Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Khe hở... pháp luật!


Đang chát chít với một con em cực thông minh, bàn vè tội "lợi dụng khe hở pháp luật". Mình bảo cô ấy rằng: "Ngày mẹ anh đẻ ra anh, bà bảo: Mày chui ra từ cái... khe hở của pháp luật". Chuyện này kể sau nhưng cái "khe hở pháp luật" hay đáo để.

Mịa, toàn bọn có ăn, có học, ngồi soạn ra cái luật mà để nó "lợi dụng khe hở" thì ngu thật. Mà cái "khe hở" ấy, con voi chui lọt...

Hoan hô "khe hở...!"

P/s: Chính vì chúng "toàn bọn có ăn, có học", nhưng không có tâm, mà lại lưu manh & là công cụ của bọn mafia nhà nước, nên chúng mới cố tình tạo nhiều cái "khe hở" như thế... (Đức Hạnh Nguyễn)

Trung Quốc là bậc thầy dàn dựng đổi trắng thay đen

Y. Dương

Tàu Trung Quốc luôn tìm cách cản trở tàu VN làm nhiệm vụ. (Ảnh: My Lăng/Tuổi Trẻ)

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam rồi lu loa rằng tàu của ta tự lật. Không dừng ở đó, nước này còn giở mọi thủ đoạn "bẫy" tàu Việt Nam.

Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, những hành vi của phía tàu Trung Quốc càng ngày nguy hiểm hơn. Trung Quốc đáng được mệnh danh là bậc thầy trong thủ đoạn dàn dựng đổi trắng thay đen. Giới chức nước này còn có những phát ngôn bịa đặt và vu cáo trắng trợn nước ta.

Đâm chìm rồi nói tàu Việt Nam tự lật

Mới đây, báo Tin tức Bắc Kinh đã đăng tin bịa đặt rằng, tàu Việt Nam đã tự lật sau khi cố đâm vào giàn khoan Hải Dương 981. Tờ báo này còn ngang ngược viết rằng: “Trung Quốc cảnh báo Việt Nam phải dừng gây rối ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981đang hoạt động”. Báo Thanh Niên Trung Quốc dẫn một nhận định lật lọng của Vụ phó Vụ Biên giới hải đảo - Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương khi ông này cho rằng, tuy Việt Nam “khiêu khích” nhưng Trung Quốc sẽ giữ bình tĩnh và kiểm soát. Tờ báo này còn bịa đặt cáo buộc ngược rằng, Việt Nam đã phớt lờ mọi cảnh báo và cản trở hoạt động của giàn khoan của Trung Quốc hoạt động ở biển Đông.

Trên thực tế, cả dư luận trong nước và quốc tế đều biết, 16 giờ ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152 TS do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cùng 9 ngư dân đang đánh bắt hải sản hợp pháp tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu số hiệu 11209 của Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm. May mắn, các ngư dân đã được cứu sống nhưng toàn bộ con tàu bao gồm cả tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt trị giá trên 5 tỷ đồng đã bị chìm.

Ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Đà Nẵng) đã đập tan những bịa đặt của phía Trung Quốc trên báo điện tử Infonet như sau: “Tàu ĐNa 90152 chỉ là tàu đánh cá công suất 450CV nên tổng trọng tải chỉ 50 tấn (gồm sức nặng tự thân của con tàu là 20 tấn và sức chở tối đa 30 tấn). Như báo chí phản ánh, các tàu vỏ sắt của Trung Quốc quấy nhiễu, ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương 981 cũng như uy hiếp các tàu cá của ta đều có trọng tải 200 – 400 tấn. Nghĩa là tàu ĐNa 90152 nhỏ hơn tàu Trung Quốc 4 – 6 lần. Vậy làm sao tàu này dám đâm vào tàu vỏ sắt đó?”.

Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 nói với báo Tiền Phong: “Cả thế giới này không ai như Trung Quốc, đâm chìm tàu rồi bỏ mặc, xem thường mạng sống của ngư dân. Đây là hành động vô nhân đạo và rất tàn nhẫn”.

Phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, tàu 11209 (đâm chìm tàu ĐNa 90152) là tàu cá của ngư dân TP Đông Phương, tỉnh Hải Nam. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng hoàn toàn bác bỏ luận điệu này và khẳng định “đó là tàu sắt Trung Quốc giả dạng tàu cá chứ hoàn toàn không phải tàu cá của ngư dân nước này”. Theo thông tin trên báo điện tử Infonet.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam hôm 28/5. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vu cáo Việt Nam, bóp méo sự thật

Đại sứ Trung Quốc Thôi Khải Miên đã bóp méo sự thật và trơ trẽn vu cáo Việt Nam dùng tàu vũ trang đâm vào tàu dân sự, tàu chấp pháp của Bắc Kinh. Ông này nói giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng biển cách Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Dựa vào điều này, ông Thôi cho rằng Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan mà không vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 mà Bắc Kinh cũng đã ký kết. Đại sứ Trung Quốc còn vô lý nói với truyền thông Mỹ đây là "vùng biển không có tranh chấp", "Trung Quốc chỉ có duy nhất một giàn khoan ở Biển Đông".

Trước những lập luận sai trái trên, Trung tá Đặng Hồng Quân, phòng Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định với báo giới trong nước: "Chưa bao giờ có chuyện tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc dùng các tàu hải giám, hải cảnh, kiểm ngư, tàu cá bọc sắt chủ động đâm, va, húc tàu Việt Nam với tốc độ cao, gây nhiều hư hỏng cho tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam".

Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, vạch mặt luận điểm tráo trở của Trung Quốc như sau: “Trung Quốc tiếp tục giở trò đánh tráo khái niệm. Đây hoàn toàn không phải vấn đề tranh chấp, bởi nó rõ ràng nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được cả thế giới công nhận. Dưới góc độ pháp lý, Trung Quốc không bao giờ dám đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, bởi họ không có trong tay bằng chứng nào, ngoài việc lu loa về chủ quyền”. Đài truyền hình VTV đưa tin.

Hôm 28/5, trả lời trên CNN, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã bác bỏ những luận điệu sai trái của phía Trung Quốc. Theo đó, tại buổi phỏng vấn, bà Amanpour dẫn lời ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tuần trước cho rằng, nước này có duy nhất một giàn khoan, trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn. Đại sứ Việt Nam phản bác: “Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được. Về việc khai thác dầu khí, chúng tôi đã làm nhiều thập kỷ qua, nhưng nó nằm trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải trong vùng biển tranh chấp. Nhiều công ty nước ngoài đang hợp tác làm ăn với Việt Nam để khai thác dầu khí. Bà có tin họ sẽ làm điều đó nếu họ nghĩ nó nằm trong khu vực tranh chấp hay không?".

Tự phun vòi rồng để dàn dựng vu cáo bị tàu Việt Nam phun

Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam, hôm 29/5, chúng ta phát hiện một hiện tượng lạ, đó là tàu hải cảnh Trung Quốc và một tàu khác của nước này khi chạy song song gần giàn khoan Hải Dương 981 đã liên tiếp phun nước vào nhau. Các lực lượng của Việt Nam đang xác minh mục đích hành động này của phía Trung Quốc.

Chuẩn đô đốc, thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, bình luận trên báo Tuổi Trẻ về hành động đáng ngờ trên của Trung Quốc: “Sự kiện hai tàu Trung Quốc tự phun nước vào nhau cũng đáng chú ý. Rất có thể họ đang thử áp lực nước của loại vòi rồng mới, bơm nước, súng phun nước kiểu mới, hoặc hệ thống chống phun nước mới được lắp đặt. Cũng có thể, họ đang tạo nên hiện tượng giả để đánh lừa sự phán đoán của các tàu chấp pháp Việt Nam”.

Ngoài ra, lực lượng của ta phát hiện, trên vị trí phun nước của tàu hải cảnh 31101 của tàu Trung Quốc, có lắp thêm đường ống và vòi màu đen.

Tính đến sáng 30/5, vẫn có hơn 100 tàu Trung Quốc tại khu vực mà nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Giở mọi thủ đoạn để tạo bằng chứng vu cáo với quốc tế

Báo giới trong nước cũng đưa tin nhiều về những “cái bẫy” mà Trung Quốc tạo ra hòng tạo chứng cứ giả, tù đó vu cáo với quốc tế. Có thể kể đến việc nước này cho tàu lao với tốc độ cao sượt qua mũi tàu của ta, nếu tàu Việt Nam không phản ứng nhanh và lùi kịp sẽ đâm phải. Trong tình huống đó, phía tàu Trung Quốc luôn có sẵn người ghi hình ở trên tàu. Chỉ cần chúng ta sập bẫy này là chúng sẽ ghi hình và “la làng”, làm thay đổi bản chất sự việc.

Trung Quốc còn dùng tàu cá bám sát tàu kiểm ngư Việt Nam nhằm thả lưới và các vật dụng khác gây cản trở cho tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Đồng thời cho tàu cá đi sát tàu Kiểm ngư Việt Nam nhằm tạo ra những cú đâm va để thu bằng chứng vu cáo với quốc tế tàu Kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc - báo điện tử Vietnam Plus viết.

Về những động thái trên, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định, việc tàu Trung Quốc tắt đèn, thả trôi, vây ép, cắt mặt... rõ ràng nhằm mục đích để tàu Việt Nam đâm vào, tạo chứng cứ giả. Đây là các hành động vi phạm quy định an toàn hàng hải một cách rất nghiêm trọng, có thể coi là những hành động thiếu suy nghĩ, liều lĩnh khiêu khích của những người đang tức tối đến mất trí.

Nhà báo Palestine:NGƯỜI DÂN VIỆT NAM CÓ THỂ TỰ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Nhà báo Palestine: Người dân Việt Nam có thể tự bảo vệ Tổ quốc

YEN PLATZ (VIETNAM+)

Tàu Hải cảnh 3210 của Trung Quốc áp sát tàu CSB 8003, ngăn cản không cho tiếp cận giàn khoan hôm 28/5 (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) cùng nhiều tàu vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã gây bất bình trong cộng đồng quốc tế. 

Tiếp tục làn sóng các học giả lên tiếng phản đối các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, cộng tác viên của Vietnam+ tại Vienna (Áo) đã có cuộc trao đổi với nhà báo nổi tiếng người Palestine Kawther Salam về vấn đề này. 

Theo bà Salam, Trung Quốc đã bộc lộ rõ “tham vọng thực dân,” vi phạm rõ ràng chủ quyền của nước láng giềng cũng như luật pháp quốc tế và mọi định chế quốc tế đều bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Bà Kawther Salam hiện sống ở Áo, hiện là biên tập viên trang “Europe and Middle East News”, đã có hơn 25 năm kinh nghiệm tác nghiệp ở những khu vực xảu ra xung đột và từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammet về Nhân quyền quốc tế.

Nhà báo Yen Platz: Bà nghĩ sao về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vài tuần vừa qua?

Nhà báo Kawther Salam: Đó là sự vi phạm rõ ràng và không thể chấp nhận được chủ quyền và biên giới của một nước láng giềng, là Việt Nam. Nó cũng che giấu những tham vọng thực dân trong việc cướp bóc tài nguyên của nước khác, đi ngược lại luật pháp và các thỏa thuận quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết với các tổ chức quốc tế.

Bà nghĩ sao về ý định khoan dầu trên một vùng biển thuộc Việt Nam của Trung Quốc?

Đó là sự đe dọa rõ ràng với chủ quyền Việt Nam và tìm cách kiểm soát dầu mỏ cũng như kiếm chác trên lưng Việt Nam. Bước đi này cũng cho thấy các tham vọng thực dân với các đảo thuộc Việt Nam.

Bà nghĩ mục đích của việc Trung Quốc cư xử như thế trên biển Đông là gì? Liệu nó có lặp lại trong tương lai? Liệu căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có tăng thêm?

Đó là một hành vi khiêu khích mà Trung Quốc sử dụng để đo phản ứng của Việt Nam. Không có gì nghi ngờ về việc hành vi của Trung Quốc che giấu tham vọng cướp bóc tài nguyên của Việt Nam.

Từ quan điểm của tôi, người Việt Nam sẽ không đứng nhìn và im lặng khi chủ quyền của họ bị vi phạm. Ít nhất lịch sử xác nhận rằng người dân Việt Nam có thể tự bảo Tổ quốc.

Theo bà thì Việt Nam nên làm gì vào thời điểm này?

Tôi nghĩ những cánh cửa ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các định chế quốc tế đều mở và mọi lựa chọn đều mở trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Bà có thông tin gì về căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam? Bà cho rằng cần phải làm gì?

Như tôi đã nói, những gì đang xảy ra là để đo lường phản ứng của Việt Nam. Và Việt Nam không cần phải phí thời gian nghĩ ngợi về những gì Trung Quốc đang làm trên lãnh hải của các bạn. 

Tôi cho rằng bất kỳ ai vào nhà bạn mà không xin phép thì là trộm cắp hoặc kẻ cướp, và cách xử lý đúng nhất là đá chúng ra khỏi cửa, tiến hành các hành động pháp lý thông qua những định chế quốc tế hoặc tự vệ hợp lý.

Cảm ơn bà rất nhiều!

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam: Sai trái và đổi trắng thay đen

QĐND - Ngày 27-5, trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, được Nhân dân nhật báo dẫn lời, nói rằng: “Ngày 26-5, tại vùng biển Tây Sa, Trung Quốc, một chiếc thuyền cá Việt Nam ngang nhiên xông vào khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, sau khi đâm vào hai bên mạn thuyền của Trung Quốc, tàu cá này đã bị đắm, các thuyền viên Việt Nam đều được cứu vớt”.

Đây là một phát ngôn vừa sai trái, vừa đổi trắng thay đen của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Sai trái bởi vì cần phải chỉ rõ rằng, cái mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “vùng biển Tây Sa, Trung Quốc”, thực chất là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Việc chiếm giữ bằng vũ lực này tuyệt nhiên không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

Lâu nay, khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt cá ở khu vực này để phục vụ đời sống dân sinh hằng ngày. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, đập phá, gây thiệt hại về tài sản, thậm chí chủ động đâm va để gây thương tích, đe dọa tính mạng của ngư dân Việt Nam.

Tàu cá Việt Nam kiên cường bám biển tại ngư trường truyền thống của mình (Nguồn: TTXVN)

Chiều 26-5, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS với 10 thuyền viên trên tàu, đang hoạt động bình thường trong khu vực có tọa độ thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. Rất may là 10 ngư dân Việt Nam đã được lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển của Việt Nam cứu và đưa lên tàu an toàn.

Hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu Trung Quốc là vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia. Vậy mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lại đổi trắng thay đen, dựng đứng lên câu chuyện tàu cá Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc rồi tự chìm!

Đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc tiến hành những hành động mang tính khiêu khích, gây nguy hại cho ngư dân cũng như các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, rồi sau đó lại vu vạ, đổ lỗi cho phía Việt Nam.

Còn nhớ, khi mới hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, khi bị các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam kiên quyết ngăn cản, phía Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng áp lực cao bắn vào các tàu Việt Nam, hung hăng đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, rồi sau đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lu loa lên rằng, phía Việt Nam đâm vào các tàu Trung Quốc 171 lần trong vòng 4 ngày! Làm sao có thể tin được rằng ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 35 tàu của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển, trong khi phía Trung Quốc triển khai hơn 80 tàu, trong đó có cả tàu chiến, mà trung bình mỗi tàu của Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới 5 lần! Tất cả những ai có lương tri và đầu óc tỉnh táo bình thường đều không thể nào chấp nhận nổi luận điệu vu vạ đó.

Cái cung cách đổi trắng thay đen của phía Trung Quốc mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương thể hiện qua vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 26-5, chỉ càng thể hiện rõ một điều là Trung Quốc đuối lý trước làn sóng phản đối của dư luận Việt Nam và quốc tế trước hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam nên mặc sức nói bừa. Họ còn định bịt mắt nhân dân Trung Quốc đến bao giờ? 

TRỰC NGÔN

Xử Bầu Kiên hay xử ai?

Nguyễn Vũ

TBKTSG Online - Phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên, người thường được biết nhiều hơn dưới biệt hiệu Bầu Kiên thu hút sự chú ý của nhiều người. Đáng tiếc, sự chú ý đó rơi vào các hiện tượng bề nổi như sự đối đáp vững lý, rành mạch của ông Kiên hay sự lúng túng, lẩn tránh ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất của đại diện các cơ quan công quyền khi ra làm chứng.

Nếu nhìn vụ án và đặt nó trong bối cảnh nền kinh tế phát triển một cách “hoang dã” trong thời kỳ hậu WTO, bức tranh nổi lên từ các lời khai tại tòa là gì?

Là những nét vẽ chấm phá nhưng khá chính xác một hệ thống ngân hàng với nhiều bê bối, lạm dụng, lách luật; một hệ thống quản lý tù mù không rõ ràng và một môi trường kinh doanh chỉ chăm chăm làm giàu sao cho nhanh nhất chứ không nghĩ đến sự bền vững hay nền sản xuất thật. 

Một thời kỳ hoang dã

Bất kể sự đối đáp của Bầu Kiên và các bị cáo khác có sắc bén đến đâu, họ cũng không phủ nhận được một số điểm then chốt. Dù không cần đi sâu vào chi tiết, chúng ta cũng có thể khẳng định được một số điểm này:

- Một thời gian dài ngân hàng huy động vốn của dân, thay vì tìm cách cho vay để kinh doanh tiền tệ một cách bình thường, ngân hàng lại giao tiền cho nhân viên đi gởi vào ngân hàng khác. Tranh luận chuyện này có trái luật không thì hãy để tòa ra phán quyết nhưng chắc chắn nó trái với mọi lề thói kinh doanh ngân hàng bình thường trên thế giới. Tiền chạy từ ngân hàng sang ngân hàng theo kiểu như thế tạo ra những tài sản ảo, tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo – rõ ràng đã góp phần vào những cơn rúng động suýt gây ra đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng.

- Tiền một ngân hàng huy động từ người dân lại được giao cho nhân viên gởi vào ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất. Điều đó có nghĩa các ngân hàng hoàn toàn không cạnh tranh dựa trên các quy luật thông thường (nếu có thì tại sao ngân hàng kia không tự mình huy động vốn trong dân để khỏi chịu lãi suất cao hơn?) Mọi quy luật thị trường bị bóp méo, có thể ngân hàng bị thiệt nhưng cá nhân lại hưởng lợi mà không có cơ chế nào ngăn cản được.

- Một công ty đăng ký thành lập cứ khai vốn điều lệ cả ngàn tỷ đồng rồi lại phát hành trái phiếu trị giá cả ngàn tỷ đồng nữa để bán cho ngân hàng. Thử hỏi ở một nền kinh tế phát triển bình thường, làm sao có thể có chuyện một công ty mới thành lập lại dễ dàng phát hành trái phiếu như thế? Tất cả quy trình soát xét bình thường đã bị bỏ qua; ngân hàng cũng bỏ qua các động tác due diligence (thẩm tra đánh giá) cần thiết mà nhắm mắt mua trái phiếu vô giá trị kia. Đó không phải là sự thao túng ngân hàng bất kể thiệt hại của cổ đông thì là gì nữa.

- Chính việc phát hành trái phiếu dễ dàng thời đó là khe hở để nhiều tay tài phiệt góp vốn sở hữu nhiều ngân hàng mà thực chất không góp gì cả. Đây chính là khởi đầu của hiện trạng sở hữu chéo thành một mớ bùng nhùng mà cho đến giờ vẫn chưa gỡ ra hết. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích từng miêu tả hiện tượng này trên TBKTSG: “Theo mô tả, họ bán trái phiếu, thí dụ, cho ngân hàng A; rồi lấy tiền vay được đi mua cổ phần của vài ngân hàng như B, C, D; tiếp theo đó họ thế chấp cổ phiếu mới mua cho ngân hàng A để bảo đảm trả nợ và số còn lại đem chi dùng cá nhân. Số tiền vay mượn kiểu ấy lên đến hàng ngàn tỉ đồng” (TBKTSG 30-8-2012).

- Hàng loạt các hoạt động khác chỉ có trong hệ thống ngân hàng thời kỳ đó như để công ty chứng khoán do chính ngân hàng thành lập mua cổ phiếu chính mình. 

Đối chiếu chỉ một điểm là phát hành trái phiếu rồi sử dụng tiền đó để thao túng ngân hàng, tức không dùng tiền phát hành trái phiếu vào đúng mục đích khi phát hành thì những tội danh mà Viện Kiểm sát khép cho Bầu Kiên là không đúng thực chất và dễ bị bác bỏ.

Rõ ràng hệ thống luật pháp cho giai đoạn hậu WTO còn rất sơ khai. Nó để cho người đi vay nợ (phát hành trái phiếu) không bị ràng buộc gì về việc bảo đảm trả nợ; bất chấp quyền lợi của các chủ nợ. Nó để cho người giữ tiền ký thác (ngân hàng) xuất tiền vung vẩy, bất kể trái phiếu có bảo đảm hay không, cứ mua bừa, cả trái phiếu lẫn cổ phiếu! Luật pháp ở trạng thái ấy đã giúp người có thế lạm dụng của cải xã hội cho lợi ích riêng.

Những hành vi như kinh doanh trái phép, trốn thuế, làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng có thể chưa cấu thành tội danh vì lúc đó luật pháp còn thiếu sót.

Và đó chính là bi kịch để một kẻ từng thao túng thị trường như Bầu Kiên lại trở thành một người hùng trong mắt nhiều người quan sát phiên tòa chỉ để tìm kịch tính.

Và vẫn chưa giải quyết dứt khoát

Phiên tòa xử Bầu Kiên nói đúng ra phải là phiên tòa xử cả hệ thống ngân hàng, tài chính thời kỳ đó khi ngoài Bầu Kiên, hàng loạt nhân vật khác cũng sử dụng đúng những chiêu trò đó để kinh doanh hưởng lợi nhanh chóng, làm giàu qua đêm.

Vì vậy ý nghĩa của phiên tòa không phải là phạt tù cho bằng được Bầu Kiên và những nhân vật khác. Ý nghĩa của phiên tòa là rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng một hệ thống luật tài chính bảo vệ chủ nợ; trừng phạt việc lấy tiền ký gửi của dân chúng đem ra cho vay vung vẩy để kiếm lời; và không để giới tài phiệt thao túng thị trường. Nếu không sòng phẳng chỗ này thì tình trạng mơ hồ, lách luật, không thượng tôn pháp luật vẫn diễn ra.

Một khi đã xác định được như thế thì các cơ quan chức năng đã có thể yêu cầu người đại diện khi trả lời trước tòa có thể nêu quan điểm rõ ràng, dứt khoát và không e ngại tiền lệ gì nữa cả, nhất là với các vấn đề kỹ thuật mang tính chuyên môn trong thẩm quyền của họ. Điều các vị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có thể khẳng định trước tòa là cơ quan hành chính không có thẩm quyền giải thích luật hay phán xét làm như thế nào là đúng luật, làm như thế nào là trái luật – đó là nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tòa án.

Viện Kiểm sát cũng có thể thay đổi kết luận với những tội danh không thể buộc vì luật chưa quy định, làm như thế không phải vì chịu thua lập luận của bất kỳ ai mà vì tính chính danh của nhiều hoạt động kinh tế. Ở các nước, giám đốc tài chính phải ngày đêm lo nghĩ chuyện đầu tư tiền mặt của một doanh nghiệp sao cho có lợi nhất ở mức an toàn họ sẵn sàng chấp nhận, từ mua trái phiếu chính phủ đến mua cổ phiếu công ty.

Những hoạt động tài chính như thế mà buộc thành tội vì chưa đăng ký vào giấy phép sẽ làm tê liệt khả năng làm cho tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp sinh sôi nẩy nở; để họ không phải đi vay ngân hàng mà dựa vào thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp phải tạo ra của cải cho nền kinh tế quốc dân bằng khả năng sản xuất của mình và tài năng làm cho tiền nẩy nở thêm lên bằng cách đầu tư vào thị trường khác, doanh nghiệp khác. Chính quyền phải coi hoạt động đầu tư tài chính là việc bình thường ở mọi doanh nghiệp.

Tội phạm kinh tế nên trừng phạt bằng biện pháp kinh tế. Nên chọn những tội danh mà các bị cáo sẵn sàng nhận chịu với sự tâm phục khẩu phục, kèm theo các biện pháp kinh tế, nhất là với các khoản phát hành trái phiếu trái phép – chừng đó cũng đủ làm gương cho thị trường.

“Bầu” Kiên: Tôi vô tội… !

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: “Tôi không làm gì phạm tội, hành vi nào trái pháp luật, nếu VKS đưa ra bằng chứng cụ thể, dẫn chứng pháp luật cụ thể buộc tội, thì tôi sẵn sàng nhận tội ngay mà không cần tranh luận gì”.

Lý Xuân Hải: “Tôi không biết tôi phạm tội gì ?”

Chiều nay (29-5), các bị cáo được bổ sung phần tranh luận của các luật sư đã bào chữa cho mình trong những ngày qua. Bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ ACB): “Tôi đồng ý tất cả các ý kiến bào chữa của luật sư cho tôi. Tôi bổ sung thêm một số ý kiến bào chữa cho tôi: 

Liên quan ACB ủy thác cho các nhân viên gửi tiền VietinBank, cáo trạng quy buộc tôi là người đề xuất. Tôi là Tổng giám đốc, việc quyết là HĐQT, làm trực tiếp là người khác chứ không phải là tôi. Việc ký vào biên bản họp, các luật sư đã trình bày tính pháp lý, biên bản họp này không vi phạm pháp luật. Việc ký biên bản, thì không vi phạm luật nào cả. Những hoạt động của ngân hàng thương mại, mà nếu Ngân hàng Nhà nước cấm, thì tất nhiên tất cả đều phải thực hiện, ở đây không có cấm, chưa có hướng dẫn, thì chúng tôi vẫn phải thực hiện theo những quy định có từ trước đây. ]

Ông Lý Xuân Hải. Ảnh: Minh Thắng

Tôi không phải là người trực tiếp chỉ đạo, tham gia gửi tiền ở đâu, vào chỗ nào, tôi cũng không biết chị Huyền Như là ai, chỉ biết tiền gửi vào VietinBank, vì tôi không trực tiếp là người chỉ đạo như theo cáo trạng quy buộc. Những ngày xét xử qua, tôi nghe rất nhiều, người đại diện VietinBank và luật sư bảo vệ quyền lợi của VietinBank, nếu chị Huyền Như không phải là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - VietinBank, thì ai tin vào chị để gửi tiền ? Đối với ngân hàng giao dịch bình thường, đó là người gửi tiền đưa thông tin, sau đó ký hợp đồng tiền gửi, rồi chuyển tiền vào ngân hàng, thì đây là giao dịch bình thường, diễn ra bất kỳ ở ngân hàng nào cũng vậy. Quan trọng là tiền đã vào VietinBank rồi, thì đây là tài sản của ngân hàng VietinBank. Hành vi rút tiền ra của chị Huyền Như, thì hành vi gian dối, thủ đoạn rút tiền ra từ cái kho của VietinBank, thì trách nhiệm ấy là sự quản lý tài sản của mình, thì phải là VietinBank. Trách nhiệm của VietinBank phải hoàn trả tiền cho khách hàng, là hiển nhiên.

Tôi không biết tôi phạm tội gì, tại sao trời đất lại giáng lên đầu tôi, tôi không biết, tôi không bàn cuộc họp về việc đầu tư, tôi không làm, tôi không biết gì vụ việc này cả mà theo cáo trạng VKS quy buộc. Tôi rất mong VKS xem xét lại, vì thực tế tôi không biết gì, không biết gì cả, vậy mà kết luận của VKS quy buộc trách nhiệm cuộc họp này cho tôi. Ở ACB nếu ra quyết định gì, thì phải có văn bản, mà có chỉ đạo gì cũng phải có văn bản, ở đây tôi chẳng biết gì cả, cuộc họp nào đó có bí mật hay không, cũng như họp HĐQT thì tôi không được tham dự, nên tôi không biết, vậy mà bảo tôi chịu trách nhiệm ?

Bị cáo Lý Xuân Hải trình bày: VKS buộc tội tôi và cho rằng tại tòa tôi khai báo lanh quanh, không nhận tội, không thành khẩn, tôi cho rằng tôi rất thành khẩn, tôi chịu trách nhiệm những gì nếu tôi làm sai. Tôi khẳng định tôi không làm gì cho lợi ích nhóm nào cả, mà tôi nghĩ rằng tôi làm việc tốt, có lợi cho xã hội.

Chiếm đoạt 718 tỷ đồng là hành vi “Tham ô” của chị Huyền Như và của ai đó !

Đến phần tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, với giọng nói tự tin, không có trong tay bất cứ tài liệu nào viết sẵn, nhưng ông Kiên đã trình bày rành rọt từng câu từng chữ suốt gần 3 tiếng đồng hồ: Khi tôi nhận lệnh bắt, trời đất như quay cuồng, gần 30 năm làm việc kinh doanh, tôi không làm gì sai luật, tôi không kinh doanh trái phép, tôi nhìn 4 dòng trong 2 cái lệnh bắt tôi về tội kinh doanh trái phép, thì đã sai 3 chỗ. Nói rằng tôi chủ sở hữu các công ty, là sai hoàn toàn về bản chất, vì tôi chỉ là đồng sở hữu. Lệnh bắt cho rằng các công ty này kinh doanh trái phép, cũng sai hoàn toàn, ở đây là đầu tư góp vốn. Luật ghi rất rõ, đầu tư thế nào, góp vốn ra sao, ở đây Cơ quan điều tra sai luật nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng. Chỉ trong một đoạn văn ngắn trong lệnh bắt tôi, đã sai nghiêm trọng toàn bộ. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: GIỜ ĐÃ LÀ LÚC KHÔNG CÒN NHẪN NHỊN ĐƯỢC NỮA RỒI!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Giờ đã là lúc không còn nhẫn nhịn được nữa rồi.


Bài trên FB của Mít Yêu Anh shared Kim Ngân Võ

Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc đưa giàn khoan lấn sâu vào thềm lục địa Việt Nam và mang cả một đội tàu hùng hậu, trong ấy có cả tàu chiến, rồi máy bay chiến đấu yểm trợ xâm lấn biển đảo Việt Nam. Vì sao tôi không thấy bất ngờ? Các bạn có thể nhìn lại các sự kiện vào năm 1974, 1979 và 1988 thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và trên biển.

Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.

Chúng ta đã tôn trọng, thực hiện đúng cam kết, nhưng Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo. Cái bi kịch lớn nhất của nước ta là lại phải ở bên cạnh một ông bạn nham hiểm và rất xấu tính. Ở các nước khác trên thế giới, trong đó hầu hết là các nước tư bản, họ sống với nhau rất êm đềm, hòa thuận. Tôi đi từ Pháp sang Đức, từ Pháp sang Bỉ, hay từ Anh sang các nước khác, không thấy có biên giới, không thấy hải quan. Cứ đi thẳng một lèo. Khi nhìn lên biển chỉ đường, thấy dòng chữ khác, mới hay mình đã sang nước khác rồi.

Ngay cả kẻ thù của chúng ta xưa như Pháp và Mỹ, mặc dù rất tàn bạo, nhưng họ không chiếm của ta một mét đất nào. Còn ta với Trung Quốc thì sao? Mang danh anh em “môi hở răng lạnh”, luôn nêu cao 16 chữ vàng, nhưng họ lấn của ta từng gốc cây ngọn cỏ. Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang phía ta. Đây là trò rất trẻ con và bẩn thỉu.

Ấy thế rồi cứ như tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta nằm gọn trong túi họ. Xin đơn cử: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất Trung Quốc đến hàng chục cây số.

Thác Bản Giốc vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã chiếm một nửa rồi. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép từ mấy chục năm nay.

Và bây giờ, Trung Quốc lại đưa giàn khoan khủng, được xem như lãnh thổ di động của Trung Quốc được tàu chiến bảo vệ lấn sâu vào thềm lục địa của ta, rồi ngang nhiên tấn công các tầu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và bẩn thỉu nhất. Đúng là một kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Bây giờ, họ lại đòi ta phải rút hết tàu thuyền về rồi mới đàm phán. Thật là ngang ngược. Anh là một kẻ cướp. Anh cướp nhà tôi, rồi lại đuổi tôi ra đường để bàn chuyện sở hữu nhà cửa. Có chuyện ngược đời như thế không? Đúng ra, Trung Quốc phải rút hết tàu thuyền, di dời giàn khoan phi pháp ra khỏi khu đặc quyền kinh tế của ta rồi mới bàn gì thì bàn.

Trung Quốc phá ta không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả những việc làm rất bần tiện, như cho thương lái sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, bà con nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, khiến cả mùa màng xiêu điêu.

Rồi họ lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã mới có 5 triệu bạc, mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã gần một triệu bạc rồi. Thế là bà con nhẹ dạ lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc.

Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc Thương lái Trung Quốc hướng dẫn bà con ta làm chè bẩn để mua với số lượng rất lớn. Làm được bằng nào mua hết bằng ấy. Họ yêu cầu người làm chè trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế để làm gì thì chỉ có trời mới biết.

Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do chè Việt Nam bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua chè của ta? Hậu quả là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp chè bị phá sản. Mới đây nhất là hàng ngàn xe dưa hấu thối ủng ở cửa khẩu. Và bây giờ ở cấp Quốc gia là chuyện giàn khoan. Ôi! Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ vàng” mà lại hiện hình bần tiện nham hiểm và rúm ró như thế sao?

Thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống đây, hàng hóa của Trung Quốc đã phủ khắp thế giới. Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả biển Đông thì Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì việc gì phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó không phải chúng ta tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được chính người Pháp và bạn bè quốc tế xác định từ mấy trăm năm trước.

Trong bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1004 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của những kẻ tiểu nhân. Trung Quốc đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông.

Trung Quốc đang sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm tranh đoạt lãnh hải của Việt Nam, bao gồm cả việc chủ động sử dụng vũ lực tấn công tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam.

Việt Nam chẳng sợ gì Trung Quốc. Sức mạnh của tình đoàn kết ở Việt Nam đã từng đánh bại nhiều kẻ thù sừng sỏ. Tuy nhiên, chọn con đường chiến tranh để giải quyết vấn đề biển đông là hạ sách mà không khéo lại mắc mưu Trung Quốc. Trung Quốc muốn gây hấn với ta, rồi lấy đó mà răn đe các nước khác. Tôi đồng ý với cách xử lý rất khôn ngoan nhất, là phải bình tĩnh, cảnh giác, tỉnh táo, không để Trung Quốc lừa phỉnh, giành lại và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình.

Việc làm trước tiên là quốc tế hóa biển đông. Đây là vấn đề Trung Quốc ngại nhất, bởi họ khuất tất. Cần đoàn kết, liên minh với các nước trong khu vực cùng có quyền lợi ở Biển Đông rồi kéo cả thế giới vào cuộc. Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan ở khu đặc quyền kinh tế của ta, chúng ta cũng sẽ phải làm như Philippine, kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Nếu ra tòa, chắc chắn Trung Quốc thua.

Mặt khác, chúng ta cũng cần thông tin rộng rãi để 1,3 tỷ dân Trung Quốc hiểu vấn đề Biển Đông thực chất thế nào. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít. Sẽ rất nguy hiểm khi họ bị chính quyền Trung Quốc xuyên tạc và kích động, như họ đang rêu rao là chúng ta xâm phạm vùng kinh tế Trung Quốc, tàu ta đâm tàu Trung Quốc 170 lần… Các nhà cầm quyền Trung Quốc đang chơi trò đánh lạc hướng dư luận, đẩy xung đột ra ngoài biên giới khi gặp phải vụ bê bối ở Tân Cương.

Thật có lý khi một nhà báo đã đề nghị các báo điện tử của ta nên có trang bằng tiếng Trung Quốc, để giúp người dân Trung Quốc hiểu được thực chất vấn đề và không bị kích động. Cần lật tẩy những trò bẩn thỉu của giới cầm quyền Trung Quốc. Ngay trong giới học giả Trung Quốc, cũng có người hiểu được vấn đề, họ đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tôi cũng mong rằng, Việt Nam sẽ có những ứng xử mạnh mẽ hơn nữa bằng con đường hòa bình để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Như tôi đã nói Trung Quốc vốn rất sợ đưa việc giải quyết những vấn đề ở biển Đông ra quốc tế, vì những gì họ hành động ở khu vực (đặc biệt là với Việt Nam) đã vi phạm Công ước Liên Hợp quốc và Luật biển 1982. Vậy thì tại sao chúng ta không tham khảo phương pháp của Philipin: Kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Chúng ta tôn trọng họ, nhưng họ đâu có tôn trọng chúng ta? Giờ đã là lúc không còn nhẫn nhịn được nữa rồi.