Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

TỰ DO BÁO CHÍ CHO AI?

Tự Do Báo Chí Cho Ai ?

Báo chí Mỹ đã nhất loạt thổi phồng làm rùm beng cái gọi là “khả năng hạt nhân” và “tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt” của Irắc, họ đưa tin Irắc mua plutoni của một nước châu Phi để chế tạo bom hạt nhân. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại, vì thế Mỹ phải ra tay trước, thể hiện như một “Người hùng” cứu nhân độ thế?! Khi cuộc chiến tranh Irắc nổ ra, nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp “khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho những hãng thông tấn báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra. Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với dân thường đã bị đe doạ. Một phóng viên nổi tiếng của Hãng Truyền hình CNN bị đuổi việc ngay lập tức, vì đã thông tin một sự thật không có lợi cho nhà cầm quyền Mỹ. Đài BBC bị Chính phủ Anh kiện ra toà. Ở Mỹ, khi CNN và tạp chí Thời đại (Time) công bố phóng sự của Ôlivơ và Xmit ngày 7/6 và 14/6/1998, về sự kiện quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc Sa-rin trong chiến dịch “Gió xuôi chiều” vào tháng 9/1970 để giết hại một số quân nhân Mỹ đảo ngũ trong chiến tranh Việt Nam và trốn tại Lào, thì đến đầu tháng 7 cả CNN và tạp chí Thời đại đều phải công khai xin lỗi Lầu Năm góc, đồng thời sa thải hai nhà báo đó, mặc dù các nhà báo đều đã nêu đủ những bằng chứng xác thực khẳng định sự đúng đắn của họ và tố cáo những hành vi thúc ép về chính trị và quân sự đối với họ trong vụ việc.

Điều quan trọng nhất và cũng cơ bản nhất là tất cả các tờ báo lớn có sức ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội đều nằm trong tay những ông chủ giầu có. Bất chấp tự do tư tưởng, các nhà tư bản đã không ngần ngại dùng báo chí để bành trướng, áp đặt quan điểm của mình trên qui mô toàn cầu. Họ đầu tư nhiều triệu đô la, phát triển một hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, các nhà tài phiệt tư bản, đứng đầu là nước Mỹ đã không ngần ngại dùng các cơ quan báo chí của mình thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố, truy lùng Binlađen”, “săn lùng vũ khí hủy diệt”, kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô bạo vào những quốc gia có chủ quyền, ở nơi mệnh danh là mỏ “Vàng đen” của thế giới. Các nhà tư bản dùng báo chí để lừa phỉnh dư luận, kiếm về cho mình những món lợi kếch xù. Như vậy thì làm gì có cái gọi là “tự do báo chí thuần túy”, “tự do báo chí tuyệt đối”, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước Mỹ. Vậy cái mà họ gọi là “Tự do báo chí” thực chất là sử dụng báo chí để bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của họ. Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo chí.

Còn ở Việt Nam có một số người cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Họ viết báo, hồi ký phát tán ra ngoài với những lời lẽ hằn học, biêu riếu, vu cáo hèn mạt, họ nhổ toẹt vào những hy sinh vô cùng to lớn về sinh mạng của cả một dân tộc mà có cả những người thân của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ gầm gừ, rên rỉ rằng ở đất nước này không có “tự do báo chí”(!) như họ muốn như: “Viết báo trong vòng kìm kẹp của luật”(!) hay “Không có tự do báo chí thì dân tộc này mãi mãi sống trong hang tối”(!) v v..Những người cơ hội chính trị đó đã thực sự đối lập với lợi ích Tổ quốc, một khi họ nuôi dã tâm xấu xa đó thì không có quyền nói đến “tự do báo chí”, theo nghĩa chân chính nhất của từ này. Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3-5 2014 với chủ đề là: “Tự do cho truyền thông vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Dấu nhấn được đặt trên các vấn đề: “truyền thông tự do, Nhà nước pháp quyền, báo chí chuyên nghiệp là một bộ phận của phát triển”. Một chuyện hài hước đã diễn ra là, ba nhà hoạt động cho cho cái mà họ gọi là “tự do và nhân quyền” của Việt Nam đã tới Hoa Kỳ, theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số các tổ chức cổ súy cho cái gọi là” tự do thông tin”. Các khách mời này sẽ tham gia một loạt các sinh hoạt như thảo luận về những thử thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các “nhà” này sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học, tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng. Lố bịch,ngược ngạo, thử hỏi ba vị khách mời đó là ai ? họ lấy tư cách gì mà “đòi” về tự do cho báo chí Việt Nam? Họ biết gì mà hội thảo? các vị đó có viết nổi một mẫu tin theo đúng nghĩa của sự việc không? xin trả lời rằng họ hoàn toàn không đủ năng lực và tư cách. Ấy vậy mà nghịch lý đó vẫn diễn ra !

Vậy do đâu mà những người đó có đòi hỏi vô lý, hài hước trên? chúng ta sẽ tìm hiểu “căn bệnh” này. Có nguyên nhân từ bên ngoài hẫu thuẫn, đó là những tổ chức không có thiện cảm với Việt Nam luôn luôn đẻ ra những sản phẩm “quái thai” từ những định kiến, nhận thức mơ hồ về quyền tự do báo chí Việt Nam.Trong báo cáo thường niên về tự do báo chí trên thế giới do tổ chức Freedom House công bố ngày 1-5-2013 họ xếp Việt Nam vào nhóm các nước “Không có Tự do báo chí”?! Một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ –VOA, ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của Ủy ban Bảo vệ các Ký giả ở Đông Nam Á (CPJ), và là tác giả của cái gọi là:”phúc trình về tự do báo chí tại Việt Nam” đã đánh giá về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm 2013 như sau:“Rõ ràng là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã xuống dốc rất nhanh. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chính quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các blogger độc lập, và các nhà báo viết bài đăng trên mạng. Điều đó chứng tỏ là chính quyền Việt Nam đã có một nỗ lực phối hợp để siết chặt một thế giới mạng từng hoạt động tương đối cởi mở, cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng bên cạnh giới truyền thông chính thức bị nhà nước chi phối”?! Do hiểu phiến diện hoặc cố tình hiểu sai về tự do báo chí, tổ chức này đã ra công cổ súy, đấu tranh đòi “tự do báo chí” theo kiểu phương Tây, coi đó là biểu hiện của “tinh thần dân chủ”, Song, họ không hiểu rằng dân chủ là một thể chế, trong đó, quyền tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của toàn dân tộc. Mặt khác, trong một số ít người, tư tưởng nêu trên xuất phát từ những toan tính liên quan đến lợi ích, quyền lực, động cơ cá nhân, từ sự bất mãn của họ với Đảng và Nhà nước. Họ luôn luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đất nước, chính vì thế, họ có những ý kiến lạc lõng cực đoan phản lại quyền lợi của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần sự thật về chính sách báo chí của chính quyền thực dân: “Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”. Như chúng ta đã biết luật Báo chí của Việt Nam ghi rõ hai điều rất quan trọng:
Điều 4: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Công dân có quyền:
1. Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;2. Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;3. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;4. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;5. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Điều 5: Trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Cơ quan báo chí có trách nhiệm:
1. Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do;2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”..
Để làm rõ vấn đề cốt lõi, chỉ rõ thực chất cái gọi là “tự do báo chí” của phương Tây và thực trạng hoạt động báo chí của Việt Nam hiện nay thì chúng ta đều nhận ra rằng: Đối với báo chí phương tây thì:Tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chận sự lạm quyền của báo chí, chẳng hạn, về các thông tin của chính phủ, mọi chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Hầu hết các tổ chức làm báo của phương tây đều tự đưa ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức phải tuân thủ. Các tổ chức báo chí cũng họp thành những hiệp hội báo chí để bảo vệ quyền người làm báo, và những hiệp hội này cũng nêu ra các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Mặc dù báo chí phương tây có quyền tự do nhưng xã hội phương tây cũng tôn trọng quyền tự do cá nhân và báo chí không có quyền làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân. Do đó, nền báo chí dân chủ phương tây tự đặt ra cho họ những tiêu chuẩn của việc hành nghề gọi là hệ thống đạo đức báo chí. Chính vì thế mà ông Tony Burman, cựu tổng biên tập của một hãng tin lớn trên thế giới là CBC News, đã phát biểu:“Mọi tổ chức báo chí đều chỉ có thể dựa vào danh tiếng và sự được tín nhiệm của chính mình.” Những người làm báo thiếu cẩn trọng vì nôn nóng phát hiện vụ việc hoặc khao khát giải thưởng làm báo cũng có lúc đi quá phận sự của người làm báo. Nhận thấy những hành vi của một số người làm báo là không thỏa đáng, các định chế báo chí đứng đắn đã đặt ra những quy tắc đạo đức của nghề báo và của người làm báo. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề.Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ những cơ sở xuất phát này thì người làm báo mới giải quyết đúng đắn và xử lý hài hòa các mối quan hệ liên quan đến các thành tố trên để giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong thời gian xảy ra thế chiến thứ hai, vị chủ báo của nhật báo Times và tạp chí ảnh Life (Hoa Kỳ) là Henry Luce có đề nghị với Giáo sư Robert Hutchins là Viện trưởng Viện đại học Chicago lúc bấy giờ giúp tuyển mộ một ủy ban thực hiện việc tìm hiểu về chức năng thích đáng của hoạt động truyền thông trong một nền dân chủ hiện đại. Sau hơn bốn năm cân nhắc, mãi đến năm 1947, Ủy ban này mới đưa ra một bản hướng dẫn tổng quát gồm 7 điều:
1. Bất kỳ ai được hưởng một phạm vi tự do đặc biệt, như một nhà báo chuyên nghiệp chẳng hạn, đều có một nghĩa vụ đối với xã hội trong việc sử dụng quyền hạn và tự do của mình một cách có trách nhiệm.2. Phúc lợi của xã hội là tối cao, quan trọng hơn hẳn sự nghiệp của từng cá nhân hoặc kể cả những quyền cá nhân.3.Báo chí phải trình bày những tin tức có ý nghĩa, chính xác, và tách biệt với ý kiến riêng.4. Báo chí phải phục vụ như một diễn đàn cho việc trao đổi những bình luận, phê phán và để mở rộng việc tiếp cận những quan điểm khác biệt.5.Báo chí phải hướng đến một hình ảnh có tính cách đại diện cho mọi cộng đồng họp thành xã hội bằng cách tránh những định kiến và phải kể đến những cộng đồng thiểu số.6.Báo chí phải làm sáng tỏ những mục tiêu và những giá trị của xã hội; hàm ý là một lời kêu gọi tránh việc làm thỏa mãn cho nhóm thuộc mẫu số chung nhỏ nhất.7.Báo chí phải mang lại một sự đưa tin rộng rãi về những gì được biết liên quan đến xã hội.
Bản hướng dẫn tổng quát của Ủy ban Hutchins đã gợi ý cho Hiệp hội nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ (Society of Professional Journalists) đưa ra một bản quy tắc đạo đức của người làm báo, ngoài những điều khoản có tính cách cụ thể hóa và chi tiết hóa những hướng dẫn tổng quát trên dưới đề mục chung là: Tìm kiếm sự thật để tường thuật, có đưa thêm ba đề mục chính là: Giảm đến mức tối thiểu sự tác hại – Hành động một cách độc lập - Có trách nhiệm. Đặc biệt, vào năm 1993, Nghị viện Liên hiệp châu Âu (European Parliament) thông qua nghị quyết số 1003 nói về đạo đức của báo chí, là một trong những văn bản hiếm có của giới lãnh đạo chính trị phương tây bàn về vấn đề này. Bản nghị quyết này gồm 6 mục với 38 điều. Mục thứ nhất nêu sự phân biệt giữa tin tức và ý kiến riêng; mục thứ hai xác định quyền được thông tin là một quyền căn bản của con người và phân biệt chức trách vai trò giữa người sở hữu cơ sở báo chí, người chịu trách nhiệm về cơ sở báo chí và người thực hành việc làm báo với tư cách nhà báo chuyên nghiệp, mục thứ ba nêu rõ chức năng báo chí và nêu rõ như thế nào là các hoạt động mang tính đạo đức của báo chí, mục thứ tư chỉ có một điều nói về những luật lệ quản trị đối với ban biên tập, mục thứ năm nói về những tình huống có tranh chấp và những trường hợp cần bảo vệ đặc biệt; và mục cuối cùng nói về đạo đức tổng quát cùng với việc tự đặt ra điều luật phải theo của các cơ sở báo chí.

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được. Luật Báo chí cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người. Luật Báo chí Việt Nam khẳng định báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội, nghề nghiệp,… mà còn là diễn đàn tin cậy của người dân. Báo chí đã là món ăn tinh thần không thể thiếu được của các tầng lớp nhân dân, thực sự đến với nhiều đối tượng trở thành người bạn thân thiết hằng ngày của họ. Đó là vì báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tiếng nói của nhân dân,… đồng thời là bầu bạn tin cậy của các tầng lớp nhân dân, đã và đang đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của nhân dân. Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hoà bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ tục, những tệ nạn xã hội. Vậy thì, sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam có cản trở quyền tự do báo chí của người dân cũng như những hoạt động báo chí của các nhà báo không ? Xin thưa với các vị chuyên hành nghề vu khống là không hề. Tất cả những điều quy kết của các vị dựa trên mớ cái gọi là “bằng chứng” của một số người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc, luôn tìm cách vu cáo, xuyên tạc về tự do báo chí trong nước hòng nhận được sự hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài về tinh thần lẫn vật chất. Chúng ta đanh thép nói rằng: Những kẻ nào, tổ chức nào dù cho họ được đỡ đầu bởi một chính phủ có tiềm lực như thế nào đi chăng nữa Việt Nam vẫn dõng dạc tuyên bố rằng : Việt Nam là quốc gia có nền báo chí cách mạng tự do !

AMARI TX
Texas Hoa Kỳ 20-4-2014

THÒNG LỌNG BẰNG CẤP VÀ TƯƠNG LAI CHÍNH TRỊ

Đàm Quang Minh 

TNO - Bằng cấp trước nay vẫn được coi là tấm vé vào cửa, là điều kiện cần để một cá nhân có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Đây được coi là quy tắc vàng và là lý do tồn tại của hệ thống giáo dục. Thế nhưng nhiều khi bằng cấp lại trở thành thòng lọng có khả năng giết chết tương lai chính trị hoặc sự nghiệp của một người. Vì sao?

Lý do là trong nhiều trường hợp, bằng cấp được người ta (đặc biệt là các đối thủ chính trị) soi mói và tấn công về ít nhất hai mặt.

Thứ nhất là uy tín của cơ sở đào tạo đã cấp bằng. Sẽ không ai đi chê bai bằng cấp của một trường có thứ hạng thấp, nhưng chắc chắn người ta sẽ tấn công nếu đó là bằng cấp của một trường không được kiểm định (unaccredited institution) hay một cơ sở bán bằng (diploma mill).

Thứ hai là nội dung của các nghiên cứu góp phần tạo nên bằng cấp. Sẽ không có mấy người đi chê bai một luận văn dở, miễn là luận văn đó đã được chấm đỗ. Thế nhưng họ chắc chắn sẽ bới móc và tấn công nếu luận văn đó không phải do chính người nhận bằng viết, hoặc viết mà không dùng trích dẫn một cách rõ ràng, dẫn tới nghi vấn đạo văn (ăn trộm kiến thức), từ đó dẫn tới việc phải xem lại tư cách của người được nhận bằng.

Chiếu tướng bằng cấp là cần thiết

Việc chiếu tướng bằng cấp là cần thiết không phải vì nó cho thấy người mang bằng cấp đó có giỏi hay không. Thực ra, nhiều người mang bằng cấp xịn từ trường lớn và không đạo văn chưa chắc đã là một người thành công ngoài xã hội. Việc chiếu tướng bằng cấp là nhằm đánh giá tư cách đạo đức của cá nhân. Một người sẵn sàng lừa xã hội bằng cách mua bằng dởm hoặc đạo văn thì sẽ sẵn sàng lừa xã hội ở các mặt khác, vì vậy khó có tư cách làm lãnh đạo.

Trong trường hợp thứ nhất, việc làm giả bằng cấp hay không trung thực về bằng cấp có thể khiến nhiều người đang ở vị trí quan trọng ngay lập tức chấm dứt sự nghiệp cho dù đó là một người có thể rất tài giỏi.

Scott Thomson là một điển hình như vậy. Scott Thomson đã mắc sai lầm khi viết không thành thật về bằng cấp của mình và bị buộc thôi việc sau chỉ 4 tháng đảm nhiệm vị trí CEO của Yahoo!. Nặng nề hơn, Bộ trưởng Bộ hàng không của Nigeria, Stella Oduah, báo rằng bà đã nhận bằng tiến sĩ tại Trường đại học Pacific Christian University, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người ta đã không thể tìm ra trường nào tại Mỹ có tên như vậy. Bà sau đó bị tổng thống sa thải vì tội tham nhũng vào tháng 2.2014.


Đối với trường hợp 2, việc bị phát hiện đạo văn đã khiến cho nhiều quan chức, nhà chính trị trên thế giới mất mặt mà chủ động xin từ chức trước khi bị cách chức. Gần đây và đình đám nhất có lẽ là vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục Đức, bà Annette Schavan, đã chủ động từ chức dù tuyên bố mình không đạo văn với luận án tiến sĩ vào tháng 2.2013. Luận án của bà được viết vào năm 1980 và chỉ đến khi bà là Bộ trưởng Bộ giáo dục sau đó 33 năm, câu chuyện luận án của bà mới được nhắc lại.

Chất lượng bằng cấp bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam?

Với mức độ hòa nhập ngày càng cao, xu hướng kiểm tra lại bằng cấp của các VIP cũng bắt đầu lan tới Việt Nam. Thực tế những năm gần đây, cả hai trường hợp hay mắc phải là mua bán bằng và đạo văn đều được đưa ra công luận và với tần suất ngày càng nhiều.

Với trường hợp thứ nhất, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian gần đây đã phải ra hàng loạt văn bản không công nhận bằng cấp khi có yêu cầu kiểm chứng. Trường hợp bằng tiến sĩ của Nguyễn Tấn Bình, Phó hiệu trưởng ĐH Văn hiến, được xác nhận mua bằng với giá 6.500 USD tại một trường chuyên bán bằng cấp. Hay gần đây nhất ngày 12.4, bằng thạc sĩ tại Trường đại học Công nghệ Paramount của Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Đà Lạt, ông Trần Đình Sơn, cũng được xác định là nằm trong danh sách các cơ sở đào tạo dỏm. Có thể kể thêm nhiều trường hợp khác như Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang sử dụng chứng nhận bằng cấp không phù hợp hay Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân có được bằng tiến sĩ mất vẻn vẹn 10 tháng và chẳng thể nói tiếng Anh với bằng cấp từ trường dỏm mang tên South Pacific University (SPU).

Trường hợp thứ hai về đạo văn, có thể thấy trường hợp của ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, là một điển hình vì ông được coi là người nghiêm túc trong khoa học, có đóng góp lớn và uy tín lớn. Câu chuyện đã gần 20 năm và nay được nhắc đến cho thấy người ta cần có trách nhiệm với việc mình làm trong quá khứ thế nào. Cuối cùng ông cũng bị cảnh cáo. Trước đó ông Hoàng Xuân Quế, Viện phó Viện Tài chính -Ngân hàng, đã bị tước bằng tiến sĩ kinh tế và học hàm phó giáo sư vì đạo văn, cho dù ông cực lực phản đối và đang kiện lại bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định trên.

Việc phát hiện đạo văn có thể coi là trào lưu mới có ở Việt Nam và chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên nếu trong năm tới sẽ còn có nhiều luận án của các nhân vật quan trọng tại Việt Nam được liệt vào danh sách này. Đây là hệ quả đặc biệt từ việc phát triển vô tội vạ của các loại bằng cấp, đặc biệt là thạc sĩ và tiến sĩ trong thời gian 10 năm qua. Các bằng cấp được chạy đua một cách vội vã vì mục tiêu chính trị hơn là vì mục tiêu học thuật đương nhiên để lại những lỗ hổng chết người, những dây thòng lọng dựng sẵn khiến cho chủ nhân của nó có thể chấm dứt sự nghiệp bất kỳ lúc nào.

Những thòng lọng được dựng sẵn cho tương lai?

Thông thường khi đã bị cáo buộc đạo văn hoặc văn bằng giả thì thực sự đây được coi là thảm họa dù biết rằng trên khắp thế giới việc đạo văn vẫn diễn ra hằng ngày. Ngày nay các quan chức lũ lượt đua nhau chạy đi học thạc sĩ, tiến sĩ theo những yêu cầu có phần kỳ cục như Thành ủy Hà Nội từng đưa kế hoạch đến năm 2020, 100% cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy có bằng Tiến sĩ. Bản kế hoạch đó cũng chỉ ra rằng cán bộ chủ chốt cấp phường xã cũng 100% đại học và 50% là trên đại học. Kế hoạch này đã từng được cho là bài bản và khoa học. Điều này cho thấy bản chất của việc bằng cấp không chỉ ở dân chúng mà cũng đã vô cùng nặng nề ở các cấp lãnh đạo cao nhất ngay ở thủ đô.

Để thực hiện được kế hoạch này chỉ có hai khả năng, một là thay thế toàn bộ cán bộ lãnh đạo có chuyên môn hiện nay bằng các cán bộ nghiên cứu đến từ các trường, viện nghiên cứu. Hai là cho toàn bộ cán bộ nguồn đi “bổ túc” bằng tiến sĩ.

Với tinh thần “bổ túc” thì người viết bài này tin rằng lỗ hổng đạo văn và luận án kém chất lượng sẽ là phổ biến và tương lai chính trị của các tiến sĩ này vô cùng mong manh. Đa phần các cán bộ “bổ túc tiến sĩ” làm việc tại môi trường quản lý hơn là nghiên cứu độc lập như yêu cầu của việc làm tiến sĩ. Hơn nữa, vị trí công tác hiện tại cũng khiến cho các cán bộ lãnh đạo này không đủ thời gian tập trung một công việc nặng nề như học và nghiên cứu để viết luận án tiến sĩ.

Với thực tế như vậy thì việc các quan chức buộc phải đi mua bán bằng bắt đầu diễn ra ngày càng nhiều hơn như đã nêu ở trên. Vì vậy, các trường liên kết quốc tế với giá cắt cổ phục vụ cho việc lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ mới mọc lên như nấm trong thời gian qua. Ngay cả khi chọn trường nghiêm túc, các lãnh đạo không đủ thời gian sẽ tìm cách có bằng trong thời gian ngắn nhất bất kể việc vi phạm quy định như việc thuê người viết luận án hộ. 

Nếu có một lời khuyên thì có lẽ những người muốn làm chính trị thì đừng dại mà làm tiến sĩ tại Việt Nam, thời điểm hiện nay.

CHỦ NHÂN BIỂN ĐỘC 37A-888.88 TẠI NGHỆ AN LÊN TIẾNG

Chủ nhân “xe sang - biển độc 37A-888.88” tại Nghệ An lên tiếng

GiadinhNet - “Chiếc xe đó là bình thường, chạy cũng bình thường…”; “Biển số đó cũng bình thường, là công cụ để lực lượng chức năng quản lý phương tiện mà thôi”… ông Nguyễn Xuân Kiên, người đại diện của Công ty TNHH Lương thực miền Trung, đơn vị sở hữu xe sang mang biển kiểm soát 37A-888.88 lên tiếng.

Cả đơn vị cấp lẫn người được cấp đều khẳng định vụ “Xe sang - Biển độc” là không có gì bất thường.

Ngày 21/4, Thượng tá Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An đã trả lời chính thức về các thông tin liên quan đến vụ “xe sang - biển độc” xuất hiện tại TP Vinh. Theo ông Phượng, đây là chiếc BKS thật và được Phòng CSGT, công an tỉnh Nghệ An cấp cho chiếc Range Rover thuộc sở hữu của Công ty TNHH Lương thực miền Trung có trụ sở tại số 128, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

“Quy trình cấp BKS nêu trên hoàn toàn đúng theo quy định, không có gì bất thường. Chủ sở hữu nộp hồ sơ, thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính sau đó bấm số ngẫu nhiên và cho ra chiếc biển này” - ông Phượng nói. Ông Phượng phủ nhận thông tin chủ nhân chiếc Rage Rover BKS 37A-888.88 phải bỏ ra một khoản tiền “khủng” để mua BKS này. Cùng đó, thông tin cho rằng BKS này được chủ nhân “mua” qua hình thức đấu giá cũng được đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Nghệ An bác bỏ.

Theo nguồn tin của Báo GĐ&XH cho thấy, đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Lương thực miền Trung là ông Nguyễn Xuân Kiên. Vợ ông Kiên là bà Nguyễn Thị Bích Phượng, là giám đốc chi nhánh Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, TP Vinh. Điều này lý giải một phần hình ảnh được chụp lại cho thấy chiếc xe hạng sang này đỗ trước ngôi nhà có gắn biển “Cấp cứu”.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Kiên cho rằng chiếc xe và chiếc BKS gắn trên phương tiện này không có gì đặc biệt. “Theo tôi, chiếc xe đó là bình thường, chạy cũng bình thường lắm…”; “Biển số đó cũng bình thường, là công cụ để lực lượng chức năng quản lý phương tiện mà thôi. Tôi thấy cũng chẳng có gì gọi là đẹp…”. Ông Kiên cho biết thêm, phương tiện này là của công ty vì “công ty cũng cần phải có xe để chạy”.

Trước đây ông Kiên sử dụng xe Lexus 450 và so với chiếc xe này thì chiếc Range Rover được gắn biển 888.88 cũng không có gì nổi trội. Ông Kiên bật mí, chiếc Range Rover là hàng chính hãng được phân phối tại Việt Nam. Có giá trên hóa đơn là hơn 3 tỷ.

Liên quan đến “xe sang - biển độc”, Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An khẳng định trên địa bàn tỉnh từng có hai chiếc xe sang gắn cùng BKS 37A-056.89. Theo xác minh của CSGT tỉnh thì BKS 37A-056.89 gắn trên chiếc Audi A8L là BKS thật. Chiếc xe này của công ty Thành Đạt, tỉnh Nghệ An. Còn chiếc BKS 37A-056.89 gắn trên chiếc xe hạng sang màu trắng là biển giả. 

“Nếu phát hiện ra phương tiện màu trắng gắn BKS này chúng tôi sẽ xử lý ngay. Đó là BKS giả, nếu chủ nhân không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị tạm giữ để xác minh hoặc tịch thu xe theo quy định”.

Công Tâm/ Gia đình chấm nét

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

LÀM ZÂN CHỦ SAO PHẢI LỪA ĐẢO LÀM GÌ?

Lộ bộ mặt lừa đảo của kẻ luôn tự xưng là "người đấu tranh cho dân chủ"

Hứa hẹn cho tiền ăn ở, tiền trang trải cuộc sống, mua bò… nhưng khi người ta đến lại tìm cách thoái thác, không cho, thế là xảy ra cãi vã, xô xát. Khi công an mời về làm việc mới lộ rõ bộ mặt lừa đảo của một kẻ luôn vỗ ngực tự xưng là “người đấu tranh cho dân chủ”.

Khoảng 8g15 sáng 19-4, tại một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng của một nhóm người. Công an phường Lộc Thọ và dân phòng của phường đã có mặt kịp thời mời cả nhóm về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, nhóm người này khai nhận gồm: Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến (vợ Thành), cả hai cùng từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang ngày 18-4-2014 và thuê trọ tại khách sạn Hương Nam, số 13B, đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang; Dương Hiểu Dũng (trú TP. Hồ Chí Minh ); Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Phạm Văn Hải (cùng trú tại Nha Trang) cùng hai phụ nữ đến từ tỉnh Phú Yên. Kiểm tra tư trang, cơ quan công an đã tiến hành tạm giữ 18 áo màu đen, mặt trước áo có ghi dòng chữ STOP POLICE KILLING CIVILIANS (Chấm dứt tình trạng cảnh sát giết người) và mặt sau áo ghi dòng chữ JUSTICE FOR ALL (Công lý cho tất cả); 1 quyển sách “Câu chuyện về con người”; 14 tập tài liệu có in ngoài bìa bằng tiếng Anh dòng chữ STOP POLICE KILLING CIVILIANS, bên trong in bằng tiếng Việt nội dung phản ánh trường hợp bị chết tại các đồn Công an…

Công an làm việc với các đối tượng gây rối sáng 19-4.

Theo trình bày của chị Ngô Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1969, trú huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và chị Trần Thị Tâm (sinh năm 1985, trú tại Hòa Đồng, Tuy Hòa, Phú Yên, em dâu của Ngô Thị Ánh Tuyết) tại cơ quan công an, họ là chị ruột và vợ của Ngô Thanh Kiều vi phạm pháp luật bị Công an Phú Yên bắt và chết trong nhà tạm giữ (vụ án “dùng nhục hình” vừa được Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đưa ra xét xử). Cách đây ít ngày, vợ chồng Nguyễn Hồ Nhật Thành móc nối và mời họ đến Nha Trang dự cái gọi là “Cà phê Nhân Quyền lần 3” với lời hứa cho tiền đi lại, ăn ở khách sạn, khi về còn có tiền trang trải cuộc sống và mua bò. Ngày 18-4, hai người phụ nữ lặn lội từ Phú Yên vào Nha Trang gặp Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến, Dương Hiểu Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải. Đợi mãi chẳng thấy Thành cùng nhóm người trên thực hiện “lời hứa” mà chỉ thấy họ giao giảng mớ lý luận gì đó rất khó hiểu nên chị Tuyết và chị Tâm “nổi sung” dẫn đến cãi vã, lời qua tiếng lại.

Qua làm việc với Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến, Dương Hiểu Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải, cơ quan Công an bước đầu xác định Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đối tượng xướng xuất tổ chức cái gọi là “Cà phê Nhân Quyền lần 3” , gửi thư mời, “sáng tác” logo in trên áo. Để cho “Cà phê Nhân Quyền lần 3” có “sức nặng” nhằm gây tiếng vang, nhóm này đã dùng “tiền ảo” mời chị Tuyết và chị Tâm. Chỉ tội cho hai người phụ nữ nông dân chân chất, tin vào “lời hứa hão” mà bỏ cả ruộng vườn để vào nghe những “nhà dân chủ” rao giảng.

“Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” – bộ mặt của những “nhà dân chủ” Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến, Dương Hiểu Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải là như vậy. Khoác trên mình cái áo với những câu “slogan” rất kêu, suốt ngày rao giảng “dân chủ - nhân quyền” nhưng lại đi lừa cả những người nông dân chân chất chỉ nhằm mục đích tạo scandal cho mình nổi tiếng.

Hòn Đá Nhỏ

LÀM GÌ CÓ 34.000 TỈ TRONG HỒ SƠ?

Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có nội dung kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 20/4, giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của dư luận xã hội xung quanh con số hơn 34.000 tỷ đồng được cho là kinh phí của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ như thế nào khi gần đây các kênh thông tin đại chúng đưa tin ngành Giáo dục đề xuất tới hơn 34.000 tỷ đồng để dành cho chương trình đổi mới chương trình, SGK sắp tới?

- Nếu cần phải có đến 34.000 tỷ để biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới thì tôi cũng không đồng tình, đúng là sự lãng phí. 

Tuy nhiên, cần nói rõ con số hơn 34.000 tỷ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong lần trình này Chính phủ xin Quốc hội bàn bạc, ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tương tự như năm 2000 Chính phủ đã xin và Quốc hội đã ra Nghị quyết.

Kết cấu của Nghị quyết gồm 3 mục: Thứ nhất, Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Thứ hai, Tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Thứ ba, Tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Hồ sơ chúng tôi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số nào về kinh phí.

Thưa Bộ trưởng, vậy tại sao lại xuất hiện con số hơn 34.000 tỷ đồng này?

- Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết con số hơn 34.000 tỷ đồng được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau. 

Trong mấy ngày gần đây, các phương tiện truyền thông có nói đến 34.000 tỷ đồng và nhiều các số liệu tiền nong khác, đó là những số liệu được trích ra từ những kết quả tổng hợp, nghiên cứu của các nhóm chuyên gia.

Trong con số hơn 34.000 tỷ đồng đó, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà còn bao gồm việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay, cấu trúc lại hệ thống đào tạo sư phạm, trang bị lại những trang thiết bị phục vụ dạy và học cùng nhiều công việc khác. 

Riêng nội dung về biên soạn chương trình và sách giáo khoa, trong hơn 34.000 tỷ đồng, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng.

Bộ trưởng có giải thích con số hơn 34.000 tỷ đồng đó là của các nhóm nghiên cứu đưa ra. Vậy tại sao đại diện của Bộ lại nhắc đến số tiền này trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thưa Bộ trưởng?

- Đây là một sơ xuất rất đáng tiếc. Vào những ngày Ủy ban Thường vụ Quốc vụ tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp được.

Tại phiên họp, đại diện của Bộ GD&ĐT khi trình bày tờ trình và đề án thì không có nội dung về kinh phí. Con số hơn 34.000 tỷ đồng được thông báo khi giải trình các câu hỏi của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội.

Để xảy ra sai sót như vậy, trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT và chúng tôi xin nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên, một lần nữa khẳng định trong tờ trình, hồ sơ đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số về tiền. Và việc trình lần này mới chỉ là công việc bước đầu xin chủ trương, còn sau đấy còn phải triển khai rất nhiều công việc khác.

Bộ trưởng có nói đây mới chỉ là bước đầu tiên, vậy những bước tiếp theo – quy trình để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được tiến hành như thế nào?

- Tất cả những công việc tiếp theo sẽ được triển khai theo một quy trình rất chặt chẽ. 

Sau bước đầu tiên, khi Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT. 

Các bộ, ngành sẽ có những công việc cụ thể. Bộ GD&ĐT theo phân công sẽ xây dựng các đề án, các kế hoạch cụ thể.

Ví dụ về chương trình và sách giáo khoa mới, khi đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề án biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó nêu cụ thể tất cả các công việc, các định mức, các quy định chi tiêu, số tiền và các nguồn lực khác cần phải có.

Đề án đó sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến của công luận, chuyên gia, xin ý kiến của Hội đồng Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. 

Và tới đây chúng ta sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT. Ủy ban cũng sẽ nghe chúng tôi báo cáo về đề án này.

Tiếp đó, các bộ, ngành của Chính phủ sẽ thẩm định Đề án, Chính phủ sẽ thảo luận về Đề án, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh, báo cáo để Thủ tướng xem xét, sẽ ký ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội nếu công việc vượt thẩm quyền của Thủ tướng, vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!

PV ghi

BỘ HỒ SƠ ĐÈN BIỂN - CHỨNG MINH CHO CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA


Vừa qua trên truyền hình Thông Tấn xã Việt Nam có phát một phóng sự về việc ông Nguyễn Thái Phong đã hiến tặng cho Chính phủ Hà Nội tập “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” của Pháp về hệ thống đèn biển ở miền Trung Việt Nam, trong đó có đèn biển trên đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hiện ông Nguyễn Thái Phong đang sống cùng con cháu ở địa chỉ 16/33 Nguyễn Đức Cảnh, TP. Hải Phòng, trước đây ông Phong công tác tại Cục bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam.

Theo lời kể của ông Phong, năm 1976 trong một chuyến đi công tác phía Nam khảo sát bến bãi ở Đà Nẵng và Quy Nhơn, ông đã gặp 1 người đồng nghiệp, qua nói chuyện thấy ông là người am hiểu về biển đảo và cũng có tâm huyết với biển đảo, nên người bạn đó đã giao cho ông tập tài liệu “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” của Pháp và chỉ nhắn lại 1 câu là “Paracel là quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam đấy”. Ông Phong đã giữ tập tài liệu, vật kỷ niệm của một ông bạn gặp trên đường đi công tác từ ngày đấy đến nay.

Ông Phong đã đọc đi đọc lại cẩn thận những nội dung ghi trong tập tài liệu này và nhận thấy đây là bộ tài liệu rất có giá trị liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nên ông đã giữ gìn cẩn thận. Ông Phong kể rằng ông đã cất công đi nhiều nơi tìm đến những cơ quan có liên quan để trao tặng bộ tài liệu này, nhưng không đơn vị nào tiếp nhận. Tháng 7/2013, nhờ xem truyền hình, ông Phong biết được Ủy Ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao là nơi tiếp nhận những tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam và ông đã quyết định trao tặng tập tài liệu “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” mà ông đã gìn giữ trong suốt hơn 30 chục năm nay.

Đèn biển trên đảo Song Tử Tây.

Tập tài liệu “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” là tài liệu gốc bằng tiếng Pháp, ghi năm 1950, trên bìa có đóng dấu tiếng Pháp màu đỏ và chữ ký, gồm 36 trang kể cả trang bìa. Nội dung ghi chép trong tài liệu này là các tờ khai theo mẫu về thông số kỹ thuật của 33 phao tiêu và đèn biển thuộc 10 khu vực ở miền Trung Việt Nam. Đặc biệt, tại trang ghi số 306 là lý lịch và thông số kỹ thuật của đèn biển trên đảo Pattle (Hoàng Sa) được viết tay bằng mực tím, có bản đồ và sơ đồ minh hoạ.

Kèm theo trong cuốn tài liệu này có một sơ đồ chỉ rõ vị trí xây dựng đèn biển ở đảo Hoàng Sa và một bản đồ quần đảo Hoàng Sa, bên cạnh có hình vẽ thiết kế thể hiện hình dáng và chiều cao đèn biển Hoàng Sa.

Mặc dù một số trang của cuốn tài liệu này đã mủn rách, ố màu và nhòe chữ do thời gian, nhưng các chi tiết liên quan đến đèn biển Hoàng Sa vẫn cho thấy được thiết kế chi tiết về cây đèn biển quan trọng này.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Pháp nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền và quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo các tài liệu lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm nhiều bãi ngầm rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại trên Biển Đông. Pháp đã cho xây dựng đèn biển này vừa để đánh dấu điểm Tây Nam của đảo Hoàng Sa vừa để đảm bảo cho tàu thuyền qua lại vùng biển này tránh được những tai nạn rủi ro.

Theo nhiều tài liệu còn ghi chép trước khi cho thi công xây dựng đèn biển tại Hoàng Sa, Pháp đã cử kỹ sư công trình Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu vị trí xây dựng đèn biển. Đèn biển trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được khởi công xây dựng từ năm 1937 và hoàn thành năm 1938. Pháp đã khai thác và quản lý khá hiệu quả cây đèn biển này phục vụ cho an toàn hàng hải qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý từ vĩ tuyến 17o. Cây đèn biển này nằm ở vị trí 16o32'2 nên thuộc quyền quản lý và khai thác của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Người bạn trao cho ông Phong Tập tài liệu “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” chắc là một người lính của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có mối liên hệ với cây đèn biển này khi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đang quản lý nó.

Trong Tập tài liệu “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” đã nêu rõ đèn biển trên được đặt tại vị trí có tọa độ 16o32'2 Vĩ Bắc, 111o35'8 Kinh Đông, phía Tây Nam của đảo Pattle (Hoàng Sa) thuộc nhóm Lưỡi Liềm, trong quần đảo Hoàng Sa. Đèn do Công ty Barbier, Bénard et Turenne, có trụ sở tại Paris xây dựng tháng 10/1937.

Theo hồ sơ thiết kế, đèn biển là một cột kim loại bốn góc đặt trên khối bê tông, có chiều cao 17m60 tính từ móng. Đèn được đốt bằng ga xúc tác, phát ra ánh sáng trắng chiếu khắp xung quanh; nhấp nháy phát ánh sáng 8 giây/lần. Tàu thuyền có thể thấy tín hiệu đèn từ khoảng cách 14 dặm (khoảng 22,5 km); đài quan sát đặt ở độ cao 4m50. Sở Hải đăng Hải Phòng phụ trách việc bảo trì và quản lý đèn biển này.

Dưới thời Pháp thuộc, Chính quyền Pháp đã nhân danh Việt Nam thực hiện quyền quản lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hồ sơ chi tiết về đèn biển tại Hoàng Sa do ông Nguyễn Thái Phong hiến tặng cho Chính phủ Hà Nội là một tài liệu quan trọng khẳng định việc Pháp đã tiến hành xây dựng và quản lý đèn biển tại Hoàng Sa. Đây là một bằng chứng xác thực nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc làm của ông Nguyễn Thái Phong cho thấy ý thức về chủ quyền biển đảo của người dân rất cao, đồng thời thể hiện rõ mong muốn của mỗi người dân Việt muốn sớm đòi lại quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm bất hợp pháp năm 1974. Chính quyền Hà Nội cần sử dụng có hiệu quả những tài liệu này, xây dựng hồ sơ pháp lý đưa ra Tòa án quốc tế vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Đây là biện pháp tốt nhất để có thể giành lại Hoàng Sa từ tay kẻ cướp. Đến nay, quần đảo này đã bị Bắc Kinh xâm chiếm 40 năm. Nếu Chính quyền Hà Nội không sớm đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế thì sau 10 năm nữa sẽ không thể làm được nữa.

Thời gian gần đây, Chính phủ Hà Nội đã có nhiều việc làm tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước như tích cực sưu tầm, tìm kiếm những tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam; tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đi thăm quần đảo Trường Sa… Là một người Việt sống xa đất nước tôi muốn viết lại những gì đã được nghe về cây đèn biển này để bà con ta sống ở khắp nơi trên thế giới nếu có được những tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì hãy cùng lên tiếng để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, tặng lại cho Chính phủ Hà Nội để bổ sung vào hồ sơ pháp lý đòi lại quần đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta.

Theo biendong.net

TRỊNH THI KIM TIẾN VÀ NGUYỄN HỒ NHẬT THÀNH LỪA ĐẢO

Điều tra gây rối, phát hiện lừa đảo

Ảnh: Hai đối tượng lừa đảo là Trinh Kim Tiến và Nguyễn Hồ Nhật Thành mặc áo đen

Sáng 19-4, trên đường Lý Tự Trọng, gần Khu Trung tâm thương mại Nha Trang Center (TP. Nha Trang) xảy ra một vụ gây rối trật tự công cộng. Nhận tin báo của quần chúng, Công an và lực lượng dân phòng phường Lộc Thọ đã có mặt tại hiện trường, mời các đối tượng về trụ sở lập biên bản, xử lý theo quy định.

Qua xác minh và theo lời khai của những người liên quan, vụ việc xảy ra do mâu thuẫn giữa hai nhóm đối tượng. Nhóm thứ 1 gồm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải (đều thường trú tại Khánh Hòa) và Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến (vợ Thành), Dương Hiểu Dũng (đều thường trú tại TP. Hồ Chí Minh). Nhóm thứ 2 gồm một số thanh niên (chưa xác định danh tính). Khi lực Công an và dân phòng đến nơi, một số thanh niên trong nhóm thứ 2 đã bỏ chạy. Công an phường đang tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để xác định danh tính số thanh niên này.

Đáng chú ý, tại Công an phường, chị Ngô Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1969, trú tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và Trần Thị Tâm (sinh năm 1985, trú tại Hòa Đồng, Tuy Hòa, Phú Yên) đã tố cáo với cơ quan công an: Trước đó vợ chồng Nguyễn Hồ Nhật Thành và Trịnh Kim Tiến đã gặp gỡ mời 2 chị vào Nha Trang, hứa hẹn cho tiền ăn, ở khách sạn và tiền sinh hoạt, mua bò nên Tuyết và Tâm đã từ Phú Yên thuê khách sạn ở Nha Trang. Tuy nhiên, không những không có tiền mua bò, tiền sinh hoạt mà ngay cả tiền khách sạn cũng không được vợ chồng Thành - Tiến đưa như đã hứa.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tiếp tục điều tra xác định hành vi của nhóm Thành, Quỳnh, Tiến, Hải, Dũng xem có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến chị Ngô Thị Ánh Tuyết và Trần Thị Tâm hay không.

Hải Đăng