Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

LÀM BỘ TRƯỞNG NGÀY CÀNG KHÓ

Làm bộ trưởng ngày càng khó

Đinh Duy Hòa

VNN - Điều khiến cho làm bộ trưởng thời nay ngày càng khó hơn - một khi bộ trưởng trình làng, hoạt động thì cả xã hội, người dân đều có cơ hội xem xét, đánh giá. Xã hội ngày càng cởi mở hơn, công khai hơn, thông tin ngày càng cập nhật và đa chiều hơn. Bộ trưởng đi đâu, làm gì, phát ngôn ra sao, chỉ ít phút sau cả xã hội đều tỏ.

Hãy xem phản ứng, bình luận của dân chúng sau các phiên trả lời chất vấn của bộ trưởng tại Quốc hội là rõ. Có bộ trưởng hỏi A lại trả lời B, vòng vo tam quốc. Năng lực hay kém năng lực thế là quá rõ. Thể chế, chính sách do các vị tư lệnh ngành tham mưu để Quốc hội, Chính phủ quyết đáp đến lúc triển khai gây hậu quả nghiêm trọng thì lúc đó bộ trưởng cũng lĩnh đủ.

Cũng giống như các nước, bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế… ở ta đang ngày càng đối mặt với xã hội, với người dân nhiều hơn bởi một lẽ hết sức đơn giản: những việc các vị này làm tác động trực tiếp tới đời sống của mọi người dân trong xã hội.

Và chính trong một môi trường xã hội đã thay đổi như vậy, vị bộ trưởng nào không ý thức được điều đó, không có những thay đổi thực sự trong quan niệm, tư duy hành động phục vụ dân thì vị đó sẽ không thể tại vị ít nhất là theo quan niệm của dân chúng.

Từ chức do bất đồng chính kiến

Nếu có sự phân loại từ chức thì đây có thể là nhóm đầu tiên. Ví dụ tiêu biểu ở đây chính là trường hợp Chu Văn An dâng thất trảm sớ lên vua Dụ Tông triều nhà Trần đề nghị vua chém 7 viên quan gian nịnh trong triều. Vua Dụ Tông không nghe, Chu Văn An từ quan về dạy học. Chu Văn An không thể tiếp tục làm quan dưới một ông vua như vậy, với 7 vị quan không đủ tư cách đạo đức, phẩm chất làm quan. Nói theo ngôn ngữ thời nay là sự bất đồng chính kiến trong sử dụng quan lại, trong đường lối cai trị của triều đình.

Nền chính trị đương đại của một số nước cũng thỉnh thoảng chứng kiến việc từ chức của một số chính trị gia theo kiểu này. Một vài bộ trưởng đến một lúc nào đó nhận thấy mình không thể tiếp tục đi theo đường lối của đảng cầm quyền đã tuyên bố từ chức.

Từ chức theo kiểu “văn hóa từ chức”

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã từ chức sau khi gây tai nạn ô tô rồi bỏ chạy, va tiếp vào xe khác. Chủ tịch Hạ viện Australia Peter Slipper tuyên bố từ chức tháng 9/2012 vì bê bối tình dục đồng tính với một đồng nghiệp. Yongyuth Wichaidit từ chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ Thái lan vì vụ bê bối liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ. Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố từ chức tháng 5/2007…

Còn rất nhiều các vụ từ chức theo dạng này. Xét vẻ bề ngoài cứ tưởng đây là tự từ chức, là quyết định từ nội tâm, từ lương tâm, trách nhiệm của cá nhân đó và dễ dẫn đến coi đây là văn hóa từ chức. Song, về cơ bản không hẳn là như thế!

Đằng sau mỗi tuyên bố từ chức có vẻ nhẹ nhàng là các cuộc đấu tranh quyết liệt trong ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Cá nhân liên quan nếu không rút lui khỏi vũ đài chính trị thì uy tín của đảng sẽ giảm sút nghiêm trọng, trong kỳ bầu cử tới rất có thể đảng sẽ mất phiếu. Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng, cái nào lớn hơn, cần ưu tiên cái nào, câu trả lời là khá rõ.

Anh không muốn từ chức cũng không được. Đảng buộc anh phải từ chức. Ra bàn dân thiên hạ, anh vẫn có thể nói đây là quyết định từ chức của cá nhân anh. Có ai bắt tội đâu mà sợ! Các ví dụ vừa nêu đều rơi vào loại từ chức kiểu này.

Như vậy, về cơ bản không có cái gọi là “văn hóa từ chức” như chúng ta trông đợi. Việt Nam và các nước khác cũng thế.

Gần 100% các trường hợp từ chức trên thế giới rơi vào loại bị buộc phải từ chức. Đã và sẽ có rất ít trường hợp tự từ chức do lương tâm cắn rứt, do không làm tròn trách nhiệm nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cho người dân. Tây và ta đều như vậy.

Từ chức hay không là việc của ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Uy tín của đảng sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào, uy tín và trách nhiệm của chính phủ, của cá nhân thủ tướng với tư cách là người đứng đầu chính phủ bị ảnh hưởng đến mức nào nếu một bộ trưởng mà dư luận đặt dấu hỏi tiếp tục tại vị. Nếu không có gì là nghiêm trọng thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả và ngược lại. Hệ thống chính trị, hệ thống hành chính nhà nước của Việt Nam cũng dần phải thích ứng với những vấn đề theo kiểu này. Mà đây lại chính là điểm thể hiện rõ phương châm hành động của Đảng: Đảng đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.

DƯƠNG CHÍ DŨNG: ĐỪNG ĐỂ QUÝT LÀM CAM CHỊU

Dương Chí Dũng: 'Đừng để quýt làm cam chịu'

Sáng 29/4, trong lời nói sau cùng, Dương Chí Dũng tha thiết khẩn cầu: 
Nếu trong trường hợp HĐXX buộc phải quyết thì bị cáo chỉ xin để cho bị cáo được sống, nếu có tội mà chết thì bị cáo chấp nhận nhưng oan mà chết thì không chịu được.
Sáng 29/4, đại diện VKSND Tối cao cho biết sau hai ngày quay lại phần xét hỏi nhận thấy không có tình tiết mới để thay đổi bản chất vụ án nên giữ nguyên 6 căn cứ xác định cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng cựu tổng giám đốc Mai Văn Phúc, phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) đã chia nhau số tiền tham ô 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng).

Theo thông báo, chiều 7/5 TAND Tối cao sẽ tuyên bản án phúc thẩm với 9/10 người kháng cáo bản án sơ thẩm.

Nguyên văn lời nói sau cùng của Dương Chí Dũng trước tòa: 
Trước hết với cương vị Bí thư, Chủ tịch HĐQT mà để xảy ra sai phạm tại Vinalines, gây tổn thất tài sản đến mức gây dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thì bị cáo nhận tội, không chối cãi về điều này.
Đến lúc này, bị cáo chỉ trông chờ vào tâm từ đức độ của HĐXX, trông vào quyết định chính xác công minh của HĐXX và pháp luật để không xảy ra tình trạng quýt làm cam chịu.
Trong trường hợp bị cáo bị oan và thực sự bị oan, mà HĐXX buộc phải kết tội thì bị cáo chỉ xin cho bị cáo được sống. Đây là một món quà, một sự khoan hồng bao dung của Đảng, nhà nước, pháp luật đối với bị cáo và gia đình để bị cáo được hưởng. Đây là một điều quan trọng nhất vì nếu bị cáo có làm, có tội thì có chết cũng phải chịu nhưng minh oan mà chết rồi thì không thể thanh minh, không thể nói với ai được. Vậy nên nếu phải quyết mà không làm thế nào được thì chỉ xin cho bị cáo được sống để được chứng minh vô tội.
Bị cáo Mai Văn Phúc: Đề nghị HĐXX xem xét lại cho bị cáo vì toàn bộ nội dung cáo buộc của đại diện VKS hoàn toàn không đúng. VKS chỉ căn cứ lời khai của Sơn để buộc bị cáo 2 tội danh. Bị cáo xin cam đoan toàn bộ các nội dung trong các đơn của bị cáo gửi HĐXX và toàn bộ nội dung bị cáo trình bày, khai trước tòa hoàn toàn là sự thật. Nếu sai bị cáo xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Bị cáo về nhận chức đã làm hết sức mình để củng cố và phát triển tổng công ty và đã được ghi nhận. Nhưng sự việc đáng tiếc này vẫn xảy ra, bị cáo thấy rằng khi bị cáo về họ đã sắp đặt sẵn và gần như xong xuôi hết rồi. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo mặc dù bị cáo vẫn nhận trách nhiệm về mình. Bị cáo sẽ vẫn thuyết phục gia đình khắc phục hậu quả.

Bị cáo Trần Hải Sơn: Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo đã nhận thức được sai phạm và mong muốn thời gian tới gia đình bị cáo sẽ khắc phục hậu quả. Bị cáo chỉ mong HĐXX và pháp luật lượng hình xét xử cho bị cáo đúng người đúng tội, cũng như tất cả các bị cáo trong vụ án.

Bị cáo Trần Hữu Chiều: Bị cáo đã đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo giảm nhẹ tội cố ý làm trái. Thứ hai, tội tham ô tài sản, đề nghị HĐXX xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì bị cáo thấy rất oan ức. Bị cáo vay tiền Sơn là có mục đích và còn vay nhiều người khác. Thứ ba, đề nghị HĐXX xem xét tình tiết tăng nặng đối với bị cáo. Thứ tư là trách nhiệm dân sự. Bị cáo hiện nay rất nhiều bệnh, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Bố mẹ bị cáo có thành tích trong kháng chiến. Con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm. Bị cáo cũng không biết trong quá trình cải tạo có còn con đường trở về gia đình bằng đường dương không hay sẽ trở về bằng đường âm.

Ngoài ra các bị cáo khác đều xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt trong lời sau cùng.

PV

TỤC TĨU NHƯ... SAO VIỆT

Tục tĩu như… sao Việt

(Suckhoemoitruong.com.vn) -Showbiz Việt lại vừa trải qua một tuần dậy sóng nhờ… tệ nói tục, xả rác vô tội vạ của sao Việt, nhân cái gọi là “cảm xúc cá nhân” ở những người của công chúng. Từ màn công kích Huyền Chip của Phương Mai, Nathan Lee đến MV chứa những hình ảnh và ngôn từ (bị nhiều người cho là) phản cảm trong MV “Tự sướng” của Mai Khôi…

Mai Phương Thúy với chiếc mũ in dòng chữ phản cảm.

Khi chó… không tìm được chỗ đi tè

Lần này thì đúng là Huyền Chip bị oan, khi tự dưng nhận phải những trận ném đá vô tội vạ từ cô người mẫu, MC Phương Mai và sau đó là anh chàng ca sĩ (có vẻ rảnh việc cỡ Long Nhật) Nathan Lee chỉ vì một bài viết có ý “bênh vực” những người ăn thịt chó của tác giả “Xách balô lên và đi”.

Bài viết thật ra được viết rất chừng mực, bằng con mắt của một người trẻ đi nhiều và đáng kể, là không hề nhân danh… một người ăn thịt chó: “Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó…, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Những nền văn hoá khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau.

Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn chó hay không...”.

Chẳng hiểu là vì không đọc kỹ hay không mà cô người mẫu Phương Mai (vốn không ít lần lên báo khoe trình độ học vấn của mình), lúc đó chắc cũng rảnh, hoặc… vừa ăn phải “khoai ngứa” đã ngay lập tức “nã đạn” không thương tiếc vào tác giả bài viết bằng những lời lẽ chợ búa nhất có thể:

"Phải thấy tội cho nó. Ai biểu nó xấu gái vô duyên lại thêm man di mọi rợ. Con gái người ta mĩ miều son môi móng tay đỏ chót, xách túi Jimmy Choo ưỡn ẹo oánh mông lên taxi xuống nhà hàng 5 sao, cầm dao nĩa ăn mà 2 ngón út không quên cong tớn lên để làm duyên. Nó - quần đùi áo ba lỗ ngồi vỉa hè cái tay vừa bốc miếng thịt vừa gãi mông, chân 2 tháng quên wax, cái trên cái dưới, xung quanh chỗ nó ngồi là đủ loại cống rãnh giấy thải…".

Rồi hẳn là tự thấy miệt thị người khác bằng “văn tả người” là vẫn còn quá nhẹ, chân dài nhân tiện dìm luôn một mẻ cả văn và người: “Khổ, sau vụ chém bậy với quyển "nhật kí", mà nói thực là em có tò mò thử đọc mà đọc không nổi vì dở quá - thì không ai nhớ tới ẻm nữa.

Mà ẻm vẫn muốn tấn công sô bít nên gây tiếng vang chăng? Đập hết toàn mặt toàn body lột hết da ra rồi bảo ba mẹ trồng lại từ đầu đi em ơi! Chắc cũng nổi!". Chưa hết, cô – người – mẫu – có – học còn hô hào “đồng bọn” tìm địa chỉ Facebook của Huyền Chip để cùng nhau "vào chửi".

Đáng kể là Phương Mai không đơn độc vì như thường lệ, lại có sự đồng hành của “người tình tin đồn” Nathan Lee, với những lời lẽ còn trên cả chợ búa (đủ để khép tội nhục mạ người khác?): “Nhìn chó chứ cương quyết không nhìn thể loại này", “Để anh thả Noel ra tè một bãi lên mặt cho nó tỉnh", "Không được rồi, Noel chỉ đi vệ sinh những chỗ sạch sẽ thôi"… Không biết sau khi buông những lời bẩn thỉu ấy với một cô gái trẻ, Nathan Lee có bị chính chú chó cưng của mình xa lánh?

Bị ném đá – điều hẳn dễ dàng đoán trước, chân dài bèn lên FB thanh minh: “Mình không nói tục chửi bậy… Ai ăn thịt chó mình cũng ghét… Đó là cảm xúc cá nhân” (dù chính cô cũng thừa nhận rằng đáng lẽ ra phải set viewer thành friends, thay vì public). Rằng, cô “cũng là một người tầm thường như mọi người tầm thường khác, dù thi thoảng có được lên vô tuyến” nên “đôi khi cho mình cái quyền cáu điên lên và xấu tính điên lên được khi tưởng tượng ra một đứa con gái ngồi gặm thịt chó - ôi xấu ơi là xấu.

Con gái được quyền đẹp và nên đẹp. Mình thích những cô gái điệu đàng và đỏng đảnh hơn là những cô gái cắn chó, nhai chó, nuốt chó, tiêu hóa chó" !). Khiến bàn dân thiên hạ chỉ còn nước ngán ngẩm lắc đầu, trước chữ “đẹp” vừa bị người đẹp dùng một cách không biết… ngượng!

Và cả làng “tự sướng”?

Không hẹn mà cùng, MV mới vừa được tung ra cùng thời điểm của “Lady Gaga Việt” Mai Khôi cũng có tên là “Tự sướng”, được hiểu là chĩa mũi dùi vào cái gọi là “văn hóa tự sướng” đang điều khiển một bộ phận giới trẻ lúc này. Và nhân tiện, người làm ra MV này cũng bèn… “tự sướng” theo, bằng cách lồng ghép vào MV những hình ảnh và ngôn từ bị cho là phản cảm (nhân danh “hình ảnh có tính chất minh họa”?)

Nhưng ít ra, Mai Khôi có lý! Tự sướng quả là con virus đang hoành hành khắp showbiz Việt: Hở cho sướng mắt, chửi cho sướng mồm, và cùng đó, là ngay lập tức trở thành từ khóa hot nhất trong tuần, tội gì!

Đã qua rồi cái thời “sao Việt đỏ mặt vì ngượng” mà giờ là thời “ngượng vì đỏ mặt”. Như chính diva Hồng Nhung mới đấy vừa lên tiếng bóc trần: “Có những người khả năng quá hạn chế, họ tạo ra scandal và chọn cách nổi tiếng nhờ... qua đêm” (cũng là một kiểu “tự sướng”?).

Hay nhẹ ra, thì cũng là… nói tục, một cách vô tình hay cố ý. Chẳng hạn như Mai Phương Thúy từng gây bão khi post lên FB của mình bức ảnh cô hồn nhiên đội một chiếc mũ trên đó ghi dòng chữ tiếng Anh đầy thô tục và phản cảm. Còn nếu như không… có mũ, thì cũng sẽ có một cách chửi khác thâm thúy hơn:

Đăng ảnh chụp… mông con mình, như cách Hồ Ngọc Hà đã làm ở thời điểm Thanh Lam lên báo nói “Không biết Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ dạy gì ở The Voice”, khiến Quốc Trung cũng phải ngán ngẩm lắc đầu: “Đáng trách hơn là thay vì nói về những dự án âm nhạc, người ta lại toàn nhắc đến những lời lẽ moi móc, mỉa mai nhau, thậm chí cả vỗ mông chửi đổng... này nọ”. Hay cách đây không lâu, bộ đôi Yanbi và Mr. T cũng đã phải nộp phạt mỗi người 5 triệu đồng vì tội hát chế (với những lời tục tĩu) trong một đêm diễn tại Hải Phòng.

Hay hình phạt lớn nhất, chính là như dân gian vẫn hay nói: “Tai đứa nào gần mồm nhất thì ráng mà nghe”, và sau đó, là những trận ném đá của cư dân mạng, và dần dà, sẽ là sự quay lưng của công chúng. Vì xét cho cùng, công chúng cũng có quyền “tự sướng” của họ:

Đó là quyền không - cho - những - người - của - công - chúng - được - tự - sướng một cách vô tội vạ như thế! Vâng, cứ nói cho sướng mồm đi, rồi thì đừng trách sướng trước, khổ sau, hỡi những người của công chúng!

Theo LĐĐS

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐỦ TƯ CÁCH NÓI VỀ "TỰ DO BÁO CHÍ" Ở VIỆT NAM

Những người không có tư cách nói về “tự do báo chí” ở Việt Nam

Tác Giả: AMARI TX – Bài đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân

Nhân sự kiện một số nhà hoạt động gọi là “tự do và nhân quyền” của Việt Nam tới Hoa Kỳ, theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số tổ chức cổ xúy cho cái gọi là “tự do thông tin”, Tổng biên tập trang mạngViethaingoai.net tại Mỹ, ông John Lee, bút danh Amari tx, từ Houston đã dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân bài viết, trong đó cho rằng, những nhà hoạt động này không có tư cách để nói về tự do báo chí ở Việt Nam… Báo Quân đội nhân dân xin được trích đăng.
Tưởng việc này chẳng ai quan tâm bởi mấy nhà hoạt động kiểu này sang Hoa Kỳ để làm mấy cái chuyện gây bất lợi cho Việt Nam đâu phải lần đầu tiên. Chuyến đi dù được tổ chức nhân Ngày Tự do báo chí thế giới (3-5) cho có vẻ khách quan nhưng cũng chẳng che giấu được ý đồ bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam của cả người mời lẫn người được mời. Vì đứng ra tổ chức và đài thọ cho các khách mời từ Việt Nam này không ai khác lại là một số cơ quan, tổ chức khét tiếng chống phá Việt Nam như Đài Châu Á tự do, Tổ chức Phóng viên không biên giới hay Đảng Việt Tân… Còn các “nhà hoạt động” có tên Nguyễn Thị Kim Chi, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh và Lê Thanh Tùng chỉ là những cây viết tự do, không tên tuổi, chưa nói tới vấn đề tư cách hay đạo đức nghề nghiệp vì đã lợi dụng facebook hay blog để tuyên truyền những nội dung đi ngược lại lợi ích của chính quê hương mình.
Để xem họ làm gì ở Hoa Kỳ? Nghe đâu các khách mời này được tham gia một loạt sinh hoạt như điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, thảo luận về những thử thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các “nhà” này còn được mời tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, LHQ, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học, tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng. Tiếp xúc với một loạt cơ quan, tổ chức quan trọng bàn về một vấn đề quan trọng như thế, với bảng “thành tích đen” chống phá Việt Nam cùng trình độ có hạn như vậy, chẳng hiểu các vị khách mời đó lấy tư cách gì mà “đòi” tự do cho nền báo chí Việt Nam – nơi có nền báo chí được đánh giá là đang phát triển nhanh chóng?
Ở đây, cần làm rõ thực chất cái gọi là “tự do báo chí” của phương Tây và thực trạng hoạt động báo chí của Việt Nam hiện nay. Đối với báo chí phương Tây, tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của báo chí. Chẳng hạn, các chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật, không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Hơn nữa, hầu hết các tổ chức làm báo của phương Tây đều tự đưa ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức phải tuân thủ, chẳng hạn những tiêu chuẩn của việc hành nghề, hay còn gọi là hệ thống đạo đức báo chí. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề.
Bất chấp tự do tư tưởng, báo chí phương Tây đã bị các chính phủ phương Tây biến thành công cụ để bành trướng, áp đặt quan điểm phương Tây trên quy mô toàn cầu. Nhiều triệu đô-la đã và đang được đổ ra để phát triển một hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, một số cơ quan báo chí phương Tây đã thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố”, “săn lùng vũ khí hủy diệt”, kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô bạo vào những quốc gia có chủ quyền, ở nơi mệnh danh là mỏ “vàng đen” của thế giới.
Hẳn mọi người chưa thể quên báo chí phương Tây đã nhất loạt thổi phồng và làm rùm beng cái gọi là “nguy cơ I-rắc sở hữu và chế tạo vũ khí giết người hàng loạt”, rồi còn đưa tin I-rắc mua plutoni của một nước châu Phi để chế tạo bom hạt nhân. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho mưu đồ can thiệp bằng quân sự một cách thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế hòng chiếm đoạt và bảo vệ các lợi ích của những thế lực đứng đằng sau điều khiển những “công cụ” tuyên truyền nguy hiểm này. Đến khi cuộc chiến tranh I-rắc nổ ra, nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp “khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho những hãng thông tấn, báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra. Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với dân thường đã bị đe dọa.
Như vậy thì làm gì có cái gọi là “tự do báo chí” nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ như một số nước phương Tây vẫn tuyên bố và thúc đẩy. Đó thực chất chỉ là sử dụng báo chí để bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của họ. Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo chí chứ đâu phải vì tự do báo chí.
Đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được. Luật Báo chí cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người. Luật Báo chí Việt Nam khẳng định, báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội, nghề nghiệp,… mà còn là diễn đàn tin cậy của người dân.
Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ tục, những tệ nạn xã hội.
Rõ ràng, ở Việt Nam, vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên không thể có cái gọi là “báo chí mất tự do” ở Việt Nam. Càng không thể coi sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam là cản trở quyền tự do báo chí của người dân cũng như những hoạt động báo chí của các nhà báo. Đó chỉ là luận điệu của các vị chuyên hành nghề “vu khống” dựa trên một mớ những cái gọi là “bằng chứng” của một số người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Âu cũng là vì họ mong nhận được hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài về tinh thần lẫn vật chất.
Ở Việt Nam có một số người cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ viết báo, hồi ký phát tán ra ngoài với những lời lẽ hằn học, bêu riếu, vu cáo, nhổ toẹt vào những hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có cả những người thân của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ rên rỉ rằng, ở đất nước này không có “tự do báo chí”, rằng thì phải “viết báo trong vòng kìm kẹp của luật”… Nên dù có khoác lên người chiếc “áo” mỹ miều “tự do báo chí” thì cũng không che giấu được bản chất đen tối, xấu xa thật sự bên trong.

AMARI TX (Houston)

ĐỂ DÂN SỢ, CÓ NÊN KHÔNG?

Để dân sợ, có nên không?

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) - Vì sao ngành cảnh sát giao thông phải ra quy định cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ không được rình, nấp sau gốc cây, chỗ khuất để “bắt bài” các vụ vi phạm luật giao thông?

Đó không chỉ là vì hình ảnh, tác phong của người cảnh sát giao thông; đó còn là nguyên lý của luật pháp: làm sao để người dân hiểu và chủ động chấp hành luật lệ thành một thói quen cơ hữu chứ không phải vì sợ người đại diện công quyền mà làm theo. Thói quen đầu tiên sẽ giúp duy trì trật tự xã hội ở ngay những nơi những lúc không có bóng dáng cảnh sát giao thông; cái sau sẽ tập thói quen cho người dân dáo dác nhìn quanh rồi vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, đi ngược chiều, chạy lên lề đường mỗi khi vắng bóng người đại diện công quyền.

Vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, từ các thông tin đã được công khai mấy ngày qua, cho thấy một điều: trong khi nhận thức của người dân nói chung và báo chí nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tuân thủ pháp luật, dùng pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì cơ quan công quyền vẫn còn giữ tâm lý xưa cũ: hù dọa, rồi biện bạch, rồi thanh minh cho hành động của mình mà không thấy lẽ ra nhiệm vụ của họ trước hết là giúp người dân chấp hành luật pháp.

Giả thử tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán ngoại tệ mà không có giấy phép hay thậm chí mua bán vàng miếng, là hành vi đã bị cấm sau những thay đổi về luật lệ gần đây thì nhiệm vụ của cơ quan quản lý là chấn chỉnh để họ không làm trái pháp luật chứ không phải triệt tiêu con đường kinh doanh hợp pháp khác của họ như đòi niêm phong luôn vàng nữ trang, là loại vàng người dân có quyền kinh doanh. Thực tế cho thấy hành xử của cơ quan công quyền làm người dân hoảng sợ đến mức ngưng kinh doanh cho đến hết năm nay. Như thế xét về mặt quản lý cũng như tạo điều kiện để người dân kinh doanh hợp pháp là đã thất bại.

Những tình tiết liên quan đến vụ việc như dư luận nghi ngờ người vào mua bán 100 USD là “cài cắm”, bên công an phủ nhận không có chuyện đó; dư luận nghi ngờ ngày ký lệnh khám xét là ký trước, bên công an nói ghi nhầm ngày… nói cho cùng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng nó nói lên một điều rất quan trọng: ý thức của người dân đã được nâng cao, rằng luật pháp đã quy định rõ chứng cứ nào thu thập không đúng trình tự, không theo đúng thủ tục sẽ không được xem là hợp lệ. Ở hướng ngược lại, rõ ràng bước đầu cơ quan công an Bình Thạnh phải phủ nhận chuyện “cài người”, chuyện ký khống hay ký trước lệnh khám xét vì không thể bỏ qua trình tự mà pháp luật đã quy định rõ. Trước đây rất có thể họ sẽ bất kể những trình tự này.

Điều quan trọng hơn nữa, báo chí thông qua các ý kiến xác đáng của các chuyên gia như luật sư hay đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định những sai sót của cơ quan công an như niêm phong 559 lượng vàng mặc dù nó không liên quan gì đến vụ việc. Nếu như công luận không lên tiếng, sẽ không thể có chuyện công an phải tháo gỡ niêm phong, trả vàng lại cho người dân ngay trong vòng mấy ngày.

Và một khi báo chí làm đúng vai trò, làm cầu nối thông tin giữa các nguồn tin có thẩm quyền và người dân, khả năng kiến thức luật pháp của người dân sẽ được tăng lên là rõ ràng. Ví dụ, nay người dân biết rõ chủ tịch UBND quận huyện không có thẩm quyền ký quyết định về một vi phạm hành chính mà lại khám xét nơi kinh doanh. Khi nghi vấn có việc mua bán ngoại tệ trái phép thì chỉ được dừng ở tang vật liên quan chứ không được khám xét két sắt, hộc tủ, hay nói cách khác không được lạm quyền.

Như vậy cách quản lý những hành vi liên quan đến kinh tế, kinh doanh mà làm cho dân sợ để ép tuân thủ sẽ chẳng còn mấy tác dụng. Ngược lại, một khi ý thức pháp luật của người dân được nâng lên, những cách hù dọa lại có thể phản tác dụng.

Ngày hôm qua, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: "Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó". Thiết nghĩ cách ứng xử hay nhất là quan chức quận Bình Thạnh, kể cả bên công an, không nên đôi co nữa; nên học bài học nóng hổi hôm qua, xin lỗi người dân về những sai sót đã rõ trong vụ khám xét này và sau đó cứ xử lý nghiêm minh những sai phạm đã xác minh. Làm được vậy thì người dân sẽ tâm phục, khẩu phục mà chấp hành luật pháp.

Theo tôi, một xã hội mà khi hữu sự người dân thấy bóng dáng công an, cảnh sát là mừng rỡ vì sẽ được bảo vệ, sẽ được người thi hành công lực bảo đảm công lý được duy trì thì mới là xã hội bình thường. Một xã hội mà người dân phải lo đối phó, thấy cảnh sát giao thông thì nghĩ ngay đến phong bì; thấy hải quan nghĩ ngay đến bao thư là xã hội không bình thường.

PHI CÔNG MỸ KHẲNG ĐỊNH TÌM THẤY MÁY BAY MH370 MẤT TÍCH

Phi công Mỹ khẳng định tìm thấy máy bay mất tích MH370

Một phi công Mỹ tin rằng ông đã tìm thấy xác chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines sau khi rà soát hàng nghìn bức ảnh vệ tinh trên mạng.

Ông Michael Hoebel.

Ông Michael Hoebel, ở New York, Mỹ đã dành nhiều giờ để xem xét hàng nghìn bức ảnh vệ tinh được đăng tải công khai trênTomNod.com, trang web chuyên chia sẻ các hình ảnh vệ tinh, trước khi tình cờ phát hiện hình ảnh mà ông tin là xác chuyến máy bay xấu số MH370.

Viên phi công 60 tuổi đã tìm thấy các bức ảnh chụp một chiếc máy bay nằm dưới nước ngay ngoài khơi bờ biển đông bắc Malaysia và phía tây tỉnh Songkhla tại Thái Lan mà ông nói Hoebel là hoàn toàn phù hợp với kích thước của chiếc Boeing 777 mất tích.

Bức ảnh mà ông Hoebel tin là chụp chiếc máy bay mất tích MH370.

Nếu nhận định của ông Hoebel được chứng minh là chính xác, chiếc máy bay dường như vẫn còn nguyên vẹn vào thời điểm các bức ảnh vệ tinh được chụp ít ngày sau khi nó mất tích gần 2 tháng trước.

“Tôi rất bất ngờ vì không tin có thể tìm thấy nó”, ông Hoebel nói với kênh truyền hình WIVB.
So sánh bức ảnh đáng ngờ với bức ảnh chụp chiếc máy bay của Malaysia Airlines, ông Hoebel nói: “Vùng màu sáng là nơi cánh nối với thân - Các bạn có thể nhìn thấy vùng màu sáng trong bức ảnh này”.

Ông Hoebel đã rà soát hàng nghìn bức ảnh vệ tinh và tình cờ phát hiện bức ảnh này.

Khi được hỏi rằng liệu đó có phải là một con cá mập, ông Hoebel hài hước đáp: “Đó là một con cá mập dài 64 m!”.

Ông Hoebel cho biết ông đã liên lạc với Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Úc cho biết nhiều khả năng không tìm thấy chiếc máy bay mất tích.

Nếu khẳng định của ông Hoebel được chứng minh là đúng, chiếc máy bay dường như vẫn còn nằm nguyên vẹn dưới nước.

7 tuần sau khi chiếc Boeing 777 của Malaysia biến mất cùng 239 người trên khoang, Thủ tướng Úc Tony Abbott ngày 28/4 cho hay cuộc tìm kiếm MH370 giờ đây sẽ bước sang một giai đoạn mới, tập trung vào một khu vực lớn hơn dưới đáy Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 28/4 cho biết nước này sẽ ngừng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370.

Điểm chấm đỏ là nơi ông Hoebel tin có xác máy bay MH370.

Theo Dailymail

GÁI MẠNG

Cùng với sự phát triển như vũ bão của In tờ nét, thuật ngữ Gái mạng đã được Hiệp hội Khoa học Net, đứng đầu là Giáo sư Anh Vũ, đề xuất lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2001. 

Vậy Gái mạng là gì? 

Từ điển Bách Khoa Dâm dục học Net, do Tiến sĩ Killer chủ biên, trang 220 dòng số 10, có viết:

Gái mạng là một thuật ngữ nhằm mô tả những đối tượng thuộc giống cái, có nhan sắc dưới mức trung bình theo tiêu chuẩn Mỹ học Việt nam TCVN 8205, có thời gian vào mạng trung bình lớn hơn 6 giờ/ngày. 

Căn cứ vào định nghĩa đã nêu trong Từ điển, chúng ta thấy rằng không thể xếp Thị Nở, một nhân vật kinh điển trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao vào tập hợp Gái mạng, mặc dù xét về hình thức,Thị rất giống với gái mạng mà chúng ta vẫn thường hay gặp trên Net. Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Internet ra đời sớm 50 năm thì rất có thể khi đó nhà văn Nam Cao không cần phải miêu tả Thị Nở; ông chỉ cần dùng một câu: "Thị có sắc đẹp của một gái mạng điển hình" là có thể lột tả hoàn toàn hình thức của Thị Nở. 

Bất kỳ một nhà nghiên cứu nào cũng cần phải nắm vững những thuật ngữ cơ bản trước khi có thể bắt tay vào nghiên cứu. Gái mạng học cũng không phải là ngoại lệ. Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một vài thuật ngữ hết sức thiết yếu dành cho các bạn trẻ mới lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực khoa học mới mẻ và đầy hứa hẹn này.

Đong giai: 

Đong giai là một thuật ngữ rất cơ bản trong lĩnh vực Gái mạng học. Thậm chí có thể nói thuật ngữ này xuất hiện gần như đồng thời với thuật ngữ gái mạng. Lý do của sự xuất hiện này, không cần nói thì ai cũng biết: mục đích của gái vào mạng là để đong giai. Cả cuộc đời gái, toàn bộ những chi phí đầu tư rốt cục lại cũng chỉ để phục vụ một mục đích duy nhất: Kiếm một tấm chồng. Bởi vậy, không có gì lạ nếu chúng ta kết luận mục đích của gái mạng là đong giai.

Để cho các bạn trẻ có tư duy bã đậu trong diễn đàn có thể hiểu được vấn đề chúng tôi xin đưa ra một trực quan sinh động như sau. 

Một ngày đẹp giời nào đó của tháng ba, bạn quyết định đăng ký một nickname, chẳng hạn: Phương Thảo. Đột nhiên, vào ngày mồng 1 tháng 4, bạn thấy tên mình lù lù xuất hiện ở mục Ngày này năm xưa với nội dung Happy birthday Phương Thảo, you mean everything to me, kèm theo đó là link của một bài hát. Chỉ đến khi đó bạn mới giật mình nhớ ra là khi đăng ký, bạn đã vô tình chọn ngày 1 tháng 4 là ngày sinh nhật. Cảm động trước tấm lòng tri kỷ, bạn click chuột vào nickname của người bạn vô danh, chọn mục find all posts. Hmm, để xem nào. Post gần đây nhất của bạn ấy nằm ở đâu vậy? A đây rồi, ở Chợ đuổi, rao vặt. Cần bán nhà, hai mặt thoáng, ô tô đỗ cửa, giấy tờ sổ đỏ, chính chủ, miễn trung gian, giá 7 tỷ. Sao bạn ấy lại phải bán nhà nhỉ? Chắc gặp khó khăn đây. Để xem nào. Ừ, mình vào box Tâm sự gỡ rối tơ lòng tý. Xem nào, bạn ấy kể về gia đình. Nhà tớ có ba cái nhà, hai cái cho Tây thuê. Ba tớ đang định bán một cái để mua trang trại. À, thì ra thế. Chưa hết. Ba tớ hiện đang làm Tổng giám đốc Công ty Xây dựng. Úi chà. Thảo nào. Nhưng không biết nàng có anh chị em gì không nhỉ? Nhiều lúc tớ buồn lắm, chả có anh chị em gì cả. Tớ con một mà. Ừ, thế chắc nàng yếu đuối lắm. Tâm hồn chắc mong manh dễ vỡ. Xem nào, mình thử vào Văn chương thi phú xem sao. Hà Nội. Nỗi buồn. Nắng nhạt. Mây trắng. Không gian. Hoa giấy. Mèo con. Chim chóc. Vấn vương. Con đường. Nhạc Trịnh. Phù du. Lung linh. Ảo ảnh. Kiếp nạn. Hóa thân. Vô minh. Phật pháp. Chiêm nghiệm. Duyên khởi. Đam mê.Trời ạ. Nàng thật trác tuyệt. Tâm hồn ấy có những lúc mong manh như sương khói mà lại vẫn sáng ngời những ánh lạc quan bởi sau nó là một bộ óc uyên thâm, tinh thông vạn sự. Chưa hết. Hãy xem nàng nói gì đây này. Giá trị của người phụ nữ nằm ở sự chung thủy. Ôi, thật là tiết hạnh, thật là cao quý biết bao. Giá mà mình quen biết nàng. Ờ, mà tại sao mình không mật thư cho nàng nhỉ. Phải cảm ơn nàng đã gửi bài hát chứ. Ôi, thật tuyệt. Wow, I don't know how I ever lived before. You are my life, my destiny.Oh my darling, I love you so. You mean everything to me

Trực quan sinh động như trên cho chúng ta thấy một trong muôn vàn thủ pháp đong giai của gái mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, thủ pháp này vô cùng thiên biến vạn hóa đến mức chính ngay cả những bộ óc tinh túy nhất của trí tuệ Việt Nam vẫn có thể sa bẫy như thường.

Đánh ghen online:

Theo một số học giả, thuật ngữ này ra đời sau thuật ngữ gái mạng và đong giai một thời gian. Lý do khá đơn giản. Sau giai đoạn đong giai, gái mạng cần trải qua thêm một số giai đoạn khác như: giai đoạn Web cam, giai đoạn offline, giai đoạn phắc nhau, rồi mới đến giai đoạn đánh ghen online. 

Nếu như ngày xưa, hình ảnh đánh ghen được ghi lại trong kho tàng văn học nghệ thuật chỉ là xé quần áo, gọt đầu, cạo tóc, thì đến thời kỳ tiền-internet, đã xuất hiện nhiều chiêu thức đánh ghen hiện đại hơn như: tạt acid, thuê giang hồ rạch mặt, gửi thư nặc danh đến cơ quan đối phương... Nhưng phải chờ đến khi internet xuất hiện cùng với sự ra đời của gái mạng, thông qua những buổi offline, phắc online, những điểm sáng của bốn ngàn năm lịch sử mới bắt đầu thể hiện khả năng sáng tạo vô song trong muôn vàn chiêu thức đánh ghen.

Bà Triệu Thị Evil, chủ tịch Hiệp hội Gái mạng, bao gồm cả Thăng Long và Hạ Long đã viết: "Phẩm chất của gái mạng thể hiện qua khả năng đánh ghen online." Thiết nghĩ cũng không sai. Với những gái mạng thuộc thế hệ đầu tiên như Evil, Phan Việt, Thảo Nguyên, Hana vân vân (để bạn đọc có thể hình dung được vai trò của họ trong lịch sử hình thành và phát triển của gái mạng, chúng tôi xin tạm gọi họ là những Bà Trưng, Bà Triệu online), hình thức đánh ghen chủ yếu là mật thư nói xấu sau lưng. Những hành vi đánh ghen như vậy được thực hiện một cách kín đáo và do đó ảnh hưởng của nó là không đáng kể. 

Chỉ đến thời kỳ gái mạng booming, đánh ghen online mới phát huy được hết tác dụng mạnh mẽ của nó và trở thành một trong phẩm chất quan trọng nhất của gái mạng. Bây giờ giả sử có ai đó lập ra một cái poll với câu hỏi dành cho các nữ member: "Bạn đã bao giờ đánh ghen online chưa?", chúng tôi tin rằng kết quả của câu trả lời có sẽ là 100%. Thậm chí nếu lập poll số lần đánh ghen online, có thể bạn sẽ có được một đồ thị gần giống với đồ thị phân bố tuổi dân số của Nhật Bản với số lần đánh ghen online tương đương với đơn vị tuổi. 

Vậy có những chiêu thức đánh ghen nào? Vì thời gian có hạn chúng tôi chỉ có thể liệt kê ra một vài hình thức tiêu biểu. 

Bạn hãy tưởng tượng mình là một nữ member. Một ngày kia bạn bỗng nhận được một bài phân tích vô cùng hoành tráng của một gái mạng khác về một lỗi... typo. Xin chúc mừng. Bạn đã bước vào giai đoạn đầu của một trận đánh ghen online hoành tráng. Tiếp theo đó, bạn sẽ nhận được một PM từ phía đối phương cảnh báo bạn không nên động đến thằng ấy, thằng nọ kẻo có ngày ... đổ máu. Chưa hết. Ngày hôm sau, bạn lại nhận được một PM khác từ một cái nick lạ hoặc, trong đó nick này bày tỏ sự ủng hộ toàn diện về tinh thần với một cuộc chiến hứa hẹn sẽ vô cùng cam go. Nick này cũng hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật và chính xác nhất về đối phương. Bạn cảm thấy phấn chấn vô cùng, chả khác gì nhân dân Việt Nam nhận được 

lời cam kết của Liên Xô trong cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại. Thế nhưng vẫn chưa đủ, ngày hôm sau bỗng xuất hiện một cái quote lạ hoặc, không có dấu được chủ nick thề là sự thật trăm trăm, nó được reference như một an authentic YM chat. Thậm chí, sự tin cậy của nó, theo như lời của chủ nick, còn đáng tin hơn cả một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature. Và thế là bạn bắt đầu một cuộc chiến. 

Trong suốt một tuần liền, ngày nào cũng như ngày nào, cứ vào khoảng 9 giờ tối giờ Hà Nội, cho đến 12 giờ đêm, sẽ có khoảng một trăm nick log in vào diễn đàn với mục đích là xem trận tỉ thí của bạn. Chỉ số impact factor của diễn đàn tăng một cách chóng mặt. Toàn bộ các box khác đóng cửa và hệ thống server hầu như hoàn toàn tê liệt vì tâm điểm của sự chú ý lúc này đang nằm ở NTLXX. Sáng hôm sau, giang hồ thi nhau bàn tán hệt như ở quán cóc vỉa hè thời kỳ diễn ra World Cup. Hàng trăm bài xã luận, hàng nghìn bài phân tích những điểm yếu điểm mạnh của từng bên. Thậm chí, theo nhận định của Bộ Nội Vụ, đã có một số dấu hiệu của hành vi cá độ bất hợp pháp và không loại trừ khả năng bán độ của một số thành viên đánh ghen online. Tuy nhiên, câu hỏi muôn thủa vẫn được đặt ra đúng context: "Bằng chứng đâu?"