Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

BÀI KHỔNG (#3)

Chủ thuyết trị quốc của Khổng Khâu là sử dụng “nhân trị” và “đức trị”. Có nghĩa những kẻ làm quan phải qua một quá trình tu nhân tích đức trên cơ sở giáo lý của thánh hiền.

Dựa vào điều đó, bạn Khâu đã thành công trong việc thần thánh hóa tầng lớp cai trị. Đồng thời phân tầng xã hội một cách rõ rệt theo đẳng cấp, và những kẻ cai trị luôn là tầng lớp trên.

Chính vì thế, chủ thuyết của bạn Khâu đã cố tình đánh tráo các khái niệm và chuẩn mực của xã hội nhằm phục vụ tầng lớp cai trị. Biến sự khen thưởng công lao của người dưới theo quy định của pháp luật thành ân huệ do họ ban phát. Biến sự tuân thủ pháp luật của kẻ dưới thành sự phục tùng uy quyền cá nhân của người ở trên.

Điều đó khiến cho việc phân biệt giữa kẻ trên người dưới, kẻ sang người hèn được duy trì trong xã hội theo hướng độc đoán và vô pháp. Có nghĩa kẻ có quyền lực luôn tạo ra quyền uy riêng để bắt kẻ ở dưới chịu ơn và phục tùng. Và ngược lại kẻ dưới phải mang ơn và chấp nhận phục tùng kẻ trên thay vì tuân thủ pháp luật.

Chủ thuyết này luôn được tầng lớp cai trị phương Đông áp dụng triệt để cũng trên cơ sở đánh tráo hệ tư tưởng của bạn Khâu trong việc giải thích mối quan hệ của con người trong xã hội vào việc trị quốc. Bởi vì như thế, tầng lớp cai trị sẽ hình thành một bức tường bất khả xâm phạm đối với pháp luật do chủ thuyết người trên luôn luôn đúng, quan là cha mẹ của dân, chỉ có con cái sai chứ cha mẹ không thể sai.

An-nam hơn nghìn năm bị “nước mẹ” đô hộ. Thế nên chủ thuyết của bạn Khâu đã ngấm vào máu của tầng lớp cai trị, và là thứ bùa hữu hiệu để đảm bảo đặc quyền đặc lợi của họ trước đám cần-lao thối tai khai bẹn.

An-nam thời hiện đại, chủ thuyết của bạn Khâu vẫn được áp dụng triệt để. Đó chính là quan điểm người lãnh đạo phải “vừa hồng vừa chuyên”. Có lẽ quan điểm này xuất phát từ câu nói “có tài không có đức là người vô dụng, có đức không có tài làm việc gì cũng khó”.

Dĩ nhiên, quan điểm này nhặt nhạnh từ chủ thuyết “đức trị” của bạn Khâu. Trong Luận ngữ, bạn Khâu nói “Làm người có nết hiếu, đễ thì ít ai dám xúc phạm bề trên” và “Hiếu, đễ là cái gốc của đức nhân”. Có nghĩa, bạn Khâu cho rằng hiếu đễ là cái gốc của đức. Có đức, có nhân mới có thể là người quân tử. Và đã là người quân tử thì đáng được nắm quyền trị dân.

Một điều bạn Khâu nhầm lẫn là cái hiếu, đễ nó nằm trong huyết quản của mỗi con người, được giữ gìn thông qua mối quan hệ huyết thống và được giáo dưỡng bởi các mối quan hệ trong xã hội. Vì thế khi bạn Khâu cho rằng phải có học mới đạt được cái tinh vi của đạo và mới trở thành người quân tử thì chính là sự ngụy biện và đánh tráo bản chất sự việc.

Quay lại vấn đề “hồng-chuyên”, như đã nói ở trên, sự hiếu đễ luôn tồn tại trong mỗi con người, và được bồi đắp, gìn giữ qua quá trình giáo dưỡng của gia đình và xã hội. Có nghĩa là bất cứ con người nào cũng có nhân, có đức. Mức độ nhân đức đến đâu phụ thuộc vào quá trình giáo dưỡng của gia đình, xã hội và giáo dục của nhà trường.

Thế nên, những kẻ tài luôn nhận thức rõ những vấn đề về nhân, về đức. Và khi họ không ở dạng tham, sân, si thì họ luôn gìn giữ được cái nhân, cái đức trong con người họ.

Vì vậy, nói con người “có tài không có đức” là một sự đánh tráo bản chất có mục đích. Bởi vì cái tài có thể chứng minh cụ thể, có cái đức lại rất vô hình. Khi đưa ra quan điểm mù mờ như thế, có nghĩa những kẻ có dã tâm tham, sân, si sẽ có cơ hội để tạo một vỏ bọc an toàn bằng chữ “đức” và sử dụng nó để vùi dập chữ “tài”.

Đấy là lý do tại sao hơn nửa thế kỷ qua, An-nam hình thành nên một tầng lớp trí thức hóa lưu manh và lưu manh giả danh trí thức. Theo chủ thuyết của bạn Khâu, những kẻ đó chính là những người quân tử và được nắm quyền trị dân.

Dĩ nhiên, những người tài thực sự không thể lưu manh hóa thì sẽ trở nên cung cúc chấp nhận được ban ơn để tồn tại hoặc trở nên bất mãn và chửi đời.

Thế nên, An-nam sẽ không bao giờ trở thành rồng thành hổ trong khu vực khi mà xã hội bị chi phối bởi tầng lớp “ngụy quân tử” này.

Và dĩ nhiên, để An-nam thoát khỏi bi kịch thì điều kiện tiên quyết là vứt ngay tư tưởng của bạn Khâu vào trong sọt rác.

Khổng Khâu nói: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú; ta không sống chung với người trong xã hội này thì sống chung với ai? Nếu thiên hạ thịnh trị thì Khâu này cần gì phải đổi nữa?”.

Trường Yên đáp: “Giá trị và vai trò của mỗi con người trong xã hội phải được xác lập một cách rõ ràng. Phải phân biệt rõ người ngay kẻ gian, người tài kẻ kém. Nếu thiên hạ mà rõ ràng như thế, xã hội được công bằng như thế, người ngay không sợ kẻ gian, kẻ tiểu nhân không thể hà hiếp người quân tử thì Trường Yên ta đâu cần phải bài xích ông như thế”.

(@ by Baron, 2014) 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet. 

Đọc thêm: 

Được đăng bởi Bau Trinh Xuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét