Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

THẬT THÔ THIỂN KHI NÓI: ĐAM MÊ CỦA TÔI KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH Ở VIỆT NAM

LâmTrực@


Cộng đồng mạng xôn xao vụ anh Trần Quốc Hải được nhà nước Campuchia vinh danh vì thành tích sửa và chế tạo xe bọc thép cho quân đội nước này. 

Hầu như ngay lập tức báo chí nhảy vào tung hô anh một cách thái quá, và tiện tay chỉ trích chính quyền coi nhẹ chất xám, không khuyến khích và trọng dụng nhân tài.

Điều đáng nói, chính anh Hải lại phát biểu rằng: "Đam mê của tôi không được khuyến khích tại Việt Nam"

Đó là tuyên bố thô thiển.

Sáng nay, đọc được câu chuyện bên Beo blog nói về việc chính quyền và những người có trách nhiệm đã quan tâm tới cái gọi là sáng chế, hay độ chế gì đó của anh Trần Quốc Hải. Để rộng đường dư luận, Tre Làng cho đăng lại toàn bộ bài viết này.

Chuyện anh Hải chế máy bay trực thăng

Copy từ Beloved MamaCat

Cuối 2005 đầu 2006, khi anh Hải và anh Danh lắp xong 1 chiếc trực thăng nữa (cả 2 chiếc chưa thử nghiệm bay), báo chí viết: "Hai Lúa chế tạo máy bay!" rất phấn khích. Lúc đó tôi vừa làm "Tại sao không?", liền cùng bạn biên tập Thủy Trà về ngay Suối Dây, Tây Ninh xem thực hư ra sao. Nhà anh Hải nghèo, 2 mô hình máy bay nằm ở 2 gian lợp tôn. Máy bay thứ nhất động cơ xe Zin, ghế nhựa buộc dây thép, ống sắt. Mô hình thứ hai gắn Honda hay Kole gì đó, bộ phanh ga cũng là của động cơ trên, tôi không còn nhớ, phủ sắt gò sơn trắng gồ ghề. Cánh quạt kiếm từ phế liệu chiến tranh. Riêng cửa kính trước anh Hải kể phải đi lùng ở chợ Dân Sinh rất lâu. Gia đình rất thân thiện và lúc đó anh Hải anh Danh chỉ mong làm sao được các nhà khoa học chứng nhận cho sáng chế này. Mặc dù trước đó, mô hình trực thăng đầu tiên không bay được, khi mang ra đồng thử nghiệm thì không thể cất cánh, địa phương phải yêu cầu dừng vì sợ chết người, nhưng anh Hải vẫn được địa phương cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới toàn quốc, điều đó chứng tỏ chính quyền ủng hộ anh đến thế nào. Và anh đã nói, nhờ vinh dự đó mà anh quyết chế chiếc thứ hai!

Anh Hải là người tâm huyết và lắm sáng kiến, lại khéo tay. Lúc đó chúng tôi hỏi anh làm gì để sinh sống và có tiền chế máy bay, thì anh chỉ những chiếc xe tải nhẹ chở mía chạy qua, bảo chúng đều do anh độ, để tăng hiệu suất chở mía. Nông dân quanh vùng đều đến anh để cải tiến xe của họ. Ngoài ra, anh còn đang chế một vài loại công cụ làm ruộng khác, và anh chỉ cho chúng tôi xem 1 cái máy bừa.

Đúng kiểu "Tại sao không?", chúng tôi đam mê cái đam mê của anh, và quan tâm xem điều gì đã thúc đẩy anh nghĩ tới máy bay trực thăng, anh mở máy tính, cho xem khoảng 30 tấm ảnh download từ internet về các loại máy bay trực thăng từ thời ban đầu của chúng. Bản vẽ hai chiếc máy bay rất sơ sài và thuần túy là mô hình, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy không mang yếu tố cơ khí chính xác.

Tôi giới thiệu các anh với ba tôi, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khoa Cơ khí, bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh rất phấn khởi và trong tháng đó đã ra ngay Hà Nội để gặp ba tôi. Nhận xét của ba tôi là: Anh Hải và anh Danh không nắm kiến thức cơ bản, cụ thể nhất là trọng tâm máy bay ở đâu thì không xác định được. Các kiến thức như khí động lực, cơ học các vật thể bay lại càng không có. Do đó, 2 vật thể được tạo ra chỉ mang tính chất mô phỏng, chỉ là mô hình máy bay trực thăng. Cả nhà tôi yêu mến sự nhiệt tình của các anh, Ba tôi tặng 2 anh quyển "Mục đích cuộc sống", hồi ký của Công trình sư Yakovlev, cha đẻ của máy bay trực thăng YAK. Và ông giới thiệu hai anh với Bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không ĐHBK Hà Nội, lúc đó Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Mịch, phụ trách về Kỹ thuật hàng không đã sẵn sàng lập 1 nhóm vào Tây Ninh giúp 2 anh nghiên cứu và điều chỉnh lại, trước nhất là tìm trọng tâm của máy bay, mọi chi phí do Bộ môn chịu. Tôi nhớ hai anh phấn khởi lắm, lên ngay kế hoạch và điện thoại qua lại, gửi ảnh gia đình rất vui.

Nhưng chỉ sau độ nửa tháng, anh Hải có "báo tin vui" với ba tôi, là hội Cựu chiến binh với 1 ông tướng bộ binh về hưu nào đó vừa tới thăm và cam kết sẽ yêu cầu các cấp chính quyền công nhận sáng chế của các anh. Rồi anh được một số người quân sư viết thư lên Chủ tịch nước. Rồi, diễn ra 1 chương trình Người đương thời về 2 anh, trong đó có nhà khoa học phản biện rằng máy bay như thế không thể bay được. Nhưng có lẽ anh Hải chỉ cần được công nhận.

Báo chí sau đó thỉnh thoảng lại xới lên là Hai Lúa còn chế được máy bay, coi đó là "cái tát nhẹ" đối với các trường, viện, các kỹ sư nói chung. Ngay như thông tin là chiếc máy bay thứ hai được trưng bày ở Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York trong Project Gallery trong mấy tháng, không ai chú ý rằng đó là do 1 nghệ sĩ gốc Việt giới thiệu như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Một mô hình.

Năm 2007, sau khi khảo nghiệm nhiều lần, kể cả cho bay thử (không thành), Bộ Quốc phòng đã kết luận: máy bay này được lắp ráp sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng và không đạt tiêu chuẩn an toàn, cho nên Bộ khuyến cáo dừng ngay việc thử nghiệm máy bay. Như vậy là chính quyền và quân đội mất nhiều công để bảo vệ tính mạng cho anh và những người xung quanh.

Một điều chắc chắn rằng, có những sáng chế đơn giản, sáng ý là làm ra được, như cái phin cà phê bằng giấy, hay cái máy bừa. Nhưng trực thăng không phải là cái có thể sáng chế ra kiểu nhanh trí như thế. 

Nhiều bài báo về anh Hải cũng mắc tội nhanh trí khôn, nghe - chép, nhìn - mô phỏng. PV Việt ngữ BBC sang bên Tây rồi cũng không khá gì hơn. Cái ý "Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học" làm tôi thấy phì cười. Và chủ ý của bài viết, "Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN" thật thô thiển. 

Anh Trần Quốc Hải có lẽ là người nông dân được ưu ái nhất trong số những người cần cù lao động và tự chế tạo những công cụ cho mình.

Anh Hải có phải thiên tài hay không, sản phẩm của anh có tính khả dụng không, xin mời bấm vào đây hoặc chỗ này để đọc.

1 nhận xét: