Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

ĐỒ CON BÒ

Mình luôn phán rằng, xứ sở này cần một bàn tay sắt cai trị, may ra mới khá khẩm lên được.


Tiêu chí hàng đầu để đánh giá một xã hội văn minh là người dân phải tôn trọng luật pháp tối đa có thể. Theo đấy, cũng là tiêu chí để người khác bò.

Một xứ mà bộ máy truyền thông ra rả bênh vực một tiệm vàng buôn lậu, một con ăn cắp trong siêu thị, tôn vinh một thằng gây tai nạn cho cộng đồng...thì chắc chắn, vẫn nguyên thủy là loài bò.

Dân thế, sinh ra chính quyền thế. Đôi lứa quá xứng đôi. Chửi gì?

Vứt mịa nó bàn phím đi, hóa ra đời sống êm đềm và thú vị và, những điều đẹp đẽ phủ khắp nơi nơi.

Hai anh em một đại gia ở Hải Dương đã hiến gần 2ha đất và bỏ tiền xây (gần xong) một trung tâm bảo trợ cho người nghèo. 7 hộ nữa tình nguyện hiến thêm đất cho Trung tâm vuông vắn.

Một tiểu gia mời toàn đại gia đến ăn cưới, bất chấp dè bỉu thấy người sang bắt quàng làm họ. Hóa ra đấy là thuyết âm mưu, giờ chót cô dâu chú rể công bố số tiền mừng và cung tiến toàn bộ cho nhà chùa nuôi trẻ mồ côi. Nghe chừng, mụ bạn đồng niên cũng đang cùng âm mưu như thế vào ngày 17/5 này, lấy tiền ủng hộ một trường học tít tắp Hà Giang xa xôi. 

Một thiếu nữ đẹp như mơ và những tình cảm trong vắt, chớp nhoáng với nhiếp ảnh gia lừng danh trong một sáng thanh bình bên cây cầu xưa cũ.

Bữa cơm quê đúng nghĩa của nhà giồng được. Và những chiều thảnh thơi, một mình lang thang với trẻ con, với lúa, với trâu.

Được làm người!

Beo

TRƯỜNG SA KÝ SỰ THÁNG TƯ 2014

Trường Sa ký sự tháng Tư 2014


Như thông lệ từ Tết Nhâm Thìn, người viết vẫn thường về Việt Nam ăn Tết quê hương. Năm nay KBCHN đã đến chúc Tết và phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tại văn phòng Bộ Ngoại Giao và được biết Đoàn Công Tác số 6 sẽ tổ chức chuyến đi thăm đảo Trường Sa năm 2014 vào tháng Tư. Nhân dịp này Thứ trưởng cũng ngỏ lời mời đích thân một số người như bà Phùng Tuệ Châu, ông Nguyễn Ngọc Lập, nhà báo Đỗ Dzũng, Lý Kiến Trúc, Đoàn Trọng, tâm linh Nguyễn Quốc Dũng và một số người lãnh đạo chống Cộng tại quận Cam.

Trở về Hoa Kỳ KBCHN đã lên tin bất ngờ này trên mạng http://kbchn.net. Trừ nhà báo Đoàn Trọng, Đỗ Dzũng và những người chống Cộng cực đoan, tất cả những người Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mời ở trên đã được KBCHN lần lượt tiếp xúc và đã nhận lời mời. Ông Nguyễn Ngọc Lập là một trong những người nhanh nhẹn nhận lời đầu tiên. Tiếp theo đó chuyến du thuyết hải ngoại tháng 3/2014 của thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn qua Canada và Hoa Kỳ đã lần lượt tiếp xúc với một số người, kể cả nhiều lãnh đạo tôn giáo.

Chuyến đi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn ra hải ngoại được dư luận đánh giá là một thành công lớn. Từ việc tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Cananda, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải và đến Hoa Kỳ tại Washington DC, Houston, San Francisco, San Jose và quận Cam. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và phái đoàn đã tiếp xúc nhiều nhận vật thuộc thành phần chống cộng cực đoan (CCCĐ) kể cả một số chùa và lãnh đạo tôn giáo. Đặc biệt hơn nữa Thứ trưởng và phái đoàn Việt Nam đã đi thăm viếng nhiều người Việt tại 3 thành phố Garden Grove, Westminster và Santa Ana. Vì 3 thành phố này đều có nghị quyết liên quan đến sự hiện diện của các phái đoàn ngoại giao từ Việt Nam.

Theo sự tuyên truyền và phiên dịch của các “lãnh đạo” cộng đồng đầy một bồ Anh Ngữ gọi nghị quyết “cấm các phái đoàn VC đến thành phố.” Thật ra đây chỉ là một nghị quyết để bảo đảm an ninh cho các phái đoàn ngoại giao khi đến 3 thành phố trên. Theo đó, các nghị quyết chỉ mang sự khuyến cáo các phái đoàn ngoại giao nên thông báo cho hội đồng thành phố biết khi đến viếng thăm. Nghị quyết đưa ra với lý do để chuẩn bị an ninh cho các phái đoàn. Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết đây là một nghị quyết mang tính cách mị dân kiếm phiếu của các dân cử người Việt Nam hầu kiếm phiếu không hơn không kém. Nói trắng ra “NQ cấm cửa VC” chỉ là một cái phao cho thiểu số người CCCĐ bám víu vào để biểu dương “lòng yêu nước vì hận thù hơn là vì chính nghĩa.”

Nhưng thủ thuật này rõ ràng đã không thành công, vì cả 3 thành phố nói trên đều có nghị viên người Việt Nam và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng đã nói rõ là có thông báo cho các thành phố biết sẽ đến thăm Việt kiều (tin PHOBOLSATV.) Vậy tại sao không có dân cử nào “báo động” cho những chuyên viên “xách động” ghiền biểu tình thí dụ như thông báo cho Chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai Phan Kỳ Nhơn biết để kịp thời tổ chức biểu tình?

Thật đau lòng cho những người thích làm công việc “lấy vải thưa che mắt thánh” và lường gạt lòng “yêu nước” của một số người còn nặng lòng hận thù vì “thua trận.” Có lẽ người Mỹ khi chấp thuận nghị quyết cũng buồn cười về cái ngây ngô và kịch cỡm của đám “sơn đông mãi võ” cờ Vàng. Việc Cộng Sản và Quốc Gia nói nôm na là Quốc – Cộng thì Trung Hoa, Đại Hàn, Cuba cũng có 2 quốc gia. Nhưng trình độ ý thức và nhận thức của họ đã trưởng thành hơn người Việt quốc gia. Khi các viên chức hoặc lãnh đạo của các nước này đến Mỹ không có các cuộc biểu tình rầm rộ chống đối như cộng đồng thiểu số người Việt. Nhất là lần ông Tập Cẩm Bình gặp Tổng thống Barack Obama ở Palm Springs, không có người Trung Hoa nào đi chống đối. Ngược lại, ông luật sư bị treo bằng Nguyễn Xuân Nghiã lại phất cờ Vàng 3 sọc Đỏ và hô“Human Rights for Viet Nam.” Hai lãnh tụ Hoa – Mỹ này chẳng ông nào có liên hệ gì đến cái gọi Việt Nam. Đúng là tinh thần nộ lệ kiểu Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Tệ hại hơn nữa có 2 người Tây Tạng trần truồng như nhộng phơi bầy tất cả những gì cần che đậy cầm cờ Tây Tạng đi biểu tình thì lại có mấy ông cờ Vàng cầm cờ VNCH đi sau lưng cái “dương vật” Tây Tạng mà không biết xấu hổ hay nhục cho lá cờ “chính nghĩa quốc gia.”

Trở lại chuyến đi Trường Sa thì KBCHN là một trong những người đầu tiên từ hải ngoại đặt chân lên biển đảo Trường Sa vào tháng Tư 2012 cùng với Phố BolsaTV và Việt Weekly. Chuyến đi đã để lại những ấn tượng trong sự tức tối của một thiểu số người Việt hải ngoại. Nói một cách sự thật dễ mất lòng đó là nhóm người lợi dụng chính nghĩa quốc gia để làm chiêu bài chống Cộng. Nhận định theo khía cạnh tích cực thì chuyến đi đã là một bạt tai cho chủ nghĩa tuyên truyền xuyên tạc. Nhất là nhóm “cộng đồng” (nhỏ) Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Kỳ Nhơn, Phan Tấn Ngưu một sự thật phản bác với luận điệu vu cáo không bằng chứng: “Việt Nam bán đất bán biển”qua một công hàm ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Rất nhiều lần Phan Kỳ Nhơn đã nói rất ngu như một con vẹt đã được huấn luyện để hót về vấn đề biển Đông: “Muốn chống Trung Cộng phải chống VC, muốn chống VC phải chống Việt Gian, muốn chống Việt gian phải chống tay sai tại hải ngoại.” Phản ứng “cộng đồng” nhạy cảm đến nỗi đã có những tuyên truyền cho là chuyến đi Trường Sa 2012 là một cuốn phim trên một hòn đảo “dàn dựng.”

Nhưng thành quả chuyến đi năm 2012 đã tạo nên một tiếng vang lớn vì sự thật là sự thật. Một vài người hay một nhóm có thể gọi là “đóng kịch” nhưng với con số trên 200 người đến từ trên nhiều quốc gia từ khắp năm châu thì khó có thể nói là một sự dàn dựng. Một câu danh ngôn của triết gia Tây Phương đã viết: “bạn có thể lừa nhiều người một lần, nhưng bạn không thể lừa một người nhiều lần.” Trong tinh thần thể hiện quyết tâm bảo vệ và giữ vững chủ quyền của đất nước và minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại chủ quyền của hải đảo Trường Sa nhà nước Việt Nam tiếp tục những chuyến đi vào tháng tháng Tư 2013 và 2014.

Đã không mất mà Việt Nam hôm nay đã thêm từ 5 đảo chủ quyền thời VNCH lên đến 9 đảo nổi, 12 đảo chìm và 18 dàn DK1 (thực tế chỉ có 15 dàn) vì một số nhà dàn cũ thời VNCH đã quá cũ và không có chiều cao cần thiết. Những nhà dàn này khi sụp đổ cũng đã lấy đi sinh mạng nhiều chiến sĩ hài quân QĐND. KBCHN không nhớ rõ nhà dàn số mấy, nhưng toàn bộ 8 chiến sĩ đã hi sinh. Tại một nhà dàn khác chỉ huy trưởng nhà dàn đã cởi áo phao đưa lại cho một chiến sĩ hải quân khác trước khi chia tay đi vào lòng biển với nhà dàn. Những đảo do Việt Nam đang chiếm giữ nhiều nhất tại quần đảo Trường Sa là: An Bằng, Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Nam, Đá Tây (A, B, C,) Đá Thị, Len Đao, Nam Yết, Núi Le, Phan Vinh, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Sơn Ca, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Tộc Tân, Trường Sa, Trường Sa Đông. Những nhà dàn mới hiện nay rất hiện đại và tương đối khá an toàn và tránh được những độ sóng cao 12 mét khi bão lớn. Từ mặt biển lên sân thượng cao 24 mét và chân chôn sâu 24 mét. Tổng công chiều cao của nhà dàn là 48 mét. Việt Nam hiện nay đang làm chủ quyền số đảo nhiều nhất tại quần đảo Trường Sa, kế đến Phi Luật Tân 8 đảo. Trung Quốc chỉ có 5 đảo trong đó đã chiếm giữ đảo Gạc Ma một cách trái phép. Đài Loan chỉ có một đảo duy nhất là Ba Bình do Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng Tổng thống Tưởng Giới Thạch năm 1958 để trả ơn Đài Loan là quốc gia đầu tiên công nhận nền đệ nhất Cộng Hòa.

Lần đi Trường Sa tháng Tư năm 2014 của đoàn công tác số 6 là lần thứ ba vẫn do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn làm trưởng đoàn và Hải quân Đại tá Đỗ Minh Thái Phó trưởng đoàn. Thành phần tham dự đòan Việt kiều năm nay đông nhất với số người tham gia là 17 người. Ngoài 3 cơ quan truyền thông quen thuộc Việt Weekly, Phố BolsaTV và KBCHN chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của nhà báo Lý Kiến Trúc, bà Phùng Tuệ Châu, bà Nguyễn Nguyệt Rạng, Thiếu úy TQLC Nguyễn Ngọc Lập, tâm linh Nguyễn Quốc Dũng, Bắc California có đạo diễn Hoài Phong, ở Houston có ông David Nguyễn tức Đức Đầu Bạc, Peter Nguyễn Đồng tức đông y sĩ Huệ Lộc. Nguyễn Trọng Bình San Diego, Hai người khách ở Irvine Chấn Phong và Seattle là Trinh Đỗ rút tên giờ chót. Ông Trinh Đỗ tuy không đi nhưng cũng đã gửi 50 mỹ kim mua thuốc lá và ông Hồ Văn Thành Houston gửi 100 mỹ kim quà cho Trường Sa (nhà báo Nguyễn Phương Hùng đã gửi Ủy Ban Nhà Nước mua thuốc lá.) Danh sách Việt kiều Mỹ theo thứ tự mẫu tự: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, Phùng Tuệ Châu, David Nguyễn (Đức Đầu Bạc,) Trần Quốc Dũng, Peter Nguyễn Văn Đồng, Etcetera Nguyễn (Việt Weekly,) Nguyễn Phương Hùng (KBCHN,) Vũ Hoàng Lân (PhoBolsaTV,) Nguyễn Ngọc Lập, Trần Kim Nguyên, Nguyễn Nguyệt Rạng, bác sĩ Bùi Duy Tâm, nhà báo Lý Kiến Trúc. Thành phần đoàn Mỹ đông nhất trong đoàn kiều bào.

Thành phần trong nước có lẽ mọi người chú ý nhất là sự hiện diện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà tức Huỳnh Thị Sinh và cô Nguyễn thị Thanh Thảo (con gái của hạm phó HQ/VNCH Nguyễn Thành Trí.) Ngoài ra cũng có một người em gái của bà Sinh tháp tùng. Trong buổi lễ cầu siêu cho các tử sĩ VNCH (Hoàng Sa 1974) và liệt sĩ HQ/QĐND (Gạc Ma 7/3/1988.)

Trưa thứ Tư 16/4/2014 đoàn chính thức tập trung tại khách sạn 3 sao Kingston 52 Thủ Khoa Huân quận 1, tpHCM. Buổi tối thứ Tư 16/4/2014 nhà báo Nguyễn Phương Hùng và Peter Nguyễn Đồng không ăn tối chung với đoàn vì nhận lời mời của độc giả Nguyễn VN dùng cơm tối tại nhà hàng Sushi Bar. Trước đó, Hội ủng Hộ Nhà Báo Hải Ngoại Yêu Nước đã mở tiệc khoản đãi phái đoàn Mỹ về nước tham gia chuyến đi Trường Sa tháng 4/2014. Tham dự buổi tiệc có bà Phùng Tuệ Châu, bà Nguyễn Nguyệt Rạng, ông Nguyễn Ngọc Lập và nhà báo Nguyễn Phương Hùng tối 15/4/2014 tại nhà hàng 155 khu Cầu Ông Lãnh quận Tư, tpHCM.

Sáng thứ Năm 17/4/2014, đoàn Việt Kiều được hướng dẫn thăm Đền Liệt Sĩ tại Bến Dược, Củ Chi. Đoàn đã dâng hương tưởng niệm liệt sĩ tại đền Bến Dược và thăm địa đạo Củ Chi. Sau khi ăn trưa tại nhà hàng nổi Bến Dược, đoàn đã trở về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nghe phổ biến kế hoạch đi Trường Sa cùng nhận thẻ lên tàu. Địa đạo Củ Chi nguyên thủy rất hẹp và thấp. Vì yếu tố du lịch, nhất là khách ngoại quốc như cựu chiến binh Hoa Kỳ (đặc biệt những người từng phục vụ chiến đấu tại Việt Nam.) Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói chuyện tại bộ tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH: “Củ Chi còn Sài Gòn mất, Củ Chi mất Sài Gòn còn.” Câu nói đã ứng nghiệm 39 năm qua và hôm nay Củ Chi đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Nhưng ai chưa về Việt Nam nếu có dịp nên đi thăm cho biết. Tuy nhiên không khí ngột ngạt vì độ ẩm và thới tiết nóng nực của miền Nam không thích hợp cho những người cao máu, tiểu đường, yếu tim. Hai chiến sĩ VNCH trong đoàn TQLC Nguyễn Ngọc Lập và Biệt Động Quân Nguyễn Phương Hùng đã không đi hết đoạn đường hầm dài 70 mét (nếu còn ở lứa tuổi 20 chắc cũng có thể đi được.) Toàn đoàn chỉ đi được 40 mét đều đã tắt ngang và bò lên khỏi miệng hầm. Lệ phí cho mỗi người đi tham quan Củ Chi từ Sài Gòn chỉ mất từ 6 – 8 USD và hầu như các khách sạn tại tpHCM đều có dịch vụ này.

Sáng sớm thứ Sáu 18/4/2014, đoàn rời khách sạn lúc 5 giờ đi cảng Cát Lái. Đúng 8 giờ tàu xuất phát đi quần đảo Trường Sa. Lênh đênh trên biển 2 ngày, sáng Chủ Nhật 20/4/2014 tàu cặp bến đảo Song Tử Tây lúc 6 giờ. Chiều tối thứ Sáu 18/4/2014 sau khi dùng cơm tối một chương trình văn nghệ được tổ chức trên boong tàu do đoàn văn nghệ Quân khu 9 (Cần Thơ) đảm nhiệm. Buổi văn nghệ hợp cùng những đóng góp giao lưu của các Việt kiều. Chương trình văn nghệ kéo dài từ 7 giờ đến 10 giờ tối.

Ngày 19/4/2014 không có sinh hoạt nên mọi người tự do ngắm biển chụp hình quay phim. Buổi tối Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mời riêng một số khách trong đoàn ăn cơm chung trong phòng ăn khu A. Khu dành cho Thứ trưởng và các lãnh đạo đoàn công tác số 6. Đoàn Mỹ tương đối đông trong số khoảng 30 người khách mời mà đa số là văn nghệ sĩ và các sĩ quan hải quân cao cấp trên tàu. Bà Phùng Tuệ Châu, Nguyễn Nguyệt Rạng, ông Nguyễn Ngọc Lập, David Đức Nguyễn (Đức Đầu Bạc,) nhà báo Lý Kiến Trúc, tâm linh Quốc Dũng, Phố BolsaTV và KBCHN.

Trong buổi ăn Đại tá Đỗ Minh Thái thuyết trình một vấn nạn khó khăn nhưng lại không được phổ biến rộng rãi, là xuồng chủ quyền dùng để đưa khách từ tàu vào đảo. Đại tá Đỗ Minh Thái đề nghị mỗi người đóng góp 10 ngàn tiền Việt Nam tương đương nửa mỹ kim (50 xu Mỹ.) Theo ông với số người Việt hải ngoại dư sức đóng số tàu cần thiết vì trị giá mỗi chiếc xuồng cũng chỉ tốn khoảng 3 tỷ rưỡi VND (tương đương 165 ngàn mỹ kim.) Nhà báo Nguyễn Phương Hùng thay mặt độc giả KBCHN đã đóng góp 200 mỹ kim. Tiếp theo bà Phùng Tuệ Châu và bà Nguyễn Nguyệt Rạng mỗi người đóng 100 mỹ kim như là một đóng góp của người hải ngoại tiếp tay cho những phương tiện vào đảo. Năm 2012 sau chuyến đi đồng bào Việt kiều đã tặng một xuồng chủ quyền trong Nghị hội Việt Kiều lần thứ hai vào 9/2012. Hiện nay rất nhiều xuồng chủ quyền do các thành phố tại Việt Nam đã tặng xuồng chủ quyền. KBCHN đọc được trên các tàu: thành phố Hà Nội, tpHCM, tp Hải Phòng, tp Nha Trang, tp Vũng Tàu ...v...v...

Mỗi năm ngoài chuyến đi Trường Sa của Việt kiều, nhà nước vẫn có những chuyến tiếp tế cho hải đảo Trường Sa. Nhân đây KBCHN xin nhắc nhở bà con Việt Kiều hải ngoại, nếu muốn tham dự vào những chuyến đi dành cho Việt kiều ra Trường Sa, độc giả có thể ghi danh tại các đại sứ và tổng lãnh sự gần nơi cư ngụ.

Bữa ăn tối chấm dứt lúc 10 giờ đêm với văn nghệ bỏ túi do các diễn viên nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân giao lưu với các sĩ quan hải quân trên tàu.

Nguồn:
http://www.kbchn.net/truong-sa-ky-su-thang-tu-2014.1.html

TT NGUYỄN TẪN DŨNG XIN LỖI NHÂN DÂN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi nhân dân



“Thủ tục người ta nộp thuế khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân”. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 28-4. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu DN bên lề hội nghị "Thủ tướng với DN 2014"

Lời xin lỗi chân thành

Sáng ngày 28/4 tại cuộc họp với cộng đồng Doanh nghiệp (DN), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp và cùng các DN xem xét mọi vấn đề để giúp đỡ DN phát triển.

Một bản kiến nghị với hơn 300 ý kiến của cộng đồng DN trong và ngoài nước được tổng hợp để trình lên Thủ tướng xem xét. Hội nghị nóng ngay từ phần mở đầu với phát biểu của bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam: Các DN hôm nay đến đây là để cùng nhau giải quyết các vướng mắc, quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Những con sâu trong nghành thuế và hải quan hy vọng sẽ không còn nữa.

Bà Cúc mong muốn công tác của cục Thuế không chồng chéo, thanh tra phải có kết luận rõ ràng, minh bạch. Hiện tượng thanh tra thuế “làm tiền” DN là có.

Từ những phản ánh rất thực tế, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ nghành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế và hải quan.

"Các đồng chí nói tôi rất sốt ruột. Bây giờ thủ tục người ta nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Nói bây giờ quyết tâm ở trên này nghe hăng hái thế, đi càng xuống càng giảm... Như thế thì DN thế nào mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế" 

Lời xin lỗi của Thủ tướng nhận được tràng pháo tay của DN và khiến khán phòng xôn xao.

Hỗ trợ DN vừa và nhỏ 

Thủ tướng cũng thông báo với các DN về dự án vay vốn ODA để thực hiện chính phủ điện tử trong kinh doanh, đưa các dịch vụ hành chính lên mức hiện đại khắc phục nhiều thủ tục “truyền thống” phiền hà.

Phát biểu trong cuộc họp, đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, ông Tô Hoài Nam phản ánh: Các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam đang có xu hướng đi xuống. DN lớn chỉ khoảng 2%, DN vừa cũng chỉ 2% trong tổng số các DN, số còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ, riêng DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) chiếm đến 67 %.

Từ thực tế này, ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI cho rằng khi tham gia hội nhập, các DN Việt Nam đang phải đứng trước thử thách lớn. Còn bà Phạm Thị Hồng Thái, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Nghệ An thì nêu vấn đề “nhức nhối” của DN vừa và nhỏ là vấn đề vay vốn ngân hàng để nộp thuế DN. Bà cũng phản ánh Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DN vừa và nhỏ chưa được các địa phương thực hiện sát sao.

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu DN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện giúp DN tiếp cận tín dụng tốt hơn. Đồng thời Thủ tướng cũng lưu ý các DN nên chuẩn bị sẵn vốn liếng và phương án kinh doanh khả thi để yêu cầu ngân hàng cho vay được thuận lợi.

Thủ tướng cũng hứa sẽ đưa lãi suất nợ cũ xuống thấp theo mặt bằng hiện nay, giảm nợ cho ngân hàng Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ định giao cho Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh triển khai quỹ phát triển DN vừa và nhỏ ở các địa phương một cách triệt để, nghiêm túc để giúp DN tuieesp cận vốn. Ngoài ra chú trọng phát triển thị trường chứng khoán để DN không chỉ qua thị trường tín dụng mà còn có thị trường chứng khoán để huy động cho vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để DN tái cơ cấu hoạt động hiệu quả, năng suất hơn, nâng cao sức cạnh tranh. Theo Thủ tướng, Nhà nước không thể đóng cửa bảo hộ DN mà đòi hỏi phải tái cơ cấu DN để có sức cạnh tranh cao hơn.

Vụ Dương Chí Dũng: VKS ĐỀ NGHỊ Y ÁN TỬ HÌNH NHƯNG SẴN SÀNG TRẢ HỒ SƠ

Bị cáo Dương Chí Dũng không tranh luận gì thêm sau khi tiếp tục bị VKS đề nghị y án tử hình. Ảnh: Thanh Lưu.

Sau phần xét hỏi, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm vì phần xét hỏi thêm không xuất hiện tình tiết mới có thể thay đổi nội dung vụ án. Theo đó, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn bị đề nghị y án tử hình như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Sáng 29.4, sau khi nghiên cứu những tài liệu do tòa cung cấp vào chiều 28.4, các luật sư đã có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đó, nhiều luật sư băn khoăn về giá trị pháp lý của những tài liệu này khi chưa rõ quy trình thu thập, quy trình dịnh thuật và chứng thực… do đó nó có được xem là chứng cứ mới hay không thì cần phải được xem xét.

Cạnh đó, một luật sư nói tài liệu có đề cập nhưng không thể hiện rõ khái niệm ụ nổi hay tàu nên phải giao cho cơ quan có đủ thẩm quyền xác định lại.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng chất vấn rằng tập tài liệu này được gửi từ ngày 12.3, trong đó có các bản khai của nhân chứng từ được thu thập từ tháng 11.2013. Điều này thể hiện những tài liệu này có trước phiên xử phúc thẩm, có lợi cho bị cáo Dũng nhưng tại sao đến bây giờ mới được đưa vào hồi sơ vụ án.

Giải đáp, đại diện VKS cho rằng những tài liệu này đã được thu thập đúng quy trình và mới được chuyển đến VKSND Tối cao. Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều luật sư đã bức xúc cho rằng phải chờ kết quả tương trờ tư pháp từ Nga mới đủ chứng cứ kết tội các bị cáo nên những tài liệu này ít nhất cũng có giá trị tham khảo.

“Nếu tòa cho rằng những tài liệu này cần được bổ sung và không đủ cơ sở tuyên các bị cáo có tội thì VKS cũng sẵn sàng đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại”, đại diện VKS nói.

Chuyển sang phần tranh luận, đại diện VKS nói sau khi quay lại phần xét hỏi cũng không xuất hiện tình tiết gì mới có thể thay đổi nội dung vụ án. Do đó, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đã nêu trước đó.

Trong buổi sáng nay, sau khi được tòa hỏi, đại diện Ngân hàng Hàng hải nói mình đã thức cả đêm nhưng không tìm được chứng từ liên quan đến việc rút 3 tỉ đồng của bị cáo Trần Hải Sơn. Trước đó Sơn khai đã rút 3 tỉ này để chuyển cho bị cáo Mai Văn Phúc.

BÁNG BỔ DÂN TỘC HAY ĐIÊN CUỒNG CHỐNG PHÁ VIỆT NAM

Cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình: Báng bổ dân tộc hay điên cuồng chống phá Việt Nam?

Báng bổ tổ tiên và xúc phạm tình cảm thiêng liêng của người Việt nhằm phê phán Nhà nước và chế độ hiện nay là bức xúc, nhận xét chung của nhiều người sau khi đọc bài “Giỗ Tổ và những bi hài kịch” đăng trên RFA ngày 17/4/2014. Bạn đọc Trần Lê Hoàng từ Vương quốc Anh nhắc nhở đài này về sự bức xúc của người dân trong nước “đang dậy sóng” (ý nói về cuộc vận động Chính phủ Mỹ đóng cửa đài này của nhóm blogger trẻ), khuyên Ban Biên tập của RFA Tiếng Việt nên xem lại việc kiểm duyệt trước khi đăng bài nếu không muốn đánh mất thêm uy tín ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Người viết bài này và những người cổ vũ cho quan điểm của bài viết (cụ thể là Ban Biên tập RFA) tỏ ra là người cấp tiến, tiếp thu được tư duy khoa học của phương Tây và hi vọng “khai sáng dân tộc” nhưng không biết họ có quan tâm đến câu ca dao mà mỗi người Việt Nam, từ đứa trẻ mới cắp sách đến trường đều thuộc, nhắc nhở nhau giữ gìn truyền thống: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không rõ có từ bao giờ, nhưng vào thời Hậu Lê thì đã trở nên thịnh hành chứng tỏ phải có từ rất sớm. Vào các thời Tây Sơn và thời Nguyễn, các pháp chế tế lễ Hùng Vương đều được triều đình quy định rõ ràng. Thế nên, không thể có sự so sánh khiên cưỡng về chuyện Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba gần ngày 30/4 được. Mỗi sự kiện đều có ý nghĩa riêng. Hai sự kiện này lại có mối tương quan hữu cơ, nhân quả. Cả cộng đồng dân tộc thờ chung một Tổ như cây chung gốc, sông suối chung nguồn, là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện 30/4/1975 là một trong những thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam, có được trước hết là nhờ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Nhưng sự “ngu học” – từ một số bạn đọc dành cho tác giả bài viết và người chọn đăng bài này trên RFA, thể hiện rõ nhất họ cố gắng phân tích những nghịch lí của thần thoại. Họ còn không phân biệt nổi giữa lịch sử và thần thoại. Lịch sử mới cần lô-gíc, thần thoại mang tính biểu tượng, hình tượng hóa và thiêng liêng hóa. Hãy thử phân tích ngay thần thoại Hy Lạp (nền tảng của văn minh phương Tây) sẽ thấy là các vị thần anh em ruột còn lấy nhau, nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức và pháp luật ngày nay thì bị coi là loạn luân. Thế nên, không thể lấy các tiêu chuẩn lô-gíc thông thường để phán xét thần thoại. Để hiểu thần thoại, phải hiểu được ẩn ngữ, lô-gíc bên trong thể hiện điều gì.

Tác giả bài viết cho rằng thần thoại Âu Cơ – Lạc Long Quân là một sự mặc nhiên thừa nhận nguồn gốc người Việt là người Trung Quốc là hoàn toàn sai. Câu hỏi đặt ra là, người Trung Quốc là người gì? Đất nước Trung Quốc rất rộng lớn, dân cư đa sắc tộc, trong đó tộc Hán chiếm ưu thế. Kể từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất các nước khác bằng sức mạnh quân sự thì mới có tên gọi là nước Trung Hoa. Vào thời kì hỗn loạn triền miên trước đó, cả dải đất kéo dài từ miền Bắc Trung Quốc kéo qua cả Hàn Quốc, miền Bắc Việt Nam, không có vùng đất nào được gọi là Trung Quốc hay thuộc về Trung Quốc cả, mà là những nước nhỏ đánh nhau, tranh chấp và mở rộng lãnh thổ. Bởi thế, nguồn gốc của Lạc Long Quân ở hồ Động Đình hay Âu Cơ là con gái Viêm Đế (một vị trong Ngũ Đế), không nói lên được rằng nguồn gốc người Việt thuộc về Trung Quốc. Đây là điểm mà nhiều kẻ kém hiểu biết, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan vin vào để phá hoại truyền thống đại đoàn kết dân tộc, nhân danh tình yêu nước. Thật nguy hiểm và thâm độc!

Quay trở lại với luận điểm này, ta có thể rút ra kết luận rằng đây là thần thoại thể hiện quá trình di dân xuống vùng đất Việt Nam hiện nay. Âu Cơ là đại diện của tộc Âu Việt, Lạc Long Quân là đại diện của tộc Lạc Việt. Hai tộc này có thể di dân theo hai hướng, một hướng là từ Hồ Động Đình, một hướng là từ khu vực Vân Nam và cùng chung sống ở trên mảnh đất miền Bắc Việt Nam hiện nay. Việc hai dân tộc Việt này từng sống ở trên mảnh đất bây giờ thuộc Trung Quốc không có nghĩa rằng người Việt có nguồn gốc từ người Trung Quốc. Hơn thế nữa, một hệ thống thần thoại không bao giờ là sáng tạo của duy nhất một dân tộc, mà là cộng hưởng của nhiều dân tộc khác nhau. Ví dụ như thần thoại Hy Lạp là tiếp thu thần thoại của người Phoencia, người Sparta, người đảo Sip, người A-ten… vốn dĩ là các thành bang có gốc gác dân tộc khác nhau. Thậm chí trong Thần thoại Hy Lạp còn có sự lí giải nguồn gốc của vùng Europe, không lẽ các nước Châu Âu đều có gốc gác từ Hy Lạp? Những người nghiên cứu thần thoại ở khu vực Đông Á sẽ thấy là người Hán chỉ thờ Đông Đế Phục Hy và Hoàng Đế, mà không thờ Viêm Đế (tức Thần Nông). Chỉ có người Bách Việt và các tộc ở lưu vực sông Dương Tử mới thờ Viêm Đế. Nhưng người Bách Việt vẫn giữ một văn hóa riêng, dù sống trên mảnh đất Trung Quốc và không liên quan đến những giá trị phổ quát của người Hán.

Đã đến lúc những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ”, những kẻ lớn tiếng đi khai sáng cho người dân Việt Nam cần phải học lại lịch sử, mở sách ra đọc. Không chỉ học hỏi về văn hóa truyền thống mà phải tìm hiểu cả lịch sử phát triển văn minh thế giới để tránh nói lấy được như bài báo đăng trên RFA Tiếng Việt kia.

Minh Tuấn/NCT

TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU MANG GÌ KHI TRỐN CHẠY KHỎI SÀI GÒN?

Một Thế Giới


Nguyễn Văn Thiệu luôn đa nghi và tính toán trong lá bài của mình. Ảnh TL

Ngày 25.4.1975, đại sứ Martin điện cho Kissinger báo rằng đã nghĩ ra cách đưa Thiệu và Khiêm rời khỏi miền Nam bí mật. Martin giao cho tướng Timmes tổ chức cuộc ra đi. Chuyến bay của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mang số 231 đi Đài Loan vào lúc 9 giờ 20 đã mang theo 18 tấn vàng của ngân khố Sài Gòn?...

Lý Quí Chung (1940-2005), bút danh Chánh Trinh, là một nhà báo, và cũng là một dân biểu và nghị sĩ đối lập dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ tồn tại 2 ngày của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối cùng Dương Văn Minh. Ông là một nhân vật có điều kiện nhìn sâu vào bên trong bộ máy chính quyền Sài Gòn. Từ góc nhìn của ông, người đọc có thể thấy những sự kiện, biến động chính trị - xã hội, cũng như một số góc khuất trong chính trường Sài Gòn từ 1965 đến 1975.

Ông mất ngày 3.3.2005 tại Sài Gòn.Nhân kỷ niệm ngày 30.4, Báo điện tử Một Thế Giới trích giới thiệu một số tư liệu trong "Hồi ký không tên" của ông. Mời các bạn theo dõi!
Nhà báo Lý Quý Chung (giữa), tướng Dương Văn Minh (trái)

Kỳ 1.

Không khí tại Dinh Hoa Lan rộn rịp lên sau tuyên bố từ chức của ông Thiệu.

Cựu trung tướng Trần Văn Đôn, nghị sĩ quốc hội, thất bại trong việc toan tính tự giới thiệu mình với Pháp như một ứng cử viên thay Thiệu, giờ chót quyết định ủng hộ người bạn xưa của ông là cựu trung tướng Dương Văn Minh.
 
Tướng Đôn trước đây hầu như không thấy xuất hiện ở Dinh Hoa Lan, bây giờ vô ra thường xuyên. Tuy Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn cùng tham gia cuộc lật đổ hai anh em Diệm - Nhu và đều xuất thân là những sĩ quan quân đội Pháp nhưng ngoài đời hai người rất ít quan hệ với nhau vì tánh tình rất khác nhau.

Ông Minh thích thể thao từ nhỏ, đã từng là thủ môn của đội bóng Thủ Dầu Một những năm 40, một đấu thủ quần vợt có hạng và mãi sau này ông vẫn cầm vợt ra sân tuần ba buổi tại câu lạc bộ CSS. Khác với phần đông các tướng lãnh Sài Gòn đều mê gái, ông Minh có một cuộc sống gia đình rất gương mẫu. 

Tướng Đôn ngược hẳn: ông như nhân vật Don Juan, các phụ nữ đẹp trong giới thượng lưu Sài Gòn khó thoát khỏi tay ông nếu lọt vào tầm ngắm của ông. Dù không hợp nhau nhưng Minh và Đôn vẫn tôn trọng nhau.

Người ta cũng thường thấy xuất hiện một số tướng về hưu như trung tướng Nguyễn Hữu Có, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh… Thẳng thắn mà nói số tướng tá chung quanh ông Minh lúc này không có nhiều và cũng ít có gương mặt nổi bật. Các tướng tá đương quyền, thuộc thế hệ sau, đều phò Thiệu hoặc Kỳ. 

Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quyền lực với Nguyễn Cao Kỳ, chắc chắn nhóm ông Minh sẽ gặp khó khăn. Lực lượng của ông Minh quá mỏng. Do lâu ngày tách khỏi quân đội, ông Minh không còn tay chân thân tình của mình trong hàng tướng tá. 

Trong các buổi họp hàng tuần của nhóm ông Minh chỉ thấy có mặt hai nhân vật quân sự thuộc thế hệ đã qua: đó là cựu trung tướng Mai Hữu Xuân và cựu trung tướng Lê Văn Nghiêm, đều không còn ảnh hưởng trong quân đội.

Khi nhân vật tình báo Mỹ Charles Timmes gián tiếp nói cho Kỳ biết đại sứ Mỹ Martin ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh và không ủng hộ cá nhân ông, Kỳ không giấu giếm lập trường của ông là sẽ chống ông Minh không khác chống cộng sản. Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ vẫn nuôi tham vọng trở lại chính trường. 

Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu chưa bao giờ tin nhau 

Ngay sau khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Ban Mê Thuột, từ Khánh Dương trên Cao Nguyên – nơi ông có một nông trại – Kỳ đáp máy bay trực thăng về Sài Gòn nhờ tướng Cao Văn Viên, đang là tổng tham mưu trưởng, thuyết phục Thiệu giao quân cho Kỳ đi ngăn chặn sự tiến quân của quân giải phóng và bảo vệ Sài Gòn. Trong hồi ký của mình (“Buddha’s Child”), Kỳ kể đã gặp Cao Văn Viên.

Kỳ hỏi” “Tình hình Ban Mê Thuột thế nào rồi?”.

Viên đáp: “Rất khó khăn. Chúng ta không có thừa quân vì phải bảo vệ Sài Gòn”.

Kỳ: “Tôi không cần nhiều quân. Cho tôi vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến hoặc dù, và chừng 20 đến 25 chiến xa, tôi sẽ tìm cách phá vỡ sự bao vây. Tôi sẽ trực diện với quân địch và chiến đấu”.

Dừng một lúc, Kỳ hỏi Viên: “Anh có nghĩ là tôi sẽ thành công?”

Viên trả lời: “Nếu anh chỉ huy lực lượng đó, tôi nghĩ là thành công”.

Kỳ: “Vậy thì hãy để tôi hành động”.

Viên: “Đáng tiếc tôi không ở vào vị trí có thể lấy một quyết định như thế. Quyết định này thuộc thẩm quyền của tổng thống Thiệu”.

Kỳ: “ Ô kê, hãy gọi cho Thiệu, báo cho ông ta tôi đang ở đây và nói với ông ta biết đề nghị của tôi…”

Viên gọi điện cho Thiệu, nhưng tổng tham mưu trưởng không nói chuyện được với vị tổng chỉ huy của mình. Thông qua một tùy viên của Thiệu, Viên để lại một báo cáo. Nhưng sau đó, viên trợ lý này gọi lại tướng Viên và cho biết:

“Tổng thống cảm ơn tướng Kỳ rất nhiều về đề nghị của ông nhưng tổng thống cần có thời gian để suy nghĩ về đề nghị của ông”.

27 năm có đủ lâu để suy nghĩ cho một quyết định như thế? Tôi vẫn chờ câu trả lời của Thiệu. Có lẽ ông ta sợ tôi sẽ làm gì đó tại Sài Gòn với đơn vị xe tăng hơn là sợ đối phương có thể làm gì với quốc gia”.

Thật sự đây chỉ là canh bạc xì phé mà Kỳ tung ra với Thiệu. Cả Cao Văn Viên và Nguyễn Văn Thiệu không ai tin rằng Kỳ sẽ cầm quân ra mặt trận vào lúc đó và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ cái ghế tổng thống của Thiệu. 

Điều mà cả hai nghĩ là có quân trong tay Kỳ sẽ tính tới lật đổ Thiệu và giành lấy quyền bính mà ông ta đã để lọt ra khỏi tay hồi năm 1967. Tự cho mình quá hiểu Kỳ, Thiệu đương nhiên gạt qua một bên “đề nghị viển vông” ấy.

Vào lúc CIA có ý định lật đổ Thiệu, ông Kỳ lại được nhà báo Mỹ Robert Shaplen của báo New Yorker tích cực vận động để quay trở lại chính quyền. Từ đầu Shaplen luôn ủng hộ Kỳ. Shaplen có ảnh hưởng khá lớn đối với tòa đại sứ Mỹ, nhưng cuộc vận động này bất thành. Nếu quân giải phóng chưa vào Sài Gòn ngày 30-4-1975, chắc chắn Kỳ cũng sẽ tìm cách đảo chính ông Minh.

Ngày 25-4-1975, ông Thiệu rời Sài Gòn một cách bí mật; địa chỉ đến là Đài Loan. Trước đó, quyền tổng thống Trần Văn Hương thúc hối đại sứ Martin phải áp lực để ông Thiệu rời Việt Nam sớm bởi “sự hiện diện của ông Thiệu gây khó khăn cho ông”! 

Từ ngày 21-4 sau khi tuyên bố từ chức, ông Thiệu và gia đình vẫn ở trong Dinh Độc Lập. Ông Thiệu rời Dinh Độc Lập vào lúc 7 giờ 30 tối. Cùng đi với ông Thiệu có tướng Trần Thiện Khiêm, cựu thủ tướng và là người bạn thân của Thiệu. 

Bà Thiệu và bà Khiêm đã rời Sài Gòn trước đó vài ngày. Bà Khiêm mang theo cả người giúp việc. Theo sự tố giác của linh mục Đinh Bình Định, người rất gần gũi với linh mục Trần Hữu Thanh, thì trong quân đội vào đầu tháng 3 có nhen nhúm một kế hoạch kết hợp Thiệu và Khiêm thành một liên danh tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 3 vào cuối năm 1975, nếu chế độ Sài Gòn còn kéo dài. Chính Thiệu cũng từng tiết lộ kế hoạch này với đại sứ Martin và cho rằng nếu ông làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa thì ông sẽ có điều kiện mở rộng dân chủ!

Chi tiết về cuộc “trốn chạy” của ông Thiệu – vâng phải gọi đó là cuộc trốn chạy – được các tài liệu CIA sau này tiết lộ như sau:

Ngày 25-4-1975, đại sứ Martin điện cho Kissinger báo rằng ông ta đã nghĩ ra cách đưa Thiệu và Khiêm rời khỏi miền Nam một cách bí mật. Martin giao cho tướng Mỹ Timmes tổ chức cuộc ra đi của Thiệu.

Timmes điện cho Thiệu và cho biết ông ta có thể dùng một chiếc trực thăng để đưa Thiệu từ Dinh Độc Lập đến phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng ông Thiệu trả lời rằng ông ta muốn đi bằng ô tô để ghé tổng tham mưu trước và “uống một ly rượu với 22 tướng tá” đến chào từ biệt ông ta tại đây. 

Hình như nơi Thiệu và Khiêm ghé lại là nhà riêng của ông Khiêm. Từ tổng tham mưu, Chính nhân viên CIA Frank Snepp và tướng Timmes đưa Thiệu và Khiêm vào sân bay. Timmes giới thiệu Snepp với Thiệu: “Đây là một chuyên viên phân tích cừ khôi của tòa đại sứ, hơn nữa anh còn là một tài xế đẳng cấp”. 

Khi ô tô đi vào sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, Timmes khuyên ông Thiệu cúi người xuống “như thế an toàn cho tổng thống”. Timmes sợ lính gác nhận ra tổng thống của họ chạy ra nước ngoài và biết đâu sẽ manh động. Timmes hỏi bà Thiệu và con gái, ông Thiệu trả lời: “Họ đang shopping ở Lon Don mua đồ cổ". 

Đại sứ Martin đứng chờ sẵn ông Thiệu bên cạnh chiếc máy bay C-118. Trước khi lên máy bay ông Thiệu vỗ vai cảm ơn Frank Snepp. Trong bài viết riêng của mình liên quan đến giây phút này trong quyển “The VietNam War rememberd from all sides” của Christain G. Appy, Frank Snepp có kể rằng ông Thiệu bắt tay Sneep và nói “tiếng Anh bằng giọng Pháp” với Snepp rằng: “Cảm ơn, cảm ơn tất cả mọi chuyện”. 

Nhưng sau đó Snepp lại tự hỏi ông Thiệu cảm ơn chuyện gì? “Tôi nghĩ chúng ta (tức người Mỹ) đã mất 58.000 thanh niên tại đây – ông Thiệu cảm ơn chuyện đó? Hay đơn giản cảm ơn vì bản thân mình chuồn đi được?” Đại sứ Martin theo Thiệu vào tận bên trong máy bay. 

Ông ta nói với Thiệu “Chúc may mắn” rồi mới bước xuống lên ô tô của mình. Chuyến bay của Thiệu mang số 231 đi Đài Loan vào lúc 9 giờ 20. Có tin đồn Thiệu mang theo 16 tấn vàng của ngân khố Sài Gòn. Thật sự số vàng ấy vẫn ở lại miền Nam. Nhưng theo Kỳ thì “ Thiệu mang theo 17 tấn hành lý và nhiều triệu đô la tiền mặt. Ông ta không cần chuồn với số vàng của ngân khố quốc gia”.

Dân Sài Gòn dửng dưng (và không ngạc nhiên) khi hay tin sự “trốn chạy” của Thiệu ra nước ngoài. Họ không ngạc nhiên vì Nam Việt Nam đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu những cuộc đào tẩu như thế của những kẻ một thời lãnh đạo Miền Nam. 

Trường hợp của ông Thiệu cũng thế thôi, nằm trong sự dự đoán trước của nhiều người. Trung tá phi công Minh, bạn học của Hoàng Đức Nhã ở Lycee Yersin Đà Lạt, được Nhã kéo về chỉ huy đội bay trực thăng riêng của tổng thống Thiệu trong nhiều năm, gặp tôi ở Dinh Độc Lập tối 29-4-1975 đã bày tỏ sự bất mãn của anh với cách cư xử của Thiệu đối với những người đã từng là thân tín của ông ta.

Lý Quí Chung

LẤY GÌ MÀ CHẤM MÚT NẾU KHÔNG...BẺ CONG ĐƯỜNG?

Khoai@


Bài này được đăng trên báo Kiến Thức chấm nét. Bài có vẻ hơi cực đoan khi bàn về các vấn đề xã hội và nhiều nội dung Khoai@ không đồng ý. Tuy nhiên, bài viết cũng có giá trị cảnh tỉnh, vì vậy Tre Làng cho đăng để anh em tham khảo.
Không bẻ cong đường... lấy gì mà chấm mút!

(Kienthuc.net.vn) - "Người ta bẻ cong đường cũng chỉ để mưu cầu lợi lộc về cho bản thân... Công khai, minh bạch ra thì họ lấy gì mà chấm mút!", GS Bùi Văn Nhơn chua chát.

Giỏi ngụy biện lắm!

Câu chuyện đường vành đai 2 Trường Chinh ở Hà Nội bị bẻ cong khiến dư luận ồn ào trong những ngày gần đây. Chuyện này ở ta chẳng có gì lạ, thưa ông?

Quen quá đi chứ. Mấy chục năm tôi công tác, những chuyện bẻ cong đường không hề hiếm gặp. Chẳng nói đâu xa, Hà Nội nào có thiếu những tuyến đường như thế. Ngay đường Trần Quốc Hoàn, bao nhiêu năm nay có nút thắt mà đã cởi được đâu. Trông rất buồn cười.

Người ta cũng đưa ra rất nhiều lý do cho sự bẻ cong đường của mình. Hẳn cũng có lý do thuyết phục được ông chứ?

Những lý do được đưa ra nghe chừng rất hợp lý. Nhưng suy cho cùng thì họ cũng giỏi ngụy biện lắm. Tôi rất buồn cười khi một cán bộ của Hà Nội giải thích rằng đường Trường Chinh "cong mềm mại". Thật không thể chấp nhận được. Nếu tôi là lãnh đạo thì tôi phải xem xét lại trách nhiệm, năng lực của người phát ngôn câu đó.

Mất gen xấu hổ rồi

Lật lại những con đường cong trước đó, ví như đường Bạch Đàn ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long được cho là để né nhà Chủ tịch tỉnh thì phải chăng chúng ta sẽ có được những con đường thẳng, nếu như không... đụng phải nhà của người có chức quyền?

Đúng quá rồi còn gì. Tư duy lãnh đạo ở ta từ xưa tới nay vẫn nể nhau mà không nghĩ rằng chính cái tư tưởng đó đang gây hại cho sự nghiệp lớn. Nói khác đi thì người ta đang quên đi sự nghiệp lớn để làm một cái rất nhỏ. 

Có thể, đáng ra làm con đường thẳng sẽ tiết kiệm được một lượng lớn tiền của cho xã hội. Còn khi bẻ cong nó đi, nếu nhận được những thứ "rất nhỏ" thì có lẽ họ đã chẳng làm, thưa ông?

Dĩ nhiên. Cái "rất nhỏ" ấy là xét trong mục đích có vì cộng đồng hay không. Đằng này, người ta bẻ cong đường cũng chỉ để mưu cầu lợi lộc về cho bản thân thôi. Chính những mối quan hệ chằng chịt giữa quyền lực với lợi ích nên người ta không vì lợi ích chung nữa rồi. Cũng có một phần họ sợ cái vía của người lãnh đạo to quá, quy hoạch đường mà ăn vào nhà của lãnh đạo thì phải né đi, "tránh voi chả xấu mặt nào", chứ không thì có khi cái ghế của họ cũng chẳng còn. 

Vì thế mà cũng có thể "thông cảm" cho những người đã buộc phải bẻ cong đường?

Kể ra thì nếu tôi ở trong trường hợp của họ cũng khó xử đấy (cười). Nhưng nói gì thì nói, đó là một kiểu làm ăn thật khó chấp nhận. 

Thực tế dù có khó chấp nhận thì nó vẫn cứ tồn tại đấy thôi?

Vấn đề là ở chỗ ấy. Tôi cho rằng, sâu xa là do người ta đã mất gen xấu hổ rồi, từ người lãnh đạo phê duyệt cho con đường cong queo để né đất nhà mình đến cả những người thực thi quy hoạch ấy. Thế nên bây giờ, để có được những con đường thẳng đã là điều không tưởng rồi. Vì người ta có còn biết xấu hổ nữa đâu.

Ông nói thế nào chứ ai chả có lòng tự trọng, biết xấu hổ? Ông bảo người ta mất gen xấu hổ, hóa ra bảo họ vô liêm sỉ à?

Không phải là tất cả cán bộ đều như thế nhưng tôi nghĩ có một bộ phận không nhỏ đâu. Thì cứ nhìn vào thực tế, nhiều người sai phạm rành rành ra đấy mà có chịu từ chức đâu, vẫn cố bám trụ đấy thôi.

GS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính nói về việc bẻ cong đường. 

Công khai thì lấy gì mà chấm mút!

Ông có cho rằng, những con đường cong queo cũng chính là bức tranh phản chiếu cách điều hành, quản lý xã hội ở ta hiện nay?

Nó có quan hệ mật thiết với nhau đấy chứ. Nó thể hiện sự làm ăn vòng vèo của quan chức, ở đó lợi ích cũng vòng vèo, đan xen nhau.

Và giải quyết nó thì không hề đơn giản?

Đúng. Muốn vậy phải công khai, minh bạch mọi thứ. 

Câu chuyện công khai, minh bạch đã được nói rất nhiều rồi. Hẳn là nó rất khó để thực hiện, hoặc thực hiện sẽ bị "thiệt thòi" nên người ta mới không chịu làm?

Bảo rằng nó khó thì cũng khó thật, nhưng không đến nỗi không làm nổi. Vấn đề là người ta có chịu làm không thôi. Công khai, minh bạch ra thì họ lấy gì mà chấm mút! 

Đừng mơ có sự ngay thẳng!

Những con đường cong không đến từ lý do bất khả kháng đã không có gì lạ ở ta nữa. Vậy nhưng mỗi khi có một con đường bị bẻ cong vẫn nhận được sự quan tâm của công luận. Liệu đó có phải "thấy chuyện bất bình chẳng tha" hay còn vì lý do nào khác, theo ông?

Dĩ nhiên, nó có cả chuyện người dân bức xúc với sự trắng trợn, lộ liễu của những người có thẩm quyền khi bẻ cong đường để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, cho phe nhóm của mình. Một phần khác là người dân muốn có một sự ngay thẳng, công bằng trong xã hội chứ không thể có ngoại lệ cho những người có chức quyền được.

Một đồng nghiệp của tôi đã bình luận như thế này: "Sự ngay thẳng là điều rất cần cho đất nước hiện nay và hãy bắt đầu theo cách dễ thấy nhất. Đó là xây dựng những con đường ngay thẳng". Thế nhưng, dường như việc dễ thấy nhất ấy mà người ta vẫn làm cho nó cong queo thì ở những góc khuất, sự cong queo sẽ chẳng dễ để phát hiện. Và khi đó, tạo ra một xã hội ngay thẳng là điều rất khó nếu không muốn nói là không tưởng?

Đúng vậy. Với cách vận hành cơ chế hiện nay, đừng mơ có được sự ngay thẳng.

Liệu đó có phải là một sự bi quan đến mức cực đoan?

Không phải. Nhìn vào thực tế, khi mà có những thứ người ta chỉ ngồi bàn giấy, trong phòng kín rồi quyết với nhau, quyền lực không khống chế được nhau thì rõ ràng chẳng bao giờ có được sự ngay thẳng đâu.

Theo ông thì làm gì để có được một xã hội mà sự ngay thẳng sẽ được đề cao?

Nếu không có sự cải cách căn bản thì đừng nói đến xóa tiêu cực, xóa đường cong... Cần phải làm đúng như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng là phải đổi mới thể chế và dân chủ hóa xã hội. Khi đó, sự ngay thẳng, công bằng sẽ được xác lập. Chứ cứ để như hiện nay thì nói chống tiêu cực cũng chỉ để vui thôi. Trong khi chờ đợi từng bước thực hiện hai điều căn bản ấy thì cũng nên tách bạch giữa quyền lực và lợi ích.

Bằng cách nào vậy?

Câu chuyện này nói đã nhàm lắm rồi. Ấy là phải đổi mới căn bản chế độ tiền lương, làm sao để người ta yên tâm rằng lương đủ nuôi họ cùng gia đình, lúc đó họ sẽ tập trung cho công việc thay vì lo tơ hào này nọ.

Khi làm được như thế thì hẳn quan chức cũng sẽ có lại được gen xấu hổ, thưa ông?

Tôi tin là thế. Nhưng tất cả những điều đó chắc cũng còn lâu lâu nữa mới thực hiện được.

Trân trọng cảm ơn ông!

- "Trong quản lý xã hội cũng cần có những sự ưu tiên. Thế nhưng, chế độ ưu tiên chỉ áp dụng cho những người yếu thế, khó khăn chứ không thể bảo vì là nhà ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện... nên không được mở đường lấn đất của họ. Đó không phải là sự ưu tiên mà là xu nịnh".

- "Nghị quyết của Đảng nêu rõ, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, xử lý phải có tình có lý. Vì thế, nhiều người mới viện vào đó mà làm sai, vì chữ tình thì chẳng ai định lượng được. Do đó, cần phải hoàn thiện cả hệ thống chính sách, pháp luật, để chữ tình cũng phải trong khuôn khổ pháp luật".