Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

NGƯỜI DÂN MONG CHỜ MỘT KẾT QUẢ THANH TRA KHÁCH QUAN VÀ MINH BẠCH

Khoai@


Trên trang info.net sáng nay có bài "Lập đoàn thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM". Đây là một tín hiệu đáng mừng, một bước tiến mới thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng cũng như làm rõ năng lực lãnh đạo quản lý của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Theo như nội dung trong bài, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM sẽ phải đối mặt với các hoạt động thanh tra của đoàn và hi vọng nhiều vấn đề nổi cộm sẽ được làm sáng tỏ.

Thực ra, điều người dân quan tâm nhất chính là thông qua việc thanh tra trách nhiệm của ông Quân để làm rõ những vấn đề nổi cộm như: Nạn tham nhũng; cửa quyền; tình trạng chạy quan, chạy chức; tình trạng mất dân chủ ở cơ sở; buông lỏng quản lý; tình trạng lãng phí.v.v..

Tất nhiên, "bói ra ma, quét nhà ra rác", khả năng phát hiện ra những sai xót trong lãnh đạo quản lý của ông Lê Hoàng Quân là rất cao vì nhiều lẽ.

Chúng ta cùng mong chờ một kết quả thanh tra khoa học, khách quan và minh bạch.
****
Ngày 6/8 ông Võ Văn Đồng – Thanh tra viên cao cấp, Cục trưởng cụ III Thanh tra Chính phủ, đã dẫn đầu đoàn thanh tra tới làm việc với UBND TP.HCM và công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân

Theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, Đoàn sẽ bao gồm 9 thành viên do ông Võ Văn Đồng làm trưởng đoàn, ông Vũ Huy Tác – Thanh tra viên cao cấp, Phó cục trưởng Cục III và bà Vũ Thị Diệu Thúy – Thanh tra viên, Phó trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục III cùng làm phó đoàn. Thời kỳ thanh tra sẽ tính từ ngày 1/1/2011 đến 31/5/2014.

Trong thời gian 70 ngày kể từ ngày công bố quyết định, đoàn sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM (ông Lê Hoàng Quân – PV) và thủ trưởng một số cơ quan hành chính trên địa bàn TP trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nạn, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Cục trưởng cục III (Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3), Cục trưởng cục IV (Cục Chống tham nhũng), Chủ tịch UBND TP.HCM và một số đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Trước đó, vào ngày 4/8 Văn phòng UBND TP.HCM đã có thư mời họp khẩn gửi ông Nguyễn Chiến Bình – Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM. cùng đại diện nhiều sở ngành, Chủ tịch UBND 24 quận huyện, đến dự buổi công bố Quyết định số 1642/QĐ-TTCP về việc lập đoàn thanh tra trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị nêu trên.
----------------
P/s: Bài có sử dụng nội dung của PV Nguyễn Cường trong bài "Lập đoàn thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP HCM" đăng trên info.net.

Tấm Cám - Một góc nhìn khác

Chết cười với những suy nghĩ mới lạ về chuyện Tấm Cám

Lại một bài viết của bác Tony Buổi Sáng, đọc vui quá xá!

***********

Chuyện xảy ra trong 1 lần thi thử. Cô giáo ra đề "hãy phân tích sự nết na hiền dịu của cô Tấm và sự độc ác của mẹ con Cám". Ngàn năm nay cứ nói “quả thị thơm cô Tấm rất hiền” hay bài hát gì đó cũng nói hiền lành như cô Tấm. Nhưng Tony đã viết như sau:

“Thật ra em thấy ngược lại mới đúng. Hiếu thảo là Cám, còn độc ác vô văn hóa mới là Tấm. Cám ngây thơ, hành động bộc phát duy nhất của Cám là ăn trộm tép mà thôi. Sau cú lừa chị đi tắm, Cám trút hết giỏ tép mang về. Đấy là 1 hành động ăn cắp vặt mà tuổi thơ nhiều người trải qua, em và bạn bè cũng vài lần ăn trộm xoài nhà hàng xóm. Thì nhắc nhở, dạy dỗ đừng làm vậy nữa, hoặc quánh vài roi chứ gì mà trả thù tàn bạo vậy. Các lần sau, Cám chỉ hành động theo lời mẹ mà thôi. Mẹ bảo gì thì làm nấy. Đó là sự hiếu thảo.

Riêng Tấm thì quá mít ướt, đụng đến là khóc. Ông Bụt cũng rảnh, hễ Tấm khóc là hiện ra, cho hết cái này tới cái kia. Các câu nói của Tấm như " giặt mà không sạch tao vạch mặt ra" hay " kẽo cà kẽo kẹt, mày tranh chồng chị, chị khoét mắt cho"...không thể nào thốt ra từ miệng của 1 người hiền dịu được. Em thấy Tấm nói chuyện giống dân giang hồ.

Còn ông vua cũng dễ dãi quá. Chị chết đưa em vô thế làm hoàng hậu cũng chịu. Lỡ Cám xấu quắc thì sao. Vua gì phơi áo ở bờ rào với sào tre mà sợ rách. Mà hoàng hậu sao lại đi giặt đồ, việc này phải người khác làm chớ. 

Còn việc leo cây cau, thì thấy dưới này đang chặt thì tuột xuống, chứ còn ngáo ngơ hỏi làm gì đấy mẹ, cây cau nào cao đến nỗi mà nhìn xuống không thấy? Còn hành động sai người rót nước sôi cho con Cám chết nhăn răng và sau đó cắt đầu làm mắm thể hiện sự độc ác đến ghê gớm của Tấm, vậy mà nói hiền dịu. Bao nhiêu người hả hê khi lấy 1 cái ác để trừng trị 1 cái ác, em thấy chẳng ra làm sao”

Đọc xong, cô giáo kêu Tony lên phòng giáo viên mắng té tát. Truyện này ngàn năm nay vẫn vậy, suy nghĩ của người xưa vậy đó. Chúng ta phải thấy hay. Em không được lấy suy nghĩ ngày nay áp cho chuyện xưa rồi phân tích kiểu vậy. Nhưng Tony nói nhưng mà người xưa cũng có cái hẻm có hợp lý mà, hẻm có phù hợp hiện tại thì phải cắt bỏ những đoạn không hay chứ. Cô nói không được là không được. "Lần này thi thử, cô xử bỏ qua. Lần sau thi thiệt, cô diệt em luôn", cô vừa nói vừa hỏi Tony có thấy cô hiền dịu giống chuyện Tấm hem. 

Tony nói Yes, Madam. You are very hiền dịu.

(Nguồn: Facebook TnBS)

TỰ DO TÔN GIÁO VÀ TỰ DO THỂ HIỆN TÔN GIÁO

Tự do tôn giáo và tự do thể hiện tôn giáo

Tự do tôn giáo và tự do thể hiện tôn giáo là hai vấn đề có liên quan với nhau nhưng không đồng nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có một số người đã đồng nhất hoặc cố tình hiểu sai hai vấn đề này cũng như mối quan hệ giữa chúng, từ đó xuyên tạc quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết của cư sĩ Tuệ Minh góp phần tiếp cận, phân tích vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Từ nhu cầu nội sinh, từ hoàn cảnh khá đặc biệt trong quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa với thế giới mà Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều tôn giáo, hầu hết các tôn giáo lớn có đông tín đồ trên thế giới đều có mặt (chỉ không có Do Thái giáo và Sikh giáo). Theo dòng thời gian, nhìn chung các tôn giáo ở Việt Nam khá hòa đồng, hầu như không xung đột. Sở dĩ như vậy có lẽ vì bản thân mỗi tôn giáo chứa đựng tư tưởng khiêm dung, phù hợp với văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Trong các thời kỳ lịch sử trước đây, một số tôn giáo đã có vai trò nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam, tham gia vào việc hình thành phong tục tập quán, nhất là tính nhân văn trong quan niệm sống, trong quan hệ giữa người với người,... Ðó là điều rất hiển nhiên, vì một tôn giáo tồn tại trong xã hội thì phải đóng góp cho xã hội đã tạo điều kiện để nó tồn tại. Nhưng giá trị lớn nhất, đáng nói nhất là các tôn giáo ở Việt Nam có mẫu số chung là đồng hành cùng dân tộc. Về phần mình, Nhà nước đã và đang áp dụng chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời với việc tôn trọng, nâng đỡ những giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo.

Việt Nam là quốc gia đã ký kết và tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) của LHQ. Theo Ðiều 18 ICCPR thì quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (trong bài viết này gọi tắt là quyền tự do tôn giáo) được coi là một trong những quyền cơ bản của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ. Ai cũng biết vậy, và người viết cũng thấy không cần nêu chi tiết điều luật hay phân tích nội hàm của quyền này, vì lẽ tất cả mọi người đều có thể tra cứu. Những người hiểu về quyền tự do tôn giáo theo nhận thức chung của nhân loại được LHQ ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR) hoặc trong ICCPR, sẽ dễ dàng thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình, cũng như thực hiện đúng quyền ấy để không vi phạm quyền của người khác và lợi ích của xã hội, vì họ biết phạm vi và giới hạn của quyền ấy. Chính Ðiều 18 ICCPR quy định rõ ràng để nhân loại hiểu và phân định giữa quyền tự do tôn giáo với tự do thể hiện tôn giáo, để trên thực tế mọi người không đánh đồng hay coi chúng là một, hoặc không thấy sự độc lập giữa hai thuật ngữ này. Có người không phân biệt hay cố tình không phân biệt quyền tự do tôn giáo với tự do thể hiện tôn giáo và cho rằng không có giới hạn trong quyền tự do tôn giáo, mọi người hoàn toàn tuyệt đối tự do lựa chọn, tin theo tôn giáo của mình! Nhưng khi thể hiện quyền tự do tôn giáo, tức là thực hiện hành vi tôn giáo trên thực tế với bối cảnh, điều kiện xã hội cụ thể mỗi người đang sống thì có ảnh hưởng, tác động gì đến chung quanh hay không? Mà khi đã ảnh hưởng, tác động đến chung quanh thì không ở đâu, không có xã hội nào lại đồng tình với việc vì đáp ứng nhu cầu rất riêng tư của cá nhân này lại làm ảnh hưởng tới nhu cầu riêng tư của cá nhân khác, ảnh hưởng tới trật tự vốn có của xã hội. Vì thế, Ðiều 18 ICCPR cho phép hạn chế quyền tự do thể hiện tôn giáo trong quy định của hệ thống pháp luật nhất định, khi hệ thống quy phạm pháp luật quy định sự cần thiết để bảo vệ sự an toàn, trật tự, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội, hoặc các quyền và tự do cơ bản của những người khác. Thế nên cần hiểu đúng để tránh sự cố chấp. Trên phương diện khác, lại có người hiểu chưa đúng hay nói chính xác là chưa đầy đủ về quyền tự do tôn giáo. Khi sự hiểu không đúng đó tích tụ lâu dần, nhiều dần, sẽ tạo thành xu hướng suy diễn tự do tôn giáo một cách tuyệt đối, tức là cho rằng tôi theo tôn giáo nào thì tôi tự ý làm mọi việc tôi thích, người chung quanh phải chấp nhận; hay mọi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ (gồm cả các hoạt động gần giống, hay có vẻ thế) là bất khả xâm phạm, nếu bị xâm phạm sẽ bị coi là vi phạm quyền tự do tôn giáo... Tuy nhiên, nếu lấy lý do đang thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình mà không lưu ý hoặc cố tình làm ảnh hưởng tới các giá trị và trật tự được pháp luật quy định, bảo vệ thì tất nhiên là trật rồi, chẳng hay ho gì trong tình huống ấy.

Hòa thượng Thích Quảng Ðộ rất nhiều lần bày tỏ mong muốn chính giới một số quốc gia phương Tây can thiệp vào Việt Nam để thay đổi chế độ chính trị, thay đổi vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở đất nước mình,... Chẳng lẽ tự do tôn giáo là kêu gọi sự can thiệp vào chính quốc gia mình hay sao? Ðã từng có những bài học nhãn tiền về sự can thiệp từ bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền chỉ đem lại sự phá hủy về vật chất, băng hoại về văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội. Cư sĩ Lê Công Cầu ở Thừa Thiên - Huế gần đây có tần suất xuất hiện nhiều trên các diễn đàn liên quan đến Phật giáo trên Internet để nói xấu quê hương, đất nước hòng kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài; từ việc bênh vực cho anh và một số tăng sĩ mà anh đang "phò giúp" lại đi đến mức dại dột hơn là đề nghị các cá nhân, tổ chức nước ngoài can thiệp vào Việt Nam để thay đổi trật tự trên đất nước anh đang sinh sống. Làm thế có khác gì "cõng rắn cắn gà nhà", tất nhiên Lê Công Cầu sức mấy mà làm được điều to tát đó, nhưng tự do tôn giáo dứt khoát không phải như thế! Nghe đâu anh còn làm "tổng thư ký" của một giáo hội gồm một số vị tu sĩ Phật giáo, như tự thấy mình sánh ngang với Hòa thượng Thích Huyền Quang ngày trước! Không biết tại sao tổ chức giáo hội có một số tu sĩ chân tu nhưng lại để anh Lê Công Cầu - một cư sĩ, leo lên tới chức vị vốn chỉ dành cho tu sĩ chuyên nghiệp? Lại thấy các hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Thích Viên Ðịnh tự ý lập ra tổ chức gọi là "Tăng đoàn giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" để "vận động dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo cho Việt Nam" nữa! Các vị ấy "vận động" như thế nào? Quan sát thì thấy họ chỉ chú mục viết bài đưa lên Internet, trong đó viết rằng hãy thay đổi chế độ chính trị ở đất nước mà họ là công dân. "Vận động" này thật ra là nghiêng nhiều về phía thù địch với chính quyền, tỏ rõ thái độ tiêu cực hơn là xây dựng và đóng góp cho xã hội, trong đó Phật giáo cùng các tu sĩ là một bộ phận.

Với một xã hội tiến bộ, đã tham gia ICCPR thì cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo được quy định ở Ðiều 18 ICCPR, trong đó việc đầu tiên và tối thiểu phải phân biệt được quyền tự do tôn giáo với việc tự do thể hiện tôn giáo. Phân biệt như thế vừa để hiểu rõ, vừa để nhận diện hai vấn đề khác nhau như thế nào để thực hiện cho đúng đắn. Quyền lựa chọn tôn giáo là tuyệt đối, còn quyền biểu hiện tôn giáo không là tuyệt đối, người Phật tử cần nhớ điều này, người tu sĩ chuyên nghiệp càng phải hiểu kỹ hơn để hoạt động tôn giáo thỏa mãn quyền tự do tôn giáo của mình. Hiểu kỹ để giác ngộ, hướng dẫn Phật tử, tín đồ, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, vừa góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, bảo đảm quyền con người, trong đó quyền tự do tôn giáo là một quyền cơ bản. Cố tình quên, cố tình không phân biệt hai khái niệm này là có lỗi, mà tín đồ tôn giáo không thể không có lỗi khi cố tình dối trá, không trung thực. Một người bình thường tìm hiểu về tự do tôn giáo có thể dễ dàng nhận ra, hà cớ gì một hòa thượng, một cư sĩ lớn tuổi (chắc hẳn cũng am hiểu đạo Phật) lại bỏ quên, hay chẳng dám đối mặt, thật tội lỗi xiết bao! Khi Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo của Hội đồng nhân quyền LHQ tới Việt Nam, tôi tưởng ngài sẽ tiếp xúc, gặp gỡ, tìm hiểu, đối thoại với nhiều tổ chức tôn giáo, tu sĩ, chức sắc tôn giáo để có cái nhìn toàn cảnh về tình hình tôn giáo trên đất nước này, vì chỉ như thế mới thấy được thực chất quyền tự do tôn giáo ở đây. Nhưng như qua tin từ họp báo của ngài tại Hà Nội và trả lời phỏng vấn của ngài trên RFA, tôi thấy ngài còn phiến diện. Ngài nói: "Các thiết chế tôn giáo đa dạng đang có mặt, người ta thấy các kiến trúc tôn giáo, các tín đồ đi cúng lễ. Tuy nhiên, tất cả đó bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Tín đồ tôn giáo bị thúc bách trong việc thực hành tín ngưỡng qua một số hình thái nào đó" là không đúng. Tôi và gia đình, bà con nơi tôi sinh sống vẫn thực hành tín ngưỡng bình thường, có ai bị kiểm soát đâu. Mà ngài đến gặp hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì làm sao ông ấy nói được điều tốt đẹp về đất nước tôi.

Sau khi Ðại hội đồng LHQ thành lập Hội đồng nhân quyền (HRC) thay thế Ủy ban nhân quyền (CHR) thì cơ chế hợp tác và đối thoại, tăng cường hiểu biết với cách tiếp cận "hiện thực hóa dần dần" trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của HRC là điểm mới so với tiếp cận "tìm kiếm, nêu sai phạm" của CHR. Anh Lê Công Cầu chớ tưởng rằng cố kể lể Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo của hòa thượng Thích Quảng Ðộ và "giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" là xóa nhòa được sự thật. Về điều này quý vị nên tham khảo ý kiến của hòa thượng Dhammananda bàn về Phật giáo và chính trị (Buddhism and Politics) in trong cuốn Phật tử tin gì (What Buddhists Believe) phát hành năm 1995: "Phật xuất thân từ tầng lớp vương tướng, và do đó, Ngài có nhiều liên hệ với các vị quốc vương, hoàng tử, quan lại trong triều đình. Mặc dù có nhiều liên hệ như thế, Ngài không bao giờ dùng các thế lực chính trị để truyền đạo, Ngài cũng không bao giờ cho phép giáo pháp của Ngài bị lợi dụng phục vụ cho các ý đồ chính trị... Ðời sống của mọi người trong xã hội được điều chỉnh bởi luật pháp và các quy định, bởi các bố trí kinh tế của quốc gia, bởi bộ máy quản trị hành chính, và như thế là chịu ảnh hưởng của các kết cấu chính trị ở quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu cư sĩ Phật tử muốn tham gia chính trị thì người đó không nên lạm dụng tôn giáo để mưu đồ tạo ra các quyền lực chính trị cho mình. Còn các tu sĩ vốn đã xuất gia, xa rời đời sống thế tục để dấn thân vào con đường tôn giáo tinh thần, thì không nên có những liên hệ quá tích cực vào các hoạt động chính trị".

Cư sĩ Tuệ Minh/Nhân Dân

Survival Bike: SIÊU XE SINH TỒN

Survival Bike: Chiếc xe sinh tồn dùng trong trường hợp sóng thần, zombie...


Cùng em này ra đường thì hổ báo nhất rồi còn gì, có 40 củ thôi các tình yêu ạ.


"Survival Bike: Black Ops Edition" được trang bị động cơ xe máy 4 thì, hai thùng nhiên liệu dự trữ, một cây súng bắn nỏ ở phía sau, một cái rìu, một cái xẻng công binh, một bộ dây móc, bộ đồ nghề leo núi, đèn chiếu sáng các loại và nhiều loại dao lẫn dụng cụ sinh tồn các thứ.

Bạn có thể dùng chiếc xe này trong trường hợp xảy ra thảm họa toàn cầu ví dụ như Zombie, sóng thần, T-Virus... Ghi đông có đế gắn điện thoại và GPS để dẫn đường, xe có thiết kế cực đơn giản nhằm giảm tối đa trọng lượng của xe để tiết kiệm nhiên liệu và tiết kiệm sức người, bởi nó còn có bàn đạp cho phép người ta có thể đạp xe khi hết xăng giống như những chiếc Mobillet ngày xưa. Theo thông tin mình được biết chiếc xe có giá khoảng 2000 USD





THÁI THÙY LINH VỚI VỤ CHÙA BỒ ĐỀ

Thái Thùy Linh lên tiếng trước sự thật khủng khiếp ở chùa Bồ Đề

Dư luận đang dậy sóng trước thông tin chùa Bồ Đề làm “trung gian” mua bán trẻ em mồ côi. Là người từng “vạch trần” cái xấu của một số người đội lốt nhà tu hành trước đây, Thái Thùy Linh cho biết chị thật sự vui mừng khi sự thật được phanh phui.

Ngày 4/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - CATP Hà Nội) đã bắt khẩn cấp hai đối tượng vụ nghi án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Trước đó, thông tin nghi vấn chùa Bồ Đề làm “trung gian” mua bán trẻ em mồ côi khiến dư luận xôn xao, cộng đồng mạng thể hiện nhiều bức xúc.

Cách đây gần một tháng, sau những bức xúc dồn nén, lại thêm việc nghe được câu chuyện của một người phụ nữ kể về việc cứu một trẻ sơ sinh ra khỏi chùa Bồ Đề đã khiến ca sĩ Thái Thùy Linh đăng đàn trên trang cá nhân, “vạch trần” cái xấu của một số người đội lốt nhà tu hành. Bài viết của Thái Thùy Linh đã nhận nhiều sự ủng hộ và cả những phản ứng trái chiều…

Trong thời điểm dư luận đang “nóng” lên khi cơ quan điều tra đang hé mở dần sự thật khủng khiếp về chùa Bồ Đề, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Thái Thùy Linh về vấn đề này.

Cảm xúc của chị như thế nào khi đường dây mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề đang được phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc bắt giữa và khởi tố một số đối tượng liên quan?

Tôi vừa mừng vừa cảm thấy lo lắng.

Điều khiến tôi mừng nhất là sự việc gây nhức nhối từ lâu, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ về về đức tin, chân- thiện- mỹ nhưng do quá nhạy cảm mà không ai dám động vào giờ đã được cơ quan điều tra, được pháp luật can thiệp làm cho sáng tỏ. Mừng cho những đứa trẻ thoát khỏi lòng thương giả tạo và sự chăm sóc hời hợt.

Tôi cũng mừng cho những người thẳng thắn dám đứng lên tố cáo, mừng cho những phóng viên điều tra đã bỏ thời gian dài, bất chấp hiểm nguy để theo đuổi sự việc này. Họ đã vượt qua những trở ngại về sự vất vả, bị đe dọa và nỗi sợ hãi vô hình về quả báo, bị trời phạt khi động đến nơi đền chùa…để đưa sự thật ra ánh sáng. Chỉ với quan điểm trên trang cá nhân cách đây gần một tháng mà tôi đã bị trách cứ, thậm chí bị chửi bới, bị đe dọa, huống hồ những người xông pha vào tận nơi để điều tra.

Và tôi cũng mừng với suy nghĩ: Sự thật xấu xa được phơi bày, ban đầu có thể khiến những người tình nguyện viên, những nhà hảo tâm cảm thấy bị sốc, bị tổn thương nhưng, thà cắt bỏ cái ung nhọt để làm lại còn hơn là bị mất dần niềm tin.

Bên cạnh đó, tôi vẫn có sự lo lắng. Tôi không rõ câu chuyện này sẽ được làm sáng tỏ đến đâu, đến chừng nào. Có thể vì những lý do nhạy cảm, sự việc sẽ bị ém nhẹm phần nào. Những người bị bắt, bị khởi tố biết đâu chỉ là những con tốt thí thì sao? Còn người đứng đằng sau mọi việc, liệu sẽ bị xử lý đúng tội không?

Với tư cách người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, điều tôi lo lắng là, nếu sự việc này không được làm sáng tỏ sẽ khiến nhiều người phẫn nộ, các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể quay lưng với các hoạt động thiện nguyện.
Thái Thùy Linh chia sẻ.
Trước đây, chị từng tham gia các hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề chưa?

Tôi chưa sang chùa Bồ Đề làm từ thiện. Gần 3 năm nay tôi quá bận rộn với các hoạt động thiện nguyện như chuỗi chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viên”, “Mặc Ấm vì học sinh dân tộc miền núi”…và nhiều chương trình khác nữa. Tôi có suy nghĩ, chùa Bồ Đề đã nổi tiếng, đã nhận được nhiều sự chung sức của các nhà hảo tâm nên tôi muốn dành sự quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn nơi hẻo lánh, chưa được nhiều hỗ trợ. Gần 1 năm nay tôi có nghe nhiều chuyện tiêu cực ở chùa Bồ Đề nên tất nhiên tôi càng không chọn nơi đó để hoạt động thiện nguyện.

Chị đã nghe những chuyện khuất tất về chùa Bồ Đề từ khi nào, sao chị không lên tiếng sớm hơn, biết đâu sự việc sẽ được xử lý sớm?

Tôi biết nhiều chuyện ở chùa Bồ Đề qua các tình nguyện viên, qua người thân đi từ thiện ở chùa Bồ Đề. Có quá nhiều chuyện nhưng tôi không thể nói ra khi chưa tận mắt kiểm chứng. Tháng trước thì tôi thấy các thông tin đang tin cậy về chùa Bồ Đề càng lúc càng tệ nên dự định tự mình tìm hiểu sâu hơn về chùa Bồ Đề. Tôi và MC Lê Anh đã định hẹn một buổi gặp mặt các nghệ sĩ biết và quan tâm tới chùa Bồ Đề để cùng đóng góp thông tin cho rõ. Nhưng chưa kịp thực hiện thì biết bên báo chí đã điều tra.

Khi tôi chia sẻ những bức xúc nghi vấn trên trang cá nhân, tôi có kêu gọi những ai biết chuyện về chùa Bồ Đề xin lên tiếng? Hàng trăm người đã vào chia sẻ, rất nhiều câu chuyện… Sau tôi phải tạm xóa bài viết trên trang cá nhân vì một nhà báo có nói với tôi đừng gây chú ý kẻo “đánh rắn động cỏ”.

Có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, khi đường dây mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị phát giác, những đối tượng liên quan bị khởi tố thì gần 200 trẻ em đang sống ở đó có bị lơ là chăm sóc, có bị đói khát hơn khi không nhà hảo tâm nào đến thăm nom?

Tôi lại nghĩ, bình thường những đứa trẻ đã không được chăm sóc cẩn thận rồi. Những ngày này khi mọi con mắt từ dư luận, cơ quan điều tra đang đổ dồn về phía chùa Bồ Đề thì họ sẽ tìm cách… chăm các cháu tốt hơn chứ. Tôi tin các cháu sẽ được đối xử tốt và không cháu nào… mất tích vào thời điểm này. Thực tế, ngay từ khi biết có “biến”, những thông tin khởi đầu trên mạng, trên báo chí thì tôi nhận được thông tin nhà chùa đang sửa, lắp điều hòa cho phòng của các cháu!?

Vậy chị nghĩ sao khi sự việc ầm ĩ tại chùa Bồ Đề sẽ khiến các nhà hảo tâm, những người nhiệt tình với công việc tình nguyện sẽ dần mất niềm tin và quay lưng với các hoạt động thiện nguyện?

Với tư cách người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, điều tôi lo lắng là, nếu sự việc này không được làm sáng tỏ sẽ khiến nhiều người phẫn nộ, các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể quay lưng với các hoạt động thiện nguyện. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta mất niềm tin vào các nơi, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ?

Tôi mong cơ quan điều tra một cách công minh vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này!

Xin cảm ơn chị!

"SỔM CẶC" HAY "SỔM SẶC"?

Khoai@


Mấy hôm nay thấy mấy cụ chí thức cứ đem chuyện "Sổm Cặc" ra để chê trách chửi bới báo Nhân Dân. Mới đọc em cũng tin là các "cụ chí" nhà ta giỏi thế, đã phát hiện ra lỗi của báo chí nước nhà, mà lại còn biết là không nên dùng từ "Cặc" ở đây.

Hôm nay đọc được bài này mới hiểu, sự thật là cái từ "sổm Cặc" tai tiếng ấy là kết quả của phô tô xốp, và kẻ làm ra cái món "Cặc" ấy là trang web chống cộng có cái tên cũng có hình tượng trym cò: Đàn Chim Việt!

Từ "Sổm Sặc" được chữa lại thành "Sổm Cặc". Thế mới tài.

Mời các bạn đọc bài từ Lều Báo để biết sự thật:

Diễu cợt phiên âm "tên Tây": hợm người thì biết đến ai!

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn internet lưu hành một hình ảnh được cho là chụp một bài báo của báo Nhân Dân với tên của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan là Somsak Kiatsuranont trên tiêu đề bài báo được phiên âm thành Sổm-cặc Kiệt-sụ-ra-nôn. Hình ảnh này được nhiều người, trong đó có cả những người viết báo, người đứng trên bục giảng vốn thường tự coi mình như "cái rún của vũ trụ", "trí tuệ của nhân gian" đem lên cộng đồng mạng để chế diễu những người làm báo Nhân Dân. Thật ra, chỉ cần tinh ý một chút, người ta cũng có thể thấy đây là một "sản phẩm" có vấn đề hoặc đã được "phô-tô-sốp" vì tên phiên âm của chủ tịch QH Thái Lan trong bài viết lại là "Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn". Điều đáng nói hơn nữa, thực ra hình ảnh này là một "chế phẩm" của trang web "Đàn chim Việt", một trang web chống Cộng "nhiệt tình và ngu dốt" ở hải ngoại, đăng lên từ 2011. Một trang web của những kẻ "chống cộng kiếm ăn" bằng những thủ đoạn bẩn thỉu như bôi nhọ, đơm điều đặt chuyện đối với tất cả những gì liên quan đến chế độ trong nước và ĐCSVN những tưởng chỉ bịp bợm được những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết chứ ai ngờ rằng dễ dàng "xỏ mũi" những người "tinh hoa xã hội" như thế!


Thật ra, cho dù hình ảnh đó có là chân thực đi chăng nữa thì việc phiên âm tên ngoại quốc sang tiếng Việt của báo Nhân dân (cũng như báo QĐND và 1 số "báo Đảng" khác) hoàn toàn là có lý do chính đáng của nó. Lý do thì cực kỳ đơn giản, nhưng đối với những kẻ hợm hĩnh có 1 chút kiến thức trong đầu thì không bao giờ nghĩ đến được, đơn giản vì họ là một lũ hợm người! Chuyện này làm tôi nhớ đến một bà cựu TBT 1 tờ báo tại TPHCM đã viết 1 bài blog chê bai các bài thơ cổ động của Bác Hồ và cho rằng đó không thể cùng là của người viết ra "Ngục trung nhật ký" vì nó "quê mùa" mà không hề biết nghĩ đến cái mục đích "nói cho dân tôi nghe, viết cho dân tôi xem" của những tác phẩm đó.

Cũng để mọi người cùng hình dung về "mối tương quan" giữa tiếng Thái và tiếng Việt, tôi xin kể câu chuyện nhỏ của cô Y, một người bạn vong niên của tôi, một cựu du học sinh Nhật trước 1975. Khi đó, cô Y. có chơi thân với một cô người Thái, cùng là du học sinh bên Nhật. Vì chơi thân nên cô Y. cũng muốn học tiếng Thái để dễ nói chuyện với bạn và tìm hiểu thêm về văn hóa đất nước Chùa vàng. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, cô Y. đành phải giã từ mong muốn đó của mình bởi vì...có nhiều từ tiếng Thái khi phát âm rất giống những từ rất "nhạy cảm" trong tiếng Việt!

Quay lại cái "lý do cực kỳ đơn giản" của việc các "báo Đảng" trong thế kỷ 21 này vẫn còn phiên âm các tên riêng nước ngoài một cách "quê mùa" (như cách nhìn của các vị tân thời), xin nhường lời cho bạn Bao Bất Đồng, trong một "trạng thái" vui nhộn đăng trên Facebook đã nói rõ ràng về điều này, ngay dưới đây.

☻☺☻

Tui có biết chút tiếng Anh, chẳng giỏi giang gì, phát âm trật lên trật xuống, lâu lâu có chuyện phải trao đổi với Tây thì tui dùng...tay nhiều hơn mồm. Tiếng Pháp thì tui dốt đặc cán mai, viết cái tên ca khúc Pháp nhiều khi trật lên trật xuống, ca nhạc Pháp thì thôi rồi, cứ rống theo chớ nào biết khỉ gío gì nào là "ra về đi xi - nê" "mi thì ra là mi". " đít to, mà - xề, quớ lớ dong-te".

Cơ mà ngẫm lại thấy mình cũng còn may là có được chút tiếng Anh làm vốn.

Năm 6 hay 7 tuổi gì đó, tui đọc báo (mới biết đọc nên máu me), thấy chữ Roméo tui đọc váng lên là....Ro- méo. Ba má tui cười rần rần. Một kỷ niệm khó quên đến nỗi bây giờ tui vẫn gọi đôi nam nữ huyền thoại kia là Ro- méo và Du- lết.

Những người làm báo theo tiêu chí "viết cho dân tui coi" như báo Nhân Dân chẳng hạn, họ phải phiên âm tên nước ngoài, mục đích là để con nít và những ai không biết ngoại ngữ có thể đọc được. Bà con hãy tưởng tượng xem, nếu một người chưa bao giờ học Anh ngữ thì họ làm sao đọc được những cái tên như Michel Jackson,whitney Houston, Bruce springteen, Jennifer Lopez, Paul McCartney...? Tất nhiên là họ vẫn phải trẹo mồm mà đọc và mỗi người đọc mỗi phách. !!!

Vậy bà con đã thấy sự cần thiết phải phiên âm tên nước ngoài ra Tiếng Việt cho nhân dân cả nước đọc rồi chứ?

Quay ngược thời gian thì trước khi báo Nhân Dân phiên âm tên nước ngoài thì từ đời não đời nao người Việt Nam đã gọi Ngài ngồi trên bông sen là Thích Ca Mâu Ni, gọi mẹ ông ấy là hoàng hậu Ma-da, gọi tên lúc chưa xuất gia của ông ấy là Tất Đạt Đa. Sau này khi Kito giáo truyền vào Việt Nam thì các nhà truyền giáo đời F1 cũng đã phiên âm tên các ông Thánh cho giáo dân Việt Nam đọc được: Gioăn, Phao-lô, Phê- Rô, Ma-thi-ơ...

Vậy tại sao bây giờ lắm kẻ nhạo báng, giễu cợt báo Nhân Dân khi họ phiên âm tên nước ngoài? Có lẽ các thánh ấy thấy buồn cười khi mà ở thế kỷ 21 này, Báo Nhân Dân vẫn cứ It-ra-en, Oa-sinh-tơn, E-Hút Mu-ba- Rắc, Ác-Hen-ti-na...trong khi họ đọc tiếng anh vèo vèo? Tôi nhớ có lần gặp các bô lão sĩ quan, trí thức chế độ cũ, các bác ấy đem chuyện báo Cộng Sản viết "Hiệp Định Giơ-ne-vơ" ra cười cợt. Rằng thì là CS quê bỏ mẹ, ngay cả cái tên Geneve đọc cũng không xong.

Ai có khả năng đọc được Tiếng Anh, tiếng Pháp thì tự hào cũng được nhưng ỷ mình biết ngoại ngữ mà chê cười lối phiên âm như vậy thì thốn lắm.

Tại sao vậy ?

Vì cho dù anh giỏi ngoại ngữ đến đâu thì anh cũng không thể sành sỏi hết thảy ngôn ngữ trên hành tinh này. Anh biết tiếng Anh nhưng chắc gì anh đọc được tên một ông Bồ Đào Nha như Simão Barbosa hay tên một ông Đức dài loằng ngoằng với hàng đống chữ Z lộn tùng phèo? Các anh liệu có đọc được tên một ông Hoàng Ả Rập tên viết như giun bò?

Ko nói chuyện Âu- Mỹ xa xôi, ngay cả tên mấy ông Lào, Thái sát bên đít nếu không đươc phiên âm thì liệu mấy người đọc đuơc? Mà mấy ông này cũng chẳng xa lạ gì: Thạc- Xỉn, Khăm-Tày Xi-phan- Đon. Khi Trung Quốc ngang ngược lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, các anh réo ông Tập Cận Bình ra chửi, các anh có bao giờ thắc mắc ở đâu lòi ra cái chữ Tập Cận Bình hết sứ dễ đọc cho các anh chửi ?

Phiên âm tên người tên địa danh nước ngoài ra tiếng Việt là một điều rất cần thiết. Nếu không có những người làm báo, viết sách phiên âm thì đến bây giờ tui cũng không biết phải đọc tên những diễn viên Ca sĩ người Pháp mà tui yêu thích như Ai-Len Đờ-Lông, Giô Đa-Xanh, Chở- rít-tốp-phơ thế nào...Thậm chí cái bà nữ hoàng Ai Cập Leopâtre tui cũng chả biết gọi làm sao.

Người Anh tất nhiên là họ giỏi...tiéng Anh nhưng chắc gì người Anh nào cũng biết tiếng...Nga. Đó là lý do tại sao họ phải phiên Âm thủ đô nước Nga sang tiếng Anh là Mosscow. Không riêng tên địa danh, hàng đống ông Guốc -đi- lốp -cốp, Dép-đi-lép-xép số má cũng được phiên âm ra tiếng Anh tuốt. Và hoj cũng làm điều tương tự với tiếng Hoa, họ gọi Phạm Băng Băng là Fan Bing Bing, gọi Bao Bất Đồng là Bao Bu Tong....

Người Anh phiên Âm tiếng nước khác ra tiếng Anh là điều bình thường, còn người Việt phiên âm tên tiếng Anh ra tiếng Việt thì bị nhạo báng, chê cười!!! Sao kỳ cục đến mức vô lý vậy?

Nói trắng phớ ra thì cái sự vô lý này chẳng qua là cái thói hợm hĩnh bố láo của các vị mà thôi. các bố ỷ có chút ngoại ngữ thì chê người làm báo, người đọc báo...dốt hơn bố, bố là bố không cần phiên âm đâu nhá, bố đọc tên tiếng Anh vèo vèo...

Con ếch nó ngồi trong đáy giếng thì nó chỉ thấy bầy trời to bằng cái tô !!!!

CHÁU BÉ BỊ MUA BÁN Ở CHÙA BỒ ĐỀ ĐÃ CHẾT

Cháu bé bị mua bán ở chùa Bồ Đề đã chết


TP - Ngày 4-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án “mua bán trẻ em” liên quan đến vụ việc một cháu bé bị bỏ rơi, được chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) nhận nuôi dưỡng đã bị bán.

Trang và Nguyệt đã bị bắt khẩn cấp về hành vi mua bán trẻ em

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã mời sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì ngôi chùa này tới làm việc.
Nội dung trên được trung tá Nguyễn Cao Khải, Đội phó đội phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em (Phòng CSHS Công an Hà Nội) cho biết khi trao đổi với PV về kết quả điều tra bước đầu vụ người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề câu kết với đối tượng bên ngoài để bán cháu Cù Nguyên Công - cháu bé bị bỏ rơi với giá 35 triệu đồng. 

Sư trụ trì không liên quan?

Trung tá Nguyễn Cao Khải cho biết thêm, trước đó, anh Nguyễn Thành Long (ở quận Long Biên) có tham gia vào hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề nên quen biết Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, ở quận Hai Bà Trưng, người được giao quản lý khu trông nom trẻ trong chùa Bồ Đề).

Ngày 22/6/2014, Nguyệt đã gọi điện cho H. thông báo cháu Công tử vong do mắc bệnh và đã được chôn cất. Được biết, cơ quan điều tra đang hoàn tất các thủ tục để tiến giám định ADN xem có đúng thi thể của cháu Công hay không.Qua thời gian tham gia hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề, ngày 29/10/2013 anh Long nhận được tin nhắn của Trang với nội dung: Có một bé sơ sinh được phát hiện ở cổng chùa, dây rốn chưa rụng, người bỏ rơi không để lại bất kỳ thông tin gì. Vợ chồng anh Long đã nhận làm bố mẹ đỡ đầu của cháu bé và được nhà chùa đặt tên là Cù Nguyên Công. 

Trước tình cảm dành cho cháu bé, thỉnh thoảng vợ chồng anh Long được nhà chùa cho phép đón cháu bé về nhà chăm sóc vài ngày. Đến chiều 31/12/2013, Trang gọi điện cho vợ chồng anh Long nói: Đưa cháu Công về chùa ngay vì sắp có đoàn kiểm tra. Nhưng đến ngày 4/1 vừa qua, vợ anh Long đến chùa để đón bé Công về đưa đi khám bệnh (trước đó Công bị viêm đường hô hấp) đã không thấy cháu bé đâu.

Theo anh Long, khi bị gặng hỏi, Trang chỉ giải thích mẹ cháu bé đã đón về. Trước sự vòng vo của người quản lý khu nuôi trẻ, anh Long đã gửi đơn trình báo sự việc tới cơ quan công an. Xác định có dấu hiệu một vụ mua bán trẻ em, cơ quan công an đã vào cuộc. Quá trình điều tra, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội bắt khẩn cấp Trang và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, tạm trú ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi mua bán trẻ em. 

“Quá trình điều tra vụ án, CQĐT cũng đã mời sư Thích Đàm Lan - sư trụ trì chùa Bồ Đề lên làm việc. Tuy nhiên, với tài liệu hiện có thì chưa đủ căn cứ xác định sư Thích Đàm Lan liên quan đến hành vi mua bán trẻ em” – trung tá Nguyễn Cao Khải nói.

Lừa mẹ viết giấy “bán” con

Tài liệu công an cho thấy, tháng 10/2013, Trần Thị Thu H. (SN 1989, ở Phú Thọ) sinh con là cháu Cù Nguyên Công nhưng không có khả năng nuôi dưỡng đã gửi bé vào chùa Bồ Đề. Cháu Công đang được nhà chùa và vợ chồng anh Long chăm sóc cháu, nhưng khi được Nguyệt đề nghị tìm giúp một cháu bé để nhận làm con nuôi và hứa trả thù lao nên Trang đã lừa gia đình anh Long mang cháu Công về chùa rồi bán cháu bé. Theo yêu cầu của Nguyệt, Trang đã dẫn Nguyệt đi tìm chị H, rồi giới thiệu Nguyệt là chị dâu mình, hiện cả gia đình rất yêu thương trẻ con nên không cần phải lo lắng gì.

Theo đó, các đối tượng đã thuyết phục H. viết giấy cho con (H. cho Nguyệt bé Công - PV) với nội dung: Do H. quan hệ bất chính với chồng của Nguyệt và đẻ ra cháu Công, nay H. giao con lại Nguyệt để vợ chồng Nguyệt nuôi dưỡng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Nguyệt đưa cho Trang 35 triệu đồng. Trang cũng chuyển một phần cho H - gọi là tiền bồi dưỡng công sinh đẻ.

Tuy nhiên, đến ngày 22/6/2014, Nguyệt đã gọi điện cho H. thông báo cháu Công tử vong do mắc bệnh và đã được chôn cất. Được biết, CQĐT đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành giám định ADN xem có đúng thi thể của cháu Công hay không.

Thu phí cho - nhận con nuôi là sai trái, cần xử nghiêm

Cũng trong chiều 4/8, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức tôn giáo, từ thiện đã tham gia tốt công tác chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở thực hiện hoạt động này một cách tự phát, chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 68 và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội đối với trường hợp cơ sở tôn giáo nuôi từ 10 đối tượng trở lên.

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trả lời báo Tiền Phong chiều 4/8

Về việc tồn tại một số cơ sở nuôi dưỡng không được cấp phép thành lập, theo ông Tô Đức, trong thực tiễn có nhiều người dân bằng niềm tin tôn giáo đã bỏ rơi trẻ em, trong đó có nhiều trẻ em sơ sinh tại nhà chùa, cơ sở tôn giáo khác…Các cơ sở này tiếp nhận theo mục đích nhân đạo, từ thiện nhưng do nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật của một số cá nhân trong cơ sở đó rất hạn chế, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng mà chưa lập hồ sơ thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. 

Liên quan đến chùa Bồ Đề, dư luận từ lâu đã lên tiếng về việc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi để “buôn bán” nhưng tại sao tới bây giờ cơ quan chức năng mới phát hiện? Ông Tô Đức cho rằng, có những vụ việc, sự việc, trường hợp chỉ được làm rõ khi cơ quan điều tra vào cuộc bởi tính chất phức tạp, khó khăn trong việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật.

“Nếu người dân đến chùa phát hiện ra các trường hợp có dấu hiệu bất thường như ở chùa Bồ Đề có thể báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Hiện nay, Sở đã thành lập Trung tâm công tác xã hội là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, thu thập thông tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ” – ông Tô Đức cho biết. 

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, các khoản phí thu ngoài quy định của pháp luật trong việc cho - nhận con nuôi đều là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, cần phải làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để không còn xảy ra trường hợp tương tự như ở chùa Bồ Đề, theo ông Tô Đức, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở tôn giáo chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; Phối hợp với các tổ chức tôn giáo hướng dẫn, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh; Chỉ đạo chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh, báo cáo; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức cho những người làm việc ở các cơ sở này cũng như người dân...