Từ giải phóng thủ đô, nghĩ về cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc
VOV.VN - Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.
1.
Ngày 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến gian khổ, đại quân ta tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội từ tay thực dân Pháp. Dẫu sau đó Tổ quốc còn phải kinh qua một chặng đường dài nữa mới sạch bóng quân thù, sự kiện này vẫn mở ra một trang mới của dân tộc trên hành trình tới độc lập tự do.
Mấy chục năm sau, đất nước đã hoàn toàn im tiếng súng, giang sơn liền một dải. Cả dân tộc bước vào giai đoạn mới đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong quá trình ấy, không ít người dường như bị cuốn vào công cuộc kinh doanh và giao thương. Đâu đó xuất hiện những tiếng nói lãng quên lịch sử. Có ai đó thắc mắc, rằng sao cứ nói hoài về chiến tranh, về nguy cơ thôn tính, về việc phải cảnh giác trước các thế lực thù địch.
Nhưng mặc cho xu hướng lớn hiện nay là hòa bình và đối thoại, tình hình thế giới đầu thế kỷ 21 vẫn không hề yên ả. Các cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia có chủ quyền đã diễn ra ở Afghanistan vào năm 2001, ở Iraq vào năm 2003. Chủ trương can thiệp của các nước lớn cũng không bỏ qua Libya vào năm 2011 và Syria kể từ đó năm đó đến nay. Khủng hoảng Ukraine bùng phát lên hồi cuối năm 2013 và vẫn căng thẳng cho đến hiện tại; quốc gia Đông Âu này chưa thoát ra khỏi thế giằng xé giữa Đông và Tây.
Riêng với người Việt, vụ giàn khoan Hải Dương-981 được hạ đặt trái phép và ngang nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông năm 2014 là một biến cố không thể nào quên. Cả dân tộc sục sôi trước việc chủ quyền bị xâm phạm và an ninh quốc gia bị đe dọa.
Giàn khoan Hải Dương-981
Ra đời vào năm 1945, Liên Hợp Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong gìn giữ hòa bình và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thế nhưng cũng kể từ năm 1945, thế giới vẫn bị chi phối bởi các nước lớn và những toan tính áp đặt ý chí của riêng mình lên các nước khác. Các quốc gia nhỏ vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của các cường quốc ở các mức độ khác nhau. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn xuất hiện các biểu hiện cường quyền, mưu toan thay đổi hiện trạng, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế.
Từ năm 1954 Việt Nam đã nằm trong toan tính của các nước lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dù đang ở thế thắng với trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chúng ta vẫn bị các nước lớn o ép từ nhiều phía.
Đến năm 1972 khi công cuộc giải phóng miền Nam gần đến ngày thắng lợi, chúng ta lại tiếp tục bị người ta “mặc cả” sau lưng và trên lưng. Những cuộc mặc cả kéo theo cái giá là máu của bao đồng bào và chiến sĩ ta cả trên chiến trường miền Nam lẫn trong cuộc tập kích chiến lược tàn bạo của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội và miền Bắc Tổ quốc năm đó. Đến những năm 1978-1979, các thế lực thù địch lại một lần nữa gây chiến với Việt Nam ở cả hai đầu đất nước, với âm mưu làm Việt Nam chảy máu và suy kiệt.
2.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến. Nhưng nội chiến chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó. Đa phần là chiến đấu với các thế lực ngoại bang nhằm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và bản sắc văn hóa đất nước.
Dân tộc Việt Nam dù không muốn cũng đã trở thành một dân tộc trận mạc. Dẫu cho người dân Việt Nam vốn chuộng thơ ca chứ không ham chiến trận, thích cầm cày hoặc bút hơn là gươm đao. Dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành quy luật của dân tộc Việt.
Lịch sử đã khiến dân tộc ta phải cầm vũ khí đứng lên bảo vệ không chỉ sự tồn vong của bản thân, mà còn cả nền văn hóa của nhiều dân tộc khác nữa. Dân tộc Việt thường phải bước vào những cuộc chiến đấu mới khi “trên mình còn lắm vết thương”. Dẫu vậy mỗi khi Tổ quốc gọi, lòng yêu nước nồng nàn lại dâng trào, triệu con dân nước Việt tha thiết thỉnh nguyện “Hãy cho tôi lên đường” đánh lui quân xâm lăng, bảo vệ biên thùy.
Các nam thanh niên tuổi 18 đôi mươi lên đường ra trận bảo vệ biên cương (ảnh tư liệu)
Ai đó thắc mắc có những quốc gia châu Á giành được độc lập từ phương Tây mà đâu cần đến bạo lực, vũ trang? Thực tế đó có. Nhưng vấn đề này phải nhìn nhận một cách hết sức cụ thể.
Trước hết, với vị trí địa chính trị đặc biệt của mình, Việt Nam bị nhiều thế lực nước ngoài nhòm ngó. Thời xưa đã vậy, bây giờ vẫn đúng. Mới đây trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Đại tướng Dempseyđã nhận định: Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt trong vùng, là cửa ngõ ra toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đại tướng Dempsey nói không ngoa. Về mặt địa lý và văn hóa, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Với địa thế của mình, Việt Nam tựa chiếc cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, nối Đông Bắc Á với Đông Nam Á, và nối Đông với Tây. Việt Nam lại sở hữu đường bờ biển dài (xét cả về mặt tuyệt đối và tương đối) án ngữ gần như toàn bộ bờ tây của Biển Đông - một vùng biển chiến lược nhất nhì thế giới. Trong thời đại của kinh tế biển, thì “mặt tiền” bờ biển dài của Việt Nam lại càng “có giá”.
Thứ hai, Việt Nam vẫn luôn là dân tộc hòa hiếu. Trước khi nổ ra cuộc chiến Việt-Pháp (1946-1954), chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực thương thuyết đến phút chót. Đối với nước Mỹ, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động bắt liên lạc với họ giai đoạn 1945 và mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị và thực chất giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng thời điểm đó và giai đoạn kế tiếp, cả người Pháp và Mỹ đều khước từ bàn tay hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi từ đấy, số phận dân tộc Việt lần lượt nằm trong vòng vây không chỉ của các thế lực thực dân đế quốc.
Thứ ba, ý thức danh dự của người Việt lớn lắm. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam nồng nàn lắm. Người Việt thà chết vinh còn hơn sống nhục. Chúng ta chiến đấu vì danh dự, vì bản sắc dân tộc hàng ngàn năm, vì các giá trị thiêng liêng của độc lập và tự do.
Thật xúc động biết bao tinh thần ái quốc và gìn giữ nền văn hóa dân tộc trong di ngôn của Hoàng đế Quang Trung thời kỳ đại phá quân Thanh xâm lược: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”
Trong giai đoạn 1960-1973, không chịu quỳ gối trước uy vũ, chúng ta đương đầu với những đòn đánh đau, hiểm của đế quốc Mỹ - một đối thủ có tiềm lực quân sự và kinh tế gấp ta nhiều lần. Ngay trong những trận giáp chiến đầu tiên giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân viễn chinh Mỹ, người Mỹ đều cố giáng đòn “nặng ký” dựa trên ưu thế tối đa về hỏa lực và tính cơ động nhằm nắn gân quân Giải phóng. Đến năm 1972, Mỹ lại một lần nữa dùng sức mạnh của máy móc, của vũ khí tối tân làm rung chuyển bầu trời và mặt đất Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp (ngoại trừ hôm Noel). Tất nhiên trong các cuộc đọ sức đó, người Việt không bao giờ chịu khuất phục.
Việt Nam hướng tới một nền độc lập tự do thực chất, toàn diện, chứ không giả hiệu hay phiến diện. Nền độc lập bền vững, lâu dài, cho các thế hệ mai sau. Người Việt Nam luôn khẳng định bản lĩnh của mình và dị ứng với mọi biểu hiện của chủ nghĩa can thiệp từ các thế lực ngoại bang.
Vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực (ảnh: Operation World)
Không những vậy, thời phong kiến, dân tộc Việt đã góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong Đông Nam Á khi chặn đứng vó ngựa của các triều đại Trung Quốc và đế chế Nguyên Mông ôm mộng bành trướng xuống toàn khu vực. Lịch sử đã trao cho Việt Nam sứ mệnh thiêng liêng và vinh quang đó.
3.
Trong hàng triệu triệu con dân nước Việt, Hồ Chí Minh là đại diện ưu tú và tiêu biểu của dân tộc về tinh thần độc lập tự do.
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ra đi tìm đường cứu quốc đã mang theo khát vọng cháy bỏng “độc lập cho dân tộc tôi, tự do cho đồng bào tôi”.
Vào tháng 7/1945 (giai đoạn chuẩn bị cho Khởi nghĩa giành chính quyền), dù đang ốm nặng, Hồ Chí Minh vẫn dặn đồng chí của mình: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Tháng 9/1945 Người trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam độc lập mới trước toàn thể quốc dân đồng bào và cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập
Những chữ “độc lập tự do” được vang lên nhiều lần trong Bản Tuyên ngôn Độc lập thứ 3 của dân tộc (sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà và bài Bình Ngô Đại cáo).
Đến năm 1946, sau những nỗ lực cứu vãn hòa bình ở Đông Dương bất thành (do phía Pháp thiếu thiện chí), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến bất hủ, thấm đượm ý chí và cốt cách dân tộc Việt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Sau khi Mỹ chính thức đưa hàng vạn quân viễn chinh và quân chư hầu vào miền nam Việt Nam kết hợp đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, vào ngày 17/7/1966, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời Hồ Chủ tịch hiệu triệu toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tǎng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”
Tinh thần độc lập ở đây không chỉ nằm trong ý chí mà còn trong cách tư duy, trong vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
Đã có những lời đề nghị đưa quân vào Việt Nam để giúp Việt Nam đánh Mỹ. Nhưng Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã tỉnh táo thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, tránh nguy cơ quân sự và sự lệ thuộc về chính trị từ những đề nghị đó.
Ngay cả khi nhận viện trợ quân sự từ một số nước anh em, chúng ta vẫn thể hiện tư duy độc lập, tiến hành kháng chiến theo kiểu của Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của cố vấn nước ngoài nhưng cách đánh vẫn là của Việt Nam. Câu chuyện kéo pháo ra tại Điên Biên Phủ (để chuyển từ phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc trong chiến dịch này) hay việc mạnh dạn xây dựng lối đánh chính quy cấp sư đoàn (không dừng lại ở “trường kỳ mai phục” nữa) trong kháng chiến chống Mỹ là minh chứng sống động cho tinh thần độc lập sáng tạo ấy.
Các nữ chiến sĩ thông tin của QĐNDVN ở ngoài tiền tuyến. Trước các đội quân xâm lược đông hơn rất nhiều, chúng ta áp dụng chiến tranh nhân dân, huy động sự tham gia của mọi giới (ảnh tư liệu)
Có thể nói luận điểm Độc lập tự do là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21.
Hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc Việt Nam (khác với nhiều dân tộc, quốc gia khác) khiến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một tất yếu lịch sử, và việc Đảng lên nắm quyền là đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc và nhân dân lao động. Đó không phải là sự ngẫu nhiên lịch sử hay sự áp đặt ý chí của một vài người. Đó là đặc thù biện chứng của Việt Nam trong thời hiện đại. Không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng vì Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại, đã đi sâu vào quần chúng và hòa quyện với dân tộc. Đồng bào trìu mến gọi Đảng là Đảng ta và tự hào nhìn thấy ở Đảng danh dự, lương tâm và trí tuệ của thời đại chúng ta.
Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước rồi mới đến là người cộng sản. Khác với nhiều đảng công nhân khác, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp nhuần nhị giữa chủ nghĩa Marx-Lenin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam lập được nhiều chiến công hiển hách là vì đã gương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta ý thức rõ ràng rằng độc lập tự do là nền tảng cho tất cả. Tinh thần này mang tính phổ quát và thời đại sâu sắc. Không có độc lập tự do thì không thể phát triển, phồn thịnh, hạnh phúc được. Mỗi cá nhân và mỗi dân tộc đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nước mất thì nhà tan. Không có độc lập dân tộc thì không thể bảo đảm tự do cho cá nhân và giai cấp.
Trên tinh thần đó các thế hệ tiền bối của chúng ta đã chủ động “đem sức ta tự giải phóng cho ta” vào mùa thu 1945. Tư tưởng độc lập tự do tiếp tục trở thành động lực mạnh mẽ cho cuộc trường chinh sau đó của cả dân tộc Việt Nam.
Các thế hệ người Việt ngày nay vẫn cần tiếp tục quán triệt tư tưởng này. Trước hết là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, rồi đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Một mặt chúng ta phải hội nhập quốc tế sâu hơn nữa, mặt khác phải giữ được tính tự chủ và bản sắc của mình, hòa nhập nhưng không hòa tan.
Tất nhiên giữ bản sắc không phải là tự cô lập hay bế quan tỏa cảng, mà là đóng góp tích cực cho một thế giới thống nhất trong đa dạng, như ông cha ta đã từng đóng góp cho nhân loại./.
Trung Hiếu/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét