Chiến tranh kiểu mới ?
Chiến tranh loại này có 4 đặc trưng nổi bật là :
1. Bên gây chiến sử dụng chủ yếu là các tổ chức phi chính phủ hoặc các công ty tư nhân của một hoặc nhiều nước làm công cụ thực hiện chiến tranh xâm lược.
2. Tập hợp dưới danh nghĩa “các lực lượng đối lập chống chính phủ được gán cho là độc tài”.
3. Được hợp pháp hóa bằng các công cụ pháp lý quốc tế như Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
4. Bên xâm lược thường ngụy trang chiến tranh dưới tên gọi “nội chiến” để đánh lừa và dẫn dắt dư luận quốc tế.
Bản chất của loại chiến tranh này là sự lừa gạt và tàn bạo. Đó chính là loại hình can thiệp quân sự của một nước hoặc một nhóm nước chống lại một nước khác.
Loại hình chiến tranh này là một “phát minh mới” của Lầu Năm góc nhằm giành chiến thắng trước một quốc gia khác mà không cần phải tiến hành can thiệp trực tiếp trên quy mô lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc chiến này kém phần đẫm máu.
Quan niệm chiến tranh kiểu mới do William Lind, chuyên gia quân sự Mỹ, đề xuất vào năm 1989. Về sau, khái niệm chiến tranh kiểu mới này bao gồm cả “cách mạng sắc màu” hay “cách mạng nhung”. Chính vì vậy, ông Michael McFaul, cũng được liệt vào danh mục các tác giả của học thuyết về chiến tranh kiểụ mới, bởi ông là một trong các chuyên gia bậc thầy về việc sử dụng các cuộc nổi dậy phi bạo lực để lật đổ chính phủ hợp pháp của một quốc gia nào đó khi không đáp ứng lợi ích của Mỹ.
Về bản chất, chiến tranh kiểu mới nhằm đè bẹp ý chí của dân chúng và bộ máy cầm quyền của một quốc gia, khiến họ không còn khả năng đối kháng. Xét về tiêu chí “chi phí/hiệu quả”, chiến tranh kiểu mới được đánh giá rất cao thông qua việc sử dụng các thủ đoạn phá hoại mới để buộc quốc gia bị xâm lược phải tổn hao nguồn lực tài chính và quân sự trong khi phải đối phó với các hoạt động bạo loạn và khủng bố kéo dài, không ngừng nghỉ, sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội ở trong nước dưới áp lực của cuộc chiến tranh thông tin - tâm lý chiến và tư tưởng nhằm vào việc nhồi sọ dân chúng và chính phủ cho đến khi họ phải xuôi tay đầu hàng.
Để tiến hành chiến tranh, bên gây chiến sử dụng kết hợp nhiều phương thức hành động rất đa dạng:
Một là, sử dụng các băng đảng tội phạm, quân đánh thuê của các nước và mạng lưới khủng bố quốc tế tiến hành các hoạt động khủng bố hết sức tàn bạo để phá hoại các công trình dân sự và quân sự nhằm buộc người dân ở các khu vực bị tiến công phải khiếp sợ.
Hai là, sử dụng chiến thuật phá hoại từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên một khu vực lãnh thổ rộng lớn.
Ba là, sử dụng chiến tranh thông tin - tâm lý tàn phá có chủ đích nhằm vào các giá trị truyền thống lịch sử; làm băng hoại nền giáo dục, đạo đức, văn hóa của dân chúng; biến các tầng lớp thanh niên thành những người không còn ý thức về các giá trị nhân bản, về tổ quốc, về quê hương xứ sở; chia rẽ hoàn toàn quốc gia bị xâm lược trên cả 4 lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự.
Bốn là, áp dụng biện pháp chiến tranh pháp lý, nghĩa là tạo ra các “cơ sở luận chứng” như chính phủ sở tại “vi phạm nhân quyền” hoặc “không đáp ứng nguyện vọng của người dân” để biện minh cho các hành động can thiệp từ bên ngoài nhằm gây thiệt hại đối với bên bị tiến công; tiến hành các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn nhằm giành giật sự thiện cảm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hành động can thiệp, trong khi lại bao che và dung túng các hoạt động khủng bố, gây thiệt hại lớn đối với chính phủ của nước bị tiến công, thậm chí không công nhận chính phủ của một quốc gia được người dân bầu lên một cách dân chủ.
Năm là, áp dụng hình thức chiến tranh trên lãnh thổ nước bị xâm lược với sự tham gia của bất kỳ lực lượng quân sự nào ở bên ngoài.
Sáu là, tổ chức cuộc “cách mạng nhung” thông qua các hoạt động biểu tình kết hợp với các hành động bạo lực, có sử dụng phổ biến công nghệ Internet.
Những gì đang diễn ra ở Syria là cuộc thử nghiệm điển hình mô hình chiến tranh kiểu mới. Cái gọi là “nội chiến” ở Syria chỉ là lớp vỏ để che đậy hành động can thiệp từ bên ngoài.
Đây thực sự là một cuộc can thiệp từ bên ngoài chống lại một quốc gia có chủ quyền và theo đuổi các mục đích hoàn toàn xa lạ với Hiến chương của Liên hợp quốc.
Do đó, những nước có quan hệ hữu nghị với Syria theo các hiệp ước và các thỏa thuận đã được ký kết hoàn toàn có cơ sở để giúp đỡ về chính trị, pháp lý, thông tin, kinh tế, tài chính, quân sự và kỹ thuật quân sự mà không sợ vi phạm luật pháp quốc tế. Bất kỳ hành động nào của bất kỳ quốc gia nào ngăn cản sự giúp đỡ này đều có thể bị các nước hữu nghị với Syria coi là hành động thù địch chống lại một quốc gia có chủ quyền
Chính vì thế vì, mặc dù bị nhiều nước phương Tây phản đối Nga vẫn chuyển giao vũ khí cho Chính phủ Syria theo các hợp đồng đã ký trước năm 2011 và điều đó không vi phạm bất cứ một điều luật quốc tế nào.