Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN IA KRÊL 2

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Hàng chục hộ dân thoát chết trong gang tấc


02/08/2014 08:45

Có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ vỡ đập, ông Hoàng Công Lự Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tỉnh sẽ chỉ đạo điều tra, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này”.

Chưa hết bàng hoàng sau trận lũ dữ, chị Siu Bom, ở làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho chúng tôi biết: “Mình làm rẫy ở khu vực suối Đôi nhiều năm nay rồi nhưng chưa lần nào sợ như lần này. Mới nghe cán bộ xã và đồn Biên phòng đến báo vỡ đập, có lũ về là cả nhà cắm đầu chạy lên đồi cao. Nước tràn xuống nhanh quá, mới một chút đã ngập quá đầu người rồi. Khu rẫy của nhà mình có cà phê và cao su ngập hết cả…”

Thân đê quai bị lũ xé toác

Hàng chục hộ dân khi hay tin vỡ đập đã hoảng loạn chạy lên các vùng đất cao để tránh lũ dữ. Nhiều công nhân của Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 đang làm cao su ở gần khu vực suối Đôi đã tháo chạy kịp thời. Tại làng Bi, 18 hộ dân làm rẫy ở gần suối đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hoa màu, cây trồng, tài sản bị ngập hoặc bị lũ cuốn. Những căn nhà chòi ngập sâu trong nước từ 1-3m. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Ia Dom, toàn xã có 56 hộ bị ảnh hưởng, dòng nước cuốn trôi và làm ngập trên 60ha hoa màu, cao su, hồ tiêu, cà phê..v.v., cuốn trôi 28 chòi rẫy, 1 con trâu, 2 tivi và 2 tủ lạnh.

Trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, công trình thủy điện Ia Krel 2 đã 2 lần bị vỡ đập gây thiệt hại cho nhân dân trên khu vực biên giới. Đại diện chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai nói: “Do mưa nhiều ngày, nước về nhiều quá nên đê quai không chịu nổi. Chúng tôi đã dự lường, định dùng mìn phá bớt đập tràn để thoát nước nhưng chưa làm kịp…”.

Chị Đặng Thị Kim Dung, 50 tuổi ở làng Bi đang ở trong chòi rẫy ở khu vực suối Đôi đã không kịp thoát thân, phải leo lên cây trốn lũ. Cán bộ chiến sỹ Đồn BP CK Quốc tế Lệ Thanh đã bất chấp hiểm nguy dùng áo phao bơi ra tiếp cận nạn nhân để làm công tác cứu hộ cứu nạn nhưng vẫn không được. Mãi đến chiều ngày 1/8/2014, sau khi nước lũ rút, chị Dung mới được đưa đến nơi an toàn . Dọc theo khu vực suối Đôi kéo dài hàng chục cây số nhiều người dân làm rẫy cũng đã thoát chết trong gang tấc.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn đồn BP CKQT Lệ Thanh bất chấp hiểm nguy bơi ra giữa dòng lũ dữ để cứu chị Dung. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông Võ Thanh Hùng- Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Khi hay tin đập chuẩn bị vỡ, chúng tôi đã cảnh báo người dân chạy lên các khu vực cao tránh lũ, đồng thời huy động bộ đội biên phòng, công an…với phương tiện sẵn sàng ứng cứu…”.

Tại hiện trường, hàng chục ngàn mét khối nước đã xé toác cả đoạn đê quai với chiều cao chừng 20m, dài hơn 50m. Ngoài ra, nước cũng cuốn trôi một phần thân đập chính. Trước đó, Sở Công thương Gia Lai qua kiểm tra đã phát hiện chủ đầu tư thi công lại khi chưa đủ điều kiện và yêu cầu dừng ngay việc thi công, hạ mực nước hồ chứa để đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, sở này đã không hề có những cảnh báo sớm mặc dù nguy cơ vỡ đập luôn treo lơ lửng trên đầu nhân dân.

Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả trận lũ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Công Lự cho biết: Chúng tôi sẽ có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ về sự việc này. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho các lực lượng cứu hộ rà soát, túc trực ở khu vực nước sâu để đề phòng mưa lớn, lũ lại tràn xuống. Các sở ngành chức năng và chính quyền huyện Đức Cơ phải phối hợp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, thống kê số lượng hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại để buộc chủ đầu tư hỗ trợ, đền bù. Công an tỉnh cần vào cuộc điều tra để có cơ sở xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra tại vụ việc này”.

Thái Kim Nga

CẢNH SÁT BAO VÂY, KHỐNG CHẾ NHIỀU KIỂM LÂM Ở THANH HÓA

Cảnh sát vây ráp, khống chế nhiều kiểm lâm


PNO - Vụ việc xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 1/8 tại trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 (thuộc Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa). Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an) đã dùng súng khống chế một số kiểm lâm viên.

Ngày 1/8, trong khi đang đi tuần tra, kiểm soát, Đội kiểm lâm cơ động số 1 phát hiện xe ô tô tải mang biển số 37C-060.12 chở 20 thanh gỗ hương (khoảng hơn 1m3) không có nguồn gốc rõ ràng. Tổ tuần tra đã đưa chiếc xe nói trên về trụ sở để làm việc.

Đến 0g ngày 1/8, buổi làm việc tại Đội kiểm lâm cơ động mới kết thúc

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an) ập vào trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1, bắt quả tang một số cán bộ kiểm lâm viên được cho là nhận hối lộ của xe gỗ trên.

0g cùng ngày, vụ việc mới kết thúc. Một số kiểm lâm viên và xe gỗ được công an đưa đi để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thế Long, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa xác nhận vụ việc cảnh sát ập vào khống chế một số kiểm lâm, đồng thời khám xét trụ sở của Đội kiểm lâm cơ động số 1 là có thật.

Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Lâm Nguyên

SỰ THẬT NGƯỜI DÂN ĐỔ XÔ HỘI NHỰA Ở QUẢNG BÌNH (!)

LâmTrực@


Trước tiên, các bạn hãy kiên trì đọc hết các bài nhé, rồi hãy phán xét ai đúng, ai sai.

Mấy hôm nay, dân mạng đang bức xúc vì bài báo "dân lấy vật tư thi công QL 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Theo VnExpress.Net, thì sự việc xảy ra là ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Bình tĩnh suy ngẫm để hiểu vì sao nên nỗi. Tôi cực ghét hành vi hôi của. Nhưng cũng cực ghét chuyện doanh nghiệp không giữ lời hứa.

Trong câu chuyện này, phóng viên báo VnExpress.Net đã mắc lỗi nghiêm trọng trong khi tác nghiệp.

Bài 1: Trên Vitalk
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Haz, cái này thì có khác gì vụ hôi bia ở ĐN.

Xin đăng status trên face book của một người bạn là Kỹ sư đang thi công trên cung đường trên:

Đêm buồn tỉnh lẻ 21/7/2014! Trước hết, tui gửi lời xin lỗi đến các anh, em, bạn bè của tui (nếu có) ở dọc tuyến QL1A đoạn km681-km688+200 nếu lỡ xúc phạm. 

Nhận định sau của tui ko mang tính vơ đũa cả nắm, đây chỉ là nổi bức xúc, nổi buồn và hơi cảm giác nhục cho những hành động hôi của, ăn trộm, ăn cướp ngang nhiên của đa phần người dân ở khu vực 2 bên đường này thôi. Chỉ sau hơn 1,5 tháng tham gia dự án nâng cấp QL1A (lý trình ghi trên) tại Lệ Thủy - Quảng Bình, tui thấy ghê tởm cấy độ tham lam, vô ý thức, tinh thần hôi của tự nhiên, ăn cướp trắng trợn và tính chất đầu gấu, giang hồ...của những người dân ở đây. 

Đất lề đổ xuống họ vô tư xúc mang về làm sân, làm đường; đổ ra chưa kịp làm là tối gần như đứt cước; máy đang rải đá họ vô tư cào đá trên đường, xúc đá trên máng như của nhà miềng; thảm nhựa cũng ko thể thoát khỏi những hành động hôi tự nhiên như ruồi, nhặng đó; bất chấp mọi hành động ngăn cản, giải thích, thậm chí gắt gỏng, dọa nhờ chính quyền họ cũng vẫn cứ vô tư hôi. Có nhiều người, biết anh em kỹ thuật là người ở xa đến nên cứ dọa oánh, vác mã tấu rượt mỗi khi anh em quyết liệt ngăn cản; thiệt tình là tui hết cách, chỉ còn nước lạy chéo ngang, chéo dọc những người dân "GIAN" ở đây. 

P/s: làm một lần mà e ấn tượng tởm đến cuối đời.

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/dan-lay-vat-tu-thi-cong-quoc-lo-1a-de-lam-duong-dan-vao-nha-minh-3024526.html

Bài 2: Trên VnExpress.net
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình

Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh. 

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở.

Lớp bêtông nhựa cuối cùng để hoàn thành mặt Quốc lộ 1A bị người dân lấy đi, để lại một hố rộng trên mặt đường. Ảnh: Quang Hà.

Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp. Công nhân đứng máy luôn miệng nhắc người dân, nhưng chẳng ai bận tâm. Thấy xe chở bê tông lăn bánh tiếp, nhiều người cầm xẻng dọa rồi yêu cầu dừng lại. Cách đây 10 ngày, vì ngăn cản người dân lấy vật liệu, một nhân viên của nhà thầu đã bị đánh phải nằm viện.

“Người dân đòi hỏi chúng tôi trải thảm bêtông nhựa vào đường dân sinh", một công nhân nói.

Theo hồ sơ thiết kế, đường dân sinh sẽ được thi công sau khi Quốc lộ 1A hoàn thành tùy theo hiện trạng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã vuốt nối, tạo đường ngang tạm thời đảm bảo giao thông cho người dân. 

“Người dân không hiểu quy trình thi công nên kéo ra yêu cầu vuốt nối toàn bộ đường ngang bằng đá dăm. Cán bộ, công nhân bảo người dân đừng lấy thì bị đe dọa, cản trở”, ông Lê Vũ Thức, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Thanh Bình cho biết. 

Bị đe dọa nên công nhân phải dừng máy, bất lực nhìn dân lấy vật tư dù tiến độ, chất lượng bị ảnh hưởng. Ảnh: Quang Hà 

Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi. "Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”, một người dân nói.

“Mỗi nhà dân chỉ lấy một xe đắp đường cũng đủ khiến chúng tôi đau đầu”, một kỹ sư nói. Hiện chỉ mới thi công 6 km, nhà thầu thất thoát 5.000-7.000 m3 đá cấp phối loại 1, với đơn giá 220 nghìn đồng/m3.

Dọc Quốc lộ 1A đang thi công dễ dàng bắt gặp nhiều đường ngang vào nhà dân đổ dày đá dăm, bên trong nhiều nhà còn trữ từng đống lớn. Ảnh: Quang Hà.

Các nhà thầu cho hay đã báo với địa phương nhưng sự xuất hiện của lãnh đạo và công an xã không có tác dụng, người dân vẫn thản nhiên lấy vật tư. Tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), chính quyền chỉ dừng ở việc tuyên truyền người dân không lấy vật tư thi công chứ không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, chủ tịch xã Hồng Thủy thì cho rằng nhà thầu chưa thông báo với chính quyền địa phương về vấn đề này.

Hoàng Táo


Bài 3: Trên Phuocbeo blog
Chê dân gian, tham nhũng thì sao?

Mi An

Đất Việt - Lớp thảm bê tông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân dùng xẻng kéo vào đường dân sinh...

Những người dân Lệ Thủy, (Quảng Bỉnh) ào ra công trình xây dựng đường Quốc lộ 1A lấy vật liệu về làm đường trước cửa nhà mình, tấn công cả công nhân. Nghe chuyện này, nhiều người trách họ: “Đúng là dân gian”.

Bài báo “Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình” trên báo điện tử Vnexpress làm chúng ta nhớ lại vụ hôi bia ầm ĩ ở Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 2013. Bởi bản chất vụ việc này cũng không có gì khác cả.

Bài báo cho biết: “Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh.

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở. Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp”.

Còn nữa, trước đó, do ngăn cản dân, một công nhân khác đã bị đánh đến nhập viện. Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi.

Lý lẽ người dân ở Quảng Bình đưa ra là: “Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”.

Câu chuyện là thế đấy. Về bản chất hành vi cũng chẳng khác gì vụ hôi bia, đổ xô ra đường lấy của người khác về nhà mình, lấy cho xóm mình. Hẳn nhiên, đó là một việc cần lên án, rất đáng trách, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Rất đông người đọc xong bài báo đã lên án họ, “đúng là dân gian”, có người đã kết luận như vậy. Có người quy kết vùng miền cho dân miền Trung. Đọc những lời lẽ ấy, chắc ai cũng cảm thấy buồn cho người Việt mình.

Nhưng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Vì sao mà dân lại gian?” và lý giải nó cặn kẽ. Cũng những người dân ấy, trong chiến tranh đã không tiếc gì hết, tháo cả cánh cửa nhà mình ra bắc làm đường cho xe bộ đội đi qua hố bom. Cũng những người dân miền Trung ấy, họ đã từng không tiếc mạng người, sức của cho cái chung lớn lao của dân tộc. Tại sao giờ họ lại trở nên như vậy?

Tôi nghĩ, phải chăng họ phần nào đã không còn tin vào lẽ phải và sự công bằng, đến nỗi xóa nhòa luôn ranh giới đúng, sai; tốt, xấu và dần dần trở nên ích kỷ, vụ lợi.

Hãy nghĩ mà xem, liệu có giống như cảnh “Mèo tha miếng thịt xôn xao” không? Những đại án tham nhũng càng ngày càng vỡ ra đem đến cho người dân một cảm giác bức xúc. Những con số ngàn tỷ, trăm tỷ bị thất thoát trong những công trình, dự án, những “ông lớn” đã ra tòa thời gian qua và nhiều “ông lớn” còn chưa bị lộ. Những dinh thự bề thế như lâu đài của các cựu quan chức mà không thể giải thích lý do vì sao đang hàng ngày xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Có thể trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ ích kỷ, vụ lợi: “Thôi thì, giờ đến lúc này rồi, phải nhanh chân giành giật cho bản thân, gia đình được tý nào hay tý ấy? ”.

Tôi nghĩ một tâm lý như thế, nếu có này sinh cũng là điều không khó hiểu. 

Quan lại ngày xưa có trách nhiệm “giáo dân”, triều đình phong kiến luôn nhắc họ vai trò “phụ mẫu”, tức là cha mẹ dân để làm gương cho dân. Cha mẹ mà hư thân đốn đời, trộm cắp tham nhũng thì làm sao con cái nên người?

Buồn thay, ngày càng nhiều những đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử. Những công trình bị rút ruột, kém phẩm chất vì kinh phí thực hiện đã bị chia chác. Dân trông thấy cả, biết hết cả, mà không biết làm thế nào để “dạy lại” cho những kẻ tham nhũng những bài học sơ khai làm người.

Thì hậu quả nhãn tiền là những vụ hôi của, ăn trộm tập thể bất chấp pháp luật đã xảy ra. Ý thức người dân kém, nhận thức của họ yếu, đúng vậy, nhưng họ có đáng trách nhiều hơn những kẻ có quyền lực, có trọng trách, có trình độ mà vẫn không thắng được những dục vọng trong mình, vẫn ăn bẩn của công, thu vén cá nhân?

Làm sao bắt người dân phải đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nếu có một bộ phận những người làm gương cho họ lại bê bết, gian tham, bất chấp đạo lý? 

Vì vậy, dù có thế nào, chúng ta cũng đừng vội trách dân, đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu họ. Ở đời mọi sự đều “có vay có trả” cả đấy, bạn đọc ạ.

Bài 4: Đăng trên Vitalk
Sự thật đám đông đổ xô hôi nhựa đường ở Quảng Bình

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc rải thảm bêtông nhựa lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa. 

Hình ảnh được lan truyền trên mạng đã khiến nhiều người bức xúc với hành vi hôi cả nhựa đường. Nhưng sự thật chưa hẳn đã như vậy.

XIN LỖI, tôi thực sự bức xúc vì sự thật chỉ phản ánh theo nhà thầu, còn thực tế thì không phải vậy 

Tôi là người sống cạnh đây, là 1 cán bộ công chức nhà nước. Khi nhà thầu làm tuyến đường quốc lộ 1A đi qua nơi này, nâng cấp lên rất cao, có khi gần tới cả 1m, 1.5m, trong hợp đồng thì phía nhà thầu sau khi làm xong phải trả lại mặt bằng cho dân đi, đường liên thôn, đường liên xã hay các cơ quan trên mặt bằng đường 1 nhà thầu phải tự đổ đá dăm, hoặc đất biên hòa cào bằng lại như cũ.

Khi thi công thời gian dài, rất bụi ô nhiễm, khi mùa vào thì hỏi đường dân sinh làm sao mà chở lúa thu hoạch từ đồng qua quốc lộ về nhà khi cao hơm cả 1m? Dân yêu cầu nhà thầu, nhà thầu trả lời sẽ trả lại mặt bằng khi hoàn thành, nhưng để mấy tháng như vậy người dân phải tự ra làm, và nhà thầu cũng đông ý cho dân làm (nếu nhà thầu trả đúng mặt bằng thì họ phải tự làm).

Người dân bỏ công ra làm, nhà thầu làm xong thì đi luôn, bây giờ thì lên báo? Vậy chúng tôi quá bức xúc đến sáng hôm nay 1/8/2014 phải họp thôn, yêu cầu chính quyền gồm cả công an phải mời nhà thầu về đối chất xem dân hôi của chỗ nào?

Trong khi họ thi công thì chúng tôi cũng phụ làm với họ, có sự chứng kiến của họ, mỗi km đường nghe nói lên tới tiền tỉ, nhưng đường dân sinh chỗ có chỗ không qua loa đại khái, vậy xin hỏi nhà thầu đã làm gì ???

Nguyễn Như Thủy

CON TRAI ÔNG NGUYỄN BÁ THANH VÀO BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ ĐÀ NẴNG

Con trai ông Bá Thanh vào BCH Đảng bộ Đà Nẵng


Ông Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng được chỉ định làm ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.

Chiều nay, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết Ban chấp hành TƯ Đảng vừa ban hành quyết định số 1281-QĐNS/TW về việc chỉ định ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Theo quyết định này, ông Nguyễn Bá Cảnh (31 tuổi), Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng được chỉ định làm ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.

Ông Cảnh trở thành cán bộ trẻ nhất Đà Nẵng vào Ban chấp hành Đảng bộ TP.

Ông Nguyễn Bá Cảnh (ngoài cùng bên phải) trao học bổng cho sinh viên. Ảnh: Hoàng Dũng

Tháng 2/2013, hội nghị bất thường Ban chấp hành Thành đoàn Đà Nẵng đã bầu ông Nguyễn Bá Cảnh giữ chức Bí thư Thành đoàn thay ông Lương Nguyễn Minh Triết, được điều động làm Bí thư Quận ủy Liên Chiểu.

Ông Nguyễn Bá Cảnh (quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), là con trai trưởng của ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính TƯ. Ông Cảnh là học sinh xuất sắc của Trường THPT Phan Chu Trinh, rồi thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông Cảnh đi du học và có bằng thạc sĩ quản lý công, cao cấp chính trị.

Ngoài ông Cảnh còn có 3 cán bộ trẻ khác được Ban chấp hành TƯ chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng: ông Ngô Xuân Thắng, ủy viên Thường trực HĐND TP; Lê Quang Nam, Giám đốc Sở KH-CN và Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Vũ Trung - Tuấn Vũ

Chồng Khánh Ly: LẤY KHÁNH LY, TÔI COI NHƯ MÌNH LÀ NGƯỜI ĐÃ CHẾT

Lê Phương


(GDVN) - "Lấy Khánh Ly, tôi coi như mình là người đã chết rồi" - chồng nữ danh ca Khánh Ly chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Đoan đã chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về cuộc sống hạnh phúc với danh ca Khánh Ly trong suốt 39 năm qua.

Vợ chồng ca sĩ Khánh Ly dù lúc kết hôn không có tình yêu nhưng vẫn chung sống hạnh phúc suốt 39 năm qua

Cưới Khánh Ly chỉ tiêu hết 100 đô la

- Duyên phận đưa ông đến với Khánh Ly và trở thành người bạn tri kỉ của nữ danh ca này như thế nào, ông có thể chia sẻ được không?

Tôi biết Khánh Ly từ hồi còn ở Việt Nam, nhưng sau này gặp gỡ, thân thiết với nhau hơn là ở bên Mỹ.

Lúc mới qua Mỹ, Khánh Ly sống một mình với 2 đứa con ở bang Los Angeles, một nơi rất nghèo trong khi đó tôi lại là người làm ra tiền. Khi đến thăm Khánh Ly, cô nấu đồ Việt Nam cho tôi ăn làm tôi sung sướng lắm vì suốt 6 tháng trời, tôi toàn ăn hăm-bơ-gơ.

Liên tục được Khánh Ly nấu cho ăn suốt 1 tháng nên tôi đề nghị với cô ấy kết hôn với nhau. Khánh Ly nói rằng, cho cô ấy thời gian 3 tháng để suy nghĩ và cuối cùng cũng đồng ý.

Chúng tôi đến với nhau như vậy đó, hai người lấy nhau đều không yêu nhau. Trước đó, Khánh Ly có một người yêu khác, tôi cũng có một người yêu khác nhưng khi sống cùng thì tình cảm bắt đầu nảy nở và tới bây giờ đã là 39 năm rồi.

Đám cưới của chúng tôi cũng chỉ tiêu hết có 100 đô la làm bữa chả giò, mời 12 người làm việc chung với tôi đến dự. Tôi bỏ ra 80 đồng mua 2 cái nhẫn cưới vẫn đeo tới tận bây giờ.

- Hai người không yêu nhau nhưng lại quyết định sống chung với nhau, có giây phút nào, ông bà hối hận vì quyết định này không?

Chúng tôi không có hối hận nhưng cũng có nhiều lúc không hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, khi có chung với nhau một đứa con thì tất cả mọi thứ đã thay đổi và trở thành một mái ấm gia đình hạnh phúc. Cho tới giờ này, chúng tôi đã sống với nhau gần 40 năm nhưng vẫn luôn coi nhau là bạn và tôn trọng lẫn nhau.

Trân trọng người yêu, người chồng trước đó của Khánh Ly

- Khán giả luôn nhắc đến Khánh Ly là người tình một thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông có ghen với mối tình này của vợ mình không?

Khi ở Việt Nam, tôi chơi với Trịnh Công Sơn và cũng biết tiếng hát của Khánh Ly rất đặc biệt nhưng lúc đó, tôi không thích ca sĩ nên không để ý lắm.

Nhưng tôi không bao giờ ghen tỵ với bất cứ điều gì của Khánh Ly. Những người chồng, người yêu trước đó của Khánh Ly đều là những người tôi trân trọng. Nói chung, con người không có quá khứ thì buồn chán lắm.

Vì yêu Khánh Ly nên tôi yêu cả những đứa con của cô ấy, bây giờ chúng nó lớn hết rồi, có con rồi, chúng có nói với Khánh Ly và với tôi rằng, chúng chỉ có mình tôi là bố thôi.

- Nhưng làm thế nào ông có thể dung hòa và đồng điệu tâm hồn với một nghệ sĩ danh tiếng như Khánh Ly?

Tôi làm báo nên tôi nghĩ mình cũng có dòng máu nghệ sĩ. Khi tôi lấy Khánh Ly, tôi đã dứt khoát bỏ nghề, tự 'chặt' cái tay của mình để về làm việc cho vợ. Tôi biên tập âm nhạc, quay video... đó cũng là một khám phá thú vị và tôi say mê chuyện đó. Thậm chí, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả khi làm báo.
Tôi còn nhớ năm 1997, khi Đài bên Nhật thực hiện phóng sự về cuộc đời Khánh Ly, họ phỏng vấn tôi thì tôi đã trả lời như thế này:

'Lấy Khánh Ly, tôi coi như mình là người đã chết rồi. Tôi chỉ đứng sau lưng Khánh Ly thôi và việc của tôi là cố gắng làm sao để giữ gìn, để hỗ trợ cho Khánh Ly đem tiếng hát của mình đi phục vụ đồng bào. Còn với tôi thì chẳng có gì cả'.

'Cô ấy là người dễ dãi với tất cả mọi người, chưa bao giờ biết giận ai nhưng đối với tôi, Khánh Ly rất khắt khe...'.

Không bao giờ thắc mắc về quá khứ của nhau

- Khánh Ly chia sẻ rằng, bà phải ăn uống như người tu hành vì ông bắt giữ dáng, điều này có đúng không?

Bởi vì khán giả yêu quí Khánh Ly nhiều quá thì mình phải trả lại cho sự yêu mến điều gì đó. Tôi nghĩ không có gì trong đời sống này mà mình được tất, mình muốn được cái gì đó thì mình phải hi sinh. Tôi nói với Khánh Ly rằng, những điều tôi khắt khe với cô ấy không phải là cho tôi mà là cho những người quí mến cô ấy.

- Mặc dù gọi chồng là 'cai ngục' nhưng khi nói về ông, Khánh Ly luôn tự hào và ca ngợi ông...hình như Khánh Ly rất biết nịnh chồng?

Cô ấy là người dễ dãi với tất cả mọi người, chưa bao giờ biết giận ai nhưng đối với tôi, Khánh Ly rất khắt khe. Cô ấy chỉ chuyên môn trách chồng, tôi giống như là cái thùng để cô ấy dồn hết tất cả mọi thứ vào trong đó. Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc dù cô ấy có nói bất cứ điều gì. 

- Suốt 39 năm sống chung từ không yêu đến gắn bó không thể xa rời, ông bà làm thế nào để giữ được ngọn lửa yêu thương luôn cháy mãi như vậy?

Rất nhiều đàn bà đã đi qua cuộc đời tôi nhưng chưa bao giờ tôi thấy ai độ lượng, khoan dung và tốt đối với bạn bè, con cái như cô ấy cả. Dưới mắt tôi, vợ mình chẳng có tật nào xấu và chúng tôi luôn coi nhau như những người bạn, tôn trọng lẫn nhau.

Có lẽ điều đó khiến chúng tôi có thể chung sống hòa thuận và hạnh phúc bên nhau trong nhiều năm qua.

Chúng tôi không bao giờ thắc mắc về quá khứ của nhau. Thậm chí, bây giờ những người yêu một thời của tôi và cô ấy còn trở thành bạn. Tôi nghĩ muốn giữ được hạnh phúc thì mình phải có trái tim chân thành, nếu có sự chân thành thì mọi gập ghềnh trong đời sống nó sẽ đi qua hết.

- Có người từng chia sẻ rằng, cuộc sống của vợ chồng Khánh Ly tại Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy ông bà đã vượt qua khó khăn đó như thế nào?

Đời sống của một con người 'khi thì lên voi khi thì xuống đáy' là điều bình thường. Chúng tôi cũng gặp khó khăn nhưng dù có lúc xuống tới đất đen, có mất mát thì chúng tôi chưa bao giờ dằn vặt nhau hay gây gổ nhau vì chuyện đó. Chúng tôi luôn ngồi lại và bảo nhau cùng làm và nhiều khi vì lòng thành nên trời thương cho chúng tôi vượt qua được những giai đoạn như vậy. Bây giờ thì chúng tôi không còn khó khăn nữa.

- Liên tục được về quê hương biểu diễn chắc hẳn Khánh Ly rất hạnh phúc và ông chia sẻ niềm vui đó với vợ mình như thế nào?

Trong thời gian chúng tôi lấy nhau, Khánh Ly có nói rằng, chúng ta sẽ không bao giờ trở về quê hương được nữa. Tôi bảo với cô ấy, có thể bây giờ như vậy nhưng có lúc nào đó chắc chắn mình phải quay về cố hương, bởi vì con người phải quay về nguồn cội. Dù mình có sống ở bất cứ đất nước nào đi chăng nữa thì mình cũng chỉ là người Việt Nam. Chính vì thế mà gia đình tôi sống rất Việt Nam không có bất cứ hình dáng Mỹ gì ở trong gia đình tôi cả.

ĐUỔI CỔ CHỨ KHAI TRỪ GÌ?

Khoai@


Dư luận đang quan tâm tới vụ ông Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng. Đọc nhiều bài cùng chủ đề trên mạng, lọc ra các ý kiến chụm nhau và xác đáng, tôi thấy với trường hợp của ông, phải là đuổi ra khỏi đảng mới đúng. 

Nói là khai trừ, e rằng nhẹ quá. 

Đây là bài trên trang Tìm Lại sự thật. Tôi dán vào đây cho anh em đọc để thấy, việc khai trừ như một thủ tục đảng là quá nhẹ nhàng và lịch sự với ông Nguyễn Đăng Trừng.

Ông Nguyễn Đăng Trừng có vô kỉ luật, chủ nghĩa cá nhân?

Những lí do cơ bản của việc khai trừ đảng ông Nguyễn Đăng Trừng:

Ông Nguyễn Đăng Trừng đã nhiều lần trì hoãn việc tổ chức Đại hội Đại biểu Đoàn luật sư Tp HCM. Điều này dễ nhận thấy vì về nguyên tác nhiệm kì V của ông Trừng đã kết thúc từ năm ngoái. Điều gì đã khiến cho đại hội của Đoàn luật sư có hoạt động mạnh nhất cả nước, lớn nhất cả nước lại bị chậm đến như vậy?

Đến tận tháng 5/2014, tức là sau gần nửa năm vẫn chưa tổ chức đại hội vì một số người vẫn cò kè mặt cả thì Ủy ban nhân dân Tp HCM đã phải ra thông báo Khẩn:


Các bạn có thể thấy rất rõ các lý do mà Ủy Ban không đồng ý vì những Bộ Đề Án của ông Trừng đưa lên đã không thể hiện đúng với ý kiến của đại đa số những thành viên ban chủ nhiệm đã được thống nhất ngày 24/5/2014. Tham quyền cố vị muốn gỡ bỏ điều lệ: không quá 70 tuổi và 2 nhiệm kì liên tiếp. Cố tình thể hiện ý kiến cá nhân độc đoán, phá bỏ tinh thần tập trung dân chủ.

Tuy nhiên, không hề nhận ra những khuyết điểm mà mình phạm phải, ông Trừng đã thể hiện điều đó thông qua việc tiếp tục ra văn bản phúc đáp, nhưng nực cười là qua lời ông ta thì Công văn trên đã bị biến tính đi rất nhiều.

Ở điều trên ông Trừng đã nói :Công văn của UBND TpHCM không phù hợp với các quy định nói trên (trong đó có nghị định số 123/2013/NĐ CP). Vậy tôi xin trích một phần trong nghị định có liên quan:

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành
nghề luật sư tại địa phương theo quy định tại Khoản 4 Điều 83 của Luật luật sư, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Điều 5 nghị định số 123/2013/NĐ CP
1. Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư, phê chuẩn kết quả Đại hội của Đoàn luật sư, giải thể Đoàn luật sư;
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới;............................
Điều 20. Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới của Đoàn luật sư
1. Chậm nhất 30 ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến nhất trí của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới của Đoàn luật sư
Điều 21
3. Kết quả bầu cử bị từ chối phê chuẩn trong các trường hợp sau đây:
a) Quy trình, thủ tục bầu cử không bảo đảm tính hợp lệ, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam;
b) Chức danh lãnh đạo được bầu không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Như vậy, ông Trừng đã hoàn toàn vu khống cho Công văn của UBND TpHCM khi đã phủ nhận những yêu cầu trong công văn khi nhấn mạnh việc ông Đoàn luật sư TP HCM phải thực hiện đúng những điều công khai minh bạch và phải chấp hành theo đúng tiêu chuẩn quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Vì lí do nào mà ông Trừng không tổ chức Đại hội hay hi sinh hết tất thảy danh dự, uy tín của mình để làm một công việc ngu ngốc là chống lại việc Đại hội bằng mọi giá? Xin thưa, đơn giản vì bất cứ ai cũng có lòng tham quyền cố vị , cũng có suy nghĩ muốn tiếp tục tại vị nếu không còn lí do nào khác thì đây là thứ duy nhất có thể giải thích cho mọi người biết và giải thích cho hành động của ôn.
Về việc UBND hay ở đây là Sở tư pháp Tp HCM bác bỏ phương án tổ chức của ông Trừng hay việc ông Trừng cố gắng kéo dài thời gian nhiệm kì bất thường đơn giản chính bởi sự ra đời của nghị định số 123/2013/NĐ-CP trong đó đã quy định rất rõ quyền hạn của Sở tư pháp trong đó có quyền Phê duyệt phương án và bác bỏ kết quả đại hội, điều này làm cho ông Trừng không thể đàng hoàng tiếp tục nắm chức vụ chủ nhiệm.

Ở một số văn bản khác, ông Trừng đã thể hiện thái độ độc đoán mất hết phẩm chất của một Đảng viên cũng như một vị chủ nhiệm Đoàn luật sư TpHCM khi đã nhầm nhèm giữa một văn bản đậm chất chửi đổng và vu khống, cũng như đậm chất cá nhân: Tôi-Ông trên một văn bản quy chuẩn đại diện cho một Đoàn luật sư hay Ban chủ nhiệm, hành động đó của ông Trừng làm cho tôi cảm thấy khó hiểu điều gì đã khiến một luật sư khả kính đến vậy lại trở thành như thế, chẳng nhẽ lợi ích được tiếp tục làm chủ nhiệm lại lớn đến như vậy hay ông ta mong muốn tiếp tục được tại nhiệm để làm cái gì đó, che dấu cái gì đó?











Một người bạn của tôi cũng là luật sư đã nói đùa: thông báo của ông Nguyễn Đăng Trừng chẳng khác nào trẻ con chửi đổng, cải lão (não ) hoàn đồn , có lẽ vậy =)

"Thái độ và việc làm của đảng viên Nguyễn Đăng Trừng thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể như: vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức Đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên."

Âu cũng đã thể hiện rất rõ bản chất của ông ấy rồi.

TRẺ NÓI DỐI - LOẠN!

Ong Bắp Cày


Loạn thật rồi, đến trẻ em cũng làm cho chúng ta khó có thể tin những gì chúng nói.

Phải chăng lỗi do chính chúng ta buộc trẻ nói dối?

Hai vụ việc sau (trong muôn vàn các vụ việc tương tự) sẽ là những minh chứng cho sự dối trá của trẻ:

Bài 1
Sự thật về vụ một cô gái 16 tuổi bị bắt cóc

(PL)- Ngày 31-7, ông Phạm Văn Nở (ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết con gái mình là LNC (16 tuổi) nghi bị mất tích đã trở về nhà.

C. thú nhận với gia đình chính mình đã dựng lên chuyện bị người phụ nữ lạ mặt bắt cóc để đi gặp người yêu. Bạn trai của C. là ĐTP (24 tuổi, hiện đang làm công nhân). C. và P. quen nhau qua mạng nhưng cả hai chưa gặp mặt.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sáng 20-7, C. xin tiền cha mẹ để sửa điện thoại bị hỏng rồi đạp xe đi khỏi nhà, từ đấy em “mất tích” luôn. Chiều cùng ngày, ông Nở nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của con gái. C. khóc nức nở báo tin em bị một người phụ nữ lạ mặt dụ dỗ chở đi đến TP Vũng Tàu. Nghe vậy, ông Nở hoảng hốt chạy đi trình báo công an xã.

Lê Nguyễn

Bài 2
Công an đấu trí với đứa bé 11 tuổi tìm sự thật vụ “bắt cóc hàng loạt trẻ em”

“Khi bị tôi lật tẩy, cậu nhóc không hề tỏ ra sợ hãi trái lại còn tự mãn đáp lại: “Công nhận chú giỏi, chú rất tinh mới phát hiện ra những dấu hiệu đó. Cháu chỉ không qua mắt được chú thôi, chứ riêng mấy chú khác cháu lừa phát một. Nhưng vài năm nữa cháu sẽ lừa được chú”. Tôi phát hoảng khi cậu nhóc này có thể nói được những lời mạnh miệng như vậy”, anh Chấn kể lại

'Tác giả kịch bản" của vụ bắt cóc ly kỳ

(PLO) - Sau 3 ngày biệt tăm, cậu bé Hoàng Đại Hải (SN 2003, ngụ Bon N’ Doh, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) mới trở về nhà, cho rằng mình bị bắt cóc. Lời khai của cậu bé ly kì như phim trinh thám, một nhóm công an đã phải quần nát hiện trường, cho đến khi sự thật bị phơi bày.

Lời khai của đứa bé ba ngày mất tích

Theo Công an xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, Đắk Nông), sáng ngày 2/6, họ nhận được đơn trình báo của anh Hoàng Văn Hưng (SN 1972) về việc con trai Hoàng Đại Hải (SN 2003) bị bắt cóc. 

Theo anh, 3 ngày không thấy con trai ở nhà là 3 ngày cả gia đình sống trong nỗi bồn chồn lo sợ. Anh đã nghĩ đến trường hợp con bị sảy chân chết đuối ở một hồ nước nào đó, nhưng đa phần là nghiêng về tình huống có thể con trai bị kẻ xấu bắt cóc. Đến ngày thứ tư họ bất ngờ thấy con trai nhếch nhác trở về, còn bất ngờ hơn nữa trước lời tường thuật về câu chuyện bị bắt cóc của con. 

Theo biên bản ghi nhận lời khai của cháu Hải, vào 16h ngày 30/5, Hải đi bộ đến nhà một người bạn chơi. Khi đến nơi, do bạn không có nhà nên Hải lững thững trở về. Trên đường về, cậu bé thấy buồn đi tiểu liền chạy vào trong rừng thông để giải quyết. 

Lúc quay ra, trước mặt cậu là hai thanh niên bịt mặt kín mít, đeo bao tay. Chưa kịp phản ứng gì, cậu đã bị hai đối tượng tiến đến bịt miệng bằng khăn tẩm thuốc mê. Hải ngất đi và lập tức bị đưa lên xe máy chở thẳng vào rừng cao su. 

Khi tỉnh dậy Hải đã ở một nơi hoàn toàn lạ lẫm. Nơi cậu bé bị nhốt là một căn chòi nhỏ được dựng bằng bạt xanh giữa mênh mông cây cao su. Hai chân cậu bị khóa bằng một dây xích. Ngoài người bị bắt cóc là cậu ra, còn có hai đứa trẻ khoảng 2 - 3 tuổi.

“Cậu bé nói rằng bọn bắt cóc có 10 người đàn ông, họ thay nhau canh chừng. Cậu bé đã nghe được cuộc nói chuyện của các đối tượng là đợi gom thêm 2 đứa trẻ nữa cho đủ số lượng rồi sẽ đem bán. 

Ở đó cậu không bị đánh đập, khi đói chỉ được ăn mì tôm sống và cũng vì sợ hãi nên cậu chỉ biết khóc lóc”, anh Phạm Hữu Chấn, phó trưởng công an xã Quảng Sơn, người trực tiếp nhận đơn và lấy lời khai của Hải cho biết.

Cũng theo biên bản khai nhận, Hải đã thuật lại tường tận từng tình tiết về quá trình trốn thoát trở về. Theo đó, cậu bé bị nhốt 3 ngày trong căn chòi và chỉ khi nào buồn đi vệ sinh mới được dẫn ra ngoài, nhưng chân lúc nào cũng bị khóa bằng xích. Phát hiện kẻ bắt cóc làm rơi chùm chìa khóa ra khỏi túi quần, Hải đã nhanh trí cất giấu đi để đợi thời cơ đến sẽ tự giải thoát cho mình. 

Khi trời sẩm tối, các đối tượng mải ăn bên ngoài chòi, lơ là quản lý, cậu bé đã dùng chìa khóa giấu đi trước đó tự mở khóa thoát thân. “Cậu bé cho biết, ngay khi ra khỏi chòi, cậu lẩn trốn về phía đồi cứ thế cắm đầu chạy trong sợ hãi, bất chấp vừa đói vừa mệt. 

Chỉ khi lên đến đỉnh đồi cậu mới dừng lại và ngoái nhìn về phía căn chòi và phát hiện các đối tượng đang nhanh chóng tháo bạt, rồi đưa hai đứa trẻ lên xe ô tô “cuốn gói” sạch sẽ. Thấy vậy Hải lại chạy, sau 2 giờ đồng hồ băng rừng vượt đồi cậu bé đã ra được đường nhựa và hỏi đường về được đến nhà”, Phó Công an xã thuật lại lời khai của đứa bé.

Căn cứ vào biên bản khai nhận, sau khi báo cáo lên cấp trên, công an ngay lập tức xuống hiện trường điều tra về vụ việc.

Quần nát hiện trường mới hay cậu bé nói dối
“Chẳng hề có vụ bắt cóc nào ở đây cả. Đó chỉ là một kịch bản của cậu nhóc tinh quái. Tôi chưa thấy thằng bé nào mới 11 tuổi mà “rắn mặt” dám nghĩ ra một kịch bản qua mắt cả bố mẹ và cả công an như cậu nhóc này”, anh Chấn nói.

Thuật lại quá trình lật tẩy kịch bản của cậu bé, anh Chấn nhớ lại, ngay trong lần lấy lời khai của Hải, anh đã phát hiện ra rất nhiều điểm nghi vấn. Tuy ngờ ngợ nhận ra cậu bé đang cả gan lừa cha mẹ, dối cả công an, nhưng anh vẫn im lặng đón đợi màn kịch tiếp theo của cậu nhóc tinh quái này.
 
“Bằng kinh nghiệm tôi đã phát hiện ra một số điểm thiếu logic trong lời khai của cậu bé. Sau đó tôi đã cố tình xoáy vào một số điểm: Khi hỏi mặt mũi kẻ bắt cóc ra sao thì Hải lại tả được tường tận rằng cả hai người đó mặt đều to và đen, sống mũi dài, một người có vết sẹo ở thái dương. 

Trong khi trước đó cậu nói hai kẻ lạ đó đều bịt mặt kín mít, họ tẩm thuốc mê làm cậu ngất lịm ngay lập tức. Vậy thì làm sao cậu bé kịp nhận ra những dấu hiệu đó. Đặc biệt là khi dẫn chúng tôi đến hiện trường cách nhà cậu 10 cây số, tôi không hề phát hiện bất kỳ dấu vết nào của việc dựng chòi ở, cũng như việc đã từng có việc ăn uống sinh hoạt diễn ra.
 
Vậy mà trước đó cậu bé lại khai rằng mỗi lần đói cậu được kẻ bắt cóc cho ăn mì tôm sống, còn ngủ thì nằm trên đống rơm rạ. Dù kiếm tìm kỹ lưỡng đến đâu tôi cũng không thể phát hiện được một chút vụn mì tôm vương vãi, hay vỏ bao bì cũng như cọng rơm rạ nào. Vậy là nghi vấn của tôi hoàn toàn có cơ sở”, anh Chấn thuật lại.

Khi đã nắm chắc bằng chứng để “hạ màn kịch” của cậu nhóc, mọi người tạm ngồi nghỉ ngay tại chỗ, riêng anh Chấn gọi cậu bé lại một chỗ vắng và bắt đầu hỏi lại. 

Trước mặt công an, cậu bé vẫn tự tin nhắc lại những gì đã khai nhận như bài học thuộc lòng. Có lẽ cậu bé nghĩ kịch bản hoàn hảo của mình đã lừa dối được bố mẹ và qua mắt được công an nên không hề tỏ ra sợ sệt. 

Biên bản ghi lời khai của cháu Hải

“Tuy nhiên ngay sau khi tôi nói về những điểm nghi vấn, những mâu thuẫn trong lời khai so với thực tế thì lập tức cậu bé tái mặt và thành thật thừa nhận. Cậu bé còn gạ gẫm tôi phải hứa không nói cho ai biết thì cậu mới nói”, anh Chấn nhớ lại.
Nguyên nhân phải nói dối của Hải đươc cậu bật mí là do buổi chiều ngày 30/5 cậu đi ra hồ chơi nhưng lại không nói cho bố mẹ biết. Lúc định trở về thì thấy trời đã tối muộn, cậu bé nghĩ đến cảnh bị bố mẹ la mắng nên đành ngồi lại nghĩ mưu. 

Càng nghĩ lâu thì trời càng tối, nỗi sợ càng tăng. Cuối cùng cậu ta quyết định ngủ lại luôn tại hồ, đợi hôm sau trở về sẽ nói rằng bị bắt cóc. Tuy nhiên cậu đắn đo rằng nếu lấy lí do bị bắt cóc mà đi có một ngày đã trở về thì sẽ chẳng ai tin, thế nên cậu tiếp tục rong chơi hết 3 ngày mới chịu mò về “diễn kịch”. Màn kịch đã được diễn ra trước sự lo lắng và tin “sái cổ” của người thân. 

“Khi bị tôi lật tẩy, cậu nhóc không hề tỏ ra sợ hãi trái lại còn tự mãn đáp lại: “Công nhận chú giỏi, chú rất tinh mới phát hiện ra những dấu hiệu đó. Cháu chỉ không qua mắt được chú thôi, chứ riêng mấy chú khác cháu lừa phát một. Nhưng vài năm nữa cháu sẽ lừa được chú”. Tôi phát hoảng khi cậu nhóc này có thể nói được những lời mạnh miệng như vậy”, anh Chấn kể lại

Cha mẹ nhận lỗi

Anh Hoàng Văn Hưng (bố cháu Hải) buồn rầu nhận lỗi về mình: “Cũng tại tôi ít quan tâm đến cháu nên nó mới hư như vậy. Tôi làm buôn bán nên vắng nhà suốt, việc nuôi dạy con để hết cho mẹ nó. Tuy nhiên do mải làm kinh tế nên vợ cũng cứ để cho con tự do muốn làm gì thì làm. Đến khi bị con lừa dối chúng tôi mới ngớ người ra”.

Sau sự việc lừa dối bố mẹ và cả công an của Hải, hàng xóm ai cũng bàn tán, thừa nhận chưa từng gặp cậu nhóc nào ít tuổi mà gan lớn vậy. “Nghe qua cậu chuyện thằng bé dựng lên tôi nghĩ nó đã bị ảnh hưởng của nhiều bộ phim trinh thám, hành động. Mới 11 tuổi mà nó bạo gan thế”, một hàng xóm phỏng đoán. 

Tuy nhiên bố cháu bé phủ nhận rằng nhà không có vô tuyến nên nguyên nhân chỉ có thể là do con trai nhiều lần vì ham chơi sợ bố mẹ la mắng mà đã hình thành thói quen nói dối để chống chế. “Vợ chồng tôi sẽ kèm cặp cháu sát sao hơn để không có kịch bản lừa dối nào của cháu xảy ra nữa”, anh Hưng tâm sự.

Như Thảo