Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

TỪ HÀNH VI ĂN CẮP ĐẾN GÓC NHÌN VĂN HÓA

Vừa qua, một loạt báo đã đưa tin về việc một cháu bé bị bảo vệ siêu thị bắt trói, treo biển “Tôi là người ăn trộm” tại Chư Sê, Gia Lai. Tin tức từ chủ đề này nhanh chóng được các báo khai thác và nhận được rất nhiều bình luận. Hầu hết những bình luận của độc giả các báo đều bức xúc trước việc đối xử của nhân viên siêu thị đối với cháu bé. Quan điểm của cá nhân tôi cũng rất bức xúc với hành động của những nhân viên siêu thị, nhưng cũng không thể đồng ý với những ý kiến quá cảm tính bênh vực cháu bé. Điều đầu tiên, chúng ta phải nhận thức được rằng, cháu bé đã có hành vi ăn trộm tài sản. Hành động giấu hai cuốn sách vào túi áo là hành động “có chủ ý” chứ không phải là vô tình, hay không biết như một số báo chí đăng lên nhằm bào chữa cho hành động của cháu bé. Gia đình của nữ sinh này đã xác nhận hành vi ăn cắp của con mình và “nộp phạt cho siêu thị và cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị vì hành động dại dột của con mình” (Báo Dân trí ngày 14.4). Với độ tuổi của cháu (khoảng 13 tuổi), giá trị tài sản ăn trộm thấp, thì cháu bé chưa phải là đối tượng điều chỉnh của các hệ thống luật, biện pháp xử lí chính vẫn là giáo dục, giúp cháu nhận thức sai trái. Nhưng, không thể lấy những lý do như trên để biện minh cho hành động ăn trộm của cháu bé. Dân gian Việt Nam có câu “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Từ những hành động nhỏ của cháu như vậy, nếu không rèn giũa, không giúp cháu nhận thức sai lầm thì hậu quả xã hội gánh chịu sẽ không phải nhỏ. Dư luận xã hội lên án vụ việc trong thời gian vừa qua “vô tình” dung dưỡng, xí xóa cho hành động của cháu bé, thậm chí bà Phó giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Gia Lai còn đòi hỏi cả siêu thị xếp hàng xin lỗi cháu bé bởi bà cho rằng “ăn cắp văn hóa là việc làm giàu văn hóa cho mình” (???).

Nếu xem xét theo chiều hướng ngược lại, phải chăng chúng ta đang bao che cho hành vi của cháu bé, từ đó xây dựng nhận thức sai lầm trong đầu óc con trẻ rằng hành vi ăn trộm là đúng. Đối với hành động của nhóm nhân viên siêu thị đối với cháu bé là những hành động vượt ngưỡng trong cách hành xử giữa con người với con người trong xã hội. Để hiểu rõ mức độ vi phạm, tính nguy hiểm của hành vi, chúng ta có thể xem xét ở khoản 9, điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Điều 17, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP; Điều 31, Bộ luật Dân sự; Điều 121, Bộ luật hình sự. Với phản ứng của dư luận trong thời gian vừa qua, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chắc chắn, những nhân viên này sẽ phải nhận những hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật với hành vi của mình. Theo đó, hành vi của các nhân viên tham gia sự việc có thể bị xử lý hành chính tới 3.000.000 đồng, hành vi của nhân viên đưa ảnh cháu bé lên facebook có thể bị xử lý tới 2 năm tù giam. Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn chưa đặt vào hoàn cảnh của những nhân viên đó. Giả sử rằng, chủ siêu thị có thể phạt , trừ lương họ vì để thất thoát tài sản thì tất nhiên họ có những phản ứng bức xúc, tức giận khi họ bắt được người ăn trộm. Ngay tại Công ty CP Phát hành sách Tp Hồ Chí Minh (FAHASA) cũng chỉ cho phép thất thoát một số lượng hàng hóa, sách báo rất nhỏ, nếu giá trị số sách bị mất cắp vượt quá định mức, sẽ bị trừ vào lương của nhân viên. Như vậy, bữa cơm của người nhân viên đó đã bị giảm đi nhiều thứ.

Mặc dù hành vi vi phạm pháp luật của họ là không thể chấp nhận, nhưng cần phải xem xét những yếu tố dẫn đến hành vi đó. Tuy nhiên, điều đáng chê trách lớn nhất ở đây chính là những kẻ mang danh trí thức, nhà báo đối với hành vi trên. Thay vì sử dụng một cách xử lý khác, hợp lý, hợp tình, đồng thời không gây ảnh hưởng lâu dài với tinh thần của cháu bé. Ví dụ: phản ảnh sự việc qua cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan công an huyện Chư Sê, đưa bài báo không đăng kèm ảnh của cháu bé. Nếu thực sự có tâm với cháu bé thì có rất nhiều cách làm việc để tháo gỡ. Các lều báo khai thác thông tin tới tận nhà trường, gia đình của cháu bé để hâm nóng sự việc nhưng lại không hiểu rằng hậu quả là gây dư luận, sự tò mò ngay trong người dân trong khu vực sinh sống của cháu. Hình ảnh cháu bé cho dù che mặt nhưng cũng tạo ra ánh mắt kỳ thị, ác cảm với cháu. Hành vi như vậy, có thể coi là tiếp tay cho việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Một khía cạnh khác, khi khai thác sự việc, các lều báo chỉ khai thác, sử dụng theo cảm tính, dẫn đến định hướng dư luận sai lệch về vấn đề. Chính vì vậy, không ít những bình luận trong các bài báo có chiều hướng bao che, xóa bỏ lỗi của cháu bé. Việc bôi đậm sai phạm của một phía so với lỗi của phía bên kia là sai phạm cơ bản mà các lều báo vẫn thực hiện. Qua việc này dẫn đến phản ứng ngược là những hành động bênh vực cho những lỗi nhỏ, yếu thế, tạo dư luận không tốt trong xã hội, sâu xa hơn tạo ra thói quen xóa bỏ ý thức chấp hành pháp luật từ những hành vi nhỏ nhất. Vụ việc này tương tự vụ đâm xe vào nữ sinh tại phố Xã Đàn, Hà Nội. Báo chí làm ầm ĩ, kêu gào, tô đậm tội lỗi của người lái xe, nhưng quên mất rằng, cô nữ sinh đó cũng không chấp hành pháp luật khi sang đường không đúng phần đường quy định. Lỗi đó tưởng chừng là lỗi vi phạm nhỏ không đáng quan tâm, nhưng cách đây vài năm, có một cô gái đã bị xử phạt án tù treo vì chính lỗi sang đường không đi theo phần đường quy định, vô ý làm chết người.

Lật ngược lại vụ việc của cháu bé, chính sự dẫn dắt của báo chí khiến cho vị Phó giám đốc Sở GD-ĐT – một cơ quan chuyên trách về giáo dục văn hóa, đạo đức cho con người có những phát ngôn hồ đồ, thiếu suy nghĩ như vậy. Báo chí, khi phản ánh sự việc, tiêu chí quan trọng phải trung thực, khách quan và tôn trọng thông tin thu thập được. Nhưng hầu hết các lều báo hiện nay đều yếu về nghiệp vụ, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nên chỉ viết theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân, chưa đặt vai trò bài báo của mình ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của nhà báo trong việc đưa thông tin sai sự thật chưa thật nghiêm khắc, khi sai sót chỉ cần “đính chính” hoặc “gỡ bài” cho chìm xuồng” nên dẫn đến việc nhờn, làm ẩu của không ít phóng viên hiện nay.

Dưới sự dẫn dắt của báo chí, dư luận trong thời gian qua hầu hết đều kết tội cho các nhân viên nhà sách, chỉ có một số ít ý kiến phản biện cho rằng nên xác định rõ lỗi của cháu bé. Với nhiều thông tin trái chiều như vậy và những phân tích ở trên. Đọc bình luận trên các báo, không thiếu những từ “đau xót”, “sẵn sàng ủng hộ sách báo cho cháu” và có những phát ngôn gây bức xúc dư luận khác của những người mang trọng trách của ngành giáo dục. Phải chăng hiện nay chúng ta đang dung dưỡng cho trẻ thơ suy nghĩ sai lầm rằng ăn cắp được thưởng, ăn cắp được bảo vệ, ăn cắp được cả siêu thị sắp hàng xin lỗi. Giáo dục trẻ thơ phải mang tính nhân văn, nhẹ nhàng, nhưng cũng phải hết sức nghiêm khắc để tránh cho các cháu lặp lại những sai phạm kể trên. Nếu đưa cháu bé làm hình tượng trong việc phản ánh quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, với những suy nghĩ và phát ngôn lệch chuẩn như vậy, vô tình chúng ta đang dẫn dắt trẻ thơ đi ngược lại những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun đúc. Không thể lấy lý do nhà nghèo để ăn trộm, cũng không thể viện dẫn đó là hành vi “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa cho mình” để biện minh cho việc làm của cháu bé. Thử hỏi rằng, trên thế giới hàng ngàn vụ trộm cổ vật, tranh quý, sách cổ cũng là hành vi “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa”.

Một giảng viên đại học viết trên facebook của mình về vụ việc này: “Ông cha ta đã từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đây là một đức tính tốt đẹp của người Việt cần được duy trì. Không vì lợi mà mờ mắt, không thì lòng tham mà bán rẻ lương tâm. Có lẽ không người Việt nào không thuộc câu răn dạy đó, và có lẽ các ông bố, bà mẹ đều giáo dục con cái sống phải thật thà, ngay thẳng thắn và trong sạch như câu nói của tiền nhân.

Khi một đứa trẻ có hành vi vi phạm pháp luật, có nghĩa đứa trẻ đó đã bỏ ngoài tai sự răn dạy, giáo dục của gia đình và nhà trường về đạo đức. Chỉ có thể biện minh cho hành động vi phạm rằng, đứa trẻ đó vì một phút bồng bột, không kìm chế được lòng tham nên đã có hành vi xấu. Còn nếu những hành vi xấu đó được thực hiện thường xuyên thì không thể biện minh bởi vì kẻ vi phạm là một đứa trẻ. Khi những đứa trẻ có những hành vi xấu, người lớn cần phải nghiêm khắc xem xét và xử lý ở các mức độ khác nhau phù hợp với độ tuổi và tính chất vi phạm. Có như thế thì mới giúp những đứa trẻ vì “bồng bột” mà vi phạm không mắc lại lỗi lầm nữa. Đồng thời ngăn chặn những đứa trẻ hư, khó giáo dục không lún sâu vào những hành vi vi phạm pháp luật.”

Trên tất cả, vụ việc gióng lên hồi chuông báo động về cách hành xử giữa con người với con người, cách thức tạo ra thông điệp và dẫn dắt dư luận của báo chí. Các cơ quan báo chí, thay vì đăng hình ảnh của cháu, có thể đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai vào cuộc để giữ gìn bí mật hình ảnh của cháu, tránh tác động lâu dài tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Về phía các siêu thị cũng nên có biện pháp giáo dục ý thức pháp luật, cách đối xử với những người phạm tội một cách nhân văn, có tình người hơn, tránh những rắc rối không đáng có có thể xảy ra. Ngành giáo dục nên đánh giá lại cách đào tạo, trách nhiệm của ngành đối với tương lai của đất nước, phải xác định vai trò chính là giáo dục văn hóa với rèn luyện đạo đức, phải nhìn vào sự thật rằng, đang có không ít người Việt Nam tạo ra hình ảnh xấu xí của người Việt trên thế giới vì hành vi trộm cắp. Báo chí, cần có thái độ phản ánh trung thực, công bằng. Cần luôn xác định bài báo nằm trong vị trí xây dựng, định hướng dư luận, đồng thời tạo ra những giá trị nhất định của xã hội và quan trọng hơn cả là những giá trị đó được xây dựng trên thước tấc của pháp luật chứ không phải đo đếm bằng những cảm tính cá nhân. Vụ việc đang đi vào kết thúc nhưng dư âm của nó không chỉ dừng lại ở đây. Chắc chắn, các lều báo đang hả hê, vui mừng với dư luận “tích cực” mà họ đã tạo ra. Và cũng chắc chắn họ không cần biết hậu quả lâu dài đối với xã hội như thế nào. Xin lấy một câu nói của vị giảng viên trên để làm câu kết cho bài viết: “Những kẻ dung dưỡng với hành vi ăn cắp của trẻ vị thành niên ngày hôm nay, sẽ là tội đồ của dân tộc này trong tương lai.”

XẢ SÚNG TẠI CỬA KHẨU VỚI TRUNG QUỐC, 7 NGƯỜI CHẾT

Xả súng ở cửa khẩu với TQ, 7 người chết


Tỉnh Quảng Ninh nói đã kiểm soát được tình hình lúc 15:15 chiều 18/4

Giới chức tỉnh Quảng Ninh cho hay 7 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh trên biên giới Trung Quốc chiều thứ Sáu 18/4.

5 trong số đó là người Trung Quốc, hai người còn lại là lính biên phòng của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, xác nhận với BBC tin này và nói năm người Trung Quốc chết do "nhảy" từ tầng cao của đồn biên phòng cửa khẩu.

Thông tin chính thức trên Cổng Điện tử tỉnh Quảng Ninh nói vào lúc 04:20 sáng thứ Sáu 18/4, một nhóm người Trung Quốc gồm 10 nam giới, bốn phụ nữ và hai trẻ em "đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh)".

Trên đường thâm nhập sâu vào nội địa, những người này "đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện, bắt giữ và dẫn giải ra cửa khẩu để tiến hành làm các thủ tục trao trả lại phía Trung Quốc theo quy định và thông lệ quốc tế".

Tuy nhiên, theo thông tin chính thức của chính quyền tỉnh, khoảng 12:00 giờ trưa, "trong khi đang làm thủ tục, bất ngờ một vài người đàn ông của nhóm người trên lợi dụng sơ hở của các lực lượng chức năng đã manh động cướp súng và bẻ gẫy chân bàn làm việc, xả súng tấn công, khống chế lực lượng biên phòng Việt Nam, khiến một chiến sỹ biên phòng Việt Nam hy sinh ngay tại chỗ, buộc lực lượng biên phòng Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tự vệ chính đáng".

Được biết an ninh và biên phòng của cả Việt Nam và Trung Quốc đã kêu gọi những người Trung Quốc trên giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng không thành công.

Cơ quan chức năng bác bỏ đây là vụ khủng bố

Cổng thông tin Điện tử Quảng Ninh nói những người này "kiên quyết cố thủ, đập phá trụ sở của lực lượng biên phòng, buộc lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận, khống chế và bắt giữ".

"Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số nhảy lầu tự tử và tự sát."

Có một số người bị thương, trong đó có bốn bộ đội biên phòng Việt Nam. Tổng số người bị thương hiện chưa rõ.

Chính quyền Quảng Ninh nói tình hình được kiểm soát lúc 15:15 chiều 18/4.

Vụ việc đang được điều tra, nhưng có tin cơ quan chức năng bác bỏ đây là vụ khủng bố.

Phó Chủ tịch Đỗ Thông của Quảng Ninh nói số người Trung Quốc cùng thi thể của năm người thiệt mạng đã được trao trả cho phía Trung Quốc và tình hình đã trở lại bình thường.

Nguồn ở đây

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

KHÔNG THỂ Ở CÙNG NHAU THÌ ĐỪNG GÂY THƯƠNG NHỚ

Đừng bao giờ cho đi vô tội vạ những cử chỉ yêu thương.Cũng đừng bao giờ hồn nhiên hồ hởi nắm lấy mọi quan tâm của người khác.

Tôi có người bạn, cậu ấy đang rất đau khổ vì một cô gái _ người đã quyết định rời xa cậu ấy sau hai tháng kết tình "tâm giao", theo tôi thấy vậy còn với bạn tôi thì đó là hai tháng hẹn hò yêu đương hạnh phúc.

Đầu tiên phải khẳng định rằng, bạn tôi không phải loại con trai lụy tình, càng không phải tuýp người cả ngày chỉ biết chạy theo một cô gái, làm cô ta vui vẻ và cho rằng đó là niềm hạnh phúc của bản thân. Cậu ấy có ngoại hình khá ổn, phong cách thời trang không tệ, tính cách lạnh lùng là chủ đạo, bên cạnh đó đôi chút có những lúc ấm áp, mà theo tôi nhận thấy thì rất đúng thời điểm. Không phải tôi khen bạn mình, nhưng cậu ấy có cả tá con gái nhõng nhẽo theo đuổi từ khi học cấp 3. Chỉ có điều tình cảm yêu đương hình như quá khó khăn với cậu ấy. Cho tới cách đây 2 tháng, tức là năm cuối đại học rồi, trái tim cậu ấy mới bắt đầu rung động trước một cô gái. Người làm quen trước không phải là bạn tôi, nhưng cậu ấy lại là người nghiện đối phương trước. Cô gái khá tầm thường về ngoại hình, nhưng có nụ cười khiến bạn tôi chết mê chết mệt và cách nói chuyện thì, theo cậu ấy, dễ thương không chịu nổi.

Bạn tôi cứ như bị uống thuốc mê. Triệu chứng thì khỏi nói rồi, nếu như ngày trước chỉ tám về mấy chuyện cười bể bụng trên hài vl thì giờ mở miệng ra là “cô ấy nói thế này, cô ấy thích thế kia”. Khi chưa biết số điện thoại người ta khóa FB một ngày mà cậu ấy check tới cả trăm lần xem khi nào mới mở. Biết số điện thoại rồi, người ta không bắt máy một buổi sáng mà cậu ấy đi qua đi lại như đồng hồ quả lắc trong nhà. Hẹn đi chơi với nhau được rồi, một ngày không gặp là thế nào cậu ấy cũng trầm mặc lơ lửng như người ngoài hành tinh trong lớp.

- Ê, có phải tao say nắng rồi không?

- Ờ, say rồi, không say mà như vậy chắc điên quá.

Cậu bạn thân thiết của tôi bị chuốc thuốc như vậy đó. Nghiện dễ dàng và quá mức nặng luôn. Một tình yêu gà bông đáng yêu nhất quả đất tưởng như sắp đâm chồi nếu như cô bé kia không bật mí rằng bản thân đã say nắng một người, và nhờ bạn tâm giao – tức là thằng bạn ngu của tôi đó – tư vấn (lúc này đổi sang thằng vì thấy nó ngu quá). Vậy là thằng bé cứ đều đặn làm cố vấn tình yêu cho người ta rồi tự mua dây buộc mình một cách ngớ ngẩn.

Ừ, câu chuyện kết thúc và thằng bạn đáng yêu của tôi giờ vẫn đang loăng qua lăng quăng vừa đau khổ vừa lo chuyện bao đồng ngoài kia.

Trước giờ tôi vẫn nghĩ, tình cảm là thứ khó có thể kiểm soát nhất. Vì thế tôi cho rằng đừng bao giờ coi thường những vấn đề tình cảm.Nếu không thể ở bên nhau thì đừng gây thương nhớ, đã không yêu thì đừng khiến người ta nghiện.Việc cố tình gây thương nhớ rồi bỏ trốn cũng giống như bạn ban phát cho ai đó một quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi rồi cướp đi của họ cả ti tỉ phút cuộc đời sau đó. Điều đó tàn ác đâu có khác gì bạn nhốt người ta trong cái lồng do chính bạn vô tình hay hữu ý kết thành.

"Đừng bao giờ cho đi vô tội vạ những cử chỉ yêu thương. Cũng đừng bao giờ hồn nhiên hồ hởi nắm lấy mọi quan tâm của người khác."

Nghiên cứu đã chứng minh rồi, thói quen sẽ hình thành sau 21 hoặc 28 ngày, lâu hơn có thể là 66 ngày. Bạn sẽ làm những việc abc xyz nào đó mà không đòi hỏi sự kiểm soát của ý thức nữa. Giống như bạn quen rằng mỗi tối đều đặn nói chuyện với anh ấy, lặp đi lặp lại rồi sẽ nhớ phát điên nếu chỉ 1 ngày không nghe giọng người ta. Bạn quen rằng mỗi khi nhức đầu, sổ mũi có người hỏi thăm mang thuốc tới chăm sóc, rồi khi một mình trong những lúc đó bạn thấy quả thật cô đơn vô cùng. Tình cảm cũng có thể thành thói quen mà. Thói quen có thể sửa những ít nhiều cũng khiến bạn vất vả.Đi qua góc phố quen, không thể không chạnh lòng nhớ đến lúc nắm tay ai đó.Nghe một ca khúc đã từng hát chung, nhìn một người có kiểu tóc buộc y chang anh ấy cũng vẫn khiến bạn giật mình.Cho dù đã tim hết yêu nhưng thiếu vắng là điều khó phủ nhận. Nhất là khi ký ức đã đậm sâu.

Bởi vậy mới nói, quên một người là điều không làm nổi, người ta chỉ có thể tạm thời ngừng nghĩ về người đó thôi.Từ bỏ thói quen cũng vô cùng khó, người ta chỉ làm được khi có thói quen mới mà thôi.Vậy nên nếu đã không nghiêm túc trong một mối quan hệ tình cảm, đừng dại dột tạo thành những nghiện ngập cho nhau.

SỨ MỆNH VÀ SỬ MỆNH CỦA ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP

1. Lời nói đầu 

Đặt lại vấn đề về Sứ Mệnh ĐHQGĐL 

Trên 35 năm hành nghề “buôn óc bán phổi” ở nhiều đại học, đây là lần đầu tiên (và chắc hẳn cũng là lần duy nhất) tôi tham dự lễ khai giảng. Tôi “bị” Giáo sư Lý, ngài Hiệu trưởng “tự cử dân bầu” của chúng ta, “phạt” phải tham dự.
Có phải vì Lý Hiệu trưởng biết tôi vốn “lười họp biếng hành”, chưa bao giờ tham dự bất cứ lễ khai trường hay tốt nghiệp nào, nên “ép buộc” tham dự buổi lễ năm nay chăng? Cũng có thể vì biết rằng tôi sắp tới tuổi về “hành nghề Ô-sin”, nên ngài hiệu trưởng phải tận dụng “bóc lột” sức lao động cuối cùng chăng? Nhưng dù thế nào đi nữa, đây là một vinh dự. Xin chân thành cám ơn Lý hiệu trưởng đã có nhã ý dành cho tôi cơ hội chia sẻ với các bạn sinh viên đồng học và quý đồng nghiệp về một vấn đề mà chúng ta thao thức đeo đuổi. Về chính cái lý do “tồn tại” của đại học chúng ta (“to be or not to be” theo William Shakespeare (1564-1616)). Về cái lý do tại sao các bạn sinh viên nằm gai nếm mật để có thể nhập đại học này. Về cái động lực thúc đẩy quý đồng nghiệp không màng tiền bạc (và có lẽ, bỏ vợ bỏ con ở nhà), miệt mài trong phòng thí nghiệm, hy sinh đời mình cống hiến cho đại học. Vâng tôi muốn đặt lại cái sứ mệnh của Đại Học Quốc Gia Đài Loan (ĐHQGĐL) của chúng ta, một điều mà cho đến nay ít thấy ai bàn luận. Tôi muốn đưa ra một lối nhìn khác, phải coi sứ mệnh là chính cái sử mệnh của chúng ta.
Ngạn ngữ có câu “trung ngôn, nghịch nhĩ”. Tôi thì chẳng có “trung ngôn” nhưng lại thích “loạn ngôn”, nên hy vọng Lý hiệu trưởng và ban giám hiệu sẽ không hối hận vì đã “trót dại” dành cho tôi dịp nói chuyện này. Quý vị có thể sẽ ngứa tai, nhưng xin đừng rửa tai sau bài nói chuyện. Cũng đừng đổ cho tôi cái tội “đầu độc, làm băng hoại sinh viên”, cái tội mà nhà hiền triết Socrates vì đó đã bị án tử hình. Tôi chưa xứng đáng làm đồ đệ cho vị triết gia này, và dĩ nhiên tôi chẳng dại gì (hay đúng hơn, thiếu can đảm) tự sát như ông ấy. Ít nhất tôi chưa phải “chiến đấu”với một phụ nữ như Xythander, bà vợ “hiền dịu” hơn cả “mãnh hổ Sơn Đông” của Socrates.

2. Sứ Mệnh và Sử Mệnh của ĐHQGĐL 

Câu hỏi đặt ra, đó là tại sao lại phải bàn về sứ mệnh. Không phải đó chính là cái sứ mệnh “Đôn Phẩm, Lập Học, Ái Quốc, Ái Nhân” thấy trên huy hiệu của Trường, mà Nhà nước Trung Hoa Dân Quốc đã nhồi nhét vào đầu sinh viên ngay vừa khi họ tiếp thu Đại Học Đế Quốc Đài Bắc Taihoku) từ Nhật đó sao? Đó không phải là cái mục tiêu lọt vào trong nhóm 100 trường nổi tiếng nhất thế giới mà ban giám hiệu đã đặt ra dịp sinh nhật 80 của Trường tháng 11 năm 2007, và nhờ đó mà đã vòi vĩnh quốc hội được hàng trăm triệu Mỹ kim mỗi năm hay sao?
Ý kiến của tôi xem ra đi ngược với lối nhìn của nhiều nhà (chứ không phải tất cả mọi giới) lãnh đạo giáo dục, và dĩ nhiên, đối nghịch với nhà nước Trung Hoa Dân Quốc. Tôi không nghĩ mục đích của chúng ta chỉ nhắm vào việc “lọt vào” số 100 trường giỏi nhất thế giới (mặc dù chúng ta bắt buộc phải thuộc hàng đầu thế giới), và tôi càng không nghĩ là tám chữ vàng son “Đôn Phẩm, Lập Học, Ái Quốc, Ái Nhân” phải là cái sứ mệnh riêng của chúng ta.
Lý do thật đơn giản. Khi nhà nước Quốc Dân Đảng (và trước đó, mọi triều đại) ép buộc chúng ta phải nuốt chửng tám chữ vàng đó, họ muốn chúng ta trở thành một đàn bò, đàn dê, đàn cừu... Giáo dục nhồi sọ nhắm sản xuất loại sữa chua loét khoét thủng dạ dầy. Nó không thể tạo ra loại sữa ngọt bổ dưỡng thân thể. Đó chính là mục tiêu của bất cứ một chế độ chuyên chế nào. Trường học chẳng khác trại lính, hay công xưởng là bao. Vậy thì, thử hỏi, có trường đại học nào trong một chế độ chuyên chế khác với đại học chúng ta? Mục đích như vậy đâu có phải là đặc thù của riêng ai đâu? “Đôn phẩm,” rồi “lập học,” rồi đao to búa lớn hơn, “ái quốc", “ái nhân", đã được nhồi nhét vào đầu óc các em học sinh ngay từ nhỏ, và cả hàng trăm, hàng ngàn năm nay. Chúng ta đâu còn xa lạ gì với những khẩu hiệu “trung quân, ái quốc” đầy rẫy trong sách vở, trong những lời tuyên huấn mà giới trẻ nhàm chán. Đó là những thực phẩm “bổ béo” nhưng không thể tiêu hóa, những đồ uống sang trọng nhưng “càng uống càng khát”. Đó là những “bộ áo” của những ông vua tự sướng với ảo giác “oai phong, lẫm liệt”. Bộ áo đã chẳng che đậy được cái thân thể xấu xí, mà ngược lại càng lột trần cái sự ngu dốt của ông ta.
Thực vậy, từ thời đức Khổng Tử tới nay, chúng ta đã có được mấy ai “yêu người” thực sự, “yêu nước” theo đúng nghĩa? Yêu nước đã biến thái thành “yêu vua”, “yêu chúa”, “yêu đảng”, “yêu lãnh tụ”, chứ có phải là yêu nước là yêu dân như thầy Mạnh Tử dạy đâu! Và cả bao ngàn năm “lập học” rồi, nhưng tại sao đại học hàng đầu của chúng ta cứ lẹt bẹt cầm đèn đỏ cho những đại học hàng đầu Anh, Mỹ?
Mọi người chúng ta đều thấy, bất cứ trường nào ở hai bên eo biển Đài Loan, và cả ở những vùng nói tiếng Trung cũng đều có những khẩu hiệu rất hoành tráng, to tát vĩ đại (nhưng không thực tế, hay đúng hơn, không tưởng) như thế cả. Nếu mà ai cũng như nhau thì làm thế nào ĐHQGĐL của chúng ta có một chỗ đứng duy nhất trong xã hội người Hoa, và trong thế giới? Nếu cứ vậy mãi thì làm sao trở thành lãnh đạo?
Rồi cái mục tiêu nằm trong 100 đại học hàng đầu của thế giới thì lại càng “vớ vẩn” hơn nữa. Lấy tiêu chuẩn nào để xếp hạng? Câu hỏi này vẫn còn chưa có một câu trả lời nào được đồng thuận. Nếu theo Times Higher Education Supplement (THES), và theo Quacquarelli Symonds (QS), thì hiện nay chúng ta đã nằm trong cái danh sách 100 của thế giới học thuật đó rồi(1). Nhưng chúng ta có được nhìn với ánh mắt mà thiên hạ dành cho Harvard, Cambridge, Oxford, Princeton... chưa?(2) Viện Công Nghệ của chúng ta xếp hạng 29 trên thế giới, nhưng có được để ý như Massachusetts Institute of Technology (M.I.T) hay California Institute of Technology (Caltech) không? Khoa Triết Học của chúng ta cũng xếp rất hoành tráng, hạng 43 trên thế giới(3). Nhưng thử hỏi có lý thuyết gia nào ảnh hưởng tới thế giới không. Khoa Triết của ĐH Frankfurt, xếp đồng hạng với chúng ta, nhưng họ có cả hàng chục triết gia như Jurgen Habermas, Theodor Adorno, Max Horkheimer, Karl Otto Apel... những triết gia thực sự ảnh hưởng sâu rộng tới cả thế giới từ bao năm nay. Còn chúng ta? Mang danh nằm trong “tốp 100”, nhưng sự thực (đáng xấu hổ), đó là chúng ta chỉ biết bám đuôi làm chú bé xách giầy cho Harvard, Oxford, Cambridge, Princeton, Yale... nhưng lại kiêu căng tự mãn với cái hư danh “Harvard Đài Loan”, “Harvard Trung Quốc”.
Tôi thiển nghĩ, mục đích hay sứ mệnh (mission) của chúng ta phải cùng một lúc là sử mệnh (historical destiny). ĐHQGĐL phải tạo ra lịch sử, một lịch sử định đoạt cái số mệnh của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ảnh hưởng sâu rộng tới Trung Quốc Đại lục, và đóng góp vào việc thay đổi số mệnh của nhân loại. Để vừa là sử mệnh, vừa là sứ mệnh, ĐHQGĐL bắt buộc phải là một đại học lãnh đạo theo đúng nghĩa của nó. Lãnh đạo là đi tìm đường; lãnh đạo là dẫn đường; lãnh đạo là chỉ đường; lãnh đạo là xây đường... Nói một cách đơn giản: lãnh đạo là người đi trước. Đi trước trong mọi lãnh vực trên thế giới là đại học đẳng cấp thế giới. Đi trước trong phạm vi nhỏ hẹp, hay trong một không gian, thời gian nhất định, là đại học đẳng cấp quốc gia, hay vùng, hay của một ngành nào đó. Ước vọng của chúng ta không chỉ đào tạo lãnh đạo cho Đài Loan mà còn cho toàn thế giới và cho mọi ngành. Uớc vọng của ĐHQGĐL phải là đẳng cấp thế giới theo đúng nghĩa của đẳng cấp.
Để biện minh cho quan niệm này, tôi xin bắt đầu với việc đòi hỏi phải thay đổi lối nhìn của chúng ta về sứ mệnh đại học. Thứ đến, tôi xin bàn về những đặc tính hay thành tố tạo nên một đại học lãnh đạo (với tựa đề “Khi Sứ Mệnh Biến Thành Sử Mệnh”). Và phần thứ ba kết luận, tạm đưa ra một phương hướng để hoàn thành sứ mệnh tạo ra lịch sử (với tựa đề “Đường Ta Ta Đi”(4).

3. Hãy thay đổi lối nhìn 

Chúng ta từng sống trong một thế giới nhỏ hẹp và đóng kín. Vì vậy mà chúng ta nghĩ rằng, chúng ta là trung tâm vũ trụ (cái tên Trung Quốc tự nó đã phản ánh một cách rất trung thực lối suy nghĩ ngô nghê thiển cận này). Thế giới của chúng ta đã không cần một ai ở ngoài, hay từ trong thoát ra ngoài rồi trở lại, nói cho chúng ta biết tất cả sự thật về thế giới bên ngoài. Bởi vì chúng ta đã tự tôn tự đại cho mình nắm được chân lý. Giống như nhóm tù nhân trong huyền thoại “Sơn động” của đại triết gia Plato(5), chúng ta không những gạt bỏ người dám nói lên sự thật, mà còn tố khổ họ, hoặc sát hại họ. Người Nhật của thời Minh Trị (1868-1912) đã nhận ra sự thật sau phát súng thần công của đô đốc Matthew C. Perry ở vịnh Edo (vịnh Tokyo) vào năm 1852. Họ biết khiêm cung chấp nhận sự trội vượt của thế giới Tây phương. Họ gửi người đi học tập, và nghiêm túc tiếp thu Tây học(6). Và điều này làm lên sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản: một nước trì trệ, một nước tiến bộ.
Trong một thế giới đóng kín, và tự cao tự đại, tự mãn... thì lối nhìn đại học cũng khác biệt lạ đời. Mục đích của giáo dục nói chung, và của đại học chúng ta nói riêng không phải là lãnh đạo, phát minh, phát triển, tiến bộ... mà là phục vụ, phục tòng và phụ giúp(7). Phục vụ đòi buộc phải “học theo, nghe theo, đi theo, làm theo, sống theo”. Phục tòng đòi buộc thái độ “không nhìn, không nghe, không nói” (của ba chú khỉ Mizaru, Kikazaru và Iwazaru ở đền thờ Tosho-gu, mà các bạn thấy bán khắp nơi)(8). Phụ giúp nói lên tính chất phụ thuộc, không quan trọng, đó là tính chất công cụ của người giúp việc như Ô-sin, hay nô lệ. Người ta đã đổ đốn hạ cấp giá trị trí thức thành cái giá trị công cụ, chẳng khác chi cái giá trị của người giúp việc (under-labourer, theo John Locke)(9). Một quan niệm sai lầm nguy hiểm bắt đầu với Francis Bacon, rồi Locke, và đạt đến cao điểm của sự khốn cùng trí thức với cái tên họ Mao (Trạch Đông), nhà “lãnh tụ vĩ đại toàn năng hơn cả Thượng Đế” (như bọn Hồng Vệ Binh và lũ ngụy trí thức đã từng ngợi ca). Họ Mao đã khinh miệt giới trí thức như “cục phân” và coi bạo lực như nền tảng “siêu hình” của quyền lực. Và Mao không chỉ là một cá biệt ngoại lệ. Ngay cả ngày nay vẫn còn biết bao “kẻ sĩ” khom lưng tung hô sự “vĩ đại” của hai cha con (và bây giờ thì ba ông cha cháu) nhà họ Kim, và biết bao những nhà lãnh đạo tối cao khác... Họ học theo Trung Quốc của “chúng ta” đấy mà!
Như vậy, các bạn thấy đó, “phục vụ” không đòi buộc, mà còn chống lại sáng tạo, cải cách. Nếu giáo dục chỉ để phục vụ, thì mạo hiểm, thám hiểm chỉ cần trong lúc chiến tranh, để bảo vệ chế độ. Tương tự, phát minh chỉ được trọng dụng nếu nó có thể phục vụ (quân đội, công an, bảo an, giao thông...). Những nghiên cứu tạo ra phát minh, những cuộc thám hiểm... chỉ là những công cụ để phục vụ chế độ mà thôi. Phát minh ra các vũ khí tân tiến, bom các loại, ngay cả loại bom hủy diệt... không phải để làm chân lý sáng ngời, làm tăng kho tàng trí thức, hay bảo vệ giá trị con người. Những phát minh này nhắm bảo vệ một chế độ, một nhóm người, hay một lãnh tụ nào đó, hay kinh hoàng hơn, để hủy diệt nhân loại. Bắc Triều Tiên đã “chế tạo” được bom nguyên tử nhưng với cái giá cực đắt: hằng triệu đồng loại chết đói, hay còn đương rã họng chờ chết. Chúng ta cố tình quên đi rằng, bản chất của sáng tạo, phát minh, mạo hiểm, khám phá và cải cách, vân vân, nằm trong tự do, nhờ vào tự lập và nói lên tính tự chủ của con người.
Đúng thế! Lịch sử đã làm chứng cho sự thật bi thảm này. Đã có một thời nước Nga sản sinh ra nhiều bác học, vĩ nhân, những nhà lãnh đạo trong nhiều lãnh vực. Nhưng nhiều chục năm liên tục ở TK XX, trí thức đã bị đánh đồng với người phục vụ chế độ. Những ai sống chân thật với bản chất trí thức của mình đã bị vùi dập. ĐH Lomonosov, một biểu trưng cho sáng tạo, đã bị ma thuật quyền bính biến thành đồ trang trí cho nhà nước. Ở Trung Quốc Đại lục thời Mao Trạch Đông, số phận giới trí thức còn bi đát hơn nữa. Theo hay chống Mao, họ đều bị cái ông “Tần Thủy Hoàng đỏ” này coi không hơn cục phân. ĐH Bắc Kinh không còn là bộ óc của Trung Quốc. Nó biến thái thành một trung tâm huấn luyện những đầu óc rượu thịt chức quyền. Đại Học Nhân Dân thành xưởng tuyên truyền và ĐH Thanh Hoa đào tạo những kỹ sư không đáng được gọi là thợ tốt. Các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của đất nước bị bắt đi chăn bò, nuôi heo, canh tác, vân vân. Các nhà nghệ sĩ thành danh bị lôi cổ đi cầy bừa thay thế trâu bò. “Đại Cách Mạng Văn Hóa” (1967-1977) không chỉ phá sản văn hóa đạo đức, mà còn tái hiện thực cơn ác mộng Tần Thủy Hoàng một cách vô văn hóa nhất trong lịch sử nhân loại. Và mãi đến gần đây, người Trung Quốc mới nhận ra được cái thảm kịch này, khi mà thấy mình tụt hậu sau thế giới “tư bản giãy chết” cả mấy chục năm.
Ngay ở Đài Loan chúng ta, dưới thời Tổng thống Tưởng Giới Thạch, cho dù được đối đãi khá hơn đồng nghiệp bên Đại lục, giới trí thức vẫn bị coi là giới phục vụ. Thầy cô giáo đều được xếp chung với công chức, quân đội, cảnh sát, tức là những người phục vụ. Và chúng ta bây giờ phần nào hiểu được sự trì trệ của Trung Quốc cho đến gần đây, và cả của Đài Loan vài chục năm trước. Khi nào mà giáo dục còn là công cụ cho nhà nước, hay cho đảng phái, hay cả tổ chức tôn giáo, thì lúc đó khó có thể có sáng tạo, phát minh. Thì lúc đó thám hiểm chỉ là những cuộc mạo hiểm “đần độn” mà thôi.

KHI XÃ HỘI DUNG DƯỠNG CHO HÀNH VI ĂN CẮP

Từ những sự việc không mong muốn 

Vụ việc một học sinh THCS ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) bị trói và đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” vì hành vi lấy cắp 2 cuốn truyện trong siêu thị đã gây nên sự phẫn nộ trong dư luận. Hầu hết các ý kiến đều lên án mạnh mẽ hành vi “thiếu nhân tính” và “làm nhục trẻ em” của nhân viên siêu thị.

Bắt đầu từ một hình ảnh được một trang mạng xã hội. Báo chí đã ồ ạt khai thác và đăng tải thông tin về vụ việc tới độc giả. Hàng nghìn ý kiến của dư luận trên các trang báo mạng và các mạng xã hội. Phần lớn đều đều cảm thông và đồng tình với hành vi ăn trộm sách của nữ sinh và lên án mạnh mẽ hành động “làm nhục” nữ sinh của nhân viên siêu thị.

Sau khi sự việc xảy ra, theo thông tin báo chí, phía gia đình và cô giáo chủ nhiệm đã đến siêu thị nộp phạt và đưa nữ sinh về. Gia đình nữ sinh cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị về hành động dại dột của con họ.

Về phía lãnh đạo siêu thị, sau biết sự việc xảy ra và sự bức xúc của dư luận. Họ đã đã trực tiếp đến nhà xin lỗi nữ sinh và gia đình. Đồng thời cũng đến trường học của nữ sinh nhờ Ban giám hiệu thông báo lời xin lỗi của họ học sinh của trường. Lời xin lỗi còn được thể hiện bằng một bức thư có chữ ký của người đại diện và đóng dấu của doanh nghiệp. Có thể thấy đây là việc làm nhân văn và có trách nhiệm của siêu thị để bù đắp cho việc làm phản cảm của nhân viên họ, vì họ có thể từ chối làm việc đó và đổ hết trách nhiệm lên đầu nhân viên vi phạm.

Nhà trường, gia đình và đại diện siêu thị đã động viên, giúp đỡ để nữ sinh tiếp tục đến trường. Tránh gây ra những ảnh hưởng tâm lý cho nữ sinh lẫn sự chê bai, kỳ thị của bạn bè và xã hội. Có thể thấy, mặc dù sự việc xảy ra là đáng tiếc và không mong muốn, nhưng các bên liên quan về cơ bản đã khắc phục được.

Đến những sự “phẫn nộ” và dung dưỡng cho hành vi ăn cắp 

Cứ tưởng cái kết của sự việc sẽ có hậu khi các bên liên quan đều cầu thị và cố gắng giải quyết hậu quả với tinh thần trách nhiệm cao, hạn chế thấp nhất những tác động tâm lý và ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của em nữ sinh. Thế nhưng dư luận xã hội lại tiếp tục bị xới lên khi có những “hành động” của những người có trách nhiệm, có uy tín trong xã hội.

Đối với dư luận, sự phẫn nộ đối với sự việc là điều dễ hiểu. Bởi vì hành động của nhân viên siêu thị đối với nữ sinh là rất “phản cảm” cho dù vì bất cứ lý do gì. Mặt khác, dư luận xã hội tại Việt Nam lâu nay vẫn mang nặng cảm tính và a dua bầy đàn. Những sự tranh luận thường mang tính bảo thủ và thiếu tri thức, ví dụ như: “Nếu con bạn bị như vậy, bạn sẽ thế nào?” hay “Bạn có chắc rằng hồi nhỏ bạn chưa từng ăn trộm?”.

Nhưng đối với những người có trách nhiệm, có uy tín thì lại khác. Bởi vì những ảnh hưởng của họ tác động lớn đến dư luận xã hội, và đôi khi tác động ngược đến đối tượng họ bảo vệ như trong vụ việc này.

Trả lời báo chí, bà Phan Thị Hằng Nga - Phó giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai nói: “Sở Giáo dục đề nghị nhà trường và Phòng Giáo dục huyện làm yêu cầu đề nghị toàn bộ nhân viên siêu thị và lãnh đạo siêu thị đến trường em S. vào ngày thứ 2, có giờ chào cờ, đứng xếp hàng xin lỗi em S. trước toàn bộ học sinh trong trường, và cũng phải xin lỗi nhà trường vì đã làm ảnh hưởng đến nhà trường”.

Không hiểu bà Nga vì quá “phẫn nộ” nên thiếu sáng suốt hay thực sự thiếu hiếu biết đến mức “ngu xuẩn” mà đưa ra một lời đề nghị rất vô lý thậm chí vi luật như vậy? Đồng thời, một người đang làm công tác quản lý giáo dục, đang đào tạo ra những con người có tri thức và hiểu biết pháp luật lại dung dưỡng cho hành vi ăn cắp sách bằng cách ngụy biện giả tạo rằng “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa cho mình”.

Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo theo đánh giá của dư luận và bạn đọc là “nổi tiếng” cũng lên tiếng trên các Blog và Facebook cá nhân rằng, hành vi ăn cắp sách của nữ sinh trên là đáng biểu dương, vì “ăn cắp sách không có tội”, nữ sinh này yêu sách như thế là “hồng phúc cho đất nước”, và đến mức “khát khao yêu cháy bỏng sách đến bất chấp nhục hình”. Họ hứa sẽ mua sách, gửi tiền mua sách để tặng cho nữ sinh gây dựng tủ sách.

Không hiểu những người này hiểu biết pháp luật đến đâu? Nhưng chắc chắn rằng, việc dung dưỡng cho hành vi ăn cắp chỉ vì đó là ăn cắp sách là một sự ngụy biện đáng khinh bỉ. Bởi vì, ăn cắp là ăn cắp, không thể trong một xã hội pháp quyền hành vi ăn cắp sách được xem là không ăn cắp. Mặt khác, tri thức của mỗi con người được hình thành qua nhiều con đường khác nhau và sách chỉ là một. Việc yêu sách mà bất chấp pháp luật thì chắc chắn sách không giúp ích được gì cho người đó, bởi vì đọc sách là để bồi đắp tri thức, và một người có tri thức phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cũng rất “phẫn nộ”, họ nói về hành vi “xúc phạm quyền trẻ em” và “làm nhục người khác” hùng hồn đến mức dư luận cảm giác rằng, mấy nhân viên siêu thị có thể bị kết án và đi tù vài năm. Trong khi đó, hình như họ quên mất rằng ăn cắp cũng là một hành vi phạm tội. Cho dù đối với vụ việc này, hành vi đó chỉ ở mức cảnh cáo trong nội bộ hẹp.

Việc báo chí vào cuộc là rất cần thiết để lên án cái xấu, kể cả hành vi ăn trộm sách của nữ sinh lẫn hành vi “làm nhục” của nhân viên siêu thị. Và nếu báo chí biết dừng lại ở việc bảo vệ quyền trẻ em, phản đối hành vi trừng phạt thiếu nhân văn đối với trẻ em ăn cắp thì sẽ rất có ý nghĩa và trách nhiệm. Đàng này, báo chí lại đang bênh vực, bảo vệ cho hành vi ăn cắp. Đây chính là một sự dung dưỡng cực kỳ nguy hiểm vì tính lan tỏa và định hướng dư luận của báo chí.

QUYỀN LỰC CỦA VỢ BẦU KIÊN

Vợ bầu Kiên 'quyền lực' mạnh như thế nào?

Khi bầu Kiên bị bắt, đội bóng của ông rơi vào tình trạng “rắn mất đầu”. Trong tình thế đó, một thành viên CLB khẳng định: “Có lẽ chỉ có vợ bầu Kiên mới có thể đưa ra quyết định về tương lai đội bóng lúc này. Tôi sẽ báo cáo lên bà ấy”.

Bà Đặng Ngọc Lan được nhắc đến nhiều với tư cách người đàn bà quyền lực luôn đứng sau bầu Kiên, đồng thời là bóng hồng duy nhất trong trái tim ông bầu chung thủy.

Thường xuyên cùng chồng dạo phố, tay trong tay đi nghe nhạc, nắm số cổ phiếu nhiều trăm tỉ đồng trong ngân hàng của chồng, có thể thấy bầu Kiên khá yêu thương và chiều chuộng vợ.

Bà Lan đã góp phần cùng HĐQT trong việc xây dựng chiến lược phát triển của VIETBANK.

Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Ngữ (nay là Đại học Hà Nội) những theo niêm yết trên website của VIETBANK cho thấy bà Lan có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đã tham gia vào nhiều dự án phát triển và đầu tư quan trọng tại Ngân hàng Á Châu. Bà Lan đã góp phần cùng HĐQT trong việc xây dựng chiến lược phát triển của VIETBANK.

Được biết đến là một trong những đồng cổ đông sở hữu cổ phiếu tại Ngân hàng ACB với chồng, là TGĐ Công ty B&B, bà Đặng Thị Ngọc Lan là “cánh tay phải” đắc lực hỗ trợ bầu Kiên trong kinh doanh.

Năm 2007 với tổng giá trị tài sản là 677,7 tỷ đồng, bà đứng vị trí thứ 4 trong top 10 người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Vị trí này được giữ vững thêm một năm nữa dẫu con số thống kê kia đã giảm xuống chỉ còn 615,658 tỷ.

Cứ thế, dù có lúc nắm giữ đến cả nghìn tỉ (1.045,433 tỷ đồng- năm 2009) hay dao dộng quanh mức hơn 800 tỷ thì người phụ nữ ấy vẫn luôn có mặt ở top 6 người phụ nữ giàu nhất TTCK Việt Nam.

Năm 2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên để điều tra vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số đơn vị khác tại Hà Nội, TP HCM. Đồng thời ông cũng bị điều tra về tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật Hình sự.

Sau khi tiến hành điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố thêm ông Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế. Bầu Kiên bị bắt là một tin tức gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.

Liên quan tới vụ án của chồng, bà Lan vốn là Tổng giám đốc Công ty B&B - nơi mà chồng bà đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, trong thời điểm ký hợp đồng này bà Lan đang nghỉ chuẩn bị sinh con nhỏ, không biết và không tham gia gì vào việc chỉ đạo hoạt động kinh doanh của công ty. Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định không xử lý hình sự đối với Đặng Ngọc Lan.

Sau khi bầu Kiên bị bắt VFF đã làm công văn yêu cầu CLB BĐ Hà Nội cử người thay thế bầu Kiên. Bản thân GĐĐH Lê Khắc Chính trước báo giới khi đó thừa nhận: “Đội bóng này là của bầu Kiên, không ai có thể thay thế. Chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của VFF, trừ khi nhận được chỉ thị từ bầu Kiên”.

Sau đó, một thành viên khác thuộc BLĐ đội bóng đă khẳng định: “Có lẽ chỉ có vợ bầu Kiên mới có thể đưa ra quyết định về tương lai đội bóng lúc này. Chúng tôi sẽ báo cáo t́ình h́nh lên bà ấy và chờ đợi câu trả lời.

Cuối cùng, bà Lan đã thay mặt chồng điều hành đội bóng, xóa đi những nghi ngờ về khả năng giải thể hai đội bóng bằng câu trả lời dứt khoát: “Ông Lê Khắc Chính sẽ là người tạm thay bầu Kiên đảm đương giải quyết các công việc còn tồn đọng ở hai đội bóng”.

Là bóng hồng duy nhất của Bầu Kiên, cho dù ông đã rơi vào vòng lao lý bà Ngọc Lan luôn sát cánh bên cạnh chồng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có mặt tại phiên tòa xét xử chồng mình sáng ngày 16/4, bà Ngọc Lan có mặt tại tòa từ khá sớm, ăn mặc khá giản dị, lặng lẽ ngồi theo dõi diễn biến của phiên tòa.

Quỳnh Hoa

ĐỀ NGHỊ CÁCH CHỨC PHÓ CHÁNH ÁN TAND PHÚ YÊN

Đề nghị cách chức một Phó Chánh án TAND Phú Yên

Trong thông báo số 50-TB/UBKTTU ngày 17/4/2014 của Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cung cấp cho phóng viên tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, có nội dung cho biết : Từ kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên, cơ quan này đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cách chức Ủy viên Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Phú Yên đối với đảng viên Nguyễn Văn Tào, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật công chức bằng hình thức cách chức Thẩm phán, cách chức Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên.

UBKT Tỉnh ủy Phú Yên cũng đề nghị khai trừ ra khỏi đảng đối với đảng viên Trần Hoa - nguyên Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nguyên Phó giám đốc Sở nội vụ, nguyên Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên.

Theo UBKT Tỉnh ủy Phú Yên, trong thời gian đảm trách chức vụ Thẩm phán, Chánh án TAND TP Tuy Hòa, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Văn Tào đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng từ việc xác định quan hệ tranh chấp khởi kiện đến nội dung bản án. Khi xét xử, đánh giá chứng cứ thiếu toàn diện, áp dụng không đúng pháp luật, dẫn đến tuyên xử 3 bản án dân sự và 1 bản án hình sự không đúng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của tổ chức và công dân, khiến dư luận bất bình, phát sinh đơn thư tố cáo. Nghiêm trọng nhất là khi thụ lý, xét xử vụ án hình sự Đinh Thiên Tường - nguyên chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Hòa, nguyên Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Hòa “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thẩm phán Nguyễn Văn Tào không tuân thủ chỉ đạo của Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Yên, ban hành quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ lệnh tạm giam sang tại ngoại đối với Đinh Thiên Tường - một đối tượng bị bắt theo lệnh truy nã của Cục điều tra Viện KSND tối cao, gây khó khăn cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng khi xét xử phúc thẩm vụ án…

Ông Trần Hoa khi còn đương chức Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh đã lợi dụng chức quyền, ký quyết định đổi đất trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh để cá nhân và gia đình đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình công tác UBND huyện Sông Hinh, Sở Nội vụ và Liên minh HTX ở Phú Yên, ông Hoa biết vợ là Ngô Thị Hiền lợi dụng vị thế của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều người bằng thủ đoạn “chạy việc làm”, nhưng không ngăn chặn.

Ngoài việc đề nghị khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Trần Hoa, cơ quan kiểm tra còn đề nghị Công an tỉnh Phú Yên điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngô Thị Hiền; đề nghị UBND huyện Sông Hinh thu hồi “sổ đỏ” đã cấp trái pháp luật cho gia đình ông Trần Hoa

Phan Văn Lương