Mấy hôm nay, thông tin cậu bé Hào Anh (một thời bị hành hạ dã man) ngược đãi mẹ và cha dượng tràn ngập các báo. Về phía dư luận, khi nghe tin cậu bé “đáng thương” một thời bỗng dưng… bất hiếu(?) thì tỏ ra hụt hẫng, bàng hoàng thậm chí phẫn nộ, chửi bới xem Hào Anh như một kẻ vô ơn.
Cũng là một điều dễ hiểu, bởi nhớ lại cái ngày Hào Anh bị đánh đập dã man khi đi làm thuê, rồi được cứu, thông tin tràn lan trên các báo thì mỗi người đọc ai cũng mong muốn (và tin tưởng) một ngày Hào Anh sẽ trở thành một người tốt. Một cậu bé biết quên đi quá khứ đau đớn, biết sử dụng tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ, biết sống với cha mẹ hiếu thảo, biết sống hiền hòa… Tóm lại, Hào Anh trở thành tâm điểm của xã hội, cứ như việc “làm dâu trăm họ”. Mỗi bước đi, mỗi hành động của Hào Anh đều có các “camera giấu kín” quan sát.
Việc gì đến phải đến, năm Hào Anh 18 tuổi như “lời hứa của xã hội” cậu bé được thừa hưởng số tiền mà nhiều nhà hảo tâm quyên góp (khoảng 900 triệu đồng). Cậu xây nhà và nghiễm nhiên ngôi nhà mang tên cậu bé, số tiền còn lại cũng vậy. Chuyện một cậu bé 18 tuổi – cái tuổi làm ít suy nghĩ sâu sắc, làm theo cảm xúc phần nhiều bất đồng với cha mẹ vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng với Hào Anh phải là một câu chuyện bất thường. Bởi cả xã hội đang kỳ vọng vào cậu bé, đang “săm soi” từng đường đi, nước bước của cậu bé. Và cái ý nghĩ: “Hào Anh-mày phải là một cậu bé ngoan, không được hư dù chỉ một ý nghĩ.”- Dường như đã ăn sâu vào những người biết tên cậu bé.
Sự kỳ vọng ấy vô tình đặt lên vai Hào Anh một áp lực, không nghĩ đâu xa ngay mỗi chúng ta thôi chỉ bố mẹ đặt kỳ vọng vào việc học là đủ áp lực rồi. Đằng này, Hào Anh một cậu bé đang chuẩn bị bước vào đời được cả xã hội kỳ vọng thì áp lực ấy lớn đến chừng nào? Đó là chưa kể đến việc, cách giúp đỡ Hào Anh chỉ có phần “ngọn” (cho tiền) mà không có phần gốc (cho đi học).
Nhắc đến đây, tôi bỗng nhớ tới cậu bé Ishmael Beah -tác giả của cuốn hồi ký Dặm Dài Đã Qua, một chiến binh trẻ em. Cậu bé này có một tuổi thơ làm chiến binh với bắn và giết nên khi bước ra khỏi chiến trường cậu (và những người bạn) phải điều trị tâm lý rất lâu. Cái cách mà các điều trị viên Liên hợp quốc làm để Ishmael Beah quên đi những ám ảnh chiến tranh phải trải qua rất nhiều khó khăn. Nhắc tới cuốn hồi ký đó, để thấy dường như cậu bé chiến binh kia và Hào Anh có đôi chút tương đồng: Một quá khứ đầy ám ảnh. Nhưng với Hào Anh thì chúng ta đã làm được gì ngoài cho tiền và kỳ vọng?
Với một cậu bé 18 tuổi bỗng dưng có một số tiền thì … không tiêu mới là lạ! Có ai từng ở tuổi 18 mới hiểu được những “nông nỗi” của cái tuổi này. Mà “nông nỗi” ấy lại đi ngược kỳ vọng xã hội. Bi kịch của Hào Anh nằm ở đó!
Hãy nghe Hào Anh chia sẻ trên báo Thanh Niên: “Trong gia đình có nhiều chuyện lắm. Mẹ hay xen vào chuyện riêng của con, trong khi con rất nóng tính. Lúc giận con cũng hay đập đồ và đây cũng chính là nguyên nhân con và bạn gái chia tay, hiện con đã lớn, cái gì con sai, người lớn chỉ dạy nhưng đừng can thiệp quá sâu vào tình cảm riêng tư của con. Nhiều lần con nói với mẹ là đừng gọi điện cho bạn gái con, mà mẹ cứ gọi hoài, làm con cũng bực mình và ngại với bạn.”
Đọc những chia sẻ này mà tôi thấy mình và hình ảnh nhiều gia đình Việt Nam trong đó: Tuổi 18 chưa kịp suy nghĩ chín chắn, cha mẹ kỳ vọng, nhiều lúc can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái. Cứ sợ con cái thế này, thế kia.
Và cái mà cả xã hội kỳ vọng vào mới đáng sợ: “Giờ con muốn làm người tốt cũng khó quá! Con không ăn trộm, cũng bị cho là ăn trộm. Giờ con đi đâu, xin việc gì cũng có người nói ra, nói vào. Con nhuộm tóc, con đeo bông tai cũng bị để ý. Trong khi con làm những việc tốt, thì chẳng được ai quan tâm, động viên.” Nỗi khổ của Hào Anh chính là ở đó! Tưởng như được cả xã hội quan tâm mà không phải. Bởi sự thực “ai cũng tỏ ra hiểu mà chẳng ai hiểu”!
Hào Anh cũng là một người bình thường thôi, cớ sao cả xã hội cứ phải “làm quá” những câu chuyện của em?
Đọc những chia sẻ của Hào Anh, với những gì dư luận đang bàn tán, tôi bỗng nghĩ nếu cứ tiếp tục như thế thì: “Ai cho Hào Anh…lương thiện?”
Đức Lộc/ Triethocduongpho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét