Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

THỦ TƯỚNG VIỆT NAM KÊU GỌI QUỐC TẾ PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi quốc tế phản đối Trung Quốc


BizLIVE - Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông, theo BBC.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Ngày 28/5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thượng nghị sỹ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, đang thăm Hà Nội.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam đưa tin Thủ tướng Việt Nam “cảm ơn Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc khi đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông”.

“Thủ tướng mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để lên án hành động bất chấp luật pháp quốc tế nêu trên của Trung Quốc,” theo trang web chính phủ.

Trước đó, chiều 27/5, Thủ tướng Việt Nam cũng có thông điệp tương tự khi tiếp bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình tại thực địa đang thăm Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã lên tiếng về diễn biến trên Biển Đông.

Nhưng ông nói thêm trước tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, ông đề nghị bà Ameerah Haq chuyển lời tới Tổng Thư ký để Liên Hiệp Quốc “tiếp tục có tiếng nói và hành động nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực”.

Hôm 21/5, khi thăm Philippines, Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ trích Trung Quốc, nói Trung Quốc “đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông”.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng từ đầu tháng Năm, sau khi Việt Nam cáo buộc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam.

Vụ một tàu cá Đà Nẵng bị chìm hôm 26/5 làm quan hệ giữa hai nước tiếp tục rạn nứt.

Ngày 27/5, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”.

Thủ Tướng Nhật: TRUNG QUỐC CÓ THỂ SẮP DÙNG VŨ LỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh mối quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên Biển Đông.


Theo tờ Channel News Asia của Singapore, trong tuyên bố trước Quốc hội hôm 28/5, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với các quốc gia ASEAN để đảm bảo luật pháp được thi hành trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Ông Abe cũng khẳng định rằng tình hình căng thẳng hiện nay cho thấy Nhật Bản cần mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ. Trong đó, sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc hiện là mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Abe. 

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản về các kế hoạch mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ quốc gia, ông Abe đã đề cập tới việc Trung Quốc tăng gần 4 lần khoản chi tiêu quân sự trong 10 năm qua. Theo đó, ngân sách chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm nay là 132 tỷ USD. Số tiền này đã cao hơn gần 3 lần so với mức ngân sách 49 tỷ USD của Nhật Bản. 

Hai tàu Trung Quốc và một tàu Nhật Bản cùng xuất hiện trên vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 

Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng đặc biệt quan ngại về khả năng Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. 

“Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông thông qua việc dùng vũ lực. Chúng ta sẽ hợp tác với các nước trong khối ASEAN để đảm bảo những quy định pháp luật cần được tôn trọng”, tờ Channel News Asia dẫn lời Thủ tướng Abe. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên gần 90% diện tích Biển Đông – vùng biển mà cả Việt Nam, Philippines Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền. 

Ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. 

Mặc dù, bản hiệp ước an ninh ký kết giữa Nhật Bản và Mỹ đã bao gồm việc bảo vệ quần đảo trên song Thủ tướng Abe nhận định Tokyo và Washington là những đối tác ngang hàng trong liên minh quân sự do đó Lực lượng Phòng vệ quốc gia cần tiến hành nâng cao năng lực. 

MINH THU (lược dịch)

TỔNG THỐNG MỸ CẢNH BÁO VỀ HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG QUỐC TẠI BIỂN ĐÔNG

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/5 tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên Biển Đông cũng như tại các khu vực khác, đồng thời cảnh báo Mỹ đã sẵn sàng đáp trả "sự gây hấn" của Trung Quốc.

Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point.

Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Obama đã bảo vệ các quyết định và chính sách ngoại giao của mình, phản bác lại các ý kiến cho rằng sự lãnh đạo của ông đang làm yếu đi vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế.Tổng thống Mỹ khẳng định việc Washington rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan không đồng nghĩa với việc sức mạnh của nước Mỹ đang suy giảm.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định quân sự sẽ "luôn luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới."

Tuy nhiên, hoạt động quân sự không thể là yếu tố duy nhất, hay thậm chí yếu tố then chốt, trong mọi quyết sách của nước Mỹ.

Việc nước Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm hòa bình và tự do bên ngoài lãnh thổ quốc gia không có nghĩa rằng Washington nên chọn lựa phương án can thiệp quân sự cho mọi vấn đề.Trước đó một ngày, Tổng thống Obama đã thông báo kết thúc lộ trình rút quân vào cuối năm 2014, Mỹ sẽ để lại ở Afghanistan 9.800 binh lính, đến cuối năm 2015 sẽ rút một nửa số binh lính còn lại và đến cuối năm 2016 sẽ rút toàn bộ, chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Tây Nam Á này giống như đã làm với Iraq năm 2011. 

Đây là mức thấp nhất trong các phương án mà nội các Nhà Trắng đã thảo luận và đã khiến chính quyền Barack Obama phải đối mặt với nhiều ý kiến chỉ trích sau đó.Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Obama cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực của Mỹ tại các điểm nóng thế giới như Syria, thông qua việc tăng cường hỗ trợ phe đối lập Syria, hay Ukraine, đồng thời "minh bạch hóa" chiến dịch chống khủng bố bằng máy bay không người lái.

Đối với an ninh quốc gia, ông Obama tiếp tục khẳng định chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ hiện tại. 

Theo đó, Tổng thống Mỹ đã công bố một quỹ tài chính trị giá 5 tỷ USD phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố, trong đó tập trung vào hoạt động trang bị và huấn luyện tại các quốc gia đồng minh.

 Nguồn: THX/TTXVN

Anh đã buông tay rồi đó, em đi đi

Cái cảm giác mất mát này đã làm anh thực sự đau đớn, anh bật khóc, những giọt nước mắt mặn chát và cay nồng xộc lên sống mũi, tuôn sâu vào tận từng thớ thịt trên cơ thể, đau và nhức như hàng ngàn hàng vạn mũi kim đâm. 

From: Hà Nội Buồn 
Sent: Friday, February 04, 2011 6:57 PM 
Anh đã sẵn sàng buông tay em ra... Thực sự phải buông thôi bởi vì anh đã mệt nhoài, bước chân anh nặng trĩu, cánh tay đã mỏi nhừ, theo những ngày tháng chạy theo cái bóng của em, và giờ đây anh đã tự nhủ với mình rằng anh đã sẵn sàng rồi... Sẵn sàng cho cái việc mà anh nghĩ anh sẽ chẳng bao giờ làm được đâu, đó là buông tay và ra đi. 

Cái cảm giác mất mát này đã làm anh thực sự đau đớn, anh bật khóc, những giọt nước mắt mặn chát và cay nồng xộc lên sống mũi, tuôn sâu vào tận từng thớ thịt trên cơ thể, đau và nhức như hàng ngàn hàng vạn mũi kim đâm, nhưng có mấy ai hiểu cho anh? 

Buông tay em ra là sẽ không nắm tay em nữa, cũng có nghĩa là mất đi chỗ dựa, như thế anh sẽ ngã, nhìn anh ngã em có xót xa không? Buông tay em ra nghĩa là không còn có em, là mất đi em, mất đi cái hơi thở của những ngày qua. Có lẽ sẽ chết trong cái nỗi đau đang dày vò bản thân. Nếu anh chết em sẽ khóc chứ? Buông tay em ra nghĩa là khi anh quay sang bên cạnh để tìm kiếm một bờ vai, một vòng tay trong cái mùa đông giá rét này thì anh sẽ chỉ nhận được sự trống trải và hơi lạnh mà thôi, em sẽ chạnh lòng khi anh co ro chứ? 

Buông tay em ra là để em ra đi, em sẽ rời xa anh, không còn là của riêng anh, sẽ không bao giờ được nhận cái linh thiêng mà con người ta gọi là tình yêu của em nữa, em sẽ đem cho người khác đúng không? Từ bây giờ anh sẽ học cách chịu đựng một mình, những nỗi đau, những trăn trở. Anh sẽ học cách bước đi một mình, không có chỗ dựa nào cả. Anh sẽ học cách tự đứng bằng đôi chân, bằng sức lực của chính anh. Sẽ lấy những khoảng cách ngắn ngủi được bên em làm động lực, anh sẽ không cô độc trong những ký ức đấy đâu. 

Sẽ có một ngày em quay lại và nắm lấy đôi bàn tay anh chứ? Sẽ có một ngày em giật mình và em sẽ đuổi theo anh chứ? Sẽ có một ngày em nhận ra không thể sống mà không có anh chứ? Sẽ có một ngày nào đó em hiểu rằng em đã làm tổn thương anh chứ? Khi đó em hãy tự nhủ với mình rằng anh buông em ra để em đi tìm hạnh phúc thực sự của mình và anh đã đau đớn biết chừng nào khi nhận ra rằng hạnh phúc ấy không ở nơi anh! 

Anh biết mà, cái gì vốn không thuộc về mình thì sẽ chẳng bao giờ là của mình cả, nhưng anh vẫn cố chấp nghĩ rằng mọi cố gắng của mình sẽ xoay chuyển tất cả, anh ngu ngốc lắm mà. Hết rồi, hết thật rồi, tất cả đã kết thúc như một giấc mơ thật dài vậy... 

Người ta nói trong mỗi con người đều có một trái tim được chia làm nhiều phần, một phần để yêu thương và một phần nữa là để thù hận, và cũng bởi người ta đã quá yêu nhau nên mới thù hận lẫn nhau... Phải chăng khi không thể có được tình yêu, người ta mới thù hận để xóa nhoà cái gọi là thương yêu? Sợ lắm cái cảm giác phải ghét một ai đó, nhưng vì quá yêu mà thế thì càng đáng sợ hơn... 

Em sẽ ghét anh chứ? Sẽ căm ghét anh? Anh chẳng thể biết được nữa, anh đã rất yêu em cơ mà, yêu hơn mọi thứ anh có. 

Anh sợ rằng phải sống trong cái quay cuồng của hạnh phúc hôm qua. Sợ lắm những đêm nhớ em, nước mắt lại ràn rụa lại choàng tỉnh sau những cơn ác mộng về em. Sợ lắm khi mà đau đớn của anh hòa cùng với nhớ thương, để mỗi lần nhớ thương vô vọng lại là một lần đau đớn đến xé lòng. 

Hạnh phúc là gió cứ phảng phất. Hạnh phúc là cỏ mềm xanh mướt dưới chân ai đó. Anh sẽ nhớ bao nhiêu cái cảm giác ôm em trong lòng và cảm nhận hơi ấm của em, nó làm anh mềm nhũn, làm anh tan chảy trong niềm hân hoan rằng em đang là của anh, anh sẽ nhớ từng lời nói yêu thương và ngọt ngào nơi em... 

Thế em có nhớ không? Tai sao lại cho người ta hy vọng rồi lại tước đoạt? Tại sao lại cho người ta hạnh phúc rồi lại rời bỏ hạnh phúc ấy khi mà nó chưa một lần trọn vẹn? Tại sao? Tại sao? Tại sao lại như vậy? Hãy trả lời anh đi! Nói nữa nói mãi cũng chẳng bao giờ biết được câu trả lời đâu, nhưng ít ra bây giờ anh cũng đã có đủ can đảm để đối diện với chính mình rồi. Nhìn em bước đi và ngửa mặt lên trời cho nước mắt chảy ngược vào lòng nhé em.. 

Mình từng yêu nhau. Một thời sánh bước bên nhau, những tưởng chừng sẽ là vĩnh cửu và không gì có thể chia cắt được, thế mà... Những lời hứa hẹn chỉ như gió thoáng bay... Những lời yêu thương chỉ còn là dĩ vãng. Tất cả chỉ là kỷ niệm, rồi buồn rồi hận thế nào thì cũng là chia ly.

ĐÔI LỜI VỀ "CỜ VÀNG, CỜ ĐỎ" CỦA Mr. DO


nguồn Hòa Bình
ảnh:LN:

Đôi lời về “cờ vàng, cờ đỏ” của Mr.Do

Hòa hợp dân tộc là đúng, là việc phải làm và sẽ làm được.

Hoàng Sa phải được lấy lại, là việc phải làm và sẽ làm được (“dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa” ). Nhưng không thể bằng cách lôi cái hồn ma lên đặt ngang với cái đang thực tế hiện hữu.

Cờ vàng ba sọc đỏ đâu phải là lá cờ đại diện cho người Việt ở nước ngoài, hay ở bất cứ đâu. Người Việt ở trong nước cũng như Việt kiều ở mọi nơi khác trên thế giới chỉ có một lá cờ đỏ sao vàng đại diện cho một nước Việt Nam thống nhất từ lâu nay. Những ai không thừa nhận điều này chỉ bởi sự thù hằn còn ăn sâu trong tâm trí của họ, sự thù hằn khiến họ tự biến mình thành người không Tổ quốc.

Ý kiến "Hà Nội cần công khai thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Sài Gòn thời trước 1975, qua đó thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của chính quyền Sài Gòn đối với Hoàng Sa và Trường Sa nhằm vô hiệu hóa công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng" không hề là cái "chúng ta hay nói" mà chỉ là một ý kiến chẳng đặng đừng trong số nhiều ý kiến khác nằm trong nỗ lực chung lấy lại Hoàng Sa mà thôi.

"Sự thừa nhận đó cũng đồng nghĩa với việc phi nghĩa hóa hành động chiến tranh của chính quyền do Hà Nội lãnh đạo trong Chiến tranh Việt Nam ... nó không thể được công khai trong ngày một ngày hai". Đã nhìn nhận vấn đề như vậy thì phải khẳng định ngay rằng không phải là “không thể trong ngày một ngày hai” mà là KHÔNG BAO GIỜ, Mr. Do ạ.

Tôi nhìn thấy cái tâm tốt của Mr. Do, nhưng cái trí của Mr. Do trong bài này cần xem lại.

Càng thấm thía cái thâm độc của Richard Nixon khi áp dụng chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" cuộc chiến xâm lược Miền Nam Việt Nam của Mỹ trước đây. Nó khiến cho ngay cả người có trí tuệ và kiến thức hơn người thường như Mr. Do cũng bị lẫn trí đến mức rối lẫn lịch sử như thế (tôi tin là Mr. Do rối lẫn chứ không phải cố tình bóp méo, xuyên tạc như CHHV), ở góc độ đó phải thừa nhận Nixon là một thiên tài.

Hòa hợp dân tộc là bằng chính sách đối xử rộng mở của chính quyền, bằng sự nhìn nhận công bằng, minh bạch về lịch sử, bằng sự chân thành tránh đi thái độ duy cảm làm tổn thương lẫn nhau, chứ không phải bằng sự vuốt ve mơn trớn, lộn trái lịch sử hòng làm dịu đi sự hằn học của những ai đó còn ôm nặng hận thù.

Tuy nhiên tôi chia sẻ điều này với Mr. Do “trong một chừng mực có thể chấp nhận, với một tâm thế lạc quan và đầy kỳ vọng thường thấy vào dịp đầu năm, nhìn hình ảnh lá cờ vàng và cờ đỏ song hành ở một nơi chốn đang còn khiêm tốn kia, tôi có một niềm tin le lói rằng, dù sao thì cỗ xe Việt Nam đang lăn bánh về phía trước, phía LỢI ÍCH DÂN TỘC ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU ”, khi nhìn nhận hình ảnh đó như một sự “do dự tích cực” trong cái nhìn còn ngập ngừng e ngại của một bộ phận đồng bào việt kiều về Tổ quốc hữu hình của mình.

Và cũng như Mr. Do, tôi lạc quan khi nhìn vào câu khẩu hiệu “ Đặt Lợi Ích Dân Tộc Lên Hàng Đầu”, bất kể là nó hiện lên ở đâu, ngay cả khi nó nằm giữa hai lá cờ “âm dương” song hành một cách khiên cưỡng. 

(“Cờ vàng, cờ đỏ” của Mr.Do đọc tại đây)

TRUNG QUỐC HÀNH XỬ BẤT KHẢ DỰ ĐOÁN

Trung Quốc hành xử bất khả dự đoán

Ảnh: Tàu cá ngư dân VN bị Hải quân TQ đâm chìm trong chính ngư trường của mình

(Chinhphu.vn) - Những hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng cho thấy nước này áp dụng một chính sách không theo nguyên tắc nào, bất nhất và mâu thuẫn, chuyên gia về luật thuộc Hải quân Mỹ Ryan Santicola nhận xét.

Chuyên gia Ryan Santicola nhấn mạnh: Mỗi khi nhắc đến giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc thường lặp đi lặp lại nguyên tắc “đàm phán song phương với những nước có liên quan trực tiếp”. Thực ra đây là cái cớ để Trung Quốc ngăn cản sự can dự của bất cứ bên thứ ba nào và không chấp nhận vụ kiện về chủ quyền biển đảo mà Philippines đưa lên Tòa án trọng tài quốc tế. 

Đây cũng là lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra để chần chừ trong tiến trình đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với ASEAN. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cũng không đếm xỉa đến việc thực hiện nguyên tắc song phương. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên Biển Đông theo kiểu mỗi thứ một tí, đa phương, song phương và gần đây nhất là đơn phương, đạt đến một mức độ không thể hiểu được về tính bất khả dự đoán.

Nói về đa phương, Trung Quốc nói sẽ tuân thủ các cam kết kể cả ràng buộc và không ràng buộc, nhưng thực ra không có ý định tuân thủ. Năm 1996, Trung Quốc ký tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền đi ngược lại cơ chế giải quyết của công ước. 

Với cam kết không ràng buộc, Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử Biển Đông (DOC) năm 1982, nhưng bằng những hành động quấy nhiễu ngư dân các nước láng giềng, đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarbourough, cải tạo đất đai ở bãi đá Gạc Ma tại Trường Sa, Trung Quốc đang phớt lờ cam kết chính trị về việc tránh làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nói về song phương, cái mà Bắc Kinh luôn khẳng định là nguyên tắc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không tuân thủ. Đầu tháng 5, Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Hành động này diễn ra bất chấp thỏa thuận song phương năm 2011 về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo hai nước Việt - Trung đã đồng ý nhằm giải quyết tranh chấp thông qua "bàn thảo và thương lượng hữu nghị".

Tương tự, năm 2012, Trung Quốc đã không thực hiện kết quả đàm phán tay đôi với Philippines mà theo đó hai bên đều phải rút các tàu của mình khỏi bãi cạn Scarborough. Nói cách khác, các tuyên bố về song phương hay đa phương của Trung Quốc đều phải đầu hàng trước hành động của họ - hành động đơn phương.

Chuyên gia Santicola cho rằng, sau khi xem xét việc Trung Quốc thực hiện các cam kết liên quan đến chính sách đối ngoại, ông nhận thấy điều kiên định nhất của họ là theo đuổi chính sách không kiên định, chiến lược không rõ ràng. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực lòng trong thương lượng và diễn giải các thỏa thuận (ràng buộc cũng như không ràng buộc) với quốc tế hay không. Điều quan trọng hơn nữa là với một cường quốc khu vực có chính sách bất nhất như thế, liệu khu vực có được hưởng sự ổn định và hợp tác hay không.

Nguyễn Chiến

Trực tuyến họp báo: HÀNH ĐỘNG ĐƠN PHƯƠNG NGUY HIỂM CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC

Trực tuyến họp báo: 'Hành động đơn phương nguy hiểm của Trung Quốc không thể chấp nhận được


Fanpage Thanh Niên

(TNO) Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 28.5, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết Mỹ phản đối hành động "gây hấn" của Trung Quốc trên biển Đông.

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin tại buổi họp báo chiều ngày 28.5 tại Hà Nội - Ảnh: Trường Sơn

Cuộc họp báo bắt đầu lúc 13g30 tại Đại sứ quán Mỹ.

Đối với sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN, ông Cardin cho biết Mỹ phản đối hành động có tính gây hấn ở TQ ở biển Đông.

"Chúng tôi tin tưởng vấn đề cần phải được giải quyết trong hòa bình và các bên phải kiềm chế và không nên có các hành động mang tính gây hấn ở biển Đông", ông Cardin cho hay.

VietNamNet: Ông có kế hoạch gặp phía Trung Quốc để bàn về các hoạt động ngày một gia tăng ở biển Đông của họ không?

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin: Tôi chắc chắn sẽ có một cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tham gia thảo luận và sẽ có cuộc gặp riêng để bàn về vấn đề an ninh.

Về chính sách xoay trục ở châu Á, Mỹ muốn có quan hệ vững mạnh với tất cả các nước trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc.

Chúng tôi vẫn muốn Trung Quốc phát triển vững mạnh và độc lập. Tôi sẽ trao đổi với Trung Quốc để nói rằng họ cần xuống thang.

Lao Động: Ông nghĩ gì về hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc?

"Hành động đơn phương nguy hiểm của Trung Quốc là hành vi nguy hiểm không thể chấp nhận được và mang lại nhiều rủi ro về tài sản và nhân mạng", Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin - Ảnh: Trường Sơn

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin: Phía Việt Nam không đề nghị chúng tôi tư vấn và đưa ra lời khuyên; do vậy, tôi không thể trả lời câu hỏi này.

Hành động đơn phương nguy hiểm của Trung Quốc không xảy ra ở gần giàn khoan (Hải Dương-981) mà cách xa nhiều dặm. Đó là hành vi nguy hiểm không thể chấp nhận được và mang lại nhiều rủi ro về tài sản và nhân mạng.

Mọi việc cần làm là xuống thang tình hình vì nó rất nguy hiểm. Mỹ không đưa ra quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, nhưng Mỹ chống lại các hành vi đơn phương gây hấn.

Các nước liên quan cần giải quyết qua các cơ chế hoà bình và theo tiêu chuẩn quốc tế để làm giảm căng thẳng thay vì leo thang căng thẳng.

“Chúng tôi hoàn toàn phản đối các hành vi đơn phương gây hấn ảnh hưởng an ninh hàng hải. Trung Quốc đã thực hiện các hành vi đó. Đó là các hành vi sai trái”, ông Cardin trả lời câu hỏi phóng viên Tuổi Trẻ.

Thượng nghị sĩ Cardin cho biết thêm một nghị quyết về hành động Trung Quốc trên biển Đông đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua và sẽ sớm được trình lên Thượng viện để xem xét thông qua.

VnExpress: Ông có bình luận gì về hành động di chuyển giàn khoan của Trung Quốc?

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin: Chúng tôi nhận thức được rằng việc này vẫn nằm trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Trong vụ tàu cá chìm, qua sự xuất hiện các tàu quân sự, chúng tôi thúc giục Trung Quốc xuống thang căng thẳng.

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, chúng tôi còn bàn về nhiều vấn đề khác.

Thanh Niên: Hành động của Trung Quốc ở biển Đông có phải xuất phát từ việc Mỹ đang vướng mắc các vấn đề khác và không có nguồn lực?

Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin: Tôi hiểu câu hỏi này, nhưng tôi không theo sát vấn đề. Mỹ luôn nhất quán trong việc chỉ trích các hành vi đơn phương của Trung Quốc.

Chúng tôi nhất quán trong vấn đề an ninh hàng hải và nhất quán trong việc ủng hộ ASEAN tiến tới thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Tại cuộc họp báo, Thượng nghị sĩ Cardin cho biết thêm một nghị quyết về hành động Trung Quốc trên biển Đông đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua và sẽ sớm được trình lên Thượng viện để xem xét thông qua.

Trước đó, vào ngày 27.5, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng ông Cardin, theo TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN; vi phạm pháp luật quốc tế nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Thượng viện Mỹ cực lực phản đối hành vi khiêu khích của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN; bày tỏ mong muốn các bên tích cực giải quyết vụ việc trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, ông Cardin cho biết vào ngày 27.5.

Thượng nghị sĩ Cardin nhấn mạnh Mỹ đặc biệt coi trọng quan hệ song phương với VN, mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực với VN, đặc biệt là quan hệ giữa hai Quốc hội.

Trường Sơn - Phúc Duy - Hoàng Uy