Bạch hóa Hồ Sơ Tối Mật của Mỹ: Biên Bản Buổi Họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Ngày 24/4/75
LGT (Hữu Nguyên): Trong những ngày cuối tháng Tư 1975, khi cộng sản Bắc Việt ồ ạt tiến chiếm Sài gòn, thì ở Hoa Kỳ, giới lãnh đạo chính phủ, từ tổng thống Ford trở xuống, đều chú tâm vào sự an nguy của những công dân Mỹ, phần đông là nhân sự của DAO (Defense Attaché Office), nhân viên tòa đại sứ và nhân viên các tổ chức phi chính phủ cùng một số binh sĩ TQLC trực gác các cơ sở Hoa Kỳ.
Vào thời điểm ấy, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ là có đủ thời giờ thu xếp rút hết nhân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam. Để thực hiện việc này, chính phủ Ford đã không ngần ngại thương lượng điều đình với Bắc Việt và quan thầy của VC là Nga Sô mà không cho VNCH biết. Theo một số tài liệu tối mật vào thời điểm ấy, được Viện Bảo Tàng của Tổng Thống Ford (Ford Museum) bạch hóa, thì chính phủ Hoa Kỳ đã không ngần ngại xin xỏ Bắc Việt tạm thời ngưng tấn công để Hoa Kỳ có thể rút hết nhân sự một cách êm thắm. Bù lại Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận những điều kiện mà nhà cầm quyền Hà Nội cùng Mạc Tư Khoa đưa ra. Các tài liệu này cũng cho thấy Nga Sô đã trả lời giùm cho đàn em Bắc Việt rằng “phe Việt Nam đồng ý về vấn đề di tản công dân Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam”. Hơn thế nữa, Nga Sô cũng nhấn mạnh “Việt Nam đã quả quyết rằng họ không có ý định ngăn cản bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào việc di tản công dân Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam và quả thật thì những điều kiện thuận lợi đã được thiết lập cho một cuộc di tản như thế”. Trong số tài liệu được bạch hóa có biên bản của hai buổi họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào hai ngày 24/4/75 và 28/4/75 cùng một số hồ sơ được trình bày trong buổi họp đó. Sau đây là những đoạn chính yếu của tài liệu đã bạch hóa, được đăng trên báo Saigon Times Úc Châu ngày 25.4.2013. Những phần trong ngoặc vuông […] là phần phụ chú của người dịch.
Biên Bản Buổi Họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Ngày 24/4/75
Hiện diện: Tổng thống Ford, Phó tổng thống Rockefeller, Ngoại trưởng Kissinger, Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, Tham mưu trưởng hội đồng liên quân (Chairman Joint Chiefs of Staff) Tướng George S Brown, Tổng giám đốc CIA William Colby, thứ trưởng ngoại giao Robert Ingersoll, Thứ trưởng quốc phòng William Clements, trung tướng Brent Scowcroft biệt phái phụ tá tổng thống trong hội đồng an ninh quốc gia, nhân viên hội đồng an ninh quốc gia W R Smyser. Ngày & Giờ: Thứ Năm 24/4/1975. 4g35 chiều. Địa Điểm: Phòng nội các chính phủ, Bạch Ốc. Đề Tài: Di tản khỏi Việt Nam.
TT Ford: Như qúy vị đã biết, trước khi chúng ta bắt đầu di tản khỏi Nam vang, chúng ta đã có một buổi họp. Lúc đó, tôi muốn biết được kế hoạch của chúng ta như thế nào. Và cuộc di tản đã diễn ra kịp thời và trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất. Tôi liên lạc mỗi ngày với Henry (Kissinger) và Brent (tướng Scowcroft) về tình hình ở Việt Nam. Tôi biết quốc hội hiện đang tạo áp lực với chúng ta về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất vẫn là tiếp tục hiện diện tại đấy nếu chúng ta còn tiếp tục đóng góp được cho một giải pháp ôn hòa, và chỉ di tản bằng một cách nào đó để không tạo sự hốt hoảng [cho người bản xứ]. Tôi biết hiện nay chúng ta đã giảm thiểu con số [công dân Hoa Kỳ] từ 6000 xuống còn khoảng 1600 thôi.
Schlesinger: Thưa tổng thống, hiện đã tăng lên 1700.
TT Ford: Tôi đã ra lệnh giảm xuống để tới thứ Sáu [tức ngày 25/4/1975] chỉ còn 1090 mà thôi.
Schlesinger: Như thế là giảm quá nhiều trong một ngày.
TT Ford: Đó là lệnh của tôi. Tôi sẽ ban hành thêm một lệnh nữa là đến ngày Chủ Nhật thì tất cả những nhân viên không trọng yếu, và phi chính phủ phải rời khỏi VN. Nhóm còn lại sẽ ở đấy cho đến khi có lệnh rút hết. Chúng ta vừa nhận được sự trả lời từ Nga Sô về một lời yêu cầu của chúng ta. Henry, anh tóm tắt sơ qua sự kiện này cũng như câu trả lời đi.
Kissinger: Theo sự yêu cầu của tổng thống, tôi đã liên lạc với Dobrynin [Anatoly Dobrynin – Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ từ 1962 đến 1986] hôm thứ Bảy để yêu cầu họ giúp đỡ hầu cho phép chúng ta tổ chức một cuộc di tản an toàn cũng như bắt đầu cuộc thương thuyết chính trị. Đồng thời tôi cũng yêu cầu họ tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết này có thể diễn ra. Chúng ta cũng nhấn mạnh với ông ta rằng chúng ta sẽ coi vấn đề trở nên nghiêm trọng nếu phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công. Và chúng ta đã nhận được hồi âm. Theo tinh thần của hồi âm này thì nếu chúng ta tiếp tục tiến hành cuộc đối thoại chúng ta sẽ được bảo đảm là VC không có một hành động quân sự nào xảy ra trong lúc chúng ta di tản người của chúng ta. Về mặt chính trị thì cuộc sắp xếp giữa 3 phe [Hoa Kỳ, Nga Sô và Bắc Việt] cho chúng ta một hy vọng rằng sẽ có một giải pháp là chính phủ liên hiệp, tốt hơn việc đầu hàng vô điều kiện. Chúng ta sẽ liên lạc lại với Nga Sô để xem họ muốn nói gì khi họ nhắc đến việc thực thi Hiệp Định Ba lê và đồng thời để cho họ biết rằng chúng ta sẽ hợp tác trong vấn đề ấy. Chúng ta nói rằng chúng ta sẽ không có hành động hấp tấp nào và tin rằng VC cũng sẽ không có hành động hấp tấp tương tự.
TT Ford: Theo sự nhận định của tôi thì tình hình lắng dịu hiện nay là kết quả của việc này. Qúy vị có thể cho rằng họ chưa chuẩn bị xong, và sẽ có hành động một khi họ đã sẵn sàng. Điều này cho thấy có lẽ họ chấp nhận một sự thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp Định Ba Lê và chúng ta có thể giữ người của chúng ta ở đó và tiếp tục giảm thiểu con số cho đến khi nào chúng ta quyết định rút hết. Chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Đấy là một sự nguy hiểm, và là một canh bạc may rủi, nhưng đó là trách nhiệm của tôi và tôi không muốn làm bất cứ một việc gì có thể phương hại đến tình hình cả. Tôi nghĩ rằng tôi đã có hành động đúng đắn, và tôi sẽ tiếp tục hành xử như thế. Điều tiên quyết mà tất cả mọi người đều phải nghĩ đến là con số 1090 người và việc rút hết tất cả những người không phải là công chức chính phủ hoặc ở những chức vụ không trọng yếu. Đấy là những người Hoa Kỳ, chứ không phải là những quyến thuộc người Việt Nam [Vietnamese dependents]. Tôi cho rằng con số này [những quyến thuộc người Việt] mỗi ngày một gia tăng, với tỷ số là 4:1 [4 người Việt cho 1 người Mỹ].
Tướng Brown: Trong vài ngày qua đã tăng lên 15:1.
Kissinger: Tổng thống yêu cầu Nga Sô về việc di tản công dân Hoa Kỳ cùng người miền Nam Việt Nam nhưng họ chỉ trả lời về việc di tản công dân Hoa Kỳ thôi. Và tôi nghĩ, đến thời điểm phải xài chiến đấu cơ yểm trợ thì chúng ta nên rút phứt ra cho rồi. Vì khi địch thấy có phi cơ yểm trợ thì có lẽ cũng giúp được cho tình hình.
TT Ford: Nếu chúng ta có chiến đấu cơ yểm trợ mà không dùng nó, địch vẫn có đủ ra-đa để biết được sự hiện diện của chúng ta.
Tướng Brown: Tụi pháo binh không thấy đâu. Và tụi hoả tiễn SA-7 cũng thế. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên sử dụng chiến đấu cơ yểm trợ cho đến khi chúng ta đã sẵn sàng để nổ súng. Nguy hiểm ở đây là các chiến đấu cơ này chỉ nên được sử dụng cho một công tác hẳn hoi chứ không phải chỉ để ló dạng trên màn ảnh ra-đa thôi.
Schlesinger: Có thể hiện nay địch chỉ bắn lai rai để làm mình bực mình thôi (shooting to bloody us). Nếu thấy có chiến đấu cơ có thể địch sẽ pháo kích mạnh hơn nữa.
Kissinger: Dĩ nhiên là nó có thể có ảnh hưởng ngược lại. Ngay cả nếu một vài đơn vị địa phương của địch không thấy được chiến đấu cơ của ta trên ra-đa, chắc chắn là tư lệnh tối cao ở Hà nội sẽ nhanh chóng biết được chuyện ấy. Tôi không nghĩ rằng địch sẽ gia tăng tấn công.
Schlesinger: Chúng có thể đã có lệnh trước để tấn công chúng ta.
Tướng Brown: Tôi nghĩ chúng đã quyết định tấn công tới cùng rồi. Còn nhiều đạo quân theo sau mà chúng ta đề cập đến hồi nãy. Chúng đi ngang qua những khu vực mà chúng từng xuyên qua trong kỳ Tết Mậu Thân. Chúng đã sẵn sàng cho một cuộc đại chiến ở Tân Sơn Nhất.
TT Ford: Nếu chúng ta quyết định dùng chiến đấu cơ yểm trợ, chúng ta phải di tản cả Sai gòn chứ không phải chỉ riêng Tân sơn Nhất thôi. Còn bao lâu nữa chúng ta mới có thể biết được rằng mấy chiếc C-130 có đáp xuống được hay không?
Tướng Brown: Trong vòng một giờ đồng hồ. Chúng ta có đường dây liên lạc thường trực và trực tiếp với Graham Martin.
Kissinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta có 3 quyết định: Thứ nhất, tiếp tục chiến dịch bao lâu và mấy chiếc C-130 chỉ nên chở người Hoa kỳ ra thôi hay chở luôn cả người Việt nữa. Trong bất cứ trường hợp nào, hôm nay là ngày cuối cùng để sử dụng phi cơ không vận. Thứ nhì, có muốn chiến đấu cơ bay vòng vòng Tân sơn Nhất hoặc bất cứ nơi nào mà ta rước người di tản hay không. Thứ ba, khi nào thì chúng ta cho lệnh bắn áp đảo để tháo chạy. Trong vấn đề này, tôi đồng ý với Jim (Schlesinger) rằng giải pháp này chỉ nên được sử dụng khi rút người Hoa kỳ ra mà thôi. Việc mà tôi lo ngại là việc cân nhắc giữa nguy cơ của việc chơi xả láng (pull out all stops) nếu địch chưa quyết định làm như thế. Tôi nghĩ rằng một khi chúng thấy chiến đấu cơ yểm trợ thì sẽ có một ảnh hưởng tốt.
Schlesinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần tập trung nhiều hỏa lực vào khu vực đó.
Clements: Nếu tổng thống quyết định rằng đây là ngày cuối cùng để kéo hết nhân viên dân sự ra thì chúng ta có thể tiến hành trên căn bản ấy.
TT Ford: Tôi nghĩ thế. Hôm nay là ngày cuối để di tản những người Việt Nam.
Kissinger: Như thế thì DAO sẽ cùng rút ra với họ.
Tướng Brown: Về chuyện mà chiến đấu cơ của chúng ta có nguy cơ bị phát hiện thì chúng ta đã đưa một chiếc phi cơ CAP của hải quân bay lên cao hơn mấy chiếc chiến đấu cơ và tướng Gayler đã ra lệnh cho họ phá sóng của các máy ra đa của những hỏa tiễn SA-2.
TT Ford: Không phá sóng đánh lạc hướng mấy hỏa tiễn SA-7 sao?
Tướng Brown: Thưa không. Nó là hỏa tiễn tầm nhiệt.
Tướng Scowcroft: Chúng ta vừa nhận được báo cáo rằng phi trường vẫn tiếp tục bị pháo kích. Hai trung đội Bắc Việt vẫn còn ở nghĩa địa gần Tân Sơn Nhất. Chiếc C-119 bị bắn rớt ở phi trường và chiếc phi cơ kia bị rớt ở nơi khác. Chúng ta cũng được tin rằng những chiếc C-130 vẫn trực chỉ phi trường nhưng sẽ không đáp xuống.
Schlesinger: Tụi Bắc việt có 4,000 du kích bắn sẻ ở Sài gòn. Chúng sẽ tấn công tòa đại sứ nếu chúng ta dùng hỏa lực tấn công.
Kissinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ khai hỏa sau khi rút toàn bộ tòa đại sứ. Có thể chúng ta nên nghĩ đến việc chừa lại một nhóm cốt lõi tình nguyện nhưng tôi sẽ rút tất cả những người khác ra. Tụi Bắc Việt dường như có ý định hạ nhục chúng ta và việc để người lại có vẻ là một việc không sáng suốt.
TT Ford: Tôi đồng ý. Tất cả mọi người phải rời đi. Bây giờ chúng ta đã đi đến hai quyết định: Thứ nhất hôm nay là ngày cuối cùng di tản người Việt. Thứ nhì, nếu chúng ta khai hỏa, người của chúng ta phải rút hết. Chúng ta có sẵn sàng dùng trực thăng không vận chưa?
Tướng Brown: Thưa có. Nếu tổng thống hoặc đại sứ Martin cho lệnh chúng ta có thể mang trực thăng đến trong vòng một giờ đồng hồ.
Kissinger: Như vậy thì lệnh của tổng thống là nhân viên Việt Nam nên đi ngày hôm nay và DAO cùng phần lớn nhân viên tòa đại sứ cũng nên được di tản bằng phi cơ.
TT Ford: Tôi nghĩ rằng nên từ từ từng giai đoạn.
Kissinger: Một số nhân viên nhỏ cần được để lại ở tòa đại sứ. Nếu phải bắn áp đảo để tháo chạy thì chúng ta sẽ chuyển sang kế hoạch di tản toàn bộ người Hoa Kỳ. Nếu chúng ta phải rút ra, thì ưu tiên sẽ được dành cho công dân Hoa Kỳ.
Schlesinger: Chúng ta nên rút người của tòa đại sứ ra trong ngày hôm nay luôn.
Kissinger: Đúng. Chúng ta không nên để lộ ra ngoài rằng hôm nay là ngày cuối cùng di tản dân sự.
PTT Rockefeller: Báo chí có biết về cái chết của hai binh sĩ TQLC không?
Schlesinger: Có. Chúng ta sẽ xem dư luận có phản ứng như thế nào.
Tướng Brown: Ông ngoại trưởng có nói nếu chúng ta chấm dứt cuộc không vận thì công dân Hoa Kỳ phải được ưu tiên. Nhưng chúng ta không thể nào biết được chuyện này. Chúng ta sẽ không biết được chuyến bay nào sẽ là chuyến chót.
Schlesinger: Chúng ta nên để họ ưu tiên một cách kín đáo.
TT Ford: Chúng ta phải để cho tướng Smith lần lượt đưa họ vào cuộc di tản.
Kissinger: Nếu công dân Hoa kỳ leo lên chiếc phi cơ đầu tiên thì tình hình có thể trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát. Chúng ta phải dãn họ ra. Những người phải ở lại cho đến phút cuối cùng là toán điều hành việc di tản người Việt Nam. Còn tất cả những người khác thì nên ra đi.
TT Ford: Chúng ta phải trộn họ cho đều vào. Chúng ta không muốn có quá nhiều người ở lại lúc cuối.
Tướng Brown: Tôi không muốn thấy công dân Hoa Kỳ phải đứng chờ đợi chuyến bay chót.
Schlesinger: Henry à, có một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Đến cuối ngày, khi biết được đây là ngày cuối thì chuyện này có tạo khủng hoảng và có ảnh hưởng đến tòa đại sứ của chúng ta không?
Kissinger: Tôi tin rằng một khi chính phủ mới được thành lập thì bổn phận của chúng ta chấm dứt. Ngay cả trong trường hợp không có pháo kích, vẫn có nguy cơ chính phủ Dương Văn Minh chuyển từ thân Hoa Kỳ thành trung dung rồi thành một chính phủ bài Mỹ. Chuyện ấy có thể xảy ra trong tuần này. Để trả lời câu hỏi của ông, đúng, nó có thể tạo khủng hoảng. Nó cũng có thể khiến chính phủ (Minh) quay sang tấn công chúng ta. Với 150 người sẽ dễ dàng thi hành việc di tản hơn.
TT Ford: Họ chỉ cách xa có một giờ thôi. Ngay cả như tình hình trở nên tồi tệ trong ngày hôm nay, nhanh hơn sự suy tính của chúng ta, chúng ta vẫn có thể thoát đi được.
Tướng Brown: Từ hàng không mẫu hạm đến tòa đại sứ chỉ có 25 phút thôi. Chúng ta có thể khởi hành bất cứ khi nào tổng thống hoặc đại sứ Martin ra lệnh.
Schlesinger: Còn nguy cơ bị tấn công ban đêm.
Kissinger: Tôi tin rằng trong một cuộc tấn công có kỷ luật thì tòa đại sứ vẫn an toàn hơn DAO. Tôi nghĩ rằng, ngày mai tổng thống sẽ cần phải quyết định xem tổng thống có muốn tòa đại sứ rút vào đêm mai hay không. Tổng thống có thể giảm thiểu sự hoảng loạn nếu tổng thống không mang cả tòa đại sứ đến Tân Sơn Nhất. Vì thế, có lẽ phải cần di tản ngay trong khuôn viên tòa đại sứ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên rút hết tất cả mọi người ra đêm nay, rồi ngày mai sẽ quyết định về tòa đại sứ.
TT Ford: Nếu mấy chiếc C-130 không đáp xuống được thì sao? Và như thế chúng ta sẽ không mang người ra bằng phi cơ được.
Kissinger: Khi đó tổng thống có thể tổ chức không vận cấp cứu ở khuôn viên của DAO và tòa đại sứ, và lúc ấy tổng thống sẽ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc di tản hết mọi người đi. Và khi ấy, có lẽ tổng thống cũng phải ra lệnh bắn áp đảo để triệt thoái.
Schlesinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn nên cố mang mấy chiếc C-130 vào.
Tướng Brown: Chúng ta sẵn sàng để rút người đi từ Tân Sơn Nhất hơn là từ tòa đại sứi bởi vì ở tòa đại sứ chúng ta phải đốn cây và dọn trống bãi đậu xe.
TT Ford: Chúng ta cần phải xem chuyện gì xảy ra ở Tân Sơn Nhất trước. rồi sau đó chúng ta mới phải dùng đến cơ sở của DAO và tòa đại sứ.
Kissinger: Nếu địch tiếp tục tấn công thì có nghĩa là chúng muốn đóng nút chúng ta lại. Khi ấy, chúng ta nên rút tất cả mọi người đi.
TT Ford: Ai sẽ thi hành chuyện này?
Kissinger: Tôi đề nghị là chúng tôi thảo sẵn một thông điệp ngay tại đây, đưa cho Jim (Schlesinger) và George (Brown) xem thử rồi trình lên tổng thống. Sau đó, chúng tôi sẽ gửi cho Graham Martin. Jim cũng có thể gởi cùng thông điệp ấy đến tướng Gayler qua những phương tiện riêng của ông ta. Khi đó, tất cả mọi người đều biết được chuyện chúng ta phải làm.
Clements: Nếu chúng ta không đưa được mấy chiếc C-130 vào thì chúng ta cần phải đưa ra những quyết định tối quan trọng khoảng nửa đêm hay 1g00 sáng.
TT Ford: Quyết định ấy sẽ là rút hết ra hay nhào vô.
Schlesinger: Chúng ta có nên đập cho pháo binh địch mềm ra hay không?
Tướng Brown: Tôi sẽ không thèm để ý đến pháo binh địch trong việc không vận bằng trực thăng nếu chúng chỉ pháo kích vào phi trường. Nhưng nếu chúng nhắm vào DAO hoặc tòa đại sứ thì chúng ta không thể tiến vào được. Trong trường hợp đầu, chúng ta hy vọng rằng địch sẽ không thể dời đổi một cách nhanh chóng quá. Trong trường hợp thứ nhì, chúng ta cần bắn áp đảo.
Kissinger: Nhưng đàng nào thì chúng ta cũng cần có chiến đấu cơ yểm trợ để bảo vệ cuộc di tản rồi.
TT Ford: Các chiến đấu cơ hiện giờ ở đâu?
Tướng Brown: Tôi đề nghị các chiến đấu cơ này sẽ tiến vào khi chúng ta bắt đầu di tản bằng trực thăng.
TT Ford: Chúng ta có thể chờ đợi đến khi chúng ta biết được mấy chiếc C-130 có đáp được hay không. nếu chúng không đáp được, chúng ta sẽ chọn giải pháp thứ 3. Quyết định của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc C-130 có thể hoạt động được [hạ cánh được] hay không. Tất cả đồng ý không? (Mọi người đều gật đầu).
Hữu Nguyên