Khoai@
Mình vốn dốt sử, không rõ Kachiusa có tham chiến ở ĐBP hay không. Khác với tướng Lê Mã Lương, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy Tre Làng đăng lại bài của VTC News để rộng đường dư luận:
Tranh cãi nảy lửa không có Kachiusa ở Điện Biên Phủ: Cựu chỉ huy pháo binh lên tiếng
(VTC News) – Người cựu chiến binh từng bắn chỉ điểm cho Kachiusa khai hỏa trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói về loại vũ khí đáng sợ này.
Thật bất ngờ, sau bài báo dẫn lại của Đài Tiếng nói nước Nga, rất nhiều độc giả đã gọi điện, gửi mail đến tòa soạn cho rằng thông tin Kachiusa của Liên Xô tham chiến trong trận Điện Biên Phủ là không đúng sự thật.
Những thông tin phản biện gửi đến tòa soạn còn nhiều hơn sau bài phỏng vấn với Thiếu tướng, Anh hùng Lê Mã Lương. Hầu hết độc giả đều cho rằng, pháo Kachiusa không có ở trận Điện Biên Phủ. Thậm chí, nhiều độc giả còn đưa ra những tư liệu rất thuyết phục.
Đại tá Bạch Ngọc Giáp, nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng pháo binh - Ảnh: Tùng Đinh
Thật may mắn, một độc giả đặc biệt đã gọi đến đường dây nóng của Báo. Người cựu chiến binh này từng chứng kiến Kachiusa khai hỏa trong đêm, cũng là người tham gia bắn đạn khói chỉ điểm cho tiểu đoàn Kachiusa trên cầu Mường Thanh ngày 6/5/1954, ngay trước chiến thắng vang dội năm châu của quân đội Việt Nam trước thực dân Pháp.
Nhân chứng lịch sử đó là Đại tá Bạch Ngọc Giáp, nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng pháo binh. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Giáp đang là Trung đội trưởng của Đại đội 806 pháo binh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn pháo 45 của Đại đoàn Công pháo 351.
- Có thông tin nói hỏa tiễn H6 mà quân đội Việt Nam sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là Kachiusa của Liên Xô viên trợ, xin ông nói rõ hơn về điều này?
H6 là loại hỏa tiễn quân đội Việt Nam sử dụng trong 2 ngày 6-7/5/1954, viết tắt của Hỏa tiễn 6 nòng. Đây là loại hỏa tiễn theo kiểu của Liên Xô nhưng do Trung Quốc sản xuất, chính là Kachiusa.
Đây là những hệ thống hỏa tiễn đã được Liên Xô sử dụng từ Thế chiến II. Ngoài loại H6 kể trên, quân đội Liên Xô còn có loại hỏa tiễn 14 nòng đặt trên giàn. Sau này, Kachiusa còn phát triển thêm nữa với việc tăng thêm số lượng nòng phóng.
- Nhưng thưa Đại tá, độc giả cho rằng về bản chất, hỏa tiễn H6 không phải là Kachiusa. Điều này nên được hiểu thế nào cho đúng?
Hỏa tiễn là do Liên Xô sáng chế, sản xuất. Trung Quốc sau đó sử dụng công nghệ của Liên Xô để mô phỏng. Sau này, người ta còn chế tạo những dàn pháo 14 nòng, 20 nòng. Nhìn chung người ta gọi Kachiusa là pháo hỏa tiễn.
Hỏa tiễn H6 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
- Nghĩa là thông tin của Đài Tiếng nói nước Nga là đúng?
Đúng vậy, về bản chất, pháo hỏa tiễn, phảo phản lực hay Kachiusa là một. Công nghệ này do Liên Xô phát minh ra. Trong trận Điện Biên Phủ, hỏa tiễn Kachiusa hay còn gọi là H6 thực sự đã giáng trận bão lửa xuống đầu quân Pháp khiến đối phương khiếp sợ.
Đặc biệt là khu trung tâm Mường Thanh, ngay trong đêm 6/5, chính mắt chúng tôi đã chứng kiến những loạt hỏa tiễn gầm rú trên không rồi phát nổ trên các mục tiêu đã được chúng ta xác định sẵn.
- Xin ông kể thêm về hoạt động của H6 trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954?
Tiểu đoàn H6 khi đó thuộc Đại đoàn 351 khi đó, sau này còn được gọi là Sư đoàn 351, tiền thân của Bộ tư lệnh Pháo binh. Trưa 6/5/1954, chúng tôi là những người trực tiếp bắn đạn khói để chỉ điểm cho tiểu đoàn H6.
Cuốn Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945-1975) do Đại tá Bạch Ngọc Giáp cung cấp - Ảnh: Tùng Đinh
Trong trận Điện Biên Phủ, hỏa tiễn Kachiusa hay còn gọi là H6 thực sự đã giáng trận bão lửa xuống đầu quân Pháp khiến đối phương khiếp sợ.
Do mới tham gia vào chiến dịch, nên tiểu đoàn này chưa nắm rõ trận địa, chính vì thế, 12h trưa 6/5 chúng tôi bắn đạn khói về phía cầu Mường Thanh, làm dấu cho các loạt đạn H6 tấn công vào tối cùng ngày.
Khi H6 khai hỏa, những tiếng rú của đạn xé tan màn đêm, bay ngay trên đầu chúng tôi, nhằm thẳng về phía cầu Mường Thanh.
- Uy lực hỏa tiễn Kachiusa khai hỏa trong chiến dịch Điện Biên Phủ là thế nào, thưa ông?
Mặc dù chỉ khai hỏa vào trận đánh cuối cùng của chiến dịch, nhưng sức mạnh và số lượng của giàn hỏa tiễn H6 đã khiến quân địch thêm phần choáng váng.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất của thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là sự xuất hiện của lựu pháo 105mm mà quân đội Việt Nam nhận được từ Trung Quốc. Điều không một tướng lĩnh nào của Pháp lường trước được.
Đoạn mô tả hoạt động của tiểu đoàn H6 đêm 6/5/1954 trong cuốn Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945-1975) - Ảnh: Tùng Đinh
Bên cạnh đó, chiến thắng Điện Biên Phủ ngoài hỏa tiễn H6, lựu pháo 105mm còn có pháo cao xạ 37mm, Trung đoàn sơn pháo 675 và lực lượng cối 120mm.
- Trong lần trả lời phỏng vấn VTC News, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng chúng ta có một tiểu đoàn Kachiusa nhưng không tham chiến. Ông cho rằng đây là nhầm lẫn của tướng Lương?
Tôi và một số đồng đội từng tham chiến trực tiếp ở Điện Biên Phủ, không thể nhầm lẫn được. Đây có lẽ là tướng Lương nhầm lẫn.
Ngay trong cuốn ‘Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945-1975)’, người ta cũng viết về trận đánh ở Điện Biên Phủ có sự tham gia của H6.
Thực ra, Liên Xô người ta gọi là Kachiusa, nhưng ta gọi là H6 cho thuận tiện. Tôi nhắc lại, bản chất của pháo phản lực, pháo hỏa tiễn, Kachiusa hay H6 đều là một. Chỉ là vấn đề tên gọi mà thôi.
- Độc giả còn thắc mắc rằng tướng Lương nhầm lẫn giữa số đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Có ý kiến cho rằng, chúng ta chỉ điều động quân đội cấp Đại đoàn, chứ không điều động Sư đoàn như tướng Lương nói?
Thực ra, Liên Xô người ta gọi là Kachiusa, nhưng ta gọi là H6 cho thuận tiện. Tôi nhắc lại, bản chất của pháo phản lực, pháo hỏa tiễn, Kachiusa hay H6 đều là một
Thông tin như vậy là không đúng. Thời kháng chiến chống Pháp, chúng ta gọi là Đại đoàn.
Cũng chính những đơn vị ấy, sau này trong kháng chiến chống Mỹ là sư đoàn. Tóm lại, Đại đoàn hay Sư đoàn chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một đơn vị trong quân đội mà thôi.
Trong chống Pháp, ta có Đại đoàn 304, Đại đoàn 308. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta lại gọi là Sư đoàn 304, Sư đoàn 308.
- Số phận tiểu đoàn Kachiusa sau chiến dịch Điện Biên Phủ thế nào, thưa ông?
Ban đầu, tiểu đoàn này trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Đại đoàn 351. Sau đó, chúng ta đã điều động loại pháo này xuống trang bị cho các đơn vị cấp sư đoàn và các cấp khác.
Các nước bạn sau này viện trợ cho chúng ta những loại pháo hiện đại hơn, thí dụ như BM14 – pháo phản lực 14 nòng.
Thậm chí sau này, theo đề xuất của ta, Liên Xô còn viện trợ pháo phản lực một nòng để dễ mang vác, chiến đấu trong miền Nam. Loại pháo này được sử dụng rất nhiều trong kháng chiến chống Mỹ
Pháo cao xạ 37mm Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp
Chúng ta còn sáng tạo xây dựng bệ pháo bằng đất, giá đỡ bằng ván gỗ, chọn chuẩn góc bắn rồi phóng thẳng loạt đạn hỏa tiễn vào mục tiêu.
Đại tá Bạch Ngọc Giáp còn cho phóng viên VTC News xem lại bài viết về hoạt động của tiểu đoàn hỏa tiễn H6 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được đăng trong cuốn ‘Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1945-1975)’.
Về hoạt động của tiểu đoàn hỏa tiễn H6, cuốn sách viết:
“Vào lúc 19h30p ngày 6/5/1954, tiểu đoàn H6 bắn loạt đạn đầu tiên vào khu trung tâm Mường Thanh. Đài kỹ thuật của ta thu tin địch: “Chết... chết... nóng quá”. 20h30p, tiểu đoàn H6 bắn loạt thứ 2, dội bão lửa vào trung tâm địch.
21h, khối bộc phá 1.000 kg nổ trong lòng điểm cao A1.
...
Ngày 7/5/1954.
9h30p, tiểu đoàn H6 bắn loạt thứ ba. Đạn pháo hỏa tiễn của tiểu đoàn nổ trùm lên toàn bộ khu vực còn lại của địch trong Mường Thanh”.
Tùng Đinh (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét