TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Phát ngôn cho xứng danh Nghị sĩ (09/11/2014)
Có lẽ nhiều năm rồi, đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa 13 này, vấn đề năng lực làm đại biểu QH mới được đặt ra thẳng thắn và gay gắt trong các phiên thảo luận về Luật Tổ chức QH và Luật Bầu cử QH. Đây cũng là kỳ họp có nhiều chuyện làm nóng dư luận xã hội sau các phát ngôn của đại biểu. TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có cuộc trò chuyện với ĐĐK về kỹ năng làm đại biểu, về năng lực phát ngôn và xây dựng hình ảnh mà đôi khi, những điều này lại chưa được coi trọng.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng/Ảnh: Hoàng Long
Quyền miễn trừ đối với đại biểu QH ở Việt Nam không lớn, chỉ là tương đối
PV: Thưa ông, có thể hiểu về quyền miễn trừ của Đại biểu QH Việt Nam như thế nào? Và quyền của một nghị sĩ ở ta khác với các nước khác ở chỗ nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quyền miễn trừ của đại biểu QH có thể được hiểu là quyền được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây là một quyền tương đối hạn chế. Hiến pháp năm 2013 quy định: "Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu QH nếu không có sự đồng ý của QH hoặc trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH; trong trường hợp đại biểu QH phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định”.
Như vậy, được sự đồng ý của QH hoặc của Ủy ban Thường vụ QH, thì các hành động áp đặt chế độ trách nhiệm hình sự vẫn có thể được tiến hành. Hay nói cách khác, QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH có thể chấm dứt hiệu lực của quyền miễn trừ. Thực ra, quyền là quyền của QH, của Ủy ban Thường vụ QH đấy, nhưng thử hỏi khi một vị đại biểu đã phạm tội, thì QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH có dễ dàng trong việc không đồng ý cho truy tố hay không?
Ở các nước, quyền miễn trừ của các nghị sĩ được áp dụng rất khác nhau. Ở một số nước, quyền này được coi là một quyền tuyệt đối: còn làm Nghị sĩ thì không thể bị truy tố. Ở một số nước khác, quyền này là khá hạn chế. Ví dụ, nghị sĩ chỉ có quyền miễn trừ khi ở trong nhà QH hoặc trên đường đi làm nhiệm vụ nghị sĩ của mình. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tổng thư ký nghị viện, xu thế chung là quyền miễn trừ dành cho các nghị sĩ đang bị ngày càng giảm bớt trên phạm vi toàn cầu.
Làm sao có thể tranh luận một cách tự do, nếu chưa phát biểu đã lo bị kiện
Thưa ông, trên thế giới người ta còn nói tới đặc quyền của các Nghị sĩ. Đặc quyền khác với quyền miễn trừ như thế nào? Các đại biểu QH của nước ta có đặc quyền không?
- Đúng là trên thế giới, ngoài quyền miễn trừ ra người ta còn nói tới đặc quyền của các Nghị sĩ. Và để cho chế định nghị viện có thể vận hành được thì người ta coi trọng đặc quyền hơn quyền miễn trừ rất nhiều. Đặc quyền và quyền miễn trừ là hai khái niệm khác nhau. Đặc quyền là quyền không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự về phát biểu và biểu quyết trong nghị viện. Còn quyền miễn trừ là quyền không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội.
Sở dĩ, đặc quyền quan trọng là vì nghị viện là nơi để tranh luận. Làm sao người ta có thể tranh luận một cách tự do, trung thực nếu như chưa phát biểu đã lo bị kiện- kiện đòi bồi thường danh dự, hoặc kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Trong khi tất cả các Nghị sĩ trên thế giới đều có đặc quyền thì các đại biểu QH của chúng ta lại không có đặc quyền này. Pháp luật của nước ta không cho các vị đại biểu quyền này. Thực ra, Hiến pháp năm 1946 Khoản 2 Điều 40 đã dành cho các đại biểu đặc quyền này: "Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện”. Rất tiếc, sau khi chúng ta ban hành các hiến pháp mới thì tất cả các hiến pháp sau này kể cả Hiến pháp năm 2013 vừa được ban hành, đều không quy định về đặc quyền.
Đặc quyền quan trọng hơn quyền miễn trừ rất nhiều. Bởi vì, nếu có đặc quyền thì đại biểu mới có thể hoạt động có hiệu quả được. Tuy nhiên, vì không có đặc quyền nên khi phát biểu ý kiến, kể cả ở Hội trường các vị đại biểu QH của ta nên thận trọng. Đã có một vài đại biểu bị kiện đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng. Mặc dù, vị đại biểu có liên quan này chưa phải bồi thường, thế nhưng rủi ro thua kiện và phải bồi thường vẫn treo lơ lửng.
Không có đặc quyền, hoạt động ở Nghị viện rất dễ rủi ro
Vì sao việc bỏ đặc quyền của Đại biểu theo ông là điều đáng tiếc?
- Rất đáng tiếc! Đặc quyền là điều kiện hết sức quan trọng để vận hành thể chế. Bởi vì, như đã nói ở trên, QH là nơi để tranh luận, nơi để nói. Quốc hội tiếng Pháp là "Parlement” có nghĩa là nói. Thế mà nói cái gì anh chẳng dám nói, nói gì anh cũng sợ thì làm sao anh tranh luận được, làm sao anh làm chức năng đại diện?! Hoạt động ở nghị viện mà không có đặc quyền thì sẽ có rủi ro.
Rủi ro cho đại biểu hay cho xã hội, thưa ông?
- Rủi ro cho đại biểu cũng chính là rủi ro cho xã hội. Bởi vì nếu không có đặc quyền, đại biểu sẽ không thể đại diện đầy đủ cho lợi ích đa dạng, chính kiến đa dạng của xã hội.
Ví dụ cụ thể trong trường hợp phát biểu của đại biểu làm thiệt hại về kinh tế, hoặc danh dự của tổ chức, cá nhân thì họ có quyền kiện mà đại biểu không được miễn trừ trách nhiệm?
- Rõ ràng là như vậy! Nghĩa là đại biểu không được giải phóng khỏi trách nhiệm hình sự và dân sự. Trường hợp như của đại biểu QH Đỗ Văn Đương, nếu như nước ngoài thì đặc quyền sẽ được áp dụng. Vì ông Đương nói trong tòa nhà QH và ông có đặc quyền. Nhưng ở Việt Nam làm gì có đâu. Tôi khẳng định là Đại biểu QH ở Việt Nam không có đặc quyền. Không có đặc quyền thì phải luôn nhớ rằng, khi phát biểu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự. Mà trong nền kinh tế thị trường thì chuyện liên đới đến trách nhiệm dân sự là khá nhiều.
Quốc hội là nơi để nói…
Đó chính là rủi ro đối với đại biểu QH hiện nay, thưa ông? Và nó hạn chế quyền của đại biểu?
- Thực chất ở Việt Nam những năm qua, việc chưa có đặc quyền cho đại biểu chưa thành vấn đề lớn. Cũng chưa có đại biểu nào vướng vào việc phải chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự bởi phát ngôn. Nhưng chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta tôn trọng quyền con người, chúng ta đang xây dựng theo mô hình các cơ quan nắm giữ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát lẫn nhau thì càng ngày rủi ro với đại biểu QH càng nhiều. Mà rủi ro với đại biểu QH là rủi ro với xã hội. Bởi vì tranh luận trong Nghị trường rất khó khăn, ở môi trường cần tranh luận mà không dám nói thì tranh luận cái gì. Trong khi chỉ có tranh luận thì mới có minh bạch được. Không thể nào có một chính sách không tranh luận mà minh bạch được.
QH là nơi để nói. Nhưng quyền để tránh rủi ro khi nói không có. Bao giờ một chính sách ra đời cũng ảnh hưởng tới nhiều nhóm đối tượng trong xã hội. Vậy phải có tranh luận để biết được tác động tới xã hội, ai sẽ được hưởng lợi từ chính sách, ai sẽ chịu thiệt? Không tranh luận làm sao sáng tỏ được. Rõ ràng rủi ro khi phát ngôn ảnh hưởng đâu phải chỉ tới đại biểu, mà ảnh hưởng đến tính minh bạch của hệ thống. Đại biểu nêu vấn đề để cần có một sự giải trình. Nhưng nếu ngay khi đại biểu nêu vấn đề người ta đã dọa kiện thì người ta đâu có cần giải trình nữa. Thành thử quyền đại biểu như điều kiện tiên quyết để vận hành thể chế. Không có cái này thì cái khác sẽ không vận hành. Đó là lý do tại sao các đại biểu, nghị sĩ ở rất nhiều quốc gia có đặc quyền.
…nhưng nói phải thông tuệ, có trình độ, có chứng cứ
Nếu đặt vấn đề ngược lại, giả sử nếu đại biểu QH Việt Nam có đặc quyền, liệu có e ngại những phát ngôn sẽ vì thế mà thiếu cẩn trọng không, ví dụ có thể gây ra những thiệt hại kinh tế thực sự?
- Đừng có lo như vậy, bởi vì ngay khi có đặc quyền thì chỉ được có quyền không bị truy cứu về hình sự và dân sự khi phát ngôn. Còn có trách nhiệm thứ 3 là trách nhiệm chính trị. Không có luật nào khiến đại biểu thoát khỏi trách nhiệm chính trị cả. Nghĩa là nếu phát ngôn thiếu cẩn trọng, bừa bãi thì sẽ mất uy tín. Thành thử khi nói cho dù là không bị truy cứu thì đại biểu cũng phải phát ngôn cho xứng danh là một Nghị sĩ. Nhất là với sự phát triển của báo chí và mạng xã hội hiện nay. Hoàn toàn không nên quan niệm dù đã có quyền miễn trừ hoặc đặc quyền mà được giải phóng về trách nhiệm. Chỉ được giải phóng khỏi trách nhiệm hình sự và dân sự thôi, còn trách nhiệm với uy tín cá nhân, trách nhiệm với hình ảnh trước công chúng, trách nhiệm chính trị sẽ khiến người ta không thể muốn nói gì thì nói. Nói phải thông tuệ, có trình độ, có chứng cứ.
Làm đại biểu có 2 việc ở đỉnh của khó: Đại diện cho cử tri và làm nhà lập pháp chuyên nghiệp
Điều ông đang nói lại liên quan đến một vấn đề được các đại biểu đang đề cập, đó là năng lực làm đại biểu?
- Làm đại biểu QH phải làm được 2 việc cực kỳ khó. Thứ nhất, là việc làm chức năng đại diện cho người dân đã bầu ra anh. Thứ hai, là một nhà lập pháp chuyên nghiệp.
Để làm chức năng đại diện thì phải làm được mấy việc, đó là giữ được quan hệ với cử tri, lắng nghe ý kiến của họ và thứ ba là phải xử lý được vấn đề của người đã bầu ra mình yêu cầu.
Ở yêu cầu thứ 2 là một nhà luật pháp chuyên nghiệp thì cũng phải làm tốt được mấy việc. Một nhà lập pháp chuyên nghiệp thì phải tác động được đến nghị trình. Tức là phải thuyết phục được những vấn đề cần ưu tiên, nếu không sẽ làm việc mà người khác đề ra cho mình. Việc thứ hai, là phải có chuyên môn trong lĩnh vực của mình và tác động tới nó bằng pháp luật, bằng chính sách. Tác động bằng cách nào? Có thể bằng hiểu biết để xây dựng luật. Có khả năng để thương lượng hoặc thuyết phục với các đại biểu khác. Đó là kỹ năng của nhà luật pháp chuyên nghiệp. Những việc này đều ở trên đỉnh của sự khó khăn, không phải người nào với trí tuệ năng lực bình thường cũng có thể làm được. Thế mà ở ta nhiều đại biểu lại kiêm nhiệm, chỉ có 1/3 thời gian dành cho hoạt động QH thì làm thế nào? Đó là lý do dẫn đến đôi khi đại biểu chỉ mang tính hình thức. Trên thế giới 1 đại biểu chuyên nghiệp người ta sẽ có 1 nửa thời gian làm việc ở QH để làm luật, làm chính sách, 1 nửa thời gian tiếp xúc với người bầu ra mình để làm người đại diện. Như vậy thì người dân mới có người đại diện thực sự. Và thường người dân chỉ cần kiến nghị với đại biểu là xong. Đại biểu phải xử lý kiến nghị, yêu cầu của cử tri chứ không phải gửi lên QH xử lý. Đại biểu chính là người có động lực nhất trong hệ thống để xử lý. Bởi vì đại biểu phải phụ thuộc vào lá phiếu cử tri. Thứ hai, là đại biểu có quyền năng để xử lý. Nhưng đó là các đại biểu chuyên nghiệp, phải rất hiểu quyền năng của mình.
Nổi tiếng bằng scandal ở Quốc hội không có lợi gì cho đại biểu
Ông vừa nói tới văn hóa tranh luận, văn hóa nghị trường và đã đến lúc cũng cần đặt vấn đề về năng lực phát ngôn ở nghị trường? Liệu có việc phát ngôn sốc để gây chú ý không, thưa ông?
- Chuyện các đại biểu dùng phát ngôn để gây chú ý như giới showbiz thì tôi nghĩ là không. Nhưng mà 500 con người là 500 tính cách. Các đại biểu có thể hiện tính cách của mình rất khác nhau. Nổi tiếng bằng scandal ở QH chắc sẽ không có lợi gì cho đại biểu nếu muốn trở thành người chuyên nghiệp, hoặc muốn tái cử.
Việc đại biểu dùng trang cá nhân trên mạng xã hội để công kích nhau thì sao? Nó ảnh hưởng khá lớn tới hình ảnh đại biểu hiện nay, thưa ông?
- Trong môi trường xã hội hiện nay thông tin mạng rất quan trọng với đại biểu. Nhưng không có nghĩa để công kích nhau, mà là thu thập ý kiến, bày tỏ quan điểm, giữ quan hệ với cử tri. Còn không nó sẽ rất mất thời gian, mà đại biểu QH ít có thời gian để làm việc đó. Lên mạng xã hội là việc bên ngoài nghị trường, nhưng đối với công chúng người ta không phân biệt hoạt động bên ngoài hay bên trong, người ta cứ biết anh là đại biểu. Cho nên đã là người công chúng thì phải giữ hình ảnh, giữ cho mình và giữ cho nhau là quan trọng. Bởi vì cử tri nhìn vào hình ảnh của đại biểu để xem có tin được hay không. Khi người đó là một phần QH thì ảnh hưởng tới cả niềm tin vào QH nữa. Nếu hình ảnh đại biểu trước công chúng không đáng tin cậy thì anh nói gì người ta cũng không tin.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Thúy (thực hiện)/ĐĐK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét