Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

KHI XÃ HỘI DUNG DƯỠNG CHO HÀNH VI ĂN CẮP

Từ những sự việc không mong muốn 

Vụ việc một học sinh THCS ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) bị trói và đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” vì hành vi lấy cắp 2 cuốn truyện trong siêu thị đã gây nên sự phẫn nộ trong dư luận. Hầu hết các ý kiến đều lên án mạnh mẽ hành vi “thiếu nhân tính” và “làm nhục trẻ em” của nhân viên siêu thị.

Bắt đầu từ một hình ảnh được một trang mạng xã hội. Báo chí đã ồ ạt khai thác và đăng tải thông tin về vụ việc tới độc giả. Hàng nghìn ý kiến của dư luận trên các trang báo mạng và các mạng xã hội. Phần lớn đều đều cảm thông và đồng tình với hành vi ăn trộm sách của nữ sinh và lên án mạnh mẽ hành động “làm nhục” nữ sinh của nhân viên siêu thị.

Sau khi sự việc xảy ra, theo thông tin báo chí, phía gia đình và cô giáo chủ nhiệm đã đến siêu thị nộp phạt và đưa nữ sinh về. Gia đình nữ sinh cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị về hành động dại dột của con họ.

Về phía lãnh đạo siêu thị, sau biết sự việc xảy ra và sự bức xúc của dư luận. Họ đã đã trực tiếp đến nhà xin lỗi nữ sinh và gia đình. Đồng thời cũng đến trường học của nữ sinh nhờ Ban giám hiệu thông báo lời xin lỗi của họ học sinh của trường. Lời xin lỗi còn được thể hiện bằng một bức thư có chữ ký của người đại diện và đóng dấu của doanh nghiệp. Có thể thấy đây là việc làm nhân văn và có trách nhiệm của siêu thị để bù đắp cho việc làm phản cảm của nhân viên họ, vì họ có thể từ chối làm việc đó và đổ hết trách nhiệm lên đầu nhân viên vi phạm.

Nhà trường, gia đình và đại diện siêu thị đã động viên, giúp đỡ để nữ sinh tiếp tục đến trường. Tránh gây ra những ảnh hưởng tâm lý cho nữ sinh lẫn sự chê bai, kỳ thị của bạn bè và xã hội. Có thể thấy, mặc dù sự việc xảy ra là đáng tiếc và không mong muốn, nhưng các bên liên quan về cơ bản đã khắc phục được.

Đến những sự “phẫn nộ” và dung dưỡng cho hành vi ăn cắp 

Cứ tưởng cái kết của sự việc sẽ có hậu khi các bên liên quan đều cầu thị và cố gắng giải quyết hậu quả với tinh thần trách nhiệm cao, hạn chế thấp nhất những tác động tâm lý và ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của em nữ sinh. Thế nhưng dư luận xã hội lại tiếp tục bị xới lên khi có những “hành động” của những người có trách nhiệm, có uy tín trong xã hội.

Đối với dư luận, sự phẫn nộ đối với sự việc là điều dễ hiểu. Bởi vì hành động của nhân viên siêu thị đối với nữ sinh là rất “phản cảm” cho dù vì bất cứ lý do gì. Mặt khác, dư luận xã hội tại Việt Nam lâu nay vẫn mang nặng cảm tính và a dua bầy đàn. Những sự tranh luận thường mang tính bảo thủ và thiếu tri thức, ví dụ như: “Nếu con bạn bị như vậy, bạn sẽ thế nào?” hay “Bạn có chắc rằng hồi nhỏ bạn chưa từng ăn trộm?”.

Nhưng đối với những người có trách nhiệm, có uy tín thì lại khác. Bởi vì những ảnh hưởng của họ tác động lớn đến dư luận xã hội, và đôi khi tác động ngược đến đối tượng họ bảo vệ như trong vụ việc này.

Trả lời báo chí, bà Phan Thị Hằng Nga - Phó giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai nói: “Sở Giáo dục đề nghị nhà trường và Phòng Giáo dục huyện làm yêu cầu đề nghị toàn bộ nhân viên siêu thị và lãnh đạo siêu thị đến trường em S. vào ngày thứ 2, có giờ chào cờ, đứng xếp hàng xin lỗi em S. trước toàn bộ học sinh trong trường, và cũng phải xin lỗi nhà trường vì đã làm ảnh hưởng đến nhà trường”.

Không hiểu bà Nga vì quá “phẫn nộ” nên thiếu sáng suốt hay thực sự thiếu hiếu biết đến mức “ngu xuẩn” mà đưa ra một lời đề nghị rất vô lý thậm chí vi luật như vậy? Đồng thời, một người đang làm công tác quản lý giáo dục, đang đào tạo ra những con người có tri thức và hiểu biết pháp luật lại dung dưỡng cho hành vi ăn cắp sách bằng cách ngụy biện giả tạo rằng “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa cho mình”.

Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo theo đánh giá của dư luận và bạn đọc là “nổi tiếng” cũng lên tiếng trên các Blog và Facebook cá nhân rằng, hành vi ăn cắp sách của nữ sinh trên là đáng biểu dương, vì “ăn cắp sách không có tội”, nữ sinh này yêu sách như thế là “hồng phúc cho đất nước”, và đến mức “khát khao yêu cháy bỏng sách đến bất chấp nhục hình”. Họ hứa sẽ mua sách, gửi tiền mua sách để tặng cho nữ sinh gây dựng tủ sách.

Không hiểu những người này hiểu biết pháp luật đến đâu? Nhưng chắc chắn rằng, việc dung dưỡng cho hành vi ăn cắp chỉ vì đó là ăn cắp sách là một sự ngụy biện đáng khinh bỉ. Bởi vì, ăn cắp là ăn cắp, không thể trong một xã hội pháp quyền hành vi ăn cắp sách được xem là không ăn cắp. Mặt khác, tri thức của mỗi con người được hình thành qua nhiều con đường khác nhau và sách chỉ là một. Việc yêu sách mà bất chấp pháp luật thì chắc chắn sách không giúp ích được gì cho người đó, bởi vì đọc sách là để bồi đắp tri thức, và một người có tri thức phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cũng rất “phẫn nộ”, họ nói về hành vi “xúc phạm quyền trẻ em” và “làm nhục người khác” hùng hồn đến mức dư luận cảm giác rằng, mấy nhân viên siêu thị có thể bị kết án và đi tù vài năm. Trong khi đó, hình như họ quên mất rằng ăn cắp cũng là một hành vi phạm tội. Cho dù đối với vụ việc này, hành vi đó chỉ ở mức cảnh cáo trong nội bộ hẹp.

Việc báo chí vào cuộc là rất cần thiết để lên án cái xấu, kể cả hành vi ăn trộm sách của nữ sinh lẫn hành vi “làm nhục” của nhân viên siêu thị. Và nếu báo chí biết dừng lại ở việc bảo vệ quyền trẻ em, phản đối hành vi trừng phạt thiếu nhân văn đối với trẻ em ăn cắp thì sẽ rất có ý nghĩa và trách nhiệm. Đàng này, báo chí lại đang bênh vực, bảo vệ cho hành vi ăn cắp. Đây chính là một sự dung dưỡng cực kỳ nguy hiểm vì tính lan tỏa và định hướng dư luận của báo chí.
Ai có lỗi và ai là người cần xin lỗi? 

Để có góc nhìn khách quan hơn, chúng ta hãy xem xét mức độ vi phạm và những hình thức xử lý theo quy định. Về nữ sinh, việc lấy trộm sách bị bắt quả tang là không chối cãi. Theo Thông tư 08/TT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh các trường phổ thông, hành vi lấy trộm sách của nữ sinh sẽ bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường nếu vi phạm lần đầu (khoản 2, điều 3) và cảnh cáo trước toàn trường nếu đây là sự tái phạm (khoản 3, điều 3).
Về các nhân viên siêu thị trực tiếp “làm nhục” nữ sinh. Nếu phía nữ sinh và gia đình nữ sinh có đơn tố cáo và cơ quan điều tra xác định đó là hành vi “làm nhục” thì những nhân viên này sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng (quy định tại khoản 1, điều 17 của Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em).

Như vậy, trong trường hợp này, nữ sinh và nhân viên siêu thị đều là người có lỗi. Và nếu phải xin lỗi thì nữ sinh là người phải xin lỗi trước gia đình, nhà trường và đại diện siêu thị về hành động có thể coi là “dại dột” đó. Và những nhân viên siêu thị “làm nhục” nữ sinh này cũng phải xin lỗi nữ sinh, gia đình nữ sinh và cán bộ, CNV siêu thị về hành vi “làm nhục” nữ sinh của họ.

Gia đình nữ sinh cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị về việc làm dại dột của con họ, lãnh đạo siêu thị đã công khai xin lỗi nữ sinh và gia đình nữ sinh tại nhà và tại nhà trường như đã nói ở trên. Có thể thấy, đây là một động thái rất nhân văn và đầy trách nhiệm của cả phụ huynh nữ sinh và lãnh đạo siêu thị.

Ấy thế mà bà Nga lại “muốn lãnh đạo siêu thị cùng toàn bộ nhân viên xếp hàng trước trường trong giờ chào cờ để xin lỗi em S”. Có thể thấy đây là phát ngôn của một kẻ thiển cận về văn hóa và thiếu hiểu biết về pháp luật chứ không phải có ở một người đang làm công tác quản lý giáo dục. Lãnh đạo siêu thị và những nhân viên không tham gia vào vụ “làm nhục” hoàn toàn có thể kiện bà Nga để yêu cầu bà ta công khai xin lỗi họ vì phát ngôn “não phẳng” đó. Đồng thời bà Nga nên thay mặt nghành giáo dục Gia Lai xin lỗi dư luận về lỗi của “sản phẩm giáo dục” mà họ đã và đang tạo ra.

Thêm vào đó, để sự việc trở nên “nóng” và gây bức xúc trong dư luận không thể không nói đến trách nhiệm của một “bộ phận không nhỏ” báo chí. Đáng ra khi đưa tin về vụ việc, hình ảnh nữ sinh bị làm nhục không được đăng tải trên các trang báo (cho dù là lấy từ các trang mạng hay Facebook cá nhân). Theo quy định, chỉ có những người phạm tội, bị tòa án xét xử công khai thì báo chí mới có thể được quyền đăng tải hình ảnh của bị cáo tại phiên tòa xét xử với mục đích tuyên truyền luật pháp. Chính họ cũng cần phải công khai xin lỗi nữ sinh, gia đình nữ sinh và độc giả.
Hậu quả nhãn tiền và những câu hỏi ngỏ 

Thời gian qua, truyền thông trong nước đề cập nhiều đến tệ nạn ăn cắp của người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản. Cách đây không lâu, báo chí trong nước đưa ra thông tin có tới 40% kẻ cắp ở Nhật Bản trong năm 2013 là người Việt. Hay sự kiện một cô tiếp viên hàng không bị cảnh sát Nhật Bản bắt tạm giam để điều tra về tội tiêu thụ hàng ăn cắp. Và chỉ ngày hôm qua (15.4), báo chí lại đưa tin từ kênh truyền hình Nippon TV về việc cảnh sát Nhật Bản bắt giữ 2 nghi phạm người Việt vì tình nghi ăn cắp mỹ phẩm tại một cửa hiệu ở tỉnh Kagawa.

Ở trong nước, vấn nạn “ăn cắp” đang hiển hiện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Từ việc ăn cắp thời gian ở các công sở đến gian lận trong kinh doanh, từ tham nhũng của quan chức đến rút ruột công trình của nhà thầu,… Những sự việc như vậy không chỉ còn được bàn luận trong xã hội, mà đã đưa đưa ra tại các phiên họp của quốc hội. Điều đó cho thấy, bệnh ăn cắp đã và đang quốc nạn, góp phần kéo lùi sự phát triển và văn minh của người Việt.

Thế nhưng người ta lại bao che và ngụy biện cho hành vi ăn cắp vì lương thấp, vì xã hội thiếu công bằng, vì cuộc sống khó khăn,… Thậm chí như vụ việc nói trên, người ta bao che, ngụy biện cho hành vi ăn cắp là “làm giàu cho văn hóa”.

Phải chăng người Việt có thói quen ăn cắp nên dễ đồng cảm với hành vi ăn cắp? Phải chăng tuổi thơ chúng ta đã từng ăn trộm trái ổi, trái táo nên coi hành vi ăn cắp của trẻ vị thành niên là việc rất bình thường trong xã hội? Phải chăng vì dân Việt thiếu thốn tri thức và văn hóa nên dung dưỡng cho hành vi ăn cắp sách để “bồi đắp” tri thức và văn hóa? Phải chăng một bộ phận không nhỏ người Việt vô cảm và thiếu nhân cách nên phải kêu gào lên để thể hiện rằng họ luôn nhân ái và có nhân cách?

Và phải chăng, chúng ta đều thấy bình thản trước việc móc tiền ra hối lộ trong xử lý các vụ việc hành chính? Phải chăng chúng ta thờ ơ hối lộ tiền cho cảnh sát giao thông vì quên bật xi-nhan xe máy? Phải chăng chúng ta vui lòng đi vào bệnh viện chữa trị do tai nạn vì yếu tố khách quan do công trình xuống cấp vì bị rút ruột? Phải chăng chúng ta vui cười hớn hở khi bị một trẻ vị thành niên ăn cắp ví của mình?

Và phải chăng, chúng ta tự hào nói tôi là người Việt ở nước ngoài mà tại đó có treo biển cảnh báo người Việt ăn cắp? Phải chăng chúng ta thấy dửng dưng khi báo chí, truyền thông đưa những hình ảnh, thông tin về người Việt ăn cắp ở nước ngoài? Phải chăng chúng ta hồ hởi cảnh báo với một người bạn nước ngoài, rằng phải hết sức chú ý khi ra đường ở Việt Nam, vì bạn có thể bị ăn cắp bất cứ lúc nào?

Lời kết 

Vụ việc nên dừng lại ở một cái kết có hậu, sau khi gia đình em nữ sinh, nhà trường và siêu thị đã cầu thị và giải quyết hợp tình hợp lý. Cả em nữ sinh và nhân viên siêu thị đều có lỗi và đều đã nhận lỗi, vì thế không nên tiếp tục truy cứu những lỗi lầm đó.

Đây cũng là bài học để những người có trách nhiệm, những người có ảnh hưởng xã hội nên nhìn lại bản thân mình. Đừng vì xúc cảm tức thời mà thiếu suy xét, mà có những phát ngôn và hành động phản cảm, không xứng đáng với trình độ, vị trí và uy tín của họ.

Đồng thời, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải chung tay trong việc dạy dỗ cho lớp trẻ, không chỉ về kiến thức mà còn về nghĩa vụ, trách nhiệm và đạo đức xã hội. Chúng ta cần phải nghiêm khắc, không được bao che, dung dưỡng cho những hành vi ăn cắp để không còn những vụ việc đáng tiếc như vậy xảy ra.

Bởi vì, việc bao che, dung dưỡng cho hành vi ăn cắp của trẻ em hôm nay sẽ là tội lỗi đối với sự phát triển và văn minh của dân tộc trong tương lai.

Bài viết đã được xuất bản trên Báo Thanh Niên Online. 

Nguồn hình ảnh: Thanh Niên Online.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét