Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn: CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỢ TRUNG QUỐC

Kỷ niệm 28 năm ngày mất cố Tổng bí thư Lê Duẩn


Cố Tổng bí thư Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc'

Đăng Bởi Một Thế Giới

Bác Hồ và Cố Tổng bí thư Lê Duẩn năm 1960

Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư suốt 26 năm, ông Lê Duẩn đã để lại nhiều di sản cho lịch sử Việt Nam. Có thể người ta còn tranh cãi về ông ở vài vấn đề, nhưng công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất dân tộc cũng như ý chí kiên cường và tinh thần cảnh giác cao độ trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, thì có lẽ ít người nghi ngờ…

Bài học lớn về Trung Quốc 

Trước hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn là người lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Như nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam khi ấy, ông thực sự tin Trung Quốc là người anh em, đồng chí thực sự của cách mạng Việt Nam.

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã bẻ ngoặt nhận thức của ông về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể:

“Khi bàn thảo về Hiệp định Geneva, Bộ Chính trị của ta chỉ đồng ý lấy vĩ tuyến 16 là ranh giới cuối cùng của khu phi quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc trong thời gian chờ tổng tuyển cử. Nhưng Trung Quốc với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng ép ta phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17. Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Chúng tôi là tướng ngoài mặt trận. Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình quyền định đoạt số phận của người Việt Nam”.

Thời điểm đó, ta đã kiểm soát phần lớn vùng Nam bộ, ngoại trừ một vài đô thị nhỏ. Ở miền Bắc, ta chiến thắng vang lừng ở Điện Biên. Nhưng Trung Quốc đã bắt ta phải ký một hiệp định chia cắt đất nước - một hành động mà sau này như nhiều người nói: “người anh lớn” đã phản bội lại “người em” của mình.


Sau khi hiệp định được ký, trên đường từ Bắc vào Nam, nhìn những quân dân miền Nam giơ 2 ngón tay chào nhau, vừa là biểu tượng victory - chiến thắng, vừa là lời hẹn 2 năm sau sẽ đoàn tụ, ông Lê Duẩn đã khóc. Ông hiểu, sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, sẽ không bao giờ chỉ là 2 năm…Rồi đây đất nước sẽ còn bị chia cắt rất lâu vì Hiệp định Geneva năm đó.

Sau đó, khi chia tay Lê Đức Thọ ra Bắc tập kết, ông Lê Duẩn đã nói với người đồng chí của mình một câu rất nổi tiếng: “Anh ra nói với Bác, 20 năm nữa tôi mới được gặp Bác”. 

Rất trùng hợp, 20 năm sau, đất nước thống nhất. Nhưng quan trọng hơn, đó là lần ông Lê Duẩn thực sự thấy thấm thía nhất về nỗi đau chứng kiến đất nước ông đã bị người anh em Trung Quốc phản bội. Năm 1972, trong một cuộc trò chuyện với Chu Ân Lai, nhắc lại về Hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn đã không ngần ngại lên án: “Năm đó, người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.

Dù là năm 1954 hay năm 1972 hay sau này, dù là lúc đang lãnh đạo cách mạng miền Nam hay khi đã ra Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể cả khi đất nước đã thống nhất, chưa một phút giây nào, TBT Lê Duẩn quên bài học đó.

“Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”

Khi còn sống, TBT Lê Duẩn luôn cho rằng, hiểu Trung Quốc là chuyện sống còn của dân tộc Việt Nam, khi mà lịch sử địa lý, trớ trêu thay đã khiến ta mãi mãi phải là láng giềng của họ. Mà để hiểu người Trung Quốc nhất định phải hiểu được những đặc tính của dân tộc Việt Nam.

Đắm chìm vào trong dân tộc để hiểu cái ở ngoài dân tộc và giữ dân tộc là cách mà TBT Lê Duẩn đã làm khi ở cương vị người đứng đầu đất nước.

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhân danh việc chi viện, giúp đỡ chúng ta, rất nhiều lần Trung Quốc lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ. Có lần Trung Quốc đề nghị cho chúng ta 500 chiếc xe vào Trường Sơn với điều kiện kèm lái xe của họ. Nhưng TBT Lê Duẩn không nhận bất cứ một chiếc xe nào. 

Có người trong Bộ Chính trị đề nghị “sao ông không nhận một vài chiếc cho người ta vui?”, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình: “Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng có thể cướp được đất nước Việt Nam này”.

Hẳn là vì hiểu rõ dân tộc, mà ông đã không quên rằng, Trung Quốc từng mượn đường vào đánh Chiêm Thành thời nhà Trần, rồi từng lấy cớ vào giúp vua Lê Chiêu Thống để kéo quân vào Hà Nội. Như một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã từng nhận xét về ông: “Với TBT Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia”.
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội

Điều mà TBT Lê Duẩn vẫn thường cố gắng cắt nghĩa là tại sao Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1.000 năm mà không đồng hóa được ta? Bởi 1.000 năm là quá dài, và người Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng ấy suốt những thời kỳ họ cai trị Việt Nam. Trong lịch sử, nhiều dân tộc khác bị đồng hóa rất dễ dàng chỉ với vài trăm năm, nhưng sự khác biệt của người Việt Nam đã khiến dân tộc này thoát khỏi quy luật đáng sợ đó.

Có rất nhiều thứ người Trung Quốc cho là chân lý, nhưng người Việt Nam không chấp nhận. Người Trung Quốc dùng đạo Khổng để giáo dục người dân. Người Trung Quốc dạy: “Tại gia tòng phụ”, nhưng người Việt Nam nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Người Trung Quốc nói “xuất giá tòng phu”, người Việt Nam lại cho rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Và ông Lê Duẩn luôn nhìn thấy, qua những khác biệt đó người Việt Nam vừa để dạy mình, vừa thể hiện sự phản kháng với tư tưởng đó, và sâu sa hơn là phản kháng sự đồng hóa mà người Trung Quốc cố tình áp đặt lên số phận của dân tộc Việt Nam. Sự phản kháng này nằm sâu trong mầm mống tồn tại của dân tộc, khiến sức mạnh đồng hóa của người Trung Quốc không đâm thủng được. Trung Quốc ngày đó bắt người phụ nữ bó chân, nhưng người Việt Nam không bao giờ đồng ý. Với người Việt Nam, để sinh tồn thì bàn chân là phải vững chắc trên mảnh đất này. Đó là một nền tảng văn hóa vô cùng Việt Nam, tự thân người Việt Nam và nó đối chọi hoàn toàn với người Trung Quốc.

Dường như, khi hiểu được truyền thống ấy và sức mạnh phản kháng ấy của dân tộc, TBT Lê Duẩn đã luôn có tự tin khi đứng trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đứng trước sức mạnh của người Trung Quốc, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm của mối quan hệ giữa hai nước.

Một lần, khi ra ngoài Bắc bàn về đấu tranh miền Nam, ông Lê Duẩn nói: “Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô”. 

Có người trong Bộ Chính trị phản đối ý kiến đó. Nhưng ông Nguyễn Chí Thanh đã đứng lên ủng hộ: “Thưa Bác, việc anh Ba nói vậy là vô cùng cần thiết và nhất định phải như vậy chúng ta mới thắng được”. 

Cả Bộ Chính trị vỗ tay hoan hô ý kiến đó. Chỉ tiếc là đến giờ những văn bản họp Bộ Chính trị khi đó hầu như vẫn chưa được công bố, khiến những câu chuyện này không thực sự được biết rộng rãi trong dân chúng.

Điều khiến nhiều người suy nghĩ là những năm tháng đó, trong lúc khó khăn nhất, khi mà chúng ta đang dựa vào họ, thành bại của cuộc chiến tranh phụ thuộc một phần không nhỏ vào sự ủng hộ của họ, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn biết cách giữ được vị thế của mình với những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ông cũng rất khéo léo giữ được độc lập của đất nước mà vẫn khiến Trung Quốc duy trì sự ủng hộ với Việt Nam trong một giai đoạn dài. Cái ý thức “không sợ Trung Quốc” ấy có lẽ đã khiến TBT Lê Duẩn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn ở thế ngang bằng với những lãnh đạo Trung Quốc như Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Nhưng cũng chính vì tư tưởng đó, TBT Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam khiến Trung Quốc e dè, nếu không muốn nói là “gai mắt” nhất trong giai đoạn ấy.

Nhà thơ Việt Phương từng kể một câu chuyện: “khi Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung Quốc, TBT Lê Duẩn có chuyến thăm Trung Quốc và ở gần nơi Bác chữa bệnh. Bác Hồ lúc đó đã bảo với ông Lê Duẩn: “Chú Ba đến ăn cơm với Bác. Chắc là họ chưa đến mức có ý định giết Bác. Bác đã rất nghi ngại việc TBT Lê Duẩn ở một mình có thể có những chuyện không hay và tìm cách giữ an toàn cho ông bằng mọi cách”.

Từ năm 1976, khi ta căng thẳng với Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, khi những người lính cần vệ của TBT Lê Duẩn đưa dụng cụ đo phóng xạ vào phòng ông kiểm tra, bao giờ độ phóng xạ cũng ở mức kịch kim. Có người lính cận vệ đã đề nghị ông đổi phòng vào ban đêm một cách bí mật. 1 năm sau đó, người lính cận vệ đó bị ung thư máu qua đời, dù trước đó rất khỏe mạnh. Đó có thể chỉ là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể không…

2 tháng qua, khi Trung Quốc ngày càng tráo trở và ngang ngược ở biển Đông, với tham vọng bá quyền không giấu diếm, rất nhiều người dân Việt Nam nhớ về vị TBT mà lịch sử đã nhìn nhận là người có đường lối cứng rắn nhất với Trung Quốc. 

Có lẽ ngày hôm nay, với vấn đề biển Đông, người Việt Nam chúng ta sẽ phải nhớ lại câu nói của cố TBT Lê Duẩn và bài học mà ông đã để lại: “Chúng ta, bằng bất cứ giá nào, cũng không được phép sợ Trung Quốc”.

Thảo Nguyên

AI ĐÂU HAY ĐÀN BÀ CŨNG...KHỔ

Ai đâu hay đàn bà cũng… khổ



Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái

Tôi không phải đàn bà, dĩ nhiên quá rồi và cũng không mượn son phấn nước hoa hay dao kéo để đội lốt người được coi là… hơn một nửa nhân loại. Họ là hơn một nửa không phải về định lượng mà là định tính hẳn hoi do cái phương vị của họ đổ bóng xuống gần một nửa còn lại trong nhân loại và trong cuộc đời.

Đứng ở vị trí đàn ông thử nhìn sang phía kia và thấy được vài nỗi khổ chiến lược, vĩ mô của họ.

Là đàn bà thì tuổi cứ phải giấu kín mít như một bí mật thuộc an ninh quốc gia, kẻ nào lỡ làm rò rỉ kẻ ấy đáng bị tội. Còn tên thì, toàn là những cái tên tố cáo sự ẻo lả, yếu đuối dễ… ngã vào vòng tay người khác. Hoặc dễ bị “cưa” đổ, theo cách nói tại An Nam bây giờ. Một anh chàng người Mỹ sang đây làm gì không biết, nói trên TV rằng anh gặp “chi ay” (chị ấy) là người quá khó nhưng anh đã “nhan… nạ” (nhẫn nại) và cuối cùng thì “cưa” hoài cũng đổ.

Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh: TL

Sau tên tuổi là… ăn. Cái khổ của đàn bà là ăn vặt, ăn từ khi còn là cô bé đi học và ăn cho đến lúc biết đi shopping, khi lên bà ngoại trẻ. Quà vặt đường phố ở Việt Nam quá ư phong phú đa dạng chính là để phục vụ nỗi khổ này của đàn bà. 

Sáng sớm khi đèn đường chưa tắt, ra đường tôi đã thấy những toán đàn bà đi như những chú gà tây lao về phía trước hoặc đang múa võ gì đó để giảm các chỉ số đo. Quá trình này thật gian khổ và lâu dài, thách thức lòng kiên trì ở liều cao, nhưng thật không hiểu nổi là cũng khi đường phố còn vắng tanh, những con người kiên trì này lại là sức hút cho hàng rong bu tới. Luẩn quẩn, dây dưa, lằng nhằng… là những nỗi khổ có tính cơ bản trong đời đàn bà.

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Thơ tình, nhất là thơ thất tình dễ làm cho người ta nổi tiếng nhưng chính cái lối thơ thất tình này ở những nhà thơ nữ lại là một rào cản ngăn sông cấm chợ cho chính họ. Đàn ông làm thơ thất tình có khi lại được những nữ Bồ tát ghé thăm còn đàn bà làm thơ ấy có nghĩa là tự mình ra tuyên ngôn đời đã chẳng còn chi và…đàn ông đi hết. 

Thế vậy mà có không ít đàn bà lại tung ra vô số những vần thơ kiểu ấy. Hồi trước năm 1975 có một nhà thơ nữ xuất bản liên tục tập thơ chung một nhan đề “Em là gái trời bắt xấu” tập 1, 2, 3… không rõ đường tình ái của chị ấy sau ra sao, tôi không có “hồi sau” nên không rõ.

Có khá nhiều đàn bà mang nỗi khổ gặp phải đàn ông…văn nghệ, những con người ngơ ngơ ngáo ngáo, trải nghiệm nhiều nhưng thiếu lịch lãm mà thành quê mùa, mộng tràn ra thực gây lũ lụt cho chính mình. Cái đám đàn ông này có khi còn nuôi ý tưởng phạm tội hình sự… sát nhân. “Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (thơ Hàn Mặc Tử). Ghê quá! Đám đàn ông này còn dựng nên câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” gây ra nỗi lo sợ thường trực bị “đánh tử vong” cho những người mà nói cho cùng thì ai cũng đẹp cả.

Đẹp mà bị đánh chết, tội quá chừng!

Sang thời công nghệ thông tin nổ cái bùng, đàn bà gánh thêm một nỗi khổ trước kia cũng có nhưng có một cách thủ công nhỏ lẻ. Còn bây giờ nhiều người suốt ngày phải lặn lội cày sâu cuốc bẫm trên mạng làm cái việc gọi là "tám" nôm na là hóng chuyện, đưa chuyện để giết thì giờ (sát nhân) và không ít người bị lừa đảo.

Đàn bà luôn không nhận ra... dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh: TL (minh họa)

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tảng băng chìm là nội tâm, phải như vậy không? Đàn ông trả lời được câu hỏi này trong khi nhiều đàn bà lại không thể, thậm chí không muốn nhớ. Nhân loại khổ lây vì cái hay quên này của đàn bà.

Nhiều nỗi khổ vây quanh, nhưng khổ nhất cho đàn bà và cho cả các thi nhân là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi/Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu), đàn bà đẹp sẽ chết yểu thì ai dám đẹp (?!). Nhưng lo là lo còn đẹp cứ đẹp và còn ra sức phấn đấu làm cho đẹp thêm, là thực hiện phương châm “sống chung với lũ” của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những phụ nữ lấy phù sa nắng gió và đức chân thật làm mỹ phẩm nuôi nhan sắc rắn rỏi mặn mà của mình.

Bài: Cao Thoại Châu
Ảnh: Tư liệu

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

KHÔNG AI CÓ THỂ XUYÊN TẠC NHỮNG THÀNH TỰU NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM

Tại phiên họp thứ 26 ngày 20-6-2014 tổ chức ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ (Geneva, Switzerland), Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Báo cáo UPR của Việt Nam. Đây chính là sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi các quyền con người, đồng thời là sự bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam.

UPR là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ được thiết lập theo Nghị quyết 60/251 ngày 3-4-2006, trong đó có việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của 192 quốc gia thành viên LHQ đối với việc bảo đảm quyền con người theo Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và các cơ chế nhân quyền khác mà quốc gia đó là thành viên. UPR tiến hành theo chu kỳ bốn năm, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia, căn cứ vào những thông tin khách quan, tin cậy, toàn diện, có tính đến trình độ phát triển và đặc thù của mỗi nước... Mục tiêu của UPR là cải thiện tình trạng nhân quyền, thúc đẩy thực hiện các nghĩa vụ và cam kết bảo đảm quyền con người, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia.

UPR được tiến hành trên cơ sở ba tài liệu gồm: báo cáo do quốc gia trong diện kiểm điểm tự chuẩn bị; tài liệu do Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ chuẩn bị; bản tóm tắt từ các thông tin do các viện nhân quyền quốc gia (NHRIs), các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tổ chức xã hội dân sự cung cấp. Mỗi chu kỳ UPR gồm phiên họp do Nhóm làm việc (đại diện 47 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ) tiến hành và phiên họp toàn thể. Tại phiên họp của Nhóm làm việc, quốc gia trong diện kiểm điểm sẽ trình bày tình hình nhân quyền trong nước và các biện pháp đã áp dụng để thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền. Tiếp đó, các quốc gia khác sẽ đặt câu hỏi và đưa ra các khuyến nghị để quốc gia trong diện kiểm điểm xem xét, quyết định và được tổng hợp, thông qua vào cuối phiên họp của Nhóm làm việc.

Trong thời gian giữa phiên họp của Nhóm làm việc tới phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền, quốc gia thuộc diện kiểm điểm sẽ cân nhắc, đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấp nhận hay không chấp nhận các khuyến nghị.

Việt Nam tham gia UPR chu kỳ I vào tháng 5-2009 và đạt kết quả tích cực; tới tháng 2-2014, Việt Nam tiếp tục tham gia phiên họp đầu tiên của UPR chu kỳ II, ghi nhận 227 khuyến nghị từ 107 quốc gia. Tại phiên họp toàn thể UPR chu kỳ II ngày 20-6, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại LHQ, đã thông báo Việt Nam chấp nhận 182/227 (80,17%) khuyến nghị của các nước và các tổ chức quốc tế đã nêu ra tại phiên họp tháng 2-2014. Đây là tỷ lệ chấp thuận rất cao, thể hiện rõ ràng, cụ thể thái độ nghiêm túc, chân thành, cởi mở, quyết tâm của Việt Nam. Các khuyến nghị được chấp nhận tập trung vào các vấn đề: tăng cường chính sách, biện pháp và nguồn lực để thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và dân sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đúng thời hạn; hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật, tư pháp và các cơ chế quốc gia về quyền con người; bảo đảm quyền cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; xây dựng năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong khuôn khổ của nhà nước pháp quyền... Việc Việt Nam chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị xuất phát từ chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ bảo đảm, phát huy các quyền con người tại Việt Nam. Mặc dù còn phải tập trung giải quyết những khó khăn về kinh tế -xã hội, nhưng Việt Nam vẫn rất nỗ lực để mọi người dân luôn được tăng cường thụ hưởng các quyền lợi kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo đúng các chuẩn mực quốc tế, phấn đấu hoàn thành tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chủ trương, chính sách để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, với một số tổ chức và cá nhân có thái độ thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam, thì việc Việt Nam tiến hành báo cáo tại UPR chu kỳ II là cơ hội để họ xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen nhằm tác động tới dư luận quốc tế và làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam. Vì thế, vào dịp này, các tổ chức, như Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã vội vã lên tiếng "bày tỏ quan ngại" về một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xét xử theo luật pháp Việt Nam; thậm chí họ còn lố bịch đến mức "yêu cầu Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)". Rồi Võ Văn Ái, kẻ cầm đầu cái gọi là "Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam" (!) tán phát tài liệu vận động các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ gây sức ép đòi Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị về quyền con người, rêu rao chính quyền Việt Nam "đàn áp tôn giáo, sách nhiễu, bắt giam tùy tiện". VOICE (một NGO trá hình) thì cấu kết với một số tổ chức núp bóng "tổ chức xã hội dân sự" chủ yếu chỉ sinh tồn trên in-tơ-nét tổ chức cái gọi là "chiến dịch vận động nhân quyền" tập trung vận động Hội đồng Nhân quyền LHQ không thông qua Báo cáo UPR chu kỳ II của Việt Nam. Tháng 2-2014 và tháng 6-2014, họ tổ chức đưa vài ba người từ trong nước đến Giơ-ne-vơ để tiến hành một số hoạt động, đưa ra một số phát ngôn có tính chất vu cáo Nhà nước Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Và họ đã thất bại rất thảm hại, mà không ai khác, trả lời phỏng vấn của RFA ngày 20-6, một người trong số này đã phải thừa nhận: "Cuộc kiểm điểm định kỳ vừa mới kết thúc chiều 20-6 tại Giơ-ne-vơ. Nhìn chung rất thuận lợi cho phía Việt Nam, họ đánh giá rất cao báo cáo của Việt Nam. Họ chúc mừng Việt Nam đã chấp nhận những kiến nghị của họ. Sau đó chủ tịch của hội đồng hỏi có ai có ý kiến phản đối về chuyện này hay không để thông qua hay không thông qua. Và như vậy là không có một ý kiến nào phản đối cả. Bản báo cáo của Việt Nam được thông qua một cách đồng thuận cao".

Việc Việt Nam chấp nhận, cam kết thực hiện khuyến nghị của các nước với tỷ lệ cao tại UPR II cũng như việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua báo cáo của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận, đánh giá tích cực, khách quan của các nước và tổ chức quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi quyền con người, phản ánh vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Hầu hết đại biểu các nước tham dự phiên họp đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, hoan nghênh Việt Nam chấp thuận phần lớn các khuyến nghị và có thái độ hợp tác, xây dựng trong tiến trình UPR nói chung, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói riêng; trong đó, đặc biệt hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp năm 2013 đề cao quyền con người.

Các nước trong ASEAN và Ma-rốc, Xri Lan-ca chúc mừng Việt Nam hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, coi đó là hình mẫu trong việc tạo điều kiện nền tảng để bảo đảm quyền con người. Các nước Pa-ki-xtan, Thái-lan, U-dơ-bê-ki-xtan... đánh giá cao sự tham gia rộng rãi của nhiều bộ, ngành của Việt Nam trong quá trình UPR, cũng như việc Việt Nam xem xét nghiêm túc, giải thích rõ ràng các khuyến nghị chưa được chấp nhận. Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em, trong đó có Quyết định 535 gần đây của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban công ước Quyền trẻ em. Phát biểu của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) nhìn chung là đa chiều và cân bằng về tổng thể. Các NGO của Việt Nam hoặc quốc tế có quan hệ, điều kiện tiếp cận thông tin từ trong nước (Liên đoàn Luật sư Dân chủ, Hội đồng Hòa bình thế giới...) nhấn mạnh các thành tựu của Việt Nam; nêu ra một số khó khăn khách quan của Việt Nam, nhất là các vấn đề về giải quyết hậu quả chiến tranh, đề nghị Việt Nam quan tâm, nỗ lực khắc phục và đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Hội Người đồng tính nam và đồng tính nữ quốc tế ghi nhận Việt Nam không có chính sách phân biệt đối xử; đồng thời nêu một số khó khăn của những người đồng tính chuyển giới và đề nghị Nhà nước quan tâm, trong đó có việc hướng tới công nhận hôn nhân đồng giới. Nhiều đoàn đại biểu đã chúc mừng thành công của đoàn Việt Nam, đồng tình với các ứng xử của Việt Nam, cũng như quy trình chuẩn bị, bảo vệ, báo cáo nghiêm túc với sự tham gia rộng rãi và có trách nhiệm của nhiều bộ, ngành hữu quan của Việt Nam.

Với những thành tựu nhân quyền đã đạt được và những cam kết mạnh mẽ tại UPR chu kỳ II, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực toàn diện trong bảo đảm các quyền con người đối với mọi công dân. Tại phiên họp toàn thể, Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định, Việt Nam sẽ nghiêm túc triển khai 182 khuyến nghị UPR cũng như các cam kết tự nguyện khác. Đại sứ nhấn mạnh với tinh thần gương mẫu, với trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam luôn coi trọng cơ chế UPR; đồng thời cho biết Việt Nam sẽ thường xuyên cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ để triển khai có hiệu quả các khuyến nghị, tăng cường các quyền và tự do của người dân, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Mặc dù chặng đường phát triển của Việt Nam trong các năm tới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức và mặc dù các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ráo riết tuyên truyền để vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam thì họ vẫn không thể nào lừa gạt được những người có lương tri trên thế giới. Đó là sự thật mà họ cần nhận ra để có suy nghĩ, hành động thật sự vì con người, cho con người.

HOÀI SƠN

SỨC MẠNH TIỀM ẨN CỦA CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN


(PetroTimes) - Với bề dày và kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật, Nhật dễ dàng và thuận lợi trong phát triển công nghiệp quốc phòng. Nếu được cởi trói thật sự, công nghiệp quốc phòng Nhật có thể chỉ đứng sau Mỹ.
Năng lượng Mới số 336

Tháo luật

Các nước láng giềng châu Á đang giành lợi thế bởi sự vắng mặt của Nhật trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Hàn Quốc xuất khẩu số vũ khí trị giá 3,4 tỉ USD trong năm 2013, so với 1,2 tỉ USD năm 2010. Năm 2013, Trung Quốc qua mặt Pháp và Anh để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới (sau Mỹ, Nga và Đức). Trong khi đó, nói về điện tử trong các hệ thống vũ khí, Nhật hiện là số một - nhận định của Robbin Laird, nhà tư vấn quốc phòng thuộc ICSA (International Communications & Strategic Assessments, Mỹ). Khả năng và trình độ Nhật về kỹ thuật công nghiệp quốc phòng đã được chứng minh ở vai trò của họ trong chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 do Lockheed Martin đứng đầu. Nhiều bộ phận của F-35 được lắp tại nhà máy thuộc Mitsubishi Heavy Industries ở Nagoya.

Chiến đấu cơ F-15J

Trong một số trường hợp, Nhật nhỉnh hơn cả Mỹ. Lực lượng phòng vệ không quân Nhật đã bỏ tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ để xài “đồ nhà” AAM-4B, một trong hai tên lửa duy nhất thế giới lắp hệ thống radar AESA (cho chiến đấu cơ F-2, cũng tự chế nốt) giúp phát hiện mục tiêu sớm hơn. Thời điểm hiện tại, Nhật đã hợp tác với Mỹ để sản xuất phiên bản tên lửa bắn chặn mới nhất, SM-3 Block IIA (Washington than phiền rằng do Tokyo có phần hùn nên Mỹ không thể xuất khẩu SM-3 Block IIA bởi luật cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật!).

Trong gần 70 năm, Nhật không xuất khẩu một chiếc xe tăng, tàu chiến, chiến đấu cơ hay hệ thống vũ khí nào. Điều đó đang bắt đầu thay đổi. Ngày 1-4-2014, Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra bản nguyên tắc ba điểm trong việc xuất khẩu vũ khí Nhật, tháo dây trói cho luật cấm vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Năm 1967, Thủ tướng Eisaku Sato tuyên bố cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước cộng sản, các quốc gia nằm dưới lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ)và các quốc gia can dự những cuộc xung đột thế giới. Năm 1976, Thủ tướng Takeo Miki mở rộng luật cấm đối với tất cả các nước. Luật cấm nghiêm ngặt này được làm nhẹ từng bước bởi các chính phủ sau đó trong suốt thập niên 80, cuối cùng đưa đến 21 ngoại lệ (cho phép hợp tác phát triển hệ thống tên lửa quốc phòng với Mỹ; hợp tác nghiên cứu - phát triển các loại vũ khí với các nước với điều kiện các quốc gia này phải có quan hệ an ninh hỗ tương với Nhật…).

Phiên bản “luật vũ khí Abe 2014” cũng đưa ra một số quy định cấm xuất khẩu vũ khí (không được bán cho quốc gia vi phạm các nghĩa vụ được áp đặt bởi các nghị quyết LHQ, các nước tấn công quân sự vào nước khác, các nước có thể trở thành mục tiêu của lệnh cấm vận Hội đồng Bảo an…). “Luật Abe” cũng quy định các nước nhập khẩu vũ khí Nhật phải được Nhật chuẩn thuận trước khi chuyển giao cho nước thứ ba hoặc dùng với mục đích không như cam kết ban đầu. Luật cho phép vũ khí được sản xuất tại Nhật dưới giấy phép của một công ty nước khác để xuất khẩu lại cho nước đó, với điều kiện nước đó duy trì được hệ thống đáng tin cậy trong việc kiểm soát các thương vụ vũ khí. Các bộ ngoại giao, quốc phòng và thương mại Nhật sẽ là nơi chịu trách nhiệm xuất khẩu vũ khí. Chỉ những trường hợp quan trọng mới cần đến sự quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia Nhật. Mỗi năm phải công bố báo cáo minh bạch cho công chúng biết những mặt hàng vũ khí nào được trao giấy phép xuất khẩu…

Cuối thập niên 80, một bản ghi nhớ mật được rỉ tai trong giới công nghiệp quốc phòng Nhật, cho biết, nếu luật cấm xuất khẩu vũ khí được gỡ bỏ, Nhật sẽ chiếm 45% thị trường xe tăng và đại bác tự động trên thế giới; 40% thị trường thiết bị điện tử quân sự và 60% công nghiệp đóng tàu chiến. Trong thực tế thì Tokyo đã đi trước một bước, trước khi Thủ tướng Abe tuyên bố chính thức tháo gỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ngày 1-4-2014. Với cuộc thương lượng vào tháng 1-2014, Ấn Độ có thể là quốc gia đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II mua máy bay quân sự của Nhật. Ấn đã bàn với Nhật thương vụ mua ít nhất 15 thủy phi cơ US-2i của Công ty Nhật ShinMaywa Industries sản xuất trị giá khoảng 1,65 tỉ USD. Thủy phi cơ này có giá đến 110 triệu USD, so với 150 triệu USD của chiến đấu cơ F-22 Raptor của Lockheed Martin, cho thấy nó không phải “bình thường”. Tầm hoạt động đến 4.500km, US-2i là thủy phi cơ duy nhất thế giới hiện nay có hệ thống “kiểm soát lớp biên” (BLC - boundary layer control) giúp hạn chế hiện tượng bắn nước tung tóe khi nó cất - hạ cánh (US-2i có thể cất - hạ cánh trên mặt nước có sóng cao đến 3m).

Ngoài Ấn, tháng 7-2013, Ngoại trưởng Anh William Hague và Đại sứ Nhật Keiichi Hayashi cũng ký hai thỏa thuận tạo ra khung pháp lý cho hợp tác an ninh - quốc phòng (cùng nghiên cứu, phát triển và sản xuất “thiết bị quốc phòng”). Anh là nước đầu tiên thế giới, trừ Mỹ, ký một hợp tác như vậy với Nhật. Đây là kết quả của thỏa thuận trước đó, tháng 4-2012, giữa Thủ tướng Anh David Cameron và đồng cấp Nhật Yoshihiko Noda… Nhật hiện cũng xem xét khả năng chia sẻ kỹ thuật chế tạo tàu ngầm Soryu với Australia. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại quan tâm đến động cơ 1.200 mã lực dành cho xe tăng Type 10 do Mitsubitshi Heavy Industries sản xuất. Type 10 là xe tăng thế hệ thứ tư, giá 11,3 triệu USD, được bọc thép phân tử hạt siêu nhỏ (nano-crystal steel), nặng 48 tấn (khi được lắp đầy đủ thiết bị vũ khí), có thể chạy tới - lùi với vận tốc 70km/h, xài đại bác 120mm do Japan Steel Works chế tạo. Type 10 được đánh giá là thiết bị quân sự dành cho bộ binh thuộc hàng “công nghệ quân sự đỉnh cao”, một loại vũ khí “siêu đầu cuối” (ultra high-end).

Khả năng của công nghiệp quốc phòng Nhật

Các công ty nào hiện là nhà thầu lớn nhất của Cục Phòng vệ Nhật? Theo ghi nhận năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ), đó là (theo thứ tự) Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Electric, NEC, Fujitsu, Toshiba, IHI, Komatsu, JX Nippon Oil and Energy Corp và Hitachi. Tháng 4-2014, Bloomberg cho biết (ghi nhận mới nhất có thể có), Bộ Quốc phòng Nhật chi 2,1 ngàn tỉ yen (20 tỉ USD) để mua vũ khí từ các tập đoàn tư nhân trong nước vào năm 2011. Khả năng kỹ thuật quân sự thật ra đã ở trình độ nhất nhì thế giới. Hãng Mỹ Raytheon, nhà sản xuất tên lửa PAC-2, đã phải tiếp cận Mitsubishi Heavy Industries (MHI) với đề nghị cung cấp thiết bị điện tử. MHI chính là nơi sản xuất chiến đấu cơ Zero dùng trong Chiến dịch Thần Phong nhấn chìm Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương năm nào…

Trên National Interest (14-6-2014), tác giả Kyle Mizokami đã liệt kê một số loại “đồ chơi” có thể giúp Nhật đối đầu với Trung Quốc.

1- Tàu ngầm chạy điện - diesel lớp Soryu. Dài 84m; vận tốc nổi 24km/h; vận tốc lặn 37km/h…, Soryu sử dụng hệ thống đẩy khí độc lập giúp nó lặn lâu hơn hầu hết các loại tàu ngầm diesel hiện nay, với động cơ Stirling (động cơ nhiệt đốt ngoài sử dụng piston; đặt theo tên nhà phát minh Scotland Robert Stirling) do Kawasaki Heavy Industries sản xuất. Soryu có 6 ống phóng ngư lôi dành cho 20 ngư lôi Type 89 lẫn tên lửa Harpoon của Mỹ. Hiện có 8 chiếc Soryu. Nhật dự tính nâng số tàu ngầm từ 16 lên 22.

2- Chiến đấu cơ F-15J. Đây là phiên bản hai động cơ lai từ chiếc F-15 Eagle (Mỹ) do MHI sản xuất. F-15J trang bị tên lửa AAM-5 (tương tự Sidewinder của Mỹ) và AAM-4B (cả hai tên lửa đều của MHI). Như đã nói, AAM-4B là tên lửa được lắp hệ thống radar tìm diệt siêu hiện đại (Trung Quốc đến nay chưa có) giúp nâng tính “sát thủ” của nó thêm một bậc. Hơn 200 chiếc F-15J đã được sản xuất. Dù thuộc thế hệ cũ nhưng nhờ được nâng cấp thường xuyên, F-15J là át chủ bài của không quân Nhật. Một phi đội 20 chiếc F-15J hiện đóng ở Okinawa (với nhiệm vụ canh phòng hai quần đảo Senkaku và Ryukyu) có thể sẽ được bổ sung thêm một phi đội nữa. Xét trên bình diện thế giới, F-15 Eagle (phiên bản gốc, do McDonnell Douglas sản xuất, tung ra năm 1976), dù già nua, vẫn là loại chiến đấu cơ đáng sợ, với 104 lần tiêu diệt đối phương trong các cuộc không chiến và chưa lần nào bị hạ!

3- Khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Atago. Đây là loại khu trục hạm, do MHI đóng, được đánh giá tương đương lớp Arleigh Burke của Mỹ. Sử dụng hệ thống radar Aegis do Mỹ thiết kế, Atago trang bị dàn “đồ chơi” rất dữ: các ống phóng tên lửa của nó có thể phóng tên lửa đất đối không SM-2, tên lửa bắn chặn SM-3 hoặc phi pháo diệt tàu ngầm ASROC. Kho đạn diệt hạm của nó gồm 8 tên lửa SSM-1B, với khả năng “sát thương” ngang ngửa với tên lửa Harpoon của Mỹ, có tầm xa 150 km và vận tốc 1.150km/h. Atago có thể giao chiến với tàu ngầm bằng trực thăng SH-60 Seahawk và ngư lôi Type 73. Trang bị tên lửa diệt hạm SM-2 Block IIIB với tầm xa 166km, một chiếc Atago có thể “thống trị” một bầu trời với diện tích bao phủ 1,9 tỉ m2. Hiện Hải quân Nhật có hai chiếc Atago và đang đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc đều sẽ được nâng cấp phần mềm tên lửa đạn đạo, giúp Nhật có tổng cộng 8 khu trục hạm có khả năng bắn chặn tên lửa đạn đạo đối phương.

Khu trục hạm khổng lồ Izumo

4- Khu trục hạm lớp Izumo. Chiến hạm dài 248m này thật ra là một hàng không mẫu hạm mini. Có thể mang theo 14 trực thăng, 400 lính, 50 xe tải quân sự 3,5 tấn…, Izumo thật sự là một quái vật biển có thể tham gia bất kỳ cuộc hải chiến quy mô lớn nào. Nó cũng có thể dùng cho mục đích đổ bộ, tương tự đàn em lớp Hyuga của nó (trong cuộc tập trận Dawn Blitz 2013 với Mỹ, chiếc JS Hyuga đã được dùng làm “sân bay” ngoài khơi cho trực thăng vận tải CH-47 Chinook và trực thăng chiến đấu AH-64 Apache). Với bãi đáp rộng, chiến hạm Izumo trị giá 1,2 tỉ USD này (hiện mới đóng xong một chiếc) có thể là nơi cất cánh cho các loại máy bay thế hệ thứ năm như F-35B.

Mạnh Kim

TÌM THẤY HỘP ĐEN CỦA MÁY BAY RƠI Ở HÒA LẠC

Tìm thấy hộp đen của máy bay rơi ở Hòa Lạc

TPO - Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết, đã tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng Mi171, bị rơi ở Hòa Lạc sáng nay. Cơ quan chức năng đang phân tích nguyên nhân tai nạn dựa trên hộp đen này.

Xác máy bay sau khi gặp nạn. Ảnh: CTV

Trung tướng Võ Văn Tuấn cũng cho biết, máy bay bị tai nạn do sự cố kỹ thuật, không có yếu tố phá hoại và đây là tổn thất rất lớn.

Theo quan sát thực tế tại hiện trường, cùng việc tổng hợp thông tin liên quan, khi gặp sự cố, tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay ra khu vực vắng dân cư, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, sẽ tổ chức lễ truy điệu đối với 16 liệt sĩ, đồng thời Bộ Quốc phòng sẽ có chính sách hỗ trợ những người bị thương và gia đình các liệt sĩ.

Vụ việc xảy ra sáng 7/7. Máy bay Mi171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bay huấn luyện nhảy dù cất cánh từ sân bay Hòa Lạc lúc 7 giờ 30 phút đến 7 giờ 46 phút thì mất liên lạc. Vị trí máy bay rơi cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3km.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo đơn vị tập trung nỗ lực cao nhất khắc phục hậu quả. Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị đã cử đoàn công tác xuống hiện trường, phối hợp với các lực lượng xử lý tình huống.

Hiện trường được phong tỏa nghiêm ngặt sau vụ tai nạn. Ảnh: CTVTại hiện trường, rất nhiều người dân đánh giá rất cao tinh thần dũng cảm của phi công lái máy bay. Người dân cho biết nếu phi công này không lái máy bay ra khu vực cánh đồng để máy bay rơi vào nhà dân thì số lượng thương vong sẽ rất lớn.

Theo một nguồn tin, chuyến bay có tổng cộng 21 người, trong đó có 10 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc cộng 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), 6 học viên phòng không không quân, 2 giáo viên và 3 thành viên tổ lái.

Trong số 16 liệt sĩ, có 6 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18. Hiện, 5 người bị thương đang được điều trị tích cực tại Viện bỏng Quốc gia.

Theo Báo Tiền Phong

LỜI KỂ CỦA PHI CÔNG CHỨNG KIẾN MÁY BAY RƠI

Lời kể của phi công chứng kiến máy bay rơi

Ở dưới đất chứng kiến cảnh máy bay nổ, phi công Vương Tá Hùng, 30 tuổi, chạy lại khu vực hiện trường và tận mắt chứng kiến đồng đội bị cháy, bị thương. Quá hoảng sợ nên anh Hùng đã co quắp hết chân tay, ngã lăn ra ngất...

Được biết, đoàn bay dự kiến cất cánh sáng 5/7 tại sân bay Gia Lâm, nhưng do thời tiết xấu nên đã phải hoãn lại tới sáng nay 7/7.

Hiện trường vụ rơi máy bay trực thăng. Ảnh: VNE

Theo anh Hùng cho biết, khi máy bay bay lên độ cao khoảng 1000m thì đột ngột hạ thấp độ cao rồi phát nổ và bốc cháy.

Ở dưới đất chứng kiến cảnh máy bay nổ, anh Hùng chạy lại khu vực hiện trường và tận mắt chứng kiến đồng đội bị cháy, bị thương. Quá hoảng sợ nên anh Hùng đã co quắp hết chân tay, ngã lăn ra ngất, được người dân đưa vào Bệnh viện Quân y 105.

Rất đông người thân đã vào động viên tinh thần anh Hùng, tuy nhiên đến nay anh Hùng vẫn còn nhiều dấu hiệu hoảng loạn.

Vụ việc máy bay Mi171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn 916 rơi tại Thạch Thất, Hà Nội sáng nay đã khiến 16 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 5 người bị thương. 

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn là "do sự cố kỹ thuật, không phải là phá hoại từ bên ngoài".

Ông cho biết thêm, khi phát hiện sự cố, tổ bay đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực dân cư. "Phi công đã điều khiển máy bay lách qua nhà dân, tránh thêm tổn thất cho người dân".

Hiện, 16 chiến sĩ đã hy sinh, 5 người khác bị thương nặng đang được cấp cứu ở Bệnh viện Bỏng Trung ương. "Đây là tai nạn nghiêm trọng, gây tổn thất lớn", tướng Tuấn nói.

SỰ DẶN VẶT CỦA HAI BỘ TRƯỞNG!

Sự “dằn vặt” của hai Bộ trưởng!


Bùi Hoàng Tám 

(Dân trí) - Thế là một lần nữa, câu chuyện về cái mũ bảo
hiểm lại sôi động dư luận bởi câu hỏi, phạt hay không phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng và ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trước hết, phải khẳng định qui định bắt buộc người sử dụng xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một chủ trương đúng bởi trong các vụ tai nạn giao thông thì chấn thương sọ não chiếm tỉ lệ rất cao, để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân nạn nhân, gia đình và cho toàn xã hội. Đã không ít vụ tai nạn nhờ có mũ bảo hiểm mà giảm hoặc thậm chí thoát khỏi những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, qui định này đang đứng trước một câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm hay nói cụ thể hơn, phạt nhà sản xuất hay phạt người sử dụng loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng?

Đây là câu hỏi cần làm rõ bởi nếu phạt nhà sản xuất thì trách nhiệm trước hết và trên hết thuộc về lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan quản lý về chất lượng hàng hóa còn nếu phạt người sử dụng thì trách nhiệm thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông.

Đối với nhà sản xuất, có lẽ cũng khó phạt bởi về lý, họ chỉ sản xuất mặt hàng có tên là mũ (tất nhiên, họ không ghi là mũ bảo hiểm), một loại hàng nhà nước không cấm. Việc người mua sử dụng với mục đích gì không thuộc trách nhiệm của họ. Nó cũng giống như người sản xuất các mặt hàng dao, búa… người mua sử dụng làm công cụ sản xuất hay những mục đích khác, thậm chí như án mạng thì tại sao lại vì thế xử phạt nhà sản xuất?

Còn nếu xử phạt người sử dụng cũng rất khó bởi họ nhiều khi chỉ là nạn nhân và nếu xử phạt, tại sao lại không phạt nhà sản xuất?

Trên Dân trí ngày 1/7, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - CATP Hà Nội) cho rằng, nếu áp dụng quy định xử phạt này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn vì cảnh sát không có máy móc, phương tiện, tập huấn để phân biệt mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn mà chỉ thông qua văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Có lẽ chính vì những khúc mắc như trên nên ngày 1/7, Ủy ban ATGT quốc gia đã có thông báo lực lượng cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm và người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách. Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người đi mô tô, xe máy đội mũ không phải là mũ bảo hiểm.

Trong cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Mũ bảo hiểm giả không phải lỗi của người đội, mà do những người sản xuất và các đối tượng tuồn các sản phẩm giả này ra tiêu thị trên thị trường”.

Bộ trưởng Nên còn cho biết trước khi ông đến cuộc họp này, người đồng nhiệm Đinh La Thăng đã “gửi gắm”, nhờ ông nói rõ với báo chí và người dân rằng “Bộ trưởng Giao thông Vận tải rất dằn vặt về việc thông tin xử phạt bị hiểu sai, sau khi người dân chất vấn làm sao họ có thể phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm giả và đâu là mũ thật mà phạt họ?..”.