Nhân chủ đề liên quan đến nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Việt Nam. Hai tác giả Nguyễn Công Thảo và Phong Trần đã cho thấy “mặt sau” của công tác NCKH và người làm khoa học. Để bạn đọc có thêm góc nhìn trong bức tranh toàn cảnh, người viết bổ sung thêm hoạt động NCKH trong các trường ĐH của Việt Nam.
Đổi giờ giảng dạy sang giờ NCKH
Ở Việt Nam, có 3 lĩnh vực cung cấp nhân lực NCKH chủ yếu, bao gồm: (1) Các viện chuyên ngành thuộc 2 Viện hàn lâm khoa học quốc gia và các bộ ngành; (2) Các trường ĐH - cao đẳng; (3) Các trung tâm, viện trực thuộc các tỉnh, thành phố.
Xét về số lượng nhân lực tham gia NCKH, các trường ĐH phải chiếm tới 2/3 số người tham gia NCKH. Bởi lẽ, giảng viên ĐH ngoài công tác giảng dạy phải thực hiện thêm công tác NCKH để phục vụ công tác giảng dạy.
Theo quy định tại Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT về việc Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên. Mỗi giảng viên tối thiểu phải có 500 giờ NCKH (PGS 600 giờ, GS 700 giờ), quy đổi tương đương khoảng 150 giờ chuẩn giảng dạy.
Khối lượng giờ NCKH được xác định qua các hoạt động khoa học như viết giáo trình, viết sách tham khảo, viết báo, chủ trì và tham gia đề tài các cấp, tham gia các hội thảo khoa học, hướng dẫn sinh viên trong các hoạt động khoa học,…
Cứ tưởng rằng đây là hoạt động chuyên môn thuần túy, và không khó khăn gì để đạt được. Vì chỉ cần có một bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc hội thảo khoa học trong nước là đã có khoảng 300 ÷ 700 giờ NCKH (tương đương với khoảng 100 ÷ 200 giờ chuẩn giảng dạy). Thế nhưng điều này ngược lại hoàn toàn.
Số lượng giảng viên có thời lượng NCKH từ các hoạt động nói trên rất ít. Điều này thể hiện ở số giáo trình, sách tham khảo xuất bản hàng năm, số đề tài khoa học công nghệ đăng ký và số lượng bài báo trên các tạp chí chuyên môn và hội thảo khoa học. Kể cả các hoạt động được tính là khối lượng NCKH như hướng dẫn sinh viên NCKH và thi Olympic cũng rất ít.
Vậy giảng viên sẽ lấy đâu ra khối lượng NCKH theo quy định? Xin thưa rằng, các giảng viên sẽ lấy giờ dạy trên lớp quy đổi sang giờ NCKH. Nghĩa là, nếu không tham gia bất kỳ một hoạt động nghiên cứu khoa học nào, một giảng viên sẽ bị trừ đi 150 giờ chuẩn giảng dạy để bù vào 500 giờ NCKH.
Những ai làm khoa học?
Các trường ĐH là nơi làm việc của những người có học hàm, học vị nhiều nhất trong cả nước. Và NCKH là một phần tất yếu trong hoạt động chuyên môn của họ. Nhưng như đã nêu ở trên, số lượng giảng viên thực sự tham gian nghiên cứu khoa học rất ít. Vậy có những ai làm khoa học theo đúng nghĩa?
Thứ nhất là những người nhận/đấu thầu được các đề tài khoa học từ cấp tỉnh thành phố trở lên. Với kinh phí dành cho NCKH như hiện nay thì có thể thấy số lượng các đề tài NCKH rất ít. Theo đánh giá chủ quan của người viết, không quá 10% số lượng giảng viên của các trường ĐH tham gia thực hiện các đề tài khoa học hàng năm.
Thứ hai là là những người đang làm NCS bắt buộc phải có các công trình khoa học công bố. Tuy nhiên, nếu làm NCS trong nước thì những công trình công bố thường nằm ở trong nhóm thứ nhất nêu trên. Vì các NCS thường phải tham gia các đề tài cùng thầy hướng dẫn để có kinh phí thực hiện nghiên cứu.
Thứ ba là những người có đề tài, dự án hợp tác quốc tế tại Việt Nam từ một số các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Đây là nguồn cung cấp nhiều nhất các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, số lượng người tham gia trong hoạt động này rất rất ít.
Thứ tư là những người tham gia chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Chất lượng NCKH với những đề tài bảo vệ xong cất vào tủ mà chúng ta đã nói rất nhiều trong thời gian qua cho thấy số lượng những người có khả năng chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu của mình cũng rất ít.
Thứ năm là những người tham gia vào các hoạt động KHCN thường xuyên như tham gia phản biện tại các hội đồng khoa học, các hội đồng thẩm định chuyên môn và các hội đồng bảo vệ tiến sỹ, cao học. Cũng có thể thấy số lượng người tham gia các hoạt động này rất ít, chủ yếu là các cây đa cây đề trong ngành lẫn các chuyên gia hàng đầu.
Như vậy, chúng ta có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh về hoạt động NCKH của các trường ĐH. Đối với các trường ĐH lớn, có uy tín về giảng dạy và có số lượng các GS, PGS, TS đông đảo thì công tác NCKH còn có những dấu ấn. Còn đối với các trường ĐH trẻ, đặc biệt là các trường ĐH nâng cấp từ các trường cao đẳng và các trường ĐH ngoài công lập, công tác NCKH rất hạn chế.
Nếu tính tổng thể đối với các hoạt động NCKH của 5 nhóm kể trên, thì chỉ có khoảng 30 ÷ 40 % số giảng viên của các trường ĐH thực sự tham gia NCKH.
Khó khăn trong NCKH ở các trường ĐH - vì sao?
Để trả lời câu hỏi trên trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết sẽ nêu ra những nhóm nguyên nhân chính và không đi sâu vào phân tích đầy đủ kèm theo những minh chứng cụ thể.
- Không có cơ hội tiếp cận đề tài khoa học: Mặc dù trong vài năm trở lại đây, các bộ ngành, tỉnh thành đã cải cách công tác tuyển chọn đề tài khoa học. Cơ hội tiếp cận thông tin và được tham gia đấu thầu công khai các đề tài khoa học ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều nhưng không phải là dễ dàng để có thể dành được đề tài.
Bởi vì, việc chia nhau “thị phần” trong chiếc bánh kinh phí NCKH vẫn xảy ra, một phần là do những người có “quan hệ” tranh đề tài về cho cá nhân và tổ chức của họ, một phần do các bộ ngành phải phân bổ kinh phí để “nuôi” các cơ sở nghiên cứu yếu kém. Điều này đã dẫn đến hiện tượng xin cho và “chạy” đề tài nghiên cứu. Vì thế việc đấu thầu công khai nhiều nơi mang tính hình thức và khó có cơ hội cho các giảng viên ĐH.
Cơ hội được tiếp cận thông tin về việc tuyển chọn đề tài khoa học vẫn còn bất cập. Những thông tin được công khai trên các trang thông tin của cơ quan quản lý đề tài khoa học thường được cập nhật rất muộn. Những giảng viên ĐH là những nhà khoa học trẻ, những nhà nghiên cứu độc lập hầu như không có cơ hội tiếp cận nếu không có những mối quan hệ theo kiểu “truyền thống”.
Ngay cả Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được coi là công khai, minh bạch và tất cả các nhà khoa học đều có thể tiếp cận thì cơ chế và các điều kiện thực hiện đề tài lại quá khắt khe, không phải người làm nghiên cứu nào cũng có thể thực hiện được.
- Kinh phí đề tài NCKH quá thấp: Kinh phí đề tài NCKH luôn là vấn đề muôn thủa trong việc đánh giá chất lượng nghiên cứu của đề tài. Câu nói thường gặp trong các hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH là với kinh phí như vậy thì kết quả nghiên cứu đạt được khó có thể tốt hơn. Và đó chính là lý do tại sao phần lớn các đề tài NCKH sau khi nghiệm thu xong đều được đem cất kỹ trong tủ.
Đơn cử như Bộ GD&ĐT, nơi có gần 60 trường ĐH, và hầu hết là các trường ĐH lớn với số lượng những người có học hàm học vị nhiều nhất so với các bộ ngành khác, việc “tranh” được đề tài rất khó, mặc dù trong vài năm gần đây đã đổi mới cơ chế đấu thầu và tăng kinh phí từ vài chục triệu lên trên 100 triệu cho mỗi đề tài. Đó cũng là lý do tại sao kinh phí của đề tài NCKH cấp trường thường chỉ từ 5 ÷ 10 triệu đồng/đề tài.
Không hiểu với khoản kinh phí này thì người thực hiện đề tài sẽ làm như thế nào để ra sản phẩm nghiên cứu có chất lượng? Trong khi còn bao nhiêu khoản chi, từ mua vật liệu, hóa chất, chi phí hội đồng nghiệm thu và cả chi phí… bôi trơn.
- Cơ chế tài chính không phù hợp: Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu khiến những người NCKH nghiêm túc không muốn nhận và thực hiện đề tài từ ngân sách nhà nước. Một cơ chế tài chính rối rắm, phức tạp với những đơn giá quy định có khi từ 10 năm trước.
Hầu như cá nhân, tổ chức nào đấu thầu được đề tài cũng đau đầu với các thủ tục thanh toán tài chính mà họ phải thực hiện và giải trình trước nhà trường - đơn vị chủ quản thay mặt chủ nhiệm đề tài ký hợp đồng NCKH. Việc mua hóa đơn bên ngoài, kê khống khối lượng công việc, kê khống khối lượng vật liệu hóa chất thí nghiệm, hợp lý hóa kinh phí bôi trơn,… là chuyện tất yếu trong quá trình thực hiện đề tài. Chính đây là nguyên nhân dẫn đến sự gian dối trong NCKH, làm giảm chất lượng của quá trình NCKH và không khuyến khích được những giảng viên làm khoa học nghiêm túc tham gia NCKH.
- Không có thời gian NCKH: Người viết đã từng phân tích về vấn đề “thợ dạy” trong các trường ĐH trong các bài viết trước đây trên Tuần Việt Nam. Sự tăng đột biến số lượng sinh viên từ các trường ĐH dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên. Các trường phải tuyển dụng các giảng viên trẻ lẫn thuê các giảng viên từ các trường khác để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Vì khối lượng giảng dạy quá nhiều, dẫn đến các giảng viên chỉ lo đi dạy mà không còn thời gian để làm nghiên cứu khoa học. Mặt khác, các giảng viên trẻ bị lao vào vòng xoáy soạn bài, giảng bài mà không có thời gian để đọc tài liệu, để hình thành tư duy và ý tưởng NCKH. Họ thậm chí còn chưa định hình rõ ràng về phương pháp tiếp cận NCKH và chưa có kỹ năng viết một bài báo khoa học. Không dưới 70% số lượng giảng viên trẻ có thâm niên công tác dưới 5 năm ở các trường ĐH hiện nay thuộc nhóm này.
- Không sòng phẳng trong NCKH: Việc thiếu thông tin và mối quan hệ với cơ quan quản lý khoa học, kinh phí thực hiện đề tài quá thấp và cơ chế tài chính phức tạp như đã nêu trên dẫn đến những giảng viên trẻ rất khó nhận được các đề tài NCKH. Muốn có khối lượng NCKH, họ phải xin tham gia cùng với các chủ nhiệm đề tài, thường là các cây đa cây đề trong cơ quan họ công tác.
Việc họ được nhận một phần công việc, tự chủ trong thực hiện và được trả công sức xứng đáng hầu như khó xảy ra. Bởi vì kinh phí đề tài quá hạn hẹp và phải chi cho việc “bôi trơn” nhiều dẫn đến các nội dung thực hiện phải cắt giảm tối đa kinh phí. Và nếu muốn tham gia đề tài, thì phải chấp nhận cơ chế này. Việc làm khống số liệu, copy nghiên cứu của người khác để hoàn thành đề tài là chuyện thường xuyên xảy ra.
Chính vì vậy những giảng viên nghiên cứu khoa hNCKH nghiêm túc thường khó chấp nhận thực hiện, và lại là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng “ngụy khoa học” kiếm thành tích và học hàm học vị.
- Không đủ điều kiện kinh tế để NCKH: Một vấn đề muôn thủa trong ngành giáo dục hiện nay liên quan đến việc nâng cao chất lượng dạy và học là tiền lương. Trong các trường ĐH và trong hoạt động NCKH cũng không ngoại lệ, vấn đề thu nhập đang kìm hãm mọi sự phát triển.
Để có thể có những ý tưởng nghiên cứu mới, sáng tạo và có thời gian thực hiện các nghiên cứu thì các giảng viên phải thực sự không bị phân tán vào các vấn đề cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Những phân tích của tác giả Phong Trần về mức lương của các thạc sỹ, tiến sỹ, PGS, GS đã nói lên điều đó. Không ai có thể miệt mài nghiên cứu trên phòng thí nghiệm với mức lương 5 triệu và phía sau còn phải lo nhà cửa, cơm áo gạo tiền và việc học hành của con cái. Vấn đề này đã được nói rất nhiều, có lẽ không cần phải đề cập sâu hơn.
NCKH là một yêu cầu tất yếu của các giảng viên ĐH. Đây vừa là công việc bắt buộc theo quy định, vừa giúp các giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu và khả năng áp dụng nghiên cứu vào thực tiễn,… Điều này vô cùng quan trọng đối với một giảng viên ĐH, giúp họ có đầu đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để giảng dạy sinh viên.
Bên cạnh đó, việc NCKH của giảng viên sẽ kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa trường ĐH và nhà sản xuất. Góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của xã hội và tạo ra giá trị gia tăng cho các trường ĐH, nhằm tiến tới một nền giáo dục ĐH phi lợi nhuận trong hoạt động đào tạo.
Những quốc gia phát triển đều có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Và phần lớn các nghiên cứu đều được xuất phát từ các trường ĐH.
Mặc dù chúng ta luôn hô hào cải cách giáo dục, hô hào đẩy mạnh NCKH trong các trường ĐH. Hô hào nâng cao chất lượng giảng viên để đảm bảo chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường không còn bị thất nghiệp vì thiếu kiến thức chuyên ngành được đào tạo trong trường ĐH. Thế nhưng với những khó khăn, bất cập và rào cản cơ chế đã nêu trên, cơ hội nào cho các giảng viên làm khoa học?
* Bài đã được xuất bản trên chuyên mục Thông tin đa chiều của Tuần Việt Nam.
Link bài viết:
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.