Tự do tôn giáo và tự do thể hiện tôn giáo
Tự do tôn giáo và tự do thể hiện tôn giáo là hai vấn đề có liên quan với nhau nhưng không đồng nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có một số người đã đồng nhất hoặc cố tình hiểu sai hai vấn đề này cũng như mối quan hệ giữa chúng, từ đó xuyên tạc quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết của cư sĩ Tuệ Minh góp phần tiếp cận, phân tích vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ nhu cầu nội sinh, từ hoàn cảnh khá đặc biệt trong quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa với thế giới mà Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều tôn giáo, hầu hết các tôn giáo lớn có đông tín đồ trên thế giới đều có mặt (chỉ không có Do Thái giáo và Sikh giáo). Theo dòng thời gian, nhìn chung các tôn giáo ở Việt Nam khá hòa đồng, hầu như không xung đột. Sở dĩ như vậy có lẽ vì bản thân mỗi tôn giáo chứa đựng tư tưởng khiêm dung, phù hợp với văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Trong các thời kỳ lịch sử trước đây, một số tôn giáo đã có vai trò nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam, tham gia vào việc hình thành phong tục tập quán, nhất là tính nhân văn trong quan niệm sống, trong quan hệ giữa người với người,... Ðó là điều rất hiển nhiên, vì một tôn giáo tồn tại trong xã hội thì phải đóng góp cho xã hội đã tạo điều kiện để nó tồn tại. Nhưng giá trị lớn nhất, đáng nói nhất là các tôn giáo ở Việt Nam có mẫu số chung là đồng hành cùng dân tộc. Về phần mình, Nhà nước đã và đang áp dụng chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời với việc tôn trọng, nâng đỡ những giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo.
Việt Nam là quốc gia đã ký kết và tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) của LHQ. Theo Ðiều 18 ICCPR thì quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (trong bài viết này gọi tắt là quyền tự do tôn giáo) được coi là một trong những quyền cơ bản của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ. Ai cũng biết vậy, và người viết cũng thấy không cần nêu chi tiết điều luật hay phân tích nội hàm của quyền này, vì lẽ tất cả mọi người đều có thể tra cứu. Những người hiểu về quyền tự do tôn giáo theo nhận thức chung của nhân loại được LHQ ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR) hoặc trong ICCPR, sẽ dễ dàng thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình, cũng như thực hiện đúng quyền ấy để không vi phạm quyền của người khác và lợi ích của xã hội, vì họ biết phạm vi và giới hạn của quyền ấy. Chính Ðiều 18 ICCPR quy định rõ ràng để nhân loại hiểu và phân định giữa quyền tự do tôn giáo với tự do thể hiện tôn giáo, để trên thực tế mọi người không đánh đồng hay coi chúng là một, hoặc không thấy sự độc lập giữa hai thuật ngữ này. Có người không phân biệt hay cố tình không phân biệt quyền tự do tôn giáo với tự do thể hiện tôn giáo và cho rằng không có giới hạn trong quyền tự do tôn giáo, mọi người hoàn toàn tuyệt đối tự do lựa chọn, tin theo tôn giáo của mình! Nhưng khi thể hiện quyền tự do tôn giáo, tức là thực hiện hành vi tôn giáo trên thực tế với bối cảnh, điều kiện xã hội cụ thể mỗi người đang sống thì có ảnh hưởng, tác động gì đến chung quanh hay không? Mà khi đã ảnh hưởng, tác động đến chung quanh thì không ở đâu, không có xã hội nào lại đồng tình với việc vì đáp ứng nhu cầu rất riêng tư của cá nhân này lại làm ảnh hưởng tới nhu cầu riêng tư của cá nhân khác, ảnh hưởng tới trật tự vốn có của xã hội. Vì thế, Ðiều 18 ICCPR cho phép hạn chế quyền tự do thể hiện tôn giáo trong quy định của hệ thống pháp luật nhất định, khi hệ thống quy phạm pháp luật quy định sự cần thiết để bảo vệ sự an toàn, trật tự, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội, hoặc các quyền và tự do cơ bản của những người khác. Thế nên cần hiểu đúng để tránh sự cố chấp. Trên phương diện khác, lại có người hiểu chưa đúng hay nói chính xác là chưa đầy đủ về quyền tự do tôn giáo. Khi sự hiểu không đúng đó tích tụ lâu dần, nhiều dần, sẽ tạo thành xu hướng suy diễn tự do tôn giáo một cách tuyệt đối, tức là cho rằng tôi theo tôn giáo nào thì tôi tự ý làm mọi việc tôi thích, người chung quanh phải chấp nhận; hay mọi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ (gồm cả các hoạt động gần giống, hay có vẻ thế) là bất khả xâm phạm, nếu bị xâm phạm sẽ bị coi là vi phạm quyền tự do tôn giáo... Tuy nhiên, nếu lấy lý do đang thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình mà không lưu ý hoặc cố tình làm ảnh hưởng tới các giá trị và trật tự được pháp luật quy định, bảo vệ thì tất nhiên là trật rồi, chẳng hay ho gì trong tình huống ấy.
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ rất nhiều lần bày tỏ mong muốn chính giới một số quốc gia phương Tây can thiệp vào Việt Nam để thay đổi chế độ chính trị, thay đổi vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở đất nước mình,... Chẳng lẽ tự do tôn giáo là kêu gọi sự can thiệp vào chính quốc gia mình hay sao? Ðã từng có những bài học nhãn tiền về sự can thiệp từ bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền chỉ đem lại sự phá hủy về vật chất, băng hoại về văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội. Cư sĩ Lê Công Cầu ở Thừa Thiên - Huế gần đây có tần suất xuất hiện nhiều trên các diễn đàn liên quan đến Phật giáo trên Internet để nói xấu quê hương, đất nước hòng kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài; từ việc bênh vực cho anh và một số tăng sĩ mà anh đang "phò giúp" lại đi đến mức dại dột hơn là đề nghị các cá nhân, tổ chức nước ngoài can thiệp vào Việt Nam để thay đổi trật tự trên đất nước anh đang sinh sống. Làm thế có khác gì "cõng rắn cắn gà nhà", tất nhiên Lê Công Cầu sức mấy mà làm được điều to tát đó, nhưng tự do tôn giáo dứt khoát không phải như thế! Nghe đâu anh còn làm "tổng thư ký" của một giáo hội gồm một số vị tu sĩ Phật giáo, như tự thấy mình sánh ngang với Hòa thượng Thích Huyền Quang ngày trước! Không biết tại sao tổ chức giáo hội có một số tu sĩ chân tu nhưng lại để anh Lê Công Cầu - một cư sĩ, leo lên tới chức vị vốn chỉ dành cho tu sĩ chuyên nghiệp? Lại thấy các hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Thích Viên Ðịnh tự ý lập ra tổ chức gọi là "Tăng đoàn giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" để "vận động dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo cho Việt Nam" nữa! Các vị ấy "vận động" như thế nào? Quan sát thì thấy họ chỉ chú mục viết bài đưa lên Internet, trong đó viết rằng hãy thay đổi chế độ chính trị ở đất nước mà họ là công dân. "Vận động" này thật ra là nghiêng nhiều về phía thù địch với chính quyền, tỏ rõ thái độ tiêu cực hơn là xây dựng và đóng góp cho xã hội, trong đó Phật giáo cùng các tu sĩ là một bộ phận.
Với một xã hội tiến bộ, đã tham gia ICCPR thì cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo được quy định ở Ðiều 18 ICCPR, trong đó việc đầu tiên và tối thiểu phải phân biệt được quyền tự do tôn giáo với việc tự do thể hiện tôn giáo. Phân biệt như thế vừa để hiểu rõ, vừa để nhận diện hai vấn đề khác nhau như thế nào để thực hiện cho đúng đắn. Quyền lựa chọn tôn giáo là tuyệt đối, còn quyền biểu hiện tôn giáo không là tuyệt đối, người Phật tử cần nhớ điều này, người tu sĩ chuyên nghiệp càng phải hiểu kỹ hơn để hoạt động tôn giáo thỏa mãn quyền tự do tôn giáo của mình. Hiểu kỹ để giác ngộ, hướng dẫn Phật tử, tín đồ, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, vừa góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, bảo đảm quyền con người, trong đó quyền tự do tôn giáo là một quyền cơ bản. Cố tình quên, cố tình không phân biệt hai khái niệm này là có lỗi, mà tín đồ tôn giáo không thể không có lỗi khi cố tình dối trá, không trung thực. Một người bình thường tìm hiểu về tự do tôn giáo có thể dễ dàng nhận ra, hà cớ gì một hòa thượng, một cư sĩ lớn tuổi (chắc hẳn cũng am hiểu đạo Phật) lại bỏ quên, hay chẳng dám đối mặt, thật tội lỗi xiết bao! Khi Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo của Hội đồng nhân quyền LHQ tới Việt Nam, tôi tưởng ngài sẽ tiếp xúc, gặp gỡ, tìm hiểu, đối thoại với nhiều tổ chức tôn giáo, tu sĩ, chức sắc tôn giáo để có cái nhìn toàn cảnh về tình hình tôn giáo trên đất nước này, vì chỉ như thế mới thấy được thực chất quyền tự do tôn giáo ở đây. Nhưng như qua tin từ họp báo của ngài tại Hà Nội và trả lời phỏng vấn của ngài trên RFA, tôi thấy ngài còn phiến diện. Ngài nói: "Các thiết chế tôn giáo đa dạng đang có mặt, người ta thấy các kiến trúc tôn giáo, các tín đồ đi cúng lễ. Tuy nhiên, tất cả đó bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Tín đồ tôn giáo bị thúc bách trong việc thực hành tín ngưỡng qua một số hình thái nào đó" là không đúng. Tôi và gia đình, bà con nơi tôi sinh sống vẫn thực hành tín ngưỡng bình thường, có ai bị kiểm soát đâu. Mà ngài đến gặp hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì làm sao ông ấy nói được điều tốt đẹp về đất nước tôi.
Sau khi Ðại hội đồng LHQ thành lập Hội đồng nhân quyền (HRC) thay thế Ủy ban nhân quyền (CHR) thì cơ chế hợp tác và đối thoại, tăng cường hiểu biết với cách tiếp cận "hiện thực hóa dần dần" trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của HRC là điểm mới so với tiếp cận "tìm kiếm, nêu sai phạm" của CHR. Anh Lê Công Cầu chớ tưởng rằng cố kể lể Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo của hòa thượng Thích Quảng Ðộ và "giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất" là xóa nhòa được sự thật. Về điều này quý vị nên tham khảo ý kiến của hòa thượng Dhammananda bàn về Phật giáo và chính trị (Buddhism and Politics) in trong cuốn Phật tử tin gì (What Buddhists Believe) phát hành năm 1995: "Phật xuất thân từ tầng lớp vương tướng, và do đó, Ngài có nhiều liên hệ với các vị quốc vương, hoàng tử, quan lại trong triều đình. Mặc dù có nhiều liên hệ như thế, Ngài không bao giờ dùng các thế lực chính trị để truyền đạo, Ngài cũng không bao giờ cho phép giáo pháp của Ngài bị lợi dụng phục vụ cho các ý đồ chính trị... Ðời sống của mọi người trong xã hội được điều chỉnh bởi luật pháp và các quy định, bởi các bố trí kinh tế của quốc gia, bởi bộ máy quản trị hành chính, và như thế là chịu ảnh hưởng của các kết cấu chính trị ở quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu cư sĩ Phật tử muốn tham gia chính trị thì người đó không nên lạm dụng tôn giáo để mưu đồ tạo ra các quyền lực chính trị cho mình. Còn các tu sĩ vốn đã xuất gia, xa rời đời sống thế tục để dấn thân vào con đường tôn giáo tinh thần, thì không nên có những liên hệ quá tích cực vào các hoạt động chính trị".
Cư sĩ Tuệ Minh/Nhân Dân