(Tài liệu được giải mật: Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.)
Hồ Sơ Mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.
Tài Liệu 15.
Trong khi Toà Bạch Ốc chỉ được báo cáo cho biết một ít chi tiết về âm mưu của CIA tại Sài Gòn thì Dinh Gia Long lại biết gần như tất cả.
Ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy như sau. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Dương Văn Minh đến gặp Lucien Conein, liên lạc viên của CIA tại Việt Nam. Minh nài nỉ bên Hoa Kỳ đừng gây cản trở cho kế hoạch đảo chánh. Minh lại còn nài nỉ Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho chính phủ mà phe đảo chánh sẽ thành lập.
Tổng Thống Kennedy phúc đáp Cabot Lodge như sau. Hoa Kỳ cam đoan sẽ tiếp tục viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau đó, Kennedy chỉ thị cho Cabot Lodge rằng không một người Mỹ nào được tham gia đảo chánh.
Không rõ Cabot Lodge đã cho những nhân vật nào của Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết về phúc đáp của Kennedy. Tuy nhiên, có lẽ người được cho biết đầu tiên là Conein, bởi vì ngay sau đó Lucien đến gặp Tướng Trần Văn Đôn nhiều lần để bàn về kế hoạch đảo chánh. Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát, không bỏ qua một chi tiết nào.
Ngày 7 tháng Năm 1963, bà Ngô Đình Nhu lên đường sang Hoa Kỳ mặc dù bà không ưa gì chính sách thù địch của Chính Phủ Kennedy đối với Chính Phủ Ngô Đình Diệm.
Sang ngày hôm sau, hầu hết các tờ báo lớn tại Sài Gòn đều loan tin việc ông Ngô Đình Nhu tố cáo việc làm của những người mà ông gọi là “những người Mỹ thù địch”. Ông Nhu nêu đích danh John Richardson, Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, là tên đầu sỏ, chủ mưu tất cả những kế hoạch gây cản trở cho việc phát triển của Việt Nam Cộng Hoà.
Vì giờ giấc của Hoa Kỳ sau Việt Nam gần một ngày nên cũng trong ngày 8 tháng Chín đó tại Hoa Kỳ, hầu hết các tờ báo quan trọng đều loan tin này, gần như là đầy đủ những gì mà các tờ báo tại Sài Gòn đã đăng. Các đài truyền hình cũng loan tin tương tự và lại còn có phần thời sự, phỏng vấn một số nhân vật am tường tình hình Việt Nam.
Vụ này làm cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc bối rối. Vì ông Ngô Đình Nhu tố cáo đích danh CIA và vì dư luận Hoa Kỳ chỉ trích cả CIA lẫn Toà Bạch Ốc nên CIA đề nghị Tổng Thống Kennedy mở một cuộc họp báo để giải độc cho CIA và nhờ vào đó, giảm đi được những chỉ trích gay gắt nhắm vào Toà Bạch Ốc. Tổng Thống Kennedy đồng ý và rồi các nhân viên CIA chuẩn bị cho Kennedy những câu trả lời đối với những câu hỏi mà chắc chắn các ký giả sẽ chất vấn ông trong cuộc họp báo.
Quả nhiên, trong cuộc họp báo ngắn ngủi được tổ chức vào ngày 9, Kennedy chỉ bị hỏi đi hỏi lại về vai trò của CIA tại Sài Gòn, và CIA đã làm những gì trong thời gian qua. Đã đọc thuộc lòng các câu trả lời mà nhân viên của CIA đã bày sẵn, nhưng Kennedy cũng hơi ấp úng. Ông trình bày rằng ông không thấy CIA tại Sài Gòn làm bất cứ một điều gì để bị chỉ trích. Kennedy quả quyết rằng các nhân viên của CIA chỉ thực thi chính sách, chứ không đưa ra chính sách. Các nhân viên của CIA tại Sài Gòn luôn cố gắng làm những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của họ nếu họ có khả năng. Về các câu hỏi liên quan đến John Richardson, Kennedy trả lời khá ngập ngừng, rằng ông thấy Richardson là một viên chức tận tuỵ.
Tài Liệu 16.
Như đã nói trong Tài Liệu 15, ngày 5 tháng Mười 1963, Đại Sứ Cabot Lodge báo cáo trực tiếp về Tổng Thống Kennedy rằng các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà vẫn xúc tiến kế hoạch đảo chánh. Ngay ngày hôm sau, Kennedy chỉ thị cho Joseph Mendenhall thuộc Phòng Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sang Việt Nam. Mendenhall phải lưu lại Việt Nam cho đến khi nào thực hiện xong một cuộc thăm dò tình hình.
Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát hành tung của Mendenhall.
Ngày 22 tháng Mười, Toà Đại Sứ Anh Quốc tại Sài Gòn tổ chức một cuộc tiếp tân mà Mendenhall là khách danh dự. Tại đây, Đại Tướng Harkins cho Tướng Trần Văn Đôn biết rằng ông đã rõ về âm mưu đảo chánh. Tướng Harkins nhỏ nhẹ nói thêm rằng đảo chánh là một sai lầm tai hại.
Đôn rất lo lắng, vì biết rằng Tướng Harkins luôn hậu thuẫn Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vậy nên ngay ngày hôm sau Đôn chạy đi gặp Conein. Đôn lo âu trình bày rằng âm mưu đảo chánh đã bị bại lộ nên phải dời ngày khởi sự sang một ngày khác, thay vì ngày 26 tháng Mười 1963 như đã định.
Conein tìm mọi cách để trấn an Đôn. Conein nói rằng việc Tướng Harkins nói rằng đảo chánh nhằm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một sai lầm chỉ là nhận xét của cá nhân, chứ không phản ảnh nhận xét của những người Mỹ khác. Conein cũng nói rằng Tướng Harkins là một quân nhân Hoa Kỳ rất gương mẫu và tuân lệnh tuyệt đối Tổng Thống Kennedy, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Hoa Kỳ. Do đó, Đôn không cần phải lo sợ rằng Tướng Harkins sẽ thông báo cho Tổng Thống Diệm về âm mưu đảo chánh.
Ngày 25, Mendenhall vào Toà Bạch Ốc để báo cáo về chuyến đi Việt Nam lên Tổng Thống Kennedy. Mendenhall đưa ra một danh sách những người có khả năng và có thể được đưa lên thay thế Tổng Thống Diệm một khi đảo chánh thành công. Tất cả những người trong danh sách của Mendenhall đều là dân sự và không có dính líu đến vụ đảo chánh.
Tài Liệu 17.
Kế tiếp, Mendenhall đề nghị Tổng Thống Kennedy cho phép cấp một ngân khoản kha khá cho nhóm tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà đang âm mưu đảo chánh để khích lệ họ.
Tổng Thống Kennedy không trả lời đề nghị của Mendenhall. Thay vào đó, Kennedy tỏ vẻ khó chịu về việc đảo chánh Tổng Thống Diệm có thể làm cho công cuộc chống cộng sản bị trì trệ. Vì Kennedy không đề cập đến việc chi tiền cho nhóm tướng đảo chánh nên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chỉ biết rằng CIA có chi cho đám Minh – Đôn mấy chục ngàn Mỹ-kim lấy từ ngân quỹ chính thức. CIA có lấy tiền trong quỹ đen cho đám người này hay không, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia không biết.
Tài Liệu 18 và 19.
Trong hai ngày 27 và 28 tháng Mười, quân du kích cộng sản mò về ba ấp chiến lược trong tỉnh Quảng Ngãi. Quân chính phủ biết trước, tổ chức phục kích và bắn hạ được bọn này. Chính phát ngôn viên quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam chính thức loan báo rằng có 44 tên du kích cộng sản bị bắn hạ trong ba cuộc phục kích nói trên.
Sang ngày 29, Đại Tướng Harkins báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Hoa Kỳ về ba vụ chạm súng nói trên. Tướng Harkins nhân đó, có nhận xét tốt về nỗ lực chống cộng của Chính Phủ Ngô Đình Diệm.
Cũng ngày 29, nhưng tại Hoa Kỳ, tức gần sáng ngày 30 tại Việt Nam, Tổng Thống Kennedy tham dự một phiên họp đặc biệt do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức. Vì phiên họp này nhằm duyệt lại một lần chót việc Hoa Kỳ có nên tham gia đảo chánh hay là không nên chỉ có một số nhân vật cao cấp nhất được mời tham dự.
Vì buổi họp này do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tổ chức nên nghị trình do Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy soạn thảo. Đây là phiên họp sau cùng của phía Hoa Kỳ trước khi đám tướng chủ mưu đảo chánh của Việt Nam Cộng Hoà khởi sự.
Người đứng ra trình bày đầu tiên là Bundy. Ông tường trình về tình hình mới nhất tại Việt Nam. Sau đó, ông mời mọi người bàn thảo về việc liệu có nên gọi khẩn cấp Đại Sứ Cabot Lodge về nước để tham khảo ý kiến một lần chót hay là không.
Người đầu tiên trình bày tiếp theo Bundy là Tổng Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, em trai của Tổng Thống John Kennedy. Robert Kennedy nghiêm khắc khuyến cáo tất cả rằng Hoa Kỳ hành động một cách vội vàng thì sẽ đưa đến những tai hại khó mà lường trước được.
Tiếp lời Robert Kennedy là Đại Tướng Maxwell Taylor. Tướng Taylor dựa vào báo cáo của Tướng Harkins về chiến thắng của Việt Nam Cộng Hoà tại Quảng Ngãi, trình bày rằng việc tiếp tay lật đổ một chính phủ mà Việt Nam Cộng Hoà đang có là một điều không nên.
Người thứ ba là John McCone, Giám Đốc CIA. McCone đồng ý với cả Robert Kennedy lẫn Tướng Taylor.
Trong số những nhân vật hiện diện còn lại, đại đa số tuy rằng không phản đối việc đảo chánh tại Việt Nam, vẫn bày tỏ sự lo ngại rằng một chính phủ sau đảo chánh khó lòng mà làm việc có kết quả như Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Thiểu số còn lại quyết liệt phản đối việc Hoa Kỳ tham dự vào kế hoạch đảo chánh.
Sau cùng, tất cả đều đồng ý rằng Hoa Kỳ tạm ngưng việc bàn về đảo chánh đồng thời gọi Cabot Lodge về Hoa Thịnh Đốn tường trình về tình hình Việt Nam.
Tài Liệu 20.
Ngay trong ngày 29 tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy đánh điện cho Đại Sứ Cabot Lodge với nội dung như đã được đồng ý trong phiên họp trước đó. Kennedy ra lệnh cho Cabot Lodge nói với các tướng âm mưu đảo chánh tạm ngưng việc xúc tiến kế hoạch. Kennedy cũng ra lệnh cho Cabot Lodge về Hoa Kỳ ngay lập tức.
Cabot Lodge giấu nhẹm công điện của Kennedy.