều gọt hai quả táo, mỗi người một quả, cô thích cảm giác ấm áp lãng mạn này.

Chỉ là cô phát hiện hắn luôn cắn một miếng ở cả hai quả táo trước, rồi sau đó mới đưa cho cô một quả.

Vì thế, cô buồn bực đã lâu. 

Rốt cục có một ngày, thừa dịp lúc hắn ra ngoài nghe điện thoại, cô cầm quả táo của hắn cắn một miếng. Cảm giác không ngon ngọt bằng quả táo của mình. 

Nước mắt không tiếng động nháy mắt lướt qua khuôn mặt. Giờ cô mới hiểu, hắn không xấu như cô tưởng. Nhưng nước mắt đã rơi có bao giờ quay lại được không?

(Những gì tốt nhất, người đó sẽ dành cho bạn.)

Bài đục đẽo từ Vinhchan

BẠC!


LâmTrực@

Cách đây 3 tuần, vào khám bệnh cho bố ở bệnh viện lão Khoa, Hà Nội, tôi tình cờ gặp chị Chúc vợ anh sếp cũ, nằm ở buồng bên. Sau màn chào hỏi, chị Chúc nước mắt ngắn dài thở than, rằng con cháu có cả nhưng chúng nó bận quá không đến thăm được. Chị cũng nói, cơ quan cũ của vợ chồng anh cũng không ai đến thăm anh kể từ khi anh nghỉ hưu, dường như họ không nghĩ rằng, chồng chị đã từng là sếp ở cơ quan.

Tiện đây chị kể:

- Ngày anh còn đang nằm bệnh viện, có anh Chẩn vào thăm anh Mỹ nằm gần phòng chồng chị, nhưng không ghé thăm anh. Mặc dù chồng chị có nhiều ân tình với anh Chẩn, thăm anh Mỹ xong, họ lén lút rút quân qua lối đi ngược lại. Điều đó làm tôi buồn lắm, tôi phải xin cái phong bì có in lô gô và địa chỉ của cơ quan của anh, bỏ vào đó 2 triệu rồi nói với chồng là anh Chẩn vào thăm nhưng anh ngủ nên em không gọi anh dậy. Anh Chẩn có gửi chút tiền bồi dưỡng gọi là...

Và nhiều lần như thế, có anh nào vào thăm anh Mỹ nhưng không ghé thăm anh là tôi lại ngụy tạo phong bì cho anh vui.

Trước khi mất, anh nhà tôi thanh thản lắm, nói:

- Cơ quan mình hơn các cơ quan khác ở chỗ vẫn còn nhiều người tốt, vẫn trước sau như một.

Kể xong chị ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ với ánh mắt xa xăm. 

Tôi thấy đau nhói trong tim.

Hà Nội, ngày 4 tháng 9 năm 2013

MỚ RAU MUỐNG


Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau...!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?

- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...

- Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

- Bà bán rau chết rồi.

- Bà cụ hay đi qua đây hả chị?

- chị bán nước khẽ hỏi.

- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!

Nguồn: Vinh chan