Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Nguyễn Văn Thịnh: CÁI ĐÈN CÙ TRẦN ĐĨNH

Nguyễn Văn Thịnh: CÁI ĐÈN CÙ TRẦN ĐĨNH


Tôi vừa nhận được bài viết của Nhà văn Nguyễn Văn Thịnh. Thật tiếc, dù ông là một bác sĩ nhưng cũng không tránh khỏi quy luật của thời gian, ông đã viết một dòng tin kèm theo như thế này: “Thân gửi ĐL: Mình mới ra viện hơn tuần nay. Đặt 2 steine đ/m vành tim, Giờ tạm ổn. Gởi ĐL bài mới viết”. Rất mong “lão dư luận viên” sớm bình phục và ổn định để tiếp tục vững tay bút trên trận chiến chữ nghĩa.
13-11-2014
ĐÔNG LA

Gần đây cuốn tự truyện Đèn cù của tác giả Trần Đĩnh, đang sống tại TPHCM nhưng sách được in từ hải ngoại, được quảng bá rầm rộ như một hiện tượng lạ của văn chương. Thực ra sách vở bây giờ ê hề và quan điểm của người đọc cũng rất đa dạng, lại trong hoàn cảnh xã hội đã cởi mở nhiều nên sự đánh gía hay dở, đúng sai cũng khó, thậm chí loạn xà ngầu! Ai thích gì đọc nấy. Tuy nhiên người cầm bút đều thấm thía lời dạy của cổ nhân: “Văn là người”. Dù chỉ là dăm câu thơ mấy chục từ hay là cuốn sách dăm bảy trăm trang hàng vạn từ, người đọc cũng có thể nhận diện được người viết cùng tài năng nhân cách của họ. Đó là cái “thần” của chữ nghĩa văn chương. 

Trần Đĩnh là ai?

Bút danh Trần Đĩnh dường như đã xóa nhòa trong bộ nhớ của giới văn hóa văn nghệ lớp U50 về trước! Trong một cuộc gặp mặt tình cờ mấy bạn văn báo ngồi ấm trà chén nước, tôi hỏi: “Các ông biết Trần Đĩnh là ai và cuốn Đèn cù liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật?”. Một anh bạn vào lớp U60 nói: “Chú Trần Đĩnh rất thân với bố em, dạo ở Hà Nội chú ấy thường đến nhà em. Chú ấy từng viết hồi ký cho các ông Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Đức Thuận... Còn chuyện đúng sai thế nào thì không dám bình vì em thuộc lớp con cháu, từng điếu đóm hàng cha chú. Chỉ có một điều em biết rõ ông Phan Đăng Tài là anh chứ không phải là cha ông Phan Đăng Lưu. Em nghĩ chú ấy không thể nhầm như thế được!”. Tự điển Wikipedia mãi tháng 9/2014 sau khi ra cuốn tự truyện Đèn cù mới có tên Trần Đĩnh nhưng lời giới thiệu nghèo nàn, y như từ cuốn tự truyện sao ra. Theo đó, cha ông là thầy giáo, bạn đào viên với Nguyễn Thái Học, Đỗ Ngọc Du (tức Phiếm Chu). Thời học trường Bưởi có tham gia phong trào học sinh bãi khóa để tang cụ Phan Tây Hồ, bị đuổi học và bị ghi vào sổ đen của mật thám. Thế là sợ, về đi làm và ăn chơi. Theo mẹ ông kể để ăn chơi thì phải hối lộ, thế là sinh hư, bà buồn lòng nhận xét: “Điều này ba con xoàng”! Kháng chiến, chạy tản cư về quê vợ. Bị Chủ tịch huyện dù là bạn cũ chuẩn bị cho du kích về bắt. Nhờ người quen báo nên chạy thoát về thành rồi di cư vào Nam. Vào đầu những năm 1960, lớp sinh viên chúng tôi đọc rất say mê những truyện dài đăng tải trên báo Nhân dân như: “Nhân dân ta rất anh hùng”, “Trong xà lim án chém”, “Gặp Bác ở Paris”. Tôi nhớ mãi trong chuyện này có một tiểu tiết khi anh Thành bí mật từ Mascơva về Marseille, gặp Bùi Lâm, đêm nằm tâm sự thì Bùi Lâm lại xưng hô “bác-cháu” (!) dù lúc đó tuổi hai người không chênh nhau bao nhiêu và vị trí xã hội của nhà cách mạng trẻ chưa có gì đặc biệt! Riêng chuyện dài “Từ những cuộc chiến đấu ác liệt thắng lợi trở về”, sau đổi thành “Bất Khuất”, sách in rất đẹp. Hành quân trên đường Trường sơn, mỗi tổ được một cuốn. Anh em truyền tay nhau đọc nhiều lần. Sau bởi những tờ giấy trắng mỏng quá hấp dẫn với những anh nghìền thuốc nên cuốn sách cứ teo tóp dần, đến trạm cuối phân tán mỗi người mỗi ngả, cuốn sách cũng không là mối bận tâm của riêng ai. Các truyện đó cuốn hút người đọc trước hết bởi những con người và sự kiện diễn ra trong hoàn cảnh đối kháng quá ư là khắc nghiệt. Cứ như là những nhân vật chính kể ra cho người nghe ngồi đó nên cũng chẳng cần tò mò tìm hiểu ai là người chấp bút. Tất nhiên là có phần tài năng của họ. Nhưng với người lấy văn làm nghiệp chỉ coi đó là giai đoạn mở đầu thuận lợi. Bởi họ cần những tác phẩm của chính mình. Thế là sau bốn chục năm gác bút ẩn danh, bây giờ nhà thơ, nhà báo Trần Đĩnh mới có dịp được thể hiện chính mình bằng cách cho đứa con rứt ruột chào làng dù có muộn màng! Tôi chợt nhớ câu ca dân dã: “Bà già đã tám mươi tư / Ngồi trong cửa sổ viết thư kén chồng”. Liệu sự hoài thai đứa trẻ này có được như “lão bạng sinh châu”?

Tập Đèn cù mà chính tác giả chưa xác minh thể loại là hồi ký, tự truyện, truyện tôi hay là một dạng tiểu thuyết kiểu mới…? Nghĩa là chưa xác minh thể loại gì, coi như là một phát kiến văn học mới lạ lắm! Cuốn sách dày 600 trang, tôi đọc hai lần không phải vì nó hay mà vì nó cố tình khơi dậy những sân hận hư thực của một thời đã qua, được một nhóm người tà ý ra sức “lăng xê” hòng khuất lấp sự thực hiển nhiên: một dân tộc mất nước đã chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, chiến đấu kiên cường giành lại tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, có chủ quyền, có vị trí trong cộng đồng quốc tế, đang cùng các quốc gia xây dựng một nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tất nhiên những cố tật trầm kha đang là rào cản bước đi lên để các thế lực chống đối trong ngoài ra sức khai thác và lợi dụng.

Người giới thiệu nói rằng “mục đích của tác giả lúc đầu chỉ là tố cáo nhà cầm quyền gây ra nội chiến Bắc-Nam là sai lầm nhưng sau đổi ra hướng phê phán toàn diện”! Viết một tác phẩm lớn dài hơi phải có chủ đích rõ ràng, đầu tư trí tuệ và thu thập tư liệu công phu. Chỉ từ đơn sơ ý thức một chiều bôi đen lịch sử rồi chuyển thể từ cuốn hồi ký kéo dài lê thê thành tiểu thuyết, ắt hẳn không tránh được lúng túng bị động nên mới lộ ra cái sự lủng củng quẩn quanh với các sự kiện bao lâu nay xã hội chẳng lạ lẫm gì. Nhất là ở cái tuổi “lực bất tòng tâm”, lại nhìn đời, nhìn người bằng đôi con mắt có cườm! Chính tác giả đã tự biến thành cái cái “đèn cù Trần Đĩnh”, trái hẳn với ý của ông cò văn chương là để ám chỉ một “xã hội đèn cù”!

Một người đã ở tuổi đại thượng thọ bát tuần rồi mà phải thề rằng: “Tôi xin đối mặt với công luận đấy. Tôi mà ăn gian nói dối thì các ông cứ việc vạch mặt ra”! Thế thì lớp đàn em con cháu có chứng lý gì mà vạch mặt lão tổ sư bồ đề ra chớ?

Đặc biệt lớp chứng nhân đồng trang lứa đa phần đã ngủ yên nơi cõi thiên thu. May ra còn vài ba vị vào tuổi ấy cũng đã nhớ nhớ quên quên như chính ông bạn già này cứ lẫn lộn quẩn quanh không phân biệt nổi giữa hư và thực của những ngày xa xưa với hiện tại rối mù hôm nay!

Mỗ tôi may được trời cho sống qua tuổi “cổ lai hy” nghĩa là chẳng những “nghe người ta nói biết ngay điều phải quấy” (Lục thập nhi nhĩ thuận) mà có “làm theo lòng ta muốn cũng chẳng có gì trái khuôn phép cả” (Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ). Vậy nên những điều ông Trần nói ra, mỗ tôi không dám bình sai đúng mà chỉ nêu lên một số điều thấy là “không thuận nhĩ”.

Một là:
Ông Trần Đĩnh bỏ nhiều công sức chứng minh rằng mấy mươi năm qua, ĐCSVN đưa dân đưa nước tưởng đi mà đứng, cứ vòng vo luẩn quẩn như cái đèn cù! Vẫn chỉ là mấy con voi giấy, ngựa giấy vòng vo tít mù. Hãy đi thẳng vào điều cốt lõi: ĐCSVN chính thức ra đời đầu năm 1930. Mục đích tối thượng của Đảng là: “Đánh đuổi Đế quốc xâm lược đồng thời đánh đổ chế độ phong kiến tay sai, giành độc lập thống nhất cho tổ quốc, quyền tự chủ cho dân tộc, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, công bằng tiến bộ theo trào lưu tiến hóa của thời đại”. Thực tế là ĐCS đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng thực dân Pháp trong tương quan lực lượng chênh lệch thế nào mọi người đã biết. Chúng ta tiếp tục đánh thắng đế quốc Mỹ giữa tình hình trong nước và thế giới phức tạp thế nào mọi người cũng đã biết. Chúng ta bảo vệ vững chắc một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, giữ vững chủ quyền trong khung cảnh hòa bình, hữu nghị và xây dựng đất nước ổn định ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như thế nào mọi người cũng đã biết. ĐCS thừa nhận đã mắc những sai lầm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, tổ chức xã hội và ngay cả trong công tác xây dựng Đảng, đã kìm hãm bước đi lên của tổ quốc ta như thế nào mọi người đều đã biết. Nhìn lại thành quả của 84 năm qua phấn đấu cực kỳ gian nan vất vả, hy sinh vô bờ bến mà những người CSVN luôn đứng ở hàng đầu để được như ngày hôm nay thì đó là bước đi thẳng tiến từ thấp lên cao chứ đâu có vòng vo quanh quẩn như cái đèn cù? Dù rằng từng thời kỳ, từng bước đi có khúc khuỷu quanh co lên thác xuống gềnh. Trên chặng đường ấy, những lãnh tụ tài ba tâm huyết của ĐCSVN nhiều khi phải như người làm xiếc trên giây lúc tiến lúc lùi để giữ sự thăng bằng giữa nhiều thế lực. Giữa hai vị TBT xuất sắc Trường Chinh và Lê Duẩn, dù mỗi người một phong cách nhưng đều thống nhất. TBT Trường Chinh khẳng định:“ Đường lối của Đảng ta là liên tục phát triển có kế thừa, không có chuyện thay đổi đường lối cũng như chấm dứt cái này cái kia”. Trong một bản tổng kết, TBT Lê Duẩn viết đại ý như sau: Để có một tổ quốc Việt Nam độc lập-thống nhất, chúng ta đã không sợ Mỹ, không sợ Liên Xô, không sợ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không? Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta như cái cách mà họ đã đánh! Vì thế, để thắng Mỹ, chúng ta phải đoàn kết thật sự với Liên Xô và Trung Quốc, vì đó là hai lực lượng tiến bộ mạnh nhất của thời đại. Rứt khoát không thể phân hóa một trong hai lực lượng đó mới có thể giúp ta hoàn thành sự nghiệp trước tổ quốc và dân tộc. (Về tập đoàn phản động TQ chống VN). Và ĐCSVN đã thực hiện được mục tiêu tối thượng của mình trong khi Liên Xô thì tan rã, Trung Quốc dù còn ở vị trí thượng phong nhưng luôn bị sức ép từ những nước lớn và các quốc gia gần xa dù có bị lệ thuộc ít nhiều nhưng thường xuyên cảnh giác đề phòng. Mỗi chúng ta có thể tự giải thích cho mình về tất cả những biến diễn phức tạp trong bước đi lên trên cơ sở đường lối tư tưởng chiến lược đó. Rất may hồng phúc tổ tiên Đại Việt đã chọn thời điểm phù trợ cho con cháu hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Tất nhiên, lịch sử của dân tộc là một quá trình vô tận. Mỗi lúc một yêu cầu bức thiết khác nhau, đòi hỏi mỗi tập đoàn lãnh đạo từng thời kỳ phải có tâm lớn xứng với tầm thời đại để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Xem ra lúc về già, Trần Đĩnh vẫn ngập ngụa trong những sai lầm của cá nhân mình để chưa thể nhìn ra sự thật, cứ mãi luẩn quẩn loanh quanh với những con voi giấy, ngựa giấy sự kiện cũ rích của cái đèn cù, tự biến mình thành đứa trẻ ngây ngô trong một thú vui chốc lát! 

Hai là:
Sau KC chống Pháp thắng lợi, về thành, khi mới có chỗ đứng nhất định, một hôm Trần Đĩnh xấc xược hỏi ông Quang Đạm: “Hồi ấy anh nghĩ về tôi thế nào?”. “Nhóc!”. Từ “nhóc” không hàm nghĩa khinh nhưng ám chỉ là thằng bé giúp việc, chưa có chỗ đứng vững vàng. Trong cơ quan báo Sự thật lúc đó giữ vai trò chủ chốt là ông Trường Chinh cùng các ông Quang Đạm, Lê Quang Đạo vào hàng cha chú, đều có học và từng trải; các ông Phan Kế An, Hà Xuân Trường, Thép Mới đều là đàn anh đã qua thử thách tay nghề và nhiều cây bút lớn thường xuyên hợp tác. Vậy mà sau khi xử vụ đại điền chủ Nguyễn Thị Năm – Cát-Hanh-Long ở đồn điền Đồng Bẩm Thái Nguyên, ông Trường Chinh mới chỉ đạo “thằng nhóc” Trần Đĩnh làm một việc quan trọng là “nổ phát pháo đầu ca ngợi sức mạnh của bần cố nông”! Mặc dầu Trần Đĩnh không dự buổi đấu tố thì ông Trường Chinh bảo cứ dựa vào cáo trạng của Đội và khai thác ở người cấp dưỡng tên Văn cùng theo ông xuống dự mấy ngày! Trần Đĩnh không có mặt trong mấy buổi đấu tố đó vậy mà biết Cụ Hồ bịt râu tới dự một buổi (!) và ông Trường Chinh đeo kính râm dự liền mấy buổi (!) Ông Trường Chinh với bí danh Thận, nổi tiếng là người thận trọng trong từng lời nói, bài viết và cách ứng xử chặt chẽ, có phần khe khắt, liệu có dễ làm một việc bất cẩn hồ đồ như vậy với một phóng viên tập sự lại chưa có quá trình rèn luyện thử thách? Để phối hợp với bài báo của Trần Đĩnh lại có bài báo “Địa chủ ác ghê” (tác giả CB tức là Của Bác) vạch tội ác của mẹ con địa chủ Nguyễn Thị Năm. Viết phóng sự đã không tận mắt chứng kiến và khi báo đã phát hành rồi thì phóng viên Trần Đĩnh còn xuống hiện trường làm gì để được nghe nhà báo Tiêu Lang kể lại rằng: Bắn bà Năm rồi, chiếc áo quan chật quá, mấy anh du kích nhẩy lên vừa nhún vừa hô: “Xem có ngoan cố nổi với mấy ông bà nông dân không này?”. Xương gãy cứ là kêu răng rắc! Đây là vấn đề cực lớn, ai cũng muốn làm rõ ra. Minh bạch điều này không khó. Bà Cát-Hanh-Long bị xử bắn ngày 29 tháng 5 ÂL/1953. Vào thời điểm này, để kết thúc cuộc chiến tranh, Navarre chuyển hướng mặt trận chính lên Tây-Bắc, tất nhiên là vô cùng ác liệt. Vậy hãy vào kho lưu trữ của báo Nhân Dân hoặc truy cứu tàng thư kỷ yếu sinh hoạt của các yếu nhân tại các thư viện lớn hoặc các kho lưu trữ, chắc chắn sẽ làm rõ ra điều đó, rồi sao chụp công bố cho thiên hạ coi tường. Mục đích viết về sự thật, là nhà báo chân chính phải tìm tới ngọn nguồn để khẳng định tài năng tư chất nghề nghiệp của mình. Cho dù sự thật có phũ phàng cũng giúp con người ta hoàn chỉnh nhận thức về nhân sinh thế sự: Dù là vĩ nhân vẫn vấp phải những sai lầm làm tổn hại uy tín của chính mình! Ông Trường Chinh mà trước sau Trần Đĩnh vẫn tỏ ra kính phục, là người thế nào khi chỉ đạo một phóng viên không thực chứng phiên tòa xử tội chết oan một người đàn bà có công lao trong buổi đầu cách mạng mới thành công? Nhưng với tư cách nghề nghiệp phải chăng có vì háo danh mà phóng viên Trần Đĩnh đã chấp nhận làm một điều vô đạo? Trần Đĩnh cũng không “mục sở thị” ông Chu Văn Biên, năm 1953 làm bí thư đoàn ủy CCRĐ Nghệ -Tĩnh, chễm chệ ngồi trên thềm cao chỉ mặt mẹ tố cáo kẻ thù giai cấp (!) để đến nỗi bà cụ cắn lưỡi không chết, phải gieo mình xuống giếng quyên sinh?! Lại cũng chính ông ta sai trói gô bố đẻ Phan Đăng Lưu – nhà cách mạng tiền bối, là Phan Đăng Tài (?!), lùa ông cụ vào đòn ống tre khiêng lên trại tù, ông cụ réo tên thằng con và lũ đàn em của nó lên mà chửi rồi chết mất xác! Vậy mà năm 1967 Phan Đăng Tài sống lại và làm người phụ trách thư viện báo Nhân dân sơ tán ở Hải Hưng đã cho nhà báo Trần Đĩnh mượn tập kịch của Becthold Brech để ông “sáng tạo” nên hình ảnh khôi hài châm biếm về những tấm gương anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng đầy hy sinh gian khổ của nhân dân ta?!

Ba là:
Ở tuồi 19 lúc bấy giờ, lớp thanh niên thành phố có học cỡ diplome, BACI, BACII, sinh viên các trường đại học, thậm chí có không ít trí thức bỏ lại cả sự “vinh thân phì gia” đi theo kháng chiến ào ào mà mấy người được lọt vô cửa cấm như chàng trai Trần Đĩnh chưa có thành tích gì nổi bật, quả là có thần nhân dắt anh vào cửa Phật. Được nhập môn người thầy tài năng đức độ và uy tín lớn như Trường Chinh là cửa đời quá rộng mở với bất kỳ ai. Và khi tiếng súng vừa dứt, yêu cầu cán bộ có văn hóa về tiếp quản thị thành như cái thùng không đáy mà TBT dứt khoát chọn Trần Đĩnh sang Trung Quốc đào tạo bài bản khơi nguồn trí tuệ cho thế hệ tương lai của nước Việt Nam độc lập, khác chi chuyện bắc thang cho Trần Đĩnh lên Trời. Thời điểm đó Trung Quốc là chiếc cầu nối ta với Liên Xô và quan hệ Việt-Trung rất là gắn bó. Kết thúc khóa học bốn năm, Trần Đĩnh về nước. Tưởng mình đã được tuyển vào “đội ngự lâm quân” hay “lính gác tư tưởng của Đảng” mà ngoài việc làm đáng kể nhất là viết được mấy tập hồi ký của vài nhân vật nổi tiếng như đã nói ở trên thì không hiểu sao người thầy có uy tín toàn năng đỡ đầu từ thuở nhập môn cách mạng là vị TBT nổi tiếng về trí tuệ và nhân cách đã nhận xét thẳng thắn rằng: “Không ngờ Trần Đĩnh lại sa đọa chính trị đến thế!”. Đó là điều lý giải rõ nhất vì sao Trần Đĩnh hôm nay đang sống và viết những gì?!
Riêng với ông Lê Đức Thọ tuổi cũng vào hàng cha chú, ở cương vị Thường vụ Trung ương Đảng. Một năm trước khi “thằng nhóc” Trần Đĩnh lên chiến khu Việt Bắc, ông đã được cử vào Nam tăng cường cho sự lãnh đạo của xứ ủy Nam kỳ và cùng với với Lê Duẩn như cặp bài trùng. Năm 1955, tập kết ra Bắc, Lê Đức Thọ lại được bổ sung vào Bộ Chính trị, kiêm nhiệm vai trò Trưởng Ban Tổ chức TƯ. Phóng viên Trần Đĩnh chỉ được tiến cử khi ông Thọ cần người viết hồi ký của Nguyễn Đức Thuận nhằm kích thích tinh thần trung thành với Đảng và quyết tử vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Cuốn “Bất khuất” gây được tác dụng chính trị lớn, tất nhiên tác giả được lọt vào mắt xanh của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên trong tình hình chính trị quốc tế và trong nước phức tạp xảy ra lúc đó, anh phóng viên Trần Đĩnh trẻ người non dạ đã lộ ra tính tự cao háo thắng để vị TBT kiêm nhiệm công tác văn hóa tư tưởng dày dạn kinh nghiệm đưa ra nhận xét nghiêm khắc như trên?! Tất nhiên là ông Lê Đức Thọ không ngớ ngẩn để tin và dùng Trần Đĩnh.

Nhiều bạn trẻ hôm nay bị nghe nhiều điều đơm đặt chứ thực ra cái gọi là “nhóm chống đảng” cho đến nay mới chỉ là những thông tin lọt kẽ, kín hở một chiều, chưa biết độ chính xác. Đơn giản vì nó chưa được bạch hóa nên cần phải tỉnh táo tìm hiểu và lắng nghe trên cơ sở thực tế lịch sử lúc bấy giờ. Sau khi Staline chết, năm 1956, đại hội XX ĐCSLX do Khơrutsốp thao túng đã triệt để phanh phui cái gọi là tội ác của Staline và trương lên khẩu hiệu “chống sùng bái cá nhân lãnh tụ”. Năm 1960, hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế ra “Tuyên bố Mascơva”, dấy lên cuộc đấu tranh rầm rộ chống “CN xét lại hiện đại” và “CN giáo điều”. Chủ nghĩa Marx không phải là cẩm nang màu nhiệm cho sự phát triển toàn diện của mỗi quốc gia dân tộc. Chiến tranh sẽ không là định mệnh. Hai phe TB và XHCN có thế cùng nhau “chung sống hòa bình”. Đó là khởi đầu sự phân hóa của phong trào CSQT, cũng như của nhiều ĐCS trên toàn thế giới. Cuối cùng chủ nghĩa nọ chống chủ nghĩa kia đã như trò hề bởi nó biến thành cuộc tranh giành quyền bính khốc liệt! Khẩu hiệu “Chống sùng bái cá nhân” đã bị lạm dụng để giải quyết các ân oán hoặc toan tính mưu đồ thoán nghịch! Giữa lúc ấy ĐCSVN trên cơ sở nghị quyết XV/ĐHII phát triển thành nghị quyết IX/ĐHIII, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng hình thức bạo lực cách mạng. Cụ Hồ tỏ ý không đồng tình về thái độ cực đoan chống Liên Xô chớ về vấn đề vũ trang CMMN thì khi nghị quyết XV còn đang được bàn bạc đắn đo trong nội bộ, Cụ đã tế nhị nói ra quan điểm của mình: “Bất kỳ tình hình như thế nào cũng không được để địch tàn sát dân, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Bác phê bình đảng bộ miền Nam thiếu sáng tạo, chỉ biết phục tùng cấp trên” (Hồi ký Phạm Văn Xô và Phan Văn Đáng). Vì thế hội nghị TƯ mới có sự nhất trí cao. Vào thời điểm song song tồn tại hai quan điểm đối kháng “diễn biến hòa bình” và “trường kỳ mai phục” mà những nhà lãnh đạo CMVN quyết tâm đồng thuận đề ra chủ trương ấy thật hết sức táo bạo mà đúng lúc. Thực tế chứng minh đó không phải là một hành động phiêu lưu. Không phải ngẫu nhiên vào nửa đầu thập kỷ 1960, nhiều cán bộ trung cao cấp quân sự, chính trị qua học ở Liên Xô đồng loạt không về nước. Cùng lúc ở trong nước những người theo quan điểm “không dùng bạo lực” công khai bộc lộ ý đó ra. Đồng thời Khơrútsốp gây đòn tâm lý bằng cách tạo nên những mối quan hệ cá nhân với người này người nọ khiến nội bộ lãnh đạo nghi kỵ đề phòng lẫn nhau. Trong khi đó, ở miền Nam, Mỹ quyết định mở rộng cuộc “chiến tranh can thiệp” thành “chiến tranh cục bộ”, thẳng tay gạt bỏ mọi lực cản, thảm sát chế độ gia đình trị họ Ngô, dùng đám quân sự võ biền bất cần quyền lợi quốc gia dân tộc, mở rộng vòng tay đón cả triệu quân Mỹ và quân các nước đồng minh lệ thuộc. Việc tài liệu tối mật về nghị quyết IX lọt vào một sứ quán nước ngoài được nghi rằng liên quan tới những người có mối giao du thân thiết với công dân nước đó. Tất nhiên, trong chiến tranh có thống nhất ý chí mới tạo nên sức mạnh tổng hợp thì khái niệm về tự do dân chủ thật là khắc nghiệt! Hàng loạt cán bộ các cấp bị vô hiệu hóa hoặc bị bắt tù đày, chủ yếu là những người hoạt động trong giới quân sự, ngoại giao, văn hóa. Sự kiện này hoàn toàn khác vụ Nhân văn-Giai phẩm xảy ra cả chục năm trước đó với đối tượng chủ yếu là giới văn nhân nghệ sỹ mà lúc đó Trần Đĩnh còn đang học làm báo bên Trung Quốc. Mãi sau chiến thắng 1975, số người này lần lượt được trở về với đời thường. Một số vị lão thành được phục hồi đảng tịch và nhận được sự hỗ trợ phần nào về tổn thất tinh thần và vật chất. Tất nhiên là không thể thỏa lòng giữa công và tội cùng với nỗi mất mát oan khiên của từng người. Điều cần phân biệt rõ ràng là bản chất vụ kỷ luật gọi là “xử lý nội bộ” này hoàn toàn khác hẳn cuộc thanh trừng lẫn nhau để tranh giành quyền bính như cuộc CMVH xảy ra cùng thời ở nước láng giềng. Không thể phủ nhận rằng quá trình thực hiện Nghị quyết IX, hàng ngũ lãnh đạo tối cao từng lúc, từng việc tuy có nhận thức khác nhau nhưng điều hòa được bởi họ là những nhà yêu nước lớn, từng trải, luôn coi lợi ích quốc gia dân tộc là điều tối thượng, lại có sự hóa giải khéo léo và ảnh hưởng rất lớn của Cụ Hồ, đã biết kiềm chế nhân nhượng, vô tư cống hiến để đi đến thắng lợi vĩ đại 30 tháng Tư lịch sử. Xét về thân phận những người bị nạn đó là nỗi hận không ai có thể thấu hiểu để được sẻ chia. Nhưng nhìn ở góc độ trách nhiệm trước đại sự quốc gia của giới điều hành, lịch sử có thể khoan dung. 

Sự phân cấp quản lý cán bộ trong Đảng vốn rất chặt chẽ. Những nhân vật trong nhóm gọi là xét lại chống Đảng, thực ra chỉ là không đồng quan điểm như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh đều thuộc Ban Bí Thư và Bộ chính trị quản lý. Tất nhiên Trưởng Ban TCTƯ phải trực tiếp làm việc và phải được sự nhất trí với lãnh đạo tối cao. Còn cỡ như Trần Đĩnh thì do A25 Bộ Công an quản lý, có thể phối hợp với Vụ cán bộ của Ban TCTƯ. Ông Lê Đức Thọ là một cán bộ tổ chức tối cao của Đảng, có tài khuynh đảo, ngay cả chính khách tầm cỡ quốc tế cũng không lay chuyển được. Trần Đĩnh chưa là gì để ông Lê Đức Thọ phải mất thì giờ săn đón con ngựa non ngỗ ngược này bằng cách đưa ra mấy lời trách cứ vẩn vơ: “Sao chúng nó lại bắt cậu đi cải tạo? Làm như thế chỉ tổ gây bất mãn!” và dọa “sẽ cho bắt thằng Lưu Động”! Để gài bẫy Trần Đĩnh chăng? Trong khi một cái gật hay lắc của ông mọi sự đều thay đổi. Thực tế là những người được ông Lê Đức Thọ chọn mặt giao việc đều hoàn thành nhiệm vụ trước ông. Nếu như ông đặt Trần Đĩnh vào hàng “trí thức điển hình” nghĩa là ông đã sớm nhìn ra đây là một trí thức “điển hình phản bội”!

Bốn là:
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vào TPHCM, Trần Đĩnh giả giọng nhân nghĩa huyênh hoang giữa những người thân rằng: “Nếu có quyền thì làm hai điều: Thứ nhất là mời LHQ đến, dựng một lễ đài nổi ở mạn biển Vũng Tàu, đem ba cái LCT chở xe tăng, đại bác, súng ống của cả Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ long trọng làm lễ vĩnh biệt vũ khí, quăng tất cả xuống nước, xin LHQ giúp cho chúng tôi từ nay làm ăn xây dựng! Thứ hai là xin cả nước để ba ngày róng chuông nhà thờ, chuông chùa làm lễ cầu siêu thoát cho tất cả vong linh đã chết trong cuộc chiến tranh này, rồi cùng nhau tu sửa mọi nghĩa trang”. Ông Trần Đĩnh có giả đui điếc không? Vào thời điểm đó ông chưa thể lú, lại là người làm báo có tay nghề bài bản, hẳn không thể không biết ngay sau khi ký hiệp định Paris ai đã lôi kéo lũ phản bội Khmer đỏ quay giáo đâm sau lưng QGPVN đồng thời đưa quân tràn qua hàng ngàn kilômét đường biên giới, cướp phá nhà cửa hoa màu, giết hại hàng ngàn vạn đồng bào ta, mở rộng cuộc chiến tranh bản chất là “khủng bố” của những kẻ phản bội ở cả hai đầu đất nước? Cùng lúc lũ phỉ FUNRO ở Tây Nguyên trỗi dậy kết hợp với đám tàn quân thất trận nuôi chí phục thù “chuyển lửa về quê hương”? Tất cả đều có sự tiếp tay độc ác của người Mỹ! Song hành với chính sách kích động nhân tâm và cấm vận nghiệt ngã cũng do người Mỹ chủ xướng kéo dài hàng chục năm càng làm cho dân tình khốn đốn, có lúc tưởng như là bế tắc? Chỉ có kẻ mất trí mới quẳng vũ khí đi, hai tay chắp ngực ngồi yên cho lũ phản bội tay sai “cáp duồn”! Việc hòa hợp hòa giải dân tộc thực chất cũng là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng nên đã không hề có “cuộc tắm máu” như các thế lực xấu luôn tuyên truyền hù dọa và thực lòng mong muốn, càng chứng tỏ bản chất chính nghĩa và nhân đạo của cuộc chiến tranh giải phóng do ĐCSVN lãnh đạo. Còn như việc có những trại cải tạo tập trung là điều từng thấy trong bối cảnh chiến tranh, đặc biệt lúc xã hội rối ren phức tạp sau một cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Hãy nhìn qua bên kia biên giới tây-nam cùng thời điểm ấy và hãy xem lại tư liệu sau Thế chiến thứ Hai, sự đối đầu dù chỉ một thời gian ngắn mà sự trừng phạt của những người chiến thắng với lũ tay sai phản quốc khốc liệt tới mức độ nào? Một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài 30 năm không dễ một lúc xóa nhòa những gì là chân-giả, thiện-ác. Thời gian càng lùi xa, ranh giới phân ly xã hội ngày càng sáp lại gần nhau, mối giao lưu giữa cộng đồng dân tộc ngày càng thân thiết, đã có không ít những cuộc hôn nhân quốc-cộng kết sui gia rất là hạnh phúc. Tuy nhiên điều chính-tà vẫn là cần trong nền tảng giáo dục truyền thống Việt Nam. Khi ai đó đọc lên câu thơ hào sảng: “Người lính già đầu bạc/ Ngồi kể chuyện nguyên phong” đều nghĩ đây là người lính trong đội quân “Sát Thát” của Hưng Đạo Đại vương ngày nào, bởi trong tâm thức người Đại Việt, đám tàn quân Trần Di Ái, Trần Ích Tắc… đã tự chôn vùi trong lớp bụi thời gian.

Không lạ gì những kẻ phá quấy cứ ra sức thổi phồng mãi lên những hiện tượng phức tạp thời hậu chiến gọi là “cuộc khủng bố đỏ”. Đáng khinh là những kẻ “ăn theo”! Đành rằng giới hữu trách có những sai lầm không nhỏ trong việc quản lý kinh tế, tổ chức xã hội… càng làm những khó khăn thêm chồng chất. Nước Mỹ thời sau nội chiến từng lâm vào cảnh: “Toàn bộ cuộc sống chỉ là làm thế nào để khỏi chết”! Và từ lời gợi ý của một nhà lãnh đạo cấp cao: “Mỗi người hãy tự cứu lấy mình!” ta có thể suy ra bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó ra sao? Trong tình cảnh ấy, những người tù sống qua được trong những trại cải tạo cũng như những người vì sự mưu sinh đã vượt trên đôi cánh tử thần giữa trùng dương sóng nước thật là điều rất may cho họ và hôm nay cả xã hội cùng chia vui với họ! Đấy là nỗi đau, là trang sử buồn có điều tránh được và cũng có điều khó tránh. May thay lịch sử chỉ diễn ra có một lần!

Ai đó nói rằng sau 30 tháng Tư, hàng triệu người sung sướng thì cũng có hàng triệu người đau khổ là quay lưng lại với những người từng che chở cưu mang họ khi còn trứng nước. Hòa bình đến với mọi nhà. Ngoài những “ông quan mới”, nhân dân cả nước vẫn trong cảnh khốn khó trăm bề bởi đủ thứ di họa của chiến tranh, đặc biệt là nhân dân vùng căn cứ kháng chiến và những người từng hết lòng khi đất nước gian lao. Một Đại tá nguyên là sỹ quan an ninh quân đội Sài Gòn, sau 12 năm cải tạo được trở về kể chuyện như sau: “Ngày ra trại cùng lúc được trả quyền công dân nghĩa là hai bên bình đẳng. Chúng tôi tới chào ban quản giáo. Thực ra ở lâu thì cũng có chút tình, thay mặt anh em tôi tỏ lời cảm ơn và nói thật rằng: Dù sao anh em chúng tôi so với trước đây thì quá khổ là lẽ tất nhiên rồi nhưng so với các anh thì chưa chắc ai khổ hơn ai! Anh trưởng trại đáp nửa chơi nửa thật rằng: Rất mong cấp trên sớm giải quyết xong chuyện này cho chúng tôi được thoát “nợ”! Các anh tù trong còn chúng tôi tù ngoài mà lại còn phải lo bao nhiêu là trách nhiệm”.

Năm là: 
Ông Trần Đĩnh kể rằng tại Đại hội IV của ĐCSVN, nhà thơ Chế Lan Viên hơi buồn vì không trúng vào BCHTƯ của Đảng mặc dù Tố Hữu cố đôn lên nhưng do một đại biểu Bình Định phát hiện Chế thi nhân thời trai trẻ từng đi ủng Nhật, thắt khăn trắng mặt trời to quanh cổ, ủng hộ Đại Việt và Trần Đĩnh đế vào: “Nói cho công bằng thì đâu đã bằng Phạm Ngọc Thạch được Nhật cấp hàng nghìn cây súng cho Thanh niên Tiền Phong”! Chuyện Chế Lan Viên thực hư thế nào người viết hoàn toàn không biết, chỉ xin giới thiệu với quý bạn đọc một đoạn trích trong Hồi ký Trần Văn Giàu 1940-1945 như sau: “Tụi Nhật ở Nam kỳ không biết Phạm Ngọc Thạch là đảng viên cộng sản, nên Minoda và Ida đã đề nghị ông đứng ra tổ chức Thanh niên Tiền phong. Sau lưng ông bác sỹ tây học, vợ đầm này là một xứ ủy đang tìm kiếm một hình thức tổ chức và hoạt động của thanh niên không đi theo phương hướng chính trị Đại Đông Á mà theo phương hướng chính trị yêu nước và độc lập dân tộc. Nếu không được Hà Huy Giáp và Trần Văn Giàu ủng hộ thì một đồng chí có tài ba nhân cách như Phạm Ngọc Thạch chẳng chịu đứng ra làm việc ấy đâu”. Thực tế là tổ chức TNTP đã có vai trò tích cực trong việc xây dựng lực lượng vũ trang Nam bộ những ngày đầu kháng chiến. Chuyện xảy ra năm 1945 ở Sài Gòn thời Nhật đảo chính Pháp, lúc đó thằng bé Trần Đĩnh mới 15 tuổi đang ở Hà Nội, dù có hăm hở chạy theo lớp cha anh đi cướp chính quyền nhưng đã biết gì đâu mà xưng xưng mọc mọc ghi vào cái gọi là tự truyện! Dẫn tư liệu để bạn đọc thấy có thể tin một người nhân danh đứng trong đội ngũ nhà báo cách mạng lâu năm mà gặp đâu nói đấy tùy theo cái lòng dạ u ám của mình với tổ quốc nhân dân và cả với những bạn bè lớn bé từng qua lại với mình?

Sáu là:
Trần Đĩnh kể một lần đi sơ tán qua bến phà Trung Hà, Phú Quang níu tay ông và nói: “Em quý các anh xét lại”! Phú Quang biết chúng tôi phản đối chiến tranh mà đồng tình làm tôi cảm động lắm vì lúc ấy có người dám nói rõ ra như thế là rất hiếm. Chuyện có đúng vậy hay không thì chưa biết. Nhưng ngay với anh em chiến sỹ ta đang từng ngày đối mặt với quân giặc tàn bạo bằng những loại vũ khí hủy diệt kinh người, có những lúc nằm trong hầm sâu cũng ghé tai nhau thì thầm: Chỉ cần lũ ác quỷ cút đi để có được độc lập thống nhất hòa bình thì dù ăn rau ăn cháo khổ sao cũng đặng! Huống chi lúc đó Phú Quang chưa là gì, chỉ là một chú thiếu niên trường nhạc vui vẻ trẻ trung, chưa thể hiểu sâu về bản chất của chủ nghĩa xét lại trên bình diện thế giới khác ở Việt Nam thế nào và nó chính là mối cản trở cho khát vọng hòa bình độc lập tự do của nhân dân ta. Bằng chứng là mới đây trong chương trình âm nhạc truyền thống “Giai điệu tự hào”, ở cương vị người bình luận có uy tín và ảnh hưởng lớn, vị nhạc sỹ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đương đại Phú Quang, dù đã luống tuổi nhưng nghẹn ngào không kìm nén nổi cảm xúc khi phát biểu cảm nghĩ về bài hát “Dậy mà đi” tiêu biểu của phong trào học sinh sinh viên miền Nam trong thời kỳ đấu tranh kiên cường trực diện với quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước giữa các đô thị miền Nam ngột ngạt. Tinh thần bất khuất chống ngoại xâm là truyền thống quý báu cứ âm ỷ chảy trong lòng thế hệ này sang thế hệ khác. Dù người sáng tác ra nó là cựu sinh viên Nguyễn Tấn Lập nay đang định cư ở Mỹ hay một nhạc sỹ nổi tiếng bậc thầy Phú Quang không hề nhớ rằng nếu như ngày ấy cứ làm theo những người “xét lại” mà sợ giặc, không dám cầm súng chống Mỹ cứu nước thì bài hát ấy chẳng có giá trị gì để sống mãi trong lòng các lớp thanh niên và liệu nhạc sỹ Phú Quang có được một chỗ đứng đáng trân trọng trong lòng công chúng hôm nay? Người quân tử trọng sự trung-tín. Kẻ tiểu nhân đánh lộn xòng trái-phải.

Bảy là: 
Đọc hàng trăm trang cuối sẽ nhận ra những lời làm thàm ba xạo vong ân bội nghĩa đấy ác ý với những nhà lãnh đạo có công đầu cho đất nước hôm nay, người ta không khỏi liên tưởng tới lời nhận xét: Văn nhân vô hạnh! Trên dưới chẳng trọng ai. Đặt điều tùy tiện. Đúng là một thời gian khá dài ở phía Bắc, việc tùy tiện giao tiếp với người nước ngoài là điều cấm kỵ nhưng tới mức nhà nào cũng kẻ khẩu hiệu:“Nhà tôi không giao tiếp với người nước ngoài” thì chỉ là viết cho người xa xứ xem mới dám bịp không biết ngượng như thế! Thực ra từ khi có nghị quyết IX, lúc 25 tuổi, Trần Đĩnh đã bị thất sủng, nghĩa là không còn vị trí gì trong làng báo chí. Sự nghiệp vừa mở ra thì anh ta tự đóng xập lại rồi! Tài năng lộ xuất của Trần Đĩnh không thể sánh với người đồng trang lứa như Vũ Thư Hiên, mà chỉ là ăn theo vài bài viết về mấy người nổi tiếng gan dạ trước quân thù. Làm “thi bá” thì không danh tiếng. Một nhà báo có danh ít ra cũng được một phần của Thép Mới với những bài chính luận sắc xảo để đời hoặc chí ít một nhà báo đàn em tỉnh lẻ như Phùng Gia Lộc, chỉ một bài phóng sự “Cái đêm hôm ấy hôm gì” cũng được công chúng lưu trong bộ nhớ lâu dài. Chẳng trách người đời đã mau quên chàng trai đẹp mã thuở nào! Thật đáng tiếc cái sắc vóc cha mẹ sinh ra và cái tài trời phú! Mà về mánh dùng nghề báo làm tiền lại không đáng học trò kẻ vào hàng con cháu như loại Đức “san hô”! Thế thì có điều chi đáng trọng để thiên hạ ghi vào bộ nhớ?! Thật sự Trần Đĩnh đã tỏ ra hèn nên mới không bị bắt. Khi các “đồng chí” được phóng thích, Trần Đĩnh mới bị khai trừ Đảng bởi tổ chức đã nhận ra con người này ương ngạnh không biết điều để ăn năn hối cải.

Ông Nguyễn Trung Thành là một đảng viên cộng sản lão thành đáng kính. Ông là người rất trung thành với Đảng đúng như tên của ông và rất nhân hậu với những thân phận lỡ bị sa cơ thất thế. Sai lầm lớn nhất của đời ông là cố công cưu mang cứu vớt người như Trần Đĩnh bởi bản chất tâm địa hai con người ấy hòan toàn đối nghịch với nhau. Thật sự ông đã nhận ra điều ấy. 

Vĩ thanh:
Tập Đèn cù được xuất bản ở nước ngoài, nghe nói không thiếu người tung hứng. Tất nhiên đọc bài này sẽ có một số người kháo nhau: Lại thêm một kẻ văn nô! Có sợ chi mà không tuốt tuột gốc tích của mình: Người viết sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức trung lưu ở Hà Nội. Thời trước CMT8, ngay như ông Phạm Quỳnh cũng than thở: “Tôi sinh ra thì nước đã mất rồi!”. Cha tôi tham gia “Hội viên chức cứu quốc”. Dù chỉ là “ông phán” thân còm lẻo khẻo nhưng cũng theo người ta đi cướp chính quyền. Khi Hà Nội nổ súng kháng chiến, ông dắt vợ con tản cư về các vùng quê, gõ đầu trẻ không công. Cứ thế, giặc đánh nống tới đâu lại theo bà con lùi sâu… mãi lên rừng. Bốn năm năm không thể sống tạm bợ mãi dưới những cái quán tre lá nứa với ấm nước chè xanh, chõ xôi, nồi chè, lọ kẹo, mẹt bánh… mà tương lai thì mù mịt trong khi các con lớn dần lên mà thất học. Cha tôi lại dắt vợ con “dinh tê” (entré) về thành mà lòng cứ lưu luyến một việc làm dang dở. Khi quân Pháp thua bỏ chạy vào Nam, cha tôi ở lại với chính phủ Cụ Hồ, cũng là thể hiện lòng thành với nước. Sau ngày đất nước thống nhất, tình cờ đọc dòng tâm sự của nhà văn yêu nước lão thành Thiếu Sơn: “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm. Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang”, tôi mới hiểu ra vì sao lớp người như cha tôi cứ lẽo đẽo theo kháng chiến dù chẳng mấy ai hiểu cộng sản là gì ngoài một sự thật họ là người yêu nước. Hai năm đầu được lĩnh nguyên lương, gấp hàng chục lần lương cán bộ kháng chiến trở về. Anh em tôi còn nhỏ vui vẻ nhởn nhơ, vào đội thiếu nhi tung tẩy hát sol, đố, mì… Khi chính quyền miền Nam tuyên bố không có trách nhiệm với Hiệp định Genève nữa, chính phủ Cụ Hồ để những người như cha tôi được tiếp tục làm việc gọi là “viên chức lưu dung” và lương được xếp tùy theo ý kiến của chi bộ mỗi nơi một khác. Nói chung là được coi vào hàng tạm tuyển, phần lớn được xếp lương khởi sự. Cái sự khó thì tuổi trẻ vô tư ăn chưa no lo chưa tới, chưa biết chia sẻ cùng cha mẹ. Nhưng nỗi “khổ tâm” thì ngấm ngầm thấm dần vào gan ruột. Cha con dần cảm nhận ra cái thân phận của kẻ “hàng thần” cứ như cục đá đeo vào cổ cha, cột vào chân con bằng những sự kỳ thị của xã hội và đố kỵ của người đời, tuy không phải là tất cả. Được đứng vào đội quân “vượt Trường sơn đi cứu nước” không là điều thuận buồm xuôi gió với tuổi trẻ của tôi. Và tôi đã được sống để vượt qua mọi thử thách gian lao cũng bởi phúc nhà còn lớn. Hòa bình tưởng được yên thân mà còn long đong lận đận trấn thủ lưu đồn ải Bắc biên Nam, chẳng đỡ gì được lúc cha ràu mẹ héo! Khi trút được chiếc “áo phong sương” may còn đủ sức sinh ba đứa con đủ nếp tẻ vuông tròn hiếu thảo! “Gặp thời thế thế thời phải thế”, đến nay tôi có 55 tuổi Đảng – chỉ coi như là sự động viên tinh thần với lớp người thời đó. Sinh thời cha tôi thường nhắc lời dạy của người xưa: “Nước loạn mới biết tôi trung. Nhà nghèo mới biết con có hiếu”. Tôi nghiệm ra là “tôi trung, con hiếu đều rất khổ”. Tuy nhiên nó như là cái nghiệp của mỗi người. Con người ta không thể quyết định vận mệnh của mình nhưng có thể quyết định cách sống của mình. Nay tôi đã vào tuổi “cổ lai hy” và cảm thấy tạm thỏa lòng vì được sống trong một đất nước độc lập, thống nhất, yên ổn và người dân đang từng bước có chủ quyền. Chỉ thương cha nửa đầu đời thì tủi phận dân mất nước, nửa cuối đời thì âm thầm chịu đựng khắc nghiệt của sự mưu sinh mà không biết than thở cùng ai. Nhớ mãi lời cha dặn: “Thời buổi nhiễu nhương sống tử tế đừng là kẻ ngu trung cũng đừng là kẻ phản thần là rất khó”! Tôi tự an ủi mình nhờ thế mà tôi thành người lương thiện. Hạnh phúc khởi đầu bằng sự ấm no thì tôi đã có. Còn dân chủ tự do đó là khái niệm đời nọ tiếp đời kia thắp đuốc đi tìm. Tôi rất cảm phục ông Trần Chung Ngọc (1931-1914), từng khoác áo Trung tá QĐSG, Tiến sỹ Vật Lý, giảng viên ĐH Sài Gòn, cuối đời làm việc ở phòng nghiên cứu ĐHWisconsin-Madison (Mỹ), giữa nỗi cô đơn đã tự mình tìm ra chân lý lịch sử, phân biệt rõ chân-giả chính-tà, vượt qua định kiến xã hội và tự ái cá nhân, dám nói ra sự thật: “Nam Việt Nam là chế độ do Mỹ dựng nên, đánh thuê cho Mỹ, làm gì có “nước” để mà “mất”, để mà “hận”. Ngày 30/4 đã đập tan chế độ tay sai ấy, thống nhất đất nước và nay đất nước đang tiến lên trong hòa bình xây dựng ổn định, sao cứ khơi ra những hận thù?! Tôi là người thua cuộc nhưng nói tới Việt Nam thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, thắng Mỹ ở miền Nam, tôi cũng thấy tự hào”. Đấy là người trí thức chân chính hay nói như Khổng Tử: là người quân tử chính danh. Tôi nghĩ những người như Bùi Tín, Trần Đĩnh, Quang A, Chu Hảo, Tương Lai hãy nhìn tấm gương đó mà noi.

Tôi thành tâm nghĩ rằng lớp người CSVN tiền bối đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử trước tổ quốc và nhân dân, dù có những khiếm khuyết không nhỏ làm giảm ý nghĩa giá trị nhân văn của những việc họ làm nhưng không vì thế mà ân hận bởi cả đời tôi từng đi theo họ. Tương lai là của các lớp người kế nghiệp. Nếu để sự nghiệp của tiền nhân đổ vỡ họ sẽ mang tội muôn đời và tất nhiên lịch sử sẽ đào thải họ.

Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 327 Thứ năm ngày 13 tháng 11 năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét