Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

SỰ TRÁO TRỞ CỦA MỘT NGƯỜI TỪNG LÀ...LUẬT SƯ

Sự tráo trở của một người từng là... luật sư !

Thứ ba, 18/11/2014 - 03:03 AM (GMT+7)

Sau hơn ba năm chấp hành án vì "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", ngày 6-2-2013, Lê Công Định được ra tù trước thời hạn. Ngỡ rằng sau khi được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước, Lê Công Định sẽ rút ra bài học để làm lại cuộc đời, song qua một số ý kiến đã công bố, lại thấy dường như anh ta đang muốn chứng minh mình là con người tráo trở?

Năm 2010, trước khi tòa nghị án, Lê Công Định đã thành khẩn nhận tội, tỏ ra ân hận vì "đi ngược lại những đóng góp của gia đình trong hai cuộc kháng chiến". Đến hôm nay, vi-đê-ô clip và lời nhận tội của Lê Công Định vẫn còn nguyên trên internet, cho thấy việc làm "có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 88 Bộ luật Hình sự, như tôi bị khởi tố. Tôi rất hối hận về sai lầm của mình mà vì đó mà tôi đã bị bắt tạm giam như ngày hôm nay. Do vậy, tôi đã hợp tác khai báo đầy đủ về việc làm của mình cho cơ quan điều tra, mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng theo quy định của pháp luật".

Sau hơn ba năm, do chấp hành tốt nội quy trại giam trong quá trình thụ án, Lê Công Định đã được ra tù trước thời hạn. Trở về với gia đình, với xã hội, thời gian đầu, Lê Công Định khá im hơi lặng tiếng, nhưng từ ngày 3-2-2014, sau khi trả lời phỏng vấn của BBC với những dòng phác họa "Từ năm lên bảy tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của bốn năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi" thì dường như anh ta bắt đầu hoạt động trở lại thông qua facebook, qua những bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên một số diễn đàn của các thế lực thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam?

Ai cũng hiểu một điều đơn giản, một người có bản lĩnh sẽ rất khó có thể bị lôi kéo. Song theo lời khai của Lê Công Định với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vào năm 2009 thì anh ta lại liên tục bị lôi kéo, lúc thì: "Với sự lôi kéo của Nguyễn Sĩ Bình, tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và là thành viên Ban Thường vụ tổ chức này và đã tham gia các việc làm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam", lúc thì "Đầu tháng 3-2009, tại Pattaya, Thái-lan, tôi đã bị tổ chức Việt tân lôi kéo tham gia lớp huấn luyện đấu tranh bất bạo động"! Và đâu là sự chín chắn khi một người từng mang danh "luật sư" mà khi bàn về tự do ngôn luận, tự do báo chí trên BBC lại chỉ dẫn lại điều luật quốc tế hay điều luật nước này, nước khác có lợi cho mình (như để lòe bịp người chưa đọc các văn bản đó?), tảng lờ các nội dung có tính chế định và ràng buộc: "Trong khi thực hiện những quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ" (khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế); "Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (...) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý" (khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị); "việc thực thi các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia, tính đến hoàn cảnh khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo" và "Việc thực thi nhân quyền và các quyền tự do cơ bản sẽ chỉ được giới hạn theo quy định của luật pháp nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của những người khác, và để đáp ứng các yêu cầu chính đáng về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cũng như phúc lợi chung của tất cả mọi người trong một xã hội dân chủ" (Điều 7, Điều 8 Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN)?

Đồng thời với việc đưa ra ý kiến không hoàn chỉnh về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Lê Công Định còn có xu hướng "hoài cổ", soi mói lịch sử nhằm xuyên tạc (hay mê hoặc người đọc thiếu am hiểu lịch sử?). Thí dụ, để hạ thấp ý nghĩa trọng đại của ngày 2-9, mấy tháng trước, trong khi nhân dân cả nước hồ hởi đón chào Quốc khánh thì Lê Công Định công bố trên facebook, sau đó gửi đăng trên BBC ý kiến cho rằng, ngày 11-3-1945 "Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ" là "thời điểm đáng lưu ý... xét về phương diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11-3-1945"! Viết như vậy, Lê Công Định tự chứng tỏ anh ta hoặc là người rất kém hiểu biết lịch sử, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử để phủ nhận một sự kiện, một giá trị quan trọng của đất nước Việt Nam. Bởi người Việt Nam am hiểu lịch sử dân tộc đều biết ngày 11-3-1945 Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", ra tuyên bố này khác,... là do sức ép của phát-xít Nhật, qua đó chấp nhận thay thế thế lực ngoại xâm đô hộ này (Pháp) bằng thế lực ngoại xâm đô hộ khác (phát-xít Nhật). Để sáng tỏ, Lê Công Định nên tìm đọc hồi ký của ông Trần Trọng Kim cùng các tài liệu liên quan để hiểu quan hệ của ông với người Nhật như thế nào, tại sao lại có ý kiến cho rằng "Trần Trọng Kim bị người ta dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ông ra đóng góp với dân tộc"!

Phát ngôn bừa bãi về ngày độc lập của dân tộc xong, Lê Công Định chuyển sang ca ngợi... chế độ Sài Gòn trước đây! Như muốn hùa theo mấy kẻ chống cộng người Mỹ gốc Việt đang sống ngày tàn nơi đất khách quê người và tự huyễn hoặc, tự an ủi nhau về "quá khứ oai hùng", Lê Công Định làm thơ "kính tặng" một viên tướng vì bại trận phải tự sát và "tướng lĩnh, binh sĩ VNCH", mà qua câu thơ "Từng thao lược, can trường xông trận mạc - Giặc thù phơi xác, máu loang chân" (!) là có thể hiểu anh ta đứng về phía nào. Sau đó, nhân "ngày giỗ Ngô chí sĩ" và kỷ niệm sự kiện Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, Lê Công Định vừa viết trên facebook coi Ngô Đình Diệm là "nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ở thế kỷ 20..., nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã xuống vì quốc gia Việt Nam" (!), vừa đưa lên internet bức ảnh chụp anh ta đứng bên mộ Ngô Đình Diệm như muốn khẳng định không nói suông!? Thậm chí mới đây, trong một status đăng trên facebook cá nhân, trong khi xưng xưng viết "lịch sử phải khách quan", anh ta lại bất chấp sự thật lịch sử, ngang nhiên coi việc chính quyền Ngô Đình Diệm "lê máy chém" giết hại nhân dân miền nam là "vu cáo... luận điệu tuyên truyền của nhà nước"! Bàn về một vấn đề hệ trọng như thế, nhưng không tìm hiểu lịch sử, hay anh ta cố tình bỏ qua lịch sử để "làm đẹp thần tượng Ngô chí sĩ"!? Rất nhiều tài liệu về tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm do chính người Mỹ và nhiều người nước ngoài viết đã xuất bản, chẳng lẽ Lê Công Định không đọc? Còn về máy chém, mọi người đều biết đó là một công cụ man rợ mà chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng để giết hại đồng bào, mà cái chết của Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh, bị chém ở Cần Thơ năm 1956), Hoàng Lệ Kha (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, bị chém ở Tây Ninh năm 1960),... là những sự kiện đủ chứng minh Lê Công Định cố tình đổi trắng thay đen, phớt lờ sự thật lịch sử. Nếu là người cầu thị, Lê Công Định cần đọc mấy dòng của tác giả Cao Hữu Tâm khi trao đổi với một số người đang lao xao "hoài Ngô" đã viết trên trang mạng sachhiem.net: "Cụ đã mục xương lâu rồi, đừng mang cái xác thối của cụ ra bắt người khác ngửi mùi tử khí "anh minh" nữa. Cụ do Mỹ cho về, cũng lại do Mỹ bứng đi, đó là quy luật của nhờ cậy rồi phản bội, thôi. Còn muốn chống cộng, không phải chỉ văng tục chửi thề tục tĩu là cộng sản chết đâu, mà kết quả ngược lại, tức là bị phản ép - phê rồi đó!".

Tuy nhiên, sự tráo trở của Lê Công Định thể hiện rõ nhất khi anh ta viết: "Chính biến cố bắt giam tôi ngày 13-6-2009 đã đẩy tôi vào con đường chính trị một cách bất đắc dĩ"! Viết như thế, chẳng hóa ra là Lê Công Định tự "vả" vào những gì anh ta nói khi trả lời phỏng vấn của BBC như đã dẫn ở trên? Từ sự thành khẩn nhận tội của anh ta trước tòa, thử hỏi ai đã tham gia "ban thường vụ" của cái gọi là "đảng dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình ở Hoa Kỳ, và nếu không bị bắt giữ thì còn giữ chức "tổng thư ký" của cái "đảng" bịp bợm này? Thử hỏi, ai đã tham gia "khóa huấn luyện" của tổ chức khủng bố "Việt tân" năm 2009 ở Pattaya (Thái-lan)? Thử hỏi, ai đã lấy các bí danh Nguyên Kha, Paul, C4 (Chị Tư) để liên lạc với đồng bọn, soạn thảo 33 tài liệu công kích chế độ? Thử hỏi, ai đã công khai thừa nhận "Tôi thấy những việc làm của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với hành vi sai trái của mình"? Chẳng lẽ đó không phải là hoạt động chính trị? Bằng các câu chữ này, Lê Công Định không chỉ tráo trở sổ toẹt lời khai mà qua đó như muốn đổ lỗi cho chính quyền đã đẩy anh ta vào "con đường chính trị". Phải chăng Lê Công Định muốn dọn đường để tiếp tục đi trên con đường cũ bằng cách thức khác? Phải chăng anh ta muốn đánh tiếng về "lòng trung thành" với ai đó? Tiền hậu bất nhất, nhưng lời khai, vi-đê-ô clip nhận tội của anh ta thì vẫn còn rành rành trên internet. Thiết nghĩ, từng là một "luật sư" được ca ngợi có "tài năng", nhưng Lê Công Định lại công khai thể hiện thái độ tráo trở như vậy thì thử hỏi, đâu là con người đích thực của anh ta?

Vũ Hợp Lân/Nhân Dân

"HIỆU ỨNG THÀNH LỘC" LÀ BƯỚC ĐẦU...

“Hiệu ứng Thành Lộc” là bước đầu...

TT - Ở các nước phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore..., chúng ta không thể thấy cái gọi là “văn hóa giao thông”, bởi lẽ với họ giao thông, cho dù đi bộ hay lái xe, là hành vi xã hội được luật hóa.

Ở đó không có khái niệm nhường nhịn, thông cảm, cố gắng, nỗ lực hay bỏ qua. Nhà nước phải đảm bảo chuẩn hóa tất cả những gì liên quan đến khía cạnh vật chất của giao thông như đường, cầu, hệ thống tín hiệu, vỉa hè, đảm bảo cho người dân thực thi quyền đi lại, còn người dân cứ việc làm đúng với những gì luật định đề ra, bất cứ công dân nào nếu sai thì bị chế tài theo từng mức độ. Đó là xã hội được tổ chức theo chức năng và chuẩn mực cơ học. Khi xã hội có trật tự, lớp lang và minh bạch trong hành vi từ các phía thì không cần kêu gọi đến “thái độ ứng xử văn hóa” trong giao thông, nếu có chăng “văn hóa giao thông” là giúp đỡ trẻ em, người già khi tham gia giao thông.

Ở Việt Nam, do chúng ta còn thiếu nhiều thứ: hệ thống cơ sở hạ tầng như đường vừa thiếu lại vừa yếu về chất lượng, hệ thống quản lý vừa kém lại vừa tiêu cực, hệ thống vận tải hành khách không chỉ yếu mà còn dở. Không ít trường hợp người dân “buộc phải vi phạm Luật giao thông”, chẳng hạn đèn báo xanh đỏ tắt ngấm, xuất hiện “lô cốt” chiếm mặt đường, vào giờ cao điểm mặt đường không đủ cho lưu lượng xe di chuyển. Về phía người dân cũng đang tồn tại một thực trạng là không tôn trọng Luật giao thông, bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào cũng sẵn sàng vi phạm, và nó phổ biến đến mức trở thành “chuyện thường ngày”.

Hệ quả là ở Việt Nam, thảm họa giao thông đang đe dọa sự tồn vong của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Hằng năm có hơn 12.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người chịu hệ lụy xấu khi mất người thân. Do vậy chúng ta mới cần đến “hành vi văn hóa giao thông” và nó được coi là giải pháp tốt nhất hiện nay.

Trong bối cảnh như thế, hoạt động của nghệ sĩ Thành Lộc lập một trang web kêu gọi mọi người cùng cam kết không vi phạm Luật giao thông là điều thật đáng trân trọng. Bảy hành vi mà Thành Lộc coi là những việc làm nhỏ nhất đề nghị mọi người cùng nhau cam kết không thực hiện bao gồm: đi sai làn đường, bấm còi xe liên tục, chen lấn khi tắc đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, leo lề, lái xe sau khi uống rượu bia đã nhận được hưởng ứng nhanh và nhiều của xã hội.

Những nghệ sĩ nổi tiếng và có tư cách tốt có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, nhận thức và hành động của họ có sức lan tỏa trong xã hội rất lớn đôi khi gây tác dụng nhiều hơn các phong trào được phát động rầm rộ. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những “hiệu ứng Thành Lộc” trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em, bảo vệ động vật, bảo vệ di sản đô thị. Đó là sự đóng góp cho xã hội của nghệ sĩ chân chính góp phần làm lan tỏa sự tử tế, đẩy lùi làn sóng “tự gây thảm họa”.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần ý thức được rằng “văn hóa giao thông” chỉ nên tồn tại trong giai đoạn quá độ ngắn từ xã hội kém phát triển lên xã hội phát triển, chứ không nên coi nó là chỗ dựa duy nhất để cải thiện chất lượng giao thông, nhất là trong xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật.

NGUYỄN MINH HÒA

XE CÁN CHÓ KHÔNG PHẢI LÀ TIN, MÀ CHÓ CÁN XE MỚI ĐÍCH THỰC LÀ TIN

Khoai@


Mình cũng rất bức xúc về vụ này. Nhất là khi chiều qua, Chuyển động 24 giờ "hăm dọa" Công Phượng khi yêu cầu em phải lên tiếng và "hứa" rằng "em sẽ vẫn được đá bóng". 

Đó là kiểu hăm dọa cực kỳ côn đồ!

Đkm, dù sự thật như thế nào đi chăng nữa, nhưng anh đây phát tởm vì lối làm báo như thế.

Đây là bài báo nói về cách đối xử với các tài năng, mặc dù còn nhiều điều chưa đồng ý với ý kiến của ông Hà Văn Thịnh, nhưng đây là bài đáng tham khảo:

Công Phượng: chuyện buồn về cách đối xử với một tài năng

Hà Văn Thịnh/ Một thế giới

Ảnh bên: Cuộc sống của Công Phượng này vẫn chưa được để yên. Ảnh: Bạch Dương (TNO) 

Cứ nghĩ rằng một trong những nguyên nhân làm cho miền Trung nghèo là do sự ghen ăn, tức ở, níu chân nhau, ganh tỵ mất đoàn kết đã thành ‘truyền thống’ nhưng qua câu chuyện về tuổi thật của cầu thủ bóng đá tài năng Công Phượng, mới thấy rằng cách nghĩ đó là sai mà, sự thật, đó có lẽ là thói quen thật xấu xưa nay của… người Việt?

Có một ‘truyền thuyết’ trong dân gian hiện đại kể rằng một người muốn tìm mua thứ cua ở miền Trung có hương vị đậm đà hơn so với cua ở miền Nam giữa chợ Bến Thành. Anh ta được chỉ dẫn là cứ tìm cái thùng đựng cua nào không đậy nắp, đó đích thị là cua miền Trung: Bởi ‘thứ cua’ đó có thói cứ níu kéo nhau, con nào trèo gần lên đến miệng thùng, ngay lập tức sẽ bị cả bầy cua kéo xuống…

Trên FB, một giảng viên trẻ của Đại học Ngoại ngữ Huế là Đoàn Minh Triết bày tỏ sự bức xúc rất đúng rằng, Công Phượng 19 hay 21 tuổi thì đâu có là gì để hết dư luận này đến dư luận kia lao vào xăm xoi tìm vết?

Giả sử nếu như cái tuổi 19 không đúng đi nữa thì có sao vì đội U19 có quyền bổ sung 3 cầu thủ quá tuổi. Hơn nữa, nếu như sau cùng, ‘chứng cứ lịch sử’ khẳng định Công Phượng 21 tuổi thì đó cũng đâu phải là lỗi của cầu thủ trẻ này?

Khai sinh là việc của mẹ cha và tuyển chọn từ nguồn là quyền của Hoàng Anh Gia Lai, người ta đã ‘cho qua’ từ khi Công Phượng còn nhỏ, chẳng ai biết sau này em ấy sẽ thành danh để đến nỗi chịu cái kiếp nạn ‘hội đồng’ tốn biết bao nhiêu là giấy mực…

Như là ‘định mệnh’, chuyện lùm xùm của Công Phượng xảy ra gần như cùng một lúc với chuyện ông nông dân Hai Lúa Trần Quốc Hải (cụm từ 5 chữ này là tên gọi trìu mến của bà con nông dân Tây Ninh dành cho Đại tướng quân Trần Quốc Hải) được nhà nước Campuchia tặng huân chương Đại tướng quân vì có đóng góp đặc biệt trong việc sửa chữa xe bọc thép do Liên Xô cũ sản xuất: Nhiên liệu tiết kiệm được 50% mà các tính năng kỹ thuật lại vượt trội - hỏa lực mạnh hơn, cơ động hơn…

Cái đau và cái xót là ở chỗ, Hai Lúa Trần Quốc Hải không phải là người từ trên trời rơi xuống, ‘sau một đêm ngủ dậy làm ra cả tập thơ thần’ như ai đó, mà phát minh của ông chỉ là sự tiếp nối cả một chuỗi phát minh, cải tiến từ rất lâu rồi nhưng không được… cua miền Trung chấp nhận!

Hàng vạn kỹ sư, TS, PGS… của nước mình dường như chẳng có một ai chịu thừa nhận rằng có những người không có bằng cấp vẫn có thể giỏi hơn những cái bằng hư danh của họ. Đây không hề là điều mới bởi cách đây hàng ngàn năm, Chúa Jésuse đã phải đau đớn mà kêu lên rằng “Tiên tri nào cũng bị hắt hủi ở ngay chính quê hương mình”.

Làm sao đội ngũ bằng cấp đông như quân Nguyên có thể chấp nhận nổi một người chỉ lo làm mà không nói, khác xa với rất nhiều những người khác nói hay, nói nhiều mà không chịu làm bởi không biết làm gì khác ngoài mớ lý thuyết kinh điển vừa nặng, vừa dày? Họ quên mất Thomas Edison (1847-1931) dù bị đuổi học ngay trước khi kết thúc tiểu học vẫn có hơn 1.500 bằng phát minh, Bill Gates chỉ mới học đến năm thứ ba đại học nhưng lại tài giỏi phi thường và giàu nhất thế giới…

Hai Lúa Trần Quốc Hải đích thị là một nhà phát minh: Chỉ riêng việc tiết kiệm được 50% nhiên liệu cho chiếc xe bọc thép được ra đời từ công trình nghiên cứu của vô số kỹ sư, phó TS, TS của Liên Xô cũ đã là một giá trị rất đáng tôn vinh rồi. Một con người vừa tài năng vừa khiêm tốn như thế sao phải lâm vào cảnh đất dữ đất buồn chim khó ở chim bỏ chim phải bay đi?

Chưa thấy bất kỳ một nhà khoa học nào trong nước lên tiếng (trừ các GS người Việt ở nước ngoài) – có nghĩa là mãi đến lúc này, vẫn chẳng có ai muốn thấy – thừa nhận một ‘con cua’ xứng đáng vượt thoát ra khỏi cái thùng tức tưởi, vì sự tức ở xót xa…

Nếu như mỗi chúng ta ít phải vật vã hơn với những câu thành ngữ cay đắng như thói ghen ăn, tức ở, đâm bị thóc, chọc bị gạo; gắp lửa bỏ tay người; thọc gậy bánh xe; ném đá giấu tay…, thì chắc hẳn, cuộc sống sẽ ấm êm hơn, sự phát triển sẽ lành mạnh hơn. Một bậc thầy về nghề báo có ‘định nghĩa’: Xe cán chó không phải là tin mà chó cán xe mới đích thị là tin. 

Thật buồn …

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

THẬT THÔ THIỂN KHI NÓI: ĐAM MÊ CỦA TÔI KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH Ở VIỆT NAM

LâmTrực@


Cộng đồng mạng xôn xao vụ anh Trần Quốc Hải được nhà nước Campuchia vinh danh vì thành tích sửa và chế tạo xe bọc thép cho quân đội nước này. 

Hầu như ngay lập tức báo chí nhảy vào tung hô anh một cách thái quá, và tiện tay chỉ trích chính quyền coi nhẹ chất xám, không khuyến khích và trọng dụng nhân tài.

Điều đáng nói, chính anh Hải lại phát biểu rằng: "Đam mê của tôi không được khuyến khích tại Việt Nam"

Đó là tuyên bố thô thiển.

Sáng nay, đọc được câu chuyện bên Beo blog nói về việc chính quyền và những người có trách nhiệm đã quan tâm tới cái gọi là sáng chế, hay độ chế gì đó của anh Trần Quốc Hải. Để rộng đường dư luận, Tre Làng cho đăng lại toàn bộ bài viết này.

Chuyện anh Hải chế máy bay trực thăng

Copy từ Beloved MamaCat

Cuối 2005 đầu 2006, khi anh Hải và anh Danh lắp xong 1 chiếc trực thăng nữa (cả 2 chiếc chưa thử nghiệm bay), báo chí viết: "Hai Lúa chế tạo máy bay!" rất phấn khích. Lúc đó tôi vừa làm "Tại sao không?", liền cùng bạn biên tập Thủy Trà về ngay Suối Dây, Tây Ninh xem thực hư ra sao. Nhà anh Hải nghèo, 2 mô hình máy bay nằm ở 2 gian lợp tôn. Máy bay thứ nhất động cơ xe Zin, ghế nhựa buộc dây thép, ống sắt. Mô hình thứ hai gắn Honda hay Kole gì đó, bộ phanh ga cũng là của động cơ trên, tôi không còn nhớ, phủ sắt gò sơn trắng gồ ghề. Cánh quạt kiếm từ phế liệu chiến tranh. Riêng cửa kính trước anh Hải kể phải đi lùng ở chợ Dân Sinh rất lâu. Gia đình rất thân thiện và lúc đó anh Hải anh Danh chỉ mong làm sao được các nhà khoa học chứng nhận cho sáng chế này. Mặc dù trước đó, mô hình trực thăng đầu tiên không bay được, khi mang ra đồng thử nghiệm thì không thể cất cánh, địa phương phải yêu cầu dừng vì sợ chết người, nhưng anh Hải vẫn được địa phương cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới toàn quốc, điều đó chứng tỏ chính quyền ủng hộ anh đến thế nào. Và anh đã nói, nhờ vinh dự đó mà anh quyết chế chiếc thứ hai!

Anh Hải là người tâm huyết và lắm sáng kiến, lại khéo tay. Lúc đó chúng tôi hỏi anh làm gì để sinh sống và có tiền chế máy bay, thì anh chỉ những chiếc xe tải nhẹ chở mía chạy qua, bảo chúng đều do anh độ, để tăng hiệu suất chở mía. Nông dân quanh vùng đều đến anh để cải tiến xe của họ. Ngoài ra, anh còn đang chế một vài loại công cụ làm ruộng khác, và anh chỉ cho chúng tôi xem 1 cái máy bừa.

Đúng kiểu "Tại sao không?", chúng tôi đam mê cái đam mê của anh, và quan tâm xem điều gì đã thúc đẩy anh nghĩ tới máy bay trực thăng, anh mở máy tính, cho xem khoảng 30 tấm ảnh download từ internet về các loại máy bay trực thăng từ thời ban đầu của chúng. Bản vẽ hai chiếc máy bay rất sơ sài và thuần túy là mô hình, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy không mang yếu tố cơ khí chính xác.

Tôi giới thiệu các anh với ba tôi, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khoa Cơ khí, bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh rất phấn khởi và trong tháng đó đã ra ngay Hà Nội để gặp ba tôi. Nhận xét của ba tôi là: Anh Hải và anh Danh không nắm kiến thức cơ bản, cụ thể nhất là trọng tâm máy bay ở đâu thì không xác định được. Các kiến thức như khí động lực, cơ học các vật thể bay lại càng không có. Do đó, 2 vật thể được tạo ra chỉ mang tính chất mô phỏng, chỉ là mô hình máy bay trực thăng. Cả nhà tôi yêu mến sự nhiệt tình của các anh, Ba tôi tặng 2 anh quyển "Mục đích cuộc sống", hồi ký của Công trình sư Yakovlev, cha đẻ của máy bay trực thăng YAK. Và ông giới thiệu hai anh với Bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không ĐHBK Hà Nội, lúc đó Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Mịch, phụ trách về Kỹ thuật hàng không đã sẵn sàng lập 1 nhóm vào Tây Ninh giúp 2 anh nghiên cứu và điều chỉnh lại, trước nhất là tìm trọng tâm của máy bay, mọi chi phí do Bộ môn chịu. Tôi nhớ hai anh phấn khởi lắm, lên ngay kế hoạch và điện thoại qua lại, gửi ảnh gia đình rất vui.

Nhưng chỉ sau độ nửa tháng, anh Hải có "báo tin vui" với ba tôi, là hội Cựu chiến binh với 1 ông tướng bộ binh về hưu nào đó vừa tới thăm và cam kết sẽ yêu cầu các cấp chính quyền công nhận sáng chế của các anh. Rồi anh được một số người quân sư viết thư lên Chủ tịch nước. Rồi, diễn ra 1 chương trình Người đương thời về 2 anh, trong đó có nhà khoa học phản biện rằng máy bay như thế không thể bay được. Nhưng có lẽ anh Hải chỉ cần được công nhận.

Báo chí sau đó thỉnh thoảng lại xới lên là Hai Lúa còn chế được máy bay, coi đó là "cái tát nhẹ" đối với các trường, viện, các kỹ sư nói chung. Ngay như thông tin là chiếc máy bay thứ hai được trưng bày ở Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York trong Project Gallery trong mấy tháng, không ai chú ý rằng đó là do 1 nghệ sĩ gốc Việt giới thiệu như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Một mô hình.

Năm 2007, sau khi khảo nghiệm nhiều lần, kể cả cho bay thử (không thành), Bộ Quốc phòng đã kết luận: máy bay này được lắp ráp sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng và không đạt tiêu chuẩn an toàn, cho nên Bộ khuyến cáo dừng ngay việc thử nghiệm máy bay. Như vậy là chính quyền và quân đội mất nhiều công để bảo vệ tính mạng cho anh và những người xung quanh.

Một điều chắc chắn rằng, có những sáng chế đơn giản, sáng ý là làm ra được, như cái phin cà phê bằng giấy, hay cái máy bừa. Nhưng trực thăng không phải là cái có thể sáng chế ra kiểu nhanh trí như thế. 

Nhiều bài báo về anh Hải cũng mắc tội nhanh trí khôn, nghe - chép, nhìn - mô phỏng. PV Việt ngữ BBC sang bên Tây rồi cũng không khá gì hơn. Cái ý "Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học" làm tôi thấy phì cười. Và chủ ý của bài viết, "Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN" thật thô thiển. 

Anh Trần Quốc Hải có lẽ là người nông dân được ưu ái nhất trong số những người cần cù lao động và tự chế tạo những công cụ cho mình.

Anh Hải có phải thiên tài hay không, sản phẩm của anh có tính khả dụng không, xin mời bấm vào đây hoặc chỗ này để đọc.

QUY CHỤP VÀ PHẢN BIỆN

Cuteo@


1. Quy chụp

Có thể hiểu nôm na "quy chụp" là đổ lỗi, hoặc kết tội cho người khác theo kiểu chụp mũ.


Một anh CSGT trả lại tiền nhặt được cho người bị mất lại bị quy chụp vào hành động không bình thường, hâm và khùng. Một người không thích tham gia bia bọt rượu chè chỉ vì cơ thể anh ta di ứng với chất có men, liền bị quy chụp là thiếu hòa đồng. Một người có kiến khác, hoặc trái chiều với lãnh đạo liền bị cho là chống đối.

Quy chụp trước hết thể hiện sự thiếu tôn trọng thanh danh, uy tín, nhân phẩm người khác người khác. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thấp hèn. Không biết thừa nhận người khác thì không thể khẳng định được mình. Chưa chắc chắn mà đã quy chụp có thể sẽ vùi dập, bóp chết những tâm hồn khác, bẻ gẫy những chồi non mới nhú...

Đáng sợ nhất là cấp trên quy chụp cấp dưới rồi dẫn đến hành động quy chụp gây khó, kìm hãm cấp dưới. Chồng hoặc vợ quy chụp lẫn nhau chỉ vì tôi thấy anh đi cùng với người thứ ba nào đó hôm qua, và anh làm gì mà về muộn? Điện thoại sao lại cài mật khẩu?...Để rồi hạnh phúc gia đình tan nát, sứt mẻ cũng chỉ vì tư duy quy chụp. Một người lên mạng, phát biểu quan điểm của mình trái với ý của những người chống cộng, liền bị quy chụp là dư luận viên. Một người phản biện về một dự án kinh tế nào đó ngõ hầu tìm ra phương án tối ưu cho phát triển rất có thể bị coi là chống phá.

Chúng ta sẽ vô cùng khổ sở khi bị quy chụp theo kiểu thằng này thế nọ, thằng này thế kia, và rằng nó có làm được gì đâu...Hậu quả là ta không thể tiến bộ dù có hờn, có mát, có cố, có gắng.


Quy chụp đã tồn tại trong lịch sử cho đến tận bây giờ, và nó là vật cản của sự tiến bộ xã hội.

2. Không quy chụp, dân mới muốn phản biện

Quy chụp sẽ giết chết phản biện. Vì thế, muốn được nghe dân nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, cần phải bỏ tư duy quy chụp.

Bàn về vai trò phản biện của MTTQ, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị nên có quy định về việc giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.


Tôi chú ý đến phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa.


Ông Nghĩa cho rằng dự luật nên bổ sung thêm hai nguyên tắc. (1) tôn trọng sự khác biệt về quan điểm; (2) không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện. 


Ông nói: “Đã từng có chuyện đấu tranh chống tham nhũng sau đó có chuyện bị kỳ thị và đối xử phân biệt. Vì vậy nên có nguyên tắc như vậy để động viên được các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giám sát, phản biện xã hội. Còn không người ta chỉ nói bên ngoài, thậm chí người ta không nói gì cả". 


Nguyên tắc thứ hai, theo ông Nghĩa, là không được lợi dụng giám sát, phản biện để có những hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại mối đoàn kết toàn dân, gây bạo loạn nhằm chống lại Nhà nước nhằm lật đổ chính quyền. "Hai nguyên tắc hoạt động này của Mặt trận sẽ tạo ra sự cân bằng và làm cho luật khi ban hành sẽ có một tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống".


Thật đúng khi nói: Người dân sẽ vô cùng sợ hãi khi phản biện bị quy chụp cho là chống đối!

TT OBAMA MUỐN THẮT CHẶT QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Tổng Thống Obama muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Naypyitaw, ngày 13/11/2014.Tin liên hệ

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói hiện đang có nhiều cơ hội để thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác với Việt Nam, bất chấp lịch sử phức tạp giữa hai nước.

Hãng tin AP hôm nay tường thuật rằng Tổng Thống Obama đã đơn cử những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác gồm: thương mại, an ninh và nhân quyền, vào lúc ông chuẩn bị gặp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề các hội nghị thượng đỉnh khu vực đang diễn ra ở Myanmar.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói điều quan trọng là các nước phải tuân thủ luật quốc tế trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp. Ông nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để thu hồi hài cốt của những quân nhân Mỹ đã tử trận trong chiến tranh Việt Nam.

Ông nói vị thế kinh tế đang lên của Việt Nam là một bằng chứng về sức mạnh của nhân dân Việt Nam, và những biện pháp cải cách đã được thực hiện. Ông nói buổi gặp gỡ với Thủ Tướng Việt Nam sẽ là một cơ hội để hai bên hợp tác về mậu dịch và đầu tư.

Trong một bài báo về quan hệ Mỹ-Việt đăng trên trang mạng của Diễn đàn Đông Á, nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nhận định rằng quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hôm 2 tháng 10 vừa rồi, là một trong các bước hành động quan trọng nhất trong việc cải thiện quan hệ giũa hai nước cựu thù, kể từ khi hai nước nối lại bang giao cách đây gần hai thập niên.

Sự thay đổi về chính sách của chính phủ Mỹ được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh biển cho Việt Nam vào một thời điểm khi mà Trung Quốc đang leo thang những hành động để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trong Biển Đông. Động thái này một phần là một phản ứng đáp lại việc Bắc Kinh hồi tháng Năm đã triển khai một giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Tuy vậy, các giới chức Mỹ đã tìm cách làm giảm nhẹ vai trò của Trung Quốc trong quyết định của Washington muốn xích lại gần Việt Nam. Tác giả dẫn lời một giới chức cao cấp Mỹ nói rằng quyết định của Washington được đưa ra “dựa trên nhận thức là khu vực này cần phải nâng cao khả năng hàng hải, và đáp ứng nhu cầu đó là một việc làm có ích.” Giới chức này khẳng định quyết định của Mỹ không phải để đáp lại bất cứ hành động hoặc cuộc khủng hoảng nào hiện nay, và cũng không phải là một động thái “chống Trung Quốc.”

Các giới chức Mỹ trong một thời gian dài đã duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Người Mỹ cho rằng Việt Nam đã mua trang thiết bị quân sự của Nga trong nhiều thập niên, và có lẽ chỉ muốn Washington tháo dỡ lệnh cấm vận vũ khí như một cử chỉ thiện chí, hơn là thực sự muốn mua vũ khí của Mỹ. Nhưng các giới chức Mỹ cho biết là từ đầu năm 2004, Việt Nam đã bày tỏ ý định muốn mua các máy móc radar và phi cơ, tàu giám sát biển của Mỹ.

Ông Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nói giờ đây, Hà nội phải quyết định liệu họ muốn tận dụng quyền được tiếp cận công nghệ của Mỹ như thế nào. Chính sách mới của Mỹ cho phép Việt Nam mua tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Việt Nam, và các máy bay giám sát, chẳng hạn như chiếc Orion P-3 của công ty Lockheed, có khả năng giúp Việt Nam theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu của CSIS nói rằng sau khi Mỹ loan báo nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Trung Quốc đã trở lại tỏ thái độ hoà hoãn hơn với Việt Nam, nhằm làm lung lay ý định của Hà nội muốn mua vũ khí và trang thiết bị quân sự Mỹ. Ông đơn cử chuyến đi thăm Việt Nam của Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vào cuối tháng 10, và chuyến đi Trung Quốc của phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh dẫn đầu một tuần trước đó. Trong các chuyến thăm qua lại này, các giới chức hai nước đã cam kết sẽ tránh leo thang căng thẳng như đã xảy ra sau khi giàn khoan 981 được kéo sâu vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc khu đặc quyền kinh tế của mình.

Bằng cách nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Mỹ đã tháo gỡ thêm một trở ngại đối với quan hệ Mỹ Việt, quyết định đó cho thấy Washington giờ sẵn sàng giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Và bây giờ Hà Nội sẽ phải hành động để tận dụng cơ hội này như thế nào.

Nhà nghiên cứu của CSIS lưu ý rằng Washington chỉ mới nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam, quan hệ hai bên có triển vọng được nâng cấp hơn thế nữa, nếu một số điều kiện khác được thoả đáng, trong đó có vấn đề cải thiện nhân quyền.

Nguồn: AP, East Asia Forum, Pending Interview

VỀ XE BỌC THÉP CỦA "HAI LÚA" TRẦN QUỐC HẢI

Cuteo@


Thực ra chuyện nông dân ta độ, chế máy móc phục vụ cuộc sống không hiếm. Những việc làm đó đáng được trân trọng và khuyến khích.


Mấy ngày qua, cộng đồng mạng phát sốt lên vì chuyện bố con ông Trần Quốc Hải ở tỉnh Tây Ninh, đón nhận huân chương Đại tướng quân do nhà nước Campuchia trao tặng vì những đóng góp vào kỹ thuật cho đất nước Campuchia thông qua việc sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB.


Là người Việt Nam, ta tự hào lắm chứ. Nhưng, là người Việt Nam ta cũng trăn trở và suy nghĩ lắm chứ!


Ta tự hào vì một anh nông dân Việt Nam thôi cũng đã có thể chế tạo được xe bọc thép, mô hình máy bay, hay tàu ngầm.


Với tôi, thì việc làm của bố con ông Hải là phi thường. Nhưng đối với các nhà khoa học quân sự Việt Nam, nó hoàn toàn là câu chuyện bình thường, nếu không muốn nói là: Chẳng có gì to tát cả.


Thực tế, việc sửa chữa, cải tạo xe bọc thép BRDM 2 cũ đã được quân đội Việt Nam tiến hành, và cũng từng được làm ở Ukraine.

Cách đây vài năm, ông Trần Quốc Hải đã từng chế tạo máy bay trực thăng nhưng chưa có kết quả thực nghiệm và theo các nhà chuyên môn, nó không đạt tiêu chuẩn về an toàn và tiêu chuẩn cần có của một máy bay trực thăng.

Ông cũng có sáng chế, và lắp ghép một số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy trồng mì, máy giặt mủ cao su tạp, máy phun thuốc cao su, dàn cày không lật…và đang hoàn thiện máy thu hoạch mía.v.v..


Ông Thanh Huy, trong một bài báo gửi BBC có nhận định:

"Thông tin trên đã gây hiệu ứng dậy sóng lên cộng đồng mạng ở Việt Nam, đa số cho rằng Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng sự sáng tạo của họ thường vấp phải các “thế lực vô hình” cản trở, do cơ chế, do không được khuyến khích, không đất dụng võ, danh vị giáo sư, tiền sĩ quá nhiều nhưng đa số là yếu kém và vô dụng".

Nhìn nhận một cách công bằng, việc ông Hải sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 với trọng lượng 7,7 tấn là một việc hết sức bình thường ở Việt Nam. Thực tế, sửa chữa ô tô ở Việt Nam là nghề phổ biến. Một chiếc xe dù to lớn đến thế nào, cũ nát ra làm sao, đảm bảo chỉ trong vài tuần, tại các gara ô tô chiếc xe đó sẽ được hồi sinh đến không ngờ.

Nói cho đúng, ở Việt Nam, việc sửa chữa xe tăng hay ô tô đều không thiếu người làm được. Ông Thanh Huy cho rằng: "Việc thay động cơ xăng với kỹ thuật, công nghệ chế tạo từ thập niên 60 bằng một động cơ diedel tương đồng với công nghệ hiện đại là việc làm đơn giản. Hiệu quả tăng công suất thiết bị, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm đi khoảng 1,5 lần là mặc định". 


Nhận định này là không sai. Ông Huy cũng nhận định: "Việc làm của ông Hải tương tự cũng được luật pháp Việt Nam cho phép và hướng dẫn theo Thông tư số: 29/2012/TT-BGTVT, khoản đ, mục 1, điều 8 có nội dung “Cải tạo thay thế động cơ khác loại của ô tô tải thông dụng, ô tô tải tự đổ, ô tô tải chuyên dùng chở xe máy thi công, ô tô chở người đến 25 chỗ phải đảm bảo Động cơ thay thế có công suất lớn nhất, số vòng quay ứng với công suất lớn nhất, mô men xoắn lớn nhất, với thay đổi giảm không quá 10%, thay đổi tăng không quá 15%.”

Ngoài ra việc đóng mới xe bọc thép trên nguyên tắc cơ học, sử dụng các bộ phận tổng thành, hệ thống có sẵn của các nhà chế tạo để lắp ráp cũng là chuyện bình thường mà nhiều nông dân miền tây đã thực hiện độ chế tương tự.

Khu vực huyện Tri Tôn – tỉnh An Giang trước đây cũng đã độ chế trên 2000 xe vận tải tự chế, trên 600 xe ben có tải trọng hàng hóa trên 10 tấn để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương trong hoàn cảnh đường sá là đồng ruộng, sình lầy mà bất cứ xe nhập khẩu nào cũng không thể sử dụng được".


Trở lại câu chuyện ông Trần Quốc Hải chế tạo Trực thăng hồi cách đây 2 năm, cộng đồng mạng dường như có cùng tiếng nói ủng hộ ông, thậm chí là tung hô ông trong mối quan hệ so sánh về tài năng của ông với các nhà khoa học Việt Nam. Trong cơn lốc a dua ấy, hình ảnh các nhà khoa học trở nên nhạt và các nhà quản lý cũng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích không đáng có. 


Không cần lý lẽ, không cần đọc tham khảo, không cần giải thích, cộng đồng mạng thẳng thừng chỉ trích chính quyền, mà trực tiếp là các nhà quản lý là cản trở sự sáng tạo, là không biết quý trọng tài năng.

Ông Thanh Huy cho đó là: "Một sự phê phán rất “nông dân” cho một thử nghiệm có nguy cơ gây tai họa cho bản thân người thử nghiệm, và nguy cơ cho người dân trong khu vực. Và chính các cơ quan chức năng liên quan của chính quyền là người đầu tiên chịu trách nhiệm này trước cộng đồng". Ông Huy cũng thẳng thắn cho rằng: "Nhìn lại một chiếc máy bay trực thăng được chế tạo bằng một động cơ ô tô Zil 130 “lên nòng xoáy cốt” độ chế từ 150 lên 300 mã lực, hầu hết những người biết về động cơ trên thế giới, không có ai dám chắc chắn rằng động cơ quái gở này bắt đầu hoạt động, tồn tại và duy trì được trong bao nhiêu phút, thì hệ quả việc bay thử hay bay thật có khả năng an toàn tới đâu?

Các nguyên lý cơ học, sức bền vật liệu phải tuân thủ phương pháp tính toán để đáp ứng yêu cầu kết cấu về cường độ, độ mỏi. Phải được kiểm tra lại các sản phẩm cho là đúng chuẩn bằng những thiết bị thí nghiệm hiện đại để phát hiện lỗi sản xuất, thậm chí còn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn vật liệu hàng không vũ trụ ASMT…

Ông Hải hầu như chưa đáp ứng được những yêu cầu trên, thì việc cấm bay của các cơ quan hữu trách là việc bắt buộc phải thực hiện để ngăn ngừa tai nạn và hỏa hoạn".

Dưới góc độ quản lý, thì rõ ràng chính quyền có lý khi không thể cho ông thử bay trên bầu trời, bởi trước hết là sự an toàn của chính ông và sau nữa là của cộng đồng dân cư.


Thực tế phải khẳng định ông Hải là người làm giỏi, nhưng ông không phải là thiên tài. Và theo ông Thanh Huy, "Từ những thông tư hướng dẫn của chính phủ, ban bộ chuyên ngành, hay sự ràng buộc về an toàn trong lao động sản xuất trên nguyên tắc mọi người phải tuân thủ, ông Hải vẫn đang tự do kinh doanh và làm giàu trên những sản phẩm copy, độ chế hay tự chế tạo thì việc ông phát ngôn: “Ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích” là một sự áp đặt quá đáng". Nhận định của nhiều người căn cứ vào một chuyện “gặp duyên cớ” của ông Hải bên nước Campuchia mà phê phán rằng Việt Nam bị ràng buộc cơ chế, không trọng dụng ông Hải, không tạo điều kiện phát huy tài năng để làm giàu cho bản thân, góp phần làm giàu cho xã hội, dẫn đến làm chậm phát triển đất nước, là phát ngôn có sự lợi dụng cảm tính phi khoa học hơn là tôn trọng sự thật".

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là nhiều người tài, nhiều nhà khoa học giỏi ở Việt Nam vẫn chưa được trọng dụng. Hiện tượng chảy máu chất xám, lãng phí nhân tài là có thật và nó đang là nỗi đau nhức nhối của những nhà lãnh đạo chính quyền, và cả của người dân.

Đến đây, lại xin mượn lời ông Thanh Huy để thay cho lời kết: "Dư luận cần tránh quá tung hô nông dân sản xuất máy bay, xe bọc thép, hoặc chính phủ nên tránh việc chỉ thích đầu tư những dự án thật lớn, thật ảo vọng để cạnh tranh, để xứng tầm khu vực".