Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

LÒNG THAM VÔ ĐÁY

Lòng tham vô đáy của một quan chức đứng đầu “Phủ Khai Phong”


Sau khi cuộc mít tinh, họp mặt kỉ niệm lần thứ 68 Ngày thành lập ngành Thanh tra Chính phủ (23/11/1946 – 23/11/2014) ở cơ quan TTCP vừa kết thúc thì trưa cùng ngày (21/11/2014) Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ gây chấn động dư luận xã hội, đông đảo cử tri cả nước náo nức, hả hê, củng cố thêm lòng tin vào Đảng, Nhà nước đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng ngay sau các phiên chất vất, trả lời chất vấn ở Kì họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII.

Trong mấy ngày qua, Tổng Biên tập và một số phóng viên Báo Người cao tuổi (NCT) nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn từ khắp nơi chúc mừng, chia sẻ và cổ vũ, động viên tiêp tục phát huy, vững vàng trên mặt trận chống “nội xâm” đầy cam go, rất nhiều sóng gió và chông gai còn đang ở phía trước.

Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI Một số vần đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Báo Người cao tuổi được nhiều cán bộ lão thành, đảng viên chân chính và nhân dân cộng tác đã dày công điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với nhiều cán bộ cấp cao ở một số địa phương. Điển hình là ông Trần Văn Truyền. Báo Người cao tuổi đã dành nhiều kì, nổi bật là các số: 31 (1348) ngày 21/2/2014 với cụm tin, ảnh “Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?”; số 35 (1359) ngày 28/2/2014 đăng bài “Biệt thự ông Truyền và ngôi nhà 51m2 của Chủ tịch nước”, số 179 (1496) ngày 7/11/2014 có bài “8 sổ đỏ ở khu dinh thự của cựu Tổng TTCP Trần Văn Truyền”, v.v…

Báo Người cao tuổi số 31 (1348) ngày 21/2/2014 với cụm tin, ảnh “Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?”.

Vi phạm của ông Trần Văn Truyền mang tính hệ thống, kéo dài hàng chục năm. Rõ nhất kể từ khi ông làm cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, rồi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP. Ông Truyền cứ lên chức vụ cao hơn lại vi phạm nghiêm trọng hơn, nổi bật là giai đoạn từ làm Bí thư Tỉnh ủy đến đứng đầu TTCP, rồi vi phạm ngay cả sau khi đã về hưu.

Tổng Biên tập và một số phóng viên Báo NCT nhiều lần tiếp xúc với một số cán bộ lão thành, lãnh đạo đương nhiệm và nhân dân ở thành phố Bến Tre đều bức xúc bởi gia đình ông Truyền chiếm đoạt, được cấp, chuyển nhượng khối bất động sản “khổng lồ” đến thế? Qua điều tra, xác minh của Báo, vi phạm của ông Truyền mà Báo NCT nêu ngày 21/2/2014 hoàn toàn chính xác. Cụ thể có nhiều lô đất, 3 khối nhà (số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương; số 6 Lê Quý Đôn, Phường 1 và khu dinh thự đồ sộ tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre). Về đất của gia đình ông ở xã Sơn Đông, Báo nêu gần 3ha (là theo lời các lão thành và nhân dân), khi điều tra chính xác thì con trai ông Truyền là Trần Hoàng Anh đứng tên 8 sổ đỏ với 16.567,4m2, con gái ông Trần Thị Ngọc Huệ nhận chuyển nhượng 8.000m2 ngay bên cạnh chưa sử dụng. Đây là đất cây lâu năm (CLN) nguồn sống của nhiều hộ gia đình nông dân nghèo cực chẳng đã phải chuyển nhượng cho bố con ông Truyền để rồi mất đi một nguồn sống chính của họ.

Tổng Biên tập Báo NCT từng đến thăm ông Sáu Thắng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (cùng thời điểm ông Trần Văn Truyền là Phó Bí thư Thường trực), ông bà lọ mọ sống trong căn hộ vài chục mét vuông được bán theo Nghị định 61/CP, so với tòa dinh thự, những biệt thự của ông Trần Văn Truyền mà lòng đau quặn lại.

Ở TP Hồ Chí Minh, Báo NCT biết ông Trần Văn Truyền sở hữu ít nhất 3 tòa nhà. Hai con gái và các con rể của ông có vị trí công tác “ngon” trong thành phố. Dịp tháng 4/2014 Báo chỉ đạo các phóng viên đi “tìm” các tòa nhà của ông Trần Văn Truyền ở quận Phú Nhuận, Quận 5, Quận 9, khu Phú Mỹ Hưng, khu Thảo Điền. Nhiều lần đến nhà số 5 Nguyễn Trọng Tuyển, số 465/48C khu phố Phước Hậu, Quận 9 nhưng chủ nhà thường vắng, cổng khóa và Cảnh sát khu vực, chính quyền phường từ chối không cung cấp thông tin. Khi biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, Báo tạm dừng xác minh việc này.

Ở Hà Nội thì căn nhà công vụ 607, nhà A số 61 Trần Quang Diệu, Báo NCT chỉ rõ ông khóa để đấy từ sau ngày nghỉ hưu. Trước tết 2014, vợ chồng ông có về ở 8 ngày tại đây. Người ta đồ rằng do ông còn nhiều của cải trong đó nên vẫn chưa bàn giao cho cơ quan quản lí được.

Như vậy, ngoài đất đai, nhà cửa ở huyện Ba Tri (quê ông) thì chỉ riêng tại TP Bến Tre, TP Hồ Chí Minh gia đình ông Trần Văn Truyền “ôm” khối tài sản với hơn 4ha đất đô thị, ngót chục tòa nhà (riêng ở Sơn Đông, ngoài tòa dinh thự 1.226,61m2 sàn còn 4 căn nhà gỗ quý hiếm, lợp ngói đỏ).

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trần Văn Truyền công bố đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên, đây mới là vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất. Còn trong dư luận, ông Truyền có không ít dấu hiệu mang tính vụ lợi khi giải quyết, xem xét, bẻ ghi kết luận thanh tra một số vụ việc lớn. Đặc biệt, trước khi nghỉ hưu, ông kí bổ nhiệm 69 chức danh cán bộ ở TTCP mà tất cả đều không có quy hoạch, thiếu tiêu chuẩn dẫn tới ở “Phủ Khai Phong” có quá nhiều cấp phó, cấp hàm. Ông làm liều đến mức, ngày 3/8/2011 Quốc hội công bố ông Huỳnh Phong Tranh giữ chức vụ Tổng TTCP rồi, vậy mà tại Tuần Châu (Hạ Long), vợ chồng ông đang nghỉ mát, vụ TCCB theo chỉ đạo của ông còn đưa xuống để ông kí một số trường hợp bổ nhiệm, kí quyết định bổ sung quy hoạch cho một người. Hậu quả là ngay sau khi được bổ nhiệm, vài cán bộ đã bị kỉ luật, có người phải xem xét, xử lí bằng pháp luật. Việc ông kí ồ ạt này điều dễ hiểu là ông Truyền chắc chắn không làm phúc, ban ơn. Còn ở TTCP ai cũng biết việc làm đó đều có giá.

Lòng tham vô đáy để có được khối tài sản “khủng”, ông Truyền đã vi phạm nghiêm trọng, “gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội” nhưng việc ồ ạt kí bổ nhiệm hơn 60 cán bộ trước lúc nghỉ hưu còn nghiêm trọng không kém bởi hậu quả của nó: Lạm phát cấp phó, bộ máy cồng kềnh, uy tín TTCP giảm sút, ngân sách nhà nước bội chi, nội bộ TTCP phức tạp, vì nhiều người tốt không được đề bạt. Nhiều bạn đọc đòi hỏi phải làm rõ việc ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm sai trái và phải xử lí theo Điều lệ Đảng và Quy định 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Trung ương về xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm và theo pháp luật của Nhà nước.

Ông Trần Văn Truyền là đảng viên, một cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Khi làm Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Tổng Thanh tra Chính phủ thường đứng trên bục truyền đạt nghị quyết của Đảng, ông thường rao giảng hùng hồn về trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ phải gương mẫu, trung thực, phải rèn luyện đạo đức, phẩm chất theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong thực tế, nói vậy mà ông làm ngược lại, hoàn toàn “không vì Dân, vì Đảng” mà tất cả chỉ vì ông và gia đình ông, cho nên không còn ai nghĩ ông là người cộng sản nữa và trong thực tế, ông cũng không còn xứng đáng là một đảng viên nữa!

Bình luận của Kim Quốc Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét