Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

CHUẨN ĐÔ ĐỐC LÊ KẾ LÂM: CẢNH GIÁC MỌI ĐỘNG TĨNH, CHIẾN THUẬT CỦA TRUNG QUỐC

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: “Cảnh giác mọi động tĩnh, chiến thuật của Trung Quốc”


BizLIVE - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết: Lợi dụng biển Đông có bão, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khảo sát thăm dò tại vùng biển mà họ ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào đặt trong hơn 2 tháng nay trên vùng biển của Việt Nam. 

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhiều thắc mắc được gửi tới sau động thái rút giàn khoan của Trung Quốc hôm 15/7.

Một độc giả băn khoăn: Việc Trung Quốc vừa di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào hiện nay? Trung Quốc có toan tính gì thêm trong bước đi tiếp theo không và Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào? 

Trả lời câu hỏi này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết: Từ 2/5/2014 đến 15/7/2014 Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây nên một sự xáo động rất lớn tại biển Đông. 

Việc làm đó của nhà cầm quyền Trung Quốc không những gây bất bình trong toàn dân Việt Nam mà còn khiến dư luận thế giới và chính khách các nước lớn trên thế giới đều cảm thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng, đơn phương áp đặt ý đồ chính trị của mình lên các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á. 

Vì vậy, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã cùng với toàn dân Việt Nam từ trong nước cũng như ngoài nước dùng mọi biện pháp (trừ quân sự) đấu tranh đòi nhà cầm quyền Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng với lực lượng bảo vệ hơn 100 tàu các loại, có 4 đến 7 tàu hảu quân và không quân ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc cố tình xâm phạm của Việt Nam.

Ngày 15/7/2014 lợi dụng tình hình biển Đông có bão Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khảo sát thăm dò tại vùng biển mà họ ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào đặt trong hơn 2 tháng nay trên vùng biển của Việt Nam. 

Giàn khoan Hải Dương 981 đã được nhà cầm quyền Trung Quốc di chuyển về đảo Hải Nam của họ.

"Sau vụ việc cố ý áp đặt và chèn ép của người láng giềng Trung Hoa đối với nhân dân Việt Nam, họ còn làm những gì tiếp theo thì chúng ta phải luôn luôn cảnh giác theo dõi mỗi động tĩnh từ chiến lược đến chiến thuật của Trung Quốc hiện nay", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết.

Trước câu hỏi nếu Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan trở lại vùng biển của Việt Nam thì Việt Nam có kiện họ ra Toà án Quốc tế không? Nếu kiện mà không giải quyết được thì Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo? 

Thạc sĩ Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật, thành viên ban nghiên cứu luật biển thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng: Hiện nay mặc dù Trung Quốc đã cho rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện việc chuẩn bị cho khởi kiện hành vi này của Trung Quốc ra tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của công luật biển, chứ không cần đợi tới việc Trung Quốc kéo giàn khoan lại lần nữa. 

"Tuy nhiên, việc phán quyết của một tòa quốc tế nó có tác dụng về mặt chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chứ không bắt buộc thi hành được đối với Trung Quốc. Vì vậy biện pháp pháp lý chỉ là một trong nhiều biện pháp mà chúng ta cần phải làm để bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông", Thạc sỹ Hoàng Việt nói.

THÓI QUEN TRONG NHÀ HÀNG: SỰ THẬT ĐÁNG NGẠI!

Thói quen trong nhà hàng: Sự thật đáng ngại? 


Thanh Hương

Một nhà hàng tại New York sau khi so sánh những hình ảnh ghi lại được vào năm 2004 với năm 2014, họ đã khám phá ra một vài sự thật. 

Lời người dịch: Tuy rằng hình ảnh những nhà hàng đắt khách tới mức khách hàng phải xếp hàng ngoài cửa để vào ăn chưa phổ biến ở Việt Nam, và vì thế vấn đề được nêu ra trong bài báo này sẽ không thực sự có ý nghĩa với người đọc Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề về đạo đức và ứng xử được đặt ra trong câu chuyện này là một vấn đề rất đáng để tham khảo. 

Thói quen trong nhà hàng: Sự thật đáng ngại? 

Một nhà hàng đắt khách tại New York gần đây nhận được nhiều phàn nàn về việc phục vụ chậm chạp, đến mức họ phải thuê một công ty chuyên trách để điều tra sự việc này. Và khi họ so sánh những hình ảnh ghi lại được vào năm 2004 với năm 2014, họ đã khám phá ra một vài sự thật đáng kinh ngạc. 

Sự việc như sau: 

Chúng tôi là một nhà hàng có tiếng với cả các khách địa phương cũng như khách du lịch. Vì đã mở cửa từ nhiều năm nay, nên chúng tôi đã nhận thấy, trong khi số lượng khách chúng tôi đón tiếp mỗi ngày tại thời điểm này là ngang ngửa với khoảng 10 năm trước, nhưng việc phục vụ trong nhà hàng chúng tôi trở nên chậm chạp hơn hẳn dù chúng tôi đã tăng số lượng nhân viên lên và cũng giảm bớt số món trong thực đơn. 

Một trong những lời phàn nàn chúng tôi, và cả một số nhà hàng khác trong khu vực, nhận được là, phục vụ quá chậm chạp và/hoặc là khách hàng phải chờ đợi quá lâu để có được chỗ ngồi. 

Chúng tôi quyết định thuê một công ty để tìm hiểu về vấn đề bí ẩn khó hiểu này, và đương nhiên, điều đầu tiên họ kết luận là các nhân viên của chúng tôi cần phải được đào tạo kĩ càng hơn, hoặc đơn giản là có thể các nhân viên trong nhà bếp chưa đủ sức để phục vụ lượng khách hàng ngày. 

Cũng giống như hầu hết các nhà hàng khác tại New York, chúng tôi có một hệ thống camera ghi hình, và khác với hệ thống kĩ thuật số hiện nay, 10 năm trước chúng tôi vẫn phải dùng hệ thống ghi hình vào băng cối, và những cuốn băng này chỉ được giữ lại trong vòng 90 ngày. 

Công ty điều tra có đề nghị chúng tôi lục lại những băng cũ này để phân tích lại chất lượng phục vụ của nhân viên thời điểm 10 năm trước và so sánh với thời điểm hiện tại. Tất nhiên là chúng tôi không thể tìm thấy một cuốn băng nào cả. 

Thật may mắn làm sao, chúng tôi tìm lại được một số máy ghi hình, và trong mỗi chiếc máy lại còn sót lại một cuốn băng cuối cùng, cuốn băng mà không ai trong chúng tôi thèm tháo ra khi nâng cấp toàn bộ hệ thống lên kĩ thuật số. 

Thời điểm được ghi lại trên băng là ngày 1 tháng 7, thứ Năm, năm 2004. Ngày hôm đó nhà hàng rất đông khách. Chúng tôi đã xem cuốn băng đó song song với những hình ảnh được ghi lại vào một ngày thứ Năm khác, ngày 3 tháng 7 năm 2014. Trên cả hai màn hình hiện lên số lượng khách khá tương đương nhau. 

Sau đây là những gì chúng tôi tìm thấy. Chúng tôi đã theo dõi tổng cộng là 45 giao dịch khác nhau để thu được những thông tin sau: 

2004: 

Khách hàng đi vào. 

Họ được đưa vào bàn và mời xem thực đơn, có 3 trong số 45 khách muốn đổi chỗ ngồi. 

Trung bình mỗi khách hàng mất khoảng 8 phút xem thực đơn trước khi họ gấp chúng lại, tỏ ý đã sẵn sàng để gọi món. 

Gần như ngay lập tức bồi bàn có mặt để ghi món. 

Các món khai vị được mang ra trong vòng 6 phút, tất nhiên những món phức tạp hơn thì mất thời gian hơn một chút. 
Có 2 trong số 45 khách trả lại món ăn. 

Các bồi bàn trong trạng thái theo dõi và trực chờ trong trường hợp khách hàng cần đến họ. 

Sau khi khách ăn xong, hoá đơn được mang đến, và trong vòng 5 phút sau đó là khách đứng lên rời khỏi nhà hàng. 

Thời gian trung bình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc: 1 tiếng 05 phút. 

2014: 

Khách bước vào nhà hàng. 

Khách hàng được đưa vào bàn và mời xem thực đơn, có 18 trong số 45 khách đòi đổi chỗ. 

Trước khi họ mở thực đơn ra xem, họ lấy điện thoại ra, một số thì chụp hình còn một số khách thì chỉ đơn giản là làm cái gì đó trên điện thoại của họ (xin lỗi chúng tôi không biết họ làm gì nữa và chúng tôi đương nhiên không kiểm soát hoạt động cá nhân của khách). 

Có 7 trong số 45 khách gọi bồi bàn tới ngay lập tức, nhưng là để chìa điện thoại của họ ra cho bồi bàn xem xét một cái gì đó và đoạn này chiếm khoảng 5 phút của bồi bàn. Sau này chúng tôi đã tìm hiểu và được biết rằng những khách này không vào được wifi và yêu cầu các bồi bàn tới giúp họ. 

Cuối cùng thì cũng đến lúc bồi bàn phải tới hỏi về việc gọi món. Hầu hết các khách còn chưa thèm mở cái thực đơn ra và đề nghị bồi bàn cho họ thêm thời gian. 

Rồi khách cũng mở menu ra, tuy nhiên, tay vẫn cầm máy điện thoại và tiếp tục làm gì đó trên điện thoại của họ. 

Bồi bàn quay trở lại để hỏi xem khách đã sẵn sàng gọi món hay chưa, hay có thắc mắc gì hay không. Khách yêu cầu thêm thời gian. 

Và cuối cùng thì khách cũng sẵn sàng để gọi món. 

Tổng cộng thời gian trung bình từ lúc khách ngồi xuống bàn cho đến khi gọi món khoảng 21 phút. 

Các món khai vị vẫn được mang ra sau khoảng 6 phút, và tất nhiên những món phức tạp hơn thì vẫn mất nhiều thời gian hơn. 

Khoảng 26 trong số 45 khách dành khoảng 3 phút ra để chụp ảnh món ăn của họ. 

14 trong số 45 khách chụp ảnh cùng nhau với dĩa đồ ăn ở phía trước mặt họ hoặc như thể họ đang ăn món ăn đó. Đoạn này cũng mất khoảng 4 phút vì họ chụp xong lại xem lại ảnh và đôi khi phải chụp lại tấm khác. 

Có 9 trong số 45 khách muốn hâm nóng lại đồ ăn của họ. Rõ ràng là nếu họ không dành thời gian làm việc gì đó trên điện thoại hoặc chụp ảnh với đồ ăn của họ thì đồ ăn đâu có bị để đến nguội đi như vậy. 

Lại có 27 trong số 45 khách yêu cầu bồi bàn chụp ảnh nhóm cho họ. 14 người trong số này yêu cầu bồi bàn chụp lại một tấm khác khi họ không hài lòng với tấm hình đầu tiên. Tổng cộng thời gian trung bình cho quá trình này, bao gồm cả màn chit chat giữa các khách cùng nhóm về những bức ảnh mất khoảng 5 phút thời gian của bồi bàn, và rõ ràng là làm cho những bồi bàn này không thể chăm sóc cho những bàn khác trong khu vực trách nhiệm của họ. 

Hầu hết các trường hợp khách hàng này đều luôn có vẻ bận rộn với điện thoại của họ tới mức mất thêm khoảng 20 phút nữa kể từ lúc họ ăn xong tới khi họ gọi tính tiền. Và ngay cả khi hoá đơn đã được mang ra thì họ cũng mất nhiều hơn 15 phút so với 10 năm trước để thanh toán và đứng lên đi về. 

8 trong số 45 khách va phải người khách khác hoặc là các bồi bàn trong quán do họ vừa đi vừa cắm mặt vào điện thoại. 

Và thời gian trung bình từ khi bắt đầu đến kết thúc là: 1 tiếng 55 phút. 

Đúng, chúng tôi hoàn toàn biết ơn tất cả các khách hàng đã lựa chọn nhà hàng chúng tôi để dùng bữa, nhất là khi ngoài kia ngày càng có nhiều lựa chọn hấp dẫn. Nhưng các thượng đế ơi, các bạn có thể biết nghĩ cho những người khác một chút hơn được không? 

Ảnh: ST Theo Báo Của Nick/ Distractify

DẠY CON VỀ KẺ MẠNH

Dạy con về kẻ mạnh


Bắt nạt không đơn giản là "chuyện trẻ con” chỉ thường xảy ra ở chốn học đường. Trên thực tế, chuyện bắt nạt ở nơi nào, lúc nào cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Câu nghị luận xã hội môn văn khối C thi ĐH năm nay hỏi thí sinh quan điểm về kẻ mạnh, kẻ yếu vì thế được xem là câu hỏi rất hay. 

Dạy con từ thuở còn thơ

"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ… Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” ("Đời thừa” của nhà văn Nam Cao), vậy điều gì làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như mỗi quốc gia? Triết lí nhân sinh cao đẹp mà Nam Cao tôn thờ, đã được học sinh hôm nay bàn tới trong nhiều hứng khởi.

Trong cuộc sống ai mà không mong muốn mình phải thật mạnh mẽ. Kể cả con trẻ, nhưng không phải ai cũng biết thế nào là kẻ mạnh. Báo giới đã nói tới quá nhiều vụ bắt nạt dã man ở học đường, mà phổ biến là tẩy chay, chế nhạo, cô lập, tấn công bằng lời nói, bạo lực thể chất, trấn lột, bắt nạt qua mạng…, phô trương sức mạnh của mình, hành xử như một kẻ mạnh ức hiếp kẻ khác. Thứ "đòn roi” này có thể hủy hoại thể diện, thanh danh hoặc thậm chí cả cuộc đời một học sinh. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật.

Một đồng nghiệp cho biết ở Anh có khoảng hơn 40% số vụ tự sát ở giới trẻ liên quan phần nào đến sự bắt nạt. Vậy phải dạy con ra sao nếu bị bắt nạt?

Các chuyên gia cho rằng với các hình thức bắt nạt thì các em đều cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô. Đừng quy lỗi cho con mà hãy bày tỏ sự quan tâm thực sự. Các con không đơn độc. "Quan trọng nhất là giáo dục và giúp các em đối đầu với các đối tượng thích bắt nạt kẻ khác. Dạy các em thói quen nhìn thẳng, đi đứng toát ra một vẻ tự tin. Có phương cách tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt, tìm người lớn để giúp đỡ lúc lâm nguy”.

Song có hai điều nhiều bậc cha mẹ khôn ngoan thường dạy con từ bé, dạy bằng trải nghiệm và dạy qua sách vở. Đó là không dễ thay đổi được người khác và thay đổi được hoàn cảnh, nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi được chính mình, kiểm soát và hoàn thiện chính mình. Và dạy từ sách vở, như nhà văn Nam Cao quan niệm: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

Khi cha mẹ, thầy cô hiểu kẻ mạnh thực chất là kẻ mang trong mình phẩm chất gì, cần làm gì để có thể trở thành kẻ mạnh trong cuốc sống này, con trẻ cũng sẽ hiểu rằng người quen thói bắt nạt cũng như ghen ghét, cạnh khóe, đố kị nhau chính là người yếu, người xấu, người ác, mà có thể chính họ nhầm lẫn, nghĩ mình là kẻ mạnh. Hành động của kẻ mạnh như vậy chỉ che đậy bản chất yếu đuối của mình, chỉ khiến họ dễ bị lợi dụng. Giản dị vì kẻ mạnh chỉ thực sự mạnh khi biết giúp đỡ người khác, sống thân thiện, hòa bình… 

Câu nghị luận xã hội trong đề thi văn yêu cầu thí sinh bày tỏ chủ kiến về kẻ mạnh, kẻ yếu, về sức mạnh chân chính của một quốc gia, hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh, hoàn toàn có thể dạy cho con em ta nói chung, từ mỗi gia đình. Quan niệm của nhà văn Nam Cao chính là cách sống cần thiết cho mỗi người, từ tấm bé. 

Cội nguồn sức mạnh chân chính còn là sự lạc quan, niềm hứng khởi, những nỗ lực chiến thắng bản thân, thắng những cám dỗ tầm thường, ích kỷ. Và tập thói quen không quan tâm điều kẻ bắt nạt nghĩ, tự tin ở những người tử tế. Đó có thể là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những người luôn sẵn sàng "giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Cứ như vậy, "nếu nhiều kẻ rắp tâm bắt nạt bạn, bạn sẽ cảm thấy thậm chí còn mạnh hơn nhiều lần”. 

Phương Anh/Báo Đại Đoàn Kết

MÓC TÚI DÂN, BỘ TRƯỞNG VŨ HUY HOÀNG CÓ BIẾT CHUYỆN Ở NGÀNH ĐIỆN?

Móc túi dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có biết chuyện ở ngành Điện?


TS. DƯƠNG XUÂN THÀNH

(GDVN) - Một loạt bài viết phản ánh chuyện tiền điện của các hộ tiêu dùng tháng 5/2014 bị tăng đột ngột, người viết bài này cũng không ngoại lệ.

Từ tháng 2 đến tháng 4/2014 do sửa nhà, thợ xây dựng dùng nhiều thiết bị điện (máy khoan cắt bê tông, máy hàn, điện chiếu sáng…) nên mỗi tháng gia đình phải trả khoảng từ 500.000 - 600.000 đồng tiền điện. Giữa tháng 4 công việc hoàn tất, nhà chỉ có hai người, sử dụng điện rất tiết kiệm nhưng tiền điện tháng 5/2014 lên đến gần 900.000 đồng. Hỏi người thu tiền thì nhận được câu trả lời: “Tại gia đình dùng nhiều, số trên công tơ chỉ như vậy”.

Vấn đề là ở chỗ đơn giá mỗi số được tính lũy tiến (xem bảng 1), giả thiết ngay từ đầu năm 2014 mỗi tháng nhân viên ngành Điện ghi giảm đi 50 kWh thì hết tháng 4 sẽ tích lũy được khoảng 200 kWh dồn sang cho tháng 5. Nếu bình quân gia đình dùng 300 kWh một tháng và tạm lấy biểu giá mới để so sánh thì giá cao nhất mà họ phải nộp là 2.082 đ/kWh. Số điện tích lũy dồn sang tháng 5 sẽ chịu giá 2.324 đ hoặc 2.399 đ/kWh. Nghĩa là đắt thêm khoảng 300 đồng mỗi kW, điều này đồng nghĩa với việc người dân bị móc túi khoảng 60.000 đồng.

Đây không phải là chuyện cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi, phải chăng đã có một sự chỉ đạo ngầm nào đó của ngành Điện? Nếu không thì không thể có chuyện xảy ra đồng loạt như vậy? Các quan chức ngành điện có thể chối bay chối biến nhưng không thể phủ nhận một thực tế vô lý mà người dân hết sức bức xúc. Việc làm này không phải là tinh vi gì, chỉ vì người dân không thể kêu ai khi mà lợi ích nhóm của ngành Điện đã được Bộ Công Thương “bảo kê”.

Giả sử có kiểm tra đồng hồ đo điện cũng sẽ không giải quyết được điều gì vì không thể quay ngược đồng hồ về thời điểm tháng 4 để biết chỉ số trên đồng hồ lúc đó là bao nhiêu. Cách duy nhất mà cơ quan phòng chống tham nhũng có thể tiến hành là kiểm tra lượng điện bán ra của từng đơn vị kinh doanh và doanh thu trong tháng so với các tháng khác. Việc này đáng tiếc lại là “bí mật kinh doanh” mà người dân không thể tiếp cận.

Tại huyện Gia Lâm, Hà Nội công tơ điện thường treo trên cột cao, người đi ghi số phải dùng thang và không bao giờ thông báo cho dân biết ngày ghi để dân kiểm tra, cách làm việc mù mờ này đã được duy trì từ nhiều năm nay. Đôi khi nhân viên ngành điện còn đánh đố: “Các bác muốn kiểm tra cứ trèo lên cột mà xem”. 

Cách đây vài năm, toàn bộ đồng hồ đo điện của dân bị ngành điện thay thế kể cả các loại đồng hồ do Nga sản xuất. Người dân không hề biết việc kiểm định, đánh giá chất lượng đồng hồ như thế nào, chỉ biết sau đó số tiền phải nộp tăng lên hơn trước khi thay đồng hồ.

Truyền thông và các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nói nhiều về sự minh bạch, nói nhiều về chống tham nhũng nhưng xử lý tham nhũng chính sách, tham nhũng tập thể toàn ngành, cả Bộ thì chưa có chế tài xử lý (hay là chưa muốn xử lý?).

Tờ Thanh niên ngày 26/7/2012 viết: “Trên thực tế, theo nhiều nhà máy, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của các nhà máy thủy điện chỉ 500 - 550 đồng/kWh. Với giá điện này hầu hết các nhà máy đều lỗ, dẫn tới tình trạng càng phát nhiều giờ trong ngày thì lỗ càng nặng. Trong khi đó EVN vẫn mua điện từ Trung Quốc với giá khoảng 1.300 đồng/kWh, gấp 2 - 3 lần giá mua điện của các nhà máy thủy điện”.

Sự độc quyền của ngành Điện kéo theo nhiều tệ nạn mà nhức nhối nhất là lợi ích nhóm. Mua điện của các nhà máy thủy điện trong nước vào mùa mưa, EVN chỉ trả khoảng 500 - 550 đồng/kWh. Trong khi đó Bộ Công thương quy định (từ 1/6/2014) giá bán điện sinh hoạt cho người dân chia thành 6 bậc, giá thấp nhất là gần gấp ba lần giá mua (1.388 đ/kWh) và cao nhất gần gấp 5 lần (bảng 1). Đấy là chưa kể giá điện còn thay đổi theo giờ, ban đêm khác, ban ngày khác, giờ cao điểm khác, giờ thấp điểm khác. Tất cả chung quy chỉ là các thủ thuật để có lợi cho ngành Điện. Khách hàng chỉ là "quả chanh" để ngành Điện tha hồ vắt, lấy đâu ra chuyện “khách hàng là thượng đế”?

Người dân mua càng nhiều điện càng phải chịu giá cao, nghịch lý kinh doanh này quả thật không khiến ai tâm phục, khẩu phục. Ngành Điện khi mua điện của các nhà máy có quy định 6 mức mua như khi bán không? Nếu giá mua là cố định thì tại sao lại phân thành 6 mức bán? 
Bảng giá bán điện sinh hoạt theo quy định của Bộ Công thương từ 1/6/2014.

Báo Đất Việt ngày 30/6/2014 viết: “EVN ký hợp đồng mua điện giá cao với Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD). Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua. Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Luật Điện lực ban hành ngày 3/12/2004 có hẳn một chương (chương 2) về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực. Vậy Bộ Công Thương (bộ Công Nghiệp cũ) để đâu quy hoạch và tầm nhìn đến nỗi điện trong nước dư thừa mà lại phải mua giá cao từ Trung Quốc?

Chỉ có hai cách lý giải, thứ nhất, các nhà hoạch định chiến lược, kể cả các cố vấn khoa học ngành điện không đủ năng lực dự báo, thiếu tầm nhìn về sự phát triển kinh tế của đất nước, dẫn tới đự báo sai.

Thứ hai, dù đủ năng lực dự báo, biết trước tình trạng sản xuất và tiêu thụ điện nhưng cố tình làm ngơ, tạo nguy cơ thiếu điện giả tạo để tăng giá phục vụ lợi ích nhóm?

Phải chăng nhiều nhà máy thủy điện không thuộc EVN không thể bán điện chính là lý do thiếu điện để hô hào tiết kiệm, để có cớ đặt ra tới sáu bậc giá điện bắt người dân phải mua giá cao? 

Ngừng hợp đồng mua điện của Trung Quốc sẽ bị phạt, điều này là đương nhiên, nhưng tại sao không nghĩ đến chuyện mua điện (giá vừa phải) của các nhà máy trong nước lấy số tiền chênh lệch đó nộp phạt. Làm được như vậy vừa tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, vừa cứu được các nhà đầu tư thủy điện, chờ đến khi nộp phạt xong thì mua theo giá thỏa thuận?

Cái sự nhức nhối của người dân với ngành Điện trong chuyện bị “móc túi” như báo chí phản ánh trong tháng 5 vừa qua chỉ là chuyện nhỏ nếu so với thiệt hai to lớn mà đất nước phải gánh chịu khi lệ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Muốn dân tin, rằng lãnh đạo ngành Điện, Bộ Công thương thực sự vì dân, vì nước chỉ cần chấm dứt sự không minh bạch, chấm dứt kiểu lợi ích cục bộ, xử lý thật nghiêm đội ngũ nhân viên và các cơ sở kinh doanh đang thực hiện hành vi móc túi dân. Điều này khó nhưng Bộ Giao Thông đang làm được, sao Bộ Công thương chưa dám làm? Câu hỏi này xin dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Báo Nhật: NÊN CẢNH GIÁC VỚI "TRÒ CHƠI" MỚI CỦA TRUNG QUỐC

‘Trung Quốc có thể lùi một bước bây giờ nhưng rất có thể họ sẽ chơi một trò chơi lâu dài hơn trong tương lai’. Đó là nhận định của Diplomat trước quyết định dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc hôm 15/7.


Trung Quốc đã thực hiện một thông báo gây sửng sốt vào sáng thứ Tư, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với Tân Hoa Xã rằng China National Petroleum Corp (CNPC) đã di chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou -981 khỏi vị trí mà nó hạ đặt trái phép từ 2/5 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Việc di chuyển giàn khoan về đảo Hải Nam diễn ra sớm hơn 1 tháng so với dự định đã đặt ra một số câu hỏi. CNPC ban đầu nói rằng giàn khoan sẽ hoạt độg đến 15/8 nhưng hôm qua họ nói rằng cả việc thăm dò và khoan đã hoàn tất. 

Phó Giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách CNPC, Wang Zhen, cho biết phân tích sơ bộ cho thấy rằng khu vực này có "điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí, nhưng thử nghiệm khai thác không thể bắt đầu trước khi có đánh giá toàn diện của dữ liệu." Như vậy Trung Quốc đã tự đưa ra một lý do cho quyết định nhưng họ cũng chỉ đề cập một cách mơ hồ về yêu cầu đánh giá dữ liệu. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ đưa giàn khoan trở lại khi có cơ hội.

Sáng nay, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.

Việc Trung Quốc đột ngột rút giàn khoan trước lịch trình định sẵn trong hoàn cảnh không có cảnh báo và cũng không công bố phô trương dẫn đến một giả định hợp lý là Trung Quốc đang tìm cách giảm căng thẳng với Việt Nam. Và rất có thể đó là kết quả của áp lực quốc tế với yêu sách ngang ngược đòi đến 90 phần trăm Biển Đông

Trong khi không đưa ra một lý do chính thức cho quyết định này, Tân Hoa Xã cũng ghi nhận rằng các hoạt động kiểm tra không thể được sắp xếp ngay lập tức bởi vì mùa mưa bão đã bắt đầu. Một quan chức ngành công nghiệp với kiến thức về các hoạt động dầu khí nói với Reuters rằng quyết định này là để đưa giàn khoan vào các công việc khác.

Điều này xem ra cũng là có cơ sở vì đây là giàn khoan dầu tiên tiến nhất và mới nhất của Trung Quốc với khả năng khoan sâu gấp đôi so với các giàn khoan hiện tại của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã thu hồi tất cả các tàu khác mà nó sử dụng để bảo vệ các giàn khoan và tuyên bố chủ quyền vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, quyết định đưa giàn khoan về Hải Nam có thể do áp lực ngày càng lớn trong khu vực. Việc Trung Quốc gần đây đưa yêu sách “đường chín đoạn” để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và gia tăng áp lực với Việt Nam và Philippines đã trở thành chất xúc tác cho khá nhiều hợp tácan ninh khu vực. 

Đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là Nhật Bản, đã đưa ra những cơ hội để cung cấp tàu bảo vệ bờ biển và tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước tương ứng. Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu chính của Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5 khi bị cả Mỹ và Nhật Bản chỉ trích về nỗ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực quan trọng nhất hiện nay.

Trong khi Trung Quốc dường như đang lùi lại trong lúc này thì cũng rất có thể họ sẽ chơi một trò chơi lâu hơn. Bắc Kinh cho thấy có thể khẳng định ý chí của họ ít nhất là trong quan hệ với một Việt Nam yếu hơn nhiều và hoàn thành mục tiêu bất chấp sự phản đối trong khu vực và cuộc đối đầu hàng ngày. 

Trung Quốc có thể sẽ coi đây là sự thiết lập một tiền lệ thành công, nhờ đó mà họ có thể áp đặt giải thích ranh giới khu vực mà không có một phản ứng dữ dội đáng kể. Thay vì giảm sự quyết đoán, các lãnh đạo Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ xem xét lại các vấn đề như thế này ở thời gian và địa điểm mà họ cho là thích hợp trong tương lai.

Tạm thời, sự cân bằng an ninh khu vực vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Nó chỉ thay đổi khi có một sức mạnh cứng từ bên ngoài di chuyển tới vùng này. Nếu không Trung Quốc đã chứng minh nó có đủ tiền để tăng và duy trì áp lực lâu dài trong khu vực.

Trần Vũ (Lược dịch từ Diplomat)

Carl Thayer: TOAN TÍNH CỦA TRUNG QUỐC KHI DỜI GIÀN KHOAN

Carl Thayer: Hai toan tính của Trung Quốc khi dời giàn khoan


Tác giả: Việt Anh

Kim Dung: “Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông Carl Thayer nhận định việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam có hai mục tiêu, gồm ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế và ngăn Việt Nam bắt tay với các nước khác” (VA)

Đây là hai nhận xét rất đáng suy ngẫm. 

Mình rất sợ cái tính cách người Việt, dễ cam chịu, dễ thỏa mãn. Việc TQ rút giàn khoan trước cơn bão, cũng nên tính đến là một nguyên nhân lớn. Kẻo không thì đã có những phân tích thắng lợi nhờ này, nọ, kiểu “mượn bão bẻ …thắng lợi”. Thế nhỡ sau cơn bão, TQ lại kéo giàn khoan trở lại, tọa lạc như cũ, thì khi đó, thắng lợi thành… thất bại của sự ảo tưởng là cái chắc!

Việc Trung Quốc điều giàn khoan 981 ra Biển Đông xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và gây trở ngại cho tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp. Ảnh: Chinanews.

Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi Hoàng Sa là vì nước này muốn tránh những rủi ro khi duy trì hơn một trăm tàu thuyền trong lúc cơn bão Rammasun (Thần Sấm) đang đi vào Biển Đông. Khi đưa giàn khoan vào đặt trái phép hồi tháng 5, phía Trung Quốc nói nó sẽ hoạt động đến 15/8.

“Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ trở lại Biển Đông sau mùa bão. Câu hỏi chính là họ đặt ở đâu”, ông Thayer nhấn mạnh. “Trung Quốc đóng các giàn khoan dầu để tìm dầu khí và sẽ sử dụng nó để khai thác cho nền kinh tế nước này”.

Với việc dời giàn khoan, Trung Quốc không cần triển khai các tàu thuyền ở khu vực này nữa. Việt Nam cũng không cần duy trì tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Như vậy là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ chấm dứt, ông Thayer lập luận.

Quyết định dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc phản ánh tính toán của Bắc Kinh, đó là hoàn thành các hoạt động của giàn khoan trước mùa bão và không buộc hoạt động của Hải Dương 981 với một cam kết vô hạn. Tuy nhiên giàn khoan này sẽ được tiếp tục sử dụng như một vũ khí của Trung Quốc để “tiếp tục cuộc tấn công về chính trị”, ông phân tích.

Theo giáo sư, sau khi giàn khoan dời đi, một lúc nào đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ bắt đầu những thảo luận tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Điều này có thể đồng nghĩa với khả năng Việt Nam sẽ kiềm chế không kiện Trung Quốc nữa, và cũng sẽ kiềm chế trong hợp tác với Mỹ và Nhật Bản.

“Tựu chung, động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc sẽ giúp nước này biện hộ rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến hai nước và loại trừ sự tham gia của bất kỳ nước bên ngoài nào”, Thayer cho biết.

Hành động của Trung Quốc cũng được lên kế hoạch để chặn trước những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đưa vấn đề căng thẳng ở Biển Đông ra Diễn đàn An ninh Khu vực ARF tháng tới tại Myanmar.

Đánh giá về dài hạn, ông Thayer cho rằng, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục các hoạt động khai hoang như đang làm ở Trường Sa, và tăng cường áp lực với Philippines.

Trung Quốc có thời gian cho đến nửa đầu năm 2016, khi Tòa án Trọng tài, nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines, dự kiến đưa ra phán quyết. Trung Quốc có mưu toan củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhiều hết mức có thể trước thời điểm đó.

Giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đêm qua bắt đầu di chuyển từ vị trí đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía đảo Hải Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra thông cáo xác nhận việc giàn khoan Hải Dương 981 hoàn tất hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa và dịch chuyển về một dự án mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào khu vực thuộc vùng biển của Việt Nam, được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Ông Bình một lần nữa khẳng định hoạt động của giàn khoan 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn hai tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.

Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5, nhiều nước đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Trong chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam tới Manila hồi tháng 5, chính phủ Philippines cho biết kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm. Philippines cũng ủng hộ Việt Nam cân nhắc việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những hành động xâm phạm chủ quyền.

Trong Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố dành sự ủng hộ tối đa cho Đông Nam Á, nơi Việt Nam và một số nước đang có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Nhật Bản sẽ cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm sau, đồng thời giúp đỡ đào tạo và chia sẻ thông tin với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Hôm 10/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan khỏi Hoàng Sa. Các nghị sĩ Mỹ cũng đề nghị Trung Quốc kiềm chế các hoạt động hàng hải trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển, và trở về nguyên trạng như trước ngày 1/5.

———–

PHẠM CHÍ DŨNG HOANG TƯỞNG

Phạm Chí Dũng hoang tưởng


Blog tôi vốn chưa bao giờ đề cập trực tiếp đến phe đối lập, phong trào dân chủ ở VN… Từ trước đến nay nếu có thì chỉ trên góc độ học thuật.

Thế nhưng vừa qua, rận chủ Chí Dũng có bài viết lên dây cót tinh thần cho chí hữu. Đọc bài viết của hắn mà tôi không khỏi phải bụm miệng cười với cái phép thắng lợi tinh thần AQ quá lố này.

Trong 1 bài viết đặt tít văn hoa "Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN"đăng trên BBC, Dũng biên: Những người bạn trẻ mới ra tù như Nguyễn Tiến Trung và Đỗ Thị Minh Hạnh đều thốt lên với gương mặt rạng rỡ đến ngỡ ngàng “Thật không thể tin nổi!”.
Nhiều cư dân mạng biết thừa cái trình "tự sướng" của lũ rận thật là vô đối. Chuyện của Tiến Trung qua đã lâu chắc ít người còn nhớ. Cậu ta có tâm sự tỏ ra mình đã sai lầm và hối tiếc khi dấn thân vào con đường "dân chủ" chống phá chính quyền, cậu ta đã xin được hưởng lượng khoan hồng để có thể làm lại cuộc đời. Từ ngày ra tù đến nay, Trung hầu như im hơi lặng tiếng cho dù được các tờ lá cái bơm thổi cổ vũ, nhưng có vẻ Trung đã không còn hứng thú tụ tập bầy đàn nữa. Còn Đỗ Thị Minh Hạnh thì được tha mới đây, chị ta có cười hơn hớn thật và có không muốn cười thì cũng phải cười với cái trình bốc thơm với những thán từ “thiên thần bóng tối”,“cánh chim bão táp”...

Cùng một số người nữa đã được ra tù đầu năm nay theo chính sách khoan hồng của nhà nước sau khi đã chấp hành tối thiểu 2/3 thời gian thi hành án, hay Cù con được tạo điều kiện thực hiện nguyện vọng sang Mỹ định cư. Nào có gì khác biệt?

Thế nhưng Chí Dũng hoan hỉ vì cho rằng đó là 1 “thắng lợi” của phe “dân chủ”.

Liệu có phải là thắng lợi khi phe này đã viết đơn khiếu nại tố cáo, hay đã đấu tranh để các đồng sự của mình được thả?

Không, dĩ nhiên là không, họ chẳng làm gì cả, mà chính là Chí Dũng tưởng tượng: chính quyền VN đã phải thả các “nhà dân chủ” vì sức ép của Mỹ! để “tìm một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc cùng một chỗ ngồi trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Và vì “sức ép này” mà đã phải “tự hạ thấp thể diện trong con mắt cộng đồng quốc tế. Chính sách thả tù nhân lương tâm cũng vì thế đã bắt đầu có hiệu lực một cách vô cùng kín đáo.

Điều hoang tưởng này thật là nực cười, không lẽ anh ta hay mấy vị kia là công dân Mỹ? Anh ta là công dân VN nhưng lại vui sướng vì chính quyền VN, chính thể đại diện cho cả quyền lợi của anh ta bịp ép buộc (giả sử nếu có) phải làm cái việc nằm ngoài độc lập tự do, ngoài khuân khổ pháp lý? Người có trí nào bình thường thấy, điều đó không có gì khác ngoài thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của chính quyền VN.

Vậy thì tại sao các nhà “dân chủ” không lấy lý do này để ca ngợi chính quyền!

Và với trí tưởng tượng bay bổng cùng phép thắng lợi tinh thần, Chí Dũng bắt đầu đá đưa về XHDS tận Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô, rồi vòng về VN với ý XHDN ở đây đâm chồi nở hoa rực rỡ như mùa xuân!

Chẳng những hoang tưởng, mà Chí Dũng còn không rõ, thời gian vừa qua, phong trào đối lập chống chính quyền với đủ loại nhãn mác đã tan tác, cờ quạt biển hiệu trên phố chỉ còn lưa thưa được mấy người nom rất thảm hại. Thậm chí Nguyễn Chí Đức, một nhân vật có tiếng trong “phe ta” của Chí Dũng còn phải cám cảnh: Không có biểu tình là xẹp hết, là tụt khí thế hết, không có cơ hội giao lưu-chém gió. Do đó theo ý anh ta, “tổ chức xã hội dân sự” cũng chẳng có ích gì! Thậm chí Chí Đức còn yêu cầu 1 XHDS có tên là “Mạng lưới Blogger Việt Nam” phải rút tên anh ta ra khỏi danh sách, nếu không sẽ “làm đơn trình báo công an”!

Nào đã hết, Ba blogger Mẹ Nấm, Paulo Thành Nguyễn tức Nguyễn Hồ Nhật Thành và blogger Trịnh Kim Tiến tham gia vào vụ lừa đảo “Cà phê nhân quyền”, dụ dỗ người nhà nạn nhân có người thiệt mạng xuống Nha Trang diễn trò. Bị phát hiện, nạn nhân và các nhà “dân chủ” đã xảy ra xô xát, cực chẳng đã, họ phải đến chính quyền trình báo và tố cáo các nhà “dân chủ” lừa đảo họ.

Dân người ta biết cả bộ mặt thật của các nhà “dân chủ, nhân quyền” và XHDS này rồi.

Cho dù hoang tưởng vậy, thì anh ta cũng không quên lăng xê cho cái XHDS có tên là Hội Nhà báo Độc lập mà anh ta làm hội trưởng vừa ra mắt.

Có gì mới chăng? Chẳng có gì cả, vẫn mấy gương mặt cũ mốc trong “phe ta” cả. Nhưng lần này rút kinh nghiệp, tổ chức có vẻ qui củ, có cả thông cáo nêu rõ điều lệ, tôn chỉ mục đích hoạt động, và tổ chức nhân sự.

Thậm chí anh ta còn lấy trùng ngày lập hội với ngày khai sinh nước Mỹ 4/7 để kỷ niệm Độc lập nước Mỹ. Anh ta viết thế này: Ngày khai sinh Hội này được những người khởi xướng gắn với “ý nghĩa tâm linh” với kỳ vọng rất vĩ đại: “Ý nghĩa ấy gắn với bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 vào thời khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tính chất độc lập của bản tuyên ngôn này lại rất phù hợp với tính cách độc lập của Hội các nhà báo tự do. Nếu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hướng đến một sự tách rời hoàn toàn khỏi ý đồ thực dân của nước Anh thì nhiệm vụ của báo giới độc lập Việt Nam vào lúc này và trong những năm tới cũng không khác biệt, tức không chỉ độc lập với các hội đoàn nhà nước mà còn phải đóng góp cho quốc gia để gìn giữ nền độc lập nước nhà trước họa xâm lăng Trung Quốc”.

Xem ra độc lập rất được hội này lăng xê cổ vũ!

Vậy xem tiếp: 

Sau khi IJAVN hình thành, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ với những tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo chí như Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ Nhà báo Quốc tế (CPJ), Tổ chức Freeedom House…, cùng một số tờ báo quốc tế có uy tín”.

Ô hay! Độc lập như thế ư? Mấy tổ chức kia đâu còn lạ gì với cánh nhà báo, giới net nữa với những trò xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ, thậm chí thọc gậy bánh xe vào các quốc gia khó ưa theo lệnh chủ Mỹ. Và các ông “Hội Nhà báo Độc lập” ngang nhiên làm ăn với bọn sủa thuê cho Mỹ.

Ới! Độc lập thế nào đây ông chủ tịch Phạm Chí Dũng ơi?