Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

TƯỚNG LÊ MÃ LƯƠNG NÓI VỀ KACHIUSA TRONG TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trận Điện Biên Phủ: Tiểu đoàn tên lửa Kachiusa có tham chiến?


(VTC News) - Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Lê Mã Lương khẳng định Liên Xô có viện trợ hệ thống pháo Kachiusa cho Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương - Ảnh: Tùng Đinh 

Sau khi VTC News đăng tải bài viết Điện Biên Phủ: Vũ khí gì của Liên Xô khiến quân Pháp kinh hồn, bạt vía?nhiều bạn đọc đã email, điện thoại đến tòa soạn trao đổi lại thông tin về việc pháo Kachiusa không tham chiến trong chiến dịch này. 

Ý kiến cho rằng pháo Kachiusa tham chiến ở Điện Biên Phủ do sử gia nổi tiếng Anatoly Sokolov nêu ra và được Đài Tiếng nói nước Nga đăng tải. 

Để làm rõ vấn đề này, VTC News đã phỏng vấn Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu Giám đốc Bảo tàng quân đội Lê Mã Lương điểm lại những đóng góp to lớn của Liên Xô với Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Lương cho biết: "Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam có một tiểu đoàn pháo Kachiusa".

- Ông có thể cho biết Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam những gì trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu?

Về chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu không có sự viện trợ kịp thời của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt là Liên Xô thì Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Khi đó, nếu chúng ta quyết tâm tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ mà chỉ dùng sức mạnh bộ binh, không có sự hỗ trợ từ pháo binh thì sẽ phải hứng chịu tổn thất nặng nề về con người. Vì thế những đóng góp của Liên Xô với Việt Nam trong chiến dịch này rất đáng ghi nhận, trân trọng.

Đầu những năm 1950, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam các phương tiện, vũ khí theo đề nghị từ phía Hà Nội: “Trang bị cho một số trung đoàn pháo phòng không, pháo mặt đất”.

Tuy nhiên, để đến được Việt Nam, các trang bị khí tài phải đi hàng vạn km, từ Liên Xô, qua Trung Quốc. Yêu cầu đặt ra khi đó là đưa được vũ khí về Việt Nam hoàn chỉnh, kịp thời và an toàn về cả con người và trang thiết bị.

Ngoài ra, trong tình hình khi đó buộc quân đội Việt Nam phải đảm bảo khi vũ khí về đến nơi sẽ có thể sử dụng được ngay, không cần thêm thời gian làm quen, đào tạo.

- Phương án nào đã được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu này trong thời điểm đó, thưa Thiếu tướng?

Với các yêu cầu trên, 3 nước đồng ý với phương án Việt Nam sẽ nhận các vũ khí như pháo cao xạ, lựu pháo mà Nga đã cung cấp cho Trung Quốc trước đó nhưng chưa được sử dụng để rút ngắn quá trình vận chuyển.
 Đặc biệt, trong sư đoàn công pháo 351 khi đó, có một tiểu đoàn tên lửa Kachiusa do Liên Xô viện trợ. 
Theo kế hoạch, các loại pháo sẽ được vận chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc đến các cửa khẩu Việt Nam ở Lạng Sơn, Lào Cai. 

Việt Nam cử một số đoàn chuyên gia sang Trung Quốc, tiếp nhận vũ khí đồng thời làm quen, học cách sử dụng ngay tại chỗ trước khi lên đường vận chuyển về Việt Nam.

Chính vì thế, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã hoàn toàn làm chủ được vũ khí hiện đại, nhất là những loại pháo cao xạ, pháo mặt đất do Liên Xô viện trợ khi đó có sức mạnh ngang ngửa với quân Pháp.

Cũng chính nhờ vào sự hỗ trợ này mà quân Pháp đã hoàn toàn choáng váng trước hỏa lực pháo của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thậm chí, Trung tá Piroth, tư lệnh lực lượng pháo binh Pháp ở cứ điểm này đã phải tự sát vì bất lực trước hỏa lực pháo binh Việt Nam.

- Mới đây, Đài tiếng nói nước Nga có đăng bài viết về sự xuất hiện của giàn tên lửa Kachiusa – Ngọn lửa Stalingrad ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy nhiên có độc giả còn đặt nghi vấn về câu chuyện này, xin ông nói rõ thêm về thông tin này?

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có khoảng hơn 10 vạn quân, chia thành 5 sư đoàn, trong đó có 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn công pháo.

Lựu pháo mặt đất của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 

Sư đoàn công pháo 351 chính là đơn vị sở hữu toàn bộ các loại pháo do Liên Xô qua Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam khi đó.

Đây là sư đoàn kết hợp giữa công binh và pháo binh, sử dụng các loại pháo cao xạ phòng không 35mm và lựu pháo mặt đất 105mm. Đặc biệt, trong sư đoàn 351 khi đó, có một tiểu đoàn tên lửa Kachiusa do Liên Xô viện trợ.

Tiểu đoàn này bao gồm 6 khẩu Kachiusa, mỗi khẩu có 6 nòng có khả năng nhả đạn liên tiếp. Như vậy, sư đoàn công pháo 351 khi đó sở hữu 36 nòng tên lửa Kachiusa của Liên Xô.

Tuy nhiên, tiểu đoàn Kachiusa này chưa từng có cơ hội thể hiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ dù đã triển khai trận địa, vì cục diện thay đổi và quân đội Việt Nam chỉ cần sử dụng cao xạ 37mm và lựu pháo 105mm là đủ.

Một điều đặc biệt về quá trình vận chuyển các khẩu pháo này từ cửa khẩu vào sâu địa phận Việt Nam đó là bộ đội ta tháo rời từng bộ phận rồi thả bè theo sông Hồng trôi về xuôi.

Mặc dù đây là các vận chuyển độc nhất vô nhị trên thế giới nhưng tất cả khí tài khi về đến đích đều an toàn, các linh kiện được bảo toàn tuyệt đối, không mất mát trong quá trình di chuyển.

- Ngoài loại vũ khí này, Liên Xô đã viện trợ những gì cho Việt Nam trong giai đoạn này, thưa ông?

Bên cạnh các loại pháo, Liên Xô khi đó có hỗ trợ Việt Nam một lượng lớn tiểu liên K50 và súng trường. Đây là những loại súng Liên Xô đã sử dụng thành công trong Thế chiến II và rất hiện đại, hữu dụng với bộ đội ta thời điểm đó.

Ngoài ra, quân đội Việt Nam còn được viện trợ các loại pháo không giật DKZ 75, DKZ 82.

Súng tiểu liên K50, loại Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 

Đây là các vũ khí rất hiện đại, hỏa lực mạnh khi đó, chuyên dùng để tấn công lô cốt, xe thiết giáp hoặc các cụm bộ binh của Pháp. Thậm chí, quân đội Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ.

- Nhiều người cho rằng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam có sử dụng nhiều vũ khí do Trung Quốc viện trợ, ông có ý kiến gì về nhận định này?

Như đã nói ở trên, các vũ khí của Việt Nam khi đó được Liên Xô viện trợ nhưng nhận hàng trực tiếp từ Trung Quốc để giảm thời gian vận chuyển, chứ không phải vũ khí đó là Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam.

Với Trung Quốc khi đó, viện trợ lớn nhất dành cho bộ đội ta là trang phục. Những đôi giày mềm của Trung Quốc rất được bộ đội ưa chuộng vì sự thoải mái, bền bỉ. 

Cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ, các tư trang của bộ đội vẫn được Trung Quốc viện trợ và chất lượng rất tốt.
 Thậm chí, Trung tá Piroth, tư lệnh lực lượng pháo binh Pháp ở cứ điểm này đã phải tự sát vì bất lực trước hỏa lực pháo binh Việt Nam. 
Ngoài ra, dấu ấn lớn nhất của Trung Quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ đó là những chiếc xẻng quân dụng.

Mặc dù không có sức mạnh tấn công như pháo Liên Xô, nhưng những chiếc xẻng chính là yếu tố quyết định trong chiến lược của Việt Nam ở Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta sử dụng xẻng để đào chiến hào, giao thông hào, hầm trú ẩn hay đường hầm dẫn vào đồi A1 đặt khối bộc phá gần 1 tấn. 

Những đoạn chia cắt trận địa, sân bay của Pháp ở Điện Biên Phủ đều có dấu ấn của xẻng quân dụng Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam.

Sau này, khi về thăm lại chiến trường xưa, nhiều cựu binh Pháp vẫn không hiểu vì sao, cứ điểm tưởng như ‘bất khả xâm phạm’ của họ bị xuyên thủng, đập nát cho đến khi được giới thiệu về quá trình hoạt động của bộ đội ta với chiếc xẻng thô sơ của mình.

- Là chuyên gia về lĩnh vực quân sự, xin ông cho biết quan hệ Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay có những điểm gì đáng chú ý?

Với thế hệ những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ như chúng tôi bị ảnh hưởng tương đối sâu về nghệ thuật quân sự Xô Viết, bên cạnh nghệ thuật quân sự Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, kế thừa từ cha ông.

Khi đó, đa số những người lính trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, bước qua chống Mỹ đều đi học ở Liên Xô. 

Khi trở về, họ trở thành chỉ huy các cấp và truyền thụ trực tiếp những kiến thức thu nạp được từ Liên Xô cho các chiến sĩ mới, vận dụng vào chiến tranh chống Mỹ.

Ngoài ra, các vũ khí của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ gần như hoàn toàn của Liên Xô, từ trang phục cho chiến sỹ, vũ khí bộ binh cho đến những quả tên lửa phòng không hiện đại.

Không những vũ khí, Liên Xô còn giúp đỡ về lương thực, thuốc men, để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Liên Xô cũng gửi đến Việt Nam rất nhiều cố vấn, chuyên gia quân sự để tham mưu trong quá trình tổ chức chỉ huy, kỹ năng xử lý tình huống trong chiến đấu với những kinh nghiệm họ có được sau Thế chiến II.

Trong quan hệ với Nga hiện nay, Việt Nam được đánh giá rất cao và được Nga tin tưởng nhất. Nga vẫn tạo điều kiện rất lớn cho Việt Nam trong quá trình mua sắm vũ khí, trang bị mới.

Việt Nam liên tục đưa các học viên sang Nga học tập, nâng cao kỹ năng sử dụng vũ khí. Trong khi đó, Nga vẫn gửi chuyên gia sang Việt Nam để sửa chữa, nâng cấp các hệ thống vũ khí cũ nhằm đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trong thời kỳ mới.

Tùng Đinh (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét