Thanh sắt oan nghiệt và lưỡi tầm sét trên Thiên đường
Phúc Lai
VNN - Chúng ta quen sống với những tiêu chuẩn kép. Có thể chúng ta dám lên tiếng trước một việc nào đó ảnh hưởng đến bản thân, nhưng nhiều khi, việc có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta tặc lưỡi cho qua.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến Giọt nước mắt trên Thiên đường (Tears in Heaven), bài hát rất nổi tiếng của danh ca Eric Clapton, kể về nỗi đau mất mát tột cùng khi con trai ông đột ngột giã từ cuộc sống. Cậu bé 4 tuổi đã rơi từ tầng 53, mãi mãi không trở về...
Còn ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho một người mới ra đi được siêu thoát, còn hai người khác nằm bệnh viện chóng qua khỏi.
Sáng sớm, một thanh sắt nào đó rơi từ cần cẩu của công trường xây dựng đường sắt trên cao, đường Nguyễn Trãi, Hà Đông.
Chuyện một vật gì đó bỗng nhiên rơi vào đầu người đi đường, không phải bây giờ mới xảy ra. Ít nhất tôi vẫn còn nhớ hai trường hợp: một lần xà sắt rơi chết công nhân ở công trường, còn lần khác, bê tông rơi bẹp xe Honda Civic đi dưới đường.
Lại nhớ, ngày trước trên đường Lạc Long Quân có một công trình thi công khá lâu, mà ngày nào đi qua, tôi cũng sợ cứng cả người vì cái cần cẩu của công trường, phần lớn các hôm khi nghỉ vào cuối ca, cũng treo một vật gì đó và thò ra đường. Hôm thì cái thùng sắt đựng dụng cụ khoảng nửa mét khối, hôm thì cả một cái xe cải tiến bằng sắt. Tôi từng chụp lại cảnh tượng đó, gửi kèm thư điện tử cho một tòa soạn báo mạng, những mong họ đăng để cảnh báo. Nhưng rồi không thấy phản hồi nào, coi như nó rơi vào "im lặng đáng sợ."
Còn trên đoạn đường kia, người nối người, vẫn từng giờ từng phút đi qua đi lại dưới cái xe cải tiến đó, sợ thì có sợ đấy, nhưng vẫn phải sống, coi như là "sống cùng sợ hãi." Lâu dần thành quen, những cái đó trở thành bình thường. Và nếu như một ngày, cái dây cáp hoặc cái móc cẩu đó có vấn đề và xe cải tiến rơi xuống, thì "Trời gọi ai người ấy thưa." Nhìn thấy đấy, biết đấy, nhưng nếu bây giờ bảo ngồi mà viết cái đơn phản ánh, thì chúng ta sẽ có một nghìn lẻ một lý do để ngại ngần. "Thôi, đấu tranh thì tránh đâu...", "Ai người ta giải quyết việc đó, rồi lại xong ấy mà..."
Trong những câu chuyện về tai họa "trên trời" kiểu này, chúng ta dễ tìm thấy ngay sự quy trách nhiệm đầu tiên cho những người đang thi công trong công trình: "vô cảm...", "vô trách nhiệm với tính mạng của người khác..."
Tất cả những điều trên đều đúng cả. Đời sống chúng ta đang sống, không thiếu những sự vô cảm với tính mạng của người khác.
Nhưng..., lúc nào cũng lại là "nhưng".
Thử đặt mình vào địa vị của một người sống trong đô thị của Việt Nam, khi bạn tự đứng ra xây cho mình căn nhà. Chắc chắn trong hoàn cảnh điều kiện hiện nay, tốp thợ đến làm nhà cho bạn sẽ dựng lên trên mái vài thanh sắt hoặc gỗ, dựng lên một hệ thống pa-lăng, dùng một cái máy nổ điêden hoặc động cơ điện và kéo văng tê cái xô cao su đựng bêtông lên tầng ba, tầng bốn nhà bạn. Và cũng chính bằng hệ thống đó họ kéo đủ các thứ khác lên: gạch, gạch lát... rồi tời đủ các thứ xuống.
Và bạn hãy hiểu cho rằng cái hệ thống cần trục tự chế tầm cỡ ấy, hoàn toàn có khả năng thả nguyên cái xô bêtông hoặc chục viên gạch vào đầu ai đó đi bên dưới. Bản thân tôi cũng vừa nghe chuyện người quen có mẹ vợ, bị chính công nhân xây dựng nhà cho mình, quẳng một thùng sơn vào đầu theo cách như vậy và qua đời ngay tại chỗ.
Nguy hiểm vậy đó. Nhưng đặt trường hợp là bạn, liệu bạn có đủ can đảm móc túi trả thêm tiền cải tiến "công nghệ cũ" - cần cẩu "chạy bằng cơm", hoặc thuê một cái thang máy (vận thăng) đúng tiêu chuẩn an toàn hay không? Có lẽ phần nhiều là không, hoặc nếu bạn làm, cũng sẽ không có ai đánh giá cao điều đó.
Năm ngoái nhà tôi sửa nhà, và đội thợ cũng sử dụng "công nghệ cần trục" kiểu đó. Nhà có sân, nên việc người đi lại dưới cái "cần cẩu" là không có, nhưng bản thân tôi, thú thực cũng chưa rõ nếu nhà không có sân mà việc đó diễn ra ở đường đi công cộng, thì tôi có dám móc hầu bao trả cho cái sự "an toàn xa xỉ" đó hay không.
Cũng có thể chúng ta cho rằng, chủ thầu xây dựng thì trong mười người, học đại học xây dựng may ra chỉ được một, và trong một người đó không biết anh ta có chấp hành những quy tắc về an toàn lao động hay không. Nhưng trước hết, chúng ta cần tự vấn bản thân chúng ta cái đã. Có thể ở những môi trường khác, một nước khác, những việc tiềm tàng rủi ro như thế, con người không bao giờ dám làm, không bao giờ nghĩ đến được làm, thì ở ta, lại trở thành bình thường.
Bởi vì chúng ta quen sống với những tiêu chuẩn kép. Có thể chúng ta dám lên tiếng trước một việc nào đó ảnh hưởng đến bản thân, nhưng nhiều khi, việc có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta tặc lưỡi cho qua, vẫn để cho nó được tiến hành. Nếu tất cả chúng ta đều dễ dãi như thế, từ bản thân chủ công trình, người thi công đến chính quyền cũng dễ dãi chỉ "phạt cho tồn tại", thì làm sao mỗi người trong số chúng ta, thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.
Nói một cách khác, thiên đường và địa ngục, chính chúng ta tạo ra, không phải ai khác. Chừng nào mà chúng ta còn sống với "tiêu chuẩn kép", thì "thiên đường" luôn luôn có những "lưỡi tầm sét" treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng giáng xuống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét