Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

ĐẠO ĐỨC NHÀ BÁO Ở ĐÂU TRONG KỶ NGUYÊN SỐ?


Đạo đức nhà báo ở đâu trong thời kỷ nguyên số?

Đây là bài đăng trên báo Pháp Luật - “Hành nghề một cách có trách nhiệm, lương tâm, giữ gìn danh dự và bản lĩnh nghề nghiệp là yêu cầu lớn nhất về đạo đức đối với người làm báo trong giai đoạn hiện nay”.

Đọc thêm bài:


1. Nhất: Thiên tâm, cắt xén và xuyên tạc
2. Phóng viên Dâm đãng

Nhà báo Nguyễn Văn Phúc Cường (Hội Nhà báo Tiền Giang) nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Người làm báo trong kỷ nguyên số” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức ngày 25-4, tại TP.HCM.

Tại hội thảo, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời kỷ nguyên số, khi mà các báo điện tử phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút độc giả, tăng lượng “page view”. “Câu chuyện về đạo đức của người làm báo không bao giờ cũ. Tôi không thể hiểu được những kiểu làm báo giật tít thế này “MPT ngồi “dạng háng” ăn bún đậu mắm tôm”, hay“Ông lão đột tử khi nghe tin người tình 72 tuổi… có thai?”...” - nhà báo Phạm Thục (TP.HCM) chia sẻ. Theo nhà báo Phạm Thục, mỗi người làm báo trong kỷ nguyên số cần phải giữ được cho mình “cái thắng” để giảm bớt những sự bốc đồng trong việc tiếp cận, chọn lọc đưa thông tin, tránh những kiểu thông tin giật gân, câu khách mà không cần biết nó gây ra tác hại gì cho cộng đồng, xã hội.

Dẫn lại sự cố “cha chồng dính chặt nàng dâu” - một bản tin được phóng viên “sáng tác” từ câu chuyện phiếm của một bác sĩ - nhà báo Nguyễn Văn Phúc Cường nhấn mạnh đó là “vết thương khá sâu” trong làng báo. Và để tránh những sự cố đáng tiếc ấy, theo ông Cường, “mỗi nhà báo phải hiểu rằng khi mình đưa bất kỳ thông tin nào lên mặt báo, đó là chúng ta đang thực hiện trọng trách góp phần định hướng dư luận xã hội. Vì vậy việc khai thác và xử lý thông tin của nhà báo cần phải hết sức khách quan, trung thực. Đó không chỉ là trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân mà còn là đạo đức của người làm báo”.


Nguồn: TTH/ Pháp Luật

BỘ TRƯỞNG THĂNG: VIỆC QUAN ANH CỨ PHÉP CÔNG MÀ LÀM


(ĐSPL) - Có người bảo những gì Bộ trưởng Đinh La Thăng làm là thể hiện quyền uy, nhưng sự quyết liệt của ông đã kéo dài hai năm, có lẽ phải nhìn nhận đó là những hành động trách nhiệm.

Người dân lại một lần nữa cảm thấy phấn khích với sự quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi ông nhanh chóng quyết định tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Thắng. Động thái quyết liệt này xảy ra chỉ một ngày sau phát ngôn “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” của ông Cục trưởng Cục Đường sắt về Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 339 triệu USD.

Điều đáng nói là, quyết định của Bộ trưởng Thăng xảy ra sau khi đối chiếu với băng ghi âm mà báo giới cung cấp. Bộ GTVT nhận định rằng: Phát ngôn của ông Cục trưởng là không đúng, thiếu trách nhiệm, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng người dân đã biết đến kể từ khi ông mới nhậm chức. Còn nhớ, ngày 4/10/2011, tức là chỉ sau 2 tháng nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã “trảm tướng” ngay tại công trường nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Khi trảm tướng, Bộ trưởng Thăng khẳng định: Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của người mà ông chọn thay thế “tướng bị trảm” trước đó.

Lúc ấy, người dân cảm thấy phấn khích vì sự quyết liệt vốn ít xảy ra trong điều hành công vụ trước đây. Một số ý kiến cũng tỏ ra “nghi ngờ” rằng: Liệu sự quyết liệt này sẽ tồn tại trong bao lâu? Thì đây, suốt hơn 2 năm giữ cương vị tư lệnh ngành GTVT, đã có nhiều vụ việc thể hiện sự quyết liệt của Bộ trưởng. Ông loại bỏ nhà thầu Dự án QL3 mới, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, xử lý giám đốc Sở GTVT Hải Phòng… Thế nhưng, ông cũng biết rút lại quyết định “trảm tướng” của mình khi hiểu ra hoàn cảnh của họ như đối với Giám đốc Cảng hàng không Nha Trang. Vì ông cho rằng, cái gì cũng phải có lý, có tình.

Bộ trưởng Thăng không dừng lại ở việc “trảm tướng”. Ông xử lý những “tô mì tôm” có giá ngất ngưởng tại các sân bay, ông tìm việc cho thủ khoa thất nghiệp La Văn Ngọ, ông quyết định xây cầu Sam Lang sau khi báo chí phản ánh, ông thăm nhà cựu nữ thanh niên xung phong Thái Xuân Lai dưới cơn mưa tầm tã và rất nhanh chóng sau đó, người con gái thanh niên xung phong ngày nào đã có nhà để ở, ông bỏ tham gia một lễ khởi công để có mặt tại Cần Giờ sau khi vụ chìm tàu tại đây xảy ra đêm hôm trước.

Phần nhiều ý kiến cho rằng, những việc làm của Bộ trưởng Thăng đã ghi dấu ấn tốt. Ở một góc độ nào đó, Bộ trưởng Thăng có lẽ không phải quan tâm đến những chuyện “vi mô” như trên nếu như cấp dưới của ông và nền công vụ của chúng ta năng động. Nhưng trong khi phong cách làm việc hành chính quan liêu còn ì ạch, “chậm tiến độ”, thì những hành động, việc làm của Bộ trưởng Thăng cũng có những tác động tốt đến xã hội, đến cấp dưới của ông như một tấm gương tốt, một điểm sáng…

Trong việc đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt VN vừa xảy ra, có lẽ cực chẳng đã Bộ trưởng Thăng mới phải đưa ra quyết định như vậy. Và hẳn nhiên, có lẽ ông Cục trưởng cũng không bao giờ nghĩ rằng, phát ngôn của mình lại đem đến hậu quả nhãn tiền như thế. Trong cuộc trao đổi mới đây với Đời sống và Pháp luật, cựu thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chia sẻ rằng: việc “nóng giận”, phát ngôn thiếu kiềm chế với báo chí là điều “tối kị”, và người được phân công trả lời báo chí cần phải có kỹ năng, có bản lĩnh. Có lẽ ông Cục trưởng đã không giữ được bình tĩnh khi bị báo giới “chất vấn”, khiến ông Bộ trưởng lại phải nhọc lòng ra quyết định nghiêm minh. Trước nhiều những phát ngôn của quan chức gây bức xúc dư luận thời gian gần đây về “đường cong mềm mại”, về “không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch”, về “con số 34.000 tỷ là một sai sót đáng tiếc”… cách xử lý của Bộ trưởng Thăng đối với phát ngôn “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” là một cách xử lý tốt và quyết liệt.

Hẳn những người theo dõi lĩnh vực GTVT cũng phải thừa nhận rằng, dù còn đó những ngổn ngang, những đề xuất còn chưa được công luận ủng hộ, nhưng ngành này đã có những chuyển biến tích cực. Trong phát biểu nhậm chức Bộ trưởng GTVT cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng Thăng đã nói: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Chưa biết ông Bộ trưởng có được toàn quyền như ông đề nghị hay không, nhưng những gì ông làm hẳn cũng khiến dư luận nức lòng. Có người bảo những gì ông làm là thể hiện quyền uy, nhưng sự quyết liệt của ông đã kéo dài hai năm, có lẽ phải nhìn nhận đó là những hành động trách nhiệm.

Bao nhiêu tướng đã bị ông Bộ trưởng “trảm”? Bao nhiêu vụ việc đã được xử lý? Điều đó có lẽ đã không còn quan trọng. Vì rõ ràng, những công trình thuộc lĩnh vực giao thông từ ngày Bộ trưởng Thăng ngồi “ghế nóng” đã bớt đi tình trạng “chậm tiến độ”. Kết quả này cho thấy: việc “trảm tướng” đã tạo ra hiệu ứng tốt, chứ không đến nỗi “thiếu người làm việc” như có ý kiến đã từng lo ngại.

CHÂN LUẬN

VẪN CHƯA HẠ MÀN?

Cuteo@

Dư luận đang tập trung vào vụ dịch sởi làm hơn trăm cháu bé tử vong. Đó quả là sự tắc tránh của chúng ta, và như Thủ tướng kết luận: 
Nguyên nhân chính là tiêm chủng thì vừa qua có khuyết điểm tuyên truyền chưa tốt. Không trách dân được, mà phải thấy khuyết điểm của chúng ta. Tuyên truyền chưa đủ nên dân cứ rỉ tai nhau mua hạt mùi phòng sởi mà có ích gì đâu. Tuyên truyền không tốt nên bà con mới dồn lên trung ương chứ sởi thì bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng điều trị được mà.
Và: 
Vừa qua mà chỉ đạo tốt thì tỉ lệ tiêm chủng đã cao, đã không để dồn bệnh nhân một chỗ gây lây chéo.
Có lỗi thì phải nghiêm túc nhìn nhận và sửa sai, chớ nên thanh minh thanh nga. Càng PR, bà Tiến càng mất điểm. 

Sáng nay, một bạn bức xúc với cách hành xử của ngành y, đã gửi đến cho Tre Làng một đoạn STT. Nó ngắn, nhưng có lẽ đã phản ánh đúng bức tranh hiện thực về thái độ trách nhiệm, cũng như y đức của cán bộ ngành y dưới con mắt của người dân.


Đoạn STT nguyên văn thế này:
Vào viện thăm Coca và mấy đứa, nghe mẹ ku Tí kể chuyện "Chị ơi, sáng nay BT lại vào thăm đấy. Xách rất nhiều quà, hẳn 1 xe đẩy, để mỗi giường 1 túi. Chụp ảnh quay phim xong, có nhân viên phía sau... lấy lại quà, với lời hẹn: sẽ chuyển lại sau. Nhanh lắm chị ạ, em chả nhìn rõ mặt, vì bịt khẩu trang kín mít. Có mỗi 1 bà nói với theo: Ts, chúng mày chỉ làm trò là nhanh thôi".Là như nào?!?! Sân khấu của mấy vị vẫn chưa hạ màn à?P/S: Họ - Những người mẹ đang ngày đêm chăm con, không màng đến bất cứ phù phiếm gì của đời, đã và đang phải chứng kiến tấn trò đời do các vị dựng lên. Họ - Những minh chứng sống, chứ ko phải là ví dụ minh họa cho các bài báo, bức xúc kể lại. Ai cảm thấy nửa tin nửa ngờ, có thể vào phòng 103, 104 khoa Nhi - Việt Nhật - Bạch Mai để hỏi lại cảm giác của họ, về những gì họ đã và đang chứng kiến. Tôi - Một bà mẹ đã từng chăm con trong đại dịch sởi, có đôi lời chia sẻ. — feeling lostwith Thu Trang Nguyễn and6 others.
Có lẽ Bộ trưởng Tiến nên đọc STT này để biết người dân nghĩ gì về bà và ngành y. Nói thẳng ra, người dân bảo bà vẫn đang diễn! 

Các bạn cũng có thể góp sức cải thiện bộ mặt ngành y bằng cách share entry này tới đông đạo người đọc khác, nhất là cánh bộ ngành y.


Chốt hạ

MỘT VÍ DỤ VỀ "TỰ DO BÁO CHÍ" KIỂU MỸ

Một ví dụ về “Tự do báo chí” xứ Huê Kỳ!

Trong khi dạy dỗ các quốc gia khác về “tự do báo chí” thì Mỹ lại tự mình làm tấm gương tồi tệ về tự do báo chí.

Sharyl Attkisson, phóng viên điều tra hàng đầu của CBS: phải ra đi, từ chức, trôi nổi, không chỗ làm, bị coi là kẻ ngoài cuộc, đào ngũ, phản bội, lập dị và bị nghiền nát bởi búa rìu dư luận... sau những phóng sự điều tra đình đám vạch trần giấu giếm che đậy của truyền thông Mỹ.

Vì đâu nên nỗi? Chỉ vì Sharyl Attkisson dám nói thật và trở nên nguy hiểm đối với công chúng Mỹ. Ví dụ, chính Attkisson đã phơi bày tất cả những gì chính quyền Obama che đậy trong vụ bê bối Benghazi dẫn đến lãnh sự quán và nhà ngoại giao Mỹ bị quân phiến loạn làm nhục và giết chết. Các ông chủ ở hãng tin CBS đã bắt cô câm miệng.

Mấu chốt chính là anh em nhà Rhodes cố vấn an ninh trong chính quyền Obama và cũng làm chủ tịch hãng tin CBS.

Ben Rhodes làm phó cố vấn an ninh quốc gia cho Obama và được giao viết các bài phát biểu cho ông ta. Vào tháng 9 năm 2012, Ben là "công cụ" trong việc thay đổi câu chuyện của Nhà Trắng về những gì đã xảy ra ở Benghazi (theo ABC News).

Còn David Rhodes là chủ tịch của CBS News, nơi Attkisson làm việc và điều tra những giấu giếm trong vụ Benghazi.

Máy tính của Attkisson bị đột nhập, nhà mạng thừa nhận điều này và nói “họ đang điều tra” và vẫn đang điều tra. Kẻ nào đã làm điều này? CBS? Nhà Trắng? NSA?

Ngoài vụ Benghazi, Attkisson còn có những phóng sự điều tra khác được đánh giá cao, năm 2009, Attkisson công kích dịch Cúm Heo (Swine Flu) và phát hiện ra rằng CDC (Centers for Disease Control and Prevention), nơi được giao nhiệm vụ theo dõi số lượng các trường hợp bùng phát cúm, đã giấu diếm điều gì đó.

Không chỉ có vậy, CDC cố tình thổi phồng mức độ nguy hiểm của Swine Flu trong khi chẳng có cách gì đo lường tác động thực sự của nó.

Tiến sĩ Peter Doshi, rất lâu sau khi toàn bộ dịch cúm qua đi, đã viết một bài báo cho Tạp chí y học Anh, trong đó ông nghi ngờ hàng trăm ngàn mẫu bệnh phẩm bị nghi ngờ và chẩn đoán cúm gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và chỉ có khoảng 16% các mẫu hóa ra là dương tính với bệnh cúm.

Điều đó có nghĩa là, rất tức cười, hầu hết những người bị cho là mắc cúm lợn không được bảo vệ bởi bất kỳ loại vắc-xin cúm nào, thậm chí với giả định rằng vắc-xin này rất hữu dụng và hiệu quả ... bởi vì đơn giản là họ không bị mắc cúm lợn.

Attkisson đã viết về phát hiện của tiến sĩ Doshi, và đó là lý do tại sao CDC đã buộc phải dừng tính đếm các trường hợp bị cúm lợn.

Sự việc bại lộ ra, một số lượng lớn những người đã được chẩn đoán mắc cúm lợn thực ra không có bất kỳ loại cúm nào cả.

Nhưng câu chuyện của Attkisson làm các ông chủ CBS bực bội. Cho dù nó là quả bom thực sự nổ tung trước công chúng Mỹ.

Đó là bài báo trên CBS News tháng 4-2011, "Vắc xin và bệnh tự kỷ: một đánh giá khoa học mới". Cô đập tan quan điểm cho rằng mối liên quan vắc xin tự kỷ là một vấn đề chết chóc. Nó gần như là một vụ nổi loạn trên truyền thông, khi giới này cho rằng họ có nghĩa vụ phải đối xử với vắc-xin, tất cả các loại vắc-xin, như lễ vật linh thiêng của Cartel dược phẩm. Phải ca ngợi các tập đoàn dược, phải cúi đầu và không bao giờ được buộc tội họ làm hại bất cứ cái gì.

Sumner Redstone, chủ tịch điều hành của CBS, có món hời lớn đối với vắc-xin. Quỹ của ông ta tuyên rằng: Đóng góp của Quỹ Sumner Redstone cho dự án giảm nghèo toàn cầu tăng lên $118 triệu trong cam kết đối với vắc xin..."

Cũng rõ là Attkisson đã giẫm lên chân Sumner Redstone, một cú nặng nề. Quỹ Redstone cũng đã quyên góp 1 triệu USD cho tổ chức từ thiện gọi là Autism Speaks, để hỗ trợ thử nghiệm di truyền chẩn đoán bệnh tự kỷ. Rõ ràng là quỹ từ thiện này không quan tâm đến việc khơi lại những tranh cãi về vắc-xin bệnh tự kỷ và phơi bày ra thực tế là họ chắc chắn có liên quan gì đó.

Liệu người nổi tiếng như Attkisson có về FOX News hay CNN để kiếm việc? Rõ ràng cái thứ truyền thông Fox và CNN đã quá bẩn như cái nhà WC công cộng để Attkisson phải hạ mình. Tất nhiên vẫn còn những hãng khác, nhưng theo truyền thống, sẽ không có bất cứ kẻ nào dám chào đón những nạn nhân của truyền thông Mỹ như cô.

BỘ TRƯỞNG GIÀNG SEO PHỬ: CỤC SẮT THÌ THAM Ô, THAM NHŨNG CÁI GÌ?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì (?!)

Gia đình anh Cao Chờn (Minh Hóa, Quảng Trị) chuẩn bị bữa cơm chiều chỉ có măng rừng và cơm trắng. Ảnh: Hải Nguyễn.

Giải trình về chuyện thiết bị dự án điện mặt trời nằm phơi mưa phơi nắng, Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định “không có chuyện thất thoát cả tỉ USD”. “Dự án Phần Lan tài trợ ODA toàn bộ bằng vật tư, không có tiền mặt, có vấn đề do vị trí lắp đặt. Sai sót chứ không có tham ô, tham nhũng. Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì” - ông nói.

Không có thất thoát!

Những câu hỏi về chuyện thất thoát, tham ô, tham nhũng tiêu cực trong việc thực hiện chính sách xóa nghèo đã được thẳng thắn đặt ra trong phiên giải trình thực hiện chính sách xóa nghèo sáng 25.4.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì nói về “hiện tượng lợi dụng, lạm dụng chính sách không ít”. Ông Phong nêu dẫn chứng: “Ví dụ lợi dụng cử tuyển, đa số (con em) người Kinh gài vào. Nội trú 10 người báo 20-30 người. Một đối tượng học 5-7 nghề, nhưng không ứng dụng được vào thực tiễn”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Sĩ Cương thì nhắc lại câu chuyện người dân không hề được biết đến đồng vốn vay xóa nghèo, trong khi khắp nơi lập danh sách giả, chữ ký giả để dùng vốn đó cho vay nặng lãi: “Gói cho dự án xóa nghèo trở thành nguồn vốn của ngân hàng cấp tỉnh” - ông Cương nói.

Hướng về phía Bộ trưởng Giàng Seo Phử, ông Cương nhắc lại rằng, ông đã gửi chất vấn bộ trưởng xung quanh chuyện lãng phí ở dự án điện mặt trời: “Đó là tiền tỉ, và là tỉ USD đang phơi mưa phơi nắng, trong khi kết quả xử lý không công bố. Kết quả kiểm tra không ai biết. Tôi đã chất vấn và được trả lời rằng đang thi công”. Đây là “nói về sự thật bằng một điều không thật”.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử mở đầu bằng đề nghị “đồng chí Cương thông cảm”, nhưng ngay sau đó, ông cương quyết khẳng định “không có thất thoát. Nói thất thoát cả tỉ USD là không đúng”. Bởi theo ông: Dự án do Phần Lan tài trợ ODA toàn bộ bằng vật tư, không có tiền mặt, có vấn đề do vị trí lắp đặt. Sai sót chứ không có tham ô, tham nhũng. Cục sắt thì tham ô, tham nhũng cái gì”.

Riêng việc xử lý, bộ trưởng cho hay, uỷ ban đã thành lập đoàn thanh tra, chỉ còn chờ ý kiến HĐ kỷ luật để xử lý. “Chúng tôi làm nghiêm và không có bao che”- ông Phử nói.

Những lỗ hổng chính sách

Cùng tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu con số 38 cuộc thanh tra mà Bộ Tài chính đã tổ chức trong năm 2013, nhưng theo bà Mai, trong số tiền kiến nghị xử lý hơn 2.000 tỉ chưa thể “tách riêng xử lý trong việc thực hiện chính sách dân tộc”. “Những chương trình chi lớn như BHYT cho bà con thì có thanh tra chuyên đề. Chúng tôi kết luận cấp trùng 1,4 triệu đối tượng. Thu hồi lại 624 tỉ” - thứ trưởng nói.

Trả lời ĐBQH Đặng Thuần Phong về những lỗ hổng chính sách khi công tác xóa nghèo chưa hình thành vùng hàng hóa tập trung, chưa có kết nối sản phẩm miền núi - đồng bằng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu hàng loạt những giải pháp mà ông sẽ áp dụng. Đó là việc hỗ trợ mạnh để đồng bào chuyển sang phát triển sản xuất hàng hóa thay vì tự cấp tự túc.

Rà soát lại quy hoạch, chọn cây trồng vật nuôi không chỉ là ưu thế địa phương mà còn có thể bán trên thị trường. Rà soát công tác khuyến nông, bởi “không thể làm khuyến nông cho đồng bào mà không biết tiếng dân tộc đó”…

Báo cáo giám sát công tác giảm nghèo sẽ được đưa ra QH trong phiên họp tháng 5 tới.

Công tác xóa nghèo qua các phát ngôn nghị trường

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Di cư là vấn đề lịch sử, không bao giờ có thể dừng được. Chúng ta đặt ra mục tiêu năm 1972 sẽ chấm dứt, nhưng nói bao giờ thì hôm nay tôi cũng chưa đủ thẩm quyền để có thể nói. Không thể kiếm soát được, chỉ hạn chế được đến đâu thôi. Trách nhiệm này thuộc về địa phương. Dân cư, hộ khẩu địa phương nắm. Đoàn ĐBQH địa phương trước tình hình ấy cũng ứng xử thế nào? Có trách nhiệm không? Tôi thấy lăn tăn, phân vân. Không thể chỉ khoán trắng (cho Ủy ban Dân tộc) được.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út: Đồng bào mất đất do thu hồi, nhất là sân golf, khu công nghiệp, thủy điện… Tại sao đồng bào không có đất, thiếu đất khi xung quanh là 6 triệu hécta đất nông, lâm nghiệp đang sử dụng thiếu hiệu quả, không đúng mục đích.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Ở Tây Nguyên, có vùng cả thôn không có người tốt nghiệp phổ thông. Những cánh đồng bạt ngàn ngô khoai sắn, cây công nghiệp nhưng của người Kinh, đồng bào đi làm thuê. Hỏi sao không vay tiền. Đồng bào trả lời: Không biết vay tiền chính sách làm gì, lấy đâu để trả. Nhiều gia đình “mẹ làm thuê, bố ở nhà trông con. Hũ gạo thì ít, hũ rượu thì nhiều”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đầu tư 1km đường miền núi khó khăn biết bao nhiêu. Mỗi ngành phải có trách nhiệm nâng cao dân trí cho đồng bào.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Có những chương trình y tế, nhà ở, giáo dục thì đã hỗ trợ đảm bảo 100% vốn. Bố trí đủ ngân sách là mong muốn của tất cả các bộ ngành, đồng bào; tuy nhiên, NSNN những năm tới còn dự báo rất khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Các đồng chí nói đủ nguồn lực, nhưng tôi thấy đa số các chính sách, thậm chí Thủ tướng đã duyệt mới đáp ứng chưa được 50% nguồn vốn.

TRUY TRÁCH NHIỆM VỤ ĐỘI VỐN ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO HƠN 300 TRIỆU ĐÔ

Liên quan đến việc dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn 399 triệu USD, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan làm kiểm điểm và trách nhiệm.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng, các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định, tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), phối hợp với các Bộ ngành làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án.

Trước đó, Ban Quản lý Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết nguyên nhân phải điều chỉnh dự án và tăng vốn đầu tư vì trong quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh, chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.

Ảnh: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội 399 triệu USD

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư.

Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC) là nhà thầu thi công duy nhất thực hiện của dự án theo quy định về chỉ định thầu với dự án sử dụng vốn ODA và thực hiện thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp.

“Dự án trải qua thời gian khá dài, được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004 và quyết định đầu tư vào tháng 10/2008, cho đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư đã duyệt năm 2008 là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD, tuy nhiên tính toán của chủ đầu tư và Tedi cho thấy giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD. Dự án là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp nên các đơn vị làm dự án chưa có nhiều kinh nghiệm…” - Ban Quản lý Dự án lý giải.

Một điều đáng nói khác trong dự án này là cả Chủ đầu tư lẫn Tổng thầu đều lần đầu tiên thực hiện hợp đồng EPC nên các điều khoản hợp đồng thống nhất lấy theo mẫu hợp đồng EPC của FIDIC, nhưng việc cụ thể hóa thành các điều khoản chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của dự án lại chưa được xây dựng đầy đủ, nên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp và phải thảo luận kỹ mới thống nhất được.

Các quy định hiện hành của Việt Nam không quy định cụ thể về nội dung quản lý và trách nhiệm của Chủ đầu tư trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật (TKKT), phê duyệt TKKT và thiết kế bảo vệ thi công đối với hình thức hợp đồng tổng thầu EPC.

Theo thông lệ quốc tế, tổng thầu EPC chịu trách nhiệm toàn bộ về việc triển khai dự án, Chủ đầu tư chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát về chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên, theo quy định quản lý đầu tư xây dựng của Việt Nam, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng và tiến độ của công trình và phải thực hiện các công việc quản lý chi tiết cho từng hạng mục công việc.

Dự kiến, tháng 1/2015 Bộ GTVT sẽ cho chạy thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông và chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2015

TƯỚNG HOÀNG KÔNG TƯ NÓI VỀ BÀI DƯƠNG CHÍ DŨNG VÀ NHỮNG TRIỆU ĐÔ LA

Tướng Hoàng Kông Tư nói về bài 'Dương Chí Dũng và những triệu đô la'

Ngày 25/4, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã trả lời về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4.

- Xin Trung tướng cho biết quan điểm về việc ngày 24/4/2014, trong bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4/2014 có nêu nội dung: “Theo ông Dũng, người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệp. Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang”.

Trước hết, tôi khẳng định thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vì trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng có khai người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và xác định người tên Tiệc như Dương Chí Dũng khai là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, TP.HCM, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Ngô Xuân Tiệc và ông Tiệc đã viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai.

- Thông tin trên của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt được xử lý thế nào?

Ngày 25/4/2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quá trình điều tra, nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án Vu khống và xử lý theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Xin cảm ơn Trung tướng!

Nguồn: VietNamNet