Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

CẢI CÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC - SAO CỨ PHẢI ĐAO TO BÚA LỚN?

Khoai@: Đây là một góc nhìn về giáo dục đại học của bác Trịnh Xuân Báu. Một bài viết có nhiều ý kiến hay, rất đáng đọc.


Cải cách giáo dục đại học - Sao cứ phải đao to búa lớn?

I. Sau cuộc gặp với Thủ tướng, nhóm Đối thoại giáo dục (một nhóm tự nguyện gồm 8 trí thức Việt Kiều) do GS Ngô Bảo Châu dẫn đầu đã tham gia Hội thảo “Đối thoại giáo dục Việt Nam: Cải cách giáo dục đại học” do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM tổ chức.

Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước, trong đó có các quan chức cao cấp như Bộ trưởng bộ KH&CN Nguyễn Quân và Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Trong hội thảo, với vai trò là người chủ trì, anh Châu đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu kém của giáo dục đại học VN như: Chất lượng thấp, giảng viên không đạt yêu cầu, bổ nhiệm GS tù mù,… dẫn đến GDĐH của VN đang tụt hậu và đi ngược lại với quy trình của các nước tiên tiến.

Vẫn biết anh Châu và các nhà khoa học Việt kiều đang rất tâm huyết trong việc cải tổ nền GDĐH, mong muốn đưa GDĐH của VN tiệm cận dần với các nước tiên tiến. Tuy nhiên, những gì anh nói thì ai cũng biết, và đã nói ra rả trên khắp các hội nghị, hội thảo giáo dục, chất vấn trong nghị trường và đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tôi không có “diễm phúc” được cùng các nhà “khoa học nhớn” trong nước tham dự hội thảo để nghe cho hết các ý kiến tranh luận. Tuy nhiên đọc các phát biểu của dăm vị được báo chí trích dẫn thì thấy tư duy, nội dung và cách nhìn nhận về vấn đề không khác gì 10-20 năm về trước. Vẫn bài quen thuộc là đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho các trường ĐH không tự chủ, không chịu đổi mới,… Rồi thiếu đấu tranh, thiếu dân chủ, thiếu sáng tạo,… Đại loại là những vấn đề mà đến trẻ con cũng biết và ngày nào cũng được nói trên báo đài vô tuyến. Thà như anh Châu và các nhà khoa học Việt kiều không có thực tế nên nói thế thì còn nghe được, đàng này các vị ngày nào cũng nghe, ngày nào cũng bàn mà vẫn ra rả cái điệp khúc đó thì chỉ có thể là quan liêu, xa rời thực tế hoặc hèn nên không dám nói thẳng.

Giá trị nhất, thực tiễn nhất của 2 ngày hội thảo chính là câu nói của bộ trưởng Quân: “Với cơ chế hiện nay, đơn giản chỉ riêng vấn đề lương cho GS Ngô Bảo Châu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ như tôi cũng không quyết được thì cơ chế tài chính còn rất gian nan”.

Đến 2 bộ trưởng mà không quyết được lương cho một nhà khoa học thì tốt nhất nên dẹp hết đề án này hay đối thoại nọ, cải cách thế “lọ” hay đổi mới thế “chai” đi, thậm chí dẹp cả cái “quyết tâm chính trị”của cả hệ thống và “cây đũa thần” Nghị quyết 29/NQ-TW mà bộ trưởng Luận đang hô hào với một “trận đánh lớn”. Bởi vì cái nhỏ nhất này còn không làm được thì “mèo lại hoàn mèo” mà thôi.

II. Bây giờ thử đặt câu hỏi cho các quan chức lẫn các nhà khoa học “nhớn” từ những vấn đề mà “trẻ con cũng biết” một số câu hỏi xem họ trả lời như thế nào? Lưu ý chỉ trả lời ”có” hoặc “không” chứ không giải thích hay viện lý do lý trấu “rằng thì là vì” cái lọ cái chai. Bởi lẽ tranh luận như thế thì cả năm cũng không ngã ngũ.

1. Về quản lý: Chính phủ có dám cho các trường ĐH tự chủ về quản lý đơn thuần chỉ là đào tạo và nghiên cứu khoa học mà không áp đặt quan điểm chính trị không?

Bởi lẽ, ai cũng biết ở các trường ĐH hiện nay, quyết định của chi bộ đảng cao hơn quyết định của hội đồng khoa học. Và đáng lẽ khuyến khích giảng viên phát triển tư duy nghiên cứu khoa học độc lập thì họ lại kiểm soát tư duy để tránh bị suy thoái tư tưởng và không kiên định với đường lối.

2. Về bổ nhiệm và sa thải: Các trường ĐH có quyền bổ nhiệm và sa thải giảng viên dựa theo nhu cầu và yêu cầu năng lực mà không bị “vướng” vào các quy định của quản lý nhà nước không?

Bởi lẽ, ai cũng biết nếu không phải đảng viên thì không được bổ nhiệm lãnh đạo, và thường bổ nhiệm theo kiểu hồng hơn chuyên một cách phi học thuật và các mối quan hệ cá nhân. Những người không đáp ứng yêu cầu chuyên môn cũng không thể bị đuổi việc nếu không vi phạm vào luật lao động, luật viên chức,...

3. Về tiền lương: Các trường ĐH có quyền tự chủ về tiền lương và trả lương xứng đáng cho giảng viên hay không?

Bởi lẽ, cứ áp mức lương của nhà nước, cử nhân hệ số 2,34; thạc sĩ hệ số 2,67, tiến sĩ hệ số 3.0 và cứ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần thêm 0,33 thì đến mùa quýt cũng chả đủ ăn chứ đừng nói gì đến yên tâm giảng dạy và nghiên cứu.

4. Về kiểm định chất lượng: Bộ GD&ĐT có bắt buộc các trường ĐH phải được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới không?

Bởi lẽ, hiện nay chẳng ai tin tưởng vào kết quả kiểm định của Bộ GD&ĐT, thậm chí có tư nhân hóa công tác kiểm định trong thời gian này cũng không chính xác và không sòng phẳng. Cứ cá mè một lứa giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với ĐH dân lập Phan Châu Trinh thì cải cách với cải tổ cái gì?

5. Về đào thải sản phẩm kém chất lượng: Bộ GD&ĐT có chấp nhận không công nhận sản phẩm đào tạo từ các trường ĐH không đạt yêu cầu trong kiểm định chất lượng không?

Bởi lẽ, những trường ĐH không đạt chất lượng thì chẳng khác gì đi bán bằng. Và khi xã hội tẩy chay sản phẩm của trường đó thì tự họ phải đóng cửa và sẽ hết chuyện loạn trường loạn bằng cấp. Bộ GD&ĐT cũng khỏi phải mất công rà soát, đánh giá để cấm tuyển sinh hoặc rút giấy phép hoạt động.

6. Về học hàm: Bộ GD&ĐT có xem việc bổ nhiệm học hàm GS, PGS là một chức vụ và có thời hạn không?

Bởi lẽ, những người không đáp ứng yêu cầu sẽ bị bãi nhiệm, và tránh được việc “chạy” học hàm lẫn khi được phong học hàm thì quên luôn cả nghiên cứu khoa học.

Nếu cả 6 câu trả lời đều là “có”, thì có nghĩa là sẽ cải cách được. Nếu từ 3-5 câu trả lời “có” thì có cải cách cũng dở ông dở thằng và chẳng đâu vào đâu. Còn nếu từ 1-2 câu trả lời “có” thì tốt nhất đừng cải cách mà mất công, vì vẫn câu nói ở trên: “mèo lại hoàn mèo” mà thôi.

III. Bây giờ, thử đề xuất một giải pháp đối với một trường ĐH nhận được cả 6 câu trả lời “có” xem mức độ khả thi như thế nào?

1. Quyền lợi:

a. Về tiền lương: Nhà trường phải đảm bảo lương cho giảng viên như sau:

- Thâm niên dưới 5 năm: Tối thiểu là 1.000 USD;

- Thâm niên từ 5-10 năm: Tối thiểu là 1.500 USD;

- Thâm niên trên 10 năm: Tối thiểu là 2.000 USD;

(Đây là mức lương tối thiểu, còn lương cụ thể của các giảng viên là thỏa thuận giữa giảng viên và nhà trường. Ví dụ 2 giảng viên cùng thời gian thâm niên, cùng học vị thì giảng viên nào được sinh viên đăng ký học nhiều hơn và có nhiều công trình khoa học hơn thì lương phải cao hơn giảng viên còn lại)

b. Về môi trường và điều kiện làm việc:

- Được tự do phát triển về học thuật, không bị áp đặt các vấn đề về tư tưởng và chính trị;

- Được sử dụng không gian và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu;

- Được tiếp cận với các thông tin về khoa học công nghệ;
2. Nghĩa vụ:

- Về giáo trình: Trong vòng 3 năm giảng dạy phải in được giáo trình môn học giảng dạy chính (chỉ yêu cầu biên soạn).

- Về công trình khoa học: Mỗi năm tối thiểu có 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước; cứ 2 năm phải có 1 bài báo quốc tế đạt chuẩn ISI.

- Về khối lượng giảng dạy: Đảm bảo khối lượng giảng dạy tối thiểu theo quy định của Bộ GD& ĐT hoặc quy định riêng của trường ĐH.

3. Sa thải:

- Trong 3 năm không in được giáo trình môn học giảng dạy chính;

- Trong 1 năm không có 02 bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong nước;

- Trong 2 năm không có 01 bài báo đăng tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI;

- Bị 60% sinh viên đánh giá giảng dạy không đạt yêu cầu (Sau mỗi môn học, sinh viên thực hiện đánh giá chất lượng giảng viên theo các tiêu chí kiểm định chất lượng giảng viên);

- Không đạt tỷ lệ sinh viên đăng ký học môn học phụ trách giảng dạy (tỷ lệ cụ thể dựa vào tổng số sinh viên phải học môn học đó và số lượng giảng viên cùng dạy một môn học);

- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đạo đức học thuật (theo quy định);

- Vi phạm các quy chế của nhà trường và vi phạm pháp luật.

4. Bãi nhiệm GS, PGS:

- Không có đủ số lượng học viên cao học và NCS theo quy định;

- Không có đủ số lượng công trình khoa học trong một thời gian quy định.

- Vi phạm đạo đức học thuật (theo quy định).

5. Nếu thực hiện được những nội dung trên thì sẽ đạt được điều gì?

- Giảng viên đảm bảo thu nhập để tập trung tối đa vào chuyên môn;

- Những người bằng thật kiến thức giả sẽ không có cơ hội trở thành giảng viên để ngu hóa sinh viên;

- Những người chuyên môn kém sẽ không có có cơ hội trở thành giảng viên để ngu hóa sinh viên;

- Góp phần bài trừ tệ nạn tiến sĩ giấy đang tràn lan khắp xã hội;

- Giảng viên đầu tư vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đảm bảo các nghĩa vụ nêu trên, chứ không phải đi hầu rượu hay hối lộ lãnh đạo để tiến thân;

- Những người giỏi hơn sẽ được bổ nhiệm các vị trí quản lý chuyên môn, đươc phong học hàm và có thu nhập cao hơn;

- Tạo ra sự cạnh tranh học thuật sòng phẳng trong môi trường giảng dạy và nghiên cứu;

- Đảm bảo chất lượng đào tạo lẫn đầu ra của sinh viên mà không cần tổ chức thi đại học hoặc kiểm soát đầu vào;

- Không còn hiện tượng học giả bằng thật, chất lượng đào tạo và bằng cấp quay về đúng giá trị thật của nó;

- Không giới hạn lượng sinh viên đăng ký theo học, đảm bảo quyền được học đại học của người dân;

- Bài trừ được những kẻ ngụy khoa học, những người cậy có chức vị lợi dụng chất xám của các giảng viên trẻ;

- Loại bỏ được tình trạng chạy học hàm, và loại bỏ được những người hiện đang có học hàm nhưng không xứng đáng nhận học hàm đó;

- Xây dựng một môi trường giáo dục đại học sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo và phấn đấu trở thành đại học đẳng cấp châu lục và quốc tế.- … 

***
- Sẽ có người hỏi: Nếu như vậy thì trường ĐH lấy kinh phí ở đâu? Câu trả lời đơn giản như thế này: Kinh phí từ việc thu học phí của sinh viên và bán chất xám chứ còn ở đâu nữa.

Lượng sinh viên đông thì học phí thu được càng nhiều, chưa kể đến chính sách thi không qua thì cứ đóng tiền học lại đến khi thi qua thì thôi. Vừa tăng thu nhập của trường, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra.

Giả sử 1 trường ĐH có 2.000 giảng viên. Trung bình mỗi năm có 1.000 bài báo quốc tế. Với khối lượng chất xám này mà không bán ra tiền thì tốt nhất chuyển thành trường tiểu học chứ còn đại học đại hiếc cái gì nữa.

Thêm nữa, vì mục tiêu xây dựng các trường ĐH đẳng cấp châu lục và quốc tế, nên Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính lẫn ưu tiên giao khoán các hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ chứ.

- Lại có người nói rằng, giảng viên hiện nay giàu lắm, thu nhập cao hơn mức lương đề xuất này nhiều. Xin thưa rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Theo đánh giá của người viết, không quá 30% số giảng viên làm chuyên môn chân chính và thuần túy có thu nhập trên 20 triệu/tháng (không làm thợ dạy chạy sô, không làm trái nghề, không kinh doanh chuyên môn, không nhận hối lộ, không tham nhũng từ ngân sách,…); số người có thu nhập trên 50 triệu/tháng không quá 10%.

Nói tóm lại, chẳng có gì ghê gớm cả. Cứ đơn giản như đan rổ thế này, chứ cần gì phải đao to búa lớn, phải không các ngài quan chức lẫn các nhà khoa học “nhớn”?

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

CÓ GÁI NÀO CONG CỚN HƠN ĐƯỢC KHÔNG?

Cuteo@


Ngọc Trinh khoe dáng sexy với bikini bên "siêu ngựa" tiền tỉ

Phải công nhận, về độ cong thì Ngọc Trinh là năm bờ oăn. Cái cong cớn của em đúng là ra tấm ra miếng.

Kể cả "triết lý cuộc đời" của em: "không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" cũng là năm bờ oăn.

Khoác lên mình bộ bikini hai mảnh phô bày hết những đường cong nóng bỏng, tạo dáng sexy bên siêu xe tiền tỉ, "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh tạo nên hấp lực khó cưỡng thôi miên đấng mày râu với thân hình nuột nà và những đường cong hoàn hảo.

Liệu có gái nào cong hơn không?
















PHẠM CHÍ DŨNG VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG AN

Khoai@


Trên Blog của mình, Phạm Chí Dũng (PCD) vừa có bài viết về khoản 2 điều 25 Dự luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự với cái tựa rất lưu manh, nhưng lại thỏa mãn cơn khát xỉ vả chế độ của những kẻ chống phá nhà nước Việt Nam. 

Các bạn có thể đọc tại đây.

Bài không rõ là chê trách, hay mượn danh "tự do ngôn luận" dưới vỏ bọc góp ý để xỉ vả cơ quan công quyền mà thực chất là nhằm thẳng vào ngành công an.

Trước hết cần phải nói rằng, với tư cách là một công dân, việc góp ý cho nhà nước xây dựng luật là một việc làm đáng hoan nghênh và rất nên làm. Thực tế, rất nhiều người có hiểu biết chuyên môn và cả những người mặc dù không có chuyên môn song vẫn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật. Những đóng góp đó dù có được tiếp thu hay không cũng là điều trân quý.

Điều đáng bàn là người đóng góp ý kiến đó có tinh thần xây dựng hay không? 

Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy là để phân biệt tấm lòng của những người ngay thẳng với tâm địa của những kẻ lợi dụng sự đóng góp đó để chống nhà nước, chống chính quyền và đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Đọc bài viết mang màu sắc "góp ý" của PCD mang tựa: "Tăng Quyền Nhục Hình Cho Công An?" trên Blog của y, không thể không lên tiếng.

Trước tiên là cách đặt  tên bài viết. Ở đây, Dũng hoàn toàn có thể đặt tên bài viết đàng hoàng như một người được giáo dục tử tế. Nhưng PCD đã không làm thế. Đọc tiêu đề bài viết, người ta thấy ý đồ của Dũng là mượn danh góp ý để chĩa mũi dùi vào ngành công an, và bằng việc chê bai dè bỉu từ đại biểu quốc hội tới ngành công an để đả phá chế độ. Nếu PCD thực tâm đóng góp, chắc chắn cách đặt vấn đề sẽ khác, bởi lẽ chuyện "nhục hình" không có liên quan gì với việc Bộ công an đề xuất như trên. Vậy tại sao lại phải đưa cụm từ nhục hình gắn với công an? Rõ ràng, ở đây PCD đang cố tình hướng lái người đọc vào cách hiểu tiêu cực về công an. 

Vì sao PCD phải làm như thế có lẽ nhiều người không lạ. Trước hết và chủ yếu, ông ta đã từng có những hoạt động mờ ám và đã từng bị câu lưu, vì thế việc thâm thù với cơ quan công an là dễ hiểu. Thứ nữa, tham gia các hoạt động theo đơn đặt hàng của những kẻ chống phá chế độ mà không có sản phẩm thì thử hỏi, ông lấy gì vả vào mồm?

Trong bài viết của mình, PCD có ý nói rằng các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật của ta "chưa đến nỗi hoàn toàn vô cảm". Dụng ý của Dũng là gì chắc không cần nói ra, và ý dè bỉu, khinh miệt cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an được PCD thể hiện khi để từ "sáng tạo" trong ngoặc kép.

Riêng về nội dung, vì đây mới chỉ là dự thảo còn đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến góp ý của người dân nên người viết không bàn đến. Chỉ xin nói riêng về kết luận như đúng rồi của Dũng: "công an xã, phường còn được tăng quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu". Khi kết luận, Dũng đã hồ đồ không phân biệt được cơ quan điều tra chuyên trách với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra trong quan hệ phối hợp. Nói cho rõ thêm, công an xã, phường...không phải là cơ quan điều tra chuyên trách, và chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách. Nói như vậy để thấy, những công việc đòi hỏi chuyên môn sâu thì lực lượng công an xã, phường...không thể đảm trách.

Vì thế, nếu nói cả nước là cơ quan điều tra là không đúng. Nói như thế là không phân biệt được cơ quan điều tra và các hoạt động điều tra. Chúng ta nên hiểu là hoạt động điều tra sẽ diễn ra ở mọi nơi, kể cả những nơi mà cơ quan điều tra chuyên trách chưa thể có mặt ngay được do các lý do về địa lý.

Nói về "Tản quyền hóa và nạn "tự tử" trong bài, Dũng viết; "Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng đột biến trong những năm gần đây trên khắp các vùng đất nước chắc chắn là một trong những nguồn cơn chính yếu để Bộ Công an và sở công an các tỉnh thành tìm cách “tản quyền”.

Cần phải nói ngay, đây không phải là sự "tản quyền" như Dũng phát biểu, mà đơn giản là sự sẻ chia trách nhiệm, và hoàn toàn không có cơ quan công an ở cấp nào chối bỏ, hay đùn đẩy trách nhiệm ở đây cả.


Về lý việc giao thêm trách nhiệm cho lực lượng công an xã, phường... không xuất phát từ lý do tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng như PCD phát biểu. Căn nguyên như đã nói ở trên chính là để huy động được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù, những địa bàn, khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà khi vụ án hình sự xảy ra cơ quan điều tra (chuyên trách) chưa thể tiếp cận ngay được. Làm được điều này sẽ giải quyết được yếu tố tội phạm phát sinh, bởi thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều tra hình sự. 

Tất nhiên, công bằng mà nói, chúng ta hoàn toàn có quyền lo ngại về trình độ của lực lượng công an xã, phường như hiện nay. 

Trong bài viết, đề cập đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều, PCD đã sử dụng thủ pháp quy chụp, lấy cái cụ thể để nói cái toàn thể. Cách viết và tâm ý đó là thiếu công bằng. Đồng ý là chúng ta cần đấu tranh để ngăn chặn không để các vụ việc tương tự xảy ra, song sự việc đó dứt khoát không phải là cái phổ biển mà chỉ là trường hợp cá biệt. Cách nhìn của PCD là chỉ thấy mặt xấu và như một người có mắt không tròng, anh ta không thấy được những cái tốt, cái đẹp mà lực lượng công an đã làm được. Nếu so sánh 15 cái chết oan ức với hàng triệu vụ án mà lực lượng công an đã khám phá thành công thì có thể thấy, chuyện đâu đó làm sai, lạm quyền, gây hậu quả tác hại là có, nhưng tỷ lệ vô cùng thấp.

PCD không viết, thì ai cũng phải thừa nhận hiện tượng lực lượng công an xã, phường... thiếu đào tạo bài bản nên dẫn đến lạm quyền và nhục hình là đáng báo động và đó là sự thật đau lòng. 

Tất nhiên, không có chuyên môn, hoặc chuyên môn kém dẫn đến làm sai là điều khó tránh khỏi. Cũng như PCD là Tiến sĩ kinh tế, nhưng lại lấn sân làm zân chủ, nhân quyền, và thậm chí làm cả luật nữa thì sai lầm cũng là điều dễ hiểu.

Vấn đề nằm ở chỗ, thực chất PCD không góp ý để cải thiện pháp luật cũng như trình độ của lực lượng công an xã phường, mà cái chính là mượn việc góp ý đó để tô đậm những hạn chế, khiếm khuyết của một số công an viên và từ đó, gieo rắc ấn tượng xấu về công an Việt Nam. 

Trong bài viết của mình, PCD viết: "Hệ lụy quá bất tương xứng như thế đã dẫn tới hậu quả một số công an viên và dân phòng ấu trĩ về kinh nghiệm đến mức không thuần thục ngay cả thủ đoạn…đánh người", thể hiện ác cảm và tâm địa đen tối của PCD trong khi mô tả về cơ quan công an. Công bằng mà nói, cũng như những ngành nghề khác, trong công an cũng có những kẻ thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi hoặc có hành vi nhục hình với các bị can. Điều này đang là nỗi lo của xã hội và nó đang được cải thiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, cách diễn đạt tiêu cực của PCD làm cho người đọc hiểu rằng, trong quá trình tác nghiệp, công an sẽ làm những việc bẩn thỉu như thế.

Ở một đoạn khác, PCD cho rằng có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp trong nội bộ ngành công an. Nhận định này có vẻ không chính xác. Việc phân công phân cấp là khoa học và có cơ sở, đặc biệt nó đáp ứng được việc đảm bảo tính thời sự trọng điều tra các vụ việc xảy ra ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Đọc bài của PCD, người ta thấy anh ta trích dẫn các phát biểu của các đại biểu và nhà chuyên môn. Tuy nhiên, đọc những ý kiến mà PCD đã trích dẫn, người viết nhận ra, họ (những chuyên gia) chưa phân biệt đâu là cơ quan điều tra và đâu là cơ quan khác được giao thực hiện một số nhiệm vụ điều tra ban đầu. Vì thế, họ nói: "ghép lực lượng công an xã phường vào cơ quan điều tra là không đúng". Ở đây phải nói rõ là công an xã phường không phải là cơ quan điều tra, mà là cơ quan quản lý hành chính, cũng giống như lực lượng hải quan được giao thực hiện một số nhiệm vụ điều tra ban đầu, nhưng cơ quan hải quan đó hoàn toàn không phải là cơ quan điều tra.

Bài viết của PCD còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục tranh luận. Xin được đề cập đến ở entry sau.

Một bài viết mắc quá nhiều lỗi, chỉ lấy xảo ngôn để lấp liếm cho sự thiếu hiểu biết và che đậy cho dã tâm bôi bẩn hình ảnh ngành công an, dẫn dụ người đọc vào cách hiểu tiêu cực không chỉ với ngành công an mà còn đối với cả các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo nhà nước...là minh chứng cho thái độ chính trị cũng như động cơ, mục đích viết bài của anh ta.

Cách lựa chọn vấn đề và biểu đạt tư tưởng tình cảm của PCD đang củng cố thêm mối nghi ngờ của người dân về mối quan hệ trong bóng tối giữa ông ta với Việt Tân.

GIÀN KHOAN 981 KHIẾN NGƯỜI VIỆT GỌI ĐÚNG TÊN MỘT CUỘC CHIẾN

Hải Dương 981 khiến người Việt gọi đúng tên một cuộc chiến…


(PetroTimes) - Nhiều tháng 7 đã đến và đi trên đất nước ta. Nhưng tháng 7 này có lẽ đặc biệt hơn tất cả, ít nhất là trong 30 năm qua. Đặc biệt là vì lần đầu tiên sau 30 lần tháng 7, các trang báo ra hàng ngày và kênh truyền hình quốc gia công khai nhắc tới cuộc chiến khốc liệt chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng núi biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (từ 1984 – 1988) với đúng bản chất của nó.

Từ trước đến giờ rất nhiều người tưởng rằng cuộc chiến chống trả quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía bắc nước ta chỉ diễn ra từ ngày 17/2/1979 – 18/3/1979, như sự mô tả vắn tắt trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12. Sự thật hóa ra hào hùng mà cũng bi thương hơn rất nhiều.

Hồ sơ quân sự được mở ra trên các trang thông tin chính thức tại Việt Nam tháng 7/2014 cho thấy, suốt từ đầu năm 1984 – 1988, Trung Quốc lần lượt huy động 17 sư đoàn bộ binh và 5 sư đoàn, lữ đoàn pháo binh tràn sang đánh chiếm và bắn phá các vùng đất biên giới phía bắc của Việt Nam, ác liệt nhất là những trận đánh ở huyện Vị Xuyên, dọc theo cả hai phía đông và tây sông Lô, ở phía bắc suối Thanh Thuỷ.

Số đạn pháo mà Trung Quốc đã bắn vào lãnh thổ phía bắc Việt Nam trong hơn năm năm liền là hơn 1,8 triệu quả pháo cối, ngày cao điểm nhất là hơn 60.000 quả! Trong điều kiện địa hình Hà Giang hiểm trở, tiếp tế hậu cần vô cùng khó khăn và tương quan lực lượng chênh lệch, gần 1.200 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 356 đã hy sinh để góp phần đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược.

Nói đến sự ác liệt và những mất mát đau thương trong suốt 5 năm ấy, người Việt Nam, kể cả những người trẻ đều có thể chia sẻ với mức độ khác nhau. Nhưng điều mà nhiều người không thể hiểu được là vì sao sự thật về những năm tháng hào hùng và bi thương ấy của đất nước lại có thể được “cất kỹ” trong một thời gian dài đến thế?.

Trong khi, đã thành lệ, cứ dịp 27/7 hàng năm, những người lãnh đạo và những người lính năm xưa lại quy tụ về Quảng Trị để thắp nén nhang tri ân đến những liệt sĩ đã nằm lại với đất mẹ. Rồi truyền thông cả nước lại nhắc đến trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 một cách vô tình như khoét sâu vào nỗi đau chia cắt dân tộc.

Còn cuộc chiến Vị Xuyên thì lại đưa tin rất sơ sài hoặc “cân nhắc”?

Mãi cho đến tháng 7/2014, chúng ta mới thấy các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc tri ân và tôn vinh những người con quả cảm đã hy sinh vì bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc trong trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) 30 năm về trước. Vì sao có sự thay đổi này?

Thực tế cho thấy, kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, chúng ta đã luôn cố gắng để giữ hòa khí với Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh sau các vụ xung đột dẫn đến chiến tranh đẫm máu ở biên giới, quan hệ ngoại giao bị cắt đứt trong nhiều năm, hai bên cần trở lại giao hảo bình thường để xây dựng và phát triển. Đó là sách lược phù hợp trước một Trung Quốc luôn lấn tới.

Nhưng… đến tháng 5 năm nay Trung Quốc bất ngờ kéo giàn khoan phi pháp vào vùng biển Việt Nam đã làm người Việt bừng tỉnh. Đến nay dù Trung Quốc đã kéo giàn khoan về nước, nhưng hành động của họ đã tạo ra một vết nứt sâu đậm, làm mất lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Rõ ràng, phía Trung Quốc đã không cảm nhận được thông điệp về “lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái. Do đó, Thủ tướng Việt Nam đã có tuyên bố thể hiện thái độ dứt khoát: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Tuyên bố cho thấy thái độ của người Việt Nam trước những việc làm của Trung Quốc, tình hữu nghị lâu năm có thể sụp đổ chóng vánh khi lòng tin không còn.

Và giàn khoan phi pháp của Trung Quốc đã khiến Việt Nam thức tỉnh, truyền thông Việt Nam thẳng thắn nói ra những tội ác mà quân Trung Quốc xâm lược đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, với đúng bản chất của nó, không phải là khơi hận thù mà là để con cháu ta sau này nhớ rằng quan hệ Việt-Trung, dù có tốt đẹp đến mấy thì cũng đã từng xảy ra chiến tranh, xung đột. Nói ra để không bao giờ mất cảnh giác, không bao giờ ngủ quên.

Nói về sự thay đổi này, Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nhận xét: “Đã có những thay đổi to lớn trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay, đặc biệt sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền như vùng đặc quyền kinh tế, cũng như lãnh hải của mình trên Biển Đông. Do quan hệ đã thay đổi trước việc Trung Quốc thể hiện rõ “bản chất và dã tâm độc chiếm, thôn tính Biển Đông” mà truyền thông Việt Nam đưa tin về các sự kiện chiến tranh, xung đột trong mấy chục năm qua giữa Trung Quốc với Việt Nam, mà ông gọi là các cuộc chiến chống “quân xâm lược Trung Quốc” đã khác trước ở chỗ “khách quan” và đúng với ‘sự thực lịch sử khách quan’ hơn”.

Thật nguy hiểm khi vì thiếu thông tin (hoặc thông tin hạn chế) mà nhận thức về bạn-thù, thiện-ác, tốt-xấu bị lẫn lộn, thậm chí đảo lộn. Kẻ xâm lược thì phải được gọi đúng tên và phải bị đánh đuổi như quân và dân ta đã làm với quân Trung Quốc 30 năm trước ở biên giới phía bắc. Bành trướng, bá quyền bất chấp quyền và lợi ích của người khác là phi nghĩa, như nhân dân ta và bè bạn trên thế giới đã khẳng định đối với hành động của Trung Quốc trên biển Đông hôm nay.

Không ai muốn có kẻ thù. Nhưng cũng không ai muốn bị sự giả trá đánh lận thù thành bạn. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mỗi quốc gia phải như thế nào để tạo dựng được lòng tin trước hết đối với các công dân và sau đó với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong các chính sách ấy, rất cần có việc nói sự thật về lịch sử đất nước với người trẻ. Nói sự thật lịch sử của đất nước là để người trẻ được trang bị đầy đủ nhận thức về cách ứng xử với các mối quan hệ lớn vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình, bè bạn.

Cảm nhận được niềm xúc động của nhiều bạn trẻ khi đón đọc từng dòng thông tin về sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ trên mặt trận biên giới phía bắc cách đây 30 năm mà bây giờ họ mới biết, càng thêm tin rằng nói sự thật là cách để lớp trẻ ghi nhớ: Không ai, không điều gì có thể được lãng quên trong hành trình Việt Nam đấu tranh dựng xây và gìn giữ giang sơn bờ cõi.

Theo Trường Sa - Hoàng Sa

VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN IA KRÊL 2

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Hàng chục hộ dân thoát chết trong gang tấc


02/08/2014 08:45

Có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ vỡ đập, ông Hoàng Công Lự Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tỉnh sẽ chỉ đạo điều tra, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này”.

Chưa hết bàng hoàng sau trận lũ dữ, chị Siu Bom, ở làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho chúng tôi biết: “Mình làm rẫy ở khu vực suối Đôi nhiều năm nay rồi nhưng chưa lần nào sợ như lần này. Mới nghe cán bộ xã và đồn Biên phòng đến báo vỡ đập, có lũ về là cả nhà cắm đầu chạy lên đồi cao. Nước tràn xuống nhanh quá, mới một chút đã ngập quá đầu người rồi. Khu rẫy của nhà mình có cà phê và cao su ngập hết cả…”

Thân đê quai bị lũ xé toác

Hàng chục hộ dân khi hay tin vỡ đập đã hoảng loạn chạy lên các vùng đất cao để tránh lũ dữ. Nhiều công nhân của Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 đang làm cao su ở gần khu vực suối Đôi đã tháo chạy kịp thời. Tại làng Bi, 18 hộ dân làm rẫy ở gần suối đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hoa màu, cây trồng, tài sản bị ngập hoặc bị lũ cuốn. Những căn nhà chòi ngập sâu trong nước từ 1-3m. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Ia Dom, toàn xã có 56 hộ bị ảnh hưởng, dòng nước cuốn trôi và làm ngập trên 60ha hoa màu, cao su, hồ tiêu, cà phê..v.v., cuốn trôi 28 chòi rẫy, 1 con trâu, 2 tivi và 2 tủ lạnh.

Trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, công trình thủy điện Ia Krel 2 đã 2 lần bị vỡ đập gây thiệt hại cho nhân dân trên khu vực biên giới. Đại diện chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai nói: “Do mưa nhiều ngày, nước về nhiều quá nên đê quai không chịu nổi. Chúng tôi đã dự lường, định dùng mìn phá bớt đập tràn để thoát nước nhưng chưa làm kịp…”.

Chị Đặng Thị Kim Dung, 50 tuổi ở làng Bi đang ở trong chòi rẫy ở khu vực suối Đôi đã không kịp thoát thân, phải leo lên cây trốn lũ. Cán bộ chiến sỹ Đồn BP CK Quốc tế Lệ Thanh đã bất chấp hiểm nguy dùng áo phao bơi ra tiếp cận nạn nhân để làm công tác cứu hộ cứu nạn nhưng vẫn không được. Mãi đến chiều ngày 1/8/2014, sau khi nước lũ rút, chị Dung mới được đưa đến nơi an toàn . Dọc theo khu vực suối Đôi kéo dài hàng chục cây số nhiều người dân làm rẫy cũng đã thoát chết trong gang tấc.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn đồn BP CKQT Lệ Thanh bất chấp hiểm nguy bơi ra giữa dòng lũ dữ để cứu chị Dung. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông Võ Thanh Hùng- Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Khi hay tin đập chuẩn bị vỡ, chúng tôi đã cảnh báo người dân chạy lên các khu vực cao tránh lũ, đồng thời huy động bộ đội biên phòng, công an…với phương tiện sẵn sàng ứng cứu…”.

Tại hiện trường, hàng chục ngàn mét khối nước đã xé toác cả đoạn đê quai với chiều cao chừng 20m, dài hơn 50m. Ngoài ra, nước cũng cuốn trôi một phần thân đập chính. Trước đó, Sở Công thương Gia Lai qua kiểm tra đã phát hiện chủ đầu tư thi công lại khi chưa đủ điều kiện và yêu cầu dừng ngay việc thi công, hạ mực nước hồ chứa để đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, sở này đã không hề có những cảnh báo sớm mặc dù nguy cơ vỡ đập luôn treo lơ lửng trên đầu nhân dân.

Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả trận lũ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Công Lự cho biết: Chúng tôi sẽ có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ về sự việc này. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho các lực lượng cứu hộ rà soát, túc trực ở khu vực nước sâu để đề phòng mưa lớn, lũ lại tràn xuống. Các sở ngành chức năng và chính quyền huyện Đức Cơ phải phối hợp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, thống kê số lượng hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại để buộc chủ đầu tư hỗ trợ, đền bù. Công an tỉnh cần vào cuộc điều tra để có cơ sở xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra tại vụ việc này”.

Thái Kim Nga

CẢNH SÁT BAO VÂY, KHỐNG CHẾ NHIỀU KIỂM LÂM Ở THANH HÓA

Cảnh sát vây ráp, khống chế nhiều kiểm lâm


PNO - Vụ việc xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 1/8 tại trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 (thuộc Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa). Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an) đã dùng súng khống chế một số kiểm lâm viên.

Ngày 1/8, trong khi đang đi tuần tra, kiểm soát, Đội kiểm lâm cơ động số 1 phát hiện xe ô tô tải mang biển số 37C-060.12 chở 20 thanh gỗ hương (khoảng hơn 1m3) không có nguồn gốc rõ ràng. Tổ tuần tra đã đưa chiếc xe nói trên về trụ sở để làm việc.

Đến 0g ngày 1/8, buổi làm việc tại Đội kiểm lâm cơ động mới kết thúc

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an) ập vào trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1, bắt quả tang một số cán bộ kiểm lâm viên được cho là nhận hối lộ của xe gỗ trên.

0g cùng ngày, vụ việc mới kết thúc. Một số kiểm lâm viên và xe gỗ được công an đưa đi để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thế Long, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa xác nhận vụ việc cảnh sát ập vào khống chế một số kiểm lâm, đồng thời khám xét trụ sở của Đội kiểm lâm cơ động số 1 là có thật.

Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Lâm Nguyên

SỰ THẬT NGƯỜI DÂN ĐỔ XÔ HỘI NHỰA Ở QUẢNG BÌNH (!)

LâmTrực@


Trước tiên, các bạn hãy kiên trì đọc hết các bài nhé, rồi hãy phán xét ai đúng, ai sai.

Mấy hôm nay, dân mạng đang bức xúc vì bài báo "dân lấy vật tư thi công QL 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Theo VnExpress.Net, thì sự việc xảy ra là ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Bình tĩnh suy ngẫm để hiểu vì sao nên nỗi. Tôi cực ghét hành vi hôi của. Nhưng cũng cực ghét chuyện doanh nghiệp không giữ lời hứa.

Trong câu chuyện này, phóng viên báo VnExpress.Net đã mắc lỗi nghiêm trọng trong khi tác nghiệp.

Bài 1: Trên Vitalk
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Haz, cái này thì có khác gì vụ hôi bia ở ĐN.

Xin đăng status trên face book của một người bạn là Kỹ sư đang thi công trên cung đường trên:

Đêm buồn tỉnh lẻ 21/7/2014! Trước hết, tui gửi lời xin lỗi đến các anh, em, bạn bè của tui (nếu có) ở dọc tuyến QL1A đoạn km681-km688+200 nếu lỡ xúc phạm. 

Nhận định sau của tui ko mang tính vơ đũa cả nắm, đây chỉ là nổi bức xúc, nổi buồn và hơi cảm giác nhục cho những hành động hôi của, ăn trộm, ăn cướp ngang nhiên của đa phần người dân ở khu vực 2 bên đường này thôi. Chỉ sau hơn 1,5 tháng tham gia dự án nâng cấp QL1A (lý trình ghi trên) tại Lệ Thủy - Quảng Bình, tui thấy ghê tởm cấy độ tham lam, vô ý thức, tinh thần hôi của tự nhiên, ăn cướp trắng trợn và tính chất đầu gấu, giang hồ...của những người dân ở đây. 

Đất lề đổ xuống họ vô tư xúc mang về làm sân, làm đường; đổ ra chưa kịp làm là tối gần như đứt cước; máy đang rải đá họ vô tư cào đá trên đường, xúc đá trên máng như của nhà miềng; thảm nhựa cũng ko thể thoát khỏi những hành động hôi tự nhiên như ruồi, nhặng đó; bất chấp mọi hành động ngăn cản, giải thích, thậm chí gắt gỏng, dọa nhờ chính quyền họ cũng vẫn cứ vô tư hôi. Có nhiều người, biết anh em kỹ thuật là người ở xa đến nên cứ dọa oánh, vác mã tấu rượt mỗi khi anh em quyết liệt ngăn cản; thiệt tình là tui hết cách, chỉ còn nước lạy chéo ngang, chéo dọc những người dân "GIAN" ở đây. 

P/s: làm một lần mà e ấn tượng tởm đến cuối đời.

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/dan-lay-vat-tu-thi-cong-quoc-lo-1a-de-lam-duong-dan-vao-nha-minh-3024526.html

Bài 2: Trên VnExpress.net
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình

Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh. 

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở.

Lớp bêtông nhựa cuối cùng để hoàn thành mặt Quốc lộ 1A bị người dân lấy đi, để lại một hố rộng trên mặt đường. Ảnh: Quang Hà.

Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp. Công nhân đứng máy luôn miệng nhắc người dân, nhưng chẳng ai bận tâm. Thấy xe chở bê tông lăn bánh tiếp, nhiều người cầm xẻng dọa rồi yêu cầu dừng lại. Cách đây 10 ngày, vì ngăn cản người dân lấy vật liệu, một nhân viên của nhà thầu đã bị đánh phải nằm viện.

“Người dân đòi hỏi chúng tôi trải thảm bêtông nhựa vào đường dân sinh", một công nhân nói.

Theo hồ sơ thiết kế, đường dân sinh sẽ được thi công sau khi Quốc lộ 1A hoàn thành tùy theo hiện trạng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã vuốt nối, tạo đường ngang tạm thời đảm bảo giao thông cho người dân. 

“Người dân không hiểu quy trình thi công nên kéo ra yêu cầu vuốt nối toàn bộ đường ngang bằng đá dăm. Cán bộ, công nhân bảo người dân đừng lấy thì bị đe dọa, cản trở”, ông Lê Vũ Thức, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Thanh Bình cho biết. 

Bị đe dọa nên công nhân phải dừng máy, bất lực nhìn dân lấy vật tư dù tiến độ, chất lượng bị ảnh hưởng. Ảnh: Quang Hà 

Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi. "Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”, một người dân nói.

“Mỗi nhà dân chỉ lấy một xe đắp đường cũng đủ khiến chúng tôi đau đầu”, một kỹ sư nói. Hiện chỉ mới thi công 6 km, nhà thầu thất thoát 5.000-7.000 m3 đá cấp phối loại 1, với đơn giá 220 nghìn đồng/m3.

Dọc Quốc lộ 1A đang thi công dễ dàng bắt gặp nhiều đường ngang vào nhà dân đổ dày đá dăm, bên trong nhiều nhà còn trữ từng đống lớn. Ảnh: Quang Hà.

Các nhà thầu cho hay đã báo với địa phương nhưng sự xuất hiện của lãnh đạo và công an xã không có tác dụng, người dân vẫn thản nhiên lấy vật tư. Tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), chính quyền chỉ dừng ở việc tuyên truyền người dân không lấy vật tư thi công chứ không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, chủ tịch xã Hồng Thủy thì cho rằng nhà thầu chưa thông báo với chính quyền địa phương về vấn đề này.

Hoàng Táo


Bài 3: Trên Phuocbeo blog
Chê dân gian, tham nhũng thì sao?

Mi An

Đất Việt - Lớp thảm bê tông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân dùng xẻng kéo vào đường dân sinh...

Những người dân Lệ Thủy, (Quảng Bỉnh) ào ra công trình xây dựng đường Quốc lộ 1A lấy vật liệu về làm đường trước cửa nhà mình, tấn công cả công nhân. Nghe chuyện này, nhiều người trách họ: “Đúng là dân gian”.

Bài báo “Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình” trên báo điện tử Vnexpress làm chúng ta nhớ lại vụ hôi bia ầm ĩ ở Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 2013. Bởi bản chất vụ việc này cũng không có gì khác cả.

Bài báo cho biết: “Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh.

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở. Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp”.

Còn nữa, trước đó, do ngăn cản dân, một công nhân khác đã bị đánh đến nhập viện. Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi.

Lý lẽ người dân ở Quảng Bình đưa ra là: “Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”.

Câu chuyện là thế đấy. Về bản chất hành vi cũng chẳng khác gì vụ hôi bia, đổ xô ra đường lấy của người khác về nhà mình, lấy cho xóm mình. Hẳn nhiên, đó là một việc cần lên án, rất đáng trách, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Rất đông người đọc xong bài báo đã lên án họ, “đúng là dân gian”, có người đã kết luận như vậy. Có người quy kết vùng miền cho dân miền Trung. Đọc những lời lẽ ấy, chắc ai cũng cảm thấy buồn cho người Việt mình.

Nhưng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Vì sao mà dân lại gian?” và lý giải nó cặn kẽ. Cũng những người dân ấy, trong chiến tranh đã không tiếc gì hết, tháo cả cánh cửa nhà mình ra bắc làm đường cho xe bộ đội đi qua hố bom. Cũng những người dân miền Trung ấy, họ đã từng không tiếc mạng người, sức của cho cái chung lớn lao của dân tộc. Tại sao giờ họ lại trở nên như vậy?

Tôi nghĩ, phải chăng họ phần nào đã không còn tin vào lẽ phải và sự công bằng, đến nỗi xóa nhòa luôn ranh giới đúng, sai; tốt, xấu và dần dần trở nên ích kỷ, vụ lợi.

Hãy nghĩ mà xem, liệu có giống như cảnh “Mèo tha miếng thịt xôn xao” không? Những đại án tham nhũng càng ngày càng vỡ ra đem đến cho người dân một cảm giác bức xúc. Những con số ngàn tỷ, trăm tỷ bị thất thoát trong những công trình, dự án, những “ông lớn” đã ra tòa thời gian qua và nhiều “ông lớn” còn chưa bị lộ. Những dinh thự bề thế như lâu đài của các cựu quan chức mà không thể giải thích lý do vì sao đang hàng ngày xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Có thể trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ ích kỷ, vụ lợi: “Thôi thì, giờ đến lúc này rồi, phải nhanh chân giành giật cho bản thân, gia đình được tý nào hay tý ấy? ”.

Tôi nghĩ một tâm lý như thế, nếu có này sinh cũng là điều không khó hiểu. 

Quan lại ngày xưa có trách nhiệm “giáo dân”, triều đình phong kiến luôn nhắc họ vai trò “phụ mẫu”, tức là cha mẹ dân để làm gương cho dân. Cha mẹ mà hư thân đốn đời, trộm cắp tham nhũng thì làm sao con cái nên người?

Buồn thay, ngày càng nhiều những đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử. Những công trình bị rút ruột, kém phẩm chất vì kinh phí thực hiện đã bị chia chác. Dân trông thấy cả, biết hết cả, mà không biết làm thế nào để “dạy lại” cho những kẻ tham nhũng những bài học sơ khai làm người.

Thì hậu quả nhãn tiền là những vụ hôi của, ăn trộm tập thể bất chấp pháp luật đã xảy ra. Ý thức người dân kém, nhận thức của họ yếu, đúng vậy, nhưng họ có đáng trách nhiều hơn những kẻ có quyền lực, có trọng trách, có trình độ mà vẫn không thắng được những dục vọng trong mình, vẫn ăn bẩn của công, thu vén cá nhân?

Làm sao bắt người dân phải đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nếu có một bộ phận những người làm gương cho họ lại bê bết, gian tham, bất chấp đạo lý? 

Vì vậy, dù có thế nào, chúng ta cũng đừng vội trách dân, đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu họ. Ở đời mọi sự đều “có vay có trả” cả đấy, bạn đọc ạ.

Bài 4: Đăng trên Vitalk
Sự thật đám đông đổ xô hôi nhựa đường ở Quảng Bình

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc rải thảm bêtông nhựa lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa. 

Hình ảnh được lan truyền trên mạng đã khiến nhiều người bức xúc với hành vi hôi cả nhựa đường. Nhưng sự thật chưa hẳn đã như vậy.

XIN LỖI, tôi thực sự bức xúc vì sự thật chỉ phản ánh theo nhà thầu, còn thực tế thì không phải vậy 

Tôi là người sống cạnh đây, là 1 cán bộ công chức nhà nước. Khi nhà thầu làm tuyến đường quốc lộ 1A đi qua nơi này, nâng cấp lên rất cao, có khi gần tới cả 1m, 1.5m, trong hợp đồng thì phía nhà thầu sau khi làm xong phải trả lại mặt bằng cho dân đi, đường liên thôn, đường liên xã hay các cơ quan trên mặt bằng đường 1 nhà thầu phải tự đổ đá dăm, hoặc đất biên hòa cào bằng lại như cũ.

Khi thi công thời gian dài, rất bụi ô nhiễm, khi mùa vào thì hỏi đường dân sinh làm sao mà chở lúa thu hoạch từ đồng qua quốc lộ về nhà khi cao hơm cả 1m? Dân yêu cầu nhà thầu, nhà thầu trả lời sẽ trả lại mặt bằng khi hoàn thành, nhưng để mấy tháng như vậy người dân phải tự ra làm, và nhà thầu cũng đông ý cho dân làm (nếu nhà thầu trả đúng mặt bằng thì họ phải tự làm).

Người dân bỏ công ra làm, nhà thầu làm xong thì đi luôn, bây giờ thì lên báo? Vậy chúng tôi quá bức xúc đến sáng hôm nay 1/8/2014 phải họp thôn, yêu cầu chính quyền gồm cả công an phải mời nhà thầu về đối chất xem dân hôi của chỗ nào?

Trong khi họ thi công thì chúng tôi cũng phụ làm với họ, có sự chứng kiến của họ, mỗi km đường nghe nói lên tới tiền tỉ, nhưng đường dân sinh chỗ có chỗ không qua loa đại khái, vậy xin hỏi nhà thầu đã làm gì ???

Nguyễn Như Thủy