Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

BÍ THƯ HÀ NỘI PHẠM QUANG NGHỊ GIẢI ĐÁP NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG

Khoai@: Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị giải đáp nhiều vấn đề nóng cử tri nêu ra, trong đó có sự việc Tòa Hà Nội hoãn xét xử hai vụ án bầu Kiên và TMV Cát Tường.


Quan tâm đến các vụ án gây bức xúc dư luận

Chiều 22/4, tại buổi tiếp xúc với trưởng đoàn ĐBQH – Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị và các ĐBQH đoàn Hà Nội, nhiều cử tri quận Hai Bà Trưng đề cập đến một số vụ việc nóng xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, đó là vụ việc gây chết người rồi vứt xác phi tang ở TMV Cát Tường, rồi vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vừa được đưa ra xét xử.

Bí thư Hà Nội cho rằng, việc dừng xét xử hai vụ án trên là hoàn toàn hợp lý. Bởi theo ông hồ sơ chưa được xem kỹ, cáo trạng còn chung chung, đặc biệt là quy trình khám chữa bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc xét xử vụ án ở TMV Cát Tường phải toát lên được mấu chốt vấn đề là mặc dù cấm không được làm, nhưng anh vẫn cứ làm, rồi gây chết người. Đã vậy khi gây ra chết người lại còn đi ném xác phi tang.

Như vậy “việc dừng xét xử là hết sức cần thiết” – Bí thư Hà Nội nêu quan điểm với đông đảo cử tri.

Tương tự đối với vụ xét xử bầu Kiên, có thể khi nhận được giấy triệu tập, nguyên Chủ tịch ACB Trần Xuân Giá bệnh càng thêm nặng, phải điều trị nên vắng mặt tại tòa.

Trước thực tế đó, tòa phải cho dừng phiên xét xử. Nhưng Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, tòa rồi sẽ lại tiếp tục xét xử chứ không phải dừng hẳn.

Trật tự đô thị: “Cuộc đấu tranh giữa cái văn minh và luộm thuộm”

Hà Nội năm 2014 được xác định là năm trật tự và văn minh đô thị. Tại buổi tiếp xúc cử tri này, nhiều ý kiến đã phản ánh lên đoàn ĐBQH cũng như lãnh đạo TP Hà Nội xoay quanh vấn đề trật tự và văn minh đô thị.

Giải đáp những băn khoăn của cử tri liên quan đến việc quản lý lòng đường, vỉa hè, Bí thư Hà Nội cho biết, không biết bao nhiêu lần họp hành, hội thảo đã đề cập đến vấn đề này. Đầu tiên lòng đường, vỉa hè được giao cho cấp thành phố quản lý. Giờ lại giao cho quận, phường, nhưng cũng rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Rồi xuất hiện tình trạng người kinh doanh buôn bán, và nhiều dịch vụ mở ra dưới lòng đường, vỉa hè.

Để giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, Hà Nội đã có chủ trương cấm bán hàng rong ở vỉa hè trên một số tuyến phố chính. Nhưng Bí thư Hà Nội nói, đã có biết bao nhiêu ý kiến không đồng tình phản đối chủ trương này.

Tất cả cũng xoay quanh chuyện “miếng cơm, manh áo” của người lao động. Thậm chí còn có ý kiến nói đó là “văn hóa vỉa hè”. Ngô luộc, khoai nướng, bia hơi vỉa hè mới ngon. Thiếu món ăn vỉa hè sẽ không còn “phong cách Hà Nội”.

“Đây là cuộc đấu tranh giữa cái văn minh và cái luộm thuộm ở thủ đô. Chúng tôi sẽ vừa lắng nghe, vừa làm từng bước chứ không một chiều. Nhưng tinh thần là phải làm theo hướng ngày càng tiến bộ lên chứ không thể buông xuôi” – ông Nghị nói.

Tình trạng chợ cóc, chợ tạm ở thủ đô cũng là một vấn đề nan giải. Vấn đề đặt ra, theo Bí thư là phải làm sao xử lý cho văn minh, phù hợp. Hà Nội đã xây dựng nhiều khu chợ trong các tòa nhà cao ốc, bên trên là siêu thị kết hợp chợ truyền thống.

Nhưng khi làm xong nhiều người lại thấy bán vỉa hè được, lại tiện lợi mà không phải chịu thuế, cũng có thể người mua muốn dựng xe ở vỉa hè mua cho tiện…nên nhiều người mời cũng không vào.

Một giải pháp có thể chấp nhận được, mà theo Bí thư Phạm Quang Nghị là chợ cóc có thể hoạt động từ 5h – 6h30 rồi kết thúc, vì từ 7h người dân bắt đầu đi làm. Như vậy sẽ giải quyết được nhu cầu thực tế của nhân dân, lại không gây cản trở giao thông.

ĐỀ NGHỊ XEM XÉT TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG HOÀNG TUẤN ANH

Đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Khi Thủ tướng Chính phủ quyết định rút đăng cai tổ chức Asiad 18 hầu hết các ý kiến đều đánh giá đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân. Mặc dù thông tin trên một số tờ báo trước đó cho rằng về việc này Chính phủ chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, còn trên một số tờ báo thì cố “đào bới” những văn bản do Chính phủ kí liên quan đến việc này. Và, hiếm khi, trước một vấn đề lớn và còn nhiều tranh cãi như vậy lại được Chính phủ giải quyết một cách nhanh chóng đến vậy, dù rằng cơ quan tham mưu (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Có lẽ, lí do Chính phủ đưa ra để rút đăng cai Asiad trúng với suy nghĩ của đông đảo nhân dân, là “tình hình kinh tế – xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn; ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) rất hạn hẹp, phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Nhưng quan trọng hơn cả là Chính phủ đã lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người dân.

Hay tin Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng đăng cai Asiad 18, ngày 19/4, TS Vũ Đức Khiển, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cựu Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao tỏ thái độ đồng tình và có ý kiến cá nhân, đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thư, ông Vũ Đức Khiển viết: Tôi không hiểu tại sao trong các cuộc thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khẳng định nước ta sẽ có lợi ích lớn nếu nhận đăng cai Asiad 18. Đến tận buổi làm việc cuối cùng với Thủ tướng ngày 17/4, Bộ này vẫn bảo lưu quan điểm, trong đó đặt ra mục đích rất hay là “quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước”. Tuy nhiên, Thủ tướng lại khẳng định trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, tình hình kinh tế – xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn thì dự kiến nguồn thu từ Asiad để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó bảo đảm; nếu không chu đáo, không thành công thì ảnh hưởng ngược lại. Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức Asiad tại Hà Nội.

Vậy ở đây có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu đề xuất với Chính phủ một chủ trương sai, có nguy cơ gây ra hậu quả xấu lớn cho đất nước về nhiều mặt. Nhân sự việc này, tôi đã xem lại kết quả cuộc lấy phiếu tín tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được tiến hành tại Kì họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII vào ngày 10 và 11/6/2013 thì thấy ông Hoàng Tuấn Anh chỉ được 90 phiếu tín nhiệm cao (bằng 18,07% tổng số đại biểu Quốc hội) trong khi đó ông có đến 116 phiếu tín nhiệm thấp (bằng 23,29 tổng số đại biểu) nhưng ông lại không suy nghĩ về điểm này nên tiếp tục làm giảm sự tín nhiệm của mình. Vậy tại Kì họp thứ 7 sắp tới của Quốc hội nên xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI (TT).

Đương nhiên, việc xin đăng cai Asiad 18 không chỉ Ủy ban Ô-lim-píc, thậm chí là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dám tự ý quyết định? Vì Ủy ban hay Bộ này không đủ thẩm quyền và thu xếp đủ tài chính cần thiết tổ chức sự kiện này (nếu được chọn đăng cai). Tuy nhiên, cũng không cần phải bình luận gì nữa bởi bức thư vị cựu “đại cử tri” Vũ Đức Khiển đã nói hộ cả rồi. Bởi Nhà nước trong bất cứ thời đại nào cũng cần lắng nghe ý kiến của dân, coi đó như “nhiệt kế” dư luận làm nền tảng cho quyết sách của mìnhn

Tuấn Đạt

RFA – ĐÀI Á CHÂU TỰ DO HAY ĐÀI ĐẤU TỐ TỰ DO (Nhân vụ kiện đài RFA Tiếng Việt)

Mới đây RFA đã bị đâm đơn kiện vì xuyên tạc sự thực. Điều này đáng ra phải làm cách đây lâu rồi. Vì ngay từ khi ra đời, RFA đã nhân danh “tự do” để bêu riếu chính quyền Việt Nam đương thời bằng những trò công kích cá nhân vào tầng lớp lãnh đạo mà không có chứng cứ gì, hay những màn mạt sát các giá trị truyền thống của người Việt, thậm chí là bịa đặt lịch sử.


Tư cách pháp nhân của RFA được đăng ký tại Washington và trực thuộc Hoa Kỳ. RFA mượn danh cổ vũ tự do ngôn luận để công kích cá nhân, đả phá nhà cầm quyền hiện tại, mở đường cho Việt Tân về cầm quyền tại Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ cho dù muốn thúc đẩy dân chủ đến đâu, cũng không được phép vi phạm các điều luật của Liên Hiệp Quốc đề ra về việc can thiệp vào nội bộ của nước khác. Những hoạt động của RFA hiện nay đang đẩy nhà cầm quyền Hoa Kỳ, chính quyền đã cấp phép hoạt động cho RFA, vào tình thế vi phạm luật quốc tế. Hoặc Hoa Kỳ phải đóng cửa RFA, hoặc Hoa Kỳ sẽ mặc kệ luật quốc tế và thản nhiên vi phạm để rồi cả thế giới đều thấy rõ điều đó.

Nếu ai vào đọc bản “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của RFA” (http://www.rfa.org/vietnamese/about/codeofethics.html) thì sẽ phải nhớ đến ngay câu tục ngữ “chiếc áo không làm nên thày tu”. Mọi quy tắc tự RFA đề ra thì chính RFA cũng phạm phải. 

“Chủ trương của đài Á Châu Tự Do là phổ biến tin tức chính xác, trung thực và hữu ích, không tuyên truyền, không bè phái, không đả phá một chính phủ, cá nhân hay bất kỳ quốc gia nào”. Điều này đã bị vi phạm trầm trọng vì rõ ràng họ tập trung mọi mũi nhọn vào Đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam thông qua một loạt bài viết về Hiến Pháp, về thanh niên, về các vấn đề biển Đông… Mặc dù không nói trực tiếp, nhưng mượn mồm những kẻ cực đoan để nói thay cho mình. Việc này lại tiếp tục vi phạm quy tắc “phổ biến tin tức chính xác, trung thực và hữu ích”. Phải công nhận là những người được phỏng vấn đều nói thực lòng họ và phóng viên cũng ghi chép lại đầy đủ. Vấn đề ở chỗ đó là cách thức lấy tin của RFA.

Các bài viết của RFA đều được viết theo dạng phóng sự và tham khảo dư luận xung quanh một sự kiện nào đó. Thông thường, dạng bài này, các đối tượng phỏng vấn phải được hỏi một cách ngẫu nhiên. Nhưng nếu xem một loạt bài thì sẽ thấy rằng các đối tượng RFA hỏi không được chọn ngẫu nhiên chút nào mà đều đã có sự sắp đặt. Đó đều là các gương mặt đấu tranh “zân chủ” với “yêu lước” đã nhẵn mặt trên facebook và blog. Mọi câu trả lời của họ đều đi đến kết luận đại loại như: Mọi bi kịch đang diễn ra ở Việt Nam là do nhà cầm quyền đang dẫn đường sai, là do Đảng Cộng Sản độc tài và ngu dốt, cần phải lật đổ Đảng Cộng Sản ngay lập tức. Những câu trả lời kiểu này, bất cứ độc giả nào cũng có thể tìm đọc trên RFA. 

Nhiệm vụ của RFA là đưa tin trung thức về các nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhưng đọc bài của RFA thì thấy chỉ rặt một mùi của các vấn đề tiêu cực như đàn áp, bất công, hỗn loạn, mông muội, lừa đảo… Xã hội nào cũng có các vấn đề tích cực và tiêu cực. Nhưng chỉ tập trung vào vấn đề tiêu cực khiến RFA không còn là đài “Châu Á tự do” nữa mà nên chuyển thành “đấu tố tự do”, khi những kẻ gây rối loạn trật tự xã hội lên tiếng chửi rủa nhà cầm quyền và người dân của chính dân tộc mình. Đây là một việc làm sai lệch thông tin về Việt Nam, dễ khiến cho các nước ít biết về Việt Nam tưởng là nước ta còn đang ở thời mông muội không có đèn thắp sáng và xác chết thì nằm đầy đường.

Thôi thì không đóng cửa RFA cũng được, vì đằng nào Luật quốc tế cũng có bao giờ được tôn trọng đâu, nhưng có lẽ đài RFA nên chuyển tên thành Đài đấu tố tự do cho đúng với bản chất của mình.

Nguồn: Tìm lại sự thật

VỤ KIỀU NỮ HẢI DƯƠNG: CẦN LÀM RÕ SỰ THẬT

Đọc thêm: 


TT - Sau khi đơn tố cáo của “kiều nữ Hải Dương” bị Công an tỉnh Hải Dương trả lời là không có cơ sở để xử lý về tội vu khống, một số luật sư đã có ý kiến về vấn đề này.

Luật sư HOÀNG CAO SANG (Đoàn luật sư TP.HCM):

“Cách trả lời thiếu trách nhiệm”

Công an Hải Dương có thông báo trả lời bà Phạm Thị Thanh Ngọc rằng báo Người Đưa Tin không nêu cụ thể họ tên, địa chỉ nên không gây ảnh hưởng đến bất cứ cá nhân nào, theo tôi, đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm, vòng vo, không đi vào trọng tâm yêu cầu. Rõ ràng bà Ngọc đề nghị một đằng, công an lại trả lời một nẻo. Trong đơn bà Ngọc đề nghị làm rõ, truy tố về tội vu khống đối với các cá nhân đã viết bài và cung cấp thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà. Lẽ ra khi nhận được đơn tố cáo của công dân, Công an tỉnh Hải Dương phải làm rõ xem nhân vật N. trong các bài báo có phải bà Ngọc không, nếu không phải bà Ngọc thì là ai? Nếu không phải bà Ngọc mà bài báo viết vu vơ, lung tung về một ai đó thì cũng cần làm rõ. Trong các bài báo có nêu các phóng viên nhập vai đi gặp bà Ngọc, sau đó bị bà Ngọc cưỡng dâm thì bỏ chạy thoát thân, Công an Hải Dương có gọi các phóng viên này hỏi xem bà N. có phải bà Ngọc không? Những tài xế taxi được viết tắt tên trên các bài báo có được làm rõ không? Đọc thông báo của Công an tỉnh Hải Dương thì thấy những việc này đều chưa được làm rõ.

Báo Người Đưa Tin cho rằng bà N. trong bài báo không phải là bà Ngọc, nhưng lại chụp hình ngôi nhà bà Ngọc, miêu tả trúng đến 90%? Việc đăng tải như vậy đã gây thiệt hại và hậu quả cho bà Ngọc là chủ nhân căn nhà.

Điều 122 Bộ luật hình sự quy định tội vu khống là biết rõ không có nhưng vẫn loan truyền, tố giác tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bây giờ các phóng viên, nhân vật tài xế taxi nếu bị bà Ngọc hiếp dâm nhưng không đưa ra căn cứ chứng minh được điều này thì phạm vào tội vu khống.

Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Bà Ngọc tố cáo là có cơ sở

Trong các bài báo “Hoang mang kiều nữ có sở thích... cưỡng hiếp lái xe taxi”, “Lết khỏi nhà kiều nữ, tài xế lẩy bẩy nhập viện” và “Diện kiến kiều nữ thích lạm dụng tài xế taxi trong phòng ngủ” do phóng viên Diệu Nam, Sa Hà đăng trên báo điện tử Người Đưa Tin các ngày 26, 28 và 31-12-2013 phản ánh về một hiện tượng, vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhân vật N. được gọi là “nữ dâm tặc”, “kẻ cuồng dâm”... Dù trong bài viết không nêu đích danh họ tên, địa chỉ cụ thể nhưng lại đăng hình ảnh của bà Ngọc (dù có dùng kỹ thuật che mặt) và căn nhà bà Ngọc đang sinh sống với chú thích nhà của một Việt kiều thì rõ ràng đã chỉ cụ thể bà Ngọc. Bà Ngọc tố cáo, khiếu nại việc này đến cơ quan chức năng là có cơ sở.

Theo điều 122 Bộ luật hình sự, khoản 1, “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Thông báo số 22 của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương trả lời đơn của bà Ngọc:... trong bài viết không bị nêu đích danh họ tên, địa chỉ cụ thể. Do đó không có cơ sở cho rằng phóng viên Sa Hà và Diệu Nam viết bài xâm phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bất cứ cá nhân nào, vì vậy không có dấu hiệu của tội vu khống theo điều 122 Bộ luật hình sự là không thỏa đáng và chưa đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện. Bởi nếu cho rằng nhân vật kiều nữ này không phải bà Ngọc, vậy thì là ai, trong khi bài lại sử dụng hình ảnh, căn nhà của bà Ngọc? Dù bài báo có hư cấu một người nào đó hay đăng chơi để giật gân, câu khách... mà lại dùng hình ảnh, căn nhà của người khác là vi phạm pháp luật. Còn về mặt nghiệp vụ đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái với tôn chỉ, mục đích của báo chí.

Ngoài ra, trong bài báo cho rằng các tài xế lái xe taxi có tên Bối, Q., N. và K. thuộc Hãng taxi Mai Linh nói bà Ngọc là nữ dâm tặc, kẻ cuồng dâm chuyên đi dụ dỗ, cho tài xế uống thuốc kích dục để ép buộc các tài xế quan hệ tình dục trái ý muốn của họ thì công an cũng cần phải làm rõ những người này có thật và họ có tố cáo hay không?

TÂM LỤA ghi 

TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP CỦA BỘ TRƯỞNG TIẾN

(Soha.vn) - Phải một ngày sau khi Phó thủ tướng thị sát vùng tâm dịch sởi, bà Tiến mới tới nơi. Quãng đường từ Bộ Y tế đến viện Nhi chắc chỉ trên dưới 2km.

Lời cám ơn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi thị sát tới bệnh viện Nhi Trung ương - nơi có hơn trăm sinh linh phải lìa đời vì sởi và hậu sởi – đã khiến hàng triệu người lặng đi.

Ông Đam đã cảm ơn một bác sĩ vì nhờ những dòng viết trên facebook của bác sĩ ấy, ông mới biết có quá nhiều trẻ bị tử vong, để tiến hành thị sát nắm tình hình ngay lập tức.

Cả một lực lượng y tế hùng hậu giúp việc cho lãnh đạo Bộ Y tế, dường như đã “thua trắng” vài dòng chữ trên mạng xã hội của một bác sĩ.

Bà Bộ trưởng Y tế vừa mấy hôm trước còn hùng hồn hứa với các đoàn ĐB Quốc hội sẽ nỗ lực giảm thiểu trì trệ, tiêu cực ngành y, thì hôm nay lại đang chứng minh rằng: Chính cái ghế của bà mới là vị trí cần “cải tổ trì trệ” trước tiên.

Phải một ngày sau khi Phó thủ tướng thị sát vùng tâm dịch sởi, bà Tiến mới tới nơi. Quãng đường từ Bộ Y tế (Giảng Võ) đến viện Nhi (Đê La Thành) chắc chỉ trên dưới 2km, nhưng nó có vẻ quá xa với tư lệnh ngành, đặc biệt là trong lúc nước sôi lửa bỏng.

Nhưng không chỉ có hành trình hơn 2km đó bà Tiến mới đi chậm.

Vụ 3 trẻ tử vong vì tiêm vắc xin ở Quảng Trị, dù đang công tác chính nơi địa bàn đó, nhưng bà đã không bao giờ khởi hành đến với gia đình bị hại vì…kẹt họp.

Vụ Cát Tường, dù nước mắt ngắn dài trước mặt báo giới, nhưng cũng phải đến hơn chục ngày sau, bà mới “vi hành” đến nhà nạn nhân Huyền để động viên, chia sẻ sau khi đã được tham mưu để lấy lại phần nào hình ảnh.

Vụ Cát Tường, khi một nạn nhân tử vong, đã có tờ báo đề nghị bà từ chức. Lúc ấy, vẫn thấy một bộ phận dư luận thông cảm cho việc ngồi ghế nóng của bà. Không thể bắt Bộ trưởng chịu hết lỗi của ai đó trong số hàng trăm ngàn cán bộ y tế.

Đến vụ sởi, số người tử vong đã gấp hàng chục lần vụ Cát Tường, mạng xã hội lại tiếp tục đề nghị bà từ chức.

Dưới góc độ thầy thuốc, không ai nghi ngờ cái tâm muốn cứu người của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhưng dưới góc độ quản lý, người ta có quyền nghi ngờ năng lực điều hành, sự quyết liệt, quyết đoán nhanh của một tư lệnh ngành.

Đáng buồn là, ở cương vị quản lý ngành trị bệnh cứu người, sự thiếu quyết đoán, quyết liệt, đôi khi lại mang đến những hậu quả đáng tiếc về sinh mạng.

TS Lương Hoài Nam, chủ của nhiều nhận xét sắc sảo đã có những chia sẻ ngắn gọn trên facebook: “Chán chị Tiến”. Những dòng chia sẻ này được nhiều người like và comment ngay sau khi đăng tải.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có lời nhắn gửi sâu sắc: “Theo tôi, điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng và họ cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình trạng này.”

Ông Takeshi Kasai cho biết: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cần 3 ca bệnh thôi là chúng tôi đã có thể công bố được thành dịch”. GS Nguyễn Văn Tuấn, một người công tác trong ngành y lâu năm tại Úc cũng có quan điểm tương tự: “Ở các nước Tây phương, chỉ cần vài ca trẻ em mắc bệnh sởi mà tử vong thì chắc chắn cả hệ thống y tế rúng động.”

Dù chưa công bố dịch và có thể hệ thống y tế Việt Nam "chưa rúng động", nhưng rõ ràng tình trạng sởi ở Việt Nam, thực tế đã ở trong tình huống khẩn cấp.

Và chiếc ghế của Bộ trưởng Tiến cũng có thể đang trong “tình huống khẩn cấp” nếu bà vẫn khởi hành chậm trong những hành trình “cứu người như cứu hỏa”.

GÁI XẤU THÌ...THÔI RỒI?

LâmTrực@

Cái luận điệu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” rõ ràng là đã xưa như trái đất rồi. Đã là con gái mà không được đẹp thì xem như là mất quyền năng của con gái.


Hồi xưa nghe một chị bạn nói rằng “No beauty no money”, tôi lúc đó còn sinh viên ngơ ngác nên cứ nghĩ trong đầu: beauty với money có liên quan quái gì với nhau đâu? Trừ khi là đi làm … gái. Sau nhiều năm, ra trường nên có tiền chăm chút hơn cho nhan sắc, thực tế khiến tôi hoàn toàn chấp nhận “châm ngôn” đó. 

Đẹp gái lợi thế đủ cái!

Ra đường, khi chẳng may bị các anh giao thông vịn lại, tôi đã nhiều lần được “tha bổng” vì anh nào mà nỡ phạt khi sau khi nghe vài câu năn nỉ của “bé xinh”. 

Vô bãi xe, tới cầu thang máy, lên xe buýt, hầu như đi đâu tôi cũng được ưu ái. Dù là đi mua vé tàu trong ngày cao điểm hay vô mấy chỗ “hành là chính” làm giấy tờ, dẫu người phục vụ là phụ nữ đi nữa thì tôi vẫn thường xuyên được giải quyết nhanh, cư xử nhẹ nhàng… mặc dù ngay trước và sau tôi, những “thượng đế” khác bị hạch sách thiếu điều là lên bờ xuống ruộng.

Còn khi đi xin việc làm, rõ ràng cái đẹp của tôi cũng là lợi thế. Chị làm ở phòng nhân sự một buổi tám chuyện râm ran đã kể là đợt tuyển nhân viên tập sự, nhiều hồ sơ nộp vô quá nên phần lớn chỉ được liếc qua. “Các anh trong phòng hôm đó chộp ngay lấy cái hồ sơ của em rồi chuyền nhau xôn xao nhất định chị phải phỏng vấn bé này”. 

Rõ ràng cái đẹp tựa như một kim bài miễn khổ vậy đó, đi đâu cứ giơ cái mặt ra, bạn sẽ có ngay đặc quyền đặc lợi.

Còn xấu thì sao?

Cái luận điệu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” rõ ràng là đã xưa như trái đất rồi. Thử hỏi với những lần gặp gỡ đầu tiên, với những quan hệ ngoài xã hội, mấy người có đủ thời gian để thẩm thấu tới cái “lớp gỗ” bên trong đó? Cho nên xấu thì sẽ chẳng được hưởng đặc quyền.

Xấu thì đừng mong được chọn lựa “một nửa hoàn hảo của mình”. Cô bạn tôi bồ với một anh tầm tầm, chưa cưới mà đã đầy thói vũ phu, coi thường người yêu. Thế nhưng cô ấy không dám chia tay, vì “Đời tao vậy rồi. Giờ bỏ ổng tao kiếm được ai hơn đâu”.

Xấu thì đừng mong có một tương lai rạng rỡ kiểu công chúa lọ lem. Một đứa hàng xóm gần nhà tôi, lỡ khổ cha mẹ sinh ra không hiểu sao xấu thảm xấu thương. Nó vô Sài Gòn học được một năm rồi ba mẹ và các chị bỗng dưng kéo tuột về, xin cho việc làm trong một công ty quen biết. Họ nói nó đã xấu mà học nhiều, càng lớn càng chết mà thôi. Nên giờ phải về đi làm, có cái thu nhập ổn định để gia đình tìm cho một chỗ tàm tạm.

Xấu thì đừng mong mà được hoàn toàn công bằng đối xử. Sự thực 101%, anh bạn thành đạt và đầy trí thức của tôi đã xác nhận: Giữa hai cô ứng viên, cô xinh hơn sẽ được anh nhận dù năng lực có kém hơn một tí. Lý do là kĩ năng làm việc thì có thể đào tạo được, nhưng vẻ đẹp thì không. Mà trong một công ty đầy áp lực, thì ngó một khuôn mặt tươi như hoa sẽ dễ chịu hơn nhiều một cô kiểu “đen đen, cũ cũ”…

Mà nói đâu xa, cái phim Cô gái xấu xí vốn nói về sự “tốt gỗ” của một cô gái xấu ơi là xí, thế mà người ta vẫn không chọn được lấy một cô gái nào xấu thiệt sự để thủ vai. Đạo diễn phải chọn một cô quá xinh rồi hóa trang tới mức lộ liễu cho cổ xấu đi. Đó, xấu là thôi rồi, khỏi có cơ hội nào nha, dù là cơ hội đóng vai chính trong phim Cô gái xấu xí.

Mà các bạn có biết mấy tay đàn ông nói sao về gỗ và nước sơn không? Tôi thử làm điều tra bỏ túi với mấy thằng bạn thân thiệt là thân (toàn dân đàng hoàng cả nhé) về cảm nghĩ của tụi nó với một cô bạn U30 đang ế của mình.

Tụi nó nói nhỏ đó không những ngoại hình đã kém điểm, mà lại còn ra vẻ thông minh, cá tính quá nữa. Cho nên nói chuyện với nhỏ nhạt phèo, chán ngắt. Cứ toàn lôi mấy thuật ngữ tiếng Anh vô, rồi dẫn lời ông danh nhân này, kể tên cuốn sách nọ… Thế đấy, kết luận là đã xấu mà còn thông minh nữa thì thật là nguy hiểm và làm người ta tuyệt vọng.

Đương nhiên là nhiều người đọc đến đây sẽ nói “Đẹp thì hiển nhiên tốt rồi, nhưng mà vẫn cần có tâm hồn, trí tuệ”. Tôi thì tất nhiên chẳng phản đối gì, ai mà chẳng muốn thế. Nhưng sự thực là tạo hóa có tạo ra nhiều tuyệt tác đâu, cho nên giữa đẹp và thông minh, chỉ được chọn một trong hai, bạn sẽ chọn cái nào?

Có lần tờ báo nọ viết về cô người đẹp đang xì căng đan đình đám, nghe thì có vẻ chối tai, nhưng chả hề sai tí nào: “Đừng có đòi N.T phải thông minh, vì N.T đã đẹp như vậy rồi, mà còn thông minh nữa, thì phụ nữ trên đời này sao còn niềm tin để sống”.

DƯƠNG CHÍ DŨNG ĐỀ NGHỊ TÒA XEM XÉT LỜI KHAI CỦA BỒ NHÍ

Dương Chí Dũng đề nghị tòa xem xét lời khai của 'bồ nhí'

Trong phiên tòa sáng nay, Dương Chí Dũng xác nhận lời khai của chị T. về việc chị góp 600 triệu đồng trong số khoản tiền hơn 4 tỷ đồng mua căn hộ này là đúng. Vì chị T. có ý kiến về việc này, Dũng cũng đề nghị tòa xem xét chi tiết này.

Tại phiên phúc thẩm sáng nay, bị cáo Dũng khai tiền mua căn hộ ở Sky City là lấy từ vợ đưa cho chị T. mua. Bị cáo đến giờ cũng không nhớ khoản tiền là bao nhiêu vì chị này đứng tên mua.

Trước đó, trong phiên xét xử sở thẩm ngày 12/12/2013, khi được hỏi về những căn nhà của mình đã bị kê biên, Dương Chí Dũng thành thật thuật về chuyện bản thân mang tiền của vợ đưa mang cho “bồ”. Lời khai này bị cáo khá trùng hợp với nội dung đơn kêu cứu cho chồng mà vợ bị cáo đã gửi lên tòa ít ngày trước.

Bị cáo Dũng khai rằng, sau khi có mối quan hệ ngoài luồng với một cô gái tên T. thậm chí cựu Chủ tịch Vinalines đã đưa về ra mắt gia đình. Vậy nhưng vợ Dũng và các con gái không hề hay biết.

Đứng trước tòa, bị cáo biện giải, không tham ô mà lấy tiền… vợ đưa để đi mua hai căn hộ cho bồ nhí.

“Bị cáo mua nhà ở 88 Láng Hạ cho cô T. Mua căn hộ Pacific cho thuê. Tiền mua căn hộ lấy từ vợ. Số tiền đó là do anh Sơn đưa cho vợ tôi, tổng số là hơn 10 tỷ đồng. T. có tiêu trong khoản đó, không biết là bao nhiêu”, cựu Chủ tịch Vinalines trình bày tại phiên sơ thẩm.

Bị cáo một lần nữa thổ lộ sự xấu hổ vì đã lấy tiền của vợ mang đi cho bồ, vì vậy, Dũng đã giấu vợ con chuyện này. Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines ngậm ngùi: “Nhưng sự thật thì không bao giờ giấu được”.

SkyCity Tower, số 88 đường Láng. Tầng 29 - nơi có căn hộ bồ nhí của Dương Chí Dũng (khoanh đỏ). 

Cô bồ nhí của Dương Chí Dũng có tên Ph.T.T, người đã gây nên bước ngoặt trong cuộc đời Dương Chí Dũng. Cô T. sinh năm 1982, quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Chính vì thế, cô T. học hết lớp 10 thì phải bỏ học giữa chừng và được một người họ hàng đón ra Hà Nội làm giúp việc gia đình.

Sau khi ra Hà Nội, cô T. bắt đầu thấy chán cuộc sống giúp việc nên đã bỏ gia đình người thân, xin ra ngoài thuê nhà và đi làm tiếp viên cho một số nhà hàng ăn uống. Trong một lần đi nhậu, Dương Chí Dũng tình cờ gặp cô T. và yêu cầu tiếp rượu.

Thấy cô gái có duyên, Dương Chí Dũng đã phải lòng và sau đó hai người đến với nhau, có con riêng. Sau này Dương Chí Dũng tìm mọi cách để cung phụng cho cô bồ nhí không công ăn việc làm và đứa con trai ngoài giá thú.

Dương Chí Dũng đưa tiền để cô bồ nhí mua và đứng tên 2 căn hộ, một căn tại tầng 29 tháp B tòa nhà Skycity (Láng Hạ, Hà Nội) và một căn tại tòa nhà Pacific (Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Việc phạm tội của Dương Chí Dũng đã làm sụp đổ cả một gia đình danh giá và kéo cả người em ruột lao vào con đường tội lỗi. Người em ruột Dương Tự Trọng (cựu Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng) được đánh giá là một cán bộ công an có năng lực, từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong ngành công an. Tuy nhiên, việc tổ chức cho anh trai đi trốn khi biết anh mình phạm pháp đã khiến Dương Tự Trọng phải lĩnh án 18 năm tù.

PV (tổng hợp)