Trong xã hội có người thực hiện một hành vi nào đó sai trái, dù mục đích của họ không phải là xấu, nhưng họ vẫn bị phê phán. Vì thế ai cũng biết, nếu mục đích tốt thì nên được cảm thông, nhưng để đạt được mục đích bằng mọi giá, trong đó có cả hành động bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật thì không thể chấp nhận.
Trong xã hội và đối với vận mệnh quốc gia, ai cũng biết xâm lược là xấu, chống xâm lược là tốt; bán Nước là xấu, giữ Nước là tốt. Ðó chính là đạo lý của nhân loại, đối với người Việt Nam, đạo lý ấy còn được coi là một trong các phẩm chất ưu việt, để phân biệt giữa thiện và ác, giữa người yêu Nước với kẻ bán Nước. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta không chỉ trui rèn truyền thống giữ Nước chống xâm lăng, mà còn cho thấy người bán Nước như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,... luôn bị dân tộc phê phán, danh xấu nghìn năm khôn rửa. Như với Trần Ích Tắc, Ðại Việt sử ký toàn thư viết: "Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Ðến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện, con của Tĩnh Quốc, thì đổi làm họ Mai. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần". Còn Lê Chiêu Thống, Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có Nghị ở đây nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc Nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?".
Sự thật lịch sử cho thấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến đấu chống xâm lược. Và sự thật lịch sử cũng cho thấy, khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã có một số người lầm lạc, chĩa súng vào đồng bào, gây nên nhiều tội ác. Ðiều đó cần làm rõ và ghi vào sử sách như Ðại Việt sử ký toàn thư viết về Ích Tắc, như Hoàng Lê nhất thống chí viết về Chiêu Thống, để hậu thế nhìn vào biết tốt mà theo, biết xấu mà tránh. Biết theo điều tốt tránh điều xấu là biết bảo vệ, dựng xây đất nước, có như thế đất nước mới trường tồn. Ở một chiều hướng khác, cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa", chúng ta sẵn sàng mở lòng để làm bạn cả với những người từng là kẻ thù, sẵn sàng tha thứ cho "những đứa con lầm lỗi", như cha ông vẫn nói "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Tiếp nối truyền thống ấy và vì tương lai đất nước, nhiều năm qua hòa hợp dân tộc đã trở thành một trong các chính sách được ưu tiên hàng đầu của Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, một số người nhân danh hòa hợp dân tộc mà lại đưa ra quan niệm "méo mó" về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðã có một vài cá nhân, một số diễn đàn báo chí coi những người từng cầm súng bắn vào đồng bào mình là hành động với "lý tưởng khác", "lựa chọn chính trị khác". Là một người đọc, tôi không thể hình dung, càng không thể đồng tình với một ý kiến lạc lõng, khi đề cập tới cuộc kháng chiến cách đây gần 40 năm: "bên nào cũng có lý tưởng của bên đấy. Ngày xưa ta không thể nói là không có chính phủ VNCH ở miền Nam. Ðó là chính phủ cũng được quốc tế thừa nhận chứ. Ðó cũng là một nhà nước có quân đội thực thi nhiệm vụ quốc gia của họ để bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng của họ", "Tuy đã muộn nhưng có lẽ từ nay báo chí hay các văn bản chính thức chúng ta nên gọi đúng chính danh ấy thay vì cách gọi cũ trong thời chiến. Nói như vậy để thấy VNDCCH hay VNCH thì đều có chung gốc mẹ là Việt Nam. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng là trọng trách của người Việt Nam nói chung, không phân biệt lựa chọn chính trị của anh là như thế nào"!
Lý tưởng là điều thỏa mãn tới mức tuyệt đối của một ước vọng cao đẹp của con người, vậy làm sao lại có thể có thứ "lý tưởng" quay lưng với đồng bào và Tổ quốc? Gọi việc bán Nước, theo ngoại bang là "lý tưởng khác" chính là hủy hoại giá trị nhân bản và nhân văn, cào bằng các giá trị truyền thống thiêng liêng của dân tộc, hạ thấp ý nghĩa cao cả của những người đã hy sinh vì độc lập và thống nhất đất nước. Chúng ta sẽ dạy cho con cháu như thế nào về "sống có lý tưởng", biết "lựa chọn chính trị đúng" khi mà có người xóa nhòa ranh giới giữa đẹp và xấu, giữa yêu Nước với bán Nước? Khi vận mệnh đất nước bị đe dọa, làm sao có thể coi việc chống lại nguyện vọng thống nhất đất nước của cả dân tộc, tiếp tay cho xâm lược là "bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng", bởi trên đời này không có ai "bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng" bằng hành động phản nước hại dân. Với hòa hợp dân tộc cũng vậy. Trước hết, hòa hợp dân tộc là "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai". Song "khép lại" không phải là "xét lại" để làm méo mó sự thật, gạt bỏ đạo lý. "Khép lại" chứ không phải làm tốt cũng coi như xấu, giữ Nước cũng như bán Nước; "khép lại" chứ không phải vo tròn, đánh đồng, cào bằng mọi giá trị. Bởi, chúng ta sẽ "hướng đến tương lai" như thế nào nếu tự mình "bắn súng lục vào quá khứ" để nhận lấy "đại bác" ở tương lai như câu nói của nhân vật Abutalip trong tác phẩm của nhà thơ Gamzatov.
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, vết thương ở vĩ tuyến 17 đã "liền da", nhưng vết thương trong lòng người vẫn còn đó. Và hòa hợp chính là để hàn gắn vết thương, để mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước cũng cùng nhìn về phía trước để suy nghĩ và hành động vì tương lai dân tộc, vì một đất nước giàu mạnh,... Ðó là công việc chính đáng. Nhưng sự chính đáng đó không thể được thực hiện bởi việc làm trái đạo lý và sự thật. Hòa hợp phải mang theo sự chân thành, chân thành với nhau và chân thành với đất nước, với lịch sử. Chân thành với nhau là đến với nhau mà không mang theo thiên kiến thù hận. Chân thành với đất nước là làm tất cả vì lợi ích của đất nước. Chân thành với lịch sử là tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị lịch sử. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ở đâu đấy trên mạng, người ta (những người chống cộng cực đoan) đưa ra yêu sách đòi Nhà nước muốn hòa giải thì phải thế này, phải thế kia. Ðiển hình cho những yêu sách ấy là họ đòi "hủy bỏ kỷ niệm "Ngày giải phóng miền Nam" vì "khoét sâu vết thương của dân tộc"! Yêu sách này chà đạp đạo lý của dân tộc ta. Từ khi lập quốc, từ khi có ý thức về cương thổ, thì độc lập và thống nhất là hai điều tối quan trọng, bao nhiêu thế hệ, từ cha ông tới chúng ta đã đổ xương máu để có điều đó. Không có vết thương nào bị khoét sâu khi đất nước thống nhất, nói thế là nói ngược. Vì thống nhất chính là làm liền "vết chém ngang lưng Tổ quốc ở vĩ tuyến 17". Trong thế giới này, quốc gia nào cũng đều kỷ niệm ngày trọng đại của đất nước họ. Và đó là ngày của tự hào, từ đó thấy cần phải suy nghĩ, hành động sao cho xứng đáng với những người đã có công lao to lớn làm nên niềm tự hào ấy. Cho nên, việc ra điều kiện để hòa hợp là rất lạ lùng và khôi hài. Ðất mẹ luôn mở rộng vòng tay với mọi đứa con, dù là đứa con lầm lỗi. Chúng ta chân thành hòa hợp nên đã có những người từng ở bên kia chiến tuyến, với sự chân thành, không điều kiện, đã trở về với Tổ quốc. Như ông Nguyễn Cao Kỳ từng nói: "Những ai muốn quay về dĩ vãng, thật là không tưởng. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của mỗi công dân trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai". Và còn rất nhiều những người khác nữa, họ trở về đất nước, tắm hồn mình trong hồn dân tộc, thấm sâu cái nghĩa đồng bào thiêng liêng, từ đó chung sức xây dựng đất nước mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Tất nhiên, muốn hòa hợp thì phải nỗ lực, và điều xứng đáng nhất để chúng ta nỗ lực chính là tình đồng bào, là nghĩa quê hương, là tương lai đất nước. Nếu người trong nước "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai" một cách chân thành thì người ở ngoài nước cũng cần phải vậy. Song cần nhận thức rằng hòa hợp chứ không phải ra điều kiện, nỗ lực chứ không phải bằng mọi giá. Ai đó ra điều kiện và đáng tiếc cả ai đó dường như muốn có sự hòa hợp "bằng mọi giá", đều không thể đưa tới sự chân thành. Ðất nước đang cần sự yên bình để xây dựng và phát triển, đang cần thống nhất thành một khối để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thì mọi người Việt Nam yêu nước, dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng nên suy nghĩ và làm những công việc sao cho xứng là con dân nước Việt.
HOÀI VŨ