Trong một bài bình luận trên trang mạng National Interest mới đây với tiêu đề: “Cuộc đối đầu nguy hiểm ở Biển Đông", ông Richard Javad Heydarian, giảng viên về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Manila, cố vấn chính sách tại Quốc hội Philippines, nhận định rằng: Chẳng những không làm điều gì cải thiện những tranh chấp chủ quyền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyến công du gần đây nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á dường như đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự gây hấn của Trung Quốc tại các vùng biển gần kề.
Cam kết mập mờ của Mỹ
Với những cam kết mập mờ của Mỹ nhằm cứu nguy các đồng minh trong khu vực như Philippines nếu một cuộc chiến tranh nổ ra liên quan đến các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã được khuyến khích thúc đẩy chiến lược cũ của mình đó là tạo ra các sự kiện trên thực địa.
Tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: TTXVN
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa vài giàn khoan dầu tới Biển Đông mà Việt Nam là mục tiêu khiêu khích đầu tiên, cùng với đó là việc tăng cường các hoạt động nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa với Philippines là nạn nhân. Trung Quốc đã “tích cực thể hiện khả năng công nghệ” của mình bằng cách tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo tại một số bãi đá và triển khai giàn khoan nước sâu khổng lồ ở Biển Đông.
Thông qua việc cải tạo các bãi đá không có người ở để tạo ra sự sống và thể hiện quyền kiểm soát thực tế, Trung Quốc đang nhằm mục đích (gián tiếp) biện minh cho yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” phi lý của mình. Về mặt lý thuyết, bằng cách này, Trung Quốc có lẽ muốn tranh cãi rằng, thậm chí trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện nay, nước này cũng có yêu sách “hợp pháp” với gần như toàn bộ Biển Đông.
Hơn nữa, các hoạt động xây dựng đang diễn ra cho phép Trung Quốc triển khai có hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của mình trong khu vực. Việc thiết lập các đường băng và cơ sở đồn trú quân sự nhân tạo có thể sẽ giúp Bắc Kinh ở thế có lợi trong việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), vốn cần phải có một mạng lưới các căn cứ ở gần nhau (và các tàu sân bay) để hỗ trợ các hoạt động trên không một cách ổn định ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trở nên ít e ngại hơn trong việc mở rộng hoàn toàn tham vọng lãnh thổ của mình trong khu vực. Vào cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã trắng trợn phát hành một bản đồ chính thức mới, với "đường lưỡi bò" bao trùm gần hết Biển Đông. Không cần bất kỳ một kỹ thuật (bản đồ) nào, bản đồ mới của Trung Quốc vẽ ra một cách mơ hồ các tuyên bố chủ quyền cả trên bộ và trên biển. Không giống như những bản đồ cũ, vốn phản ánh sự nhập nhằng về chủ quyền một cách có tính toán, bản đồ mới của Bắc Kinh cho thấy các khu vực tranh chấp ở Biển Đông như là “một phần không thể thiếu” trong biên giới chủ quyền của nước này.
Sự gây hấn mới của Trung Quốc
Ngày càng rõ ràng rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị trên thực tế các vùng biển gần kề bất chấp sự phi lý về pháp lý. Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp mang tính cưỡng chế hơn nhằm dồn ép các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Không còn nghi ngờ gì nữa, thậm chí các nước trước đây vốn trung lập, như Singapore chẳng hạn, cũng đã bắt đầu đưa ra nhưng tuyên bố phản đối Trung Quốc. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây công khai chỉ trích cái gọi là “sức mạnh là lẽ phải” (chân lý thuộc về kẻ mạnh) đang xuất hiện ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết xung đột bằng luật pháp quốc tế.
Bản đồ mới của Trung Quốc bao cả khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Mặc dù năm 2013 đã có thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN về Nguyên tắc chỉ đạo hướng tới việc ký kết Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhưng năm nay đã không có một sự tiến triển nào trong việc đàm phán về COC. Điều này sẽ cần phải có nỗ lực cụ thể từ các thành viên quan trọng của ASEAN như Singapore, Indonesia và Malaysia trong việc tăng cường đưa ra các phản ứng đa phương đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực.
Bản đồ mới nhất của Trung Quốc một minh chứng cho thấy việc Trung Quốc đang coi các tuyên bố lãnh thổ trong khu vực như là một “lợi ích cốt lõi” của mình thế nào- trên thực tế, Trung Quốc chừa rất ít khoảng trống cho bất kỳ một sự thỏa hiệp nào, ít nhất là trong tương lai gần. Ngoài việc nhắc lại những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài, bản đồ mới trên cũng cho thấy toan tính chính trị của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang theo đuổi chính sách chủ quyền chủ động, trong đó tập trung vào sự hăm dọa thay vì sự thỏa hiệp. Thái đồ từ chối của Bắc Kinh được thể hiện rõ ràng trong việc sử dụng lực lượng quân sự truyền thống nhằm củng cố yêu sách chủ quyền. Tóm lại, Trung Quốc có thể đã nâng cấp chiến lược “ngoại giao cây gậy nhỏ” của mình, nhưng những vỏ bọc quân sự của Bắc Kinh vẫn chưa được hoàn thiện.
Theo toan tính của Bắc Kinh, ở giai đoạn này cách tốt nhất để giành chiến thắng trong tranh chấp lãnh thổ là dựa vào một đội tàu được trang bị tốt, tinh gọn trong sự kết hợp của các lực lượng bán quân sự và dân sự. Trung Quốc cũng không né tránh sử dụng các hình thức trừng phạt kinh tế đối với các đối thủ.
Nhân tố Nhật Bản
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và tránh để nổ ra bất kỳ một cuộc xung đột nào liên quan đến các tranh chấp lãnh hải, nhưng việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã gây sốc không chỉ trong khu vực mà còn với cả cộng đồng quốc tế. Dư luận thậm chí còn kinh ngạc hơn khi Bắc Kinh quyết định điều thêm giàn khoan thứ hai tới Biển Đông trong khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội được cho là để làm giảm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp mới đây tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Khi Trung Quốc thay đổi sự kiện trên thực địa một cách nhanh chóng, Philippines cũng đã rơi vào tình huống tương tự. Quyết định của Manila kiện Bắc Kinh ra tòa đã không ngăn chặn được các hành động ngày càng khiêu khích của Trung Quốc.
Với sự hạn chế trong những cam kết của Mỹ đối với khu vực, khi mà chính quyền của Tổng thống Obama đang phải vật lộn với nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu và đang tìm cách cải thiện mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, Nhật Bản đã xuất hiện. Tokyo hứa sẽ viện trợ quân sự lớn hơn và hỗ trợ kinh tế cho các đối tác Đông Nam Á. Kể từ khi trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không tốn nhiều thời gian thể hiện Tokyo như một đối trọng với Bắc Kinh.
Trên cơ sở những quan ngại của các nước ASEAN liên quan đến sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, chính quyền Abe đã tìm cách thể hiện mình là một quốc gia “đại diện cho lẽ phải”. Vào cuối năm 2013, Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ kinh tế 20 tỷ USD cho các quốc gia Đông Nam Á, trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đóng vai trò hàng đầu trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo do hậu quả của cơn bão Hải Yến (Haiyan) ở Philippines. Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nhật Bản ở Philippines, ông Toshinao Urabe cũng đã tiến thêm một bước với việc xin lỗi Philippines vì sự gây hấn trong chiến tranh thế giới II của đế quốc Nhật.
Theo học thuyết "Phòng vệ tập thể", ông Abe hy vọng sẽ mở đường cho việc chuyển đổi vai trò an ninh trong khu vực của Nhật Bản, cho phép lực lượng hải quân Nhật Bản đóng một vai trò trực tiếp trong việc "ổn định" các tuyến đường giao thông trên biển (SLOC), ví dụ như ở Biển Đông và hỗ trợ các đối tác an ninh trong tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, để có được sự ủng hộ về vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực, chính quyền Thủ tướng Abe cần phải hồi sinh nền kinh tế đang èo uột của mình. Với học thuyết "Abenomics", Tokyo đã triển khai đồng bộ các giải pháp như kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ để phục hồi nền kinh tế Nhật Bản. Sau đó, nước này cũng đã tiến hành cải cách cơ cấu, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, nhờ đó đã chấm dứt một thập kỷ kinh tế trì trệ kéo dài của Nhật Bản. Quan trọng hơn, ông Abe cũng đã nhận được ủng hộ nhiệt tình từ các nước trong khu vực, ví dụ như Philippines, quốc gia đã công khai hoan nghênh kế hoạch của Nhật Bản về một chính sách quốc phòng chủ động hơn.
Như vậy là, trong khi Trung Quốc tìm cách để tối đa hóa sự mâu thuẫn chiến lược của Mỹ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình một cách chủ động hơn ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng có nguy cơ tạo ra lợi thế cho đối thủ lịch sử của mình, Nhật Bản.
Công Thuận (Theo N.I)