Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

LOẠN PHÍ VÀ NGƯỜI THU PHÍ

Có quá nhiều loại phí và lệ phí nên người dân và doanh nghiệp như bị rơi vào “mê hồn trận”. Bản thân chính sách cho phép ai có thẩm quyền thu phí cũng rối như các loại phí.

340 khoản phí, lệ phí được các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm năm (2002-2007) đã bị bãi bỏ. Vậy mà hệ thống phí và lệ phí nước ta hiện vẫn còn 301 loại phí và lệ phí theo quy định được phép thu. Trong danh sách còn lại này, mới chỉ có 280 loại phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn cách thu.

Xuất phát điểm của việc loạn các khoản phí, theo những gì rút ra tại văn bản của Bộ Tài chính báo cáo trong phiên giải trình về phí và lệ phí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước tại Hà Nội là do thẩm quyền ban hành quy định việc thu phí rộng, bao gồm: Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc liên bộ, HĐND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, số đơn vị được phép thu phí hoặc ủy quyền thu phí thì nhiều không kể xiết. Theo Nghị định 57/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí thì không chỉ có cơ quan thuế, hải quan mới được thu phí. Đối tượng được thu phí còn bao gồm cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân cung cấp dịch vụ, tổ chức khác. Đó là chưa kể đến danh mục các đơn vị, cá nhân được cơ quan nhà nước ủy quyền thu phí.

Với hàng trăm các loại phí, lệ phí như vậy, người dân đã rất khó phân biệt loại nào là phí (phải nộp), loại nào là giá dịch vụ (thỏa thuận, không ép buộc), loại nào là đóng góp tự nguyện nhưng các tổ chức ở địa phương cứ thản nhiên đến thu của dân không khác gì thu các khoản phí.

Có nhiều loại phí được HĐND tỉnh quy định thêm nhưng nghe rất lạ như lệ phí cấp biển số nhà hay phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp...

Hiện còn quá nhiều loại phí và lệ phí thực chất không còn phù hợp song người dân vẫn phải nộp với nhiều mức thu khác nhau như phí trông giữ xe, đấu thầu kinh doanh vệ sinh môi trường, đầu tư cho thuê bến bãi... Quy định về phí ở các trường hợp này vừa không đúng bản chất loại hình mà người dân phải trả tiền, vừa không đúng mức tiền (vì mức tiền thu vô tội vạ) và ngân sách thực tế không được gì. Bởi lẽ các khoản mang tên là phí song không thuộc ngân sách thì tổ chức, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính. Số phí thu được được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí và họ chỉ phải nộp thuế theo quy định. Nếu còn tiếp tục giữ các khoản thu này dưới tên gọi là phí thì vô tình các bộ, ngành, địa phương “tiếp tay” cho các đơn vị, tổ chức cá nhân lạm thu dưới nhiều hình thức. Rút gọn danh mục các khoản thu phí là cần thiết đồng thời với việc phải chuyển nhiều loại phí sang danh mục giá dịch vụ.

Mới chỉ giải trình về phí và lệ phí đã phát hiện ra quá nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, không mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, thậm chí nhiều loại phí bị lợi dụng để trục lợi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một cuộc giám sát chuyên đề xung quanh việc thu phí và lệ phí, chắc chắn sẽ còn phát hiện được nhiều điều thiếu minh bạch hơn nữa trong “rừng” thu phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét