Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

TU HÚ VÀ BẮC KINH

Ong Bắp Cày

Nói thật, chị cũng đéo biết bài này hay dở thế nào. Thấy đăng trên GDVN thì bê về. Tên bài do chị đặt, đéo liên quan đến GDVN.

Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú

XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...

Liên tiếp 2 ngày (8-9/10/2014) báo Vietnamnet đã đăng tải các tin tức về lao động Trung Quốc (TQ) tại Hà Tĩnh: “Hàng nghìn lao động TQ ở Vũng Áng chưa có phép [1]; Lao động TQ ở Vũng Áng: Phó mặc Nhà nước Việt Nam? ”. [2]

Theo các bài báo, hiện số lao động Trung Quốc đang có mặt tại các công trường ở Formosa (Vũng Áng) là trên 4.000 người, tuy nhiên số được cấp phép mới chỉ khoảng trên 800 lao động. 

Nhiều nhà thầu TQ chây ì, không chịu hợp tác làm thủ tục đăng ký xin cấp phép mặc dù đã đưa lao động sang từ lâu. 

Cty CP kỹ thuật công trình CISDI Trung Quốc, đang thi công gói thầu lò cao số 1 và số 2 Dự án Formosa chỉ có 200 lao động được cấp phép, 300 hồ sơ đang trình và trên 500 lao động chưa có thủ tục gì. Trong lúc đó, 1000 lao động của công ty này đã làm việc trên công trường từ lâu nay.

Các đoàn muốn vào kiểm tra thì bắt buộc phải làm việc với Formosa (chủ đầu tư) trước rồi mới đi kiểm tra công trường, chứ không kiểm tra đột xuất được. Có thể khi đó, họ (lao động trái phép) sẽ tránh, đây là ý kiến một cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự ở Formosa.

Tại sao các công ty của TQ lại có thể xem thường luật pháp Việt Nam như vây? Những lao động không phép này nhập cảnh vào Việt Nam bằng cách nào và ai cho phép họ? Là một quốc gia có chủ quyền tại sao các cơ quan chức năng lại không thể kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất trên đất nước mình?

Để trả lời câu hỏi này hãy đọc đoạn văn sau đây trên Vietnamnet: “VietNamNet đã liên lạc với ông Lê Thành Long, Phó bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo bảo đảm ổn định tình hình tại Khu kinh tế Vũng Áng (BCĐ 881) và ông Đặng Quốc Khánh, PCT UBND tỉnh để rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên cả hai vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều bảo đang ở Hà Nội và chưa thể trả lời thông tin gì”. [2]

Một số người Việt phải bỏ ra nhiều tiền mới sang được xứ “ruồi vàng” Angola, hay vùng có dịch bệnh Ebola ở Tây Phi (Nigeria, Sierra Leone và Liberia…) kiếm việc làm. Khi có xáo trộn chính trị, nhiều người trở về tay trắng.

Trong khi đó ông Hồ AnhTuấn - Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực nên không được tuyển dụng” (Laodong.com.vn 26/8/2014). 

Thực tế cho thấy số lao động phổ thông người Trung Quốc hiện diện nhan nhản trong các dự án do Trung Quốc trúng thầu, phải chăng ông Tuấn không biết điều này hay biết mà không dám nói?

Về phía nhà nước, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chẳng lẽ không biết đến tình trạng thất nghiệp của hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ, của gần một triệu lao động đang mòn mỏi tìm việc làm? 

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do chính Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê công bố, cuối năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. [3]

Nếu Bộ thành lập một trung tâm dữ liệu, cập nhật thông tin những người có nhu cầu tìm việc làm theo cách cho đăng ký qua Internet thì không sợ thiếu lao động. Chẳng lẽ gần một triệu lao động trong đó có hơn 7 vạn cử nhân, thạc sĩ lại không đủ cho một vài khu công nhiệp của Hà Tĩnh lựa chọn?

Theo số liệu thống kê của Tân Hoa Xã, mười năm trước (năm 2004) số người tìm việc làm ở Trung Quốc là 111 triệu người, năm 2011 con số này là 250 triệu người (baotintuc.vn 24/7/2012).

Đưa lao động phổ thông sang Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược một mũi tên hai mục đích, một mặt giải quyết nạn thất nghiệp trong nước, đẩy khó khăn sang Việt Nam, làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp tại Việt Nam, mặt khác trong số hàng vạn lao động đó ai mà biết được có bao nhiêu người dùng vỏ bọc lao động để che giấu các hoạt động không được pháp luật Việt Nam cho phép?.

Một bài đăng trên báo Đời sống và Pháp luật viết: “Mặt khác, ý thức kỷ luật của lao động Trung Quốc kém, gây mất an ninh trật tự địa phương như: trộm cắp, say rượu, tranh chấp công việc... Một số lao động Trung Quốc lấy vợ Việt Nam nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn’. [4]

Tình trạng hôn nhân bất hợp pháp như nêu trên đã dẫn tới việc hình thành các xóm, phố người Hoa mới tại Việt Nam, điều này đã được đề cập trên báo Daibieunhandan.vn trực thuộc Văn phòng Quốc hội: “Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hồng nêu thực trạng: “lao động phổ thông người Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một làng ngay gần khu vực nhà máy. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu”. [5]

Sự xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị cả thế giới lên án, sự gặm nhấm trên biển theo kiểu “lát cắt xúc xích” cũng không thể che đậy trước những cặp mắt cảnh giác. Vấn đề là tại sao sự gặm nhấm theo kiểu chim “tu hú” lại dễ dàng được chấp thuận như vậy?

Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Khi con tu hú” năm 1939 đã cho người đọc cảm nhận về chim Tu hú như một loài chim thân thương, gắn với những hình ảnh thật đẹp:

Khi con tu hú gọi bầy,
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần...

Có lẽ Tố Hữu cũng không ngờ ông đã đưa vào thơ hình ảnh một loài chim mà ngày nay người ta buộc phải gọi là loài gian hùng, xảo quyệt, ác điểu: “Tu hú mái tìm một tổ chim chích đã đẻ trứng đẻ vào đó một quả trứng của mình. Tu hú non mặc dù mới nở còn đỏ hỏn, mắt còn chưa nhìn thấy ánh sáng đã thể hiện bản lĩnh của một ác thủ. Nó nhanh chóng dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy những con chim chích non tội nghiệp mới nở cùng những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ. Âm mưu của nó là độc chiếm nguồn thức ăn của cặp chim chích bố mẹ nuôi dưỡng bầy con”. [6]

Một điều kỳ lạ là hễ bị hỏi, hễ bị chất vấn thì người trả lời luôn nêu những sự không đồng bộ của pháp luật, luôn đổ cho chưa có chế tài xử lý như ý kiến của Giám đốc Sở LĐTB & XH Bình Thuận Nguyễn Thanh Hồng: “việc quản lý người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc ở Bình Thuận rất khó khăn bởi thiếu nhiều chế tài; việc xử phạt cũng khó bởi trong Nghị định 102 và Thông tư 03 chỉ nói không đủ điều kiện thì trục xuất, nhưng ai trục xuất thì không nói rõ”. [5]

Những người có trách nhiệm ở Hà Tĩnh, Bình Thuận và nhiều nơi khác phải chăng chỉ vì muốn khu công nghiệp trên địa bàn sớm hoàn thành mà buông lỏng quản lý hay còn vì lý do nào khác? Phải chăng chính những lãnh đạo địa phương chứ không ai khác đang tiếp tay cho tình trạng lao động chui tràn lan trên địa bàn mình quản lý?

Nếu các cấp chính quyền còn chần chừ, còn đổ cho pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu chế tài xử lý người lao động nước ngoài thì người lao động Việt sẽ như chim Chích, sẽ còn bị hất văng khỏi cái tổ mà chính mình dựng nên để nuôi nấng bầy con của mình.

Hãy làm ngay bất kỳ việc cần thiết để ngăn chặn Tu hú tiếp tục đẻ trứng vào tổ của loài chim Chích, hãy chỉ cho chim Chích bố mẹ biết con ác điểu non đó không phải là con mình để kịp làm cái tổ mới, để mà duy trì nòi giống.
***
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/200983/hang-nghin-lao-dong-tq-o-vung-ang-chua-co-phep.html

2. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/201204/lao-dong-tq-o-vung-ang--pho-mac-nha-nuoc-vn-.html
[3 ]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-co-toi-72000-cu-nhan-that-nghiep-854404.htm
[4] http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/doanh-nghiep/bai-17-lao-dong-chui-trung-quoc-long-hanh-a38836.html
[5] http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=69&ItemId=321865&GroupId=2386

[6] http://www.vncreatures.net/new_9.php

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét