Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

DẠY CON VỀ KẺ MẠNH

Dạy con về kẻ mạnh


Bắt nạt không đơn giản là "chuyện trẻ con” chỉ thường xảy ra ở chốn học đường. Trên thực tế, chuyện bắt nạt ở nơi nào, lúc nào cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Câu nghị luận xã hội môn văn khối C thi ĐH năm nay hỏi thí sinh quan điểm về kẻ mạnh, kẻ yếu vì thế được xem là câu hỏi rất hay. 

Dạy con từ thuở còn thơ

"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ… Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” ("Đời thừa” của nhà văn Nam Cao), vậy điều gì làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như mỗi quốc gia? Triết lí nhân sinh cao đẹp mà Nam Cao tôn thờ, đã được học sinh hôm nay bàn tới trong nhiều hứng khởi.

Trong cuộc sống ai mà không mong muốn mình phải thật mạnh mẽ. Kể cả con trẻ, nhưng không phải ai cũng biết thế nào là kẻ mạnh. Báo giới đã nói tới quá nhiều vụ bắt nạt dã man ở học đường, mà phổ biến là tẩy chay, chế nhạo, cô lập, tấn công bằng lời nói, bạo lực thể chất, trấn lột, bắt nạt qua mạng…, phô trương sức mạnh của mình, hành xử như một kẻ mạnh ức hiếp kẻ khác. Thứ "đòn roi” này có thể hủy hoại thể diện, thanh danh hoặc thậm chí cả cuộc đời một học sinh. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật.

Một đồng nghiệp cho biết ở Anh có khoảng hơn 40% số vụ tự sát ở giới trẻ liên quan phần nào đến sự bắt nạt. Vậy phải dạy con ra sao nếu bị bắt nạt?

Các chuyên gia cho rằng với các hình thức bắt nạt thì các em đều cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô. Đừng quy lỗi cho con mà hãy bày tỏ sự quan tâm thực sự. Các con không đơn độc. "Quan trọng nhất là giáo dục và giúp các em đối đầu với các đối tượng thích bắt nạt kẻ khác. Dạy các em thói quen nhìn thẳng, đi đứng toát ra một vẻ tự tin. Có phương cách tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt, tìm người lớn để giúp đỡ lúc lâm nguy”.

Song có hai điều nhiều bậc cha mẹ khôn ngoan thường dạy con từ bé, dạy bằng trải nghiệm và dạy qua sách vở. Đó là không dễ thay đổi được người khác và thay đổi được hoàn cảnh, nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi được chính mình, kiểm soát và hoàn thiện chính mình. Và dạy từ sách vở, như nhà văn Nam Cao quan niệm: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

Khi cha mẹ, thầy cô hiểu kẻ mạnh thực chất là kẻ mang trong mình phẩm chất gì, cần làm gì để có thể trở thành kẻ mạnh trong cuốc sống này, con trẻ cũng sẽ hiểu rằng người quen thói bắt nạt cũng như ghen ghét, cạnh khóe, đố kị nhau chính là người yếu, người xấu, người ác, mà có thể chính họ nhầm lẫn, nghĩ mình là kẻ mạnh. Hành động của kẻ mạnh như vậy chỉ che đậy bản chất yếu đuối của mình, chỉ khiến họ dễ bị lợi dụng. Giản dị vì kẻ mạnh chỉ thực sự mạnh khi biết giúp đỡ người khác, sống thân thiện, hòa bình… 

Câu nghị luận xã hội trong đề thi văn yêu cầu thí sinh bày tỏ chủ kiến về kẻ mạnh, kẻ yếu, về sức mạnh chân chính của một quốc gia, hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh, hoàn toàn có thể dạy cho con em ta nói chung, từ mỗi gia đình. Quan niệm của nhà văn Nam Cao chính là cách sống cần thiết cho mỗi người, từ tấm bé. 

Cội nguồn sức mạnh chân chính còn là sự lạc quan, niềm hứng khởi, những nỗ lực chiến thắng bản thân, thắng những cám dỗ tầm thường, ích kỷ. Và tập thói quen không quan tâm điều kẻ bắt nạt nghĩ, tự tin ở những người tử tế. Đó có thể là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những người luôn sẵn sàng "giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Cứ như vậy, "nếu nhiều kẻ rắp tâm bắt nạt bạn, bạn sẽ cảm thấy thậm chí còn mạnh hơn nhiều lần”. 

Phương Anh/Báo Đại Đoàn Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét