Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

LỜI KHUYÊN CỦA ÔNG NGUYỄN CƠ THẠCH

Nếu ai đã được tiếp xúc với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhất là khi ông gặp gỡ với báo chí quốc tế, sẽ nhận ra cách dạy con của ông rất giống với tính cách thẳng thắn, bộc trực mà ông thường thể hiện khi còn sống.


LTS: TVN xin tiếp tục giới thiệu loạt tư liệu về con đường trở thành nhà ngoại giao của cha con Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.


"Cha tâm huyết với ngoại giao, mong con kế nghiệp cha"

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương. Cái tên Nguyễn Cơ Thạch được ông dùng khi đi hoạt động cách mạng. Khác với nhiều gia đình cách mạng khác, ông vẫn quyết định giữ nguyên họ cho con cái mình. Đó là lời giải thích cho thắc mắc của nhiều người về việc cha con ông người họ Nguyễn, người họ Phạm.

Theo lời người con trai trưởng của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là Phạm Tuấn Phan, thì trong bốn người con, phải đến con út Phạm Bình Minh, cố Bộ trưởng mới tìm được người kế tục.

Lúc còn sống, dù giữ những chức vụ cao trong Chính phủ, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn luôn để con cái tự đi trên đôi chân của mình.

Ông Phạm Tuấn Phan từng kể: "Năm 1971 - 1972 có lệnh Tổng động viên, tôi được gọi nhập ngũ khi đang học lớp 10, mới 17 tuổi. Dù biết lứa chúng tôi sẽ phải vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, nhưng cha tôi không hề can thiệp. Ông cho rằng dù ông có ở cương vị gì đi chăng nữa thì con trai ông cũng có nghĩa vụ chiến đấu vì đất nước như bao người khác. Vì thế ông rất khuyến khích tôi. Sau này, tôi được quân đội gọi về đi học, ông chỉ nói một câu với tôi: "Sao con không tiếp tục chiến đấu?".

Gia đình Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh gia đình cung cấp

Sau ngày 30/4/1975, khi tôi đang học ở Liên Xô, một lần cha tôi có gọi điện sang hỏi: "Con có muốn chuyển sang học Ngoại giao không?". Tôi luôn ngưỡng mộ cha mình và công việc ông làm. Tôi cũng muốn được tiếp tục công việc mà ông theo đuổi. Nhưng lúc đó tôi là người của quân đội cử đi học, nghĩ rằng việc mình chuyển ngành có thể làm mất uy tín của cha, cuối cùng tôi vẫn quyết định ở lại trường Đại học Tổng hợp, dù tôi hiểu cha tôi hằng mong có một người con tiếp nối sự nghiệp của ông. Hai năm sau, em trai tôi - Phạm Bình Minh đã thực hiện được nguyện vọng ấy của ông".

Bà Phan Thị Phúc nhớ lại, năm 1977, khi người con trai út Phạm Bình Minh thi đỗ vào Đại học Bách khoa với số điểm rất cao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã tâm sự với con trai: "Cha rất tâm huyết với công tác ngoại giao và thực lòng mong muốn trong 4 đứa có một người sẽ kế nghiệp cha".

Sau lời đề nghị tha thiết của cha, Phạm Bình Minh trở thành sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Câu chuyện này cũng từng được Bộ trưởng Phạm Bình Minh kể với báo Tuổi trẻ năm 2006, khi trở thành Uỷ viên dự khuyết Trung ương: " Tôi luôn biết ơn cha vì lời đề nghị ấy đã giúp tôi có cơ hội làm một công việc đầy ý nghĩa".

Nhưng cũng giống như với người con trai cả, ngoài việc chia sẻ với con những kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn khuyến khích con cái tinh thần tự lập.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982 - Ảnh: Le Monde

"Khi con tốt nghiệp, lời khuyên đầu tiên nhận được ở cha mình là: Nếu cơ quan phân cho con việc khó, con đừng vì ngại ngần mà từ chối. Những việc khó sẽ giúp con trưởng thành. Việc khó đầu tiên mà con tôi nhận khi trở thành nhân viên Bộ Ngoại giao là công tác ở tổ nhân quyền", bà Phúc kể.

Trong trí nhớ của bà Phan Thị Phúc, lúc còn giữ cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Cơ Thạch rất quan tâm đến vấn đề kinh tế: "Đi đến nước nào ông ấy cũng cố tìm hiểu cho bằng được cách người ta làm kinh tế. Ông ấy luôn nói rằng một quốc gia muốn hùng cường, mạnh về chính trị và quân sự thôi chưa đủ, nhất định phải mạnh cả về kinh tế nữa. Ông ấy đọc rất nhiều các sách về kinh tế của các nước, đặc biệt là các nước tư bản. Phạm Bình Minh đi học kinh tế ở Hà Lan rồi Havard cũng là theo định hướng của cha".

Phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói, khi còn sống, ông vẫn luôn cố gắng dành mọi thời gian rảnh đề truyền dạy cho con trai mình những kinh nghiệm nghề nghiệp mà ông có, từ những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, kinh nghiệm đàm phán, đến nghệ thuật giao tiếp "Chồng tôi luôn nói với con trai: "Làm ngoại giao, cái gì không nói được thì không nói, cái gì nói được thì phải nói thẳng, nói đến cùng".

Nếu ai đã được tiếp xúc với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhất là khi ông gặp gỡ với báo chí quốc tế, sẽ nhận ra cách dạy con của ông rất giống với tính cách thẳng thắn, bộc trực mà ông thường thể hiện khi còn sống.

Khó khăn sẽ tạo nên những nhà ngoại giao thực sự

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ có cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ngay cả bà Phan Thị Phúc - vợ ông, cũng là người ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp ngoại giao của chồng và con trai.

Thời còn theo cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi khắp nơi trên thế giới, bà Phan Thị Phúc luôn là cánh tay phải của ông. Mỗi chuyến đi, ông bà đều bàn bạc với nhau rất kỹ để ông có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Bà cũng là người giúp ông tổng hợp và phân tích những thông tin đáng chú ý, mà vì công việc quá bận rộn không phải lúc nào ông cũng nắm hết được. Rất nhiều cuốn sách hay, rất nhiều kiến thức về các nước trên thế giới đã giúp ông có thêm chất liệu trong công tác ngoại giao, là do sự chia sẻ của vợ mình. Khi cuối đời, có lần cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã trìu mến nói với vợ: "Sự nghiệp của anh có một nửa là của em".

Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch qua đời vào năm 1998, bà Phan Thị Phúc là người vẫn dõi theo mỗi bước đi của con trai mình. Bà kể: "Chồng tôi thường phải đi công tác, có những chuyến công tác kéo dài cả năm trời, nên việc chăm sóc, dạy dỗ các con ngày nhỏ hầu như do tôi đảm nhiệm. Tôi vẫn dạy con, học để thành tài, để làm lợi cho đất nước, chứ không chỉ biết đến bản thân mình. Tôi yêu cầu các con đọc Thép đã tôi thế đấy, tôi kể cho các con nghe về tấm gương của những người anh hùng dân tộc".

Như vẫn thường chia sẻ về công việc với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi ông còn sống, đến khi ông mất, bà lại tiếp tục cổ vũ, động viên những người con. Bà Phúc tâm sự, điều mà bà luôn chia sẻ cùng các con đó là những nguyên tắc mà ông Nguyễn Cơ Thạch thường vẫn tâm niệm lúc còn sống, đó là, dù làm công tác đối ngoại hay bất cứ lĩnh vực nào, thì quan trọng là phải xây dựng sự đoàn kết nội bộ để vượt qua những nguy nan. "Vì chỉ có hoàn cảnh khó khăn mới tạo nên những nhà ngoại giao thực sự", bà đúc kết.

Nguồn: Tô Lan Hương/TuanVietNamNet

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CỦA ĐẠI SỨ TRUNG QUỐC VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Tàu Trung Quốc tăng tốc độ ngăn cản, đâm va tàu thực thi pháp luật Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 7/7, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành đã có bài viết “Ai là kẻ gây bất ổn tại biển Đông-Vài lời với Đại sứ Ninh Phú Khôi" đăng trên báo Matichon (Thái Lan) phản bác những luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan về vấn đề Biển Đông.

Bài nên đọc: Mõm Chó

Trước đó, ngày 23/6, cũng trên chính tờ báo này, Đại sứ Trung Quốc đã trình bày quan điểm của ông về vấn đề Biển Đông, trong đó có nhiều lập luận thiếu cơ sở. 

Trong bài viết của mình, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng thông tin mà Đại sứ Ninh Phú Khôi nêu trong bài cho rằng "Việt Nam quấy rối hoạt động của Trung Quốc" thực chất là chép lại từ tài liệu ngày 8/6/2014 công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Theo Đại sứ Thành, cả tài liệu này cũng như trong các cuộc họp báo khác nhau, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục và khách quan để chứng minh luận điểm của mình. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các bạn đọc Thái chắc không khó kiểm chứng được từ các nguồn thông tin công khai và khách quan để thấy được đúng sai trong các thông tin mà Đại sứ Ninh đã nêu.

Thực tế là hoạt động trái phép của giàn khoan Trung Quốc cũng như hành động hung hăng, vô nhân đạo của các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam đã được thông tin đầy đủ bởi nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài khu vực, của các nước phát triển và đang phát triển. Các phóng viên nước ngoài, các nhà bình luận quốc tế hay các học giả và chính giới đều có chung nhận định rằng chính hành động đơn phương, khiêu khích không phù hợp với luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình hình căng thẳng hiện nay.

Thứ hai, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh ông không thể đồng ý với quan điểm của Đại sứ Ninh cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền liên tục, hợp pháp và ổn định đối với quần đảo Hoàng Sa từ giữa và cuối thế kỷ thứ 10 vì điều này mâu thuẫn với lịch sử và nhầm lẫn về pháp lý. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình đối với quần đảo Hoàng Sa, chí ít là kể từ thế kỷ 17, khi mà vùng lãnh thổ này còn vô chủ. Các chúa Nguyễn của Việt Nam đã thành lập những đội dân binh, gọi là đội Hoàng Sa, để cai quản và khai thác quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa này có nhiệm vụ hàng năm tới quần đảo Hoàng Sa để khai thác sản vật, đo đạc, trồng cây, dựng bia, xây dựng chùa chiền, cứu hộ tàu thuyền... Tất cả những hoạt động này đều được ghi lại trong các tài liệu chính thức.

"Tôi nói rằng có sự mâu thuẫn với lịch sử trong phát biểu của Đại sứ Ninh vì theo như tôi biết năm 1898, trước việc chủ tàu Bellona và Himeji Maru đòi nhà đương cục Trung Quốc bồi thường cho việc ngư dân Trung Quốc cướp tài sản hai chiếc tàu này khi chúng bị đắm tại Hoàng Sa, Phó vương Quảng Đông đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, không thuộc về Trung Quốc, không có liên quan gì về mặt hành chính đối với bất cứ quận nào của Hải Nam và không cơ quan nào có trách nhiệm kiểm soát khu vực này. Điều này thực ra cũng dễ hiểu thôi vì trong một thời gian dài của lịch sử, các triều đình nhà Minh và nhà Thanh đã áp dụng chính sách “Hải cấm” thể hiện một sự lo ngại đối với những mối hiểm họa từ biển hơn là một tư duy mong muốn vượt ra khỏi lãnh thổ lục địa để làm chủ biển. 

Chính vì tư duy của người Trung Quốc đối với biển và về quần đảo Hoàng Sa như vậy, nhà bản đồ học hàng đầu người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville đã thể hiện lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736-1795) chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (không bao gồm các đảo ở Biển Đông như quần đảo Hoàng Sa) trong tấm bản đồ xuất bản tại Đức thế kỷ 18. Tấm bản đồ này đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng Ba vừa qua khi ông Tập Cận Bình tới thăm Đức.

Trong khi đó, chính tài liệu của Trung Quốc, như "Hải ngoại Kỷ sự" (Haiwai jishi) năm 1696 hay "Hải Lục" (Hailu) năm 1820 và tài liệu quốc tế như "Journal of the Asiatic Society of Bengal" (1837) và "Journal of the Geographical Society of London" (1849) đã công nhận và thể hiện quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam," Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nhấn mạnh. 

Đại sứ Nguyễn Tất Thành khẳng định về mặt pháp lý, không có bất cứ tài liệu quốc tế chính thức liên quan nào ghi rằng Trung Quốc giành lại Hoàng Sa từ Nhật Bản năm 1946 như Đại sứ Ninh đã viết. Trái lại, tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề xuất yêu cầu Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống trong tổng số 51 nước tham dự. 

Cũng tại hội nghị này, Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa mà không gặp phải bất kỳ phản đối nào. Tiếp đó, Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, có nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa đang do các lực lượng của Pháp và Việt Nam Cộng hòa quản lý. 

Chính vì chủ quyền đối với Hoàng Sa thuộc về Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là quốc gia tham gia Hội nghị Geneva năm 1954 biết rất rõ về điều này, hành động mà Đại sứ Ninh gọi là “đánh đuổi” quân đội miền Nam Việt Nam tại Hoàng Sa thực chất là hành động xâm lược bằng vũ lực và đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lên án mạnh mẽ. Một hành động như vậy không thể là cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền như Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu và đăng trên Nhân dân Nhật báo cùng ngày.

Thứ ba, Đại sứ Việt Nam bác bỏ nhận định của Đại sứ Trung Quốc khi ông Ninh Phú Khôi cho rằng "hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) lần này là sự tiếp nối của tiến trình thăm dò trong suốt 10 năm qua, hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc và Việt Nam không có quyền phát biểu, không có quyền can thiệp hoặc ngăn cản."

Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, hoạt động trái phép, như thăm dò, khảo sát, của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong 10 năm qua luôn gặp phải sự phản đối của Việt Nam dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau. Thậm chí, trước thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc và việc xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại Biển Đông, ngày 5/8/2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai lên tiếng phản đối. 

"Việc Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 lần này là để bảo vệ khu vườn cùng các cây cối tại đó của mình đang bị một người hàng xóm vô cớ đòi sở hữu," Đại sứ Thành nhận định.

Thực vậy, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 60-80 hải lý. Việc làm của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. 

Đại sứ Ninh nói rằng khu vực giàn khoan Hải Dương-981 là thuộc vùng biển của “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam) do cách đường cơ sở của quần đảo này 17 hải lý trong khi cách đường cơ sở Việt Nam từ 120-140 hải lý. Việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở quanh quần đảo “Tây Sa” là vô giá trị, không phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

"Điều tôi muốn nói thêm ở đây là chính Trung Quốc đã “không giữ lời” khi muốn xóa bỏ lời nói của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tháng 9/1975 rằng Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như được ghi nhận trong Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc," Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh. 

Để hỗ trợ cho hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc huy động một lực lượng hùng hậu tàu bè và máy bay các loại, có lúc lên tới gần 140 chiếc, trong đó có cả những tàu quân sự hiện đại, trang bị vũ khí đầy đủ để cản phá hoạt động của các tàu dân sự của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam trong phạm vi bán kính cách giàn khoan trên 10 hải lý, gây thương tích cho hàng chục cán bộ kiểm ngư và ngư dân, gây hư hại nhiều tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Vô nhân đạo hơn cả là việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động tàu Việt Nam cứu trợ đối với 10 thuyền viên của tàu bị chìm. 

Các hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần và lời văn của DOC cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động của Trung Quốc đã không còn là một vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc mà đã và đang đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và gây bất ổn trong khu vực. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam phản đối mà nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động khiêu khích của mình. 

Cuối cùng, trong bài viết của mình, Đại sứ Ninh nói rằng “Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm, chúng tôi “không gây chuyện” và không muốn thấy khu vực xung quanh chúng tôi xảy ra những rắc rối.” Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam cho rằng các hành động của Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương-981 đã thể hiện khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc. 

Đại sứ Việt Nam cũng hoan nghênh tuyên bố của Đại sứ Ninh rằng “Nếu bất cứ việc gì có thể làm dịu tình hình, chúng tôi đều sẽ quyết tâm tiến hành thúc đẩy.”

Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng điều thiết thực nhất hiện nay là Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan. Về điểm cuối cùng này, cá nhân tôi thấy rằng Đại sứ Ninh và tôi nên tận dụng những hiểu biết của mình về tranh chấp hiện nay xung quanh hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 ở Biển Đông để đưa ra những đề xuất phù hợp với cơ quan chức năng trong nước, kể cả việc kiến nghị chính phủ hai nước trình bày những bằng chứng lịch sử và lập luận pháp lý của hai bên trước một cơ quan tài phán quốc tế để phân xử chứ không chỉ dừng ở việc trình bày quan điểm trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc Trung Quốc đồng ý sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp này và quan trọng hơn là tuân thủ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chính là điều thiết thực để giúp các nước nhỏ như Việt Nam và Thái Lan có lòng tin rằng Trung Quốc thực sự thực hiện “trách nhiệm” của một nước lớn”.

Theo VietNamPlus

LẬP TRƯỜNG CHÍNH THỨC CỦA VIỆT NAM VỀ VIỆC TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT TRÁI PHÉP GIÀN KHOAN

VOV.VN - Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp l‎ý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5/2014 và ngày 9/6/2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng Thư k‎ý Liên Hợp Quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907. Việt Nam xin nhắc lại như sau:

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

1. Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế

Cần phải khẳng định ngay rằng tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng tranh chấp này không phải là nguồn gốc của căng thẳng gia tăng hiện nay tại Biển Đông, mà căng thẳng này cần phải được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc và thủ tục được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27/5/2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005. Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, và ngày 5/8/2010 và ngày 8/8/2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26/5/2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.

2. Các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ

Kể từ khi tình hình căng thẳng hiện nay bắt đầu vào đầu tháng 5 năm 2014, Việt Nam đã nỗ lực hết sức liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp khác nhau để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên bắt đầu đàm phán ngay lập tức để ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, các điều khoản có liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc ngoại giao với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, trong đó gần đây nhất là cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18/6/2014. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn nhất quyết từ chối rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng như tiến hành đàm phán thực chất về tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc phải tôn trọng các quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, tàu và các phương tiện, thiết bị khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam trịnh trọng yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tránh để căng thẳng kéo dài và tránh dẫn đến xung đột giữa hai nước.

Nguyễn Hùng/VOV.VNTheo Bộ Ngoại giao

CÔNG AN THANH HÓA BỊ BÁO GIÁO DỤC VIỆT NAM BÔI NHỌ

Cuteo@


Trên báo Giáo Dục Việt Nam sáng nay có bài của phóng viên Quốc Toản với tựa đề "Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người dân giữa đường" thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Thực tình, tôi cũng là người bạn thân thiết của báo GDVN, và thường xuyên vào đọc mỗi ngày bởi báo có nhiều bài hay, mang tính thời sự. 

Tuy nhiên, bài báo này lại là một thảm họa của báo DGVN, gây hiểu lầm trong nhân dân và làm tổn hại tới uy tín của công an Thanh Hóa. Mặt khác, tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội chính trị khoác áo zân chủ, nhân quyền ở trong nước và ngoài nước chống phá chế độ.

Mặc dù có đường link ở trên, nhưng cũng dài dòng một chút để trích nguyên văn bài đăng của quý báo để rộng đường dư luận:

Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người dân giữa đường

QUỐC TOẢN

(GDVN) - Clip ghi lại cảnh nam thanh niên bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa hành hung ngay giữa đường.

Thông qua đường dây nóng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc N.T.G. cung cấp đoạn clip tố cáo lực lượng CSGT huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) hành hung người dân ngay giữa đường, trước sự chứng kiến của nhiều người.

Đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh một nam thanh niên bị tổ tuần tra thuộc lực lượng CSGT huyện Tĩnh Gia tạm giữ phương tiện do nghi ngờ vi phạm luật giao thông. Người thanh niên cho rằng mình không vi phạm nên đòi cảnh sát trả lại phương tiện cho mình. Không rõ cảnh sát đã giải thích gì hay chưa, nhưng sau đó là màn không chế, đánh đạp của 4 cảnh sát dành cho người dân. 

CSGT Tĩnh Gia xua đuổi người dân can ngăn vụ việc

Đoạn clip cũng cho thấy nam thanh niên đã cố gắng vùng vẫy để tránh bị ăn đòn nhưng không thể.

Trước sự việc trên, một số người dân có mặt tại hiện trường đã lao vào can ngăn nhằm tránh thương tích có thể xảy ra, nhưng đều bị lực lượng CSGT khống chế và xua đuổi.

Lực lượng CSGT dùng sức khống chế người vi phạm

Sau khi khống chế được người dân, lực lượng CSGT huyện Tĩnh Gia đã tạm giữ và đưa phương tiện về đơn vị để xử lý.

Theo xác minh, thời điểm xảy ra vụ xô xát vào khoảng 14h30 ngày 6/7, địa điểm thuộc khu vực chợ Kho (nằm trên đại bàn xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Trước sự việc có liên quan, trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Huynh – Phó trưởng Công an xã Hải Ninh xác nhận sự việc trên là có thật.

“Sau khi nắm bắt được tình hình, lực lượng Công an xã đã có mặt tại hiện trường giải tán đám đông, đồng thời báo cáo lãnh đạo cấp trên để có hướng xử lý”, ông Huynh thông tin.

Nam thanh niên bị CSGT quật ngã giữa đường

Được biết, 4 cán bộ CSGT xuất hiện trong đoạn clip xô xát với người điểu khiển phương tiện vi phạm bao gồm; Trung tá Phạm Văn Bằng – Đội phó đội CSGT huyện Tĩnh Gia; Trung úy Lê Trần Kiên; Trung sỹ Nguyễn Duy Dương; Hà Văn Trọng – lái xe.

Người thanh niên xuất hiện trong clip được xác định là Lê Ngọc Sáng (sinh năm 1990, trú tại xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

---

Trong khi đó, báo báo Giáo Dục & Thời Đại đã có bài viết khách quan hơn. Xin trích nguyên văn để bạn đọc hiểu rõ vấn đề:

Sự thật clip “Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người vi phạm”

Tổ CSGT huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang khống chế đối tượng vi phạm TTATGT Lê Ngọc Sáng. Ảnh cắt từ clip.

GD&TĐ - Chiều 8/7, liên quan đến vụ việc trên các trang mạng xuất hiện clip “Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người vi phạm”, tại địa phận xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). 

Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo kiểm tra và xác minh không có việc cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người vi phạm.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát và giải quyết ùn tắc TNGT trên quốc lộ 1A, ngày 6/7/2014 tổ công tác do Trung tá Phạm Văn Bằng – Đội phó đội CSGT Công an huyện Tĩnh Gia làm tổ trưởng tuần tra trên tuyến quốc lộ 1A đoạn từ xã Hải Lĩnh đến xã Hải Châu (Tĩnh Gia). 

Khoảng 16h30 phút, khi đến địa phận xã Hải Ninh, tổ công tác phát hiện xe máy BKS 16K9 – 5347 do 2 thanh niên điều khiển không đội mũ bảo hiểm. Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nhưng 2 thanh niên này đã không chấp hành hiệu lệnh.

Tổ công tác đã đuổi theo 2 thanh niên đến một cửa hàng tạp hóa gần chợ Kho (xã Hải Ninh) thì 2 thanh niên dừng xe, người ngồi sau xe đã bỏ trốn khỏi hiện trường. 

Khi tổ công tác CSGT Tĩnh Gia yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người thanh niên điều khiển xe máy trên không những không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ CSGT. 

1 / 2


Lực lượng CSGT đã dùng biện pháp cưỡng chế bằng cách đưa xe của người thanh niên nói trên lên xe ôtô và yêu cầu người thanh niên về trụ sở ban Công an xã Hải Ninh để giải quyết. Nhưng người vi phạm đã chống đối quyết liệt bằng cách cởi áo, nhảy lên thùng xe vừa chửi bới vừa giằng co, ngăn cản không cho lực lượng CSGT mang xe về trụ sở UBND xã Hải Ninh.

Ngay lúc đó, bà Phạm Thị Côi, mẹ của người thanh niên vi phạm nghe tin đã chạy ra hiện trường. Biết con mình có lỗi, bà Côi đã dùng dép đánh con, bắt anh ta đi về trụ sở UBND xã Hải Ninh làm việc. Tại đây, người thanh niên trên khai tên Lê Ngọc Sáng (SN 1990), ở xã Hải Ninh. 

Sau đó, Sáng đã viết bản kiểm điểm, thừa nhận việc mình uống rượu, không làm chủ được bản thân nên dù biết vi phạm Luật ATGT nhưng vẫn cản trở lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Ban Công an xã Hải Ninh đã lập biên bản, yêu cầu đối tượng viết bản kiểm điểm, tạm giữ giấy tờ, phương tiện và ra quyết định xử phạt hành chính hành vi vi phạm TTATGT của đối tượng này.

Được biết, trước đây Lê Ngọc Sáng đã từng có hành vi càn quấy, chửi bới lực lượng công an xã và đã bị Công an xã Hải Ninh lập biên bản và yêu cầu viết bản kiểm điểm.

Nguyễn Quỳnh


--------------

Cùng lúc có rất nhiều báo đưa tin về vụ việc này, nhưng với nội dung đứng đắn hơn nhiều. Báo Tiền Phong có bài: "Công an Thanh Hóa khẳng định CSGT không đánh dân" với những dẫn chứng rất cụ thể.


Rõ ràng, phóng viên Quốc Toản và báo GDVN đã có nhưng hành vi sai trái. Chúng ta hãy chờ xem báo DGVN có những hành động gì để chứng tỏ mình là Giáo dục Việt Nam?


Đề nghị công an Thanh Hóa và báo Giáo Dục Việt Nam trả lời rõ ràng vụ việc trước công luận.


Mời xem clip:


http://xahoi.com.vn/video/clip-4-canh-sat-quat-nga-mot-thanh-nien-gay-xon-xao-175247.html

BÀI HỌC VỀ TRUNG QUỐC TRONG KÝ ỨC CON TRAI CỐ TBT LÊ DUẨN

Kỷ niệm 28 năm ngày mất cố Tổng bí thư Lê Duẩn 


Bài học về TQ trong ký ức con trai cố TBT Lê Duẩn

Đăng Bởi Một Thế Giới

Bác Hồ và cố Tổng bí thư Lê Duẩn

TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng chia sẻ về cha mình: “Nhiều người nói, cha tôi là người chống Trung Quốc. Nhưng cha tôi từng nói, bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc với người Trung Quốc, với đất nước, với dân tộc Trung Quốc là hai khái niệm khác hẳn nhau". Một Thế Giới xin trích đăng suy nghĩ của ông:


Ngày bé, họa báo Trung Quốc tràn lan ở VN, in hình các lãnh đạo Trung Quốc, màu và giấy rất đẹp. Tôi thường lấy để bọc vở. Có lần cha tôi nhìn thấy những cuốn vở đó, hôm sau ông đã yêu cầu thư ký bóc hết những bìa có ảnh lãnh tụ Trung Quốc để bọc những tờ báo khác vào. 

Ông không muốn người ngoài hiểu rằng con trai mình có gì không tôn trọng với Trung Quốc. Nghĩa là cha tôi lúc nào cũng nghĩ rất sâu xa, cẩn trọng, dù trong thâm tâm, ông luôn cảnh giác với người Trung Quốc.

Thực tế là năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, cha tôi rất buồn. Ở thời điểm đó, ngoài việc tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ với nước Mỹ, Trung Quốc bây giờ không còn là một Trung Quốc đứng cạnh Việt Nam nữa.

Cha tôi và Đặng Tiểu Bình từng rất thân thiết với nhau. Năm 1961, ở hội nghị các Đảng Cộng sản, cha tôi và Đặng Tiểu Bình đã từng thức thâu đêm với nhau để chia sẻ quan điểm. Sự thân tình đó kéo dài mãi giữa hai người, kể cả khi Đặng Tiểu Bình bị yếu thế trong giới lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, cha tôi vẫn tìm gặp. Vì vậy cuộc chiến năm 1979, với cha tôi còn là sự phản bội về quan hệ cá nhân.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã đánh ta, có lần xem những bài viết kích động phê phán những lãnh tụ Trung Quốc, cha tôi đã đề nghị: “Đừng viết về cá nhân như thế này. Chúng ta phê phán tư tưởng, hành động của họ, chứ không phê phán cá nhân”.

Nhiều người nói, nếu không vì cha tôi, sẽ không có cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, khi chúng ta đã hết sức mềm mỏng, khi chúng ta đã lùi đến hết mức chúng ta có thể lùi, những tham vọng của Trung Quốc với lãnh thổ nước ta vẫn không hề dừng lại, thậm chí còn công khai và táo tợn hơn rất nhiều.

Tôi luôn tin rằng, lòng yêu nước không phải của riêng ai. Ai cũng sẽ yêu nước, dù ít hay nhiều. Và mỗi người đều có quyền yêu nước theo cách của mình. Nhưng ở vị trí người lãnh đạo đất nước, lòng yêu nước ấy phải là tuyệt đối. Bởi mỗi quyết định liên quan đến con người đó đều ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. 

Nên, chừng nào trong đầu một nhà lãnh đạo còn có những chuyện cá nhân chi phối, thì chừng đó họ sẽ không thể anh minh trong những quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc. Như cha tôi lúc còn sống luôn nói rằng, khi người ta đã yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, thì họ sẽ luôn tìm được con đường đúng nhất.

Một lần, khi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị, nơi được coi là biểu tượng hàn gắn của mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau giai đoạn chiến tranh, tôi đã thấy ở nơi trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ cha mình. 

Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, TBT Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế. Và nếu còn sống đến hôm nay và đối mặt với vấn đề biển Đông, ông cũng sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn đó!”.

Thảo Nguyên (ghi)

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn: CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỢ TRUNG QUỐC

Kỷ niệm 28 năm ngày mất cố Tổng bí thư Lê Duẩn


Cố Tổng bí thư Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc'

Đăng Bởi Một Thế Giới

Bác Hồ và Cố Tổng bí thư Lê Duẩn năm 1960

Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư suốt 26 năm, ông Lê Duẩn đã để lại nhiều di sản cho lịch sử Việt Nam. Có thể người ta còn tranh cãi về ông ở vài vấn đề, nhưng công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất dân tộc cũng như ý chí kiên cường và tinh thần cảnh giác cao độ trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, thì có lẽ ít người nghi ngờ…

Bài học lớn về Trung Quốc 

Trước hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn là người lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Như nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam khi ấy, ông thực sự tin Trung Quốc là người anh em, đồng chí thực sự của cách mạng Việt Nam.

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã bẻ ngoặt nhận thức của ông về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể:

“Khi bàn thảo về Hiệp định Geneva, Bộ Chính trị của ta chỉ đồng ý lấy vĩ tuyến 16 là ranh giới cuối cùng của khu phi quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc trong thời gian chờ tổng tuyển cử. Nhưng Trung Quốc với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng ép ta phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17. Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Chúng tôi là tướng ngoài mặt trận. Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình quyền định đoạt số phận của người Việt Nam”.

Thời điểm đó, ta đã kiểm soát phần lớn vùng Nam bộ, ngoại trừ một vài đô thị nhỏ. Ở miền Bắc, ta chiến thắng vang lừng ở Điện Biên. Nhưng Trung Quốc đã bắt ta phải ký một hiệp định chia cắt đất nước - một hành động mà sau này như nhiều người nói: “người anh lớn” đã phản bội lại “người em” của mình.


Sau khi hiệp định được ký, trên đường từ Bắc vào Nam, nhìn những quân dân miền Nam giơ 2 ngón tay chào nhau, vừa là biểu tượng victory - chiến thắng, vừa là lời hẹn 2 năm sau sẽ đoàn tụ, ông Lê Duẩn đã khóc. Ông hiểu, sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, sẽ không bao giờ chỉ là 2 năm…Rồi đây đất nước sẽ còn bị chia cắt rất lâu vì Hiệp định Geneva năm đó.

Sau đó, khi chia tay Lê Đức Thọ ra Bắc tập kết, ông Lê Duẩn đã nói với người đồng chí của mình một câu rất nổi tiếng: “Anh ra nói với Bác, 20 năm nữa tôi mới được gặp Bác”. 

Rất trùng hợp, 20 năm sau, đất nước thống nhất. Nhưng quan trọng hơn, đó là lần ông Lê Duẩn thực sự thấy thấm thía nhất về nỗi đau chứng kiến đất nước ông đã bị người anh em Trung Quốc phản bội. Năm 1972, trong một cuộc trò chuyện với Chu Ân Lai, nhắc lại về Hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn đã không ngần ngại lên án: “Năm đó, người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.

Dù là năm 1954 hay năm 1972 hay sau này, dù là lúc đang lãnh đạo cách mạng miền Nam hay khi đã ra Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể cả khi đất nước đã thống nhất, chưa một phút giây nào, TBT Lê Duẩn quên bài học đó.

“Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”

Khi còn sống, TBT Lê Duẩn luôn cho rằng, hiểu Trung Quốc là chuyện sống còn của dân tộc Việt Nam, khi mà lịch sử địa lý, trớ trêu thay đã khiến ta mãi mãi phải là láng giềng của họ. Mà để hiểu người Trung Quốc nhất định phải hiểu được những đặc tính của dân tộc Việt Nam.

Đắm chìm vào trong dân tộc để hiểu cái ở ngoài dân tộc và giữ dân tộc là cách mà TBT Lê Duẩn đã làm khi ở cương vị người đứng đầu đất nước.

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhân danh việc chi viện, giúp đỡ chúng ta, rất nhiều lần Trung Quốc lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ. Có lần Trung Quốc đề nghị cho chúng ta 500 chiếc xe vào Trường Sơn với điều kiện kèm lái xe của họ. Nhưng TBT Lê Duẩn không nhận bất cứ một chiếc xe nào. 

Có người trong Bộ Chính trị đề nghị “sao ông không nhận một vài chiếc cho người ta vui?”, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình: “Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng có thể cướp được đất nước Việt Nam này”.

Hẳn là vì hiểu rõ dân tộc, mà ông đã không quên rằng, Trung Quốc từng mượn đường vào đánh Chiêm Thành thời nhà Trần, rồi từng lấy cớ vào giúp vua Lê Chiêu Thống để kéo quân vào Hà Nội. Như một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã từng nhận xét về ông: “Với TBT Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia”.
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội

Điều mà TBT Lê Duẩn vẫn thường cố gắng cắt nghĩa là tại sao Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1.000 năm mà không đồng hóa được ta? Bởi 1.000 năm là quá dài, và người Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng ấy suốt những thời kỳ họ cai trị Việt Nam. Trong lịch sử, nhiều dân tộc khác bị đồng hóa rất dễ dàng chỉ với vài trăm năm, nhưng sự khác biệt của người Việt Nam đã khiến dân tộc này thoát khỏi quy luật đáng sợ đó.

Có rất nhiều thứ người Trung Quốc cho là chân lý, nhưng người Việt Nam không chấp nhận. Người Trung Quốc dùng đạo Khổng để giáo dục người dân. Người Trung Quốc dạy: “Tại gia tòng phụ”, nhưng người Việt Nam nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Người Trung Quốc nói “xuất giá tòng phu”, người Việt Nam lại cho rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Và ông Lê Duẩn luôn nhìn thấy, qua những khác biệt đó người Việt Nam vừa để dạy mình, vừa thể hiện sự phản kháng với tư tưởng đó, và sâu sa hơn là phản kháng sự đồng hóa mà người Trung Quốc cố tình áp đặt lên số phận của dân tộc Việt Nam. Sự phản kháng này nằm sâu trong mầm mống tồn tại của dân tộc, khiến sức mạnh đồng hóa của người Trung Quốc không đâm thủng được. Trung Quốc ngày đó bắt người phụ nữ bó chân, nhưng người Việt Nam không bao giờ đồng ý. Với người Việt Nam, để sinh tồn thì bàn chân là phải vững chắc trên mảnh đất này. Đó là một nền tảng văn hóa vô cùng Việt Nam, tự thân người Việt Nam và nó đối chọi hoàn toàn với người Trung Quốc.

Dường như, khi hiểu được truyền thống ấy và sức mạnh phản kháng ấy của dân tộc, TBT Lê Duẩn đã luôn có tự tin khi đứng trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đứng trước sức mạnh của người Trung Quốc, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm của mối quan hệ giữa hai nước.

Một lần, khi ra ngoài Bắc bàn về đấu tranh miền Nam, ông Lê Duẩn nói: “Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô”. 

Có người trong Bộ Chính trị phản đối ý kiến đó. Nhưng ông Nguyễn Chí Thanh đã đứng lên ủng hộ: “Thưa Bác, việc anh Ba nói vậy là vô cùng cần thiết và nhất định phải như vậy chúng ta mới thắng được”. 

Cả Bộ Chính trị vỗ tay hoan hô ý kiến đó. Chỉ tiếc là đến giờ những văn bản họp Bộ Chính trị khi đó hầu như vẫn chưa được công bố, khiến những câu chuyện này không thực sự được biết rộng rãi trong dân chúng.

Điều khiến nhiều người suy nghĩ là những năm tháng đó, trong lúc khó khăn nhất, khi mà chúng ta đang dựa vào họ, thành bại của cuộc chiến tranh phụ thuộc một phần không nhỏ vào sự ủng hộ của họ, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn biết cách giữ được vị thế của mình với những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ông cũng rất khéo léo giữ được độc lập của đất nước mà vẫn khiến Trung Quốc duy trì sự ủng hộ với Việt Nam trong một giai đoạn dài. Cái ý thức “không sợ Trung Quốc” ấy có lẽ đã khiến TBT Lê Duẩn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn ở thế ngang bằng với những lãnh đạo Trung Quốc như Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Nhưng cũng chính vì tư tưởng đó, TBT Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam khiến Trung Quốc e dè, nếu không muốn nói là “gai mắt” nhất trong giai đoạn ấy.

Nhà thơ Việt Phương từng kể một câu chuyện: “khi Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung Quốc, TBT Lê Duẩn có chuyến thăm Trung Quốc và ở gần nơi Bác chữa bệnh. Bác Hồ lúc đó đã bảo với ông Lê Duẩn: “Chú Ba đến ăn cơm với Bác. Chắc là họ chưa đến mức có ý định giết Bác. Bác đã rất nghi ngại việc TBT Lê Duẩn ở một mình có thể có những chuyện không hay và tìm cách giữ an toàn cho ông bằng mọi cách”.

Từ năm 1976, khi ta căng thẳng với Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, khi những người lính cần vệ của TBT Lê Duẩn đưa dụng cụ đo phóng xạ vào phòng ông kiểm tra, bao giờ độ phóng xạ cũng ở mức kịch kim. Có người lính cận vệ đã đề nghị ông đổi phòng vào ban đêm một cách bí mật. 1 năm sau đó, người lính cận vệ đó bị ung thư máu qua đời, dù trước đó rất khỏe mạnh. Đó có thể chỉ là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể không…

2 tháng qua, khi Trung Quốc ngày càng tráo trở và ngang ngược ở biển Đông, với tham vọng bá quyền không giấu diếm, rất nhiều người dân Việt Nam nhớ về vị TBT mà lịch sử đã nhìn nhận là người có đường lối cứng rắn nhất với Trung Quốc. 

Có lẽ ngày hôm nay, với vấn đề biển Đông, người Việt Nam chúng ta sẽ phải nhớ lại câu nói của cố TBT Lê Duẩn và bài học mà ông đã để lại: “Chúng ta, bằng bất cứ giá nào, cũng không được phép sợ Trung Quốc”.

Thảo Nguyên

AI ĐÂU HAY ĐÀN BÀ CŨNG...KHỔ

Ai đâu hay đàn bà cũng… khổ



Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái

Tôi không phải đàn bà, dĩ nhiên quá rồi và cũng không mượn son phấn nước hoa hay dao kéo để đội lốt người được coi là… hơn một nửa nhân loại. Họ là hơn một nửa không phải về định lượng mà là định tính hẳn hoi do cái phương vị của họ đổ bóng xuống gần một nửa còn lại trong nhân loại và trong cuộc đời.

Đứng ở vị trí đàn ông thử nhìn sang phía kia và thấy được vài nỗi khổ chiến lược, vĩ mô của họ.

Là đàn bà thì tuổi cứ phải giấu kín mít như một bí mật thuộc an ninh quốc gia, kẻ nào lỡ làm rò rỉ kẻ ấy đáng bị tội. Còn tên thì, toàn là những cái tên tố cáo sự ẻo lả, yếu đuối dễ… ngã vào vòng tay người khác. Hoặc dễ bị “cưa” đổ, theo cách nói tại An Nam bây giờ. Một anh chàng người Mỹ sang đây làm gì không biết, nói trên TV rằng anh gặp “chi ay” (chị ấy) là người quá khó nhưng anh đã “nhan… nạ” (nhẫn nại) và cuối cùng thì “cưa” hoài cũng đổ.

Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh: TL

Sau tên tuổi là… ăn. Cái khổ của đàn bà là ăn vặt, ăn từ khi còn là cô bé đi học và ăn cho đến lúc biết đi shopping, khi lên bà ngoại trẻ. Quà vặt đường phố ở Việt Nam quá ư phong phú đa dạng chính là để phục vụ nỗi khổ này của đàn bà. 

Sáng sớm khi đèn đường chưa tắt, ra đường tôi đã thấy những toán đàn bà đi như những chú gà tây lao về phía trước hoặc đang múa võ gì đó để giảm các chỉ số đo. Quá trình này thật gian khổ và lâu dài, thách thức lòng kiên trì ở liều cao, nhưng thật không hiểu nổi là cũng khi đường phố còn vắng tanh, những con người kiên trì này lại là sức hút cho hàng rong bu tới. Luẩn quẩn, dây dưa, lằng nhằng… là những nỗi khổ có tính cơ bản trong đời đàn bà.

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Thơ tình, nhất là thơ thất tình dễ làm cho người ta nổi tiếng nhưng chính cái lối thơ thất tình này ở những nhà thơ nữ lại là một rào cản ngăn sông cấm chợ cho chính họ. Đàn ông làm thơ thất tình có khi lại được những nữ Bồ tát ghé thăm còn đàn bà làm thơ ấy có nghĩa là tự mình ra tuyên ngôn đời đã chẳng còn chi và…đàn ông đi hết. 

Thế vậy mà có không ít đàn bà lại tung ra vô số những vần thơ kiểu ấy. Hồi trước năm 1975 có một nhà thơ nữ xuất bản liên tục tập thơ chung một nhan đề “Em là gái trời bắt xấu” tập 1, 2, 3… không rõ đường tình ái của chị ấy sau ra sao, tôi không có “hồi sau” nên không rõ.

Có khá nhiều đàn bà mang nỗi khổ gặp phải đàn ông…văn nghệ, những con người ngơ ngơ ngáo ngáo, trải nghiệm nhiều nhưng thiếu lịch lãm mà thành quê mùa, mộng tràn ra thực gây lũ lụt cho chính mình. Cái đám đàn ông này có khi còn nuôi ý tưởng phạm tội hình sự… sát nhân. “Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (thơ Hàn Mặc Tử). Ghê quá! Đám đàn ông này còn dựng nên câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” gây ra nỗi lo sợ thường trực bị “đánh tử vong” cho những người mà nói cho cùng thì ai cũng đẹp cả.

Đẹp mà bị đánh chết, tội quá chừng!

Sang thời công nghệ thông tin nổ cái bùng, đàn bà gánh thêm một nỗi khổ trước kia cũng có nhưng có một cách thủ công nhỏ lẻ. Còn bây giờ nhiều người suốt ngày phải lặn lội cày sâu cuốc bẫm trên mạng làm cái việc gọi là "tám" nôm na là hóng chuyện, đưa chuyện để giết thì giờ (sát nhân) và không ít người bị lừa đảo.

Đàn bà luôn không nhận ra... dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh: TL (minh họa)

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tảng băng chìm là nội tâm, phải như vậy không? Đàn ông trả lời được câu hỏi này trong khi nhiều đàn bà lại không thể, thậm chí không muốn nhớ. Nhân loại khổ lây vì cái hay quên này của đàn bà.

Nhiều nỗi khổ vây quanh, nhưng khổ nhất cho đàn bà và cho cả các thi nhân là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi/Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu), đàn bà đẹp sẽ chết yểu thì ai dám đẹp (?!). Nhưng lo là lo còn đẹp cứ đẹp và còn ra sức phấn đấu làm cho đẹp thêm, là thực hiện phương châm “sống chung với lũ” của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những phụ nữ lấy phù sa nắng gió và đức chân thật làm mỹ phẩm nuôi nhan sắc rắn rỏi mặn mà của mình.

Bài: Cao Thoại Châu
Ảnh: Tư liệu