Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

CÔNG PHƯỢNG VÀ NGUY CƠ MẮC BỆNH SAO

Công Phượng và nguy cơ mắc bệnh sao

“Cầu thủ Học viện của tôi được giáo dục tốt, được học làm người trước khi học đá bóng nên tôi không sợ các em mắc bệnh ngôi sao dù được ca ngợi, tung hô”, bầu Đức quả quyết khi nói về các “gà nòi” của ông, đặc biệt là tiền đạo Công Phượng. Chưa chắc?

1. Tính cách của con người không những chịu sự ảnh hưởng bởi cách thức giáo dục mà còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xung quanh và tác động của những người sống bên cạnh. Tính cách con người vì vậy dễ thay đổi, không có gì bất biến như cách ông bà ta hay nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” hay “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”.

2. Bóng đá hay thể thao nói chung là môi trường phức tạp, tính ganh đua cao và cũng lắm thứ phù phiếm bởi ánh hào quang, lời ca ngợi khi VĐV gặt được thành quả. Các cầu thủ, VĐV vì vậy luôn phải đối mặt với cám dỗ để tránh bị sa ngã, mắc bệnh ngôi sao dễ hỏng sự nghiệp.

Nói về sự giáo dục, sự sâu sát thì chưa chắc cách thức giáo dục của Học viện HAGL Arsenal JMG hơn gì cách thức, môi trường giáo dục của những cô bé, cậu bé sống cùng cha mẹ và được cho ăn học đàng hoàng mà chúng ta vẫn thấy hằng ngày.

Thế nhưng, tại sao chúng ta đọc báo hằng ngày vẫn thấy nhiều thanh niên được giáo dục tốt, nhiều sinh viên hay cử nhân đại học vẫn sa ngã, vi phạm pháp luật, phải chăng họ không được giáo dục đến nơi đến chốn? Câu trả lời: Giáo dục chỉ là một phần, như đã nói, con người còn bị tác động bởi môi trường xung quanh vì sự sa ngã là không ai lường hết được.

Nói về cách thức giáo dục chắc chắn cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… cũng không hơn gì so với các cầu thủ trẻ ở Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan Tây Ban Nha. Vậy tại sao nhiều cầu thủ nổi tiếng ở châu Âu vẫn mắc bệnh ngôi sao, hợm hĩnh và sa ngã đủ thói hư tật xấu dù môi trường xã hội ở phương Tây chắc chắn tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều?

Bầu Đức đừng vội chủ quan mà cho rằng cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG của ông không mắc bệnh ngôi sao. Bầu Đức nên nhớ rằng, cầu thủ Học viện HAGL JMG của ông dù tốt đến đâu đi nữa nhưng khi trưởng thành, tốt nghiệp thì họ buộc phải rời trung tâm Hàm Rồng để hòa mình vào đời sống chung của bóng đá Việt Nam. Họ không thể là những con búp bê được trưng trong tủ kính, được “khử trùng” mãi được.

Đừng quá tự tin và chủ quan rằng cầu thủ Học viện HAGL JMG không thể bị hư!

3. Riêng về tiền đạo Công Phượng, người viết không rõ anh đã có biểu hiện gì của bệnh ngôi sao chưa? Tuy nhiên, ở giải U.19 ĐNÁ vừa rồi tại sân Mỹ Đình, Công Phượng đã có thái độ được coi là “không đúng”. Không phải là chuyện Công Phượng cầm bức hình biếm họa cưỡi Kangaroo do CĐV nào đó đưa cho, mà đấy là thái độ của Công Phượng khi các đồng đội của anh ghi bàn thắng.

Trong trận U.19 VN thắng U.19 Myanmar 4-1, cả 4 lần Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Long ghi bàn thì Công Phượng đều hờ hững, không chạy ra ăn mừng bàn thắng, chia vui với đồng đội giống như họ vẫn làm khi anh lập công. Lúc đó Công Phượng làm gì?

Khi đồng đội ghi bàn, chúng tôi để ý Công Phượng đi ra đường biên để lấy chai nước uống và làm điều đó đến vài lần khiến trọng tài bàn phải nhắc nhở, suýt nữa bảo trọng tài chính rút thẻ vàng vì cố tình vi phạm nguyên tắc cầu thủ không được tự ý bước khỏi sân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét