Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Cảnh giác với hành động chia rẽ đoàn kết
VOV.VN - Những hành động đó làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tình hình an ninh chính trị quốc gia
Tại Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa VIII, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ sự lo lắng trước những vấn nạn của xã hội và thời đại nảy sinh trong nền kinh tế thị trường như lối sống hưởng thụ chạy theo vật chất, suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, nạn tiêu cực, tham nhũng…
Cảnh giác trước hành động chia rẽ sự nghiệp đoàn kết
“Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có những hoạt động tích cực để góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời xây dựng nếp sống hài hoà, quân bình về mặt tinh thần và vật chất. Đó cũng là tư tưởng giáo lý tích cực của Đạo Phật làm tốt Đạo đẹp Đời, là truyền thống lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua và mãi mãi về sau”- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ảnh: Hoàng Long)
Hòa thượng cho biết, là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên tăng ni, phật tử Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; "Ngày vì người nghèo”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, hiện nay tình hình trong nước vẫn còn xuất hiện những xuyên tạc về đời sống tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam của các thành phần xấu trong và ngoài nước, đòi hỏi mỗi Tăng ni, Phật tử Việt Nam không ngừng nêu cao cảnh giác trước những lời nói và việc làm của một số phần tử chia rẽ sự nghiệp đoàn kết, làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tình hình an ninh chính trị quốc gia.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tin tưởng rằng, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của mình, cộng với sự gắn bó khăng khít trong khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội nhất định thu được những thành tựu Phật sự quan trọng trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần vào sự thành công trong công cuộc đổi mới của đất nước’- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, trong tình hình mới ngày nay chúng ta phải không ngừng xây dựng, mở rộng và kiện toàn khối đại đoàn kết dân tộc ở trong nước và ở nước ngoài, phát huy truyền thống yêu nước của tất cả các cá nhân và các tổ chức xã hội, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và lấy đó làm nền tảng, làm sức mạnh, làm động lực để phát triển tương lai của đất nước.
Đẩy mạnh việc phát huy và thực hành dân chủ
“Thực tế đã chỉ ra rằng muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội để tham gia sâu vào quá trình quản lý đất nước của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc phát huy và thực hành dân chủ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nắm chắc tình hình của nhân dân, tập hợp và nêu cao ý kiến của nhân dân. Khi nhân dân phát huy được quyền làm chủ của mình, và sẽ hội họp trong niệm tình đoàn kết, thì các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tích cực xây dựng và bảo vệ đất nước, đi theo đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước”- Hòa thượng nói.
Góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng của hoạt động Mặt trận, Hòa thường Thích Thanh Nhiều cho rằng, trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự phát huy quyền và trách nhiệm trong vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng xã hội. Mặt trận phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân và truyền đạt những ý kiến đó tới Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cấp chính quyền giải quyết theo quy định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa của nhân dân.
Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo ra môi trường để tăng cường và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết các tôn giáo. Không tạo ra khoảng cách giữa đồng bào có đạo và giữa tín đồ các tôn giáo trong khu dân cư, trong cộng đồng xã hội bằng các chương trình mang tính đối thoại, hiểu biết và tôn trọng nhau nhằm xây dựng đời sống hòa hợp và đoàn kết.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, một trong những nhiệm vụ không thể thiếu là Mặt trận cần chủ động tham gia với Đảng, Nhà nước sớm hoàn thiện các chính sách, hành lang pháp lý, vừa tạo điều kiện, động viên các tôn giáo tham gia và phát huy thế mạnh của mình trong các hoạt động từ thiện xã hội… để các tu sĩ, nhất là tăng ni, phật tử tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
“Với trách nhiệm là một tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tích cực triển khai Chương trình hành động và Nghị quyết nhiệm kỳ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến các chùa, tự viện, tăng ni, phật tử trong toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài để thực hiện một cách có hiệu quả, trở thành hiện thực”- Hòa thường Thích Thanh Nhiễu khẳng định.
Minh Hòa- Thanh Hà/VOV.VN (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét