Khoai@
Một bài đăng trên báo Đất Việt có tựa cực kì ngu ngốc: Thêm cớ phạt dân: Dừng xe mua hàng vỉa hè sẽ bị phạt!
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/them-co-phat-dandung-xe-mua-hang-via-he-se-bi-phat-3220198/
Bài báo nói về quyết định sẽ xử phạt những xe dừng lại để mua hàng (rong) trên vỉa hè, và dưới lòng đường sẽ bị phạt.
Tác giả bài báo cho rằng, cơ quan công an làm như thế là để kiếm cớ để phạt dân. Đây là một nhận định ngu ngốc chưa từng có, và có ý đồ ngấm ngầm thúc đẩy sự chống đối nhân danh người "dân".
Một xã hội văn minh là xã hội thượng tôn luật pháp. Người dân, dù bất kể là ai đều có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực giao thông cũng vậy, không thể lấy danh nghĩa tôi là quan chức thì tôi có quyền đi vào đường cấm; không thể lấy danh nghĩa tôi là nhà văn nên tôi có quyền ngồi giữa vỉa hè, nơi dành cho người đi bộ để uống cà phê; không thể lấy danh nghĩa tôi là nhà báo thì tôi có quyền chạy quá tốc độ quy định; và cũng không thể lấy danh nghĩa tôi là dân nghèo thì tôi có quyền bán hàng rong dưới lòng đường.
Muốn nói gì thì nói, đi vào đường cấm, uống rượu bia giữa vỉa hè, bán hàng rong dưới lòng đường là sai và rất xấu.
Các nhà báo cũng không nên nhân danh người nghèo khổ để bảo vệ cho cái sai của họ.
Hà Nội, hay bất cứ đâu cũng cần một trật tự đô thị, cần cái đẹp và bất kể ai cũng cần tự giác chấp hành. Tất nhiên, những ai không chấp hành sẽ bị phạt.
Việc xử phạt những người vi phạm là hết sức cần thiết, trước hết và chủ yếu là để đảm bảo trật tự giao thông đô thị, bảo vệ quyền được đi lại theo luật, và bảo vệ chính tính mạng của người dân; sau nữa, mới là giữ cho bộ mặt đô thị được sạch sẽ bởi lòng đường và vỉa hè được sử dụng đúng mục đích.
Vì điều đó, những người dừng xe dưới lòng đường ở những nơi cấm đỗ, cấm dừng là vi phạm luật, tất yếu bị phạt. Rất không nên nghĩ rằng, phạt những người vi phạm là "thêm cớ để phạt tiền dân" như phóng viên Thái Linh của báo Đất Việt viết. Viết như thế là cổ súy cho các việc làm sai trái, làm vấy bẩn đô thị và thể hiện tư duy tiểu nông.
Cần nhớ, để lập lại kỉ cương, trật tự đô thị, các cơ quan chức năng phải làm từ nhiều phía. Phía những người thực thi công vụ phải nghiêm túc và kiên quyết. Phía người vi phạm, bao gồm cả người kinh doanh và cả người mua cũng đều phải bị xử lý.
Ngày 27/5, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định số 2064, phê duyệt danh mục các tuyến phố cấm buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè. Theo đó có 62 tuyến phố thuộc 6 quận nội thành Hà Nội không được phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Những nỗ lực trên của UBND TP Hà Nội là rất đáng khen ngợi, nhưng thực tế chưa thắng được sức ì và thói quen của người dân.
Trở lại với vấn đề chính, chúng ta đều thừa nhận rằng, lòng đường, hè phố không phải là nơi bán hàng. Hè phố và lòng đường là để phục vụ mục đích cho giao thông. Việc bán hàng rong ở những nơi này là cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, làm mất mỹ quan thành phố.
Từ góc nhìn khác, chính những người tham gia giao thông, đỗ dừng xe sai quy định, một mặt vi phạm luật giao thông đường bộ, và mặt khác lại thúc đẩy những người bán hàng rong tiếp tục vi phạm.
Chính vì thế, việc phạt những người vi phạm là hết sức cần thiết, và phạt người dừng xe mua hàng rong trên phố chỉ là một trong nhiều nội dung, như lời Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67: "Trong số này, lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện đỗ, dừng sai quy định để mua bán hàng hóa ở lòng đường, vỉa hè sai quy định".
Việc phóng viên Thái Linh viết bài, đặt tên bài như vậy là thiếu hiểu biết và thiếu ý thức tôn trọng pháp luật. Hơn nữa, nó định hướng cho những dư luận sai trái về chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, kích động sự chống đối chấp hành luật pháp của những người tham gia giao thông.
Không hiểu sao báo Đất Việt lại có thể cho đăng một bài viết thiểu năng như thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét